Về vấn đề này, Thiếu Sơn lý giải: « ...tôi tin chắc rằng ông Nguyễn Văn Vĩnh có thể đầu hàng mà không phải là người phản bội. Đầu hàng cũng không tốt đẹp gì nhưng còn nhẹ tội hơn phản bội nhiều lắm. Ông là người được thực dân hiểu biết và muốn dùng.
Ông không muốn để cho chúng lợi dụng. Ông muốn về phe những người ái quốc để làm chung một việc gì có ích cho nước, có lợi cho dân. Nhưng thực dân không dung túng một việc làm như thế. Chúng khủng bố phong trào nhưng chúng cũng còn muốn giữ ông lại để dùng vào việc khác.
Ông là người khôn ngoan, quyền biến, ông cũng muốn còn có cơ hội để hoạt động, nếu không ích cho đời thì cũng lời cho ông chứ không phải là con người tận tuỵ với thực dân một cách mù quáng như nhiều kẻ khác, trong đó có Phạm Quỳnh » [63, 52].
Một trong những sự kiện khá then chốt nữa nói lên lập trường chính trị của Nguyễn Văn Vĩnh, mà cho đến nay các tài liệu vẫn chưa làm rò động cơ, là việc ông gia nhập Hội Tam Điểm. Theo Vũ Bằng, đây không phải là Loge maconique, còn gọi là Le Grand Orient (viết tắt là G. O.), đặt trụ sở tại đường Gambetta, Hà Nội. Hội Tam Điểm mà Nguyễn Văn Vĩnh tham gia là Logemixte Internationale, còn gọi là “tổ chức Khổng Tử” (Loge Confucius), trụ sở ở phố Đường Thành. Ngoài Nguyễn Văn Vĩnh, Hội này còn thu hút Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Quang Oanh, Phạm Huy Lục, Nguyễn Văn Luân…Nơi đây đã tổ chức thảo luận về những vấn đề như nên theo thuyết trực trị hay quân chủ lập hiến, cải tổ giáo dục như thế nào”. [6, 5]
Cùng lúc với Trường Đông Kinh nghĩa thục, năm 1907, Nguyễn Văn Vĩnh đã sáng lập ra Hội dịch sách với tâm niệm: “Nước Nam ta muốn chóng bước lên đường tiến hoá thì phải mau thu thái lấy những tư tưởng mới. Muốn cho tư tưởng mới trong văn hoá Tây Âu truyền bá trong khắp dân gian thì cần phải phiên dịch sách nước ngoài ra tiếng Việt Nam”(19). Đây là đơn xin lập Hội dịch sách mà Nguyễn Văn Vĩnh nhân danh chủ bút Đại Nam Đăng cổ tùng báo cùng đứng tên với
19 Nguyễn Văn Vĩnh: Diễn văn đọc tại lần họp thứ nhất của Hội dịch sách, Hội quán Trí Tri ngày 4-8-1907.
những trí thức nổi tiếng thời đó như Lương Văn Can (Giáo trưởng Đông Kinh nghĩa thục), Đỗ Văn Tâm (Hiệp biện đại học sĩ), Đỗ Thận (Hội viên Thành phố Hà Nội), Đào Văn Sử (Giáo trưởng tràng Hội Trí Tri): “Chúng tôi dám phiền đến Ngài là chắc đã biết Ngài cũng tin như chúng tôi rằng: sự dịch sách có ích lợi cho dân ta lắm, cho nên ở tờ đạt này, cũng không phải kể hết các nhẽ nữa […]. Chúng tôi xin trình trước với các quan rằng: hội này chúng tôi mở ra là thực hợp ý Nhà nước, vì Nhà nước bây giờ cũng hết lòng sửa đổi sự học. Chớ hội chúng tôi không có ý gì ngạo phép, xin các quan đừng ngại. Các quan cai trị dân, một tiếng nói bằng trăm nhẽ bàn của chúng tôi, nếu các quan giúp cho thành công quả này, thì cái phúc để lại muôn năm, đời sau dân nước Nam có được nhiều sách mà học, mỗi ngày tư tưởng một rộng ra, làm ăn buôn bán mỗi ngày một khôn khéo ra, cũng sẽ nhớ đến rằng: vì có các quan giúp vào bây giờ”20 . Ngày 26-6-1907, Hội dịch sách được phép thành lập với 300 đại biểu tham dự, tại đây Nguyễn Văn Vĩnh đã đọc diễn văn nói về ý nghĩa, mục đích của việc dịch sách.
Có thể bạn quan tâm!
- Giới Trí Thức Việt Nam Trong Một Thời Đại Chuyển Biến
- Sự Ra Đời Của Đông Dương Tạp Chí
- Những đóng góp của Đông Dương tạp chí trong quá trình hiện đại hóa văn học, văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ XX - 7
- Những Chặng Đường Phát Triển Của Đông Dương Tạp Chí
- Những Đóng Góp Của Đông Dương Tạp Chí Trong Quá Trình Hiện Đại Hoá Văn Học Việt Nam Đầu Thế Kỷ Xx
- Đông Dương Tạp Chí Với Nỗ Lực Đưa Chữ Quốc Ngữ Đến Với Công Chúng
Xem toàn bộ 290 trang tài liệu này.
Nhận thấy Đăng Cổ tùng báo có khuynh hướng ủng hộ những hoạt động của Phan Châu Trinh, chính quyền bảo hộ ra lệnh đình bản tờ báo và bắt giam một số người trong ban biên tập. Nguyễn Văn Vĩnh cũng bị bắt, nhưng chẳng bao lâu sau được trả tự do nhờ sự can thiệp của Hauser và Schneider. Khi Phan Châu Trinh bị chính quyền thực dân bắt, Nguyễn Văn Vĩnh là người đầu tiên ký vào lá đơn xin ân xá cho chí sĩ Tây Hồ. Sau sự việc này, ông bị một vị thượng quan gọi đến và hăm doạ: “Ở Côn Lôn còn rộng chỗ!..Chú hãy liệu lấy!”
Nhắc tới Phan Châu Trinh, người ta nhớ ngay tới bức thư nổi tiếng ông viết ngày 15 tháng 9 năm Thành Thái thứ 18 (1906) gửi Toàn quyền Đông Dương. Bức thư là một bản án hùng hồn chống lại bọn quan lại bất lực và thối nát cùng những tệ nạn của chính quyền thực dân cai trị. Nhưng ít ai biết rằng Nguyễn Văn Vĩnh chính là người dịch bức thư viết bằng chữ Hán ấy ra tiếng Pháp, phổ biến rộng rãi tài liệu kết tội đó cho quần chúng nhân dân biết. Để làm được việc đó, như Delmas, chủ tịch Hội nhân quyền chi hội Hà Nội nhận xét, phải có một lòng dũng cảm khác
20 Đại Nam Đăng cổ tùng báo, số 810, ngày 25-7-1907
thường. Và có lẽ những lời lẽ đanh thép trong bức thư cùng tâm huyết của bậc tiền bối đã ảnh hưởng nhiều đến con đường hoạt động của Nguyễn Văn Vĩnh. Ông quyết tâm đi theo con đường mở mang dân trí, chấn hưng dân khí, chờ thời cơ để làm chủ đất nước.
Sau sự kiện này, Nguyễn Văn Vĩnh lại làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ Notre Journal (Báo của chúng ta), sau đổi thành Notre Revue (Tạp chí của chúng ta), chủ yếu hướng đến độc giả người Pháp, giúp họ hiểu được văn hoá và con người An Nam.
Năm 1910, Schneider sáng lập tờ Lục tỉnh tân văn trong Nam, Nguyễn Văn Vĩnh được mời vào làm chủ bút.
Ba năm sau, 1913, ông trở ra Hà Nội làm chủ nhiệm kiêm chủ bút Đông Dương tạp chí, cũng do Schneider sáng lập. Đây là tờ báo quan trọng nhất trong sự nghiệp của ông vì nó đã gây ảnh hưởng lớn đến lịch sử báo chí và văn học nước ta đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, một thời gian dài, Đông Dương tạp chí bị phủ nhận hoàn toàn giá trị bởi những nội dung phản đối phong trào đấu tranh bạo động lúc bấy giờ do Phan Bội Châu khởi xướng.
Bài xích Phan Bội Châu- một vị anh hùng của phong trào yêu nước là hành động làm cho Nguyễn Văn Vĩnh bị nhiều người có ác cảm. Nó khiến ông bị liệt vào hàng ngũ những kẻ theo Pháp, kể cả sau này, khi ông đả kích những người Pháp cai trị. Người ta không thích cách ông nói về Phan Bội Châu cũng như không ưa cái giọng chỉ trích, châm biếm thái quá khi ông phê phán những hủ lậu của người Việt Nam. Đáng tiếc là những bài viết của Nguyễn Văn Vĩnh thời kì đầu cho Đông Dương tạp chí với nội dung lên án những người bạo động do viết bằng chữ quốc ngữ nên có nhiều người đọc. Còn những bài viết chống lại sự cai trị của người Pháp về sau này lại chủ yếu viết bằng tiếng Pháp, đăng trên L’Annam Nouveau và các tờ báo tiếng Pháp khác nên không mấy người đọc được để mà hiểu ông21.
21 Xem thêm các bài “Báo chí và nhà in”, L’Annam Nouveau số 29, ngày 10/05/1931; “Báo chí bản xứ tự do”, L’Annam Nouveau 03/05/1931; “Chống Pháp”, L’Annam Nouveau số 268 ngày 27/08/1933 và loạt bài “Từ triều đình Huế trở về” của Nguyễn Văn Vĩnh đăng trên L’Annam Nouveau các số 291, 292, 296, 297, 298 – tháng 11 năm 1933.
Sở dĩ Nguyễn Văn Vĩnh phản ứng gay gắt trước các vụ bạo động giết người Pháp kiểu du kích vì ông vốn cho rằng so sánh về lực lượng, ta quá mỏng để có thể đấu chọi lại với người Pháp. Theo ông, việc trước mắt là phải tận dụng cơ hội để học lấy văn minh của họ, xây dựng đất nước cho giàu mạnh, dân trí được hưng thịnh thì lo gì không giữ được nước: “Tục thường nói: theo Tây thì sau mất nước, chỉ những lo quốc hồn mai hậu không còn. Phải biết rằng cơ còn mất ấy, ở ta không ở người. Còn người thì còn nước, còn đẻ thì còn người, còn có ruộng đất mà cày cấy thì còn đẻ được. Mà may sao! Đất của ta thì chỉ có tay ta cầy được mà thôi. Đó
là cái cơ còn, chớ không mất được 22. Cho tới lúc chủ trì L’Annam Nouveau gần hai
mươi năm về sau, Nguyễn Văn Vĩnh vẫn giữ nguyên suy nghĩ đó. Ông vẫn muốn tránh bạo động để chờ một cơ hội mai sau, khi có “những con người đủ khả năng”: “Những người theo chủ nghĩa quốc gia biết điều, họ mong muốn mặc dù thế nào cũng có một tổ quốc mà không bị bắn chết hay chặt cổ, cũng không muốn biến đất nước thành chiến trường máu lửa […] Họ nghĩ như những nhà hiền triết suy nghĩ, là tổ quốc còn tồn tại khi giống nòi còn tồn tại và họ giữ được sức sống của mình. Tổ quốc sẽ không được tạo ra bằng một đạo dụ của nhà vua, do các phòng của phủ Toàn quyền thảo ra và vua Bảo Đại kí, và cũng không bằng một văn bản nào đó do một chính phủ bên ngoài bản thân mình. Nhưng được tạo nên do chính bản thân mình một ngày nào đó, sau một quyết tâm kéo dài kiên nhẫn và một sự chuẩn bị lâu dài trong hòa bình. Nó cho phép lao động liên tục và trong sự phồn vinh đã làm nảy nở ra những con người có đủ khả năng”. [166]
Hồi ký Thử đi tìm một lập trường tranh đấu cho dân tộc Việt Nam của Lê Thanh Cảnh hé lộ phần nào những trăn trở và mâu thuẫn của Nguyễn Văn Vĩnh trong đường lối chính trị của ông. Nguyễn Văn Vĩnh đã bày tỏ lý do vì sao ông chủ trương trực trị: “Sở dĩ tôi theo lập trường trực trị (administration directe) là kinh nghiệm cho tôi thấy Nam Kỳ trực trị mà tiến bộ quá xa hơn Trung Bắc. Mà Bắc kỳ nhờ chế độ mập mờ nửa bảo hộ nửa trực trị (không công khai) mà còn hơn Trung Kỳ quá xa. Chính thể bảo hộ tại Trung Kỳ là quá lạc hậu, đồng bào chúng ta ở đó
22 Đông Dương tạp chí, số 1 ngày 15 /5/1913.
còn trong tình trạng ngu muội. Cứ trực trị cái đã rồi sau khi được khai hóa theo đà tiến bộ thì tức khắc dân chúng tự có sức mạnh mà trồi đầu lên. Nói trực trị tôi chẳng khi nào chịu giao nước Nam cho Tây đâu. Quá khứ đường lối đấu tranh của tôi, cuộc đời thiếu thốn của tôi đã hùng hồn bảo đảm cho lời nói của tôi hôm nay”23.
Có lẽ điều khác biệt ở đây là thời gian đầu ông Vĩnh sợ mất lòng người Pháp, sẽ ảnh hưởng đến việc dựa vào họ để đưa đất nước đến văn minh, tiến bộ; thời gian sau này, tuy vẫn mong mỏi đạt được mục tiêu một đất nước của người An Nam mà không phải bạo động, nhưng vì thất vọng bởi những gì người Pháp đã làm đi ngược với chính sách dân chủ, bác ái mà họ đề ra nên chính ông chứ không ai khác, là người cầm bút chống lại những bất công của chính sách thực dân cai trị trên đất nước mình24.
Nhờ tấm lòng đó của Nguyễn Văn Vĩnh, mà Phan Bội Châu, dù bị ông công kích vẫn mến phục ông. Có lẽ do Phan Bội Châu biết rằng, tuy họ khác nhau về con đường song cùng chung một mục đích. Sau này, họ còn đi du ngoạn cùng nhau trên một chiếc xe do chính tay Nguyễn Văn Vĩnh cầm lái. Khi ông Vĩnh mất, Phan Bội Châu rất thương tiếc, đã gửi câu đối đến viếng.
Cũng từ năm 1913, ông được bầu làm hội viên Viện Tư vấn Bắc Kỳ, tức là nghị viên Viện Dân biểu Bắc Kỳ sau này. Trước đó, ông được bầu làm hội viên Hội đồng thành phố Hà Nội mấy khoá liền. Ngoài ra, ông còn có chân trong Thượng hội đồng kinh tế và lý tài Đông Pháp. Nhưng Nguyễn Văn Vĩnh không phải là “người sắp hàng” có kỷ luật, hay nói theo ngôn ngữ ngày nay, không phải là người hoàn toàn “đi theo lề bên phải” do chính quyền thực dân quy định.
Khi còn ở trong Hội đồng kinh tế Đông Dương, ông đã nhiều lần lên tiếng bênh vực cho quyền lợi của đồng bào mình. Tại Đại hội đồng kinh tế Đông Dương họp ở Sài Gòn năm 1932, ông thay mặt cho giới doanh nghiệp trong nước phản đối chủ trương chuyển từ ngân bản sang kim bản vị, bảo vệ cho nền tài chính trong nước. Khi chính quyền Pháp có bản dự thảo đưa ra nghị định hạn chế việc làm
23 Phan Châu Trinh toàn tập (2005), tập 3, Nxb Đà Nẵng.
24 Xem thêm loạt bài về chủ đề “Báo chí và nhà in” hay “Chiều hướng hiện nay của đường lối chính trị đối với người bản xứ” của Nguyễn Văn Vĩnh đăng trên L’Annam Nouveau từ 1931 đến 1936.
thuốc và bán thuốc Bắc, tất cả các ông lang, các hãng bào chế, các nhà buôn thuốc ở Bắc Kỳ đã họp lại và nhờ ông lên tiếng bênh vực. Và ông đã thực hiện được điều đó(25).
Nguyễn Văn Vĩnh đã hai lần từ chối Bắc đẩu bội tinh do chính phủ Pháp ban tặng, một vinh dự mà rất nhiều người phải chạy chọt, luồn lụy mới mong có được. Chính điều này đã khiến Phan Khôi, một người khó tính, tuy không đồng ý xưng tụng Nguyễn Văn Vĩnh là « đại văn hào », nhưng thừa nhận ông là « người hào kiệt đầy cái khí phách tự lập ». Phan Khôi viết : « Nói từ trong tim nói ra, tôi có phục ông Nguyễn Văn Vĩnh thật. Tôi phục ông ở chỗ ông có chí tự lập, ở chỗ không mộ hư vinh. Tôi ưa ông nhất là tại cái điểm thứ hai này. Kể trong ba bốn mươi năm nay, cả Bắc Kỳ, ông nào có máu mặt cũng chạy cho được cái Bắc đẩu bội tinh, cái Hồng lô tự khánh, cái hàn lâm gì đó, cùng không nữa cũng đồng kim tiền, chiếc kim khánh. Chỉ một mình ông Vĩnh, muốn có thì giống gì mà chẳng có, nhưng ông đã chẳng có gì cả, ông chỉ là bạch đinh. Tấm lòng nguội lạnh đối với cái hư vinh ấy đã đưa ông lên làm tiêu biểu cho bạn trẻ chúng ta sau này » 26.
Đồng thời với việc làm báo Đông Dương tạp chí, từ năm 1915, Nguyễn Văn Vĩnh còn tham gia làm báo Trung Bắc tân văn với tư cách chủ bút, còn Schneider làm chủ nhiệm. Đây là tờ báo ra ba kỳ mỗi tuần. Đến năm 1919, Trung Bắc tân văn đổi thành nhật báo, lúc này Schneider về hưu, Nguyễn Văn Vĩnh kiêm luôn chức chủ nhiệm. Về sau, vì nợ nần, ông chuyển tờ báo này cho Nguyễn Văn Luận.
Như trên đã nói, Nguyễn Văn Vĩnh không chỉ say mê làm báo mà ông còn quan tâm đến nghề in. Hơn mười năm sau khi lập nhà in Dufour – Nguyễn Văn Vĩnh, năm 1918, ông lại làm chủ nhiệm nhà in Trung Bắc tân văn và cùng Vayrac thành lập nhà in Âu Tây tư tưởng.
Năm 1922, lần thứ hai Nguyễn Văn Vĩnh được cử đi dự Đấu xảo thuộc địa ở Marseille, lần này cùng với Phạm Quỳnh và Phạm Duy Tốn. Trong chuyến đi này, Nguyễn Văn Vĩnh đã tranh thủ đi thăm Berlin để tìm hiểu nghề ấn loát trên quê hương của ông tổ máy in Gutenberg. Nhờ những gợi ý từ cuộc tham quan này, khi
25 Theo điếu văn ông Nguyễn Mạnh Bổng đọc tại đám tang Nguyễn Văn Vĩnh.
26 Sông Hương số 1, ngày 01-8-1936.
về nước, ông thế chấp nhà in và tài sản để vay tiền Ngân hàng Đông Dương đầu tư cho việc đổi mới công nghệ ấn loát.
Năm 1927, ông khởi xướng việc cải cách chữ quốc ngữ, gọi là lối chữ “Quốc ngữ mới”. Tuy đề nghị cải cách của ông không được hợp lý nên ít người hưởng ứng, nhưng việc này cho thấy tâm huyết của ông đối với việc làm cho chữ quốc ngữ ngày một phổ biến hơn.
Từ năm 1931 Nguyễn Văn Vĩnh chuyển sang kinh doanh, ông lập hội buôn, tập hợp cổ phần ra báo L’Annam nouveau (Nước Nam mới), có Hy Tống làm trợ bút. Là chủ nhiệm kiêm chủ bút của báo này từ năm 1931 đến đầu năm 1936, Nguyễn Văn Vĩnh đã viết hàng trăm bài xã luận, phóng sự trên báo.
Năm 1930, nền kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng trầm trọng, ảnh hưởng đến sức tiêu thụ, sản xuất đình trệ, các ngành nghề, trong đó có nghề in, đều gặp nhiều khó khăn, Nguyễn Văn Vĩnh bị ngân hàng tịch thu nhà in đem bán đấu giá.
Nói về những vất vả trong cuộc đời Nguyễn Văn Vĩnh, Vũ Bằng có kể trong hồi ký Bốn mươi năm nói láo: “Phần thì lo nợ, phần lại bận viết bài cho báo Annam Nouveau, phần lại do dàn xếp câu chuyện gia đình, phần lại lo chống Phạm Quỳnh, “chơi” lại thực dân Pháp, ông Vĩnh chỉ cho chỉ thị cũng hết thì giờ rồi […] “Tôi nhớ có một lần Nguyễn Văn Vĩnh bị mấy nhà ngân hàng thúc nợ dữ quá, dọa tịch thu gia sản. Trong khi ấy thì nhân viên nhà báo, mấy tháng không có tiền, bỏ bê công việc; đã thế hai bà lại xích mích, làm tình làm tội ông; ấy là chưa kể mấy ông con, quen lối sống như con Tây, đòi hết thứ này thứ nọ để ăn chơi cho phè phỡn” [7].
Trong hoàn cảnh như vậy mà Nguyễn Văn Vĩnh không nản chí, vẫn hăng say làm việc: “Ông Vĩnh làm việc như con trâu cày, không mấy khi muốn làm phiền người khác. Có một lần, tôi đã được mục kích một cảnh như sau: không biết giận gia đình gì đó, ông lên một căn gác nằm khoèo, nhờ ông Tụng mua cho một mẹt bún chả trừ cơm, rồi viết luôn một lúc một bài xã thuyết cho L’Annam nouveau, thảo một thư cho Toàn quyền Pháp đưa xuống dưới nhà đánh máy luôn, dịch miệng Tê-lê-mạc phiêu lưu ký cho Đông Lĩnh Dương Phượng Dực ngồi ám tả, trong khi chính ông lại quay sang nói chuyện với ông Tụng về chuyện thống sứ Pháp có ý
muốn giúp ông tiền bất cứ lúc nào, bao nhiêu cũng được, miễn là ông tạm gác ý
kiến đả kích Pháp và ngưng chống nhà vua”.
Năm 1932, Bảo Đại về nước, Triều đình Huế mời ông vào làm quan trong triều, nhưng ông từ chối. Trong bài phóng sự Từ triều đình Huế trở về, ông đã nghiêm khắc phê phán bộ mặt cai trị của vua quan phong kiến, qua đó một lần nữa giải thích lý do khiến ông đề xuất thuyết trực trị, trái với thuyết quân chủ lập hiến của Phạm Quỳnh, như trên kia đã phân tích. Thậm chí, ông còn có thái độ kiêu ngạo, theo lời kể của Vũ Bằng, là từng dám xông ra bắt tay Khải Định khi ông vua này xuống tàu ở ga Hàng Cỏ, đến nỗi suýt nữa thì bị xử tội « khi quân ».
Đầu năm 1936, bị ngân hàng gây sức ép bán đấu giá tài sản, ông phải sang Lào đi tìm vàng để trả nợ.
Chuyến đi thứ nhất dở dang vì ông bị bệnh, phải về Hà Nội điều trị một thời gian mới hết bệnh. Sau đó, ông lại ra đi lần nữa. Ngày 01-5-1936, ông chết trên một con thuyền độc mộc trên dòng sông Sê-băng-ghi, bản Ban-san-khup, ở Tchépone (Lào), ngày nay vẫn chưa rò nguyên nhân. Chính quyền Pháp lúc đó thông báo ông chết vì bệnh kiết lỵ. Nhưng gia đình ông nghi ông bị đầu độc, vì khi người thân sang Lào đưa xác ông về, thì thi thể ông bị tím đen, chỉ nhờ vết sẹo trên người mới nhận ra được.
Cho dù là vì lí do nào, cái chết ấy cũng là một kết thúc bi kịch. Như là sự mỉa mai của số phận, một con người suốt đời làm việc với bao niềm hăng say để chứng tỏ cho những người đồng bào của mình thấy được sự cần thiết học tập lối sống khoa học và y học phương Tây lại bỏ thân cùng với căn bệnh kiết lỵ không được chạy chữa đến nơi đến chốn. Một nhà báo nổi tiếng, ông chủ của hàng loạt tờ báo và nhà in cuối cùng lại kết thúc cuộc đời không một xu dính túi, đúng theo nghĩa đen của nó.
Đám tang Nguyễn Văn Vĩnh được tổ chức trọng thể tại trụ sở Hội Tam Điểm, Hà Nội, mà ông là hội viên, như đã nói trên kia, với hai vạn người tham dự. Cái chết bi đát và đột ngột của ông gợi lên lòng thương tiếc của nhiều người, thể hiện qua các điếu văn trình bày tại tang lễ.