Vai Trò Của Kinh Tế Hợp Tác, Hợp Tác Xã Trong Nền Kinh Tế Thị Trường Ở Việt Nam

Khác với HTX kiểu cũ là thành viên HTX chỉ gồm các thể nhân, thì HTX kiểu mới là một tổ chức kinh tế do các thành viên bao gồm cả thể nhân và pháp nhân . Như vậy, trong HTX kiểu mới, các thành viên tham gia rất đa dạng, không phân biệt vị thế của họ khác nhau như thế nào. Các thành viên có thể là người lao động, cán bộ, công chức, các hộ sản xuất, kinh doanh, trang trại, doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc các thành phần kinh tế..., cả người có ít vốn và người có nhiều vốn có nhu cầu tự nguyện cùng nhau góp vốn hoặc có thể góp sức lập ra và tự chịu trách nhiệm về các hoạt động của mình theo qui định của pháp luật về HTX.

HTX không thủ tiêu tính tự chủ sản xuất, kinh doanh của các thành viên, mà chỉ làm những gì mỗi thành viên riêng lẻ không làm được hoặc làm không có hiệu quả để hỗ trợ cho các thành viên phát triển. Ví dụ: do nhu cầu của Thành phố cần có những sản phẩm rau sạch đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng về sinh an toàn thực phẩm, đòi hỏi phải có vùng trồng rau đảm bảo chất lượng. Vì vậy, các hộ trồng rau ở xã Vân Nội-huyện Đông Anh đã liên kết với nhau thành lập HTX sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, để HTX đứng ra tổ chức sản xuất rau an toàn theo đúng quy trình về giống, nước, về cách chăm bón ... Thông qua HTX để tiếp nhận sự hỗ trợ của Thành phố về nhà lưới, về khoa học kỹ thuật và tổ chức tiêu thụ sản phẩm cho xã viên. Nếu các hộ xã viên mà tổ chức riêng lẻ thì khó có thể thực hiện được theo đúng quy trình trồng rau an toàn mà Thành phố quy định và khó có khả năng cung cấp đầy đủ, thường xuyên cho khách hàng.

- Về quan hệ sở hữu.

Trong mô hình HTX kiểu cũ, tuy thực tế là sở hữu cá nhân không được thừa nhận, sở hữu của các hộ gia đình bị xoá bỏ, và chỉ thừa nhận chế độ sở hữu tập thể về tư liệu sản xuất. Vì vậy, trong mô hình đó người lao động vào HTX phải bỏ hết ruộng đất, trâu bò, công cụ sản xuất chủ yếu vào HTX. Điều này làm mất động lực kinh tế của những người tham gia, dẫn đến hiệu quả hoạt động của HTX trong thời kỳ này rất thấp.

Trong HTX kiểu mới, sở hữu tập thể và sở hữu cá nhân của thành viên được phân định rõ. Sở hữu tập thể (sở hữu của HTX) bao gồm các nguồn vốn

tích luỹ tái đầu tư, các tài sản do tập thể mua sắm để dùng cho hoạt động của HTX, tài sản trước đây được giao lại cho tập thể sử dụng làm tài sản không chia và các quỹ không chia. Sở hữu cá nhân là phần vốn góp vào HTX. Thành viên khi tham gia HTX không phải góp tư liệu sản xuất mà điều kiện tiên quyết là phải góp vốn theo quy định của Điều lệ HTX, có thể góp sức khi HTX có nhu cầu; suất vốn góp phụ thuộc vào khả năng mỗi người và được khống chế bởi một tỷ lệ không quá 30%. Vốn góp của thành viên được chia lãi hàng năm và được rút ra khi thành viên ra khỏi HTX. Thành viên có thể góp vốn bằng hiện vật, được qui định theo giá thị trường tại thời điểm góp và giá trị hiện vật được ghi thành vốn góp của thành viên, còn bản thân hiện vật thuộc sở hữu tập thể HTX. Sở hữu thuộc cá nhân thành viên được tôn trọng; thành viên có toàn quyền sử dụng vốn, các phương tiện sản xuất thuộc sở hữu riêng để sản xuất, kinh doanh. Những thành viên của HTX vẫn là những chủ thể độc lập, có kinh tế riêng. Vị trí và vai trò, cũng như quyền tự chủ của các thành viên không bị mất đi, mà ngược lại được hỗ trợ thêm từ phía HTX để phát triển. Mô hình HTX kiểu mới thật sự đã đem lại lợi ích thoả đáng cho các thành viên, vì vậy nó tạo động lực cho sự phát triển bền vững của HTX.

- Về quan hệ quản lý trong HTX.

Trong các HTX kiểu cũ, quan hệ giữa xã viên với HTX là quan hệ phụ thuộc. Xã viên bị tách khỏi tư liệu sản xuất trở thành người lao động làm công theo sự điều hành tập trung của HTX, tính chất hợp tác đích thực trong HTX không còn đã làm thui chột tính sáng tạo của xã viên.

Trong các HTX kiểu mới, quan hệ giữa HTX và thành viên là quan hệ bình đẳng, thỏa thuận, tự nguyện, cùng có lợi và cùng chịu rủi ro trong sản xuất, kinh doanh. Đặc trưng chung của HTX kiểu mới là hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX không nhất thiết phải bao trùm toàn bộ hoạt động, mà có thể chỉ diễn ra ở từng khâu công việc, từng công đoạn, nhằm hỗ trợ phát huy thế mạnh của từng thành viên và do đó cũng tạo điều kiện phát huy quyền làm chủ của thành viên. Thành viên tham gia quyết định những công việc quan trọng của HTX như phương án sản xuất, kinh doanh, phương án phân phối thu nhập trong HTX... Nguyên tắc bầu cử và biểu quyết được thực hiện bình đẳng,

mỗi thành viên một phiếu bầu, không phân biệt vốn góp ít hay nhiều. Bộ máy quản lý HTX tổ chức gọn, nhẹ, hiệu quả. Chức năng, nhiệm vụ của Ban quản trị, Ban kiểm soát được xác định rõ ràng, cụ thể. Chủ nhiệm HTX được giao quyền chủ động điều hành công việc và tự chịu trách nhiệm về những quyết định cuả mình. Có thể thấy, mô hình HTX kiểu mới đã thật sự " cởi trói" cho xã viên trong việc thực hiện quyền dân chủ đối với hoạt động của HTX.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 104 trang tài liệu này.

- Về quan hệ phân phối.

Trong các HTX kiểu cũ, chế độ phân phối mang nặng tính bình quân, bao cấp, không khuyến khích người lao động hăng hái, tích cực làm việc, xã viên thiếu gắn bó với HTX, giành công sức làm kinh tế gia đình. Trong các HTX kiểu mới, hình thức phân phối được thực hiện trên nguyên tắc công bằng, cùng có lợi, vừa theo lao động, vừa theo vốn góp và theo mức độ tham gia dịch vụ. Người lao động là xã viên, ngoài tiền công được nhận theo số lượng và chất lượng lao động, còn được nhận lãi chia theo vốn góp và mức độ tham gia dịch vụ; lợi nhuận và vốn góp càng lớn, mức độ tham gia dịch vụ càng nhiều, thì thu nhập càng cao. Đây là động lực khuyến khích người lao động hăng say làm việc, gắn bó với HTX. Trong quá trình phân phối, các HTX còn tạo ra được các quỹ không chia, một mặt để mở rộng sản xuất, mặt khác tạo nên phúc lợi công cộng cho mọi thành viên trong HTX, kết hợp chặt chẽ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài.

Phát triển kinh tế hợp tác xã nông nghiệp ở Hà Nội - 3

- Về cơ chế quản lý đối với HTX.

Các HTX kiểu mới đã được giải phóng khỏi sự ràng buộc cứng nhắc của cơ chế kế hoạch hoá tập trung, bao cấp. Nếu như trước đây, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như hạch toán lỗ lãi, phân phối, giá cả... của HTX đều theo sự chỉ huy cuả cơ quan quản lý cấp trên và theo kế hoạch của Nhà nước. Như vậy, trên thực tế HTX đã bị tước mất quyền tự chủ kinh doanh.

Nay HTX đã thực sự là một đơn vị kinh doanh độc lập trong cơ chế thị trường, bình đẳng trước pháp luật với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, liên doanh, liên kết với các đơn vị thuộc mọi thành phần kinh tế khác, cũng như phân chia lỗ lãi, bảo đảm hoàn thành nghĩa vụ đối

với Nhà nước và trách nhiệm đối với thành viên. Nhà nước tôn trọng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của HTX, không còn can thiệp trực tiếp vào các hoạt động của HTX. Vai trò của Nhà nước trong việc quản lý đối với HTX được chuyển qua việc ban hành pháp luật và các chính sách khuyến khích phát triển HTX. Vai trò xã hội của HTX đã được giảm dần. Các nghĩa vụ đóng góp vật chất quá nặng trước kia của HTX đối với chính quyền và cộng đồng, nhất là ở các HTX nông thôn đã từng bước được xoá bỏ, HTX tập trung vào phục vụ và thực hiện các nghĩa vụ đối với các thành viên của chính mình là chủ yếu.

- Về qui mô và phạm vi hoạt động.


Qui mô và phạm vi hoạt động của HTX không còn bị giới hạn như trước. Mỗi HTX có thể hoạt động ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, không giới hạn địa giới hành chính. Mỗi thành viên có thể tham gia nhiều HTX (HTX không cùng ngành nghề) nếu Điều lệ HTX không hạn chế. Không giới hạn số lượng thành viên tham gia HTX. Thành viên HTX bao gồm cả thể nhân và pháp nhân, liên kết rộng rãi những người lao động, hộ sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc các thành phần kinh tế, cả người có ít vốn và người có nhiều vốn, cùng góp vốn và góp sức trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi và quản lý dân chủ; cán bộ, công chức được tham gia HTX với tư cách là xã viên. HTX không thủ tiêu tính tự chủ sản xuất, kinh doanh của các thành viên, chỉ làm những gì mà mỗi thành viên riêng lẻ không làm được hoặc làm không có hiệu quả để hỗ trợ cho các thành viên phát triển; HTX hoàn toàn tự chủ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tự chịu trách nhiệm trong cơ chế thị trường, chủ động tiến hành liên doanh, liên kết với các đơn vị thuộc mọi thành phần kinh tế.

- Về mô hình HTX.

Khác với các HTX kiểu cũ được áp dụng nhất loạt trên cả nước theo mô hình sản xuất tập trung và chủ yếu được phát triển trong lĩnh vực sản xuất, hầu như không có loại hình HTX làm dịch vụ cho thành viên.

Mô hình HTX kiểu mới linh hoạt, đa dạng về hình thức, phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng ngành; với nhiều trình độ phát triển, từ thấp đến cao, từ làm dịch vụ đầu vào, đầu ra phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các thành viên, đến mở mang ngành nghề, vươn lên kinh doanh tổng hợp và hình thành các doanh nghiệp của mình (Luật doanh nghiệp cho phép HTX được thành lập công ty TNHH một thành viên); từ HTX phát triển thành các Liên hiệp HTX.

Tóm lại, với những đặc trưng trên, HTX kiểu mới hoàn toàn khác với mô hình HTX kiểu cũ được xây dựng trong thời kỳ cơ chế kế hoạch hoá tập trung, bao cấp trước đây, có các đặc trưng là tập thể hoá toàn bộ tư liệu sản xuất, không thừa nhận vai trò của kinh tế hộ, phủ nhận vai trò kinh tế hàng hoá, tổ chức và hoạt động theo địa giới hành chính, tổ chức sản xuất tập thể, tập trung, phân phối theo ngày công lao động, thực hiện quá nhiều trách nhiệm xã hội; mô hình HTX được áp dụng nhất loạt trong cả nước, ít chú ý đến đặc điểm của từng nơi...

Hợp tác xã kiểu mới cũng khác với công ty cổ phần. Hợp tác xã do các thành viên tự nguyện tập hợp, liên kết lại để cùng kinh doanh hoặc hỗ trợ nhau kinh doanh. Mỗi thành viên tham gia dù góp ít hay nhiều vốn đều bình đẳng với nhau trong quyết định các vấn đề chung của hợp tác xã, với nguyên tắc cơ bản “mỗi người một lá phiếu” (nguyên tắc “đối nhân”). Trong khi đó, công ty cổ phần do các nhà đầu tư đứng ra thành lập, tổ chức hoạt động lấy mục tiêu là lợi nhuận, thành viên tham gia (các cổ đông) chỉ có quyền tham gia quyết định các vấn đề của công ty theo mức độ góp vốn (nguyên tắc “đối vốn”). Công ty cổ phần thực hiện phân phối theo tỷ lệ vốn góp, còn hợp tác xã thì vừa phân phối theo tỷ lệ vốn góp, vừa phân phối theo lao động và mức độ tham gia các dịch vụ.

1.2.2. Vai trò của kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam

So với kinh tế hộ, thì HTX có nhiều ưu thế hơn, như hạn chế được những rủi ro. Tăng năng lực canh tranh trên thị trường, quy mô sản xuất được mở

rộng và tăng hiệu quả sử dụng các nguồn lực... Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa kinh tế tập thể cùng với kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Nói cách khác, kinh tế HTX có vai trò quan trọng nhiều mặt trong nền kinh tế Việt nam hiện nay.

1.2.2.1. Vai trò kinh tế

Như chúng ta đã thấy khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã không phải là khu vực đem lại lợi nhuận cao và đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế, vì mục tiêu hoạt động của khu vực này không đơn thuần chạy theo lợi nhuận mà là giúp đỡ cho các thành viên phát triển là chủ yếu. Tuy vậy, so với kinh tế hộ thì kinh tế hợp tác, hợp tác xã vẫn có vai trò nổi trội hơn về mặt kinh tế. Đó là:

- Hợp tác xã đã có những đóng góp quan trọng trong việc cung cấp hàng hoá và dịch vụ cho xã viên và cộng đồng, hỗ trợ người lao động có cơ hội tham gia vào quá trình phát triển kinh tế của bản thân họ trong điều kiện cụ thể từng nơi, từng cộng đồng mà nếu không có hợp tác xã thì họ sẽ gặp khó khăn quá sức vượt qua. Thực tế đã chứng minh, thông qua hình thức hợp tác này, họ đã tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn hỗ trợ của nhà nước và các tổ chức kinh tế, xã hội đối với họ.

- Thông qua hợp tác xã, các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, giống mới, v.v... đã được chuyển giao một cách có hiệu quả đến hộ xã viên; công tác chống úng, hạn, chống và phòng ngừa sâu bệnh cho sản xuất của kinh tế xã viên thông qua hợp tác xã có hiệu quả hơn so với từng xã viên thực hiện.

- Hợp tác xã bước đầu thực sự thực hiện vai trò “ bà đỡ” thúc đẩy kinh tế xã viên phát triển, tăng cường mối liên kết trong nội bộ hợp tác xã và giữa hợp tác xã với các tổ chức kinh doanh khác, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của kinh tế hộ và tổng hợp được sức cạnh tranh chung lớn mạnh hơn qua hợp tác xã, tăng sức cạnh tranh của hợp tác xã và kinh tế xã viên trên thị trường.

- Khu vực hợp tác xã đã có sự đóng góp nhất định vào tăng trưởng kinh tế trong những năm gần đây ( bình quân 10%/năm ). Nếu tính cả kinh tế xã viên theo đúng nguyên tắc hợp tác xã quốc tế thì khu vực này đã đóng góp đến trên 15% trong tổng sản phẩm trong nước.

1.2.2.2. Vai trò chính trị xã hội

Bên cạnh những đóng góp về mặt kinh tế, khu vực hợp tác xã nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề xã hội ở địa phương. Nhờ tích cực chuyển sang tổ chức phát triển các ngành nghề mới, khôi phục các ngành nghề truyền thống, gắn nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ, nhiều hợp tác xã ở nông thôn đã tạo việc làm, tăng thu nhập và đảm bảo đời sống ổn định cho trên hàng nghìn xã viên và người lao động, tạo điều kiện phát triển kinh tế cho cả hộ nghèo và các loại hộ khác, cải thiện đời sống cho nhân dân, góp phần xoá đói, giảm nghèo, từ đó giảm sức ép xã hội về trợ cấp xã hội, thất nghiệp và giảm tệ nạn xã hội. . . ., làm giảm sức ép của quá trình đô thị hoá, tham gia tích cực vào việc thực hiện đường lối của Đảng về công nghiệp hoá, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, phát triển cộng đồng dân cư, thắt chặt tình làng, nghĩa xóm.

Thông qua hợp tác xã đã phát huy tinh thần tương thân, tương ái trong việc giúp nhau xoá đói giảm nghèo. Đây là một vấn đề vừa có tính kinh tế - xã hội vừa mang ý nghĩa chính trị sâu sắc. Hợp tác xã quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của xã viên thực hiện một số công việc có tính chất xã hội thông qua những việc làm cụ thể: thăm hỏi lúc ốm đau, thai sản, tặng quà nhân dịp lễ tết, hiếu hỉ, một số hợp tác xã còn tổ chức được những đợt tham quan, du lịch, nghỉ mát cho xã viên và người lao động hàng năm. Ngoài việc thực hiện các nghĩa vụ thuế đối với nhà nước, các hợp tác xã đều tích cực tham gia phục vụ nhiệm vụ chính trị, đóng góp kinh phí vào các phong trào của địa phương

- Hợp tác xã tạo điều kiện phát huy dân chủ ở cơ sở thông qua việc thực hiện nguyên tắc quản lý dân chủ trong nội bộ hợp tác xã, phát huy tính cộng đồng của dân cư ở làng xã; hợp tác xã là môi trường giáo dục tinh thần tập thể, ý thức cộng đồng cho mỗi thành viên tham gia.

- Dù còn chưa phổ biến, song một số hợp tác xã nông nghiệp đã thực hiện chế độ bảo hiểm cho người lao động, tạo sự công bằng để mọi cá nhân trong xã hội cùng phát triển kinh tế, cùng hưởng lợi từ những thành quả chung.

- Thông qua kinh tế hợp tác xã, sức sản xuất xã hội được tập hợp lại để cùng phát triển. Kinh tế hợp tác, hợp tác xã rất phù hợp với những đơn vị, cá thể còn yếu kém cả về vốn và năng lực sản xuất. Có thể nói, hợp tác xã đã huy

động được nguồn lực vật chất cũng như tinh thần năng động, sáng tạo, sức lao động của một bộ phận dân cư nhằm đóng góp có hiệu quả hơn vào sự phát triển chung của xã hội.

1.3. Kinh nghiệm về phát triển HTX nông nghiệp của một số địa phương trong nước.‌

1.3.1. Khái quát hoạt động của một số HTX điển hình trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đến cuối năm 2005 cả nước có 17.000 HTX và trên 300.000 tổ hợp tác, trong đó có 8.764 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm 51,6%. Đa số các hợp tác xã nông nghiệp đã và đang tham gia hoạt động thương mại-dịch vụ, chủ yếu cung ứng vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp và góp phần tiêu thụ hàng hoá cho xã viên nói riêng và nông dân nói chung ( gọi chung là hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp ). Hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các hợp tác xã có chuyển biến tốt, mang tính ổn định và bền vững hơn, nội dung hoạt động đa dạng và rõ nét hơn. Phần lớn các hợp tác xã đã chuyển đổi và thành lập mới đều làm nhiệm vụ định hướng, hướng dẫn sản xuất theo kế hoạch và phương án sản xuất kinh doanh của hợp tác xã, hỗ trợ tốt hơn cho kinh tế hộ xã viên, nhất là các hợp tác xã nông nghiệp, đem lại thu nhập cho xã viên cao hơn trước. Nhiều hợp tác xã nông nghiệp đã tổ chức được 1 số dịch vụ thiết yếu đảm bảo chất lượng và giá cả hợp lý như dịch vụ thuỷ nông, giống, vật tư, tiêu thụ điện.

. . Một số hợp tác xã nông nghiệp có vốn lớn đã tổ chức được các hoạt động khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, phổ cập giống mới có kết quả tốt; ngoài ra còn làm được một phần dịch vụ đầu ra, tổ chức được dịch vụ tín dụng trong nội bộ hợp tác xã có hiệu quả.

Xu thế chung của các hợp tác xã nông nghiệp hiện nay là tăng cường các hoạt động dịch vụ, từ phục vụ sản xuất nông nghiệp sang dịch vụ đời sống xã viên, đến phát triển ngành nghề, tín dụng nội bộ...Thông thường các hợp tác xã lấy tên là hợp tác xã dịch vụ tổng hợp, hợp tác xã sản xuất dịch vụ nông nghiệp, hay hợp tác xã sản xuất kinh doanh tổng hợp. Thực chất là các hợp tác xã nông nghiệp đang phát triển dần đến mô hình hợp tác xã nông nghiệp đa chức năng.

Xem tất cả 104 trang.

Ngày đăng: 13/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí