Thực Trạng Phát Triển Du Lịch Ở Các Tỉnh Phía Nam Đồng Bằng Sông Hồng Theo Hướng Bền Vững

có loại gỗ thông caori lâu năm của Fiji có giá trị rất cao trên thị trường và luôn bị đe doạ chặt phá. Ngoài ra, khu vực này còn có 48 làng quê cổ nhất của Fiji và 8 vùng tôn giáo. Đối với vùng này, sức ép không chỉ từ phía các Công ty khai thác gỗ mà còn từ khai thác quặng (một Giấy phép khai thác vàng ở phía Đông Koronayitu đã được cấp). Cuộc sống của các hộ gia đình ở vùng này bấp bênh, thu nhập thấp (chỉ 30 đồng Fiji mỗi tuần).

Năm 1992, Chính phủ NewZeland đã tài trợ một chương trình thí điểm giúp Koronayitu đưa một phần của vùng này thành Vườn Quốc gia với cơ hội phát triển du lịch quy mô nhỏ nhằm mục đích bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế của các làng quê. Ngoài việc phát triển du lịch sinh thái, người dân ở đây còn thành lập các vùng nuôi thủy sản và sản xuất hàng lưu niệm quy mô nhỏ. Tháng 9 năm 1993, Công viên Văn hoá và phiêu lưu mạo hiểm được khánh thành như là giai đoạn I của Dự án “Phát triển Vườn Quốc gia Koroyanitu” và đã đón 12 vị du khách đầu tiên. Các lối mòn đi bộ đến các di tích lịch sử, tham quan các danh lam thắng cảnh đã được xây dựng. Các làng quê cũng đã cho ra đời Hiệp hội hợp tác xã du lịch sinh thái và xây dựng tour du lịch “Fijian Vanua Tour”. Kết quả của chương trình này đã được giám đốc vườn quốc gia đánh giá “Chương trình này đã đem lại cho chúng ta hy vọng có thể đầu tư phát triển hơn là vay mượn của tương lai - chúng ta có thể giữ gìn di sản của chúng ta và để lại tài sản thừa kế cho thế hệ mai sau”.

Một số thành quả cụ thể do Chương trình đem lại:

+ Giáo dục được cải thiện. Số lượng trẻ em đến trường tăng gấp đôi và chất lượng được nâng lên.

+ Phụ nữ tham gia nhiều hơn vào các quyết định của cộng đồng, câu lạc bộ phụ nữ có thu nhập ổn định từ nguồn bán hàng lưu niệm cho du khách.

+ Xây dựng vườn cây dược liệu thuốc đầu tiên ở Fiji phục vụ cho dân cư và du

khách.

+ Nạn cháy rừng đã được dập tắt. Đã xây dựng phân khu nhằm bảo vệ động vật

hoang dã. Vườn ươm được thiết lập, những nơi rừng bị chặt phá được trồng lại. Cộng đồng dân cư lên án mạnh mẽ việc khai thác gỗ và thống nhất không phá rừng.

+ Thu nhập của vườn quốc gia trong năm đầu tiên đã bằng toàn bộ thu nhập của toàn vùng trước khi có dự án. Ngôi trường thứ hai tại vùng này đã được xây dựng vào năm 1994.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 201 trang tài liệu này.

Một số bài học có thể rút ra cho các tỉnh phía nam ĐBSH

Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm PTDLBV ở các địa phương, khu vực trong và ngoài nước, một số bài học nhằm PTDLBV cho các tỉnh phía nam ĐBSH như sau:

Phát triển du lịch ở các tỉnh phía nam đồng bằng sông Hồng theo hướng bền vững - 9

- Nhận thức đầy đủ về PTBV: Các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, cộng đồng dân cư và doanh nghiệp kinh doanh lữ hành phải nhận thức đúng đắn vị trí quan trọng của PTDLBV. Tầm quan trọng, sự đóng góp của du lịch vào phát triển KT-XH

từng địa phương, cho quốc gia, tạo lợi thế cạnh tranh trong kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống người dân, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo vệ môi trường là cơ sở và động lực cho PTDLBV. Giáo dục, tuyên truyền mạnh mẽ để giúp các đối tượng tham gia du lịch (học sinh, sinh viên, dân địa phương, khách du lịch) nhận thức trong việc sử dụng và bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường tự nhiên. Có cơ chế để khuyến khích sự tham gia của dân địa phương cùng quản lý, sử dụng tài nguyên hợp lý, qua đó thúc đẩy hiệu quả của du lịch.

- Xây dựng Chiến lược phát triển du lịch phù hợp với điều kiện kinh tế của vùng, của tỉnh: có chính sách đầu tư đạt hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là đầu tư về hạ tầng cơ sở cho du lịch. Trong đó, vai trò của chính quyền địa phương (đặc biệt cấp xã, phường) là rất quan trọng trong việc giải phóng mặt bằng; theo dõi, giám sát, phối hợp tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư phát triển du lịch.

- Tổ chức quản lý thống nhất và cụ thể: Nguồn tài nguyên rừng tại địa điểm du lịch là nguồn tài nguyên kép do vậy các quốc gia thường có một cơ quan quản lý cấp cao, cơ quan quản lý này có chức năng bảo tồn tuyên truyền và giáo dục công chúng trong việc bảo vệ môi trường. Việc tổ chức khai thác tiềm năng du lịch tại các điểm du lịch có thể do các địa phương tự kinh doanh hoặc cho các công ty du lịch thuê môi trường để kinh doanh nhưng phải chịu quản lý theo một quy chế cụ thể.

- Huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển du lịch: Xã hội hoá quá trình phát triển du lịch hướng tới bền vững đối với điều kiện của nước ta nói chung và các tỉnh nói riêng nhằm huy động mọi nguồn lực tốt nhất phục vụ đầu tư phát triển du lịch. Trong đó có sự tham gia của người dân địa phương, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển du lịch theo hướng bền vững.

- Sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương là rất quan trọng trong chiến lược PTDLBV: Sự tham gia của người dân vào các dự án phát triển du lịch để hướng tới bền vững là rất quan trọng. Người dân bản địa với nền văn hóa, lối sống, phong tục, sinh hoạt là những nhân tố quan trọng thu hút du khách. PTDLBV và cộng đồng dân cư địa phương có mối quan hệ tác động qua lại với nhau, một mặt mang lại những tác động tốt về kinh tế, môi trường và văn hoá, mặt khác, làm phong phú thêm kinh nghiệm hoạt động và tạo sản phẩm du lịch mới.

- Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao bao gồm các nhà quản lý, chuyên gia, cố vấn và nhân viên ngành du lịch để phục vụ cho nhu cầu phát triển du lịch ngày càng lớn.

- Các địa phương phải có kế hoạch quảng bá địa danh du lịch phù hợp với đặc điểm của địa phương, phù hợp với đối tượng khách du lịch khác nhau. Ngoài ra để kế hoạch quảng bá thành công cần có sự đầu tư thỏa đáng cho hoạt động quảng bá và marketing.

- Khai thác hợp lý tài nguyên vào bảo vệ môi trường là trách nhiệm từ cơ quan quản lý nhà nước đến ban quản lý các điểm du lịch, dân cư địa phương, đến khách du lịch. Muốn PTDLBV thì trước tiên phải khai thác tài nguyên du lịch (cả thiên nhiên và nhân văn) bền vững.

Tiểu kết chương 2

Qua các nội dung nghiên cứu ở chương 2, cho thấy:

- Du lịch là một hoạt động có nhiều đặc thù, liên quan đến nhiều thành phần như chính quyền,doan nghiệp, khách du lịch, phương tiện giao thông,... và các hoạt động kinh tế xã hội khác nhằm đem lại các lợi ích về kinh tế, chính trị, xã hội cho các quốc gia.

- PTDLBV là phát triển các hoạt động. du lịch với mục đích mang lạ lợi ích kinh tế, tạo công ăn việc làm cho xã hội và cộng đồng; thỏa mãn các nhu cầu đa dạng của khách du lịch... trên cơ sở khai thác có kế hoạch các nguồn tài nguyên; Quan tâm đến việc đầu tư tôn tạo, bảo tồn và duy trì tính nguyên vẹn của các nguồn tài nguyên; phải gắn trách nhiệm và quyền lợi của cộng đồng trong việc khai thác và bảo vệ tài nguyên, môi trường.

- Mục tiêu PTBV được UNWTO thống nhất là, đặt trọng tâm vào các mục tiêu 8 “Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn, rộng mở và bền vững, tạo việc làm đầy đủ và năng suất và công việc tốt cho tất cả mọi người”, mục tiêu 12 “Đảm bảo các mô hình tiêu dùng và sản xuất bền vững”, mục tiêu 14 “Bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và các nguồn tài nguyên biển cho PTBV”.

- Nội hàm của phát triển du lịch theo hướng bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa ba mặt của sự phát triển, “bền vững về kinh tế, bền vững về tài nguyên môi trường và bền vững về văn hóa - xã hội”.

- Lựa chọn, điều chỉnh hình thành hệ thống tiêu chí tổng hợp phát triển du lịch theo hướng bền vững bao gồm: Thứ nhất, dưới góc độ kinh tế bao gồm: vị trí, quy mô của ngành; lợi ích kinh tế từ du lịch. Thứ hai, dưới góc độ văn hóa – xã hội: sự tham gia của người dân; sinh kế của dân địa phương; bảo tồn các giá trị văn hóa – lịch sử của điểm du lịch. Thứ ba dưới góc độ môi trường: bảo tồn tài nguyên du lịch; giảm thiểu ô nhiễm môi trường; bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái và cảnh quan. Xây dựng mô hình các nhân tố tác động đến phát triển du lịch theo hướng bền vững (7 nhân tố, bao gồm cả nhân tố khách quan và chủ quan).

CHƯƠNG 3: THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH Ở CÁC TỈNH PHÍA NAM ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG THEO HƯỚNG BỀN VỮNG


3.1 Tổng quan và tiềm năng du lịch các tỉnh phía nam đồng bằng sông Hồng

3.1.1 Tổng quan về các tỉnh phía nam đồng bằng sông Hồng

3.1.1.1 Đặc điểm tự nhiên

“Các tỉnh phía nam ĐBSH gồm 3 tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình với tổng diện tích khoảng 4.600 km2, dân số 4.6 triệu người và UNESCO đã công nhận khu DTSQ thế giới đối với vùng đất ngập nước ven biển ngày 13/10/2008. Khu DTSQ thế giới châu thổ sông Hồng bao gồm ven biển rộng lớn các hệ sinh thái, thuộc địa giới hành chính của 6 huyện gồm Thái Thụy, Tiền Hải (tỉnh Thái Bình); Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định) và Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình). Có hai vùng lõi là vườn quốc gia Xuân Thủy và khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Tổng diện tích của khu DTSQ hơn 105 nghìn ha là nơi cư trú của nhiều loài chim quý hiếm (chim nước và chim di cư), là hệ sinh thái đất ngập nước điển hình ở cửa sông ven biển miền Bắc Việt Nam. Đây còn là khu DTSQ đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á áp dụng mô hình đồng quản lý giữa 3 tỉnh với phương pháp tiếp cận hệ sinh thái trong quản lý một vùng đất ngập nước rộng lớn. Căn cứ quyết định số 2163/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11 tháng 11 năm 2013 “Về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” ba tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình được phân chia thuộc tổ chức không gian du lịch “Tiểu vùng Nam sông Hồng với hướng khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng: tham quan cảnh quan, hang động, các giá trị sinh thái…; tham quan di tích, lễ hội, tâm linh”.

Ninh Bình: nằm ở phía nam vùng ĐBSH, có vị trí địa lý ở vào khoảng từ 19O50’ - 20O26’ vĩ độ Bắc và từ 105O32’ - 106O20’ kinh độ Đông. Phía bắc tỉnh Ninh Bình giáp Hà Nam; phía đông giáp Nam Định; phía đông nam giáp biển Đông; phía tây và tây nam giáp Thanh Hóa; phía tây giáp Hòa Bình. Ninh Bình nằm trong vùng tiếp giáp giữa vùng ĐBSH và dải đá trầm tích ở phía Tây vừa nằm trong vùng trũng của ĐBSH, tiếp giáp với biển Đông, nên có kiểu địa hình đa dạng: vừa có đồng bằng, đồi núi, có vùng nửa đồi núi vừa có vùng trũng, vùng ven biển. Ngay trong một khu vực cũng có địa hình cao, thấp chênh lệch, cách thủ đô Hà Nội khoảng 90 km, nằm trên các tuyến giao thông quan trọng theo cả đường bộ (quốc lộ 1A, đường cao tốc Bắc

- Nam, quốc lộ 10…) và đường sắt Bắc - Nam, Ninh Bình trở thành một cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế - thương mại - du lịch và văn hóa giữa hai miền Nam Bắc. Ngoài ra, Ninh Bình còn có hệ thống sông ngòi (sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Vân, sông Vạc, sông Lạng…) với hệ thống cảng thủy nội địa tương đối phát triển, thông ra với biển Đông… Đây cũng là điều kiện thuận lợi về vận tải, thông thương với các tỉnh trong cả nước và quốc tế, tạo lợi thế độc đáo để phát triển KT-XH, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp, du lịch, dịch vụ, lưu thông hàng hóa, giao lưu văn hóa...

Nam Định: là tỉnh đồng bằng ven biển nằm ở trung tâm vùng Nam đồng bằng châu thổ sông Hồng, ở tọa độ 19º54’ đến 20º40’ vĩ độ Bắc và từ 105º55’ đến 106º45’ kinh độ Đông, phía đông giáp tỉnh Thái Bình, phía tây giáp tỉnh Ninh Bình, phía nam và đông nam giáp biển Đông, phía bắc giáp tỉnh Hà Nam. Nam Định có bờ biển dài 72 km bắt đầu từ cửa sông Ba Lạt - nơi dòng sông Hồng chảy về Biển Đông đến cửa sông Đáy với những bãi biển đã được khai thác, xây dựng thành các khu du lịch biển hấp dẫn như Thịnh Long (huyện Hải Hậu), Quất Lâm (huyện Giao Thuỷ). Đặc biệt vùng đất ngập nước cửa sông Hồng đổ ra biển Đông với hệ sinh thái rừng ngập mặn, nơi dừng chân của các loài chim di trú là điểm Ramsar quốc tế đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á (1989), đầu năm 2003 đã được Thủ tướng Chính Phủ ra quyết định công nhận là Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ.

Thái Bình: Tỉnh Thái Bình nằm ở phía Đông Nam đồng bằng châu thổ sông Hồng, từ 20º17´vĩ Bắc đến 20º49´vĩ Bắc, từ 106º06´ kinh Đông đến 106°39´ kinh Đông. Thái Bình có ranh giới: phía tây và tây nam là sông Hồng, giáp hai tỉnh Hà Nam và Nam Định; phía Bắc là sông Luộc và sông Hóa, giáp ba tỉnh Hưng Yên, Hải Dương và Thành phố Hải Phòng; phía đông là biển Đông với trên 53 km bờ biển trong vịnh Bắc Bộ. Nằm trong vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, nên Thái Bình có địa hình tương đối bằng phẳng. với độ dốc thấp hơn 1% (trên 1 km), cao trình biến thiên phổ biến từ 1 - 2 m so với mặt nước biển, có hướng thấp dần từ Bắc xuống Nam, toàn bộ diện tích tự nhiên là đồng bằng. Nhìn chung, địa hình Thái Bình đơn giản, khí hậu thoáng mát, trong lành điển hình của dạng địa hình cảnh quan đồng quê vùng đồng bằng châu thổ, thích hợp phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt hệ thống sông bao quanh có thể phát triển thêm mảng du lịch sông, nước.

3.1.1.2 Đặc điểm kinh tế - xã hội và không gian du lịch

Ba tỉnh phía nam ĐBSH được quy hoạch thuộc vùng kinh tế duyên hải Bắc Bộ đa dạng loại địa hình: vùng đồng bằng thấp trũng, vùng đồng bằng ven biển, vùng đồi núi và bán sơn địa, bờ biển dài 142 km. Các tỉnh phía nam ĐBSH có nhiều tiềm năng về du lịch với bãi biển dài và đẹp, di tích lịch sử lâu đời và nhiều cảnh quan tự nhiên độc đáo. Sau hơn 30 năm đổi mới, kinh tế của các tỉnh phía nam ĐBSH có sự sự chuyển biến và phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt trong những năm qua, du lịch đã có những đóng góp đáng kể đến phát triển kinh tế cho các tỉnh, nhiều địa điểm du lịch cũ được khai thác, địa điểm mới được xây dựng tạo điểm thu hút riêng cho vùng.

Ninh Bình là thành phố đã được Chính phủ công nhận đô thị loại II năm 2014. Kinh tế tăng trưởng với tốc độ bình quân 12% năm; thu ngân sách tăng cao, kết cấu hạ tầng đô thị được tăng cường đầu tư; đời sống nhân dân được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm, 12/14 xã, phường đạt chuẩn Quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020; 42/42 trường học đạt chuẩn quốc gia (trong đó 19/42 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ II), 91,6% đường giao thông nội thành có điện chiếu sáng công cộng, 99,2% đường giao thông được nhựa hoá và bê tông hoá, 95,8% hộ gia đình được dùng nước máy. Tỉnh Ninh Bình đã lập quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh và quy hoạch chi tiết

các khu, điểm du lịch, như: “Khu du lịch sinh thái Tràng An”, “Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính”, vùng bảo vệ đặc biệt khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, khu du lịch sinh thái hồ Đồng Chương, khu du lịch phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn... và các quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan đến lĩnh vực phát triển du lịch, như: “Quy hoạch phát triển nghề, làng nghề gắn với du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”; “Quy hoạch bảo tồn và PTBV các khu rừng đặc dụng tỉnh Ninh Bình quản lý đến năm 2020”; “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế vùng ven biển Kim Sơn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”; “Quy hoạch phát triển thủy sản; quy hoạch phát triển chăn nuôi gắn với phát triển du lịch; quy hoạch công viên động vật hoang dã quốc gia tại Ninh Bình”… Toàn tỉnh đã thống kê được 1.499 di tích, trong đó 2 di tích được công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt, 77 di tích cấp quốc gia, 267 di tích cấp tỉnh; 01di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. 81 làng nghề được công nhận làng nghề cấp tỉnh (là các làng nghề như: sản phẩm rượu, bún bánh, mây tre đan, cói…). (Sở Du lịch Ninh Bình, 2017).

Nam Định nằm trong vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thực phẩm của đồng bằng Bắc Bộ, là trung tâm kinh tế, xã hội của vùng nam ĐBSH. Tổng sản phẩm GRDP năm 2017 của tỉnh tăng 7%. Về xây dựng, đầu tư, giao thông, truyền thông và điện lực trên địa bàn toàn tỉnh: hoàn thành quy hoạch xây dựng vùng của 09 huyện; quy hoạch phân khu xây dựng khu vực Phủ Dầy, huyện Vụ Bản. Tỉnh Nam Định có trên 4000 di tích lịch sử văn hoá, có 1 di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt (khu di tích Đền Trần- chùa Phổ Minh), 81 di tích lịch sử cấp Quốc gia và 245 di tích lịch sử cấp tỉnh. Hai quần thể di tích Đền Trần - chùa Phổ Minh và Phủ Dầy trong “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030” được xác định là điểm du lịch quốc gia. Có trên 90 làng nghề truyền thống (Đúc đồng Tống Xá, chạm khắc gỗ La Xuyên, trồng hoa cây cảnh Vị Khê. mây tre đan Vĩnh Hào, dệt lụa, ươm tơ Cổ Chất, Cự Trữ, cây cảnh Vị Khê, làng nghề làm muối ven biển...) là những điểm du lịch văn hóa tiềm năng của tỉnh. Hằng năm có hàng trăm lễ hội được tổ chức trong đó lễ hội Phủ Dầy được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cùng với lễ hội Đền Trần, hội chợ Viềng đã trở thành sản phẩm du lịch văn hóa phi vật thể mang tính đặc trưng riêng có của địa phương rất hấp dẫn và thu hút đông đảo du khách. (Sở Du lịch Nam Định, 2017).

Thái Bình: Kinh tế Thái Bình trong những năm qua có sự tăng trưởng cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch lớn. Tổng sản phẩm GRDP năm 2018 tăng 10,5%. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm 2011 - 2018 đạt 9,3 %. Vị trí của ngành công nghiệp và khối ngành dịch vụ trong nền kinh tế đã ở mức trung bình. Thu ngân sách của tỉnh không ngừng tăng trưởng qua các năm. Tổng thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2011 - 2015 bằng 2,5 lần so với giai đoạn 2006 - 2010, tăng bình quân 16,6%/năm. Với nền văn minh lúa nước lâu đời, Thái Bình có nhiều di tíc lịch sử văn hóa. Hiện nay toàn tỉnh Thái Bình có 02 di tích quốc gia đặc biệt, 113 di tích được xếp hạng bằng công nhận di tích quốc gia và 523 di tích cấp tỉnh. Trong đó có di

tích lịch sử văn hoá bao gồm: di tích lịch sử cách mạng, di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật... Nổi bật nhất phải kể đến chùa Keo; khu di tích đền thờ và lăng mộ các vua Trần; đình, đền, bến tượng A Sào; đền Tiên La; đền Đồng Bằng; đền Đồng Xâm; đình An Cố và một số di tích khác cũng thu hút khách du lịch bốn phương. Những di tích kiến trúc lịch sử tôn tạo, các danh thắng thiên nhiên, cảnh quan nhân văn là nguồn tài nguyên du lịch văn hoá có giá trị cho phát triển du lịch.

3.1.2 Tiềm năng du lịch của các tỉnh phía nam đồng bằng sông Hồng

3.1.2.1 Tiềm năng du lịch thiên nhiên

Thuộc vùng ĐBSH nên các tỉnh ở phía nam cũng có vị trí địa lý, địa hình tự nhiên tương đồng nhau tạo nên nhiều cảnh quan đẹp thu hút du khách.

Tài nguyên du lịch biển: các tỉnh phía nam ĐBSH có đường bờ biển tương đối dài và có một số bãi biển đẹp có thể khai thác cho hoạt động du lịch như bãi biển Đồng Châu (Thái Bình), Thịnh Long, Giao Lâm (Nam Định)... Tuy nhiên các bãi biển như Quất Lâm, Thịnh Long…nước đục nên cũng ít có giá trị đối với du lịch tắm biển. Các đặc sản từ biển gồm những loại thực phẩm cao cấp như bào ngư, tôm hùm, mực.v.v…ở khu vực này rất sẵn và rẻ. Bên cạnh đó, các sản phẩm khác từ biển như hàng mỹ nghệ, đồ lưu niệm cũng rất có giá trị đối với du lịch.

Tài nguyên du lịch hang động: Trong số rất nhiều hang động đã được phát hiện ở các tỉnh phía nam ĐBSH có rất nhiều hang động đẹp, rộng có khả năng khai thác phục vụ mục đích du lịch tham quan, nghiên cứu như Tràng an - Tam Cốc - Bích Động, Địch Lộng (Ninh Bình).

Tài nguyên du lịch thuộc sông, hồ, suối nước nóng, nước khoáng: Sông, hồ, suối nước nóng, nước khoáng là một trong những tài nguyên du lịch rất phong phú ở các tỉnh phía nam ĐBSH. Những tài nguyên này được khai thác phục vụ mục đích tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể dục thể thao và chữa bệnh. Điển hình các suối nước nóng Kênh Gà (Ninh Bình), Tiền Hải (Thái Bình)…

Tài nguyên du lịch thuộc các khu rừng đặc dụng: trên lãnh thổ 3 tỉnh có một số khu bảo tồn đất ngập nước có giá trị du lịch cao như Xuân Thủy (Nam Định) và Vân Long (Ninh Bình) trong đó Xuân Thủy là 1 trong 4 khu Ramsar của cả nước. Các vườn quốc gia như Cúc Phương (Ninh Bình) và Xuân Thủy (Nam Định) bảo tồn được nhiều diện tích rừng nguyên sinh với nhiều loại thực, động vật nhiệt đới điển hình. Đây là nơi lưu giữ tốt nhất nguồn gen động thực vật, bảo tồn sinh thái và đa dạng sinh học, vì thế có ý nghĩa rất lớn về khoa học, kinh tế, giáo dục và du lịch.

Một số khu vực có cảnh quan du lịch đặc biệt: Khu vực Tam Cốc - Bích Động - Vân Long - Tràng An: Tam Cốc - Bích Động được mệnh danh là “Hạ Long cạn” với núi, sông, hồ, hang động đặc sắc gắn liền với Hoa Lư, cố đô của hai vương triều Đinh

– Lê, di tích cấp quốc gia đặc biệt. Cúc Phương là vườn quốc gia đầu tiên được thành lập ở nước ta, nơi còn bảo tồn và gìn giữ được một kho sưu tập đặc sắc về thế giới thực, động vật điển hình của thiên nhiên nhiệt đới ẩm, khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long, nước khoáng nóng Kênh Gà.v.v…Tuy nhiên, nổi bật danh thắng Tràng An được

UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới, Tam Cốc, Bích Động được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.

3.1.2.2 Tiềm năng du lịch văn hóa

Các tỉnh phía nam ĐBSH có những cảnh quan tự nhiên và văn hóa tương đồng, đều có đồi núi, có cảnh quan vùng trung tâm đồng bằng, có cảnh quan miền duyên hải. Những làng mạc trù phú xen giữa những cánh đồng bằng phẳng phì nhiêu đã đi vào thơ ca, văn học của Việt Nam - những đặc trưng của vùng đồng bằng bắc bộ. Các tỉnh đều tập trung phát triển du lịch văn hóa bên cạnh việc khai thác từ cảnh quan tự nhiên. Tín ngưỡng, văn hóa là điểm thu hút được khách du lịch khi nhắc đến những tỉnh này. Các tỉnh phía nam ĐBSH có 1.320 di tích được xếp hạng trong đó trong đó có 05 di tích cấp quốc gia đặc biệt với 1 di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới được UNESCO công nhận.

Các di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ như cố đô Hoa Lư, nhà thờ đá Phát Diệm (Ninh Bình), đền Trần, tháp Phổ Minh (Nam Định), đền thờ các vua Trần, chùa Keo (Thái Bình).v.v…thể hiện sâu sắc tư tưởng triết học phương Đông và bàn tay tài hoa của nhân dân lao động Việt Nam từ ngàn xưa. Hệ thống di tích trên cùng với các giá trị văn hóa phi vật thể khác, các di tích danh thắng, ẩm thực.v.v…của vùng là đặc trưng của nền văn minh lúa nước sông Hồng, văn hóa Việt Nam không nơi nào có được.

Lễ hội văn hóa dân gian: Các tỉnh phía nam ĐBSH là miền đất của lễ hội. Các lễ hội ở vùng gắn liền với nền văn minh lúa nước sông Hồng nên mang tính khái quát cao, phản ánh sinh động đời sống tâm linh, tư tưởng triết học và bản sắc văn hóa Việt Nam. ĐBSH là quê hương của hội làng, hội vùng, hội của cả nước; là cái nôi của lễ hội nông nghiệp và lễ hội mang nội dung lịch sử - văn hóa ở tầm quốc gia. Cho nên, dù có những khác biệt nhất định, song các loại hình lễ hội Bắc Bộ ít nhiều đều mang tính đại diện cho cả nước. Đây chính là một trong những điểm chủ yếu hấp dẫn du khách đến với vùng Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc (ĐBSH & DHĐB) nói chung và ĐBSH nói riêng.

Ca múa nhạc: phát triển du lịch nam ĐBSH thì ca múa nhạc dân tộc cũng là một loại tài nguyên du lịch giá trị. Hầu hết các loại hình dân ca tại vùng Bắc Bộ như ngâm thơ, hát ru, hát vè, trống quân, hát đám, quan họ... đều rất phổ biến. Tuy nhiên, có giá trị hấp dẫn khách du lịch ở các tỉnh phía nam ĐBSH là hát Chèo. Chèo là loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian Việt Nam được xuất phát từ kinh dô Hoa Lư và phát triển mạnh ở đồng bằng Bắc Bộ - là đại diện tiêu biểu nhất của sân khấu truyền thống Việt Nam. Các tỉnh phía nam ĐBSH cũng nổi tiếng về các điệu múa dân gian, múa rối nước. Có nhiều phường múa đã hình thành và nổi danh từ thời nhà Lý như phường múa rối cổ truyền ở làng Nguyễn, Nguyên Xá, Đông Hưng (Thái Bình), phường rối Nam Chấn (Nam Hà). Nhìn chung, ca múa nhạc dân tộc thường gắn với lễ hội truyền thống và các di tích lịch sử văn hóa. Tất cả đã gắn bó với nhau tạo nên sắc thái văn hóa vùng và văn hóa Việt Nam.

Xem tất cả 201 trang.

Ngày đăng: 09/03/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí