Những đóng góp của Đông Dương tạp chí trong quá trình hiện đại hóa văn học, văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ XX - 4


Khi chiếm trọn được sáu tỉnh Nam Kỳ, thực dân Pháp đã mưu toan thay đổi toàn bộ nền giáo dục Việt Nam. Một số trường công lập thuộc thẩm quyền thị chính được khai sinh ngay tại Sài Gòn.

Để thay đổi nền giáo dục cổ truyền vốn chịu nhiều ảnh hưởng của Trung Hoa, thực dân Pháp bắt đầu đưa chữ quốc ngữ vào dạy trong trường học. Ban đầu là những biện pháp khuyến khích, chẳng hạn như cho phép “mỗi làng, thị trấn của tổng không có trường Pháp sẽ thiết lập một trường dạy quốc ngữ” hay “những làng nhỏ có một trường dạy quốc ngữ sẽ được miễn mọi thuế đóng góp cho trường hàng tổng” theo Nghị định 14.06.1880. Nhiều làng phải thuê người đi học cho đủ số lượng. [86] Về sau, các biện pháp mạnh hơn được áp dụng để cưỡng chế học sinh đi học. Nghị định 17.03.1879 về việc tổ chức nền học chánh mới ở Nam Kỳ đã ban hành chương trình giáo dục Pháp – Việt ở Nam Bộ. Theo đó, chương trình Tiểu học (ba năm) có dạy quốc ngữ, chương trình cấp 2 (ba năm) học cả chữ Nho và quốc ngữ), chương trình cấp 3 (4 năm) dạy các văn thư, khế ước thông dụng, sử địa An Nam mỗi tuần. [86]

Các kì thi theo kiểu cổ truyền cũng bị xoá bỏ. Trường hậu bổ được thành lập để đào tạo những người làm quan cho Pháp. Nhiều học sinh, đặc biệt là các học sinh công giáo được cử đi du học ở Pháp và các nước thuộc địa của Pháp. Số lượng học sinh được học chương trình của Pháp tăng lên ngày càng đông khi hệ thống trường Pháp -Việt được mở rộng tại Sài Gòn và một số thành phố, tỉnh lỵ lớn khác.

Sự thay đổi hình thức và nội dung giáo dục đã tạo ra một tầng lớp trí thức mới cho xã hội – tầng lớp trí thức Tây học. Chính tầng lớp này đã hình thành nên một đội ngũ sáng tác, một tầng lớp công chúng mới ở thành thị, tác động trực tiếp tới sự hình hành và phát triển nền văn học chữ quốc ngữ ở Nam Bộ - cái nôi của báo chí quốc ngữ cả nước.

Bên cạnh đó, việc bắt buộc sử dụng chữ quốc ngữ trong tất cả các văn bản hành chính và các lĩnh vực khác cũng góp phần đẩy mạnh sự chuyển biến mạnh mẽ về văn hoá xã hội của Việt Nam đầu thế kỷ XX. Đây là một trong những biểu hiện


rò rệt nhất của việc mở rộng phạm vi ảnh hưởng của văn hoá phương Tây ở Việt Nam.

Chữ quốc ngữ là loại chữ mà các giáo sĩ phương Tây hình thành bằng cách sử dụng bộ chữ cái la-tinh quen thuộc có bổ sung thêm các dấu phụ (mà một số ngôn ngữ phương Tây như chữ Bồ Đào Nha đã từng làm) để ghi âm tiếng Việt.

Khi nói đến sự hình thành và phát triển của chữ quốc ngữ ở Việt Nam, nhiều người cho rằng linh mục Alexandre de Rhodes, đôi khi được gọi theo tên đã Việt hoá là Đắc Lộ, là người đầu tiên đã sáng tạo ra chữ quốc ngữ. Năm 1651, linh mục Alexandre de Rhodes đã biên soạn và cho in ở nhà in của Giáo hội La Mã tại Roma (Ý) cuốn Từ điển Việt-Bồ-La (Dictionarium annamiticum, lusitanum et latinum). Cũng trong năm này, ông cho in cuốn sách giảng đạo nhan đề là Phép giảng tám ngày cho kẻ muốn chịu phép rửa tội mà vào đạo thánh Đức chúa Trời, cuốn sách đầu tiên in bằng chữ quốc ngữ. [5]

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 290 trang tài liệu này.

Tuy nhiên, sự thật thì các giáo sĩ phương Tây đã tới Việt Nam và bước đầu đặt nền móng cho việc hình thành chữ quốc ngữ từ trước đó. Tháng 10-1629, một linh mục người Bồ Đào Nha là Gaspar d’Amaral lần đầu tiên tới Đàng Ngoài cùng với một người Nhật Bản là thầy Paulus Saito. Trong thời gian ở Việt Nam, linh mục Gaspar d’Amaral đã đi sâu nghiên cứu và học rất nhanh chữ quốc ngữ, khi ấy mới ở dạng phôi thai, còn hết sức sơ khai. Ông đã để lại hai tài liệu viết tay vào các năm 1632 và 1637, trong đó ghi lại hàng loạt chữ quốc ngữ. Sau đó, ông bắt tay vào soạn cuốn Từ điển Việt-Bồ-La (Diccionário anamita-português-latinum) nhưng tiếc thay cuốn từ điển chưa kịp ấn hành thì ông đã qua đời trên đường từ Ma Cao quay trở lại Đàng Ngoài để tiếp tục truyền giáo (23-12-1645) do tàu chở ông bị đắm. Cuốn từ điển mà linh mục Gaspar d’Amaral đang soạn dở dang đã bị thất lạc. [8]

Một linh mục Dòng Tên thứ hai người Bồ Đào Nha cũng có những đóng góp ở bước sơ khởi trong việc hình thành chữ quốc ngữ tại Việt Nam là linh mục Antonio Barbosa. Ông đã soạn thảo một cuốn Từ điển Bồ-Việt (Diccionário português-anamita), từ tiếng Bồ Đào Nha sang tiếng Việt, có lẽ trong thời gian 6 năm ở Đàng Ngoài. Nhưng cũng giống như số phận cuốn từ điển soạn dở của linh

Những đóng góp của Đông Dương tạp chí trong quá trình hiện đại hóa văn học, văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ XX - 4


mục Gaspar d’Amaral, cuốn tự điển của linh mục Antonio Barbosa cũng bị “mất tích” và không ai biết được là nó đã bị huỷ hoại hay thất lạc đâu đó. [8, 67]

Chính dựa trên những cuốn từ điển (sau bị thất lạc) này mà linh mục Alexandre de Rhodes đã soạn ra cuốn Từ điển Việt-Bồ-La in năm 1651 và được coi như là người có công sáng tạo ra chữ quốc ngữ. Công lao lớn của Alexandre de Rhodes là ở chỗ ông đã dựa trên thành quả của những người đi trước để trở thành người soạn thảo và cho in thành sách những công trình đầu tiên về chữ quốc ngữ ở Việt Nam.

Ngoài ra, trong sự hình thành chữ quốc ngữ, bên cạnh những nỗ lực cá nhân của Alexandre de Rhodes, còn có sự đóng góp của nhiều người khác nữa, trong đó không loại trừ có cả những người Việt Nam.

Mặc dù đã có những công trình như thế nhưng chữ quốc ngữ vẫn không được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam, đặc biệt là trong quảng đại dân chúng. Trong suốt hơn 200 năm sau đó, chữ quốc ngữ chỉ được sử dụng ở một phạm vi hẹp trong khuôn khổ nhà thờ Thiên Chúa giáo để phục vụ cho mục đích truyền đạo của các giáo sỹ như dịch Kinh thánh, soạn các sách truyền đạo.

Trong suốt thời gian đó, một số giáo sĩ phương Tây đã nỗ lực nhằm hoàn thiện dạng thức chữ quốc ngữ sơ khai mà Alexandre de Rhodes đã tạo ra. Điển hình trong số đó là những sửa đổi của Đức Giám mục Pierre Joseph Georges Pigneaux de Béhaine, thường được biết đến ở Việt Nam dưới tên gọi Bá Đa Lộc. Giám mục Bá Đa Lộc là người đã khởi soạn Từ điển An nam-Latinh (1772-1773). Công trình đang còn dở dang thì được cố đạo Tabert tiếp nối. Tới năm 1838, cha Tabert đã cho in tại Serampur, Ấn Độ, cuốn Từ điển Việt-Latinh (Dictionarium annamitico- latinum) có ghi thêm chữ Nôm bên cạnh chữ quốc ngữ (cuốn từ điển này thường được biết tới dưới tên gọi là Từ điển Tabert). Trừ một số trường hợp cá biệt, chữ quốc ngữ trong Từ điển Tabert về cơ bản đã có dạng thức như ngày nay.

Sau khi Pháp đã hoàn thành việc chiếm đóng và trực tiếp cai trị Nam Kỳ từ năm 1867, chính quyền cai trị đã đẩy mạnh việc dạy học tiếng Pháp và chữ quốc ngữ. Một số học giả, nhà bác học thời bấy giờ, chủ yếu ở Nam Kỳ, như Trương


Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của cũng đã có nhiều công trình nhằm phổ biến và truyền bá chữ quốc ngữ trong dân chúng trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Người đi tiên phong trong việc xây dựng và truyền bá chữ quốc ngữ, đặc biệt

ở Nam Kỳ, là Trương Vĩnh Ký.

Trương Vĩnh Ký vốn họ tên là Trương Chánh Ký, tên thánh là Pétrus Jean Baptiste, sau đổi là Trương Vĩnh Ký, gọi tắt là Pétrus Ký. Trong lĩnh vực phát triển chữ quốc ngữ, Trương Vĩnh Ký là tác gia đầu tiên và lớn nhất của văn học chữ quốc ngữ Việt Nam cuối thế kỷ XIX. Ông là người Việt Nam đầu tiên cho in sách bằng chữ quốc ngữ (1866), viết du ký bằng chữ quốc ngữ, phiên âm ra chữ quốc ngữ các tác phẩm chữ Nôm và chữ Hán; là người Việt Nam đầu tiên viết sử Việt Nam và ngữ pháp tiếng Việt bằng tiếng Pháp; là soạn giả Việt Nam đầu tiên làm từ điển đối dịch Pháp-Việt, Hán-Việt-Pháp; là nhà báo người Việt đầu tiên làm chủ bút một tờ báo (tờ Gia Định báo, từ 1869, sau E.Potteaux, trước Huỳnh Tịnh Của) và ra nguyệt san (tờ Thông loại khoá trình, 1888-1889, với tư cách tư nhân).

Một học giả khác cũng có công trong việc phát triển chữ quốc ngữ buổi ban đầu là Huỳnh Tịnh Của, thường gọi là Paulus Của, có thời gian ngắn làm chủ bút tờ Gia Định báo sau Trương Vĩnh Ký. Công trình lớn nhất của ông là Đại Nam quấc (quốc) âm tự vị. Đây là bộ từ điển tường giải đầu tiên về tiếng Việt do một tác giả người Việt biên soạn theo phương pháp học thuật Âu Tây, thu thập được một vốn từ khá lớn của tiếng Việt trên phạm vi cả nước. [5, 173-174]

Quá trình đấu tranh giằng co giữa chữ Hán với chữ quốc ngữ kéo dài sang đến thời kỳ đầu thế kỷ XX với sự thắng thế dần dần của chữ quốc ngữ. Năm 1915, vua Duy Tân ra chỉ dụ bãi bỏ các khoa thi hương, hội, đình ở Bắc Kỳ. Năm 1918, vua Khải Định ra chỉ dụ bãi bỏ các khoa thi này ở Trung Kỳ và đến năm 1919 thì bãi bỏ hoàn toàn các trường dạy chữ Nho, thay thế bằng hệ thống trường Pháp-Việt. Ngày 18-9-1924, toàn quyền Đông Dương Merlin đã ký quyết định đưa chữ quốc ngữ vào dạy ở ba năm đầu cấp tiểu học. [8]

Như vậy là sau gần ba thế kỷ từ khi cuốn từ điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes ra đời và hơn nửa thế kỷ sau khi Pháp nổ tiếng súng đầu tiên xâm lược


Việt Nam, người Việt Nam đã chính thức đoạn tuyệt với chữ Hán của người Trung Hoa và chữ Nôm để hoàn toàn chuyển sang dùng chữ quốc ngữ.

Một biểu hiện khác nữa của việc mở rộng ảnh hưởng văn hoá phương Tây tại Việt Nam, tạo tiền đề cho sự ra đời của Đông Dương tạp chíchính là sự ra đời phát triển của báo chí quốc ngữ đầu thế kỉ XX, khởi nguồn từ Nam Bộ.

Năm 1865, vẫn đang còn trong quá trình thôn tính Nam Kỳ, thực dân Pháp

đã cho xuất bản tờ Gia Định báo bằng chữ quốc ngữ.

Gia Định báo phát hành số đầu tiên vào ngày 15- 04 - 1865, do một người Pháp tên là Ernest Potteaux, một viên thông ngôn làm việc tại Soái phủ Nam Kỳ làm chánh tổng tài (một chức danh được hiểu là chủ nhiệm kiêm chủ bút) tới năm 1869 thì chuyển sang cho Trương Vĩnh Ký làm chủ bút (cho tới ngày 31-12- 1871).[84] Tờ báo tồn tại đến ngày 31 tháng 12 năm 1909 (44 năm) và chính thức đình bản vào 01 tháng 01 năm 1910.

Xét về mặt thông tin, Gia Định báo thực chất là một tờ công báo của chính quyền nhằm phổ biến các văn kiện chính thức của chính quyền xâm lược trong dân chúng Việt Nam, đồng thời góp phần truyền bá chữ quốc ngữ. Khi cho ra đời tờ Gia Định báo, chính quyền cai trị thực dân muốn thông qua đây để truyền bá những tư tưởng, văn hoá, thành tựu công nghệ của Pháp, đồng thời cũng qua việc thúc đẩy học chữ quốc ngữ để đầy lùi ảnh hưởng của Nho giáo thông qua chữ Hán. 8

Với mục đích như vậy, thời gian đầu Gia Định báo chỉ phổ biến về các vấn đề chính trị, pháp lý, công quyền, đăng các công văn, nghị định, thông tư, đạo dụ của chính quyền, các tin tức địa phương trên các lĩnh vực: kinh tế, tôn giáo, văn hóa

- xã hội...

Năm 1869, khi Trương Vĩnh Ký tiếp quản tờ báo với vai trò giám đốc và bổ nhiệm Huỳnh Tịnh Của làm chủ bút, Gia Định báo được thêm các phần khảo cứu, nghị luận, gồm các bài dịch thuật, sưu tầm, khảo cứu, sáng tác thơ, văn, lịch sử, truyện cổ tích... Trong đó nổi bật là mục Tục ngữ An Nam, đăng làm nhiều kỳ, chủ


8 Mục đích này được thể hiện rò trong văn thư đề ngày 9-5-1865 của Thống đốc chỉ huy trưởng Nam Kỳ lúc bấy giờ là ông G. Roze gửi cho Bộ trưởng Bộ thuộc địa Pháp.


yếu do Paulus Huỳnh Tịnh Của phụ trách, một số truyện viết bằng văn vần dài kỳ như Nhị thập tứ hiếu diễn ca, Chánh khí ca...

Để thúc đẩy việc học chữ quốc ngữ, báo có một số mục do Thế tải Trương Minh Ký (học trò của Trương Vĩnh Ký) phụ trách, trong đó có phân tích khá kỹ càng những mẹo luật trong việc sử dụng chữ quốc ngữ, cách dùng các chữ thế nào cho chính xác...

Nhờ công của Trương Vĩnh Ký, Gia Định báo không chỉ làm một tờ công báo đơn thuần nữa mà trở thành một phương tiện góp phần cổ động việc học chữ quốc ngữ và lối học mới. Gia Định báo dùng rất ít từ Hán Việt nên câu văn như lời nói, rất dễ đọc. Đây là đóng góp rất lớn của tờ báo vào thời điểm bấy giờ, khi chữ quốc ngữ còn mới manh nha được sử dụng trên báo chí như một sự thể nghiệm. Thành công này của Gia Định báo đã mở đường cho các thể loại văn xuôi Việt Nam in bằng chữ quốc ngữ, đặt nền móng cho sự hình thành báo chí Việt Nam.

Bên cạnh Gia Định báo, Trương Vĩnh Ký còn phụ trách tờ Thông loại khoá trình. Đây là tờ báo tư nhân đầu tiên và cũng là tạp chí văn học đầu tiên của nước ta. Mảng văn học trên Thông loại khoá trình đã dạy cho độc giả của tờ báo (là học sinh

- theo tôn chỉ ghi trên trang bìa) biết chữ nghĩa văn chương và tập viết văn chương. Sau Gia Định báo, năm 1898 Phan Yên báo9 ra đời, chủ bút là Diệp Văn

Cương. Tương tự như Gia Định báo, Phan Yên báo cũng cung cấp các tin địa phương và thư độc giả bằng chữ quốc ngữ, nhưng do các bài được đăng có tính chính trị nên chỉ sau 7 số báo từ tháng 12 – 1898 đến tháng 2 - 1899, báo bị chính quyền thực dân Pháp cho đóng cửa.

Năm 1901, Nông cổ mín đàm, tờ báo kinh tế đầu tiên bằng chữ quốc ngữ ra đời theo nghị định của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ban hành tại Sài Gòn ngày 14 tháng 2 năm 1901. Nông cổ mín đàm có nghĩa là “Trà đàm về chuyện nông nghiệp và thương nghiệp”, được chú thích bằng tiếng Pháp ngay dưới nhan đề tờ báo: “Causeries sur l’agriculture et le commerce”. Số báo đầu tiên phát hành vào


9 Có giai thoại cho rằng, cái tên báo "Phan Yên" là một cách nói lái từ "Phiên An", một cái tên cũ của Gia

Định.


ngày 01- 08- 1901. Chủ nhân của tờ báo là ông Canavaggio, một chủ đồn điền - nhà buôn người Pháp.

Trong suốt 23 năm tồn tại của mình (1901- 1924) Nông cổ mín đàm đã có những đóng góp to lớn cho phát triển nền báo chí, nền văn học chữ quốc ngữ tại Nam Kỳ nói riêng và Việt Nam nói chung. Tờ báo tập trung khá nhiều cái “đầu tiên” thú vị: tờ báo tư nhân đầu tiên; tờ báo kinh tế Việt ngữ đầu tiên; tờ báo đầu tiên đăng tiểu thuyết nhiều kì để thu hút độc giả và đây cũng là tờ báo đầu tiên tổ chức một cuộc thi viết tiểu thuyết quốc ngữ theo lối mới đầu tiên trong lịch sử văn học nước ta. Tờ báo đã tập hợp và sản sinh ra những nhà văn tài năng nhất của văn học Nam Bộ thời bấy giờ như Nguyễn Chánh Sắt, Lê Hoằng Mưu, Trần Chánh Chiếu, Phạm Minh Kiên… Điều đó cho thấy rằng vượt ra khỏi mục đích chính ban đầu, Nông cổ mín đàm đã trở thành “mảnh đất ươm mầm cho một thể loại văn học mới phát triển, đơm hoa và kết trái: đó là tiểu thuyết viết bằng chữ quốc ngữ”. [2]

Sáu năm sau khi Nông cổ mín đàm ra đời, Lục tỉnh tân văn xuất bản số đầu tiên ngày 14- 11-1907. Tờ báo do F.H. Schneider – một chủ nhà in người Pháp sáng lập. Chủ nhiệm của tờ báo cũng là một người Pháp tên là Pierre Jeantet, chủ bút là Trần Nhật Thăng, biệt hiệu Đông Sơ tức Gilbert Trần Chánh Chiếu10. Báo xuất bản mỗi tuần 3 lần vào các ngày thứ 2, thứ 4 và thứ 6. [74]

Dưới thời của chủ bút Trần Chánh Chiếu, về chính trị, Lục tỉnh tân văn cổ động công kích chính quyền thuộc địa qua việc đăng nhiều bài có khuynh hướng chống Pháp; về kinh tế, tờ báo kêu gọi đồng bào cạnh tranh với Hoa kiều để giành lấy quyền lợi, góp phần đưa đến phong trào tẩy chay hàng hóa của “các chú” 11 khiến chính quyền Pháp phải ra tay dàn xếp. Chính vì xu hướng hoạt động đó, Lục tỉnh tân văn bị nhà cầm quyền chú ý. Cuối tháng 10 năm 1908, chủ bút Trần Chánh Chiếu bị bắt, Lương Khắc Ninh đảm nhận vai trò chủ bút tiếp theo của tờ báo.


10 Trần Chánh Chiếu là một đại điền chủ có quốc tịch Pháp. Ông là một trí thức yêu nước, một nhà tư sản dân tộc có tinh thần cách mạng, từng bí mật hoạt động với Hoàng thân Cường Để. Sau khi sang Hongkong để gặp Phan Bội Châu, trở về nước, Trần Chánh Chiếu công khai cổ động một phong trào gọi là Cuộc minh tân tại Nam Kỳ. Nhờ hoạt động duy tân hăng hái của ông, có hàng trăm du học sinh là con em của các địa chủ tại Nam Kỳ đã sang Nhật học tập.

11 Tiếng thông dụng ở Nam Kỳ, chỉ Hoa Kiều


Năm 1921, Schneider bán lại tờ báo cho ông huyện Của, tức tri huyện hàm Nguyễn Văn Của, một nhân vật rất nổi tiếng tại Nam Kỳ thời bấy giờ. Đến ngày 03- 10-1921, Lục tỉnh tân văn hợp nhất với Nam Trung nhật báo (số đầu tiên ra ngày 03-10-1921 do Diệp Văn Kỳ làm chủ bút) lấy tên chung là Lục tỉnh tân văn. Tờ báo tiếp tục xuất bản cho đến năm 1944 với rất nhiều chủ bút khác nhau sau Lê Hoằng Mưu. Lục tỉnh tân văn là tờ báo có uy tín bậc nhất vào thời đó. Nhiều cây bút của miền Bắc, miền Trung vào học nghề làm báo tại đây. Trong đó có Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi, Trần Huy Liệu, Tản Đà...Chính tờ Lục tỉnh tân văn sau này còn có một ấn bản đặc biệt phát hành ở Bắc Kỳ cũng do Francois Henri Schneider chủ trương, đó chính là Đông Dương tạp chí.

Tuy nhiên, những tờ báo nói trên chưa phải là nhật báo. Tờ báo hàng ngày xuất bản sớm nhất có lẽ là Công Luận báo (1918)12. Công Luận báo đã đóng góp cho tiểu thuyết Nam Bộ rất nhiều tác phẩm của các tên tuổi như Biến Ngũ Nhi, Lê Hoằng Mưu, Hồ Biểu Chánh, Phú Đức, Dương Minh Đạt, Nam Đình Nguyễn Thế Phương, Nguyễn Ý Bửu, Trần Quang Nghiệp, Bửu Đình…

Tại miền Bắc, do những khác biệt về chế độ chính trị, sự đầu tư về mọi mặt của thực dân Pháp muộn hơn, dẫn đến sự ra đời muộn hơn của báo chí quốc ngữ.

Năm 1905, Đại Việt tân báo (tên tiếng Pháp là L’Annam), tờ báo tư nhân đầu tiên in một phần bằng chữ quốc ngữ, một phần chữ Hán xuất hiện ở Hà Nội. Chủ báo là ông Ernes Babut (1878-1962), một người Pháp được biết đến trong phong trào đấu tranh đòi dân quyền cho người Việt cùng với những nhà cách mạng Việt Nam dưới thời Pháp thuộc đầu thế kỉ 20. Trụ sở báo đặt ở số 90 phố Hàng Mã với Đào Nguyên Phổ làm chủ bút. Tờ báo này đã đăng những bài xã luận đầu tiên của Phan Châu Trinh. Sau khi biết đến đường lối tranh đấu ôn hòa của Phan Châu Trinh, Babut liền mời ông về cộng tác. Vị chủ bút người Pháp này được cho là có


12 Thực ra, tiền thân của nó – tờ Tân Đợi thời báo do Lucien Héloury sáng lập, Nguyễn Kim Đính làm chủ biên đã xuất bản số đầu tiên vào năm 1916. Lucien Héloury cũng làm chủ nhiệm tờ báo Pháp văn L’Opinion xuất bản từ 1899 đến 1934. Ngày 28 – 09 – 1916 Tân Đợi thời báo đổi tên là Công Luận báo, xuất bản tuần 2 lần. Đến 1918 Công Luận báo xuất bản hàng ngày nhưng đây thực chất là ấn bản tiếng Việt của L’Opinion.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 20/07/2022