Bài Học Vận Dụng Cho Phát Triển Du Lịch Nông Thôn Vùng Đồng Bằng Sông Hồng


b) Nhật Bản phát triển du lịch nông thôn trên cơ sở khai thác lợi thế của điều kiện tự nhiên và sản phẩm nông nghiệp

Nhật Bản là quốc gia công nghiệp phát triển nhất thế giới nhưng cũng là nơi có nền nông nghiệp phát triển, có nhiều sáng tạo trong việc khai thác sản phẩm nông nghiệp trong các khu vực nông thôn và miền núi. DLNT ở Nhật Bản chủ yếu gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp của các trang trại và phong cảnh làng quê theo mùa, đồng thời khai thác có hiệu quả những lợi thế từ nguồn tài nguyên thiên nhiên là các suối nước nóng và các khu trượt tuyết. Nhật Bản có 3 hình thức du lịch có thể được xếp vào loại hình DLNT bao gồm:

- Tham quan vãn cảnh nông thôn. Hình thức này bao gồm các hoạt động tham quan du lịch thông thường, được tổ chức và phát triển ở những vùng nông thôn có cảnh quan đẹp và các điều kiện cho phát triển với quy mô lớn. Trong loại hình này, các chủ thể tham gia cung cấp các dịch vụ (các nhà nghỉ gia đình truyền thống hoặc các khách sạn kiểu Nhật; các nhà hàng ăn uống; các doanh nghiệp hoặc đại lý lữ hành) đều mang tính chuyên nghiệp cao, các cơ sở vật chất kỹ thuật có quy mô lớn, tuy nhiên mối liên hệ với địa phương thường không chặt chẽ. Đối tượng du khách thông thường là nhóm khách có độ tuổi còn trẻ.

- Học tập nghiên cứu tại các vùng nông thôn: Loại hình này có đặc điểm là sử dụng các hoạt động sản xuất và các đặc điểm giá trị văn hoá truyền thống tại các vùng nông thôn, khách du lịch trực tiếp trải nghiệm những hoạt động, nếp sinh hoạt và các hoạt động khác. Đối tượng du khách thông thường là đoàn thể học sinh các trường, thực hiện chuyến du lịch mang tính chất học ngoại khoá, dã ngoại theo tên gọi “Study Tour”. Những chương trình du lịch này được thực hiện bởi các doanh nghiệp đã chuyên môn hoá và có trụ sở tại các vùng thành thị và có mối liên hệ chặt chẽ đối với địa phương nông thôn. Các chủ thể cung cấp dịch vụ chủ yếu là những doanh nghiệp mang tính chuyên nghiệp cao.

- Nghỉ ngơi thư giãn tại các vùng nông thôn: Ở loại hình này, đối tượng tham gia chủ yếu là các gia đình, những người cung cấp dịch vụ như ăn uống, lưu trú thường là những hộ nông dân. Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ thường là những nhà nghỉ gia đình sẵn có. Mối quan hệ giữa hoạt động DLNT theo hình thức này gắn chặt chẽ với hoạt động sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp của khu vực.


Điểm khác biệt trong PTDLNT của Nhật Bản ở chỗ kết hợp hài hòa 3 lợi thế tự nhiên vốn có là sản phẩm nông nghiệp, phong cảnh nông thôn và nước khoáng nóng, khu trượt tuyết để hình thành sự đa dạng của điểm đến. Chính phủ Nhật Bản sớm xây dựng quy hoạch phát triển, quy chế quản lý và phát triển tuyến điểm phù hợp với từng loại hình du lịch địa phương; cấp phép thành lập Hội đồng quản lý du lịch để thường xuyên tổ chức các buổi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quản lý giữa các địa phương với nhau. Chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch địa phương, tạo sự khác biệt cho điểm đến, như: đầu tư cải tạo và nâng cấp các khu resort nước suối khoáng nóng và các khu thị trấn địa phương thông qua cải cách phương án quản lý (xây dựng các mô hình DMOs đẳng cấp thế giới); phát triển các sản phẩm du lịch hấp dẫn, các môn thể thao gắn với vùng nông thôn…; thiết lập các Luật về nhà trọ trang trại, an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, còn phải kể đến chính sách kích cầu DLNT rất hiệu quả mà Nhật Bản kiên trì triển khai, đã đạt được mục tiêu kép cả về phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn và gìn giữ văn hóa bản địa hướng vào phát triển bền vững, như: (i) Chương trình nhà nghỉ nông thôn trên khắp đất nước do Bộ Nông Lâm Thủy sản Nhật Bản thiết lập năm 1995, đã góp phần làm hồi sinh vùng nông thôn của Nhật Bản vốn được xem là già cỗi và trì trệ từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai; (ii) chính phủ Nhật Bản cũng hoàn thiện hệ thống “ngày làm việc” và “ngày nghỉ” tạo điều kiện cho người dân Nhật có kỳ nghỉ dài để đi du lịch về các vùng nông thôn. Đặc biệt, chính phủ Nhật Bản từ năm 2016 đã đưa ra chủ trương “Coi du lịch là động lực để phát triển cho các khu vực phụ cận vào nông thôn” để tập trung đầu tư cho ngành công nghiệp không khói này tăng trưởng nhanh chóng và vượt trội ở loại hình DLNT với kết quả đáng ghi nhận vào năm 2019.

c) Thái Lan phát triển du lịch nông thôn dựa trên nền nông nghiệp và cộng đồng dân cư

Nền nông nghiệp Thái Lan luôn được đánh giá cao trong các nước Châu Á với sản lượng xuất khẩu lớn hàng năm. Bên cạnh phát triển về sản lượng, nông nghiệp cũng góp phần phát triển DLNT Thái Lan, mang lại nguồn lợi kinh tế cho đất nước chùa Vàng.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 255 trang tài liệu này.

Thái Lan được xem là đất nước nông nghiệp hàng đầu, đóng vai trò quan trọng trong nền nông nghiệp thế giới. Hơn 70.000 làng nghề thủ công ở 7.255 xã.


Phát triển du lịch nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng - 10

Đặc biệt Thái Lan được đánh giá là thiên đường du lịch Châu Á với thiên nhiên tươi đẹp, nền văn hóa lâu đời, đặc biệt là lối kiến trúc đền chùa linh thiêng. DLNT Thái Lan chủ yếu dựa vào nông nghiệp, khai thác các nguồn tài nguyên từ nông nghiệp và các làng nghề truyền thống. Mọi hoạt động từ sản xuất, cung ứng và dịch vụ chủ yếu dựa vào cộng đồng dân cư. Nguồn nhân lực DLNT Thái Lan chủ yếu dựa vào người dân sống tại cộng đồng dân cư từ người trẻ đến người cao tuổi. Cộng đồng dân cư tham gia vào tất cả các hoạt động liên quan đến DLNT từ cung cấp sản phẩm, dịch vụ, hướng dẫn viên…

Liên quan đến việc tạo điều kiện và thúc đẩy du lịch cộng đồng, DLNT của Thái Lan đã được chủ trương củng cố triết lý nền kinh tế đủ cung cấp với hai dự án: một tambom một sản phẩm (OTOP) chuyển động và nền kinh tế tự túc nông nghiệp. Chính phủ Thái Lan, Bộ Nội vụ hỗ trợ OTOP, và Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã thúc đẩy nền kinh tế đầy đủ du lịch nông nghiệp (Khaokhrueamuang, 2014c). Theo đó, PTDLNT ở Thái Lan liên quan đến ba khía cạnh: du lịch dựa vào cộng đồng, một tambon (xã) một sản phẩm và nông nghiệp nền kinh tế tự túc.

Thái Lan cũng đã có chính sách khuyến khích phát triển du lịch theo mô hình trang trại từ năm 1997. Năm 2001 nhằm phục hồi và đa dạng hóa nền kinh tế nông thôn như một phần của tái cơ cấu kinh tế quốc gia (Kurokawa và cộng sự, 2010), chính phủ dưới thời cựu Thủ tướng, Tiến sĩ Shinawatra Taksin phát động chương trình đổi mới Mỗi xã một sản phẩm (OTOP). Dự án đã sử dụng kinh nghiệm của Oita với sự hỗ trợ và quảng bá các sản phẩm của Đề án từ các tổ chức Nhật Bản như Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO), Tổng công ty Phát triển Hải ngoại Nhật Bản (JODC) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) (Natsuda et al , 2011).

Từ năm 2016, Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) đã đẩy mạnh việc phát triển du lịch dựa vào cộng đồng địa phương trên toàn quốc, giúp tăng thu nhập cho người dân bằng cách thúc đẩy du lịch nông nghiệp. Điều này vừa mang đến cho du khách cơ hội thưởng thức các hoạt động sinh thái thân thiện, trải nghiệm cuộc sống nông thôn, vừa giúp giảm áp lực cho nhiều địa điểm du lịch đã trở nên quá tải.

Chính sách của Thái Lan áp dụng là từ trên xuống, nghĩa là chính sách chủ trương từ trung ương phổ biến, áp dụng xuống đến cộng đồng dân cư. Chính sách


này có thuận lợi là được sự hỗ trợ của chính phủ, chính quyền địa phương; tuy nhiên cũng có những khó khăn về sự khác biệt giữa các địa phương, các vùng miền

2.2.1.2. Du lịch nông thôn Việt Nam và kinh nghiệm phát triển du lịch nông thôn vùng Tây Bắc, Việt Nam

a) Du lịch nông thôn Việt Nam

Trong những năm gần đây, loại hình DLNT ở Việt Nam được quan tâm phát triển gắn với nhiều chương trình mục tiêu quốc gia như OCOP hay chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhiều điểm đến DLNT được hình thành trên cơ sở khai thác giá trị đặc sắc, mang đậm dấu ấn văn hóa, sinh thái vùng miền. Các doanh nghiệp, các nhà cung ứng du lịch cũng như sự tham gia trực tiếp của cộng đồng dân cư có sự liên kết với nhau tạo ra những chương trình, sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng vùng miền thu hút và gia tăng đáng kể lượng khách du lịch không chỉ từ các vùng đô thị trong nước mà còn thu hút cả lượng khách quốc tế về những vùng nông thôn.

Cùng với định hướng quy hoạch phát triển du lịch và chính sách xây dựng nông thôn mới, cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn được đầu tư nâng cấp, đầu tư PTDLNT tại nhiều vùng miền trên cả nước, góp phần làm phong phú hệ thống điểm đến và sản phẩm du lịch tại khu vực nông thôn. DLNT cũng đem lại doanh thu cao hơn so với các hoạt động nông nghiệp thuần túy mà các vùng nông thôn chủ yếu dựa vào trước đây.

Theo tổng cục thống kê trên cả nước có 73 tuyến du lịch với 365 điểm DLNT, chủ yếu được khai thác ở 1 số vùng tiêu biểu như vùng núi phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và một số tỉnh ĐBSH với những loại hình chủ yếu như du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề truyền thống và du lịch di sản. Các sản phẩm khai thác tập trung dựa vào các giá trị cảnh quan , hoạt động sản xuất nông nghiệp, văn hóa truyền thống, sản phẩm nghỉ dưỡng nông thôn chất lượng cao. Hình thức hoạt động đầu tư kinh doanh du lịch nông thôn tập trung chủ yếu bởi các hộ gia đình thông qua cung cấp các dịch vụ homestay du lịch bằng cách cải tạo nhà ở thành phòng cho khách du lịch thuê. Vùng có phong trào làm DLNT mạnh nhất hiện nay là đồng bằng sông Cửu Long với nhiều mô hình đa dạng như phát triển cơ sở du lịch trên cánh đồng sen (Đồng Tháp), vuông tôm (Sóc Trăng,


Trà Vinh); Rừng Đước, Rừng Tràm (Cà Mau); vùng miệt vườn (Vĩnh Long, An Giang); du lịch sinh thái dọc sông Sài Gòn; trải nghiệm vườn điều ở Bình Phước, Đồng Nai; trái cây nhà vườn tại Bình Dương, du lịch làng nghề ở An Giang; tour tham quan, nghỉ dưỡng tại các vườn nho, vườn táo, trang trại dê, cừu tại tỉnh Ninh Thuận; Chương trình du lịch mùa lúa chín ở làng cổ Ðường Lâm (Hà Nội); Tham quan làng tranh dân gian Ðông Hồ (Bắc Ninh); Nông trường Mộc Châu (Sơn La); Làng rau Trà Quế (Hội An, Quảng Nam); Thưởng ngoạn ruộng bậc thang mùa lúa chín ở Mù Cang Chải (Yên Bái), du lịch cộng đồng ở Y Tý, Tả Phìn, Sa Pa (Lào Cai); Du lịch trải nghiệm vườn rau thủy canh, đồi chè, hoa công nghệ cao ở Đà Lạt (Lâm Đồng); Và nhiều điểm du lịch gắn với nông nghiệp của tỉnh Quảng Ninh, như: Điểm du lịch làng quê Yên Đức (Thị xã Đông Triều); Làng nghề gốm sứ Đông Triều; Khu trồng cây ăn quả chất lượng cao xã Dân Chủ, cánh đồng rau, hoa chất lượng cao xã Lê Lợi (huyện Hoành Bồ); Nuôi cấy ngọc trai tại vụng Tùng Sâu (Vịnh Hạ Long);

Khu đồi trà hoa vàng, ba kích tím ở huyện Ba Chẽ…

b) Kinh nghiệm phát triển du lịch nông thôn vùng Tây Bắc, Việt Nam

DLNT vùng Tây Bắc (bao gồm 6 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái) trong những năm qua đã đạt được những thành công đáng kể, làm kinh nghiệm cho nhiều vùng muốn PTDLNT trên cả nước. Để đạt được những thành công đó là nhờ:

DLNT vùng Tây Bắc thành công nhờ biết tận dụng triệt để những ưu đãi mà thiên nhiên ban tặng cùng với tài nguyên văn hóa độc đáo, đặc trưng và vô cùng đặc sắc của vùng. Vùng Tây Bắc sở hữu tiềm năng du lịch rất lớn với thiên nhiên kỳ vĩ, địa hình, khí hậu độc đáo, thiên nhiên thuần khiết hoang sơ, núi non trùng điệp tạo ra những cảnh quan tuyệt đẹp và hệ sinh thái hết sức phong phú. Bên cạnh đó, sự đa dạng của nếp sinh hoạt, tập tục, truyền thống canh tác, lễ hội, ẩm thực, âm nhạc của các dân tộc thiểu số là sức hấp dẫn lớn đối với khách du lịch trong nước và khách du lịch quốc tế.

Đồng thời DLNT vùng Tây Bắc chủ yếu dựa vào cộng đồng dân cư. Sản phẩm DLNT vùng Tây Bắc dựa vào nét đặc sắc xoay quanh cuộc sống của cộng đồng dân cư bản địa. Đây cũng chính là yếu tố tạo nên tính đặc thù của dòng sản phẩm du lịch cộng đồng của Tây Bắc. Du lịch cộng đồng được xây dựng và phát


triển ở vùng người Thái ở bản Lác (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) vào giữa thập kỷ 90 của thế kỷ XX. Đến năm 2000, người Tày ở bản Dền (xã Bản Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) cũng triển khai xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Sau hơn 20 năm phát triển, đến nay du lịch cộng đồng được xây dựng thành công ở vùng người Thái, người Tày, người Dao, H'Mông trên khắp các tỉnh vùng Tây Bắc, mang lại nhiều lợi ích trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đóng góp không nhỏ vào công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập người dân, bảo vệ môi trường sinh thái và bảo tồn, phát huy những nét văn hóa độc đáo của dân tộc địa phương.

Có được những thành công đó không thể không kể đến sự liên kết chặt chẽ giữa các công ty du lịch, các nhà cung ứng, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư trong việc kết nối và phát triển sản phẩm cũng như thu hút khách du lịch đến với vùng.

Bên cạnh những thành công còn có những điểm hạn chế là bài học kinh nghiệm cần rút ra cho các địa phương hướng tới phát PTDLNT thành công và bền vững khi những năm gần đây, thị trường này ở vùng Tây Bắc đang có xu hướng giảm tính hấp dẫn và phát triển không đồng đều giữa các địa phương, bởi những nguyên nhân sau:

Sự phát triển một cách ồ ạt các điểm du lịch cộng đồng. Cả chính quyền địa phương và người dân chưa có sự nghiên cứu một cách bài bản về tiềm lực của địa phương cũng như cơ cấu vốn đầu tư hợp lý dẫn đến tình trạng phát triển ồ ạt. Có tỉnh xây dựng tới 18 làng văn hóa, có tỉnh dân số thưa thớt, bản sắc văn hóa của tộc người tại nơi đó không có nét đặc biệt nhưng cũng chủ trương xây dựng hơn 70 làng văn hóa du lịch. Hệ quả là ¾ trong số đó không đón được khách, điều này vừa gây lãng phí nguồn lực vừa làm giảm giá trị của vùng.

Phát triển sản phẩm chưa dựa trên những nghiên cứu cụ thể về bản sắc văn hóa dân tộc vùng Tây Bắc, dẫn đến mô hình du lịch cộng đồng và sản phẩm du lịch thường tương tự như nhau, không thể hiện được những đặc trưng riêng của từng địa phương trong vùng. Cùng là người Thái nhưng mỗi địa phương sẽ có những nét đặc trưng văn hóa khác nhau; cảnh quan môi trường tự nhiên của mỗi nơi cũng khác nhau. Thậm chí có những địa phương vì lợi ích trước mắt phát triển các dịch vụ lai căng những nét văn hóa của các quốc gia khác làm mất đi nét đặc trưng văn hóa


vùng miền. Bởi vậy, cần có sự nghiên cứu sâu trong việc xây dựng sản phẩm đặc trưng của vùng và phù hợp với từng thị trường khách mục tiêu.

Chính quyền địa phương chưa giải được bài toán giữa phát triển du lịch với phát triển các ngành nghề khác. Vấn đề đô thị hóa các bản vùng ven thành phố, thị trấn cũng là nguyên nhân làm giảm sức hấp dẫn của du lịch cộng đồng vùng Tây Bắc. Đã có sự liên kết giữa các bên liên quan, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, các nhà cung ứng, cộng đồng dân cư…, tuy nhiên chưa rõ ràng về mặt lợi ích giữa các bên. Chưa có sự kết nối sản phẩm giữa các điểm du lịch trong cùng địa

phương cũng như trong vùng Tây Bắc.

2.2.2. Bài học vận dụng cho phát triển du lịch nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng

Trong xu thế khách quan của sự phát triển, Việt Nam đang dần chuyển sang một nước công nghiệp, nông thôn dần thu hẹp nhường chỗ cho các đô thị, thì PTDLNT là giải pháp tối ưu mang tính bền vững cho khu vực nông thôn. Từ kinh nghiệm PTDLNT ở một số nước phát triển, tác giả có một số khuyến nghị nhằm thúc đẩy PTDLNT ở vùng đồng bằng sông Hồng một cách hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, như sau:

Một là, để PTDLNT theo chiều sâu, chính phủ cần có những chính sách có tính chiến lược, chú trọng vào sự bền vững của phát triển, như: chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch phù hợp với đặc điểm vùng miền; đầu tư kinh phí để bảo tồn các giá trị truyền thống, công trình kiến trúc… Chính phủ cùng với các bộ, ngành trung ương và địa phương cần quy hoạch và thiết lập chiến lược PTDLNT phù hợp với xu hướng quốc tế, khả năng của từng địa phương, tạo sự công bằng cho các bên tham gia làm cơ sở pháp lý mở đường cho việc phát triển loại hình DLNT. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng, chứ không đóng vai trò quyết định tất cả các vấn đề về phát triển.

Hai là, cần đầu tư bài bản về cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch, nhưng phải đầu tư phù hợp với PTDLNT mà không làm mất đi bản sắc vùng miền. Kiện toàn hệ thống trang trại, lưu trú homestay tại các vùng PTDLNT, đảm bảo tiêu chuẩn phục vụ du khách trong nước và quốc tế. Đầu tư, xây dựng các dịch vụ trải nghiệm gắn với đời sống, sản xuất của người dân. Khôi phục, bảo tồn các di tích


lịch sử, văn hóa, lễ hội, loại hình nghệ thuật, làng nghề truyền thống để phục vụ du khách. Tận dụng nguồn nhân lực tại chỗ, đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu hội nhập của ngành du lịch.

Ba là, Chính phủ cần kiến tạo cho việc hình thành Hiệp hội DLNT Việt Nam để có một tổ chức chịu trách nhiệm phát triển loại hình DLNT, làm cầu nối liên kết giữa các chủ thể tham gia vào hoạt động DLNT, cũng như hợp tác với các hiệp hội DLNT quốc tế. Đồng thời, cũng cần sớm hình thành các chuỗi liên kết hợp tác giữa các địa phương, giữa các thành phần tham gia khai thác loại hình DLNT để tạo thành một sức mạnh tổng hợp cho cả nước.

Bốn là, các nhà hoạch định chính sách PTDLNT cần phải xem xét tầm quan trọng của cộng đồng địa phương trong các bước PTDLNT. Bởi vì, cộng đồng địa phương vừa có vai trò gìn giữ kho báu quốc gia về lịch sử, văn hoá, và cũng là những người bảo vệ môi trường tốt nhất, và cũng chính họ giữ vai trò truyền tải các đặc trưng truyền thống dân tộc đến khách du lịch.

Năm là, tạo cơ sở hành lang pháp lý thúc đẩy hoạt động xây dựng thương hiệu và quảng bá DLNT đến với du khách trong nước và quốc tế. Có chính sách hỗ trợ thúc đẩy hoạt động phối hợp giữa các đơn vị lữ hành với cộng đồng địa phương xây dựng các sản phẩm, tour du lịch độc đáo, tiêu biểu.


Tiểu kết chương 2

Chương 2 đã đề cập và làm rõ những vấn đề lý luận về DLNT, PTDLNT cũng như chỉ ra và phân tích các tiêu chí đánh giá thông qua các chỉ tiêu cụ thể và các nhân tố tác động đến sự PTDLNT. Đồng thời tác giả cũng chỉ ra được cơ sở thực tiễn về một số quốc gia tiêu biểu trên thế giới cũng như DLNT hiện tại ở Việt Nam. Như vậy, thông qua nội dung chương 2, lý luận và thực tiễn PTDLNT được trình bày một cách rõ nét, làm nền tảng vững chắc cho những nghiên cứu ở các chương sau và có thể ứng dụng vào điều kiện thực tế của nông thôn vùng ĐBSH.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 10/02/2023