MỤC LỤC
MỞ ĐẦU
CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG VỀ KINH TẾ HỢP TÁC XÃ
1.1. Lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê nin và quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam về kinh tế hợp tác xã
1.1.1. Quan niệm của Chủ nghĩa Mác -Lê nin về kinh tế hợp tác xã
1.1.1.1. Khái niệm hợp tác xã ( HTX )
Có thể bạn quan tâm!
- Phát triển kinh tế hợp tác xã nông nghiệp ở Hà Nội - 2
- Vai Trò Của Kinh Tế Hợp Tác, Hợp Tác Xã Trong Nền Kinh Tế Thị Trường Ở Việt Nam
- Một Số Kinh Nghiệm Rút Ra Cho Hà Nội Trong Phát Triển Các Hợp Tác Xã Nông Nghiệp.
Xem toàn bộ 104 trang tài liệu này.
1.1.1.2. Các nguyên tắc cơ bản của hợp tác xã
1.1.1.3. Các hình thức hợp tác xã
1.2. Vai trò của kinh tế hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam
1.2.1 Những đặc trưng cơ bản của HTX kiểu mới.
1.2.2.1. Vai trò kinh tế
1.2.2.2. Vai trò chính trị xã hội
1.3. Kinh nghiệm về phát triển HTX nông nghiệp của một số địa phương trong nước.
1.3.1. Khái quát hoạt động của một số HTX điển hình trong lĩnh vực nông nghiệp.
CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP Ở HÀ NỘI THỜI KỲ 1997- 2005.
2.1. Khái quát sự phát triển hợp tác xã nông nghiệp ở Hà Nội 1997-2005
2.l.1. Thực hiện đổi mới HTX nông nghiệp theo Luật
2.1.1.1. Sự thay đổi về lượng
2.1.1.2. Sự đổi mới về chất.
2.1.2. Những kết quả chủ yếu về hoạt động kinh doanh của các hợp tác xã nông nghiệp ở Hà Nội
2.1.2.1. Hoạt động quản lý và sử dụng vốn quỹ, tài sản của hợp tác xã
2.1.2.2. Hoạt động kinh doanh dịch vụ
2.2.1. Những thành tựu cơ bản
2.2.2. Những tồn tại chủ yếu và nguyên nhân
2.2.2.1. Tồn tại.
2.2.2.2. Nguyên nhân :
CHƯƠNG 3: ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP Ở HÀ NỘI
3.1.Định hướng phát triển kinh tế hợp tác xã nông nghiệp ở Hà Nội đến 2010
3.2. Một số giải pháp cơ bản nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp ở Hà Nội
3.2.1. Nâng cao hiểu biết, nhận thức cho cán bộ đảng viên, người lao động về hình thức tổ chức kinh tế hợp tác xã.
3.2.2. Sửa đổi chính sách theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế HTX.
3.2.3. Tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước trong chỉ đạo và thực thi các quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế tập thể
3.2.4. Nâng cao vai trò của Liên minh Hợp tác xã Thành phố Hà Nội trong phát triển kinh tế hợp tác xã.
3.2.5. Củng cố các hợp tác xã đang hoạt động và tổng kết các điển hình tiên tiến và xây dựng các mô hình hợp tác xã mới
3.2.6. Giải quyết dứt điểm việc chuyển đổi và giải thể hợp tác xã.
3.2.7. Tăng cường công tác hỗ trợ cho HT KẾT LUẬN
TÀI LIỆU THAM KHẢO
MỞ ĐẦU
1) Sự cần thiết của đề tài:
Hợp tác xã theo nghĩa là tổ chức kinh tế tự nguyện của những người lao động đã xuất hiện trong đời sống kinh tế - xã hội của nhân loại cách đây hàng trăm năm. Tuy trải qua nhiều giai đoạn với những thăng trầm khác nhau, nhưng nhìn chung kinh tế hợp tác xã đã chứng tỏ là một loại hình tổ chức kinh tế có vai trò quan trọng không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với nhiều nước trên thế giới.
Ở nước ta, sau ngày đất nước được giải phóng ( miền Bắc 1954, cả nước năm 1975 ), sự ra đời của hợp tác xã đã trở thành phong trào rộng lớn, trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trải qua hơn 30 năm ( kể từ 1975 ), phong trào hợp tác xã đã có những thăng trầm, biến đổi do điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan. Cho đến nay, kinh tế hợp tác xã đã có nhiều chuyển biến, mô hình hợp tác xã kiểu cũ đã bị thay thế, chuyển đổi sang hình thức hợp tác xã kiểu mới hoạt động theo Luật hợp tác xã.
Nghị quyết Đại hội IX Đảng cộng sản Việt Nam ( năm 2001 ) đã khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của kinh tế tập thể, và chỉ rõ: "Kinh tế Nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân" 46. Trên thực tế, kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã kiểu mới dưới nhiều hình thức, trình độ khác nhau, trong các ngành, lĩnh vực những năm qua đã đáp ứng một phần nhu cầu của người lao động, của hộ sản xuất kinh doanh, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, kinh tế hợp tác xã hiện nay của cả nước cũng như ở Hà Nội, đặc biệt là các hợp tác xã nông nghiệp còn nhiều mặt yếu kém, năng lực nội tại còn hạn chế; số hợp tác xã làm ăn hiệu quả còn ít; lợi ích đem lại cho thành viên chưa nhiều; giá trị do kinh tế kinh tế hợp tác- hợp tác xã tạo ra mới chiếm tỷ trọng thấp trong tổng sản phẩm xã hội, chưa đủ sức đảm nhiệm vai trò cùng với kinh tế Nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.
Vì vậy, việc làm rõ thực trạng phát triển của kinh tế hợp tác xã của Thủ đô Hà Nội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tìm ra giải pháp thúc đẩy kinh tế hợp tác xã nông nghiệp phát triển là yêu cầu bức thiết đặt ra cho các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu cũng như các nhà hoạch định chính sách hiện nay.
Xuất phát từ thực tế đó, tôi đã chọn đề tài luận văn thực sĩ của mình là “ Phát triển kinh tế hợp tác xã nông nghiệp ở Hà nội ” cho luận văn thạc sĩ của mình.
2) Tình hình nghiên cứu:
Kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX là thành phần kinh tế có vai trò vô cùng quan trọng trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt nam, nhất là đối với nhiệm vụ cải tạo tiểu nông đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, đã có khá nhiều công trình nghiên cứu vấn đề kinh tế HTX dưới nhiều góc độ khác nhau. Liên quan đến đề tài luận văn có các công trình chủ yếu, như: "Chính sách Nhà nước đối với việc xây dựng các hình thức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp" của Mai Thị Thanh Xuân, Tạp chí nghiên cứu kinh tế số 8(219) năm 1996; “ Quan hệ giữa hợp tác xã mới với các loại hình tổ chức sản xuất kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp ” của GS.TS Tô Xuân Dân; “ Tình hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã sau một năm thực hiện Nghị quyết số 13 Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX ” của Tiến sỹ Đinh Xuân Niêm; “ hợp tác xã chuyên ngành và phát triển nông nghiệp nông thôn trong hội nhập kinh tế quốc tế ” của TS .Vũ Trọng Bình và TS. Đào Thế Anh; “ Các hình thức hợp tác của nông dân nước ta hiện nay ” của các tác giả Đào Thế Tuấn, Lê Quốc Doanh, Đào Thế Anh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia,1995; “Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Liên minh hợp tác xã Việt nam khoá II ” tại Đại hội đại biểu toàn quốc Liên minh hợp tác xã Việt Nam lần thứ III năm 2005; các " Báo cáo về tình hình kinh tế hợp tác – hợp tác xã của Việt Nam” của Liên minh hợp tác xã Việt Nam các năm từ 2000-2005.
Các công trình trên nhìn chung đã tập trung nghiên cứu về kinh tế hợp tác xã trong phạm cả nước, và đề cập đến những giải pháp ở tầm vĩ mô.
Nghiên cứu về HTX ở Hà Nội, có các báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam và Thành phố Hà Nội trong các năm 2002-2004, như: “ Hoạt động của các hợp tác xã và công tác hỗ trợ hợp tác xã ở Hà nội- Thực trạng và giải pháp” (2002); “ Nghiên cứu các điều kiện và giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể ” ( 2003 ); “ Nghiên cứu giải pháp nhằm phát huy vai trò của khu vực kinh tế tập thể trong quá trình xây dựng và phát triển Kinh tế- xã hội của Thủ đô Hà nội đến 2010” ( 2004 ); và đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX (ngày 18/3/2002) về “ Tiếp tục đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể ”….
Mặc dù các công trình này đã lấy đối tượng nghiên cứu là các hợp tác xã trên địa bàn Hà Nội, nhưng lại nghiên cứu kinh tế HTX trên tất cả các lĩnh vực, còn sự nghiên cứu về kinh tế HTX trong lĩnh vực nông nghiệp chưa được chú ý đúng mức. Vì vậy, cho đến nay chưa có một công trình nào nghiên cưú về kinh tế HTX trong nông nghiệp ở Hà Nội một cách hệ thống với tư cách là một công trình chuyên khảo.
3 ) Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài
3.1. Mục đích
- Nghiên cứu những vấn đề lý luận và kinh nghiệm thực tiễn về phát triển kinh tế hợp tác xã nông nghiệp trong sự nghiệp đổi mới kinh tế của Đảng
- Đánh giá tổng quát thực trạng kinh tế hợp tác xã nông nghiệp tại Hà Nội giai đoạn 1997 - 2005.
- Đưa ra một số giải pháp chủ yếu thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác xã trong nông nghiệp ở Hà Nội.
3.2. Nhiệm vụ
- Làm rõ khái niệm và vai trò của hợp tác xã nông nghiệp cũng như bài học kinh nghiệm thành công trong phát triển HTX nông nghiệp tại một số địa phương trong nước.
- Phân tích thực trạng hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội, từ đó đưa ra những đánh giá về thành tựu và hạn chế, cùng những nguyên nhân của hạn chế đó.
- Đề xuất một số giải pháp cơ bản, có tính khả thi để tiếp tục phát triển kinh tế hợp tác xã trên địa bàn Hà nội trong thời gian tới.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu.
- Đối tượng nghiên cứu của luận văn là: Sự phát triển hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp
- Phạm vi nghiên cứu
+ Về không gian: Luận văn phân tích hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội
+ Về thời gian: từ khi thực hiện Luật hợp tác xã ( 1/7/1997 ) đến nay.
5 ) Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp chủ yếu được sử dụng trong nghiên cứu là: Phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Ngoài ra, luận văn cũng sử dụng các phương pháp: phân tích tổng hợp, thống kê, so sánh, và khảo sát thực tế. Các nghiên cứu đánh giá được dựa trên cơ sở bám sát những quan điểm, tư tưởng của Lê nin và Hồ Chí Minh, đường lối chính sách của Đảng, và pháp luật của Nhà nước.
6 ) Dự kiến những đóng góp mới của luận văn:
- Cung cấp cho người đọc một sự hiểu biết tổng quát về thực trạng phát triển HTX nông nghiệp tại Hà Nội hiện nay trên cả hai mặt thành tựu và hạn chế.
- Đánh giá một cách toàn diện sự phát triển HTX nông nghiệp ở Hà Nội những năm 1997 - 2005, trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp cụ thể thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác xã nông nghiệp ở Hà Nội .
- Có thể làm tài liệu tham khảo cho việc đào tạo và giảng dậy tại Khoa Kinh tế Đại học Quốc gia Hà Nội.
7 ) Bố cục của Luận văn:
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Danh mục tài liệu tham khảo, nội dung luận văn được kết cấu thành 3 chương:
Chương 1: Những vấn đề lý luận chung về kinh tế hợp tác xã.
Chương 2 : Thực trạng phát triển HTX nông nghiệp ở Hà Nội thời kỳ 1997 -2005
Chương 3: Định hướng và giải pháp phát triển kinh tế hợp tác xã nông nghiệp ở Hà Nội
CHƯƠNG 1
NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG VỀ KINH TẾ HỢP TÁC XÃ
1.1. Lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê nin và quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam về kinh tế hợp tác xã
1.1.1. Quan niệm của Chủ nghĩa Mác -Lê nin về kinh tế hợp tác xã
1.1.1.1. Khái niệm hợp tác xã ( HTX )
Xuất phát từ những tiền đề kinh tế nảy sinh ngay trong lòng xã hội tư bản, C.Mác và Ang-ghen đưa ra một quan niệm khái quát nhất về hợp tác xã, coi HTX là “tổ chức của những người sản xuất nhỏ, yếu thế lực về kinh tế cần phải hợp sức, hợp vốn với nhau để tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh ”. Như vậy, sự xuất hiện của hình thức tổ chức kinh tế hợp tác là dựa trên lao động tự do của người lao động.
Các ông cho rằng, mục tiêu của các hợp tác xã không phải vì lợi nhuận, mà là vì sự hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau để có thể tồn tại bên cạnh các nhà tư bản lớn. Trên thực tế các hợp tác xã đã chứng tỏ sức sống của nó trong nền kinh tế tự do cạnh tranh. Thể hiện là, cuộc khủng hoảng kinh tế vào cuối thế kỷ 19 gây nên sự hạ giá nông sản ở khắp nơi, nhưng các hợp tác xã đã không vì thế mà tan rã, mà ngược lại còn phát triển mạnh hơn.
C.Mác, Ph.ăng-ghen và sau này là Lê nin đã nghiên cứu tường tận các hợp tác xã ở nước Anh và một số nước khác ở châu Âu, Bắc Mỹ và Nga... Các Ông cho rằng, các hợp tác xã được xây dựng dưới chủ nghĩa tư bản là để đấu tranh kinh tế với giai cấp tư sản, phát huy sáng kiến của quần chúng; nhờ sáng kiến của quần chúng các hợp tác xã được xây dựng thành những tổ chức kinh tế rộng lớn, nó đã chứa đựng tiềm năng của chủ nghĩa xã hội, là những di sản văn hoá cần được coi trọng và sử dụng.
Nhận thức rõ những hạn chế của hợp tác xã dưới chủ nghĩa tư bản, vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, Lê nin cho rằng phong trào hợp tác xã sẽ được phát huy dưới chính quyền nhân dân, do giai cấp công nhân lãnh đạo, dưới sự tác động của quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ( chế độ công hữu về ruộng đất và các tư liệu sản xuất cơ bản khác ). Trong điều kiện ấy hợp tác sẽ là con đường giản đơn nhất, dễ dàng nhất, dễ tiếp thu nhất đối với nông dân nói riêng và đối với những người sản xuất nhỏ nói chung.