Có thể hiểu, chuẩn đầu ra (CĐR) như lời cam kết của nhà trường đối với xã hội về những kiến thức, kỹ năng, thái độ, hành vi, qua đó, khẳng định những năng lực lao động cụ thể mà sinh viên sẽ thực hiện được sau khi được đào tạo tại nhà trường.
* Ý nghĩa
- Đối với nhà trường:
Chuẩn đầu ra là cơ sở để nhà trường xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, đảm bảo sản phẩm đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội; Thông qua CĐR để giới thiệu với xã hội năng lực đào tạo của nhà trường, tạo được niềm tin trong sinh viên, phụ huynh, người sử dụng lao động; Tăng cường khả năng hợp tác giữa nhà trường với xã hội.
Chuẩn đầu ra là cơ sở hỗ trợ công tác đảm bảo chất lượng và hình thành các chuẩn đào tạo; gắn kết giáo dục nghề nghiệp với giáo dục đại học tạo điều kiện học liên thông và học suốt đời…
- Đối với giảng viên:
Chuẩn đầu ra là cơ sở để thiết kế lại nội dung giảng dạy; lựa chọn phương pháp dạy học tích cực, lượng hóa rõ ràng về các tiêu chí đánh giá kết quả học tập của sinh viên; cũng qua đó, thực hiện được tính tích cực trong dạy học.
Chuẩn đầu ra là cơ sở để đổi mới phương pháp học tập trung vào người học: khắc phục một số vấn đề tồn tại gắn với cách truyền thống coi trọng đầu vào trong phát triển chương trình đào tạo, giảng viên dạy những gì mà mình có, nhà trường cung cấp dịch vụ giáo dục có đến đâu thì làm đến đó. CĐR cũng là cơ sở nâng cao mối quan hệ Dạy-Học-Đánh giá.
- Đối với sinh viên:
Thông qua chuẩn đầu ra, sinh viên lượng hóa được mục đích học tập của mình, xác định cụ thể các yêu cầu đối với bản thân, từ đó, không ngừng nỗ lực học tập và rèn luyện theo các CĐR, đáp ứng yêu cầu của nhà trường và xã hội. Cũng nhờ vậy, sinh viên sẽ được tăng cường cơ hội học tập, cơ hội việc làm.
Có thể bạn quan tâm!
- Quản lí hoạt động dạy học môn tiếng Anh theo chuẩn đầu ra tại trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên, tỉnh Điện Biên - 2
- Ý Nghĩa Khoa Học Và Thực Tiễn Của Đề Tài
- Hoạt Động Dạy Học; Quản Lí Hoạt Động Dạy - Học
- Sử Dụng Các Phương Tiện, Đồ Dùng Dh Đáp Ứng Cđr Ở Bậc Cđ
- Khái Quát Về Trường Cao Đẳng Sư Phạm Điện Biên
- Thực Trạng Thực Hiện Mục Tiêu Dh Tiếng Anh Theo Chuẩn Đầu Ra Ở Trường Cao Đẳng Sư Phạm Điện Biên
Xem toàn bộ 137 trang tài liệu này.
- Đối với các cá nhân, tổ chức sử dụng lao động:
Chuẩn đầu ra của các trường là cơ sở để các cá nhân, tổ chức đánh giá khả năng cung ứng nhân lực của các trường, xác định được nguồn cung cấp nhân lực phù hợp với yêu cầu lao động. Bên cạnh đó, các cá nhân, tổ chức sử dụng lao động cũng có thể lựa chọn chính xác nguồn nhân lực tiềm năng cho mình, từ đó, phối hợp với các trường thực hiện đào tạo theo địa chỉ. Điều này vừa hỗ trợ hoạt động cho các trường, vừa giảm được chi phí và thời gian đào tạo lại của nơi sử dụng nhân lực.
- Đối với xã hội:
Xã hội có cơ sở giám sát hoạt động đào tạo của các trường và có quyền đòi hỏi các trường điều chỉnh hoạt động để thực hiện đúng CĐR đã được xác định. Việc thực hiện CĐR giúp xã hội có được nguồn nhân lực chất lượng cao.
1.2.3.2. Quản lý hoạt động dạy học tiếng Anh theo CĐR
Là quản lý quá trình giảng dạy và học tập kiến thức ngôn ngữ, kỹ năng ngôn ngữ tiếng Anh, quản lý các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động dạy học tiếng Anh của cán bộ quản lý và các hoạt động chuyên môn hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn tiếng Anh trong nhà trường.
Để quản lý hoạt động dạy và học tiếng Anh cần chú ý những vấn đề cơ bản sau đây:
Quản lý thực hiện theo kế hoạch, quản lý thực hiện chương trình, quản lý thực hiện chất lượng dạy và học, quản lý thực hiện thanh kiểm tra giảng viên và sinh viên. Quản lý hoạt động dạy học tiếng Anh ở bậc CĐ, ĐH mang tính quản lý hành chính sư phạm.
Tính chất hành chính: quản lý theo pháp luật và những nội quy quy chế, quy trình có tính chất bắt buộc trong hoạt động dạy học.
Tính sư phạm: Chỉ sự quy định của các quy luật của quá trình dạy học, diễn ra trong môi trường sư phạm, lấy hoạt động dạy học làm đối tượng quản lý.
1.3. Một số vấn đề lý luận về dạy học môn tiếng Anh theo chuẩn đầu ra ở trường Cao đẳng sư phạm
1.3.1. Đặc điểm sinh viên Cao đẳng
Sinh viên là một công dân thực thụ của đất nước với đầy đủ quyền hạn và nghĩa vụ trước pháp luật. Đây là một nhóm xã hội đặc biệt đang chuẩn bị trực tiếp cho việc tham gia vào đời sống xã hội. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy: Nhìn chung sau một thời gian học tập ở trường cao đẳng, đa số SV thích ứng khá nhanh chóng với môi trường và xã hội mới trên cơ sở tình bạn của những người trẻ tuổi. Khó khăn mà SV phải gặp là sự thích nghi được với nội dung, phương pháp học tập mới có tính chất nghiên cứu khoa học và học nghề. Hoạt động nhận thức của SV chủ yếu là đi sâu tìm hiểu môn học, những chuyên ngành khoa học cụ thể một cách chuyên sâu để nắm được đối tượng, nhiệm vụ phương pháp, qui luật của các khoa học đó với mục đích trở thành những chuyên gia về các lĩnh vực nhất định. Hoạt động nhận thức của họ một mặt phải kế thừa những thành tựu đã có, mặt khác phải tiếp cận những thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến hiện đại mang tính thời sự.
Với SV, việc học tập của họ bị chi phối bởi nhiều động cơ như sự tự khẳng định, tự ý thức về năng lực phẩm chất của người thanh niên trưởng thành, những động cơ có tính xã hội… SV cũng chịu sự chi phối của các cán bộ giảng dạy trong việc tổ chức dạy học.
Theo B.G.Ananhev và một số nhà tâm lý học khác, tuổi SV là thời kỳ phát triển tích cực nhất của những loại tình cảm cao cấp như tình cảm trí tuệ, tình cảm đạo đức, tình cảm thẩm mỹ. Trong đời sống SV những tình cảm này được biểu hiện rất phong phú.
Hoạt động học tập của SV mang tính độc lập trí tuệ cao, nó khác hẳn với nhà
trường phổ thông, việc học tập ở bậc học này đòi hỏi người SV phải là người chủ
động trong việc tổ chức, định hướng, cụ thể hóa quá trình học tập của mình. Mỗi SV phải giải quyết nhiệm vụ học tập do GV và do chính bản thân đề ra. Trong quá trình học tập SV phải lập kế hoạch học tập, tự kiểm tra và đánh giá việc thực hiện kế hoạch đã đề ra. Ngoài ra, để đạt được mục đích học tập của mình SV phải hình thành cho mình cách học mang tính khoa học và đem lại hiệu quả cao. HĐ học tập ở bậc CĐ còn đòi hỏi SV phải tích cực trao đổi với GV, với bạn bè về các vấn đề học tập, độc lập nghiên cứu tài liệu, có óc phê phán, có chính kiến riêng,... HĐ học tập của SV còn gắn bó chặt chẽ với HĐ nghiên cứu khoa học. HĐ nghiên cứu khoa học giúp SV làm quen với tác phong làm việc của người nghiên cứu, phát triển tối ưu tư duy sáng tạo và các đặc điểm nhân cách.
1.3.2. Chuẩn đầu ra môn tiếng Anh đối với sinh viên CĐ
* Chuẩn về kiến thức
Chuẩn về kiến thức bao gồm CĐR cho các khối kiến thức như sau: Khối kiến thức chung (về kiến thức nền tảng chung, kiến thức phương pháp luận, nhân sinh quan, thế giới quan); Khối kiến thức chung theo lĩnh vực (về kiến thức chung đặc trưng của lĩnh vực đào tạo, kiến thức liên ngành); Khối kiến thức chung của khối ngành (về kiến thức chung đặc trưng của khối ngành đào tạo); Khối kiến thức chung của nhóm ngành (về kiến thức khoa học cốt lõi đặc trưng của nhóm ngành); Khối kiến thức liên quan trực tiếp và mang tính đặc thù của ngành học như kiến thức chuyên ngành và bổ trợ bao gồm cả kiến thức thực tập và tốt nghiệp (kiến thức đặc thù cốt lõi trực tiếp của ngành, liên quan đến việc thực tập, thực tế, khóa luận,…).
* Chuẩn về kỹ năng
+ Kỹ năng nghề nghiệp
Kỹ năng lập luận nghề nghiệp, phát hiện và giải quyết vấn đề (các kỹ năng như lập kế hoạch, tổ chức sắp xếp công việc, đặt mục tiêu, tạo động lực, chăm sóc đối tác, nhận thức và bắt kịp với sự thay đổi của môi trường, lập và quản lý ngân sách, điều hành các cuộc họp hiệu quả, quản lý dự án, kiểm soát stress,
xây dựng đội ngũ vững mạnh, quảng bá thương hiệu trên Internet, sử dụng tiếng Anh chuyên ngành); Khả năng lập luận tư duy và giải quyết vấn đề (gồm phát hiện, hình thành, tổng quát hóa, đánh giá, phân tích, giải quyết vấn đề và đưa ra giải pháp kiến nghị); Khả năng nghiên cứu và khám phá kiến thức (gồm khả năng cập nhật kiến thức, tổng hợp tài liệu, phân tích và phản biện kiến thức hiện tại, nghiên cứu để phát triển hay bổ sung kiến thức); Kỹ năng tư duy một cách hệ thống (là khả năng phân tích vấn đề theo logic có so sánh và phân tích với các vấn đề khác và nhìn vấn đề dưới nhiều góc độ); Khả năng nhận biết và phân tích bối cảnh và ngoại cảnh tác động đến cơ sở làm việc, ngành nghề (gồm trách nhiệm của các cử nhân, hiểu tác động của ngành nghề đến xã hội và các yêu cầu của xã hội về ngành nghề, bối cảnh lịch sử và văn hóa dân tộc, các vấn đề và giá trị thời đại, bối cảnh toàn cầu); Kỹ năng nhận biết và phân tích tình hình trong và ngoài đơn vị làm việc (cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức) (văn hóa, chiến lược phát triển đơn vị, mục tiêu, kế hoạch của đơn vị, quan hệ giữa đơn vị với ngành nghề đào tạo, làm việc thành công trong đơn vị,...); Kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn (khả năng vận dụng linh hoạt và phù hợp kiến thức, kỹ năng được đào tạo với thực tiễn nghề nghiệp; khả năng làm chủ khoa học kỹ thuật và công cụ lao động của nghề nghiệp; khả năng phát hiện và giải quyết hợp lý vấn đề trong nghề nghiệp); Năng lực sáng tạo, phát triển và dẫn dắt sự thay đổi trong nghề nghiệp (có khả năng nghiên cứu cải tiến hoặc phát minh sáng tạo trong hoạt động nghề nghiệp hoặc dẫn dắt các sự thay đổi đó; cập nhật và dự đoán xu thế phát triển ngành nghề và khả năng làm chủ Khoa học kỹ thuật và công cụ lao động mới và tiên tiến).
+ Kỹ năng mềm
Kỹ năng tự chủ (các kỹ năng học và tự học suốt đời, quản lý thời gian và tự chủ, thích ứng với sự phức tạp của thực tế, hiểu biết văn hóa, hiểu và phân tích kiến thức - kỹ năng của một cá nhân khác để học tập suốt đời...); Kỹ năng làm việc theo nhóm (hình thành nhóm, duy trì hoạt động nhóm, phát triển nhóm và kỹ năng làm việc với các nhóm khác nhau); Kỹ năng quản lý và lãnh đạo (điều khiển, phân
công và đánh giá hoạt động nhóm và tập thể, phát triển và duy trì quan hệ với các đối tác; khả năng đàm phán, thuyết phục và quyết định trên nền tảng có trách nhiệm với xã hội và tuân theo luật pháp); Kỹ năng giao tiếp (lập luận sắp xếp ý tưởng, giao tiếp bằng văn bản và các phương tiện truyền thông, thuyết trình, giao tiếp với các cá nhân và tổ chức, …); Kỹ năng giao tiếp sử dụng ngoại ngữ (như tiếng Anh đối với hệ chuẩn là B1, tương đương 4.0 IELTS; đối với hệ CLC là B2, tương đương 5.0 IELTS; đối với chương trình tài năng, tiên tiến và đạt chuẩn quốc tế là C1, tương đương 6.0 IELTS; các thứ tiếng khác được đối chiếu tương đương); Các kỹ năng mềm khác.
Chuẩn về phẩm chất đạo đức
Phẩm chất đạo đức cá nhân (sẵn sàng đương đầu với khó khăn và chấp nhận rủi ro, kiên trì, linh hoạt, tự tin, chăm chỉ, nhiệt tình, say mê, tự chủ, chính trực, phản biện, sáng tạo…); Phẩm chất đạo đức nghề nghiệp (đạo đức nghề nghiệp, hành vi và ứng xử chuyên nghiệp, độc lập, chủ động,…); Phẩm chất đạo đức xã hội (có trách nhiệm với xã hội và tuân theo pháp luật, ủng hộ và bảo vệ cái đúng, sáng tạo và đổi mới).
1.3.3. Hoạt động dạy học tiếng Anh theo chuẩn đầu ra cho SV ở trường CĐ
1.3.3.1. Mục tiêu, nhiệm vụ dạy học tiếng Anh theo chuẩn đầu ra ở bậc CĐ
* Mục tiêu chung
Giúp sinh viên nắm được ý chính khi nghe và đọc các văn bản chuẩn về những chủ đề quen thuộc, thường gặp ở nơi làm, trường học, khu vui chơi giải trí,…; Xử lý hầu hết các tình huống có khả năng xảy đến khi đi đến những nơi sử dụng ngôn ngữ đó; Tạo ra các ngôn bản có tính liên kết về chủ đề quen thuộc, phù hợp với sở thích cá nhân; Miêu tả những trải nghiệm, sự kiện, ước mơ, hi vọng, ước muốn và lý giải gọn gàng cho các ý kiến và kế hoạch được vạch ra.
* Mục tiêu cụ thể
SV có thể nắm được kiến thức ngôn ngữ như ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng, và vận dụng thành thạo các kỹ năng nghe nói đọc viết.
* Mục tiêu về thái độ
Xác định rõ được tầm quan trọng của môn học và có ý thức cao độ trong việc học hỏi nắm bắt nội dung môn học; Phát huy tối đa tinh thần tự học thông qua nghiên cứu sách ngữ pháp, đọc thêm các tài liệu trên mạng Internet, …; Thực hiện nghiêm túc thời gian biểu, làm việc và nộp bài đúng hạn; Tự giác trong học tập và trung thực trong thi cử; Phát huy tối đa khả năng sáng tạo khi thực hiện các hoạt động trên lớp cũng như ở nhà; Tham gia tích cực và có tinh thần xây dựng và óc tư duy sáng tạo và phê phán vào các hoạt động trên lớp; Chia sẻ thông tin với bạn bè và giảng viên; Chủ động đặt câu hỏi về những thắc mắc của mình.
1.3.3.2. Nội dung, chương trình dạy học tiếng Anh theo CĐR ở bậc CĐ
Môn học cung cấp cho sinh viên những kiến thức tổng hợp về:
Các vấn đề ngữ pháp tiếng Anh dành cho sinh viên các trình độ, việc sử dụng từ, ngữ pháp phổ biến, phân biệt văn phong học thuật và văn phong hội thoại, cách dựng câu, …;
Từ vựng cơ bản được sử dụng trong các lĩnh vực liên quan đến chuyên ngành học tập;
Phương pháp thuyết trình khoa học;
Các kỹ năng ngôn ngữ đọc, nghe, nói, viết ở các mức độ.
1.3.3.3. Phương pháp và hình thức tổ chức DH theo CĐR ở bậc CĐ
Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII khẳng định: “phải đổi mới phương pháp giáo dục đào tạo, khắc phục lối truyền thụ một chiều, rèn luyện nếp tư duy sáng tạo của người học. Từng bước áp dụng các phương pháp tiên tiến và phương tiện hiện đại vào quá trình dạy học, đảm bảo điều kiện và thời gian tự học, tự nghiên cứu cho học sinh”.[30]
Để hình thành và phát triển kỹ năng nghe, nói, đọc, viết thông qua luyện tập các kiến thức ngôn ngữ như ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, cần quán triệt các phương pháp DH cơ bản sau:
GV tổ chức và hướng dẫn SV tham gia tích cực vào quá trình học tập thông qua các hoạt động cá nhân, theo cặp và nhóm. GV cần kết hợp hài hòa các phương pháp và kỹ thuật DH, sử dụng hiệu quả các thiết bị đồ dùng DH và các tài liệu hỗ trợ nhằm tạo hứng thú học tập cho SV.
SV là chủ thể của hoạt động học tập. SV tham gia hoạt động học tập và hoạt động giao tiếp tích cực, chủ động, sáng tạo và với tinh thần hợp tác cao. SV cần luyện tập thực hành giao tiếp một cách có ý thức trong hoạt động học tập trên lớp và tự học.
Việc lựa chọn phương pháp DH cần phù hợp với mục tiêu, nội dung chương trình, đối tượng đào tạo. Phải kết hợp nhiều phương pháp và luôn sáng tạo để phù hợp với từng tiết dạy. GV phải tìm cách dẫn dắt SV thâm nhập vào môi trường ngôn ngữ, nhận thức các hiện tượng và hành vi ngôn ngữ để từ đó hình thành các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và dịch.
1.3.3.4. Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của SV theo chuẩn đầu ra ở bậc CĐ
Trong quá trình DH ngoại ngữ, kiểm tra đánh giá có một ý nghĩa hết sức quan trọng cả về mặt giáo dục lẫn giáo dưỡng. Kiểm tra trước hết đảm bảo mối liên hệ ngược trong quá trình điều khiển hoạt động dạy và học và giúp cho thầy trò nắm được chính xác kết quả của từng khâu, từng giai đoạn, từ đó có được những biện pháp điều chỉnh kịp thời để hoạt động đúng mục tiêu và đem lại kết quả cao. Việc đánh giá học tập sau mỗi lần kiểm tra có tác dụng nâng cao ý thức trách nhiệm, duy trì sự yêu thích thường xuyên với môn học. Để kiểm tra đánh giá cần tuân thủ các yêu cầu sau:
+ Đánh giá phải căn cứ vào mục tiêu để có phương pháp đánh giá phù hợp, đồng thời mới xác định được nội dung kiểm tra đánh giá.