Những Nghiên Cứu Về Tiểu Thuyết Faulkner Giao Cắt, Tiệm Cận Với Nhân Học Văn Hóa Ở Việt Nam


Vấn đề cái ác trong tiểu thuyết Faulkner là một trong những chủ đề gây tranh cãi, đặc biệt là trong thời kì đầu của lịch sử tiếp nhận văn chương ông. Từ cuối thập niên 1950, trong cuốn Văn chương Mĩ và Cơ đốc giáo (1958), Randall Stewart đã sớm nêu chủ đề tội lỗi trong tác phẩm Faulkner và lí giải từ góc nhìn tôn giáo. Ông viết: “Văn chương Faulkner là hiện thân và là sự kịch tính hoá các khái niệm cơ bản của Cơ đốc giáo một cách hiệu quả tới mức có thể công bằng mà nói rằng ông là một trong những nhà văn Cơ đốc giáo sâu sắc nhất trong thời đại chúng ta. Ở khắp mọi nơi trong tác phẩm của ông đều là tiền đề cơ bản của Tội lỗi đầu tiên; ở khắp mọi nơi là xung đột giữa xác thịt và tinh thần” [theo 64, 692]. Mặc dù nhất trí với ý tưởng của Stewart về ý niệm tội lỗi đầu tiên trong văn Faulkner, Cleanth Brooks lại phản đối việc coi Faulkner là một nhà văn Cơ đốc giáo. Trong bài báo ra đời bốn năm sau đó, Nhãn quan của Faulkner về cái tốt và cái ác (1962), ông phản bác quan niệm về chủ nghĩa nguyên thuỷ lãng mạn (romantic primitivism) của Faulkner. Theo quan niệm này, “mối bận tâm của Faulkner về những gã khờ, trẻ con và nông dân thất học, cả người da trắng và da màu, thường được diễn giải rằng con người chỉ biến thành quỷ dữ trong môi trường với những giới hạn và áp chế thối nát” [64, 694]. Brooks nghĩ ngược lại: “các nhân vật của Faulkner không phải đơn thuần là những sản phẩm của hoàn cảnh. Họ có sức mạnh lựa chọn, họ tự quyết định, và giành lấy cái thiện nhờ vào nỗ lực và kỉ luật” [64, 694]. Những trao đổi trên đặt nền tảng để suy nghĩ về tự do lựa chọn đạo đức của nhân vật của Faulkner.

Một mảng nghiên cứu về tiểu thuyết Faulkner giao cắt với nhân học rất đáng chú ý là phê bình huyền thoại. Phê bình huyền thoại bắt đầu sớm và là dòng chính trong phê bình Faulkner những năm 1960 và đạt đến đỉnh cao ở thập niên 1970. “Một trong những công trình đầy tham vọng và gợi mở gần đây về huyền thoại trong tác phẩm Faulkner là cuốn Faulkner và tiểu thuyết hiện đại thấu triệt (1991) của Virginia Hlavsa, trong đó bà cho rằng 21 chương trong Nắng tháng tám dựa trên 21 chương trong Sách Phúc âm John, và tương đồng với cả Cành vàng của Frazer” [9, 9]. “Cuốn Phụ nữ của Faulkner: Huyền thoại và Nghệ thuật của David Williams là công trình dài hơi duy nhất tiếp cận hoàn toàn từ góc nhìn cổ mẫu” [9, 10]. Mimi Reisel Gladstein trong Hình tượng người phụ nữ bất khuất trong Faulkner, Hemingway và Steinbeck (1986) cho rằng cho rằng “người phụ nữ bất khuất chính là cổ mẫu nguyên thuỷ vang vọng tới tiểu thuyết Faulkner” [theo 62, 440]; những Lena Grove, Caddy Compson, Temple Drake, Addie Bundren, Eula Varner đều “chia sẻ căn tính với tự nhiên, trái đất, và tính dục của thế giới” [theo 62, 440]. Những kết quả này mở ra một khoảng không rộng rãi để nghiên cứu các vấn đề nhân học - huyền thoại, cổ mẫu,


trong tiểu thuyết Faulkner.

Có thể thấy, thực tiễn lịch sử nghiên cứu Faulkner trên thế giới trong gần một thế kỉ qua cho thấy Faulkner là nhà văn thích hợp với hướng nghiên cứu gắn với bối cảnh sâu rộng của văn hóa, xã hội. Các lí thuyết đa ngành, cùng chia sẻ mối bận tâm chung về con người, văn hóa, trong đó có nhân học, tỏ ra là hướng đi phù hợp và có tiềm năng với Faulkner. Những khảo sát trên đây, trước hết, mang đến căn cứ và gợi ý về nền tảng thực tiễn mà hướng đọc tiểu thuyết Faulkner từ nhân học có thể kế thừa. Đồng thời, cũng từ đây, có thể thấy hướng đọc tiểu thuyết Faulkner từ lí thuyết nhân học vẫn còn là một khoảng trống rộng rãi, mời gọi sự đóng góp.

1.2.2.2. Những nghiên cứu về tiểu thuyết Faulkner giao cắt, tiệm cận với nhân học văn hóa ở Việt Nam

Trước hết, cần một hình dung toàn cảnh về quá trình tiếp nhận Faulkner ở Việt Nam. Faulkner đến Việt nam từ cuối những năm 50 của thế kỉ XX, với các bài giới thiệu, dịch thuật và chương sách, phần nhiều từ các học giả, dịch giả miền Nam. Ví như, bản dịch truyện ngắn “Hai người lính” (Truyện ngắn Anh Văn chọn lọc, Vò Hà Lang, 1957) [65], các bài giới thiệu về Faulkner đăng trên các tạp chí của Tràng Thiên (“Sống và viết theo ý William Faulkner”, Tạp chí Bách khoa, 1962), Hà Hoài (“Văn hào Faulkner”, Tạp chí Văn nghệ, 1962); phần viết về Faulkner trong các cuốn sách của Nguyễn Đức Đàn (Hành trình văn học Mĩ, 1969), Hoàng Trinh (Phương Tây - Văn học và con người, 1969); cuốn William Faulkner - Cuộc đời và tác phẩm (Doãn Quốc Sĩ, Nguyễn Văn Nha, 1973). Đáng chú ý là ngay ở thập niên 1960, Faulkner đã giành được sự ái mộ của Bùi Giáng và Phạm Công Thiện. Những tài năng dị thường ấy đã đọc Faulkner, cùng những đại diện Tây phương khác, bằng cả trái tim nồng nhiệt và trí óc uyên bác trong Martin Heidgger và tư tưởng hiện đại: Sartre, Marcel, Camus, Faulkner (Bùi Giáng, 1963) và Ý thức mới trong văn nghệ và triết học (Phạm Công Thiện, 1965). Thập niên 1970 đánh dấu sự xuất hiện của bản dịch tiểu thuyết Faulkner đầu tiên của ở Việt Nam: Âm thanh và cuồng nộ (Nxb Kinh Thi, 1972). Nhà Kinh Thi của dịch giả Hoàng Như An, Nguyễn Tư, cùng những nhà xuất bản “cò con” (cách gọi thời đó) khác lúc bấy giờ, đã góp phần đưa ngọn gió Tây phương vào đất Việt. Nhưng theo tình hình chung, việc phát hành lúc bấy giờ còn hạn chế, nên cũng khó để kết luận chắc chắn về sức lan tỏa của Faulkner tới độc giả ở miền Nam trước 1975. Một điều có thể có cơ sở tư liệu để khẳng định, đó là hầu hết các nghiên cứu trong vài ba thập niên đầu kể từ khi Faulkner vào Việt Nam đều tập trung sự ưu ái cho Âm thanh và cuồng nộ. Tinh thần các công trình, trừ hai cuốn sách của Bùi Giáng và Phạm Công Thiện, đều là sự giới


thiệu khái quát về sự nghiệp Faulkner (phần nhiều trên cơ sở đọc các tài liệu nước ngoài) và khai thác sự đổi mới kĩ thuật trong Âm thanh và cuồng nộ.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 168 trang tài liệu này.

Diện mạo tiếp nhận Faulkner ở Việt Nam chuyển biến rò rệt khi bước sang thập niên 90 cùng thế kỉ, và đặc biệt khởi sắc hơn trong hai thập niên đầu của thế kỉ

XXI. Bằng chứng là vị trí độc tôn của Âm thanh và cuồng nộ trong dịch thuật tiểu thuyết Faulkner bị phá vỡ. Ngoài việc bản dịch mới của Âm thanh và cuồng nộ (Phan Đan, Phan Linh Lan dịch) xuất hiện năm 1992, liên tiếp 05 tiểu thuyết khác được dịch và giới thiệu ở Việt Nam trong vòng 3 năm: Thánh địa tội ác (Trần Nghi Hoàng dịch, 2012), Khi tôi nằm chết (Hiếu Tân dịch, 2012), Bọn đạo chích (Phạm Văn dịch, 2012), Nắng tháng tám (Quế Sơn dịch, 2013), Cọ hoang (Nguyễn Bích Lan dịch, 2014) [66],[67],[68],[69],[70],[71]. (Bốn trong số 6 tiểu thuyết này, sáng tác trong những năm 1920,1930, đều là những điển phạm trong di sản Faulkner). Một số truyện ngắn cũng được dịch và chủ yếu công bố trong các tuyển tập truyện ngắn thế giới. Bên cạnh dịch thuật, nghiên cứu phê bình về Faulkner cũng tăng rò về số lượng cùng phạm vi quan tâm của các công trình. Nhiều giáo trình, sách chuyên khảo về văn học phương Tây viết về Faulkner, như Văn học phương Tây, tập 3 (Phùng Văn Tửu chủ biên, 1992), Đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết phương Tây hiện đại (Đặng Anh Đào, 1995), Hồ sơ văn hóa Mĩ (Hữu Ngọc, 2000), Văn học Mĩ - Mấy vấn đề và tác giả (Lê Đình Cúc, 2001), Văn học Mĩ: nhà văn, tác phẩm, thi pháp và kĩ thuật (Huy Liên, 2003), Văn học Mĩ (Lê Huy Bắc, 2003), Văn học Mĩ - Nghệ thuật viết văn và kĩ xảo (Huy Liên, 2009), Lịch sử văn học Hoa Kì (Lê Huy Bắc, 2010), Văn học Âu - Mĩ thế kỉ XX (Lê Huy Bắc chủ biên, 2011)... Các bài báo, các đề tài nghiên cứu về Faulkner cũng phong phú hơn (một luận án được công bố: Thời gian trong Âm thanh và cuồng nộ Absalom, Absalom! của William Faulkner, Trần Thị Anh Phương, 2014), không chỉ dừng lại ở giới thiệu di sản Faulkner, mà đã khảo sát, nghiên cứu các khía cạnh trong các tiểu thuyết của ông.

Tiểu thuyết William Faulkner từ góc nhìn nhân học văn hoá - 6

Có thể nghĩ nhiều hơn về sự tiếp nhận Faulkner ở Việt Nam nếu đặt trong tương quan với quá trình tiếp nhận một tác gia văn học Mĩ khác ở Việt Nam trong cùng thời kì (ví như Ernest Hemingway), hoặc sự hiện diện của Faulkner tại một nền văn học gần gũi khác (ví như Trung Quốc). Nếu như Hemingway đến Việt Nam khá sớm, được dịch và nghiên cứu nhiều, liên tục, đều đặn [72] thì sự chú ý của giới học giả với Faulkner chỉ mới được gia tăng đáng kể trong một thập kỉ trở lại đây, với một tỉ lệ ít ỏi tác phẩm (chủ yếu là tiểu thuyết) được dịch và lượng công trình nghiên cứu khiêm tốn. Có thể lí giải khác biệt này, trước hết, từ bản thân độ “khó/ dễ” tiếp cận của mỗi nhà văn. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều tác phẩm của


Faulkner lại được xếp vào hạng những tác phẩm khó đọc và thử thách tính kiên nhẫn, sự thông tuệ của độc giả. Phải chăng đây là một trong những rào cản khiến cho văn Faulkner được chuyển ngữ muộn mằn và ít ỏi hơn so với Hemingway, nhà văn của lối diễn đạt dung dị và hàm súc. Căn nguyên thứ hai, đáng chú ý hơn, chính là tâm lí tiếp nhận của độc giả. Hemingway đến Việt Nam vào thập niên 60 của thế kỉ trước. Lúc bấy giờ, trong hoàn cảnh chiến tranh, những sáng tác của Hemingway, thường khai thác con người trong cuộc tranh đấu với hoàn cảnh, khắc họa những chân dung nghị lực và kiên cường, với lối viết dung dị, đã phù hợp với tâm lí tiếp nhận của độc giả Việt. Tác phẩm Faulkner, ngược lại, với vẻ ngoài thâm u và náo động, khai thác chủ đề u tối (dark theme), lại trở nên lạc nhịp. Cho tới cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI, khi độc giả Việt tư duy dân chủ hơn, đồng thời, hoài nghi và thức nhận về tính tương đối, thường chuyển của xã hội hiện đại, thì những trang văn giữa lằn ranh sáng - tối, thiện - ác của Faulkner lại trở nên đầy quyến rũ và ma lực.

Nếu nhìn sang bức tranh Faulkner ở Trung Quốc, cũng có thể thấy điểm tương đồng. “Faulkner lần đầu được giới thiệu tới độc giả Trung Quốc thông qua tờ Modern Times Magazine vào những năm 1930, tuy nhiên, không dấy lên nhiều mối quan tâm. Vào năm 1950, khi Faulkner nhận Nobel văn học, học giả Trung Quốc bắt đầu quan tâm tới ông. Không may mắn là, các chiến dịch chính trị, đặc biệt là Cách mạng Văn hóa, đã làm gián đoạn việc nghiên cứu Faulkner có thể tiến xa hơn lúc này. Việc bỏ qua Faulkner trong những năm đầu sau sự ra đời của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là không đáng ngạc nhiên vì lúc bấy giờ, các bản dịch và phê bình về văn học Xô Viết cũ và Đông Âu đang chiếm lĩnh diễn đàn nghiên cứu văn học nước ngoài. Mãi tới những năm 1970, làn sóng mới về nghiên cứu Faulkner mới được bắt đầu. Thập kỉ từ 1979-1989 chứng kiến sự phổ biến ngày càng tăng của Faulkner trong giới độc giả, nhà văn và học giả Trung Quốc” [72, 148].

Có thể thấy, những gián đoạn, đặc thù về đời sống xã hội, chính trị là một trong những nguyên nhân khiến sự tiếp nhận Faulkner khá muộn mằn ở Việt Nam. Nhưng ở một phương diện khác, sự khởi sắc của phê bình, tiếp nhận Faulkner trong thập niên gần đây chứng tỏ sự hòa điệu giữa văn chương của ông với đời sống văn hóa, tâm lí người Việt đương đại. Đây chính là cơ sở thực tiễn bản địa để chúng tôi thực hiện đọc tiểu thuyết Faulkner từ nhân học. Vì suy cho cùng, theo tinh thần của nhân học diễn giải, việc đọc một văn bản không tách rời khỏi sự diễn giải mang tính chủ thể, sáng tạo của người đọc, mà ở đây, là trong tư cách một độc giả Việt.

Theo tiến trình thời gian đó, lịch sử đọc Faulkner ở Việt Nam, nhìn chung, nổi lên hai xu hướng chính.


* Xu hướng đọc Faulkner với tư cách nhà cách tân kĩ thuật tiểu thuyết

Ngay từ khi Faulkner xuất hiện ở Việt Nam cho tới nay, việc tập trung vào nghệ thuật tiểu thuyết Faulkner vẫn là một hướng đọc chiếm ưu thế. Các khía cạnh được tập trung nghiên cứu là kĩ thuật dòng ý thức, thời gian và kết cấu của tiểu thuyết. Hầu như các bài giới thiệu, chương sách trong các giáo trình, chuyên khảo nêu trên về Faulkner đều đề cập tới các khía cạnh này, bên cạnh những bài viết lẻ khai thác nghệ thuật Faulkner như Đồng hiện trong văn xuôi (Lê Huy Bắc, Tạp chí Văn học, 1996), Faulkner, Hemingway và ngôn từ dòng ý thức (Lê Huy Bắc, Báo Văn nghệ trẻ, 1997), Nhãn quan lập thể trong phương thức tự sự Khi tôi hấp hối của William Faulkner (Hoàng Thị Quỳnh Trang, in trong Tự sự học, Một số vấn đề lí luận và lịch sử, tập 2, Trần Đình Sử chủ biên, 2008), Âm thanh và cuồng nộ và sự cách tân tiểu thuyết Gothic của William Faulkner (Hoàng Thị Quỳnh Trang, Tạp chí Nghiên cứu văn học, 2009) và luận án Thời gian trong Âm thanh và cuồng nộ Absalom, Absalom! của William Faulkner (Trần Thị Anh Phương, 2014) ...

Sự xuất hiện sớm và chiếm ưu thế của hướng đọc này phù hợp với bản thân Faulkner - nhà văn ưa những cách tân táo bạo, mang đến những nhận thức mới mẻ và thú vị cho độc giả Việt Nam về sự đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết phương Tây lúc bấy giờ. Đó là chưa nói tới, mấy thập niên đầu Faulkner vào Việt Nam, tiểu thuyết duy nhất được chuyển ngữ - Âm thanh và cuồng nộ, lại là tác phẩm tập trung dày đặc những thể nghiệm kĩ thuật mới mẻ và phức tạp. Thời gian đầu, nhiều bài viết đựa trên tinh thần lược thuật, giới thiệu các nghiên cứu của các học giả nước ngoài về Faulkner, vốn lúc này cũng đương tập trung vào giải mã các cách tân nghệ thuật. Nói chung, xu hướng đọc này chiếm ưu thế trong giai đoạn đầu là hiện tượng tương tự như quá trình tiếp nhận Faulkner ở phương Tây. Thực chất, nó cũng là hệ quả của xu hướng “đọc kĩ” khi bước đầu tiếp nhận một tác giả thử thách như Faulkner.

Tuy rằng những nghiên cứu trên đặt trọng tâm vào nghiên cứu tiểu thuyết Faulkner từ bình diện nghệ thuật tự sự, chúng vẫn cung cấp những tư liệu giá trị và gợi mở những ý tưởng cho hướng tiếp cận nhân học. Lấy ví dụ, luận án của Trần Thị Anh Phương, bằng việc giải mã thời gian trong tiểu thuyết Faulkner, đã giúp bạn đọc Việt Nam vượt qua rào cản của những cách tân kĩ thuật, để hình dung bối cảnh lịch sử, văn hoá của các tác phẩm. Dấu hiệu thời gian biên niên được khai thác như một chỉ dấu cho âm hưởng của thời đại - một giai đoạn bi thương trong lịch sử Hoa Kì, trong đó nổi bật là những dư chấn của Nội chiến Nam Bắc 1861-1865. Hình thức đảo lộn thời gian trên bề mặt, ẩn sâu trong nó là mạch chảy thống nhất của thời gian lịch sử, theo tác giả, xuất phát từ quan niệm: con người và dòng họ có


thể suy tàn, nhưng lịch sử và sự sống sẽ luôn bền vững [74]. Tương tự, bài viết của Hoàng Thị Quỳnh Trang đã gọi tên một đặc điểm bao trùm của thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Faulkner: “thế giới nhân vật - sự bất toàn, ám ảnh và nỗi đau” [75]. Điều này liên đới tới nhóm người yếu thế - những người điên, người khuyết tật, kẻ ốm đau…, một đối tượng được quan tâm của nhân học.

* Xu hướng truy tìm, giải mã các tầng ý nghĩa ẩn tàng trong tác phẩm

Xu hướng thứ hai, ít nổi bật hơn, là hướng đọc quan tâm nhiều hơn tới những lớp trầm tích văn hóa, xã hội trong tác phẩm của ông. Thú vị là, ngay ở thập niên đầu tiếp nhận Faulkner, Bùi Giáng và Phạm Công Thiện đã đọc Faulkner theo một lối riêng so với xu hướng thịnh hành đương thời. Phạm Công Thiện thiết tha viết: “Đừng đem thông minh lí trí đến tìm Faulkner. Hãy đem trái tim. Hãy đem tâm hồn.” [76, 355]. Trong Martin Heidegger và tư tưởng hiện đại: Sartre, Marcel, Camus, Faulkner Ý thức mới trong văn nghệ và triết học, hai kẻ sĩ uyên bác đã thực hiện chuyến viễn du vào linh hồn, ý thức Faulkner, trong sự tương giao với mạch ngầm của những nhà tư tưởng lớn Đông - Tây kim cổ.

Kiến giải của Phạm Công Thiện về thời gian trong tiểu thuyết Faulkner mở ra cửa ngò để khám phá cảm quan nguyên thuỷ của nhà văn: “ta thấy vấn đề thời gian đối với Faulkner (cũng như đối với Aldous Huxley) chỉ là vấn đề phân biệt và ý thức về thời gian thực sự và thời gian giả tạo: con người thời đại đừng để thời gian giả tạo chế ngự mình và đừng bao giờ quên thời gian thực sự của vũ trụ” [76, 371]. Đẩy suy tư xa hơn, ông thấy ở Faulkner niềm hoài nhớ nhân loại hoang sơ trinh bạch: “Con người bị thời gian ám ảnh chỉ là một trong những đề tài quan trọng của quyển The Sound and the Fury, và không phải là chủ đề thực sự. Vậy chủ đề thực sự của The Sound and the Fury là gì? Là gia đình Compson tàn tạ sụp đổ thối nát. Là tuổi thơ hồn nhiên ngây dại đã mất. Là một kiếp người bi đát. Là một thằng Benjy khùng ngốc, đau đớn ngửi được những tấn bi kịch ngàn năm của con người và Benjy là con người thực sự, con người ở trạng thái nguyên thủy trọn vẹn, chưa mất mát gì: con người ở thuở khai thiên lập địa, con người ở vườn Eden trước khi bị lưu đày” [76, 380-381]. Đây là một gợi dẫn để tìm kiếm cội nguồn của huyền thoại nguyên thuỷ - một phần quan trọng của tri thức nhân học, trong văn Faulkner.

Cũng như Phạm Công Thiện, Bùi Giáng phản đối Sartre trong cách kiến giải về thời gian của Faulkner, thậm chí, thi sĩ còn thẳng thừng mắng “lối suy luận cứng đờ, tàn bạo” [77, 317]. Ông cũng cho rằng thời gian mà Faulkner cự tuyệt là thời gian nhân tạo: “cái thời gian mà Faulkner không chấp nhận, ấy là cái thời gian xao xác thứ hai, thứ ba một giờ này, trong phút nữa” [77, 351]. Faulkner, cùng với


Camus, theo ông, “biểu trưng cho sự cố gắng phi thường của con người kỷ nguyên này chống lại những hăm doạ khủng khiếp rình rập xô đẩy nhân gian vào đường tuyệt diệt” [77, 564]. Một lần nữa, Bùi Giáng dẫn ta tới suy niệm về nguyên thuỷ và văn minh, về quá khứ và hiện tại trong văn Faulkner.

Tới giai đoạn phê bình Faulkner trở nên sôi động hơn ở Việt Nam, từ những năm 90 thế kỉ trước, các bình diện nội dung, ý thức, văn hóa được khai thác phong phú hơn. Chính ở đây, có thể tìm thấy những chủ đề gần gũi với nhân học mà các công trình đề cập tới. Ví dụ, các vấn đề chủng tộc, văn hóa miền Nam nước Mĩ, chủ nghĩa thực dụng và chủ nghĩa cá nhân trong văn hóa Hoa Kì, các phạm trù cái ác, tội lỗi... được đề cập tới từ những công trình sớm của Hoàng Trinh (Phương Tây - Văn học và con người, 1969), tiếp tục được triển khai bởi Hữu Ngọc (Hồ sơ văn hóa Mĩ, 2000), Lê Đình Cúc (Văn học Mĩ - Mấy vấn đề và tác giả, 2001), nhóm tác giả Lê Huy Bắc (Giáo trình Văn học Âu - Mĩ thế kỉ XX, 2011) ...

Xu hướng đọc này, tuy ít chiếm ưu thế ở Việt Nam, nhưng có khả năng cung cấp một nền tảng rò hơn để hướng đọc từ nhân học thừa hưởng. Lí do là chúng tập trung vào những chủ đề vốn có thể được chia sẻ bởi nhân học, trong đó nổi bật nhất là vấn đề văn hóa dân tộc (Hoa Kì), văn hóa vùng (miền Nam), vấn đề chủng tộc và bản tính người. Tuy nhiên, những chủ đề này chưa được khảo cứu trong công trình chuyên biệt, dài hơi mà chủ yếu được đề cập trong các công trình nghiên cứu chung. Thực tiễn tiếp nhận Faulkner ở Việt Nam cho thấy trước hết, tiểu thuyết Faulkner đã tìm được sự hòa điệu rò nét hơn với người đọc và giới học giả Việt Nam vào đầu thế kỉ XXI. Đây là một trong những cơ sở để chúng tôi thực hành đọc văn chương ông từ lí thuyết nhân học. Thứ hai, xu hướng nghiên cứu tiểu thuyết Faulkner trong sự gắn kết chặt chẽ với bối cảnh văn hóa, xã hội vẫn là mảng nhạt hơn trong bức tranh nghiên cứu về ông. Trong đó, các tiếp cận liên ngành dưới một lí thuyết cụ thể, ví như lí thuyết nhân học, vẫn còn là một khoảng không gian rộng

rãi cho các thể nghiệm đọc tiểu thuyết Faulkner.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng ý thức được sự kế thừa đối với các nghiên cứu đi trước. Tinh thần của những công trình về Faulkner hiện có ở Việt Nam, nhìn chung, vẫn là theo lối “đọc kĩ” và lối áp dụng lí thuyết - tương tự như hai xu hướng đọc Faulkner trên thế giới đã nói ở trên. Lối đọc kĩ, các thực hành áp dụng lí thuyết để khai thác sâu cấu trúc văn bản cung cấp những kiến giải cần thiết cho việc hiểu những tác phẩm vốn không hề dễ đọc của Faulkner. Bên cạnh đó, một số vấn đề về chủng tộc, văn hóa miền Nam Hoa Kì... được gợi mở, làm cơ sở để chúng tôi hi vọng tiếp tục đọc sâu, đọc khác và đọc mở rộng hơn dựa trên lí thuyết nhân học.


Như vậy, qua khảo sát những công trình nghiên cứu tiểu thuyết Faulkner từ nhân học văn hóa trên thế giới và ở Việt Nam, chúng tôi nhận thấy: việc đọc tiểu thuyết Faulkner từ góc nhìn nhân học văn hoá là công việc có ý nghĩa và hợp xu hướng; việc đọc này được thừa hưởng từ những nghiên cứu phong phú, dày dặn đi trước, bao gồm các công trình ứng dụng lí thuyết nhân học và cả những công trình có hướng tiếp cận giao cắt, tiệm cận với nhân học văn hoá.

1.2.3. Hướng nghiên cứu tiểu thuyết Faulkner từ nhân học văn hóa của luận án Như đã trình bày ở trên, chúng tôi cho rằng nhân học diễn giải là khung lí thuyết thích hợp để tiếp cận văn chương. Trong luận án, tư duy diễn giải được áp dụng như một định hướng phương pháp luận xuyên suốt. Trong đó, chúng tôi đặc biệt chú ý tới những điểm gặp gỡ giữa nhân học diễn giải và sáng tác, nghiên cứu văn chương. Diễn giải văn hóa, cũng như sáng tác và nghiên cứu văn chương, là một hành trình “đọc từ vai kẻ khác”. “Văn hóa của một dân tộc là tổng thể những văn bản, mà những tổng thể ấy, nhà nhân học phải thật nỗ lực để đọc qua đôi vai những chủ nhân của chúng” [30, 452]. Cũng như nhà văn viết văn, nhà phê bình bình văn dựa trên sự thông hiểu và niềm trắc ẩn với đất và người trong tác phẩm, nhà nhân học thăm dò văn hóa bản địa trong hệ quy chiếu của ý thức địa phương. Sự đọc này phải là một sự “mô tả sâu” (thick description) - sự quan sát, thông hiểu, cắt nghĩa văn bản không tách rời với bối cảnh của nó, để có thể thực sự “chạm tới cuộc đời của những kẻ lạ” [30, 16]. Với phương pháp này, diễn giải văn hóa là một sự đọc không hoàn tất. Nó không nhắm tới việc quy thành công thức hay tìm kiếm một đáp án sau cùng. Thay vào đó, nó là quá trình không ngừng tìm kiếm những tầng bậc ý nghĩa biểu tượng vô tận, và không chỉ thế, bằng việc diễn giải bối cảnh,

nó vẫy gọi khả năng can dự của mọi người vào hành động đồng diễn giải.

Khi đọc tiểu thuyết Faulkner từ nhân học văn hóa, chúng tôi nhìn tiểu thuyết gia trong hai tư cách. Trước hết, Faulkner được nhìn nhận như một nhà văn giàu tri thức và cảm thức nhân học. Nương theo hành trình đọc tiểu thuyết của ông, người đọc có thể tìm thấy những dấu vết tri thức nhân học giàu có ẩn chứa trong tác phẩm. Mảnh đất huyền thoại Yoknapatawpha trong tiểu thuyết của ông chính là nơi chưng cất những hiểu biết nhân học của nhà văn thông tuệ Faulkner (mà có khi ông không tự ý thức về việc tích bồi “tri thức” trong tác phẩm, nhưng thứ “cảm thức” nhân học mà nhà văn có được thì tự hiện diện trong các sáng tác). Việc khám phá những lớp trầm tích tri thức nhân học ấy trong tác phẩm giúp ta hiểu hơn về thiên hướng thẩm mĩ, quan điểm nghệ thuật và nhân sinh của nhà văn.

Ở bình diện thứ hai, đậm nét hơn, chúng tôi coi hành trình sáng tạo tiểu thuyết

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 10/06/2022