Hoạt Động Bồi Dưỡng Cho Cán Bộ Quản Lý Trường Tiểu Học

sự sẵn sàng và nhiệt tình phấn đấu, tích cực hăng hái chủ động theo sự phân công đã định để hoàn thành những mục tiêu của tổ chức

* Chức năng kiểm tra, đánh giá: Là chức năng liên quan đến mọi cấp quản lý để đánh giá kết quả hoạt động của hệ thống. Nó thực hiện xem xét tình hình thực hiện công việc so với yêu cầu, từ đó đánh giá đúng đắn.

Một điều rất quan trọng nữa là trong chu trình đó, yếu tố thông tin luôn có mặt ở mọi giai đoạn để tham gia thực hiện chức năng quản lý.

1.2.1.2. Quản lý giáo dục

* Có nhiều quan niệm khác nhau về quản lý giáo dục:

Theo P.V.Khudominxki: “Quản lý giáo dục là tác động có hệ thống, có kế hoạch, có ý thức và mục đích của các chủ thể quản lý ở các cấp khác nhau đến tất cả các khâu của hệ thống nhằm mục đích bảo đảm việc giáo dục cộng sản chủ nghĩa cho thế hệ trẻ, bảo đảm sự phát triển toàn diện, hài hòa của họ” (dẫn theo [31]).

Theo Phạm Minh Hạc: “Quản lý nhà trường (quản lý giáo dục nói chung) là thực hiện đường lối giáo dục của Đảng trong phạm vi trách nhiệm của mình đưa nhà trường vận hành theo nguyên lý giáo dục để tiến tới mục tiêu giáo dục, mục tiêu đào tạo đối với thế hệ trẻ và với từng học sinh” [26, tr.47].

Theo Đặng Quốc Bảo: “Quản lý giáo dục theo nghĩa tổng quát là hoạt động điều hành, phối hợp của các lực lượng xã hội nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo thế hệ trẻ theo yêu cầu xã hội” [5, tr.32].

Nguyễn Ngọc Quang cho rằng “Quản lý giáo dục là hệ thống những tác dộng có mục đích, có kế hoạch, hợp quy luật của chủ thể quản lý nhằm làm cho hệ thống vận hành theo đường lối và nguyên lý giáo dục của Đảng, thực hiện được các tính chất của nhà trường xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mà tiêu biểu hội tụ quá trình dạy học giáo dục thế hệ trẻ; đưa hệ thống giáo dục tới mục tiêu dự kiến, tiến lên trạng thái mới về chất” [39, tr.35].

Vậy ta có thể hiểu Quản lý giáo dục là hệ thống tác động có mục đích, có kế hoạch, hợp quy luật của chủ thể quản lý nhằm làm cho hệ thống được quản lý vận hành theo đường lối giáo dục và nguyên lý của Đảng, thực hiện được các tính chất của nhà trường xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mà tiêu biểu hội tụ là quá trình dạy học - giáo dục thế hệ trẻ đưa hệ giáo dục tới mục tiêu dự kiến, tiến lên trạng thái mới về chất.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 143 trang tài liệu này.

Tóm lại: QLGD là quá trình tác động có kế hoạch, có tổ chức của các cơ quan QLGD các cấp tới các thành tố của quá trình dạy học, giáo dục nhằm làm cho hệ thống giáo dục vận hành có hiệu quả và đạt tới mục tiêu giáo dục nhà nước đề ra [35, tr.67].

1.2.2. Cán bộ quản lý trường tiểu học

Quản lý hoạt động bồi dưỡng cán bộ quản lý trường tiểu học của phòng giáo dục và đào tạo thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh theo định hướng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông - 4

Tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định số: 27/2015/NĐ-CP ngày 10/3/2015 của Chính phủ "Quy định về xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú", có nêu: Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bao gồm:

- Giáo viên, giảng viên (gọi chung là nhà giáo) trực tiếp làm nhiệm vụ nuôi dạy, giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, giáo dục thường xuyên, nhà trường và các cơ sở giáo dục khác quy định tại Điều 49, Điều 61, Điều 62, Điều 63, Điều 64 và Điều 69 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (gọi chung là cơ sở giáo dục).

- Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các cơ sở giáo dục quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này; viên chức làm nhiệm vụ quản lý tại các phòng, ban, viện, trung tâm (không có chức năng đào tạo), văn phòng thuộc các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; cán bộ, công chức Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT; công chức chuyên trách làm công tác quản lý dạy nghề Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; cán bộ, công chức chuyên trách công tác quản lý giáo dục các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (gọi chung là Bộ); nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được điều động, bổ nhiệm làm cán bộ công đoàn giáo dục (gọi chung là cán bộ quản lý giáo dục).

Do vậy,theo chúng tôi, căn cứ vào các quy định nêu trên, Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng trường tiểu học là đối tượng cán bộ quản lý giáo dục.

Tuy nhiên, như trong phần phạm vi giới hạn nghiên cứu của đề tài đã xin phép chỉ nghiên cứu cán bộ quản lý trường tiểu học là Hiệu trưởng trường tiểu học.

Theo đó, trong Điều 54 - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục - Năm 2009 có quy định Hiệu trưởng: "Là người chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động của nhà trường, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm, công nhận" [41].

Chức năng của Hiệu trưởng trường tiểu học.

Điều 20 - Điều lệ trường Tiểu học - năm 2010 quy định: Hiệu trưởng trường tiểu học là người chịu trách nhiệm tổ chức, QL các hoạt động và chất lượng GD của nhà trường. Hiệu trưởng do Trưởng phòng GD&ĐT bổ nhiệm đối với trường tiểu học công lập, công nhận đối với trường tiểu học tư thục theo quy trình bổ nhiệm hoặc công nhận Hiệu trưởng của cấp có thẩm quyền.

Nhiệm kì của Hiệu trưởng trường tiểu học là 5 năm. Sau 5 năm, Hiệu trưởng được đánh giá và có thể được bổ nhiệm lại hoặc công nhận lại. Đối với trường tiểu học công lập, Hiệu trưởng được QL một trường tiểu học không quá hai nhiệm kì. Mỗi Hiệu trưởng chỉ được giao QL một trường tiểu học.

Sau mỗi năm học, mỗi nhiệm kì công tác, Hiệu trưởng trường tiểu học được cán bộ, GV trong trường và cấp có thẩm quyền đánh giá về công tác QL các hoạt động và chất lượng GD của nhà trường theo quy định.

Nhiệm vụ và quyền hạn của Hiệu trưởng trường tiểu học.

Khoản 5, Điều 20, Điều lệ trường Tiểu học - 2010 quy định:

- Xây dựng quy hoạch phát triển nhà trường; lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch dạy học, GD; báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện trước Hội đồng trường và các cấp có thẩm quyền.

- Thành lập các tổ chuyên môn, tổ văn phòng và các hội đồng tư vấn trong nhà trường; bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó.

- Phân công, QL, đánh giá, xếp loại; tham gia quá trình tuyển dụng, thuyên chuyển; khen thưởng, thi hành kỉ luật đối với GV, nhân viên theo quy định.

- QL hành chính; QL và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài chính, tài sản của nhà trường.

- QL HS và tổ chức các hoạt động GD của nhà trường; tiếp nhận, giới thiệu HS chuyển trường; quyết định khen thưởng, kỉ luật, phê duyệt kết quả đánh giá, xếp loại, danh sách HS lên lớp, ở lại lớp; tổ chức kiểm tra, xác nhận việc hoàn thành chương trình tiểu học cho HS trong nhà trường và các đối tượng khác trên địa bàn trường phụ trách.

- Dự các lớp bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ QL; tham gia giảng dạy bình quân 2 tiết trong một tuần; được hưởng chế độ phụ cấp và các chính sách ưu đãi theo quy định.

-Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở và tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội trong nhà trường hoạt động nhằm nâng cao chất lượng GD.

- Thực hiện xã hội hoá GD, phối hợp tổ chức, huy động các lực lượng xã hội cùng tham gia hoạt động GD, phát huy vai trò của nhà trường đối với cộng đồng.

Theo đó,CBQL trường tiểu học chính là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường tiểu học. Đội ngũ này phải luôn được quan tâm xây dựng, đào tạo,bồi dưỡng về phẩm chất, trình độ chuyên môn và nghiệp vụ QLGD để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ ngày càng cao trong tình hình mới.

1.2.3. Hoạt động bồi dưỡng cho Cán bộ quản lý trường tiểu học

Bồi dưỡng: Theo Từ điển Tiếng Việt (Nhà xuất bản Đà Nẵng), bồi dưỡng là "làm cho tăng thêm năng lực hoặc phẩm chất". Trong QLGD, công tác bồi dưỡng thường được gắn liền với đào tạo và đã từ lâu, cụm từ Đào tạo - Bồi dưỡng đã trở thành một định danh chỉ một công việc của ngành GD&ĐT nói chung và của các cấp quản lý từ Bộ đến Sở và phòng GD&ĐT nói riêng.

Bồi: nghĩa chữ Hán là vun bón; nghĩa bóng là dưỡng dục nhân tài; Dưỡng: là nuôi lớn. Theo đại từ điển tiếng Việt: "Bồi dưỡng là làm tăng thêm năng lực hoặc phẩm chất của con người".

Trong giáo dục, bồi dưỡng là quá trình tiếp nối đào tạo nhằm nâng cao năng lực và phẩm chất chuyên môn cho người lao động, là quá trình "cập nhật hóa kiến thức còn thiếu hoặc đã lạc hậu, bổ túc nghề nghiệp, đào tạo thêm hoặc củng cố các kỹ năng nghề nghiệp theo các chuyên đề".

Bồi dưỡng thực chất là nhằm làm giàu vốn kiến thức, nâng cao hiệu quả lao động từ việc bồi đắp những thiếu hụt về trí thức, cập nhật cái mới trên cơ sở "giữ gìn", "nuôi dưỡng" những cái cũ còn phù hợp để mở mang có hệ thống những tri thức, kỹ năng, nghiệp vụ, thái độ chuyên nghiệp để nâng cao hiệu quả công việc đáp ứng nhu cầu nghề nghiệp - nghề Hiệu trưởng trường tiểu học.

Như vậy, theo chúng tôi,hoạt động bồi dưỡng CBQL trường tiểu học: là quá trình biến đổi, cập nhật, trang bị thêm hoặc trang bị mới về kiến thức, kỹ năng, thái độ về công tác quản lý trường tiểu học: nhằm đạt được tiêu chuẩn CBQL trường tiểu học: Các hoạt động này nhằm tạo điều kiện cho CBQL trường tiểu học: có cơ hội để củng cố và mở mang một cách có hệ thống những tri thức, kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ sẵn có để thực thi công việc có hiệu quả hơn.

1.2.4. Quản lý hoạt động bồi dưỡng cho Cán bộ quản lý trường tiểu học

Quản lý hoạt động bồi dưỡng cho CBQL trường tiểu học là quản lý hoạt động bồi dưỡng cập nhật, bổ sung những kiến thức, kỹ năng mới còn thiếu hụt hoặc lạc hậu và thái độ nghề nghiệp trong công tác cho người CBQL trường tiểu học để họ có đủ khả năng đảm nhiệm tốt tất cả các công việc được giao.

Quản lý hoạt động bồi dưỡng CBQL trường tiểu học là quá trình tác động có chủ định của chủ thể quản lý đến quá trình biến đổi, cập nhật, trang bị thêm hoặc trang bị mới về kiến thức, kỹ năng, thái độ về công tác quản lý trường tiểu học nhằm đạt được tiêu chuẩn người CBQL trường tiểu học.

Theo chúng tôi, có thể hiểu: Quản lý hoạt động bồi dưỡng CBQL trường tiểu học được hiểu là việc thực hiện các chức năng quản lý của thủ trưởng đơn vị trong việc nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, thái độ cho CBQL trường tiểu học để đảm bảo sau bồi dưỡng đạt tiêu chuẩn người CBQL trường tiểu học. Quản lý hoạt động bồi dưỡng CBQL trường tiểu học chính là quản lý mục tiêu bồi dưỡng, nội dung bồi dưỡng, phương pháp bồi dưỡng, người dạy, người học, cơ sở vật chất - thiết bị bồi dưỡng, hình thức bồi dưỡng và kết quả bồi dưỡng.

1.3. Các quy định về bồi dưỡng Cán bộ quản lý giáo dục trường tiểu học theo định hướng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông

Để đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, Bộ GD-ĐT đã ban hành thông tư số 26/2015/TT-BGDĐT về "Chương trình bồi dưỡng thường xuyên cán bộ quản lý trường tiểu học" [56]. Theo đó, chương trình gồm những nội dung sau:

- Nội dung bồi dưỡng bắt buộc:

1). Nội dung bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ năm học cấp tiểu học áp dụng trong cả nước, bao gồm các nội dung về đường lối, chính sách phát triển giáo dục và giáo dục tiểu học; yêu cầu về công tác quản lý giáo dục tiểu học do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định theo từng năm học (sau đây gọi là nội dung bồi dưỡng 1).

2). Nội dung bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục tiểu học theo từng thời kì của mỗi địa phương, bao gồm các nội dung về phát triển giáo dục tiểu học của địa phương; về quản lý việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa, kiến thức giáo dục địa phương; phối hợp với các chương trình, dự án (nếu có) do sở giáo dục và đào tạo quy định cụ thể theo từng năm học (sau đây gọi tắt là nội dung bồi dưỡng 2).

Sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo theo phân cấp quản lý có thể thay đổi thời lượng bồi dưỡng ở từng nội dung bồi dưỡng sao cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, kế hoạch giáo dục của địa phương trong từng năm học nhưng phải đảm bảo thời lượng bồi dưỡng theo quy định.

- Nội dung bồi dưỡng tự chọn (sau đây gọi tắt là nội dung bồi dưỡng 3); Bao gồm 03 phần với 15 lĩnh vực/năng lực quản lý trường tiểu học và 36 mô đun. CBQL tự lựa chọn các mô đun bồi dưỡng phù hợp với nhu cầu bồi dưỡng của cá nhân hoặc

theo quy định của sở giáo dục và đào tạo phòng giáo dục và đào tạo theo phân cấp về thời lượng thực hiện khối kiến thức này trong từng năm học.

Hướng dẫn thực hiện chương trình cũng quy định về thời gian, thời lượng thực hiện bồi dưỡng; hình thức, tài liệu và kế hoạch thực hiện chương trình; triển khai kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên và tổ chức thực hiện chương trình.

Những nội dung bồi dưỡng là căn cứ của việc quản lý, tổ chức biên soạn tài liệu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng và tự bồi dưỡng CBQL trường tiểu học; giúp nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của CBQL trường tiểu học để thực hiện mục tiêu của giáo dục tiểu học, đáp ứng các yêu cầu phát triển giáo dục tiểu học theo hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào.

Thông tư liên tịch số 11/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 29/5/2015 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT "Hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của sở giáo dục và đào tạo thuộc ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, phòng giáo dục và đào tạo thuộc ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh". Theo đó, Sở GD-ĐT có nhiệm vụ: "Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế công chức, cơ cấu ngạch công chức, vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong các cơ sở trực thuộc; thực hiện chế độ tiền lương và chế độ đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật đối với công chức, viên chức và lao động thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật và theo sự phân công hoặc ủy quyền của ủy ban nhân dân cấp tỉnh". Phòng GD-ĐT có nhiệm vụ: "Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý của ủy ban nhân dân cấp huyện sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý giáo dục và đào tạo đối với cán bộ công chức xã được phân công phụ trách, theo dõi công tác giáo dục ở địa phương. Thực hiện công tác thống kê, thông tin, báo cáo định kỳ và hàng năm báo cáo đột xuất về tổ chức và hoạt động giáo dục theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo và ủy ban nhân dân cấp huyện".

Như vậy, Phòng GD-ĐT quận/huyện vừa chịu sự quản lý của Sở GD- ĐT vừa có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng và kiểm tra, đánh giá về chuyên môn và nghiệp vụ cho đội ngũ CBQL cấp tiểu học.

1.4. Yêu cầu phẩm chất và năng lực của Hiệu trưởng trường tiểu học theo định hướng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông

1.4.1. Yêu cầu phẩm chất và năng lực theo chuẩn Hiệu trưởng trường tiểu học

Theo chuẩn Hiệu trưởng trường tiểu học, do Bộ GD&ĐT ban hành năm 2011 yêu cầu phẩm chất và năng lực là:

1.4.1.1. Phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp

Bao gồm 5 tiêu chí: Phẩm chất chính trị; Đạo đức nghề nghiệp; Lối sống, tác phong; Giao tiếp và ứng xử; Học tập, bồi dưỡng.

1.4.1.2. Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm

Bao gồm 2 tiêu chí: Trình độ chuyên môn; Nghiệp vụ sư phạm.

1.4.1.3. Năng lực quản lý trường tiểu học

Bao gồm 9 tiêu chí: Hiểu biết nghiệp vụ quản lý; Xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà trường; Quản lý tổ chức bộ máy, cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường; Quản lý học sinh; Quản lý hoạt động dạy học và giáo dục; Quản lý tài chính, tài sản nhà trường; Quản lý hành chính và hệ thống thông tin; Tổ chức kiểm tra, kiểm định chất lượng giáo dục; Thực hiện dân chủ trong hoạt động của nhà trường.

1.4.1.4. Năng lực tổ chức phối hợp với gia đình học sinh, cộng đồng và xã hội

Bao gồm 2 tiêu chí: Tổ chức phối hợp với gia đình học sinh; Phối hợp giữa nhà trường và địa phương.

1.4.2. Yêu cầu phẩm chất và năng lực theo quan điểm của lý thuyết quản lý hiện đại

1.4.2.1. Phẩm chất và năng lực tư duy (tầm nhìn)

Đòi hỏi ở người Hiệu trưởng phải có năng lực tư duy: Trong bối cảnh hiện đại, người quản lý nói chung, đặc biệt là người quản lý giáo dục (Hiệu trưởng) phải có 5 loại tư duy (ý tưởng của Howard Gardner - tác giả của thuyết Đa thông minh): Tư duy nguyên tắc; Tư duy tổng hợp; Tư duy sáng tạo; Tư duy tôn trọng; Tư duy đạo đức [4].

1.4.2.2. Phẩm chất và năng lực xử lý công việc (tính chyên nghiệp)

Tính chuyên nghiệp đòi hỏi người Hiệu trưởng phải có năng lực xử lý công việc: Thông thường khi xử lý công việc, người Hiệu trưởng cần phải biết kết hợp hài hòa bảy năng lực sau: Năng lực kế hoạch; Năng lực tổ chức; Năng lực chỉ đạo; Năng lực

giám sát, kiểm tra; Năng lực ra quyết định; Năng lực điều chỉnh, điều phối; Năng lực xử lý thông tin [4].

Khái quát chung là: "Phẩm chất và năng lực chọn việc đúng mà làm và Phẩm chất và năng lực làm khéo việc đã chọn" (right doing và doing right) [4].

1.4.2.3. Phẩm chất và năng lực làm việc với con người

Phẩm chất và năng lực làm việc với con người đòi hỏi người quản lý thực hiện sự quản lý "SM" (Soul management) khơi gợi được lương tâm, thức tỉnh được lương tri và phát triển được lượng năng (năng lực lành mạnh) trong mối con người mình đang điều khiển [4].

1.4.3. Yêu cầu phẩm chất và năng lực theo định hướng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông

1.4.3.1. Phẩm chất và năng lực lãnh đạo quá trình dạy học trong nhà trường [29, tr.171]

Hiệu trưởng phải là người khởi xướng, lập kế hoạch và triển khai những cải cách mang tính đổi mới tích cực hoạt động dạy của GV và hoạt động của HS để quá trình dạy học trong nhà trường thực sự hiệu quả.

1.4.3.2. Phẩm chất và năng lực lãnh đạo phát triển chương trình [29, tr.172]

Phát triển bao hàm cả sự bổ sung liên tục trong chương trình giảng dạy để giúp việc học có hiệu quả đáp ứng yêu cầu của cá nhân, tổ chức hay cộng đồng.

1.4.3.3. Phẩm chất và năng lực tìm kiếm, phát triển phẩm chất và năng năng lực lãnh đạo dạy học cho giáo viên [29, tr.173]

Giáo viên là những chuyên gia dạy học, họ phải phát triển vai trò lãnh đạo dạy học của mình vì họ gần gũi và hiểu học sinh nhất, họ có quyền đưa ra những quyết định kịp thời để bắt kịp những thay đổi của học sinh. Hiệu trưởng cần trở thành lãnh đạo của lãnh đạo, vì vậy họ phải khuyến khích và phát triển vai trò lãnh đạo dạy học của giáo viên.

1.4.3.4. Phẩm chất và năng lực lãnh đạo gắn kết các nguồn lực trong nhà trường [29, tr.173]

Hiệu trưởng là người giữ vai trò chủ chốt trong mối quan hệ tự nhiên giữa các thành viên trong tổ chức nhà trường. Dự đoán trong tương lai sẽ khuyến khích sự tăng cường hợp tác nhóm của giáo viên từ đó hiệu trưởng đóng vai trò trung tâm của lãnh đạo dạy học trong nhà trường.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 20/05/2022