1.3. HĐDH Lý luận chính trị ở trường Cao đẳng Sư phạm
1.3.1. Vai trò, vị trí của dạy học Lý luận chính trị trong thực hiện mục tiêu đào tạo ở trường Cao đẳng Sư phạm
Điều 5, Luật giáo dục Đại học 2012 xác định rõ mục tiêu của giáo dục đại học: “1. Mục tiêu chung:
a) Đào tạo nhân lực, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu khoa học, công nghệ tạo ra tri thức, sản phẩm mới, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế;
b) Đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức; có kiến thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp, năng lực nghiên cứu và phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ tương xứng với trình độ đào tạo; có sức khỏe; có khả năng sáng tạo và trách nhiệm nghề nghiệp, thích nghi với môi trường làm việc; có ý thức phục vụ nhân dân.
2. Mục tiêu cụ thể đào tạo trình độ cao đẳng
a) Đào tạo trình độ cao đẳng để sinh viên có kiến thức chuyên môn cơ bản, kỹ năng thực hành thành thạo, hiểu biết được tác động của các nguyên lý, quy luật tự nhiên
- xã hội trong thực tiễn và có khả năng giải quyết những vấn đề thông thường thuộc ngành được đào tạo;”
Như vậy, để thực hiện các mục tiêu trên, trường cao đẳng phải thực hiện nhiều nội dung, nhiệm vụ giáo dục khác nhau. Trong đó, dạy học Lý luận chính trị là một nội dung nhằm thực hiện mục tiêu “Đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức”, “hiểu biết được tác động của các nguyên lý, quy luật tự nhiên - xã hội trong thực tiễn”. Đây chính là những tri thức là nền tảng, tiền đề để thực hiện các mục tiêu khác.
Về vị trí, vai trò của lý luận, V.I.Lênin đã khẳng định: “Không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”. Không có lĩnh vực nào của đời sống xã hội hiện đại lại đứng ngoài chính trị, từ vấn đề phát triển kinh tế, văn hóa đến xây dựng đạo đức, lối sống; từ sự đánh giá về quá khứ, đến dự báo tương lai... đều phải có định hướng chính trị rõ ràng.
Có thể bạn quan tâm!
- Quản lý hoạt động dạy học lý luận chính trị ở trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục - 1
- Quản lý hoạt động dạy học lý luận chính trị ở trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục - 2
- Các Nghiên Cứu Về Hđdh Và Quản Lí Dạy Học Lý Luận Chính Trị
- Định Hướng Dạy Học Lý Luận Chính Trị Ở Trường Cao Đẳng Sư Phạm Đáp Ứng Yêu Cầu Đổi Mới Giáo Dục
- Quản Lý Hoạt Động Dạy Lý Luận Chính Trị Của Giảng Viên Ở Trường Cao Đẳng Sư Phạm Đáp Ứng Yêu Cầu Đổi Mới Giáo Dục
- Khái Quát Về Trường Cao Đẳng Sư Phạm Điện Biên Và Bộ Môn Lý Luận Chính Trị
Xem toàn bộ 137 trang tài liệu này.
Đối với sinh viên, việc học tập các môn lý luận chính trị và quán triệt nghiêm túc nội dung lý luận chính trị có ý nghĩa quan trọng:
Thứ nhất, góp phần phát triển con người toàn diện
Cùng với việc học tập kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, sinh viên phải được trang bị hệ thống tri thức lý luận chính trị đúng đắn. Bởi kiến thức lý luận chính trị là kim chỉ nam chỉ phương hướng rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức; hướng các em đến hành động thực tiễn nhân văn, tiến bộ, khoa học; hun đúc cho sinh viên lòng yêu nước chân chính; có tinh thần kiên định, vững vàng, không hoang mang, dao động trước những biến động phức tạp của cuộc sống và tình hình chính trị trên thế giới.
Thứ hai, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới.
Học tập và quán triệt nội dung các môn lý luận chính trị giúp sinh viên có trình độ và năng lực tư duy lý luận khoa học. Có quan điểm đúng đắn, lập trường cách mạng vững chắc và phương pháp luận khoa học, là điều kiện để sinh viên chủ động, tự tin vươn lên làm chủ khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Thứ ba, giúp sinh viên có lập trường tư tưởng kiên định, bản lĩnh chính trị vững vàng, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch
Sinh viên là những người đang trong quá trình phát triển về trí tuệ và nhân cách. Đây là giai đoạn mà họ đang khẳng định vai trò, vị trí và trách nhiệm của mình với xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh sự mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, khát khao lý tưởng và hành động để thực hiện lý tưởng của mình, hướng tới những giá trị xã hội mới, sinh viên lại cũng có cả tính bồng bột, thậm chí liều lĩnh, mạo hiểm, chưa đủ kinh nghiệm và từng trải để có cách suy xét, đánh giá các giá trị, lựa chọn giá trị theo tinh thần duy lý... Thông qua học tập các môn lý luận chính trị, sinh viên có nhận thức cần thiết về hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa; niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự nghiệp đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay. Từ đó, sẽ quyết định khuynh hướng, mục đích và hiệu quả hoạt động của sinh viên trong học tập, lao động; có lý tưởng cách mạng trong sáng, làm chủ bản thân, giàu lòng yêu quê hương, đất nước, xây dựng và củng cố vững chắc mục tiêu lý tưởng.
1.3.2. Mục tiêu, nội dung chương trình dạy học Lý luận chính trị ở trường Cao đẳng Sư phạm
Về mục tiêu dạy học
Mục tiêu dạy học là trạng thái phát triển nhân cách được dự kiến trước của học viên sau một quá trình đào tạo, dựa trên yêu cầu phát triển của đất nước, của thị trường lao động. Trạng thái phát triển nhân cách được thể hiện ở phẩm chất và năng lực của người được đào tạo. Hệ thống phẩm chất và năng lực này lại thể hiện ở việc hoàn thành nhiệm vụ được giao sau khi tốt nghiệp.
Mục tiêu dạy học là thành tố có ý nghĩa quyết định của quá trình dạy học. Nó quy định nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục, các tiêu chuẩn KTĐG kết quả giáo dục. Là yếu tố dự kiến về sản phẩm của giáo dục nên mục tiêu giáo dục liên quan trực tiếp đến việc phát huy sức mạnh của con người, là vấn đề then chốt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Vì vậy, việc xác định đúng đắn mục tiêu giáo dục phù hợp với sự phát triển của thời đại, của đất nước để định hướng cho hoạt động giáo dục là vấn đề có tính chiến lược.
Các loại mục tiêu dạy học
- Mục tiêu chung của nền giáo dục.
- Mục tiêu của bậc học (tiểu học, trung học, đại học...).
- Mục tiêu của trường học (mục tiêu đào tạo của từng nhà trường).
- Mục tiêu của ngành học.
- Mục tiêu của môn học (học phần).
- Mục tiêu của bài học (còn gọi là mục tiêu chuyên biệt).
Ngày 18 tháng 9 năm 2008 Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 52/2008/QĐ/BGDĐT “Ban hành chương trình các môn lý luận chính trị trình độ đại học, cao đẳng dùng cho sinh viên khối không chuyên ngành Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. Theo đó, chương trình chương trình các môn Lý luận chính trị trình độ đại học, cao đẳng dùng cho sinh viên khối không chuyên ngành Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, gồm 3 môn:
1. Môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin.
2. Môn Tư tưởng Hồ Chí Minh.
3. Môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Mục tiêu cụ thể của từng môn học được xác định trong Quyết định số 52/2008/QĐ/BGDĐT như sau:
Môn học Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin nhằm giúp cho sinh
viên:
- Xác lập cơ sở lý luận cơ bản nhất để từ đó có thể tiếp cận được nội dung môn
học Tư tưởng Hồ Chí Minh và Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, hiểu biết nền tảng tư tưởng của Đảng;
- Xây dựng niềm tin, lý tưởng cách mạng cho sinh viên;
- Từng bước xác lập thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận chung nhất để tiếp cận các khoa học chuyên ngành được đào tạo.
Môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm giúp cho sinh viên:
- Cung cấp những hiểu biết có tính hệ thống về tư tưởng, đạo đức, giá trị văn hoá, Hồ Chí Minh.
- Tiếp tục cung cấp những kiến thức cơ bản về chủ nghĩa Mác - Lênin.
- Cùng với môn học Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin tạo lập những hiểu biết về nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam hành động của Đảng và của cách mạng nước ta.
- Góp phần xây dựng nền tảng đạo đức con người mới.
Môn học Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm giúp cho sinh viên:
- Cung cấp cho sinh viên những nội dung cơ bản của đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó chủ yếu tập trung vào đường lối của Đảng thời kỳ đổi mới trên một số lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội phục vụ cho cuộc sống và công tác. Xây dựng cho sinh viên niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, theo mục tiêu, lý tưởng của Đảng.
- Giúp sinh viên vận dụng kiến thức chuyên ngành để chủ động, tích cực trong giải quyết những vấn đề kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội theo đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Về nội dung chương trình
Chương trình dạy học là văn kiện có tính pháp quy do Nhà nước ban hành, trong đó quy định một cách cụ thể:
- Vị trí, môn học trong kế hoạch dạy học
- Mục đích yêu cầu của môn học (yêu cầu về tri thức, kỹ năng kỹ xảo, thái độ hành vi)
- Nội dung môn học (các phần, các chương, các bài)
- Kế hoạch thời gian: số tiết dành cho từng phần, từng chương, từng bài cũng như số tiết dành cho ôn tập, kiểm tra, thực hành...
- Giải thích chương trình và hướng dẫn thực hiện chương trình Thực hiện chương trình dạy học là thực hiện kế hoạch đào tạo theo mục tiêu đào tạo của nhà trường.
Về nguyên tắc, chương trình dạy học là pháp lệnh của Nhà nước do Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành, người GV phải thực hiện nghiêm chỉnh, không được tùy tiện thay đổi, thêm bớt làm sai lệch chương trình dạy học. Chương trình dạy học là công cụ chủ yếu để Nhà nước lãnh đạo và giám sát HĐDH của nhà trường thông qua các cơ quan quản lý giáo dục. Đồng thời nó cũng là căn cứ pháp lý để nhà trường và các GV tiến hành tổ chức công tác giảng dạy thống nhất trong phạm vi toàn quốc, SV tiến hành học tập theo yêu cầu chung. GV cần nghiên cứu nắm vững chương trình môn học mà mình phụ trách. Đồng thời cũng tìm hiểu, nghiên cứu chương trình các môn có liên quan để có thể thiết lập mối quan hệ liên môn trong quá trình dạy học. Qua đó, giúp SV dễ dàng có bức tranh chung về thế giới và cho các em có quan điểm phức hợp hệ thống cũng như có tư duy linh hoạt mềm dẻo khi học các môn học.
Chương trình các môn Lý luận chính trị được quy định trong Quyết định số 52/2008/QĐ/BGDĐT, nội dung chương trình cơ bản của các môn Lý luận chính trị bao gồm:
- Môn học Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin: Thời lượng: 5 tín chỉ (phần 1: 2 tín chỉ; phần 2 và 3: 3 tín chỉ), trong đó nghe giảng: 70%, thảo luận: 30%. Nội dung chương trình gồm: nhập môn những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, thế giới quan và phương pháp luận triết học của chủ nghĩa Mác-Lênin, học thuyết kinh tế của chủ nghĩa Mác-Lênin về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin về chủ nghĩa xã hội.
- Môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh: Thời lượng: 2 tín chỉ, trong đó nghe giảng: 70%, thảo luận: 30%. Nội dung môn học: Cơ sở, quá trình hình thành và phát triển tư tưởng hồ chí minh; hệ thống các quan điểm lý luận của Hồ Chí Minh (tư tưởng hồ chí
minh về vấn đề dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc, về chủ nghĩa xã hội và con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở việt nam, về đảng cộng sản việt nam, về đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, về dân chủ và xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân, về văn hóa, đạo đức và xây dựng con người mới); sự vận động của tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn cách mạng Việt Nam.
- Môn học Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam: Thời lượng: 3 tín chỉ, trong đó nghe giảng: 70%, thảo luận: 30%. Nội dung môn học gồm: sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam và cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, đường lối đấu tranh giành chính quyền (1930-1945), đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945-1975), đường lối công nghiệp hoá, đường lối xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đường lối xây dựng hệ thống chính trị, đường lối xây dựng và phát triển nền văn hoá; giải quyết các vấn đề xã hội, đường lối đối ngoại.
1.3.3. Phương pháp dạy học, hình thức tổ chức dạy học Lý luận chính trị ở trường Cao đẳng Sư phạm
PPDH bao gồm cả phương pháp dạy và phương pháp học tác động lẫn nhau, phối hợp với nhau. Trong đó, phương pháp dạy giữ vai trò chủ đạo đối với phương pháp học, phương pháp học có tính độc lập tương đối, chịu sự chi phối của phương pháp dạy và tác động trở lại phương pháp dạy.
Hệ thống PPDH hiện nay bao gồm các nhóm cơ bản sau: Một số PPDH sử dụng ngôn ngữ nói và viết (phương pháp thuyết trình, phương pháp vấn đáp), các PPDH trực quan (quan sát, trình bày trực quan), các PPDH thực hành, thực tiễn (thí nghiệm, luyện tập, ôn tập), các phương pháp khác (tổ chức trò chơi, động não, thảo luận nhóm, phương pháp đóng vai, phương pháp kể chuyện, PPDH theo dự án,...) [36, tr.128-150].
Hình thức tổ chức dạy học là những hình thái tồn tại khác nhau của quá trình dạy học. Trong thực tiễn, các hình thức dạy học thể hiện bằng ba dạng tổ chức dạy học: Dạng cá nhân, dạng nhóm, dạng toàn lớp.
- Hình thức lớp bài
- Hình thức tự học
- Hình thức hoạt động ngoại khóa
- Hình thức tham quan
- Hình thức giúp đỡ riêng (phụ đạo)
- Hình thức thảo luận và hình thức xêmina [36, tr.150-167].
Hệ thống các PPDH và HTDH có thể vận dụng trong quá trình dạy học Lý luận chính trị ở trường CĐSP như sau:
- Các nội dung lý thuyết: Các PPDH có thể sử dụng là thuyết trình, đàm thoại, vấn đáp, công não, kể chuyện, quan sát,...Và chủ yếu sử dụng HTDH lớp - bài.
- Các nội dung thảo luận: Có thể sử dụng các PPDh như thảo luận, đóng vai, dạy học theo dự án,...và linh hoạt hơn trong việc sử dụng HTDH như thảo luận, xêmina, tham quan, hoạt động ngoại khóa,.....
Trong quá trình dạy học Lý luận chính trị ở trường cao đẳng sư phạm, giảng viên
cần:
- Phối hợp các phương pháp nhằm phát huy ưu thế và khắc phục được hạn chế
của từng phương pháp.
- Lựa chọn, vận dụng PPDH phải tùy thuộc vào đặc trưng môn học, nội dung dạy học, mục đích, yêu cầu của bài học, đặc điểm nhận thức của sinh viên, phương tiện, hình thức tổ chức dạy học của nhà trường, của bộ môn và cá nhân và năng lực, trình độ của nhà sư phạm...
- Tổ chức thực hiện tốt hình thức dạy học chủ đạo là hình thức lớp bài, áp dụng linh hoạt các hình thức tổ chức dạy học khác, phối hợp dạy học trong và ngoài nhà trường tùy vào yêu cầu, nhiệm vụ, nội dung,... của từng bài học.
1.3.4. Kiểm tra đánh giá kết quả học tập Lý luận chính trị của sinh viên ở trường Cao đẳng Sư phạm
KTĐG được xem là công cụ quan trọng chủ yếu xác định năng lực nhận thức người học, điều chỉnh quá trình dạy học, là động lực để đổi mới PPDH, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng đào tạo con người Việt Nam theo mục tiêu giáo dục.
Năm 1999, Bộ GD&ĐT có văn bản chính thức quy định về kiểm tra và thi học phần đại học, cao đẳng. Theo Quy chế 04/1999 của Bộ GD&ĐT được ký ngày 11 tháng 02 năm 1999, GV chỉ có thể đánh giá được kiến thức và phương pháp tư duy bằng bài kiểm tra định kỳ sau mỗi học trình 15 tiết, tức là cho kiểm tra và chấm bài thi chứ không tổ chức cho sinh viên học theo nhóm và đánh giá theo nhóm.
Năm 2001, giáo dục Việt Nam thay đổi từ đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo học chế tín chỉ. Công tác đánh giá kết quả học tập của sinh viên cũng thay đổi. Ngày 30 tháng 07 năm 2001, Bộ GD&ĐT ra quyết định số 31/2001/QĐBGD&ĐT về
việc thí điểm tổ chức đào tạo, kiểm tra, thi và công nhận tốt nghiệp đại học, cao đẳng hệ chính quy theo học chế tín chỉ do Thứ trưởng Trần Văn Nhung ký ban hành. Quy chế này có một số khác biệt so với Quy chế 04/1999 là Hiệu trưởng được quyền quy định số kỳ thi kết thúc học phần nhưng không quá hai lần, quy định thời gian ôn thi và quy định tỉ trọng của điểm kiểm tra thường kỳ trong điểm thi kết thúc học phần.
Năm 2003, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục ra đời, công tác đánh giá học lực sinh viên được chú trọng hơn và được các cấp lãnh đạo, nhà giáo dục quan tâm nhiều hơn, việc ứng dụng phương pháp thi trắc nghiệm khách quan được triển khai rộng khắp từ tuyển sinh đại học (đầu vào) đến các đề thi học kỳ và thi tốt nghiệp (đầu ra).
Tháng 06 năm 2006, Bộ GD&ĐT lại ban hành Quy chế về đào tạo lần thứ ba, Quy chế 25/2006. Định hướng quy chế đưa ra mong muốn thay đổi cơ bản phương pháp đánh giá kết quả học tập của các sinh viên theo hướng chuẩn hóa và đánh giá trong suốt quá trình học tập, sử dụng nhiều phương pháp đa dạng, khoa học và hiện đại. Vì vậy, các trường đại học sẽ được thành lập các đơn vị khảo thí và kiểm định chất lượng độc lập để tách rời khâu dạy với khâu thi, khâu KTĐG nhằm khắc phục những mặt tiêu cực trong quá trình dạy và học. Theo Quy chế này thì GV đề xuất hình thức thi kết thúc học phần, còn Hiệu trưởng quyết định. Nhờ vậy mà cách thức tổ chức thi, hình thức thi sẽ được áp dụng một cách linh hoạt và đánh giá sát thực kết quả học tập của từng môn học. Sự khác biệt lớn nhất về đánh giá kết quả học tập cho một môn học trong Quy chế 25/2006 này là điểm học phần (điểm tổng hợp đánh giá học phần) bao gồm: 1) điểm kiểm tra thường xuyên trong quá trình học tập; 2) điểm đánh giá nhận thức và thái độ tham gia thảo luận; 3) điểm đánh giá phần thực hành; 4) điểm chuyên cần; 5) điểm thi giữa học phần; 6) điểm tiểu luận và 7) điểm thi kết thúc học phần, trong đó điểm thi kết thúc học phần là bắt buộc cho mọi trường hợp và phải có trọng số không dưới 50% của điểm học phần. Như đã nói, việc lựa chọn các hình thức đánh giá bộ phận và trọng số của các điểm đánh giá bộ phận cũng như cách tính điểm tổng hợp đánh giá học phần do giảng viên đề xuất, được Hiệu trưởng phê duyệt và phải được quy định trong đề cương chi tiết của học phần. Như vậy, quy chế 25 để mở khả năng cho các GV đánh giá kỹ năng, thái độ của sinh viên.