Xử Lý Mối Quan Hệ Giữa Sự Thật Lịch Sử Và Hư Cấu Lịch Sử Trong Việc Khắc Hoạ Nhân Vật


Văn học trước thời kì đổi mới thường e ngại, dè dặt khi tiếp cận con người tâm linh, sợ bị gán vào chủ nghĩa duy tâm. Nhưng khám phá con người tâm linh là một xu hướng được nhiều nhà tiểu thuyết thời kì đổi mới quan tâm, bởi đó là cách để nhà văn khám phá thế giới bí ẩn với những điều “bất khả giải” đằng sau hiện thực, khám phá “con người ở bên trong con người”. Việc khám phá con người tâm linh đã đem đến một giá trị nhân văn mới, nâng tiểu thuyết thời kì đổi mới lên một trình độ nhận thức mới về con người.

Tâm linh là khả năng đoán trước những điều sắp xảy ra theo quan niệm duy tâm. Tâm linh là cái thiêng liêng cao cả trong cuộc đời thường, là niềm tin trong tín ngưỡng tôn giáo. Từ xưa đến nay, tâm linh là một mặt quan trọng trong đời sống tinh thần của con người. Những bí ẩn, những khả năng kì diệu của tâm linh cho đến nay vẫn là điều “bất khả giải” đối với con người. Hướng ngòi bút vào cõi tâm linh là cách để nhà văn khám phá thế giới đằng sau hiện thực. Đó là thế giới mà con người không thể nắm bắt, nhận biết bằng duy lý, bằng khoa học. Đúng như Doxtoiepxki nói: " Con người là một điều bí ẩn, cần phải khám phá con người... Tôi tìm hiểu điều bí ẩn ấy vì tôi muốn trở thành con người"[23]. Mỗi con người là một thế giới, một tiểu vũ trụ đầy những bí ẩn, kì diệu và không kém phần phức tạp. Chính vì thế, tiểu thuyết thời kì đổi mới dành nhiều sự quan tâm để khám phá con người tâm linh.

Nguyễn Xuân Khánh đã tiếp cận con người tâm linh nhằm khám thế giới tinh thần phong phú, bí ẩn và chiều sâu vô tận của con người, khám phá con người ở nhiều bậc thang giá trị, ở những mối quan hệ phong phú, ở những khả năng kì lạ mà khoa học chưa thể giải thích được, qua đó thể hiện khả năng chiếm lĩnh đời sống phong phú của nhà văn.

Trong Mẫu thượng ngàn, đó là sự linh thiêng của đạo Mẫu đối với người dân Cổ Đình. Mẫu và những người hầu cận của Mẫu là điểm tựa tâm linh mà con người luôn hướng về để tìm sự che chở, cứu rỗi cho tâm hồn. Khi con


người bế tắc, không tìm ra lối thoát, như một nhu cầu tự nhiên họ tìm về thế giới tâm linh. Trong thế giới linh thiêng của đạo Mẫu, con người có thể vượt lên trên giới hạn của chính mình để vươn tới cái tuyệt đối, cái toàn năng, cái vô hạn, cái huyền diệu, kì ảo, giúp con người lấy lại thăng bằng và tìm thấy ý nghĩa sự sống.

Như vậy, qua việc khám phá con người trong mối quan hệ với văn hoá phong tục, con người với ý thức về bi kịch, về khát vọng, bản năng, con người tâm linh, Nguyễn Xuân Khánh đã thể hiện rõ ý thức cách tân, từ đó giúp người đọc nhận ra những trạng thái đời sống phong phú, bí ẩn, kì diệu như nó vốn có. Đó là sự thích ứng, phù hợp với sự phát triển của chính bản thân văn học, phù hợp với tinh thần đổi mới của thời đại, đồng thời mở ra một nền văn học giàu giá trị thẩm mĩ, giàu giá trị nhân văn, nhân bản, hiện đại và không xa rời bản sắc văn hoá dân tộc.

1.3.3. Xử lý mối quan hệ giữa sự thật lịch sử và hư cấu lịch sử trong việc khắc hoạ nhân vật

Với quan niệm “tiểu thuyết lịch sử trước hết phải là tiểu thuyết”, Nguyễn Xuân Khánh đã chọn cho mình một lối đi riêng trong cách khai thác đề tài lịch sử, trong việc khắc hoạ nhân vật. Nhà văn cho rằng: “Theo tôi, tiểu thuyết lịch sử có hai loại. Một là viết về những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử. Và người viết không được phép bịa đặt một cách trắng trợn, chỉ có thể hư cấu về tâm lí hoặc thêm những nhân vật hư cấu để soi sáng nhân vật có thực. Còn một loại khác là nhà văn xây dựng không khí xưa nhưng nhân vật là nhân vật hư cấu. Có một vài nhân vật nhưng chỉ làm bối cảnh cho nhân vật hư cấu. Và lịch sử chỉ là cái đinh treo”[48]. Nhà văn có thể “tái tạo”, “nhào nặn lại lịch sử”, tưởng tượng, hư cấu để bổ sung những chi tiết, những sự kiện mà lịch sử không nói đến hoặc chưa sáng tỏ. Đây cũng là xu hướng chung của các nhà tiểu thuyết lịch sử đương đại.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 119 trang tài liệu này.


Trong Giàn thiêu, khi xây dựng nhân vật Nguyên phi Ỷ Lan Võ Thị Hảo đã dựa vào những sử liệu giai đoạn 1088 – 1138, dưới hai triều đại Lý Nhân Tông và Lý Thần Tông được ghi trong Đại Việt sử kí toàn thư. Tuy nhiên, Võ Thị Hảo không tôn trọng tuyệt đối lịch sử, không chú trọng yếu tố “lịch sử” mà chú trọng đến yếu tố “con người” Nguyên phi Ỷ Lan. Nhà văn đã huy động tối đa trí tưởng tượng và sự hư cấu khi xây dựng nhân vật lịch sử này. Trong trang văn của Võ Thị Hảo, Ỷ Lan là người suốt đời đam mê quyền lực và bà sẵn sàng làm tất cả để thoả mãn niềm đam mê quyền lực ấy. Bà đã mua chuộc Dương hoàng hậu để đứa con ruột được lên ngôi, đã đẩy hoàng hậu và 76 cung nữ vào chỗ chết. Ỷ Lan cho xây lắm chùa chiền, trọng đại tăng lữ cũng là để thể hiện sự sám hối cho tội lỗi giết Dương Thái hậu và 76 cung nữ năm nào. Trí tưởng tượng và hư cấu của Võ Thị Hảo đã “hưởng thụ lịch sử” theo quan niệm cá nhân của nhà văn và đã đem đến cho bạn đọc những ấn tượng mới mẻ về nhân vật Nguyên phi Ỷ Lan.

Nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Xuân Khánh - 5

Trong Sông Côn mùa lũ, Nguyễn Mộng Giác khi xây dựng nhân vật lịch sử Nguyễn Huệ một mặt vẫn tôn trọng những yếu tố lịch sử, Nguyễn Huệ hiện lên trong tác phẩm tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Mộng Giác là một vị tướng tài ba, lừng lẫy với bao chiến công, một nhân tài quân sự, một người anh hùng quyết đoán. Bên cạnh đó, Nguyễn Mộng Giác hư cấu, sáng tạo những mối quan hệ riêng tư của Nguyễn Huệ, nhằm khắc hoạ một Nguyễn Huệ đời thường rất mực hiếu nghĩa với thầy giáo cũ, một Nguyễn Huệ luôn nâng niu, ấp ủ tình yêu thuần khiết thanh cao một đời với An. Với những hư cấu, sáng tạo, nhân vật lịch sử Nguyễn Huệ đã được Nguyễn Mộng Giác “thực sự trao cho sự sống đúng nghĩa chứ không phải đã sống như trong lịch sử” nên Nguyễn Huệ trong tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Mộng Giác sống động hơn, chân thực hơn Nguyễn Huệ trong các bộ chính sử.


Trong Hồ Quý Ly Mẫu thượng ngàn, Nguyễn Xuân Khánh đã thể hiện sự mới mẻ, “phi truyền thống” trong khi khắc hoạ các nhân vật. Chính điều này làm cho thế giới nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử của nhà văn thoát ra khỏi sự khô cứng, trở nên có sức hấp dẫn và lôi cuốn với bạn đọc.

1.3.3.1.Những nhân vật có thật trong lịch sử

Nhân vật lịch sử là những con người có thật trong lịch sử đã được các nhà sử học ghi chép lại trong sử sách với lai lịch tiểu sử, hành động, công trạng rõ ràng. Còn nhân vật tiểu thuyết lịch sử là những nhân vật mà nhà văn có quyền hư cấu theo ý đồ nghệ thuật của mình. Khi xây dựng các nhân vật có thật trong lịch sử, Nguyễn Xuân Khánh không bỏ qua kiến thức của một nhà sử học, nhà văn tôn trọng những thành phần lịch sử xác định mà các nhà sử học đã ghi lại trong các bộ chính sử. Đồng thời, nhà văn đã thêm vào những yếu tố hư cấu, sáng tạo khiến cho các nhân vật đó không chỉ hiện lên trong các “vai lịch sử” mà còn hiện lên trong tư cách một con người đời thường với số phận riêng, cuộc đời riêng một cách sống động, toàn diện hơn trong cái nhìn thấu suốt nhiều chiều, nhiều bình diện. Những hư cấu, sáng tạo về nhân vật có thật trong lịch sử của nhà tiểu thuyết là sự bổ sung cho chính sử với những yếu tố mà các nhà sử học không nói đến. Những nhân vật lịch sử được biến đổi bằng khả năng hư cấu của tư duy nghệ thuật, được đặt vào giữa không thời gian đời sống thực khiến cho nhân vật lịch sử trở thành nhân vật tiểu thuyết. Hư cấu được coi là một đặc trưng của thể loại, là một thao tác nghệ thuật không thể thiếu trong tư duy sáng tạo của tiểu thuyết. Hư cấu cho phép nhà văn tái hiện những thời đại lịch sử phát triển trong câu chuyện hư cấu, không hiện thực như sử học, và những nhân vật hoàn toàn không bị lệ thuộc bởi nguyên mẫu ngoài đời như những tác phẩm thuộc thể ký. Trong vô vàn những gương mặt đời thường và giữa muôn ngàn biến cố của lịch sử, nhà văn khi sáng tác một tác phẩm tiểu thuyết đã tái hiện lịch sử bằng phương thức chọn lọc, tổng hợp và sáng tạo. Khi đó, hư cấu nghệ


thuật, đối với tiểu thuyết đã trở thành yếu tố bộc lộ rõ rệt phẩm chất sáng tạo dồi dào của nhà văn.

Chẳng hạn trong khi xây dựng nhân vật lịch sử Hồ Quý Ly, Nguyễn Xuân Khánh giữ nguyên những sự thật lịch sử về Hồ Quý Ly đã được ghi trong chính sử với một lý lịch rõ ràng về nguồn gốc xuất thân, về hành động về những sự kiện lịch sử đã được mọi người biết đến. Đó là hàng loạt các sự kiện như Hồ Quý Ly giết Nguyễn Đa Phương, bức tử Thuận Tôn, dời đô về Thanh Hoá, giết 370 người sau hội thề Đốn Sơn… Bên cạnh đó, Nguyễn Xuân Khánh còn đưa vào những yếu tố mà chính sử không hề nói đến về nhân vật lịch sử Hồ Quý Ly. Chẳng hạn việc “hằng đêm ông vẫn đến trước bàn thờ công chúa Huy Ninh, ngồi dưới chân pho tượng đá trắng, để nói chuyện với bà bằng những thì thầm trong tâm tưởng”[8,571 - 572]. Các nhà sử học cũng không hề nói đến những dằn vặt, những giằng xé nội tâm khi Hồ Quý Ly buộc phải giết Nguyễn Đa Phương – con đẻ thầy dạy học của mình, biến con gái mình thành bà goá khi ông bức tử ông vua Thuận Tôn…Chính những điều chính sử không nói đến về Hồ Quý Ly lại được Nguyễn Xuân Khánh nói rất nhiều, qua đó khám phá về con người Hồ Quý Ly trong sự toàn vẹn, trong chiều sâu nội tâm. Các nhân vật có thật trong lịch sử khác trong cuốn tiểu thuyết này như Hồ Nguyên Trừng, Hồ Hán Thương, Thánh Ngẫu, công chúa Huy Ninh, Nghệ hoàng, Thuận Tôn, Trần Khát Chân, Trần Nguyên Hàng, Nguyễn Cẩn, Phạm Sư Ôn, Chế Bồng Nga… cũng được nhà văn xây dựng theo hướng này.

Song những hư cấu, sáng tạo về nhân vật của Nguyễn Xuân Khánh trong Hồ Quý Ly Mẫu thượng ngàn không xa rời, thoát ly không khí lịch sử thời đại mà nhân vật đang sống. Nhà văn chú trọng đến việc hư cấu, sáng tạo về các nhân vật lịch sử, nhằm đảm bảo cho độc giả rằng mọi sự đều có thể diễn ra như vậy. Bởi vì “đời sống riêng, tâm lý của các nhân vật tuy không được nhắc đến trong các văn kiện lịch sử nhưng đối với người nghệ sĩ thì những điều đó lại có


ý nghĩa vô cùng quan trọng dựa trên vốn sống và những tài liệu lịch sử, nhà nghệ sĩ phải tưởng tượng để bổ sung cho vô số những “điểm trắng”[32].

1.3.3.2. Những nhân vật hư cấu

Nhân vật hư cấu trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh là những nhân vật không có thật trong lịch sử được nhà văn sáng tạo ra hoàn toàn bằng tài năng và trí tưởng tượng phong phú, bằng kinh nghiệm và vốn hiểu biết của mình. Kiểu nhân vật này có mặt ở cả tiểu thuyết Hồ Quý Ly Mẫu thượng ngàn.

Trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly, nhà văn đã xây dựng tới hơn ba mươi nhân vật hư cấu. Trong đó có những nhân vật được dụng công khắc hoạ có cá tính, có đời sống nội tâm như Phạm Sinh, Sử Văn Hoa, Thanh Mai, cô Sáo; có những nhân vật chỉ xuất hiện thoáng qua như ông già Lặc, cô Hạnh con gái Sử Văn Hoa… Đây là những nhân vật không hề có trong lịch sử “nhưng lại hoàn toàn ăn nhập với guồng chuyển động của tâm lý và tính cách các nhân vật chính”[28]. Nếu không có những nhân vật hoàn toàn là sự hư cấu như Phạm Sinh, Sử Văn Hoa, sự soi chiếu về nhân vật chính Hồ Quý Ly sẽ trở nên đơn điệu, nghèo nàn đi rất nhiều, không có Thanh Mai, đời sống nội tâm của Hồ Nguyên Trừng với những hạnh phúc, đau khổ, dằn vặt…cũng sẽ kém phần phong phú, sinh động hơn rất nhiều. Nguyễn Xuân Khánh đã tạo ra được một mối quan hệ chặt chẽ giữa các nhân vật cấu và các nhân vật có thật trong lịch sử. Cuộc đời mỗi nhân vật đều nhằm lý giải mối quan hệ giữa cá nhân và lịch sử để tìm ra dấu ấn lịch sử trong con người, mỗi số phận đều chứa một phần lịch sử nên mỗi nhân vật của Nguyễn Xuân Khánh đều phản ánh các dòng chảy khác nhau của lịch sử. Nhà văn thông qua các nhân vật để dựng lại không khí lịch sử một giai đoạn, một thời kì lịch sử để người đọc hiểu hơn về một thời kì lịch sử đã qua, đồng thời lý giải lịch sử bằng con mắt hiện tại.


Trong tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn, thế giới nhân vật hoàn toàn là những nhân vật hư cấu, không hề có mặt trong các bộ chính sử nhưng Mẫu thượng ngàn vẫn là một cuốn tiểu thuyết lịch sử đích thực. Bởi thế giới nhân vật trong Mẫu thượng ngàn chính là những cuộc đời “chân thật” của bối cảnh lịch sử cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Nguyễn Xuân Khánh quan niệm: “Tiểu thuyết lịch sử càng phải hư cấu. Hư cấu đến mức độ nào ư? Phải hư cấu đến độ chân thực. Chỉ có như vậy, nhà văn mới có thể giải mã được lịch sử, từ đó tạo ra thế giới của riêng mình”[28]. Với Mẫu thượng ngàn, những nhân vật hoàn toàn hư cấu này được xây dựng để giải mã về lịch sử trong cuộc đấu tranh giữ gìn, bảo tồn văn hoá dân tộc. Cái đích đến của tiểu thuyết lịch sử theo tư duy hiện đại không phải là thể hiện lịch sử mà thể hiện thân phận con người trước những biến động lớn lao của lịch sử.

Là một tiểu thuyết gia hiện đại, Nguyễn Xuân Khánh đồng tình với quan điểm của Millan Kundera cho rằng: “tiểu thuyết gia không phải là thằng hầu của những sử gia. Anh không thể kể hay bàn về lịch sử, nhưng khám phá ra những khía cạnh chưa biết tới của hiện hữu con người, những biến động lớn lao của lịch sử đối với anh ta giống như cái đèn rọi bất thình lình làm sáng tỏ nhưng khía cạnh ẩn giấu và vạch trần chúng ra”[20]. Tiểu thuyết lịch sử là “sự sáng tạo thứ hai, nó là tác phẩm của con người. Bởi vì chỉ có con người mới có thể còn chơi được với quá khứ, làm cho nó sống lại trước mắt chúng ta và phục sinh nó bằng nghệ thuật”[33,165]. Goncourt cho rằng “lịch sử là cuốn tiểu thuyết đã viết xong, tiểu thuyết lịch sử có thể diễn ra như thế. Thượng đế chẳng làm gì được với lịch sử nữa nhưng con người thì còn có thể viết lịch sử và làm thay hình, đổi dạng nó”.

Có thể khẳng định rằng, nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh từ những nhân vật bước ra từ lịch sử cho đến những nhân vật hoàn toàn hư cấu đều là những con người của cuộc đời thực, con người của cuộc sống thường ngày


với những phức tạp và đa diện của nó đều là những nhân vật tiểu thuyết đích thực. Đây là một thành công lớn trong nghệ thuật xây dựng nhân vật tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Xuân Khánh.

Xem tất cả 119 trang.

Ngày đăng: 18/09/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí