Sự Tham Gia Của Cộng Đồng Trong Phát Triển Bền Vững Du Lịch

Chất lượng nói chung là cái tạo nên phẩm chất, giá trị của một sự vật, một sự việc. Nói đến chất lượng của một sản phẩm hay một dịch vụ nào đó tức là nói đến mức độ phù hợp của sản phẩm hay dịch vụ đối với mục đích sử dụng của người tiêu dùng. Chất lượng thường đồng nghĩa với giá trị sử dụng của hàng hoá, dịch vụ làm thoả mãn nhu cầu của khách hàng. Chất lượng dịch vụ là một khái niệm trừu tượng, khó nắm bắt bởi các đặc tính riêng có của dịch vụ.

Theo Phạm Đình Thọ cùng nhóm biên soạn thì chất lượng dịch vụ du lịch: “Chất lượng dịch vụ du lịch xuất phát từ chất lượng của những sản phẩm du lịch hữu hình và sản phẩm du lịch vô hình. Đó chính là kết quả của sự so sánh giữa mong đợi của khách du lịch về dịch vụ du lịch và cảm nhận của họ sau khi sử dụng dịch vụ du lịch đó” [56, tr.17]. Như vậy, chất lượng dịch vụ du lịch chính là sự thỏa mãn nhu cầu khách du lịch được xác định bởi việc so sánh giữa dịch vụ cảm nhận và sự trông đợi vào dịch vụ.

Mối quan hệ giữa chất lượng dịch vụ và PTBVDL được Lưu Đức Thanh Hải (2012) chỉ ra như sau: “Việc tăng chất lượng dịch vụ yếu tố quan trọng nhất giúp ngành du lịch phát triển bền vững và đạt được doanh thu cao”[25, tr.232]. Trong nghiên cứu của tác giả cho thấy chất lượng dịch vụ du lịch khi tồn tại nhiều hạn chế sẽ dẫn đến số lượng du khách có ý định trở lại lần thứ hai rất ít, mức độ hài lòng của du khách không cao. Điều này ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển ngành du lịch, vấn đề nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch để phát triển bền vững là việc làm đặc biệt quan trọng.

Tác giả Chiến Thắng (2019) cũng đã nhắc tới mối liên hệ của du lịch bền vững và chất lượng dịch vụ du lịch: “Ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, ngành du lịch quan tâm cơ cấu lại theo hướng phát triển bền vững dựa trên chuỗi cung ứng giá trị và chất lượng dịch vụ du lịch” [10].

Thừa nhận các quan điểm trên, nghiên cứu bổ sung tác giả cho rằng: Chất lượng dịch vụ du lịch là yếu tố then chốt tạo nên uy tín, thương hiệu không chỉ cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch mà còn cho cả ngành Du lịch của các quốc gia cũng như các địa phương. Chất lượng dịch vụ du lịch được thể hiện qua sự đa dạng, chất lượng, giá cả phải thỏa mãn được nhu cầu hiện tại và cả trong tương lai của khách du lịch.

Việc chuẩn hóa các dịch vụ du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ không chỉ giúp các doanh nghiệp đảm bảo chất lượng phục vụ mà nhằm giới thiệu đến du

khách các điểm, nhà cung cấp dịch vụ, hàng hóa chất lượng cao để họ an tâm mua sắm. Góp phần làm tăng thời gian lưu trú tham quan, thúc đẩy chi tiêu, tăng nguồn thu ngoại tệ từ du lịch. Xa hơn, nâng cao chất lượng dịch vụ sẽ quảng quá được hình ảnh du lịch địa phương, quốc gia và trực tiếp nâng cao sự hài lòng của khách du lịch và năng lực cạnh tranh cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch từ đó giúp du lịch phát triển bền vững.

Như vậy, chất lượng dịch vụ du lịch là một trong những nhân tố ảnh hưởng đến phát triển bền vững du lịch.

2.4.7. Sự tham gia của cộng đồng trong phát triển bền vững du lịch

Mối liên hệ giữa PTBVDL và sự tham gia đóng góp của cộng đồng cũng đã được một số tác giả nghiên cứu và đề cập tới:‌

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 223 trang tài liệu này.

Theo tác giả Vũ Văn Đông (2014): “Sự tham gia của cộng đồng dân cư vào các hoạt động du lịch làm cho du lịch phát triển bền vững hơn. Sự tham gia của cộng đồng dân cư không những tạo thu nhập cho cộng đồng dân cư mà còn tăng tính trách nhiệm trong việc phát triển du lịch. Việc tham gia này là hết sức cần thiết và không thể thiếu được” [19, tr.35].

Còn theo nghiên cứu của Nguyễn Tư Lương (2015): “Nhận thức của cộng đồng về phát triển du lịch bền vững phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Trình độ dân trí, hiểu biết về phát triển bền vững nói chung và phát triển du lịch bền vững nói riêng, sự tuyên truyền giáo dục của chính quyền và ngành du lịch, và điều quan trọng nhất là họ chỉ tham gia tích cực, chủ động vào phát triển du lịch bền vững khi họ nhận được lợi ích từ đó. Nếu nhận thức của cộng đồng về du lịch bền vững cao, việc xây dựng và quá trình triển khai thực hiện chiến lược phát triển du lịch bền vững sẽ thuận lợi và ngược lại, sẽ là khó khăn cho địa phương trong sự nghiệp phát triển du lịch bền vững” [39, tr.59].

Phát triển bền vững du lịch tại Thanh Hóa - 9

Dương Hoàng Hương (2017) cũng cho rằng: “Ý thức trách nhiệm của khách du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch và cộng đồng dân cư địa phương cũng là một trong những nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững du lịch” [18, tr.58].

Đồng quan điểm với các nghiên cứu đi trước. Tác giả cũng cho rằng sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động du lịch làm cho du lịch PTBV hơn. Sự tham gia này là hết sức cần thiết và không thể thiếu được trong PTBVDL. Sự tham gia của cộng đồng bao gồm: (1) Cư dân địa phương; (2) Các cơ sở kinh doanh du lịch;

(3) Khách du lịch. Và sự tham gia của họ đối với PTBVDL được tác giả phân tích như sau:

Cư dân địa phương: Du lịch không chỉ có những tác động kinh tế mà còn tác động đến cuộc sống, truyền thống và văn hóa cũng như sinh kế của cộng đồng dân cư. Không giống như những người tham gia khác trong ngành du lịch, cộng đồng địa phương sẽ phải giải quyết vấn đề du lịch cho dù họ có được chọn tham gia hay không. Các thành viên cộng đồng dân cư đóng vai trò quan trọng vừa trực tiếp và gián tiếp tác động đến phát triển du lịch. Sự giao lưu không chính thức của cộng đồng địa phương với du khách có vai trò quan trọng trong việc mở rộng thêm những trải nghiệm của du khách, cảm thấy an toàn, hiếu khách và tiện nghi. Du lịch tác động rất lớn đến cuộc sống của cộng đồng địa phương về việc làm, thu nhập, văn hóa bản địa. Trong quá trình hoạch định về phát triển du lịch cần tạo sự tham gia của cộng đồng địa phương. Họ đóng vai trò chính trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, bảo đảm tính bền vững về sử dụng nguồn lực phục vụ cho hoạt động du lịch. Sự xáo trộn, mâu thuẫn giữa người dân địa phương với du khách dễ xuất hiện nếu họ đứng ngoài cuộc, làm giảm sự an toàn cho du khách; cần phải thiết lập, duy trì mối quan hệ cộng đồng dân cư trong quá trình triển khai hoạt động du lịch để xác định rõ mục đích và lợi ích cho họ từ hoạt động du lịch mang lại; đảm bảo cung cấp thông tin cho cộng đồng địa phương để họ có thể tham gia xuyên suốt trong bất kỳ hoạt động du lịch nào tạo sự bền vững, lâu dài không chỉ về dịch vụ du lịch, môi trường, công tác bảo tồn mà còn là sự hài lòng đối với du khách.

Khách du lịch : Khách du lịch là một chủ thể quan trọng trong các quan hệ du lịch, được mọi hoạt động quản lý, kinh doanh du lịch hướng đến. Bằng việc tiêu dùng và chi trả cho việc tiêu dùng sản phẩm du lịch, khách du lịch chính là người tạo nên thu nhập du lịch. Là một bên trong quan hệ cung - cầu du lịch, tổng hợp các nhu cầu của khách du lịch là yếu tố khách quan thúc đẩy hình thành và phát triển hệ thống kinh doanh, sản xuất và cung ứng hàng hóa, dịch vụ du lịch, quản lý du lịch, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội cho hoạt động du lịch. Là người tiêu dùng các sản phẩm du lịch, trực tiếp tác động đến tài nguyên du lịch và tương tác với cộng đồng dân cư tại điểm đến, yếu tố trách nhiệm của khách du lịch có tác động, ảnh hưởng quan trọng đến PTBVDL. Chiều hướng tác động tùy thuộc vào mức độ trách nhiệm, thái độ và hành vi ứng xử của du khách với tài nguyên du lịch, với cộng đồng dân bản địa khi tiêu dùng sản phẩm du lịch. Để làm được việc đó cần nâng cao nhận thức cho du khách về các vấn đề quan trọng mà ngành du lịch đang đối mặt và giúp cho họ thay đổi nhu cầu; khuyến khích du khách tham gia bảo trợ

cho du lịch bền vững hơn là du lịch đại chúng. Khiến họ thích thú và hiểu được tham gia du lịch bền vững mang lại hơn là tham gia hoạt động du lịch khác không thân thiện với môi trường.

Các cơ sở kinh doanh du lịch: Trong kinh doanh du lịch, các cơ sở kinh doanh khai thác, sử dụng tài nguyên du lịch và các nguồn lực khác để tạo nên hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhu cầu của du khách và thu về lợi nhuận. Hoạt động của cơ sở kinh doanh du lịch, vì vậy, trực tiếp góp phần tạo nên doanh thu, giá trị tăng thêm của ngành du lịch, đồng thời cũng tác động trực tiếp đến tài nguyên du lịch, đến môi trường tự nhiên, xã hội cũng như đến cộng đồng dân cư nơi có hoạt động du lịch. Cơ sở kinh doanh có trách nhiệm sẽ có ý thức sử dụng hiệu quả, hợp lý tài nguyên và các nguồn lực du lịch khác để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế du lịch bền vững, chia sẻ lợi ích với cộng đồng, đóng góp cho giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo ở địa phương, bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch. Ngược lại, nếu cơ sở kinh doanh du lịch thiếu ý thức trách nhiệm, các nguồn lực trong đó có tài nguyên du lịch có thể bị khai thác, sử dụng lãng phí hoặc quá mức cho mục tiêu lợi nhuận; lợi ích cộng đồng thường bị bỏ qua, công tác xử lý chất thải, bảo vệ môi trường bị xem nhẹ để tiết giảm chi phí, từ đó gây ảnh hưởng lớn đến PTBVDL.

2.5. Kinh nghiệm phát triển bền vững du lịch và bài học cho Thanh Hóa

Mỗi địa phương đều có những đặc điểm và bối cảnh phát triển du lịch rất khác nhau. Do đó, việc nghiên cứu kinh nghiệm của một địa phương để rút ra bài học kinh nghiệm cho một địa phương khác trong PTBVDL là rất khó. Bởi lẽ đó, trong luận án này tác giả lựa chọn nghiên cứu một số mô hình PTBVDL ở một địa phương trong và ngoài nước để gạn lọc những yếu tố đáng quan tâm, rút ra những bài học kinh nghiệm cho PTBVDL ở địa phương cấp tỉnh và đặc biệt là bài học cho Thanh Hóa.‌

2.5.1. Kinh nghiệm phát triển bền vững du lịch trên thế giới và trong nước a, Kinh nghiệm phát triển bền vững du lịch Đảo Sentosa - Singapore

Singapore là một quốc đảo nhỏ, tài nguyên hạn chế, nhưng đã biết phát huy triệt để tiềm năng. Nền du lịch của Singapore là điểm sáng của ngành du lịch thế giới. Nó mang đến lợi nhuận cao, đóng góp lớn vào nền kinh tế của đất nước. Nền du lịch ở đất nước này phát triển bền vững là do sự sáng tạo, nguồn nhận lực tốt mà đất nước Singapore đáng tự hào. Sentosa là hòn đảo lớn thứ 4 của Singapore và là‌

điểm nhất định không thể không đến trong hành trình khám phá đảo quốc. Hiện nay Đảo Sentosa là một trong những điểm thu hút khách du lịch bậc nhất Singapore.

Cuối năm 2019, thống kê từ báo cáo thường niên của tập đoàn Genting Singapore - chủ sở hữu Universal Studios cho thấy, công viên này đã đón 7 triệu lượt khách trong suốt cả năm. Nhờ sự đóng góp của Universal Studios, Resorts World Sentosa đã trở thành điểm đến vui chơi giải trí nghỉ dưỡng nổi tiếng trên thế giới, với doanh thu năm 2019 đạt 2,48 tỷ USD, lợi nhuận ròng sau thuế đạt 689 triệu đô la.

Có thể nhận thấy sự phát triển vượt bậc và bền vững của Đảo Sentosa, từ một làng chài nhỏ bẻ năm 1972 tới nay đã trở thành một hòn ngọc tại quốc đảo Singapore đem lại lợi ích kinh tế và đón hàng triệu lượt khách. Đem lại thu nhập cho cư đân dịa phương, bảo tồn được các di sản văn hóa, với hệ thống sinh thái đa dạng đặc sắc. Sentosa đã lọt vào danh sách lọt vào vòng chung kết Điểm đến Du lịch Bền vững trong Giải thưởng "Du lịch cho Ngày mai" của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới năm 2013. Để đạt được sự phát triển bền vững du lịch ở Sentosa, đất nước Singapore đã tập trung thực hiện một số nội dung như sau:

Phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch: Kết cấu hạ tầng có vai trò quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển du lịch. Đối với Sentosa, đã được Singapore quan tâm và đầu tư mạnh mẽ. Năm 1971, chính phủ công bố kế hoạch phát triển hòn đảo thành một khu nghỉ mát cho du khách địa phương và khách du lịch. Năm 1972, hòn đảo này được đổi tên thành Sentosa và kế hoạch trị giá 124 triệu đô la để phát triển Sentosa được công bố.

Phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch được Singapore đầu tư trong nhiều thập kỷ. Trong đó hệ thống giao thông là nhân tố quan trọng hàng đầu vì tạo điều kiện tiếp cận dễ dàng cho du khách đến các khu du lịch, điểm du lịch, trung tâm mua sắm…Chính vì vậy, du lịch phụ thuộc vào mạng lưới giao thông. Để tới đảo, có rất nhiều cách di chuyển chính vô cùng thuận lợi như: Taxi ; Xe bus; Tàu điện MRT (Sentosa Express với giá 3S$ đô Singapore.); Cáp treo hiện đại.

Từ cuối thập kỷ 1980, Singapore đã có được một cơ sở hạ tầng về viễn thông hàng tiên tiến trên thế giới. Hoạt động viễn thông chất lượng cao cho nhu cầu nội địa cũng như quốc tế. Singapore kết nối với thế giới qua vệ tinh được thực hiện ở các trạm mặt đất ở đảo Sentosa. Chính mạng lưới thông tin liên lạc đã góp một phần quan trọng cho việc phát triển loại hình du lịch MICE ở Singapore nói chung và đảo Sentosa nói riêng.

Phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch: Cơ sở vật chất có ý nghĩa rất quan trọng và tác động trực tiếp đến các hoạt động du lịch nhằm thỏa mãn nhu cầu vui chơi giải trí đối với du khách. Singapore chú trọng đầu tư các cơ sở vật chất hạt nhân cho ngành du lịch tại đảo Sentosa.

Từ giữa những năm 80 của Thế kỷ trước, Chính phủ Singapore đầu tư hàng trăm triệu đô la nâng cấp các danh thắng, khu nghỉ dưỡng, di tích văn hóa và lịch sử, tạo cho du khách ở Singapore hàng tuần vẫn không thấy thiếu chỗ tham quan. Trên đảo du lịch Sentosa nhỏ bé, du khách đi cả ngày không chán để tận hưởng không khí tuyệt vời của các khu nghỉ đẳng cấp cao.

Có thể nói du khách cảm thấy ở Sentosa một tuần vẫn không thiếu chỗ tham quan, bởi vì ở đây có các khu nghỉ ngơi đẳng cấp cao (Sijori Resort, The Sentosa Resort & Spa, Shangri-La’s, Rasa Sentosa Resort...Trên đảo có quá nhiều địa để chỗ để thăm quan và để giải trí. Đó là Thủy cung (Underwater World) với hơn

100.000 sinh vật biển thuộc 800 loài, ngoài ra còn có tới 20.000 loại san hô, là Tháp Carlsberg (cao 110m), là Khu âm nhạc nước ( Musical Fountain ), là Tháp Sư tử biển mà du khách có thể leo lên bên trong đến tận miệng sư tử... Đặc biệt hơn, trên thế giới hiện nay chỉ có 4 khu Công viên Universal Studio, và thật tuyệt với, Đảo Sentosa của Singapore là một trong những địa điểm này với Công viên Universal Studios Singapore. Khu Công viên này đã thu hút được lượng khách tham quan nhiều thứ 3 thế giới vào năm 2017.

Sentosa hiện có hơn 30 khách sạn và các khu nghỉ dưỡng lớn, được thiết kế theo kiến trúc địa phương hài hòa với cảnh quan môi trường xung quanh hay theo kiến trúc hiện đại. Và hơn nhiều trung tâm mua sắm, những con đường dường như vô tận. Trên mọi con phố của Sentosa, du khách dễ dàng nhận ra có rất nhiều khu vực độc đáo đáp ứng mọi nhu cầu và mỗi khu vực có những nét hấp dẫn riêng.

Nâng cao vai trò của cơ quan quản lý du lịch: Để giúp cho du lịch tại Đảo Sentosa phát triển theo đúng quỹ đạo của sự phát triển bền vững, Singapore đã sắp xếp lại cơ cấu tổ chức cho hoàn thiện. Cụ thể là tổ chức Tập đoàn phát triển Sentosa (Sentosa Development Corporation) được thành lập vào ngày 1 tháng 9 năm 1972. Nhiệm vụ chính của nó là giám sát sự phát triển, quản lý và quảng bá của khu nghỉ mát trên đảo Sentosa. Đơn vị này có cơ quan chủ quản là Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore.

Sentosa Development Corporation (SDC) đã phát triển nhiều kế hoạch bền vững để bảo vệ môi trường và bảo tồn các tài sản di sản của Sentosa. Trên thực tế,

nhiều khu vực của Sentosa vẫn giữ được môi trường yên tĩnh và tươi tốt ban đầu - được thúc đẩy bởi chính sách sử dụng đất của tập đoàn là duy trì 60% hòn đảo là không gian xanh và mở (diện tích tự nhiên giảm xuống còn khoảng 25% vào năm 2014). Các nỗ lực được thực hiện để nâng cao nhận thức của cả du khách và nhân viên trên đảo về các vấn đề môi trường và du lịch bền vững . Điều này được thực hiện thông qua các chiến dịch thường xuyên và các chương trình giáo dục. Các thành tựu chính liên quan đến tính bền vững của Sentosa mà tổ chức SDC đã đạt được: (1) Sentosa đã lọt vào danh sách lọt vào vòng chung kết Điểm đến Du lịch Bền vững trong Giải thưởng "Du lịch cho Ngày mai" của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới năm 2013; (2) Hòn đảo là nơi có khoảng 30 cây di sản (được liệt kê trong Sổ đăng ký Cây Di sản của Ủy ban Công viên Quốc gia và hơn 20 tòa nhà thuộc địa được bảo tồn, một số có từ những năm 1800; (3) Nhiều tòa nhà được chứng nhận Green Mark được trao bởi Cơ quan Xây dựng và Xây dựng của Singapore cho các tòa nhà đáp ứng các tiêu chí cụ thể về thân thiện với môi trường;

(4) Phát triển Sentosa Boardwalk là lối đi dành cho người đi bộ có mái che với nhiều tính năng bền vững khác nhau.

Phát triển du lịch bằng sự tham gia của cộng đồng địa phương: Đối với công đồng dân cư địa phương, du lịch là một cơ hội để họ có thể tìm kiếm việc làm, tạo thu nhập đồng thời họ cũng là những nhân tố hấp dẫn khách du lịch bởi lòng hiếu khách và phong tục tập quán, bản sắc văn hoá. Với chính sách hòa hợp các dân tộc của Chính phủ, cộng đồng địa phương đã đoàn kết lại với nhau để tổ chức những sự kiện lễ hội dân tộc gắn với quảng bá du lịch…Những lễ hội dân tộc vừa góp phần đem lại niềm vui cho cư dân trên đảo Sentosa vừa thắt chặt tình đoàn kết giữa các sắc tộc trong nước và với các cộng đồng dân tộc trên thế giới. Không những thế, cộng đồng tại hòn đảo này rất có ý thức trong việc bảo vệ môi trường và các hoạt động mang tính xã hội cao cần phải nhắc tới như các sáng kiến vì cộng đồng, chẳng hạn như sáng kiến "Sentosa Choves", trong đó có hơn 1.500 trẻ em, thanh thiếu niên và người cao niên từ các tổ chức phúc lợi tình nguyện, trường học và tổ chức từ thiện tham gia các hoạt động vì cộng đồng được lên kế hoạch trong suốt cả năm.

Sở dĩ, Sentosa ngày nay là một hòn đảo xanh, sạch, đẹp là nhờ một phần sự đóng góp của cộng đồng. Đồng thời chính sự phát triển du lịch đã giải quyết được vấn đề việc làm và thu nhập cho cộng đồng địa phương. Mối quan hệ tương tác đó là nhân tố đem lại sự phát triển bền vững cho du lịch Sentosa.

b, Kinh nghiệm phát triển bền vững du lịch của tỉnh Quảng Ninh

Trong nhiều năm, Quảng Ninh đẩy mạnh khai thác than, nhiệt điện và sản xuất xi măng. Tuy nhiên, các ngành công nghiệp này đặt ra thách thức rất lớn về ô nhiễm môi trường. Vì thế, tỉnh đã chuyển đổi mô hình phát triển từ nâu sang xanh, bớt dựa vào tài nguyên hữu hạn như than đá, mà phát huy những giá trị lâu dài như dịch vụ - du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Hiện nay Quảng Ninh đang sở hữu hơn 600 di tích lịch sử - văn hóa các loại. Trong đó, có những di tích - danh lam thắng cảnh được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt có giá trị khai thác phục vụ phát triển du lịch như: Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử, di tích lịch sử Bạch Đằng và khu di tích lịch sử văn hóa nhà Trần tại Đông Triều. Trong đó, khu di tích Yên Tử là một trong những điểm nhấn của du lịch văn hóa tâm linh. Đặc biệt, với chiến lược phát triển bền vững du lịch , thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã thự hiện một số nội dung như sau:

Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông để phát triển kinh tế - xã hội nói chung, du lịch nói riêng. Đến nay, một số công trình hạ tầng về giao thông và du lịch đã phát huy hiệu quả; tạo sự kết nối rộng và tác động trực tiếp đến các hoạt động du lịch. Trong đó phải kể đến các công trình giao thông trọng điểm mới được đưa vào khai thác năm 2018 như: Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long... Đây là các công trình trọng điểm có tác động, sức ảnh hưởng rất lớn đến du lịch Quảng Ninh, góp phần đưa du lịch Quảng Ninh cất cánh. Điều này thể hiện khá rõ thông qua sự phát triển của du lịch Quảng Ninh trong thời gian qua.

Thu hút đầu tư vào hoạt động du lịch: UBND tỉnh đã phê duyệt ban hành các danh mục các dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn 2013 - 2015 có 32 dự án thuộc 7 lĩnh vực, trong đó có 11 dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ du lịch; giai đoạn 2014 - 2016 có 35 dự án thuộc 6 lĩnh vực, trong đó có 15 dự án về dịch vụ, du lịch. Về xây dựng kế hoạch hợp tác với các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực du lịch, với nhiệm vụ này, các ngành chức năng đã tham mưu và tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ về đầu tư với một số nhà đầu tư chiến lược, như: Tập đoàn Charmvit (Hàn Quốc); Tập đoàn Xi măng Hạnh Phúc (Đài Loan)…Tính đến giữa năm 2018, một tỷ lệ lớn các dự án FDI tại Quảng Ninh tập trung vào địa bàn này với 57 dự án, chiếm gần 26% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh.

Xem tất cả 223 trang.

Ngày đăng: 19/03/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí