Phát ngôn chứa hành động hỏi trong giao tiếp mua bán bằng tiếng Việt - 1

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

MAI THỊ KIỀU PHƯỢNG

PHÁT NGÔN CHỨA HÀNH ĐỘNG HỎI

TRONG GIAO TIẾP MUA BÁN

BẰNG TIẾNG VIỆT

PHỤ LỤC

Chuyên ngành : Lí luận ngôn ngữ

Mã số : 62 22 01 01

LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 206 trang tài liệu này.

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:

PGS.TS NGUYỄN THỊ HAI

Thành phố Hồ Chí Minh – 2007

MỞ ĐẦU 1 LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI  Trên thế giới khoảng ba mươi năm qua ngữ 1

MỞ ĐẦU

1. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI

 Trên thế giới, khoảng ba mươi năm qua, ngữ dụng học đã phát triển mạnh mẽ và có vị trí đặc biệt quan trọng. Nghiên cứu về việc phát triển và vận dụng lí thuyết ngôn ngữ học ứng dụng vào nghiên cứu ngôn ngữ và thực tế cuộc sống, đã đạt nhiều thành tựu. Những thành tựu của chuyên ngành ngôn ngữ học ứng dụng là nhân tố đầu tiên thôi thúc chúng tôi đi vào nghiên cứu đề tài này.

Mặt khác, cái khó chủ yếu được đặt ra của xu hướng nghiên cứu ngữ nghĩa của ngôn ngữ trong giai đoạn hiện nay là vấn đề nhận dạng hiệu lực giao tiếp của hành động nói năng từ bình diện dụng học của cơ chế tín hiệu học. Đi vào đề tài ”Phát ngôn chứa hành động hỏi trong giao tiếp mua bán bằng tiếng Việt”, về một phương diện nào đó, chúng tôi muốn chia sẻ khó khăn trên. Vì trong thực tế giao tiếp, HỎI là một dạng hành động ngôn ngữ phổ biến, tham gia vào cấu trúc hội thoại với tần số cao. Nghiên cứu hành động hỏi là một việc làm cần thiết để nhận diện ngôn ngữ trong hành chức, với hiệu lực giao tiếp của nó ở tầng bậc cao trong lí thuyết dụng học nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu trên.

Việc nghiên cứu hành động hỏi trước đây thường dừng lại ở dấu hiệu hình thức, có tính liệt kê, phân loại, xem xét ở bình diện tĩnh tại, tách rời ngữ cảnh. Việc nghiên cứu hành động hỏi ở đề tài này là việc làm cần thiết không chỉ dừng lại ở dấu hiệu hình thức mà còn để lấp đầy các ô trống về mặt nội dung và nhận dạng hiệu lực giao tiếp ở các cấp độ ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, thông qua bình diện ngữ nghĩa – ngữ dụng của hành động hỏi trực tiếp và gián tiếp.

Nền kinh tế nước ta vẫn còn nghèo nàn, lạc hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới, mà giao tiếp mua bán là cầu nối quan trọng, là hoạt động sống còn, thúc đẩy nền kinh tế của một quốc gia, đặc biệt đối với Việt Nam vừa được gia nhập WTO- mong muốn làm bạn với tất cả các nước, mong muốn thu hút đầu tư nước ngoài, mong muốn thông qua mua bán để thúc đẩy nền kinh tế- thì nghiên cứu ngôn ngữ giao tiếp mua bán là một yêu cầu thực tế cấp thiết. Đề tài này góp phần phục vụ phần nào những gì mà xã hội đang cần.

Giao tiếp tiếng Việt nói chung và giao tiếp mua bán nói riêng là một vấn đề thiết yếu trong việc tiếp xúc, giao lưu văn hóa- xã hội-kinh tế giữa các thành viên trong cộng đồng dân tộc, giữa hầu hết các ngành nghề sản xuất trong nước, giữa nhiều quốc gia trên thế giới. Hơn nữa, theo sự thống kê không đầy đủ của chúng tôi thì ở nước ta hầu hết tất cả các công ty, xí nghiệp, các ngành nghề sản xuất, đều buộc phải xem trọng khâu mua bán – là đầu ra quan trọng để kích cầu sản xuất. Mọi người trong thực tế cuộc sống thường đóng vai người mua và số lượng người dân làm nghề mua bán cũng chiếm tỉ lệ khá cao. Do đó, việc dạy giao tiếp mua bán, hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên, sao cho đạt hiệu quả cao nhất trong các ngành nghề mua bán trực tiếp và mua bán gián tiếp sau khi tốt nghiệp ra trường, là một nhu cầu thực tế cấp thiết của xã hội đối với giáo dục.

Mặt khác, phạm vi giao tiếp của xã hội đều có vấn đề chuẩn: chuẩn trong sản xuất, mua bán, văn hóa, chuẩn ngôn ngữ …. Chúng tôi nhấn mạnh vấn đề giáo dục chuẩn ngôn ngữ mua bán cho học sinh, sinh viên. Việc chuẩn ngôn ngữ là cần thiết, nhưng đến nay, nó vẫn còn nhiều bất cập, ”Các nhà ngôn ngữ học cứ cãi, cứ bàn. Chuẩn vẫn cứ tự khẳng định mình” [176, tr 3]

2. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ

Cho đến nay, nghiên cứu cấu trúc lựa chọn của phát ngôn chứa hành động hỏi trực tiếp lẫn gián tiếp thuộc bình diện dụng học thì chưa có công trình nào đề cập. Vấn đề này vừa có tính kế thừa của những người đi trước, vừa là vấn đề có tính chất mới và nâng cao. Đồng thời, đối tượng của luận án là HĐH nên dĩ nhiên, phát ngôn hỏi- một phương tiện hình thức chủ yếu để chuyển tải nội dung của HĐH, chúng tôi không thể không nhắc đến. Phát ngôn hỏi đã được các nhàViệt ngữ tìm hiểu kĩ, nhiều vấn đề cơ bản cũng được đề cập và giải quyết ở những mức độ khác nhau như: khái niệm; phân loại câu nghi vấn; mối quan hệ giữa hỏi, trả lời trong cặp thoại. Đó là các khuynh hướng sau đây:

  1. Một số tác giả các sách ngữ pháp tiếng Việt đã nhận diện câu nghi vấn theo tiêu chuẩn mục đích nói như Bùi Đức Tịnh, Nguyễn Kim Thản.
  2. Một số tác giả khác, trong đó có Cao Xuân Hạo, nhận diện câu nghi vấn dựa vào tiêu chí có dấu hiệu riêng của tình thái hỏi.
  3. Hồ Lê, Diệp Quang Ban kết hợp hai tiêu chí trên để xác định câu hỏi.
  4. Một số tác giả có khuynh hướng nghiên cứu ý nghĩa câu hỏi [xem : 8; 9; 14; 15; 16; 35; 44; 45; 63; 64 ;106 ], đó là những công trình miêu tả hư từ, tiểu từ tình thái của câu hỏi. Họ thường chỉ lấy bản thân các tiểu từ tình thái làm đối tượng nghiên cứu, chưa xét đầy đủ ở bình diện ngữ nghĩa- ngữ dụng, tuy rằng, chúng được nghiên cứu ở cả trạng thái tĩnh lẫn động .
  5. Một số khác nghiên cứu câu hỏi có tính truyền thống ở bình diện lô-gich ngữ nghĩa, nhưng họ chịu ảnh hưởng logich hình thức, xác định thao tác logich của câu hỏi mà chưa chú ý đến bình diện ngữ nghĩa – ngữ dụng.
  6. Một số công trình gần đây nhất, chú ý tới nhân tố con người và hoạt động ngôn ngữ ở trạng thái động, họ gắn nghiên cứu câu hỏi ở bình diện ngữ nghĩa và ngữ dụng [xem: 63; 172; 194; 199] như các nhân tố: vai giao tiếp, ngữ cảnh, ý đồ, tình cảm…gắn với một kiểu diễn ngôn nhất định. Lê Đông trong [63] đã nghiên cứu rất kĩ về ngữ nghĩa, ngữ dụng, nhất là vấn đề cấu trúc thông báo của câu hỏi chính danh; các tiểu loại câu hỏi và các kiểu thông tin ngữ dụng bổ trợ gắn với khung tình thái của câu hỏi chính danh. Nguyễn Thị Thìn trong [172] nghiên cứu rất kĩ 11 kiểu câu hỏi không dùng để hỏi, câu hỏi gián tiếp, hay câu hỏi không chính danh. Tác giả xem xét chúng chủ yếu ở góc độ mối quan hệ giữa cấu trúc cú pháp và cách dùng, quan hệ giữa cấu trúc và chức năng tác động. Tác giả chỉ mới dừng lại ở quan hệ giữa kết học và dụng học, với mục đích là miêu tả đặc điểm cấu trúc cú pháp (kết học) và đặc điểm cách dùng (dụng học) của 3 trong số 11 kiểu câu hỏi điển hình không dùng để hỏi.
  7. Có một số công trình nghiên cứu câu với sự thể hiện hành động ngôn ngữ, nhất là hành động tại lời và mượn lời [xem: 36; 76; 88; 154; 222; 226…]. Việc phân tích ngữ nghĩa ngữ dụng của câu hỏi được đẩy mạnh kể từ sau lí thuyết hành động nói của J.Austin, tiếp đó là J. Searle, O.Ducrot, Wierzbicka… du nhập.
  8. Một số công trình đã đề xuất một số cấu trúc mới như cấu trúc vị từ tham thể; cấu trúc đề thuyết, cấu trúc thông báo [xem 63; 72; 76; 78; 172].

Các hướng nghiên cứu trên, trong một thời gian dài, đã đạt được thành tựu ở bình diện kết học, nghĩa học và một số vấn đề dụng học. Tất cả thành tựu đã đạt được của các nhà khoa học đi trước là tiền đề quan trọng giúp chúng tôi nghiên cứu một ô trống khác của câu hỏi và hành động hỏi thuộc bình diện ngữ dụng. Đó là nghiên cứu cấu trúc lựa chọn để tạo nghĩa, tạo hiệu lực giao tiếp với góc độ liên thông mới rộng mở về tầm nhìn khoa học.

3. Ý NGHĨA ĐỀ TÀI

3.1. VỀ LÍ THUYẾT

Đề tài góp phần minh xác, bổ sung thêm một số nhận thức như: cơ sở lí luận về đặc điểm hàm ngôn riêng biệt của hành động hỏi trong giao tiếp mua bán. Đồng thời, luận án làm sáng tỏ bản chất ngôn ngữ xã hội học, bản chất tín hiệu, bản chất sâu xa của hoạt động ngôn ngữ và mối liên hệ nhiều mặt giữa lí thuyết ngữ dụng học, tín hiệu học, văn hoá học, tâm lí học, xã hội học, ngôn ngữ xã hội học.

3.2. VỀ THỰC TIỄN

Kết quả nghiên cứu có thể ứng dụng trong một số lĩnh vực:

  1. Giảng dạy tiếng Việt với tính cách là tiếng mẹ đẻ và như một ngoại ngữ.
  2. Giảng dạy giao tiếp mua bán của chương trình hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên, nhất là trường kinh tế, ngoại thương, quản trị kinh tế…
  3. Nâng cao kiến thức về nghệ thuật hỏi cho những người làm công tác xã hội thuộc các lĩnh vực như báo chí, truyền hình…
  4. Góp thêm tiếng nói cho giao tiếp đàm phán trong mua bán đối với người Việt và cả người nước ngoài; nhất là giúp họ sử dụng tốt các nhân tố ngữ dụng một cách phù hợp nhất trong hành động hỏi khi giao tiếp mua bán.
  5. Chọn giải pháp tối ưu về vấn đề xây dựng chuẩn ngôn ngữ về cơ sở lí thuyết lẫn thực hành trong phạm vi mua bán của đời sống xã hội.
  6. Giúp ích cho việc hiểu, ứng xử ngôn ngữ lịch sự trong giao tiếp mua bán.
  7. Cung cấp thêm cứ liệu cho các lĩnh vực khác có liên quan: giáo dục học, tâm lí học, văn hóa học, kinh tế học, ngoại thương học; xây dựng hệ thống tàng trữ, xử lí thông tin tự động dưới dạng hỏi và trả lời, cải tiến công tác đàm phán thương mại, điều tra xét hỏi, rèn luyện khả năng tư duy logich học sinh…
  8. Góp thêm một tiếng nói vào việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 31/10/2021