thiện cảm công khai với các nhà ái quốc người Việt và đã dùng Đại Việt tân báo là cơ quan ngôn luận không chính thức của Đông Kinh nghĩa thục.
Trước Đại Việt tân báo có Đại Nam đồng văn nhật báo xuất bản năm 1892, chủ báo là ông F.C.Schneider nhưng ban đầu xuất bản hoàn toàn bằng chữ Hán, mãi đến năm 1907 mới có thêm phần chữ quốc ngữ bên cạnh phần Hán văn. Đây chỉ là một tờ công báo, tập hợp những thông báo, thông cáo của chính quyền thuộc địa để thông tin cho người dân về các chính sách của chính quyền.
Ngày 28-3-1907, tờ Đại Nam Đăng Cổ tùng báo13 ra đời. Chủ báo là F.C.
Schneider và chủ bút là Nguyễn Văn Vĩnh.
Về nội dung, Đăng Cổ tùng báo bắt đầu có các đặc trưng của một tờ báo hiện đại như phần tin tức trong nước, ngoài nước (dưới tên gọi Việc vặt các tỉnh, Việc vặt ở Hà Nội, Việc vặt ở Hải Phòng, Điện báo toàn cầu...); phần xã thuyết, chủ yếu do ông Nguyễn Văn Vĩnh viết ký dưới những tên gọi khác nhau như Tân Nam Tử, Mũi Tẹt Tử, Nguyễn Văn Vĩnh, bàn về các vấn đề trong xã hội, thuộc đủ mọi lĩnh vực từ kinh tế, chính trị đến thói hư tật xấu trong đời sống của người dân...
Bắt đầu từ số 799 ra ngày 9-5-1907, báo có thêm một mục mới là Nhời đàn bà, đều do Nguyễn Văn Vĩnh viết với bút danh Đào Thị Loan (tên con gái Nguyễn Văn Vĩnh), chủ yếu bàn về các vấn đề của phụ nữ như mối quan hệ trong gia đình, chuyện vợ chồng, ăn mặc, vợ cả vợ lẽ, trinh tiết…những chuyện mà chị em phụ nữ, lớp độc giả ngày càng quan trọng, đang quan tâm.
Báo cũng dành trang để đăng những bài thơ, phú trong phần Tập thơ, phú, ca, rao. Riêng phần thơ dịch, chủ yếu do ông Nguyễn Văn Vĩnh dịch những bài thơ ngụ ngôn của La Fontaine như Truyện quạ, cáo; Chuyện con ve và con kiến; Chuyện con nhái muốn to bằng con bò; Ếch cầu vua...Ngoài ra, báo cũng có các phần Nhời rao hẹn, Cáo bạch rao hàng, chính là tiền thân của quảng cáo trên báo hiện đại sau này.
13 Đăng Cổ tùng báo, hiểu theo nghĩa nôm na, là “Khêu đèn gióng trống”. Sở dĩ vẫn còn chữ Đại Nam ở đầu bởi vì thực chất, đây chính là tiếp nối của tờ Đại Nam Đồng Văn nhật báo. Do Đại Nam Đồng Văn nhật báo đã ra đến số 792 nên số 793 của Đại Nam Đồng Văn nhật báo chính là số 1 của Đại Nam Đăng Cổ tùng báo (thường chỉ được gọi tắt là Đăng Cổ tùng báo).
Có thể bạn quan tâm!
- Những đóng góp của Đông Dương tạp chí trong quá trình hiện đại hóa văn học, văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ XX - 2
- Sự Ra Đời Và Hoạt Động Của Đông Dương Tạp Chí (53 Trang)
- Những đóng góp của Đông Dương tạp chí trong quá trình hiện đại hóa văn học, văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ XX - 4
- Sự Ra Đời Của Đông Dương Tạp Chí
- Những đóng góp của Đông Dương tạp chí trong quá trình hiện đại hóa văn học, văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ XX - 7
- Những đóng góp của Đông Dương tạp chí trong quá trình hiện đại hóa văn học, văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ XX - 8
Xem toàn bộ 290 trang tài liệu này.
Số cuối cùng của Đăng Cổ tùng báo là số 826, ra ngày 14-11-1907 [74, 173]. Sự đóng cửa của tờ báo có liên quan đến phong trào duy tân nổi tiếng lúc bấy giờ: Đông Kinh nghĩa thục.
Vào đầu thế kỷ XX, Pháp hầu như đã hoàn thành quá trình bình định, dẹp yên các cuộc khởi nghĩa yêu nước tại Việt Nam (chỉ còn phong trào Khởi nghĩa Yên Thế của Đề Thám còn đang hoạt động, nhưng chỉ ở diện hẹp và bị dập tắt hoàn toàn vào năm 1913). Song song với sự phát triển kinh tế, những tư tưởng tư bản cũng du nhập và phát triển bên trong Việt Nam. Việc nhận thức bối cảnh quốc tế của trí thức Việt Nam diễn ra trong khuôn khổ kinh tế chính trị do bốn loạt sự kiện cấu thành: duy tân Minh Trị, chiến tranh Nga – Nhật (1905), cách mạng Trung Quốc (1919) và đại chiến thế giới thứ nhất.
Các nhà Nho có tư tưởng tiến bộ nhận thức được sự yếu kém của Khổng giáo, chứng kiến nước Nhật Bản duy tân mà thắng đế quốc Nga nên đã quyết định phải thay đổi tư tưởng, cách thức học tập trong nước nhằm mục đích tự cường hy vọng một cuộc đổi mới. Từ đây, phong trào Duy Tân chịu ảnh hưởng của Tân Khổng giáo đã chuyển từ lý thuyết tư biện sang thực tiễn hành động chiến đấu. Tháng 3 năm 1907, Đông Kinh nghĩa thục bắt đầu được khai giảng ở phố Hàng Đào, Hà Nội dựa trên khuôn mẫu Khánh ứng nghĩa thục (Đại học Keio tại Nhật Bản14), một mô hình vô cùng thành công của phong trào Minh Trị duy tân.
Tuy nhiên, không phải ngay từ đầu, chiến thắng vang dội của Nhật Bản trước nước Nga như một biểu tượng của sự phục thù huy hoàng của người da vàng đối với người da trắng đã được các trí thức Việt Nam lưu ý mà phải hàng năm sau họ mới quan tâm mặn mà hơn. Việc đào sâu phân tích sự kiện này chỉ xảy ra dưới sự ảnh hưởng của các nhà cải cách Trung Quốc (nhất là Lương Khải Siêu)15.
14 Dưới thời Thiên hoàng Minh Trị, học giả Fukuzawa Yukichi (Phúc Trạch Dụ Cát, 1835 - 1901) đã thành lập Trường Khánh Ứng Nghĩa thục vào năm 1868 ở Nhật Bản theo mô hình "public school" của nước Anh bao gồm việc truyền bá bốn tính cách quan trọng cho học sinh đó là tính tự cường, ý chí độc lập, óc tháo vát và lòng tự nguyện đóng góp vào các việc công ích, công thiện.
15 Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh đã từng sang Nhật gặp gỡ và đàm đạo trực tiếp với Lương Khải Siêu và
mỗi người đã tiếp thu từ nhà cải cách nổi tiếng này những tư tưởng, những chủ trương khác nhau để sau đó, khi về nước, người thì chủ trương bạo động, người thì chủ trương cải lương, nhưng cả hai đều hướng về mục tiêu duy tân, mục tiêu dân tộc.
Tiếng vang của phong trào cải lương chủ nghĩa và cải cách ở Trung Quốc đã được các nhà trí thức Việt Nam lĩnh hội sâu sắc bởi sự tương đồng về văn hoá cũng như tộc người và sự tương đồng về lịch sử “đồng văn, đồng chủng, đồng cảnh ngộ”. Mặt khác, do sự tiếp giáp về biên giới nên “Tân thư” của các nhà duy tân Trung Quốc có thể thâm nhập một cách nhanh chóng vào Việt Nam, tạo nên một sự hâm mộ chưa từng có trong đông đảo tầng lớp trí thức Việt Nam.
Có thể nói rằng phong trào Duy Tân và Đông Kinh nghĩa thục ở Việt Nam chịu ảnh hưởng của các nhà duy tân Trung Quốc nhiều hơn là từ các nhà cải cách của Việt Nam thế hệ trước đó như Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch hay Phạm Phú Thứ..mà những cải cách của họ, nếu được Triều đình nhà Nguyễn áp dụng thì có lẽ chúng ta còn có một cuộc duy tân sớm hơn duy dân Minh Trị ở Nhật Bản. Điều này một lần nữa chứng tỏ sự phụ thuộc vô cùng to lớn về ý thức hệ của trí thức Việt Nam từ người láng giềng Trung Quốc.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của Minh Trị duy tân ở Việt Nam cũng khác đôi chút với Trung Quốc. Trong khi gương sáng duy tân Minh Trị khuyến khích ý chí thay đổi của các trí thức Trung Quốc và tạo điều kiện dễ dàng cho các cuộc cải tổ lịch sử của họ (như Mậu Tuất chính biến – 1898), thì các cuộc cải cách ở Việt Nam còn gắn bó bền bỉ với truyền thống nuôi dưỡng lòng yêu nước. Do vậy, thành quả cao nhất của phong trào duy tân ở Việt Nam là ở lĩnh vực tư tưởng, là sự thắng thế của “tân học” trong nhận thức của trí thức Việt Nam thời bấy giờ. Sự thắng thế đó càng quí báu hơn nữa khi phần lớn những người ủng hộ “tân học” là những người đỗ đạt cao trong các kỳ thi. Như vậy, ít nhất điều này cho thấy khả năng vượt qua quan điểm dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi cơ cựu và tính bảo thủ truyền thống của Khổng giáo của trí thức nho học Việt Nam nhằm hướng tới văn minh hiện đại.
Việc xích lại gần Nhật Bản của trí thức Việt Nam không phụ thuộc vào cơ hội chiến thuật hay chiến lược. Nó nằm trong tầm nhìn mang tính toàn cầu hơn và văn hoá hơn. Trên thực tế, khuôn mẫu Nhật Bản đã mê hoặc người Việt bởi hai lí do: đó là họ thể hiện khả năng lớn trong việc cải cách và cuộc cải cách đã thành
công vang dội, trong khi vẫn giữ nguyên vẹn những nền tảng văn hoá, luân lý của Khổng giáo và sự phụ thuộc vào vùng ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc.
Vì Nhật Bản đã trở thành “tấm gương chung cho chúng ta” (Phan Bội Châu, Đề tinh quốc dân ca) nên các trí thức Việt Nam muốn dựa vào tình đoàn kết giống nòi và văn hoá để cứu dân tộc Việt Nam khỏi sự xâm lược từ phương Tây. Họ mong ước có một sự liên kết giữa các trí thức Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản trong cùng một trận chiến văn hoá để chống lại văn hoá phương Tây.
Sự khác biệt giữa phong trào Duy Tân Minh Trị của Nhật Bản và phong trào duy tân ở Việt Nam mà đại diện là Đông Kinh nghĩa thục đến từ nhiều yếu tố. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất là từ tầng lớp lãnh đạo phong trào.
Người sáng lập và đứng đầu phong trào Duy Tân ở Nhật Bản là Thiên hoàng Mutsuhito. Không có gì lợi thế hơn cho một cuộc cải cách khi người đứng đầu cuộc cải cách đó lại là người có quyền lực cao nhất. Từ Thiên Hoàng đến các đại danh đều có sự nhất trí cao vì một mục tiêu duy tân Nhật Bản. Minh Trị duy tân do vậy thành công vì nó không mâu thuẫn với lợi ích của giai cấp thống trị.
Trong khi đó ở Việt Nam, Đông Kinh nghĩa thục được sáng lập bởi các nhà Nho có tư tưởng tiến bộ. Do là một nhóm tự phát, những người sáng lập và phong trào Đông Kinh nghĩa thục phải chịu sự lệ thuộc vào chính quyền thuộc địa. Lẽ dĩ nhiên, chính quyền thực dân không thể nào ủng hộ một phong trào có thể trở thành một mối nguy đối với chế độ thuộc địa. Những hoạt động của các văn thân và sỹ phu yêu nước khi ấy, tuy về danh nghĩa mới chỉ nằm ở trong phạm vi giáo dục, nhưng cũng đã khiến cho giới chức cầm quyền thực dân lo ngại. Vì thế, tuy rằng ban đầu cho phép Đông Kinh nghĩa thục hoạt động hợp pháp nhưng về sau nhận thấy những đe dọa từ phong trào này, vào tháng 11 năm 1907 trường bị chính quyền thực dân buộc phải giải tán.
Do phong trào duy tân Nhật Bản là một chính sách ở tầm vóc quốc gia, do những tầng lớp cai trị điều hành, lẽ dĩ nhiên, nó diễn ra ở tất cả các mặt của đời sống kinh tế xã hội của Nhật Bản từ quân sự đến pháp luật, giáo dục, kinh tế v.v... Còn đối với Việt Nam, duy tân mới thực sự diễn ra ở lĩnh vực văn hoá, giáo dục.
Về chính trị-xã hội, phong trào duy tân đầu thế kỉ XX ở Việt Nam là một cuộc vận động dân tộc, dân chủ; về tư tưởng, nó là một cuộc vận động khai sáng. Công việc có ý nghĩa nhất mà phong trào đem lại là tuyên truyền, giáo dục cho đông đảo dân chúng những tư tưởng mới. Để có thể trình bày, giải thích những tư tưởng mới đó cần phải có một hệ thống ngôn ngữ chính xác, minh bạch; nghệ thuật trình bày, biện luận chặt chẽ, khúc chiết để cho quần chúng nghe. Nhưng đại đa số nhân dân không biết chữ Hán và chữ Nôm, vì vậy những người tham gia Đông Kinh nghĩa thục đã bắt tay vào cải cách chữ quốc ngữ, cải cách văn tự, cách tân nghệ thuật văn chương thông qua việc dịch thuật và biên soạn “tân thư”. Trên phương diện văn học, nếu như ở Nhật Bản và Trung Quốc, “tân thư” là cơ sở để hình thành tân văn (văn bạch thoại), phê phán cổ văn, đưa đến cho văn học các nước này những phẩm chất mới về ngôn ngữ, thể loại và chức năng thẩm mỹ của văn học… thì ở Việt Nam, “tân thư” cũng là một trong số những yếu tố tác động tích cực để hình thành nền tân học và tân văn. Sáng tác của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền… và các tiểu luận của Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế… thể hiện một quan niệm mới về văn học, phá vỡ quy phạm quen thuộc, gò bó của từ chương Trung Hoa. Thơ văn từ chỗ là thú chơi tao nhã, để tỏ chí tỏ lòng, để thù tạc ngâm vịnh, đến lúc này đã trở thành lợi khí duy tân, thành công cụ tư tưởng, gắn bó mật thiết với đời sống xã hội và mang hơi thở của thời đại16.
Dù không thành công nhưng ngọn gió duy tân Đông Kinh nghĩa thục thực sự ảnh hưởng sâu sắc đến con đường hoạt động của Đông Dương tạp chí.
Với chủ trương duy tân, tư sản hoá đất nước để giành độc lập, Đông Kinh nghĩa thục đã mở cánh cửa về phía Âu Mỹ để cải cách văn học Việt Nam. Việc làm có ý nghĩa này đã tạo ra một di sản quí báu cho những nhà cải cách sau đó kế thừa và phát huy để duy tân đất nước. Đông Dương tạp chí là tờ báo đã kế thừa và thực hiện tiếp tục những cải cách còn dang dở của Đông Kinh nghĩa thục.
16 Nguyễn Đình Hảo, bản tóm tắt Luận án tiến sĩ ngữ văn, đề tài: “Tạp chí Nam Phong trong tiến trình phát triển nền quốc văn mới đầu thế kỷ XX (1900 -1930)”.
1.1.2 Giới trí thức Việt Nam trong một thời đại chuyển biến
Là những người vừa nhạy cảm, vừa hiểu biết thời đại, đứng trước tình hình đất nước lúc bấy giờ, giới trí thức Việt Nam đã có những phản ứng và chọn lựa khác nhau về mặt chính trị và văn hoá.
Có thể khái quát thành bốn cách phản ứng và chọn lựa trước thời cuộc của trí thức Việt Nam ba thập niên đầu thế kỷ 20:
Cách thứ nhất là đi theo con đường bạo động để tìm cách lật đổ ách thống trị của Pháp. Những người chủ trương con đường này cương quyết không chấp nhận sự đô hộ của giặc Pháp trên đất nước mình, đã tập họp và vũ trang những người yêu nước để chống Pháp. Họ tiếp tục con đường của Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân, Phan Liêm, Phan Tôn, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám ... Điều lúng túng nhất đối với những nhà chí sĩ yêu nước này là tìm một cương lĩnh và chỗ dựa tinh thần cho cuộc chiến đấu. Lúc đầu đó là lời kêu gọi cần vương (giúp vua) của Hàm Nghi, nên phong trào được gọi là phong trào Cần vương (1885- 1896). Khi Hàm Nghi bị Pháp bắt và đưa đi đày sang Algérie, hai vị vua chống Pháp tiếp theo là Thành Thái và Duy Tân bị đày sang đảo Réunion, Khải Định quay sang hợp tác với giặc thì khái niệm “Cần vương” không còn lý do tồn tại nữa. Nhưng cán cân lực lượng giữa ta và Pháp quá mất cân bằng: vũ khí thô sơ, trình độ quân sự non kém, lực lượng phân tán, thiếu sự lãnh đạo thống nhất, nên sự thất bại là không tránh khỏi. Mặc dù vậy, tinh thần đề kháng của nhân sĩ trí thức Việt Nam không bao giờ bị khuất phục, họ đã lãnh đạo những cuộc nổi dậy chống sưu thuế, đòi quyền dân sinh, dân chủ…Họ đưa thanh niên đi đào tạo ở nước ngoài để chuẩn bị lực lượng. Đó là con đường của Phan Bội Châu. Để giương ngọn cờ quân chủ, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để đã từng được chọn làm minh chủ. Những người theo con đường này muốn dựa vào Nhật Bản là một nước “đồng chủng, đồng văn”. Họ đã phải trả giá đắt: các du học sinh người Việt bị Nhật trục xuất, phong trào Đông Du thất bại, Phan Bội Châu bị quản thúc thành “Ông già Bến Ngự”…Tiếp tục con đường bạo động, về sau có những người đứng ra thành lập Việt Nam quốc dân đảng mà Nguyễn Thái Học là đảng trưởng và hành động quả cảm của họ thể hiện qua
tiếng bom Sa Diện của Phạm Hồng Thái cũng như cuộc khởi nghĩa Yên Bái (1930) với tinh thần “không thành công thì cũng thành nhân”.
Cách thứ hai là con đường học tập nền dân chủ phương Tây để duy tân đất nước, làm cho dân tộc tự cường mà từng bước giành lại độc lập từ trong tay thực dân Pháp. Đây là con đường mà Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền cổ xuý. Những nhà văn hoá này nhận thấy tương quan lực lượng giữa ta và Pháp quá mất cân bằng, dùng giải pháp bạo động ngay như Phan Bội Châu sẽ tốn nhiều xương máu mà không thể thành công. Vì vậy công cuộc giành độc lập là một sự nghiệp dài lâu. Phải nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí, học theo nền dân chủ tư sản mà mở trường, lập hội, ra báo. Khi ý thức độc lập của dân ta vững vàng rồi, ta sẽ có đủ điều kiện và lực lượng không chỉ cho mục tiêu độc lập dân tộc mà cả mục tiêu dân chủ, dân quyền và dân sinh. Khuynh hướng này không đề cao bạo động nên không uy hiếp trực tiếp chế độ thực dân. Nhưng Pháp biết rò rằng về lâu dài nó là mối nguy cơ lớn của chúng, khi chủ nghĩa ngu dân mất hiệu lực, nên Pháp đã tìm cách triệt hạ người tiên phong: Phan Châu Trinh bị bắt giam và đưa đi đày tận Côn Đảo.
Cách thứ ba là giải pháp mà lịch sử đã chứng minh là hiệu quả nhất. Đó là con đường mà Nguyễn Ái Quốc đã chọn lựa: vận động thành lập một chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân để lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, gắn phong trào giải phóng dân tộc với phong trào cộng sản thế giới mà đại diện là Quốc tế thứ ba. Đó là một sự nghiệp toàn diện trên tất cả các mặt trận: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá, ngoại giao…và khi điều kiện cũng như thời cơ chín muồi, sẽ phát động khởi nghĩa giành chính quyền. Con đường này manh nha từ thập niên 10 cuả thế kỷ trước, phát triển vào những năm 20, qua những cuộc tranh luận, thảo luận trong thời gian Nguyễn Ái Quốc ở Pháp, trong Đại hội Tours cuả Đảng Xã hội Pháp, ngày càng sáng rò về mục tiêu. Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc và những người đồng chí hướng đã tác động đến sự hình thành và thống nhất các tổ chức cộng sản trong nước (Đông Dương cộng sản đảng, An Nam cộng sản đảng và Đông Dương cộng sản liên đoàn) dẫn đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam năm
1930. Từ đây lịch sử Việt Nam sẽ diễn ra chủ yếu theo con đường của sự chọn lựa này.
Chúng ta tóm tắt trong mấy dòng những con đường đó, nhưng trên thực tế đó là những chọn lựa rất phức tạp, đầy trăn trở và bi kịch. Đó không phải chỉ là suy nghĩ mà là hành động, vào tù ra khám, đối diện với cái chết để xác định lý tưởng của mình. Trong hoàn cảnh như vậy, đã có những người trí thức tránh né những con đường gai góc, chọn con đường thứ tư, con đường hoạt động văn hoá để góp phần hiện đại hoá dân tộc. Điều oái oăm là họ không thể làm văn hoá thuần tuý mà không quan hệ với chính trị, lại là chính trị của chủ nghĩa thực dân. Đó là con đường mà Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của trải qua cuối thế kỷ 19 và Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh đi theo đầu thế kỷ 20. So với hai người trên, thì hai người sau này ngày càng dấn sâu hơn vào chính trị. Nhưng giữa Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh tuy cùng một con đường nhưng lại có những ngả rẽ khác nhau, một phần do thời điểm lịch sử mà hai ông hoạt động quy định, một phần do tính cách và chí hướng của hai người khác nhau: một người năng động, hoạt bát, thực tiễn; một người uyên bác, thâm trầm, kín đáo.
Nguyễn Văn Vĩnh lớn hơn Phạm Quỳnh mười tuổi, cả hai ông đều cộng tác với Pháp, được người Pháp sử dụng cho những mục tiêu giai đoạn của họ, trong những thời điểm khác nhau. Nguyễn Văn Vĩnh được người Pháp ưu ái chủ yếu vào những năm trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918), Phạm Quỳnh thì từ khi cuộc chiến tranh này nổ ra. Điểm chung giữa Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh là trước con đường đối thoại văn hoá do các viên toàn quyền nắm trong tay quyền lãnh đạo Đông Dương như Paul Doumer, Paul Beau, A. Sarraut…vạch ra, người Việt Nam phải nhanh chóng nắm bắt lấy như một cơ hội quan trọng để thay đổi đất nước. Đối với những người trí thức quan tâm đến thời cuộc, ngay từ đầu họ đã có thể nhận ra tham vọng và dã tâm của thực dân Pháp. Nhưng dù sao, chế độ thực dân càng được củng cố thì những ảo tưởng về “khai hoá”, “văn minh” càng mau tan vỡ. Chính vì vậy, mà những “ngây thơ”, “cả tin” của Nguyễn Văn Vĩnh, nếu có, dễ hiểu hơn là của Phạm Quỳnh.