Ý Nghĩa Khoa Học Và Tính Thực Tiễn Của Luận Án

1.5.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

Với những mục tiêu nghiên cứu như trên, luận án sẽ giải quyết các nhiệm vụ sau:

- Làm rõ bản chất pháp lý của hoạt động sử dụng vốn của NHTM

- Đánh giá thực trạng hoạt động sử dụng vốn của các NHTM và cơ sở lý luận có liên quan.

- Đưa ra các nhận định và phân tích riêng về quy định liên quan đến hoạt động sử dụng vốn của các NHTM.

- Khẳng định sự cần thiết có sự điều chỉnh bằng pháp luật đối với hoạt động sử dụng vốn của NHTM và đề ra phương hướng/ giải phá p hoàn thiện pháp luật về hoạt động sử dụng vốn của NHTM.

- So sánh với cách thức, thực trạng cũng như những quy định của một số nước để thấy được sự tương đồng và khác biệt

- Nhận diện và làm rõ nguyên nhân những ách tắc về nguồn vốn cho phát triển kinh tế Việt Nam hiện nay, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng cho khu vực sản xuất kinh doanh.

1.6. Những điểm mới của luận án

Trên cơ sở phân tích các lý thuyết về kinh tế và pháp luật cùng với việc sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu hiện đại, cách tiếp cận giữa lĩnh vực kinh tế và luật, luận án có những đóng góp mới về mặt khoa học như sau:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 176 trang tài liệu này.

Về mặt lý luận:

Thứ nhất: Luận án đã xây dựng và bổ sung vào hệ thống lý luận khái niệm về hoạt động sử dụng vốn của NHTM Việt Nam tại mục 2.1.2.1 của luận án này, làm rõ nội hàm và hình thức của pháp luật về hoạt động sử dụng vốn của NHTM Việt Nam tại mục 2.3 của luận án này.

Pháp luật về hoạt động sử dụng vốn của ngân hàng thương mại Việt Nam - 5

Thứ hai: luận án đã phân tích và chứng minh tính đặc thù về vốn của NHTM so với vốn của các chủ thể kinh doanh khác trong nền kinh tế tại mục 2.1.1 của luận án. Từ đó, nghiên cứu sinh nhấn mạnh tính cần thiết phải có các quy định đặc thù của pháp luật về hoạt động sử dụng vốn của các NHTM Việt Nam.

Thứ ba: Nghiên cứu sinh đã tổng hợp và phân tích các nguyên tắc cần phải được tuân thủ trong hoạt động sử dụng vốn của NHTM tại mục 2.1.2.3 của luận án để làm nền tảng cho việc đề xuất các kiến nghị hoàn thiện pháp luật về hoạt động sử dụng vốn của NHTM. Luận án đã xác định khi can thiệp vào hoạt động sử dụng vốn của NHTM, nhà nước nên thực hiện trên 2 nguyên tắc sau: nguyên tắc hỗ trợ và nguyên tắc tương hợp. Theo đó, nguyên tắc hỗ trợ là tạo điều kiện cho hoạt động sử dụng vốn và hoạt động của NHTM hiệu quả hơn; nguyên tắc tương hợp là phải sử dụng những biện pháp nào phù hợp với thị trường và nền kinh tế Việt Nam để thúc đẩy hoạt động sử dụng vốn của NHTM hiệu quả hơn.

Thứ tư: Luận án đã đưa ra gợi ý về các tiêu chí để NHNN căn cứ vào để xem xét việc chấp thuận cho NHTM góp vốn, mua cổ phần vào các doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực khác tại mục 3.5.2 của luận án này.

Thứ năm, luận án làm rõ cấu thành tội phạm và hình phạt liên quan đến hoạt động sử dụng vốn của NHTM.

Thứ sáu: Luận án đã xác định các luận cứ khoa học, đề xuất các giải pháp cụ thể phù hợp với điều kiện của Việt Nam để hoàn thiện pháp luật Việt Nam về hoạt động sử dụng vốn của các NHTM nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các NHTM hoạt động, cho cơ quan hữu quan trong việc kiểm tra, giám sát tại mục 3.5 (các bất cập và kiến nghị liên quan quy định về hoạt động sử dụng vốn của NHTM để cấp đầu tư) và

4.5 (các bất cập và kiến nghị liên quan quy định về hoạt động sử dụng vốn của NHTM để cấp tín dụng)

Về mặt thực tiễn:

Trên cơ sở phân tích việc các án lệ hiện nay ở Việt Nam, nghiên cứu sinh nhận thấy phần lớn các án lệ hiện hành chỉ liên quan đến ngành luật dân sự, hình sự, liên quan rất ít đến lĩnh vực tài chính NH và không có án lệ cụ thể nào về hoạt động sử dụng vốn của NHTM.

Kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn:

Kết hợp kết quả nghiên cứu lý thuyết và thực tiễn nêu trên, nghiên cứu sinh đã đề xuất một số khuyến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về hoạt động sử dụng vốn của NHTM.

Đầu tiên, nghiên cứu sinh kiến nghị nghiên cứu, phân tích và đưa kết quả xét xử của vài bản án ở Việt Nam và trên thế giới liên quan đến hoạt động sử dụng vốn của NHTM để làm án lệ. Cụ thể, nghiên cứu sinh đề xuất đưa kết quả xét xử một vụ án liên quan đến bị cáo Phạm Công Danh để tạo nên án lệ liên quan đến một câu hỏi pháp lý đã được nêu ra tại phiên tòa xét xử: vi phạm các quy định nội bộ của NHTM có bị xem là vi phạm pháp luật hay không?. Ngoài ra, nghiên cứu sinh còn kiến nghị nghiên cứu thêm án lệ liên quan đến việc bồi thường thiệt hại cho môi trường khi đầu tư, cấp vốn và có liên đới trực tiếp đến một dự án gây ô nhiễm (vụ việc liên quan đến tập đoàn tài chính Fleet Factors); án lệ để hướng đến giải thích thế nào là những lĩnh vực kinh doanh khác của các NHTM.

Kế đến, nghiên cứu sinh kiến nghị nâng mức vốn pháp định cho các NHTM; kiến nghị hạn chế và hướng tới gỡ bỏ các biện pháp can thiệp hành chính không cần thiết đối với hoạt động sử dụng vốn của các NHTM, hướng đến việc nhà nước chỉ nên quản lý hoạt động sử dụng vốn của các NHTM ở tầm vĩ mô và một số kiến nghị cụ thể khác liên quan đến hoạt động đầu tư và hoạt động cấp tín dụng như đã phân tích tại cuối chương 3 và chương 4.

1.7. Ý nghĩa khoa học và tính thực tiễn của luận án

Luận án là một công trình nghiên cứu một cách tổng quát về pháp luật liên quan đến các hoạt động sử dụng vốn của các NHTM. Luận án có nhiều nội dung mà các công trình nghiên cứu trước đó chưa đề cập hoặc đề cập chưa sâu. Tính đến thời điểm viết xong luận án này, luận án là công trình cứu khoa học ở cấp độ tiến sĩ mà vừa có sự kết hợp đầy đủ cách tiếp cận kinh tế và pháp lý trong việc nghiên cứu về hoạt động sử dụng vốn của NHTM. Luận án hướng đến việc tiếp nhận pháp luật nước ngoài một cách có chọn lọc để đưa ra những kiến nghị cụ thể, rõ ràng liên quan đến khung pháp lý về hoạt động sử dụng vốn của các NHTM đến cơ quan lập pháp, cơ quan quản lý Nhà nước. Trong luận án này, nghiên cứu sinh dự kiến trình bày các kết quả nghiên cứu về các vấn đề sau:

Thứ nhất, luận án phân tích các nguyên tắc liên quan đến hoạt động sử dụng vốn của NHTM.

Ý nghĩa của kết quả nghiên cứu: Các nguyên tắc liên quan đến hoạt động sử dụng vốn của NHTM sẽ là nền tảng và định hướng để nghiên cứu sinh đưa ra các đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật về hoạt động sử dụng vốn của NHTM.

Thứ hai, luận án sẽ làm rõ khái niệm pháp luật về hoạt động sử dụng vốn của NHTM, phân tích các thành phần chính trong pháp luật về hoạt động sử dụng vốn của NHTM và hình thức của pháp luật về hoạt động sử dụng vốn của NHTM.

Ý nghĩa của kết quả nghiên cứu: Thiết kế khái niệm chính thức về hoạt động sử dụng vốn của NHTM để xác định khung pháp luật về hoạt động này.

Thứ ba, luận án sẽ nhận định, lý giải, phân tích, bình luận các quy định hiện hành về hoạt động sử dụng vốn để đầu tư, cấp tín dụng.

Ý nghĩa của kết quả nghiên cứu: Việc nhận định, phân tích, lý giải, bình luận này sẽ là cơ sở để phát hiện ra các bất cập, hạn chế, chồng chéo, chưa phù hợp của pháp luật về hoạt động sử dụng vốn của NHTM liên quan đến đầu tư và cấp tín dụng.

Thứ tư, luận án đối chiếu, so sánh quy định hiện hành của Việt Nam về hoạt động đầu tư, cấp tín dụng của NHTM với các quy định hiện hành, kinh nghiệm của một số quốc gia, thông lệ quốc tế trong hoạt động có liên quan.

Ý nghĩa của kết quả nghiên cứu: Trên cơ sở so sánh, đối chiếu pháp lý giữa các quốc gia, nghiên cứu sinh có những đề xuất, kiến nghị những quy định phù hợp để cân bằng giữa nhu cầu có lợi nhuận hợp lý của các NHTM mà vẫn đạt được sự an toàn trong hoạt động sử dụng vốn của các NHTM

Thứ năm, luận án trình bày các định hướng hoàn thiện pháp luật về hoạt động sử dụng vốn của NHTM.

Ý nghĩa của kết quả nghiên cứu: Các định hướng này dựa trên nguyên tắc về hoạt động sử dụng vốn của NHTM, các chủ trương, đường lối, chính sách của Việt Nam, các

nguyên lý kinh tế, các lý thuyết kinh tế, các học thuyết pháp lý và cách tiếp cận kinh tế luật. Các định hướng này là sợi chỉ đỏ để sẽ giúp cho việc đề xuất hoàn thiện pháp luật về hoạt động sử dụng vốn của NHTM được đúng hướng, không trái với các chủ trương, đường lối, nguyên tắc đã và đang tồn tại, phù với với xu thế phát triển chung.

Thứ sáu, luận án đề xuất phương hướng hoàn thiện cơ cấu tín dụng, cơ cấu đầu tư của các NHTM, cách thức để thực hiện quy định về việc cấp tín dụng cho các dự án đáp ứng yêu cầu về môi trường, cách thức phân định giữa tín dụng tiêu dùng và tín dụng cho kinh doanh BĐS.

Ý nghĩa của kết quả nghiên cứu: Việc thực hiện luận án này nhằm xây dựng và hoàn thiện pháp luật về hoạt động sử dụng vốn của NHTM. Nghiên cứu sinh có kỳ vọng góp phần kiến nghị giải quyết những vấn đề phát sinh từ thực tiễn như quy định về đầu tư và cấp tín dụng chưa phù hợp để các NHTM nhằm gia tăng sự an toàn và giảm thiểu rủi ro trong quá trình sử dụng vốn của NHTM.

Bên cạnh kết quả đó, luận án này hướng đến đạt được các kết quả nghiên cứu

sau:

Kết quả mang tính học thuật

Luận án sẽ xây dựng các luận cứ khoa học, hình thành mô hình lý thuyết cho việc điều chỉnh bằng pháp luật đối với hoạt động sử dụng vốn của NHTM, xem xét, phân tích hoạt động sử dụng vốn của NHTM dưới góc độ các quan hệ kinh tế và pháp lý.

Luận án này dự kiến là nguồn tài liệu tham khảo cho các sinh viên và những ai có quan tâm trong việc học tập, nghiên cứu, giảng dạy về lĩnh vực này. Các kết quả nghiên cứu của luận án được kỳ vọng sẽ có giá trị tham khảo thêm cho các nghiên cứu sinh, những học viên cao học, các sinh viên đại học sau này.

Kết quả mang tính ứng dụng

- Luận án sẽ nhận diện mức độ can thiệp phù hợp của nhà nước vào hoạt động sử dụng vốn của NHTM.

- NHNN sẽ kiểm soát hiệu quả mức cung ứng tiền tệ và tín dụng phục vụ mục tiêu chung của quốc gia.

- Các NHTM sẽ có được cơ sở pháp lý ổn định về hoạt động sử dụng vốn để tuân thủ, để xây dựng cơ chế kiểm soát nội bộ tương thích.

- Các cơ quan nhà nước có thể tham khảo để bổ sung, sửa đổi, ban hành các quy định cho phù hợp.

- Các cơ quan nhà nước có thể tham khảo khi tiến hành việc kiểm tra, giám sát hoạt động sử dụng vốn của các NHTM

- Các NHTM có thể tham khảo để áp dụng trong hoạt động quản trị hoạt động sử dụng vốn của chính các NHTM

Hơn thế nữa, những điểm bất cập và những kiến nghị hoàn thiện mà tác giả đưa ra trong đề tài sẽ có ý nghĩa trong quá trình xem xét, bổ sung và hoàn thiện các chế định pháp lý nhằm kiểm soát các hoạt động góp vốn, mua cổ phần một cách có hiệu quả trên thực tế, góp phần trong quản lý Nhà nước về hoạt động các NHTM, đồng thời bảo vệ sự an toàn của các NHTM.

Luận án này được kỳ vọng sẽ thực sự rất có ý nghĩa thực tiễn và khoa học, là tài liệu tham khảo cho những cá nhân cùng có quan tâm đến chủ đề này

Kết luận chương 1


Về tính cấp thiết, hoạt động sử dụng vốn của NHTM luôn nhận được sự quan tâm của nhà nước, các NHTM và của toàn xã hội. Đặc biệt, trong tình hình mới và xu thế hội nhập quốc tế, tính cấp thiết này trở nên rõ ràng hơn.

Trong chương 1, nghiên cứu sinh đã nêu và phân tích tổng quan tình hình nghiên cứu tại Việt Nam và ở nước ngoài liên quan đến đề tài luận án, trình bày phương pháp nghiên cứu của đề tài luận án, đặt ra các câu hỏi nghiên cứu và giả thuyết nghiên cứu.

Kết quả nghiên cứu tại chương 1 cho thấy các công trình nghiên cứu trong nước và nước ngoài phần lớn chưa tập trung nghiên cứu riêng về pháp luật liên quan đến hoạt động sử dụng vốn của NHTM tại Việt Nam. Các công trình đã qua chủ yếu chỉ giải quyết một số khía cạnh kinh tế và pháp luật liên quan đến từng hoạt động sử dụng vốn của các NHTM tại Việt Nam, hoặc chỉ đề cập đến pháp luật Việt Nam và chưa tham khảo kinh nghiệm nước ngoài và/ hoặc ngược lại. Nhiều công trình nghiên cứu chưa có sự nghiên cứu một cách hệ thống, tập trung riêng về pháp luật liên quan đến chính hoạt động sử dụng vốn của NHTM tại Việt Nam. Do đó, việc nghiên cứu “Pháp luật về hoạt động sử dụng vốn của các ngân hàng thương mại Việt Nam” sẽ vừa có tính kế thừa các công trình nghiên cứu trước vừa mang tính đặc thù do có sự kết hợp giữa lĩnh vực luật, kinh tế và đặt trong bối cảnh tình hình mới trên cơ sở đảm bảo sự cân bằng quyền lợi của NHTM, của người dân, người gửi tiền và nhu cầu kiểm soát của nhà nước.

Việc nghiên cứu đề tài “Pháp luật về hoạt động sử dụng vốn của ngân hàng thương mại Việt Nam” sẽ kết hợp cách tiếp cận kinh tế, chính sách và pháp lý để phân tích, bình luận, đánh giá và có một số kiến nghị để hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay liên quan đến hoạt động sử dụng vốn của NHTM.

Nghiên cứu sinh xác định việc thực hiện luận án này nhằm trình bày các kết quả nghiên cứu về pháp luật liên quan hoạt động sử dụng vốn của NHTM, xây dựng và hoàn thiện pháp luật về hoạt động sử dụng vốn của NHTM, góp phần kiến nghị giải quyết những vấn đề phát sinh từ thực tiễn như đầu tư và cấp tín dụng chưa đúng của các NHTM nhằm gia tăng sự an toàn và giảm thiểu rủi ro trong quá trình sử dụng vốn của NHTM. Luận án hướng về phân tích các quy định pháp lý hiện hành, kiến nghị thay đổi, cập nhật, hoàn thiện, gợi ý giải thích mới hoặc thay thế bằng những quy định phù hợp hơn.

Trong phạm vi luận án, nghiên cứu sinh không đi sâu nghiên cứu các hoạt động về cấp dịch vụ của các NHTM mà chỉ tập trung vào hai mảng hoạt động chính của NHTM là cấp tín dụng và đầu tư, không tập trung nghiên cứu các nghiệp vụ kinh doanh của NHTM.

Trong số các phương pháp được sử dụng trong luận án, phương pháp so sánh được thực hiện không chỉ nhằm mục đích tham khảo kinh nghiệm trong phạm vi của vài

quốc gia như Mỹ, Thụy Sĩ và Trung Quốc mà của những quốc gia khác khi cần thiết. Việc nghiên cứu các quy định pháp lý của các quốc gia về hoạt động sử dụng vốn sẽ được thực hiện theo từng mảng vấn đề, không trình bày theo từng quốc gia. Phương pháp này được thực hiện trong tất cả các chương trong luận án, đặc biệt khi cần đưa ra các kiến nghị và giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về hoạt động sử dụng vốn của các NHTM.

CHƯƠNG 2


LÝ LUẬN VỀ HOẠT ĐỘNG SỬ DỤNG VỐN VÀ ĐIỀU CHỈNH BẰNG PHÁP LUẬT ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG SỬ DỤNG VỐN CỦA NGÂN

HÀNG THƯƠNG MẠI


2.1. Lý luận về hoạt động sử dụng vốn của NHTM

2.1.1. Lý luận về vốn của ngân hàng thương mại

Theo từ điển tiếng Việt thì vốn là tổng thể nói chung những tài sản được bỏ ra lúc đầu, thường biểu hiện bằng tiền, dùng trong sản xuất, kinh doanh nói chung trong hoạt động sinh lợi67. Theo Thomas Piketty68, vốn được định nghĩa là tổng số tài sản có thể được sở hữu và trao đổi trên một số thị trường. Vốn bao gồm tất cả các hình thức BĐS (bao gồm cả BĐS dùng để ở) cũng như vốn tài chính và chuyên môn (nhà máy, cơ sở hạ tầng, máy móc, bằng sáng chế, v.v.) được các công ty và cơ quan chính phủ sử dụng. Như vậy, vốn bao gồm các tài sản dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và có nhiều hình thức thể hiện như động sản, BĐS, tiền, vốn tài chính. Theo quan điểm của Mark, “Vốn chính là tư bản, là giá trị đem lại giá trị thặng dư, là một đầu vào của quá trình sản xuất”. Nhưng quan niệm của Mark mới chỉ đề cập đến giá trị thặng dư từ khu vực sản xuất vật chất, trong khi ở các lĩnh vực khác như NH thì vẫn tạo ra giá trị thặng dư. Như vậy, vốn và tài sản vẫn có điểm khác nhau. Vốn được sử dụng để đầu tư, kinh doanh nhằm tạo ra lợi nhuận, giá trị thặng dư. Trong khi tài sản là là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản (Điều 105 BLDS năm 2015), là những đối tượng mà một chủ thể cụ thể được quyền sở hữu.

Phân tích trên liên quan đến khái niệm chung về vốn của các loại hình doanh nghiệp. Đối với lĩnh vực NH, vốn có những khái niệm, những ý nghĩa riêng và chức năng mang tính đặc thù xét dưới góc độ kinh tế, pháp lý, kế toán và nguồn gốc.

Về mặt kinh tế, trong hoạt động NH, vốn được hiểu là toàn bộ giá trị tiền tệ mà NH huy động và tạo lập được để phục vụ cho hoạt động kinh doanh nhằm mục tiêu sinh lợi69. Vốn của NHTM, đặc biệt là vốn huy động từ công chúng có tính chất hai chiều ngược nhau: được gửi vào NHTM và được dùng để cấp tín dụng cho các chủ thể khác hoặc cho chính chủ thể gửi tiết kiệm vào NHTM.

Về mặt pháp lý, mối quan hệ giữa vốn tự có, vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu có thể được thể hiện như sau:


67 Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (1988), Từ điển tiếng Việt, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.1161

68 Thomas Piketty (translated by Arthur Goldhammer), Capital of the first twenty century, The Belknap Press of Harvard University Press, Cambridge, Massachusetts London, England, 2014, p. 46.

69 Lê Hải Trung (2014), “Làm rõ khái niệm vốn kinh tế và vai trò trong hoạt động quản trị rủi ro trong kinh doanh ngân hàng”, Tạp chí ngân hàng số 11, tháng 6/2014, tr.16

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 29/11/2022