Thời Kì Đầu Xây Dựng Hợp Tác Xã Nông Nghiệp Ở Thái Nguyên (1958 - 1960)


quyền sở hữu của xã viên về những TLSX chủ yếu như ruộng đất, trâu bò, nông cụ. HTX sử dụng và xã viên được hưởng một phần hoa lợi từ tài sản đóng góp ngoài công lao động được hưởng theo nguyên tắc phân phối theo lao động.

Cuối năm 1960, miền Bắc đã đưa đại bộ phận nông dân vào HTX nông nghiệp gồm cả hai loại: HTX bậc thấp và HTX bậc cao.

Khi mô hình HTX kiểu cũ không còn phù hợp với quá trình phát triển kinh tế trong điều kiện mới, thực tế đã đòi hỏi phải có sự đổi mới cả mô hình và cơ chế quản lí HTX kiểu cũ. Trong suốt quá trình tìm tòi thử nghiệm, đặc biệt từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (1986) đã diễn ra quá trình đổi mới từng phần, đến đổi mới toàn bộ, căn bản mô hình HTX cùng với cơ chế quản lí theo mô hình cũ. Trong từng bước thay đổi, Đảng ta luôn chú ý, tổng kết, đánh giá và kịp thời đề ra chủ trương, biện pháp thích hợp, tạo bước ngoặt quyết định cho sự phát triển nông nghiệp và sự hình thành mô hình HTX kiểu mới.

Chỉ thị 100 của Bộ Chính trị ngày 13-1-1981 đã đặt nền móng cho quá trình đổi mới mô hình HTX “Tập thể hóa trước đây”.

Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị ngày 5-4-1988, về đổi mới quản lí kinh tế nông nghiệp và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII năm 1993, kinh tế hộ nông dân được xác định là đơn vị kinh tế tự chủ được nhận ruộng đất ổn định lâu dài với năm quyền (chuyển nhượng, chuyển đổi, thừa kế, thế chấp, cho thuê). Điều này thực sự đã tạo nên bước đột phá cho quá trình phát triển nền nông nghiệp nước ta. Đồng thời nó đã đánh dấu một giai đoạn chuyển biến quan trọng của mô hình hợp tác xã kiểu cũ. Giai đoạn 1986 - 1996 là bước chuẩn bị quan trọng cho sự ra đời Luật hợp tác xã được Quốc hội khóa IX, kì họp thứ 9 thông qua ngày 20-3-1996 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-1997.


2.2. THỜI KÌ ĐẦU XÂY DỰNG HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP Ở THÁI NGUYÊN (1958 - 1960)

Sau 3 năm khôi phục kinh tế (1955 - 1957), kết quả của công cuộc khôi phục và phát triển nông nghiệp ở miền Bắc chứng tỏ những chính sách phát triển nông nghiệp của Đảng ta lúc bấy giờ phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nông thôn miền Bắc nói chung và của Thái Nguyên lúc đó, đáp ứng đúng nguyện vọng của nông dân nên bước đầu đã khơi dậy được tiềm năng đất đai và lao động trong nông thôn để phát triển sản xuất. Đó là cơ sở kinh tế quan trọng để củng cố khối liên minh công nông và tạo điều kiện để khôi phục và phát triển toàn bộ nền kinh tế xã hội cũng như đưa lại sự ổn định và cải thiện đời sống của nhân dân lao động.

Tuy nhiên, việc xóa bỏ quan hệ sản xuất phong kiến trong nông nghiệp, chia ruộng đất và các TLSX cho nông dân lao động và việc khuyến khích kinh tế sản xuất hàng hóa nhỏ phát triển đã dẫn đến sự phân hóa mới về giai cấp trong nông thôn. Sau cải cách ruộng đất, một số ít phú nông và trung nông lớp trên có khuynh hướng làm giàu bằng cách cho vay nợ lãi, thuê mướn nhân công, phát triển kinh tế theo kiểu phú nông. Còn một số bần nông và trung nông lớp dưới do gặp thiên tai hoặc gia đình ốm đau bị sa sút về kinh tế, phải bán bớt ruộng đất, trâu bò và lâm vào cảnh túng thiếu…Đứng trước tình hình đó, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương (tháng 11/1958) đã quyết định tiến hành cải tạo nền nông nghiệp cá thể bằng con đường hợp tác hóa để ngăn chặn con đường phát triển tư bản chủ nghĩa, cứu nông dân khỏi cảnh đói nghèo. Hội nghị kết luận: “HTX nông nghiệp là yêu cầu khách quan của nông thôn, là nhiệm vụ trung tâm của Đảng trong giai đoạn mới”. Trên cơ sở đó, Trung ương quyết định điều chỉnh chỉ tiêu đến hết năm 1960 căn bản hoàn thành xây dựng HTX nông nghiệp bậc thấp, đưa một số HTX lên bậc cao ở miền Bắc.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 120 trang tài liệu này.


Thời kì này, Đảng chủ trương xây dựng các HTX ở qui mô nhỏ gọn, hình thức quản lí và phân phối sản phẩm còn ở mức thấp; tổ chức HTX bậc thấp là dựa trên nguyên tắc tập thể hóa TLSX (ruộng đất, trâu bò, công cụ), mỗi hộ nông dân được giữ lại 5% quỹ đất làm kinh tế phụ gia đình, còn lại giao cho HTX quản lí, sau thu hoạch nông dân được trả hoa lợi từ phần ruộng đất của mình và được trả tiền thuê trâu bò.

Hợp tác hóa nông nghiệp ở Thái Nguyên từ 1958 đến 1990 - 5

Thực hiện các nghị quyết trên của Đảng, các cấp, các ngành của tỉnh Thái Nguyên đã nỗ lực, cố gắng vận động và tổ chức xây dựng HTX trên phạm vi toàn tỉnh. Với lợi thế là tỉnh trực tiếp thí điểm xây dựng các HTX đầu tiên; đông đảo các tầng lớp nhân dân đã hiểu được phần nào bản chất và cách thức làm ăn mới, các hộ nông dân nhận thấy sức mạnh của tập thể trong lao động sản xuất. Đặc biệt, Thái Nguyên đã vinh dự được đón Hồ Chủ tịch đến thăm và làm việc. Ngày 2/3/1958, nói chuyện với đông đảo nhân dân 4 hợp tác xã của hai xã Hùng Sơn và Tiên Hội (Đại Từ) cùng một số cán bộ huyện, tỉnh và cán bộ Khu tự trị Việt Bắc, Hồ Chủ tịch căn dặn, động viên nhân dân phải hăng hái tham gia xây dựng tổ đổi công, xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, tích cực tăng gia sản xuất xây dựng quê hương, xây dựng cuộc sống mới ấm no hạnh phúc. Do đó, việc xây dựng và phát triển HTX được hoàn thành một cách nhanh chóng.

Phong trào HTX được xây dựng khá nhanh. Từ 4 HTX thí điểm, bằng những kinh nghiệm vận động, quản lí, tổ chức sản xuất được đúc rút và phổ biến kịp thời. Đến hết năm 1958 toàn tỉnh đã xây dựng được 28 HTX (Trong đó huyện Đại Từ 7, Đồng Hỷ 8, Phổ Yên 6, Phú Bình 2, Phú Lương 2, Vò Nhai 1, Định Hoá 2), với tổng số 492 hộ gia đình tham gia [17]

Bước sang năm 1959, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh tháng 2/1959 đã đưa ra Nghị quyết về cải tạo nông nghiệp: Phải tăng cường lãnh đạo, tập trung lực lượng, đẩy mạnh giáo dục cho cán bộ, đảng viên từ tỉnh đến huyện,


xã nhất là cán bộ, đảng viên ở xã, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân có một chuyển biến mạnh mẽ về tư tưởng và nhận rò ý nghĩa chính trị và kinh tế đối với nhiệm vụ này để quyết tâm đưa 50,7% hộ nông dân lao động vào HTX cấp thấp và trong đó mỗi huyện tổ chức từ 1 đến 2 HTX nông nghiệp bậc cao, đồng thời tăng cường củng cố và phát triển HTX tín dụng, HTX mua bán…

Thực hiện Nghị quyết trên, đến cuối năm 1959, toàn tỉnh đã xây dựng được 577 HTX nông nghiệp với 20.145 hộ nông dân tham gia, bằng 48,46% tổng số hộ nông dân toàn tỉnh [17]. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng vừa xây dựng vừa củng cố phát triển sản xuất trong các HTX, nhằm tạo ra sự tiến bộ vượt bậc so với làm ăn cá thể, làm động lực thúc đẩy, động viên nhân dân tiếp tục tham gia HTX, đến cuối năm 1960, kết thúc kế hoạch 3 năm cải tạo XHCN và phát triển kinh tế văn hoá, cuộc vận động đưa nông dân vào con đường làm ăn tập thể trong các HTX đạt kết quả to lớn: Toàn tỉnh đã xây dựng được 948 HTX (trong đó có 64 HTX bậc cao) với 38.754 hộ xã viên, bằng 86,9% tổng số hộ nông dân toàn tỉnh. Hai huyện Phú Bình và Định Hoá đạt tỷ lệ cao nhất hơn 93% số hộ nông dân trong huyện đã gia nhập HTX.[56].

Phong trào hợp tác hoá nông nghiệp phát triển nhanh, đó là một bước nhảy vọt có ý nghĩa lớn đối với nông dân các dân tộc Thái Nguyên, nhất là nông dân ở miền núi. Sản xuất phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên, mức thu nhập và tiêu dùng của nhân dân và cán bộ khá hơn trước. Trong sản xuất nông nghiệp, từ chỗ bao gồm nhiều thành phần kinh tế đã trở thành nền kinh tế thuần nhất: XHCN và nửa XHCN.

Do đặc điểm địa hình, Thái Nguyên là vừa trung du vừa miền núi, ở những xã miền núi, những bản làng vùng sâu, vùng xa do địa hình dân cư thưa thớt, diện tích ruộng đất canh tác nhỏ lẻ, phân tán không phù hợp với điều kiện xây dựng HTX tỉnh vẫn chủ trương vận động xây dựng tổ đổi công lao


động, tạo điều kiện để nhân dân tương trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất và sinh hoạt cộng đồng. Đến hết năm 1959, toàn tỉnh vẫn duy trì được 1886 tổ (trong đó có 941 tổ đổi công thường xuyên) hoạt động đạt hiệu quả tốt [4, 338].

Thời kì 1958 - 1960, nhờ có tổ đổi công và phong trào HTX phát triển mạnh mà sản xuất nông nghiệp có bước tiến bộ vượt bậc là: phong trào khai hoang phục hoá tiếp tục được phát động để mở rộng diện tích gieo trồng, cùng với thâm canh tăng vụ đến năm 1960, tổng diện tích gieo cấy lương thực toàn tỉnh đạt 59.531 ha, tăng 2800 ha so với năm 1957, trong đó diện tích trồng lúa tăng 1828 ha. Các biện pháp kĩ thuật gieo cấy, chăm sóc tiếp tục được khuyến khích thực hiện. Nhờ đó, riêng năng suất lúa năm 1960 đạt 1.630 kg/ha/1năm, tăng 209 kg so với năm 1957. Tổng sản lượng lương thực năm 1960 đạt 84.633 tấn, tăng 13.473 tấn so với năm 1957. Sản xuất phát triển không chỉ đảm bảo nhu cầu lương thực cho nhân dân mà phần đóng góp nghĩa vụ cũng được bảo đảm. Trong ba năm 1958 - 1960, nhân dân các dân tộc Thái Nguyên đã đóng góp cho Nhà nước 45.445 tấn lương thực [4, 41].

Đạt được kết quả nhanh mạnh về phong trào và sản lượng, nhưng đằng sau những con số phấn khởi đó, trong đời sống thực tiễn của nông thôn Thái Nguyên lúc bấy giờ, HTX nông nghiệp đã mang trong mình những yếu tố không phù hợp như:

Về đường lối chính sách, hợp tác hoá với nguyên tắc cùng có lợi bị vi phạm, không làm đủ đất 5% cho kinh tế phụ, công hữu hoá tràn lan và triệt để, định giá thấp, gây phản ứng trong nông dân; nhiều nơi nông dân chặt phá vườn cây, giết mổ, bán chạy trâu bò làm thiệt hại sản xuất.

Về quan hệ sản xuất, thay đổi nhanh nhưng sức sản xuất phát triển còn chậm, năng suất lao động trong nông nghiệp chưa được nâng cao, phân phối lực lượng lao động chưa hợp lí (số ngày công lao động trong năm ít, hiệu suất lao động thấp, lãng phí còn nhiều). Thu nhập và đời sống của xã viên nói


chung chưa hơn các năm trước, thậm chí có bộ phận, có HTX còn có phần giảm sút. Tích lũy tái sản xuất mở rộng và các khoản phúc lợi tập thể của HTX còn ít. Quỹ tích lũy vụ mùa 1959 và chiêm năm 1959-1960 mới để được từ 3% đến 3,5%, quỹ công ích từ 0,4% đến 0,67%, tính ra 1 ha mới tích lũy được 10đ đến 19đ [18].

HTX mở rộng nhanh về số lượng về quy mô và yêu cầu cao nhưng về trình độ và năng lực lãnh đạo về kinh tế của cán bộ HTX không được nâng lên kịp với yêu cầu của phong trào. Công tác quản lí đã gặp nhiều lúng túng, tình trạng lãng phí, tham ô diễn ra phổ biến, một số nơi ở mức độ nghiêm trọng, đã có nhiều hộ xã viên xin ra HTX.

Tính đến năm 1960, dân số Thái Nguyên là 290.255 người thì số người không biết chữ trong độ tuổi lao động là 52.056 (chiếm 18%) [56]. Đây là một trong những nguyên nhân khách quan tác động đến quá trình xây dựng và phát triển phong trào HTX, mà trực tiếp là trình độ giác ngộ về XHCN của xã viên. Ở thời điểm này, trình độ giác ngộ của xã viên còn thấp. Ý thức làm chủ, tinh thần tập thể của xã viên còn thấp, đòi hỏi cùng với lợi ích về kinh tế, công tác chính trị và tư tưởng trong HTX cần phải được nâng lên một bước trong quá trình xây dựng và phát triển.

2.3. THỜI KÌ TỔ CHỨC HTX BẬC CAO THỰC HIỆN CƠ CHẾ KẾ HOẠCH HÓA TẬP TRUNG 1961 - 1980

Đây là một thời kì dài với nhiều biến cố lịch sử của đất nước cũng như các sự kiện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Giai đoạn này, Đảng chủ trương củng cố, hoàn thiện, đưa HTX nông nghiệp bậc thấp lên HTX bậc cao, mở rộng qui mô HTX theo mô hình tập thể hóa. HTX được tổ chức theo nguyên tắc tập trung, Ban Quản trị quản lí TLSX (ruộng đất, trâu bò, công cụ), quản lí số lượng lao động và điều hành công việc đến đội, tổ và hộ. Phân phối theo nguyến tắc trừ lùi (trừ thuế, quỹ, chi phí sản xuất, quản lí phí), còn lại được


chia theo ngày công vào cuối vụ sản xuất. Hộ nông dân bị triệt tiêu, không được coi là đơn vị kinh tế tự chủ, tất cả xã viên vào HTX lao động sản xuất được tính theo công điểm, kinh tế hộ thời kì này chỉ là phần thu nhập phụ từ 5% quỹ đất để sản xuất kinh tế gia đình.

2.3.1. Hợp tác hóa nông nghiệp giai đoạn 1961-1965

Giai đoạn này, đế quốc Mĩ chưa mở rộng leo thang chiến tranh ra miền Bắc, đó chính là thuận lợi để Thái Nguyên xây dựng HTX và phát triển sản xuất nông nghiệp. Đây cũng được coi là giai đoạn phát triển nhanh, mạnh những không vững chắc của phong trào hợp tác hóa trong nông nghiệp ở Thái Nguyên, các HTX được xây dựng nhanh ồ ạt với quy mô và mức độ lớn, đây chính là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ quá trình hoạt động của HTX.

Với những kinh nghiệm đã được đúc rút qua việc củng cố lại những HTX bị vỡ ở thời gian trước, sang năm 1961, toàn tỉnh xây dựng được 813 HTX, thu hút 78,3% số hộ nông dân đi vào con đường làm ăn tập thể. Trên đà thắng lợi đó, tỉnh tiếp tục triển khai vận động xây dựng HTX, đến năm 1964 trong tỉnh đã thu được kết quả to lớn là: cả tỉnh đã có tới 880 HTX (trong đó 257 HTX bậc cao, 367 HTX khá, loại HTX trung bình là 504) [72].

Diện tích canh tác tăng đều qua các năm, từ năm 1960 đến 1965, diện tích trồng cây lương thực của tỉnh đã tăng thêm 13.300 ha, riêng diện tích gieo, cấy lúa tăng từ 51.898 ha năm 1960 lên 59.739 ha năm 1965. Nhờ đó, tổng sản lượng lương thực của tỉnh cũng tăng tăng từ 92.691 tấn năm 1960 lên 119.902 tấn năm 1965. [5, 352-353].

Cách thức làm ăn mới đã phát huy được kết quả là, nhiều HTX điển hình toàn diện hoặc tốt từng mặt đã xuất hiện như các HTX Thành Công của huyện Đại Từ, HTX Tân Tiến của Định Hoá, Hồng Kì của Phú Bình. Nhiều HTX đã đưa năng suất lúa tăng lên hàng năm, vượt khỏi mức trung bình của tỉnh (mức trung bình của tỉnh là từ 160 đến 170.000 tấn). Điển hình là huyện


Đại Từ luôn đi đầu trong công tác xây dựng HTX cùng với việc tăng diện tích, tăng vụ và tăng năng suất, lúa, từ 16.000 tấn năm 1960 đã tăng lên hơn

23.000 tấn năm 1965.

Những thắng lợi trên, tác động tích cực đến đời sống của nông dân các dân tộc trong tỉnh; tình trạng thiếu đói ở nông thôn trong các kì giáp hạt tuy vẫn còn nhưng số lượng không lớn và ở mức độ không còn trầm trọng như trước đây. Bộ mặt nông thôn đã thay đổi “Làng xóm ta xưa kia lam lũ quanh năm mà vẫn quanh năm đói rách. Làng xóm ta ngày nay bốn mùa nhộn nhịp cảnh làm ăn tập thể. Đâu đâu cũng có trường học, nhà gửi trẻ, nhà hộ sinh, câu lạc bộ, sân và kho của HTX, nhà mới của xã viên. Đời sống vật chất ngày càng ấm no, đời sống tinh thần ngày càng tiến bộ” [27, 158].

Đời sống kinh tế ổn định, góp phần nâng cao đời sống văn hoá, tạo điều kiện cho đội ngũ thanh niên nhất là thanh niên nông thôn có điều kiện tham gia học văn hoá và khoa học kỹ thuật. Nhờ đó, nhiều hủ tục tồn tại lâu đời trong nhân dân đã được đẩy lùi, nạn tảo hôn và các hình thức cưới xin, ma chay lạc hậu đã giảm bớt.

Song, từ việc nôn nóng muốn cải tạo xã hội, đưa nông dân đi vào làm ăn tập thể bằng cách thực hiện xây dựng ồ ạt một cách nhanh chóng các HTX với quy mô và mức độ lớn dẫn đến hàng loạt các sai lầm tiếp theo trong quá trình thực hiện. Những sai lầm này đã bộc lộ ngay từ thời kì đầu xây dựng HTX (1958-1960), nhưng thay vì phải điều chỉnh cho phù hợp thì lại tiếp tục đem áp dụng vào HTX bậc cao. Do đó, tuy phong trào HTX phát triển nhanh, nhưng không vững chắc; hiệu quả sản xuất kinh doanh trong các HTX không cao; diện tích gieo, trồng tăng nhưng năng suất không tăng, thâm chí ở huyện Vò Nhai còn giảm, năng suất lúa giảm từ 19,78tạ/ha năm 1960 xuống còn 14,69 tạ/ha năm 1965. Tổng sản lượng lương thực tăng chậm và rất bấp bênh, trong khi dân số tăng nhanh, chỉ tiêu đóng góp lương thực cho Nhà nước mỗi

Xem tất cả 120 trang.

Ngày đăng: 21/06/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí