Điều Kiện Có Hiệu Lực Của Hợp Đồng Dấn Sự Theo Pháp Luật Việt Nam Hiện Hành

Chương 2

ĐIỀU KIỆN CÓ HIỆU LỰC CỦA HỢP ĐỒNG DÂN SỰ THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT DÂN SỰ VIỆT NAM VÀ THỰC TIỄN ÁP DỤNG


2.1. ĐIỀU KIỆN CÓ HIỆU LỰC CỦA HỢP ĐỒNG DẤN SỰ THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM HIỆN HÀNH

Theo pháp luật dân sự Việt Nam, điều kiện chung về hợp đồng dân sự có hiệu lực tuân thủ theo quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự nói chung, đó là:

Điều 122, Bộ luật dân sự 2005 quy định:

1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a. Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự;

b. Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội;

c. Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 104 trang tài liệu này.

2. Hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp pháp luật có quy định.

2.1.1. Người tham gia giao kết hợp đồng có năng lực hành vi dân sự

Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng dân sự - 7

Thuật ngữ "người" ở đây phải hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm các chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự: Cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác.

* Đối với chủ thể của hợp đồng dân sự là cá nhân.

Bản chất của giao dịch dân sự là sự thống nhất giữa ý chí và bày tỏ ý chí của chủ thể tham gia giao dịch. Chỉ những người có năng lực hành vi mới có ý chí riêng và nhận thức được hành vi của họ để có thể tự mình xác lập,

thực hiện các quyền, nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch, đồng thời phải tự chịu trách nhiệm trong giao dịch dân sự. Cho nên, giao dịch dân sự do cá nhân xác lập chỉ có hiệu lực nếu phù hợp với mức độ năng lực hành vi dân sự của cá nhân. Năng lực hành vi dân sự của mỗi cá nhân được pháp luật công nhận ở độ tuổi nhất định, qua đó có thể đánh giá việc xác lập và thực hiện giao dịch dân sự của cá nhân đó có hợp pháp và có phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự hay không.

a. Người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp họ bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi (Điều 18, 19, 24, 25 Bộ luật dân sự năm 2005). Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được toàn quyền xác lập mọi giao dịch dân sự. Cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ khi đã phát triển đến mức độ hoàn chỉnh về trí tuệ, thể chất. Y học, tâm lý học, sinh lý học và các ngành khoa học có liên quan đã chứng minh thông thường con người đạt được sự phát triển này khi đã thành niên (đủ 18 tuổi). Người dưới 18 tuổi chưa đạt sự phát triển hoàn chỉnh này nên chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

Quy định độ tuổi 18 của cá nhân đều có năng lực hành vi dân sự đầy đủ là quy định thường gặp trong pháp luật dân sự ở nhiều nước. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khác, mà trước hết là tập quán truyền thống pháp luật, một số nước cũng quy định độ tuổi thành niên cao hơn, chẳng hạn Bộ luật dân sự Nhật Bản quy định:"Người thành niên là người tròn 20 tuổi" (Điều 11, Bộ luật dân sự Nhật Bản). Bên cạnh đó, pháp luật một số nước cũng quy định những trường hợp ngoại lệ cho phép một cá nhân có thể có năng lực hành vi dân sự đầy đủ trước khi đạt độ tuổi luật định; thông thường là sau khi cha mẹ cho phép có sản nghiệp và tự mình tiến hành hoạt động kinh doanh hoặc được cơ quan hộ tịch cho phép lập hôn nhân trước tuổi luật định. Pháp luật dân sự Việt Nam không có quy định ngoại lệ này.

Theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam, người đủ 18 tuổi được suy đoán là có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp có quyết định

của Tòa án về việc mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự. Việc tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự dẫn đến một hậu quả pháp lý là tất cả các giao dịch do họ xác lập đều vô hiệu và thực chất họ bị đưa ra khỏi vòng quay của giao lưu dân sự nếu không có người đại diện. Chính vì vậy, điều kiện thủ tục thực hiện việc công nhận này được pháp luật dân sự quy định chặt chẽ. Căn cứ để công nhận một người mất năng lực hành vi dân sự là:

+ Có tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của mình. Đây là những người không thể nhận thức được về hậu quả hành vi trong trạng thái bình thường, không làm chủ được hành vi của mình, tức là không thể có sự hòa hợp, thống nhất giữa ý chí và thể hiện ý chí

+ Có yêu cầu của người có quyền lợi liên quan trước hết là cha mẹ, vợ chồng, con hoặc người giám hộ.

+ Có kết luận của tổ chức giám định có thẩm quyền.

Như vậy, trước khi có bản án của Tòa án tuyên một người mất năng lực hành vi dân sự, người đó vẫn có năng lực hành vi dân sự. Tuy nhiên, đối với giao dịch dân sự do người đó xác lập cần áp dụng Điều 133, Bộ luật dân sự năm 2005 để tuyên bố giao dịch vô hiệu (trong trường này bao gồm cả hợp đồng dân sự). Người bị tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự thì phải có người giám hộ tham gia mới có giá trị pháp lý, mới được pháp luật công nhận và bảo hộ. Mọi giao dịch, hợp đồng của người đó do người giám hộ thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ.

Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều trường hợp thủ tục công nhận một người là mất năng lực hành vi dân sự lại được thực hiện không tuân thủ theo thủ tục tố tụng chặt chẽ. Trong thực tiễn công việc của mình, chúng tôi thấy có những trường hợp một người bị xác định là người mất năng lực hành vi dân sự bằng một quyết định của cơ quan hành chính mà không phải của Tòa án. Đó là việc UBND xã, phường không hề có căn cứ là một bản án của Tòa

án tuyên bố một người là mất năng lực hành vi dân sự nhưng đã có một quyết định công nhận người giám hộ kèm theo đó là quyết định cho phép người giám hộ được bán tài sản của người được giám hộ.

Như vậy, hợp đồng bán tài sản của người giám hộ đối với tài sản của những người "bị Ủy ban nhân dân xã, phường coi là mất năng lực hành vi dân sự" là không có căn cứ pháp luật xác thực. Bởi vì, thủ tục tuyên một người bị mất năng lực hành vi dân sự và cử người giám hộ là một thủ tục tố tụng với quy trình thủ tục rất chặt chẽ, phải có kết quả giám định của hội đồng pháp y, Tòa án mới có căn cứ pháp lý để tuyên một người mất năng lực hành vi theo yêu cầu của người có quyền lợi liên quan. Việc tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự không thuộc thẩm quyền của UBND xã, phường. Theo quy định Bộ luật dân sự 1995 thì UBND xã, phường có thẩm quyền: giám sát việc giám hộ trong việc thực hiện giám hộ (Điều 68, Bộ luật dân sự 1995); cử người giám hộ trong trường hợp người được giám hộ không có người giám hộ đương nhiên (Điều 72, Bộ luật dân sự 1995); giám sát việc quản lý tài sản của người được giám hộ (Điều 79, Bộ luật dân sự 1995). Hiện nay, Bộ luật dân sự hiện hành chỉ quy định cho UBND xã, phường chức năng cử người giám sát (khoản 2 Điều 59, Bộ luật dân sự 2005); cử người giám hộ (Điều 63, Bộ luật dân sự 2005). Vì vậy, theo ý kiến chúng tôi, trong những trường hợp này hợp đồng mua bán tài sản của "người được giám hộ" là không có hiệu lực pháp luật ngay từ khi giao kết.

Cũng giống như người bị mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự cũng phải có một bản án của Tòa án tuyên bố theo yêu cầu của người có quyền và nghĩa vụ liên quan và họ chỉ cần có người đại diện. Khác với người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự, người đại diện của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và phạm vi đại diện do Tòa án quyết định và họ không thể thực hiện thay hợp đồng, giao dịch cho người được đại diện mà họ chỉ có quyền đồng ý hoặc không đồng ý đối với hợp đồng giao dịch mà người bị hạn chế năng lực hành vi xác lập.

Ví dụ: Bộ luật dân sự Nhật Bản quy định: "Người đần độn, người điếc, người câm, người mù hoặc người phá tán tài sản có thể bị tuyên bố mất năng lực hành vi và được đỡ đầu" (Điều 11, Bộ luật dân sự Nhật Bản). Bộ luật dân sự Cộng hòa liên bang Đức lại quy định: "Năng lực hành vi có thể bị mất trong các trường hợp sau:

1. Một người không có khả năng giải quyết các công việc của mình do mắc bệnh tâm thần hoặc do yếu kém về nhận thức;

2. Người đã làm cho bản thân hoặc gia đình của mình lâm vào tình trạng khẩn cấp do sự hoang phí;

3. Người do nghiện rượu hoặc nghiện ma túy mà mất khả năng giải quyết các công việc của mình hoặc làm cho bản thân hay gia đình của mình lâm vào tình trạng khẩn cấp hoặc đe dọa tới sự an toàn của người khác" (Điều 6, Bộ luật dân sự Cộng hòa Liên bang Đức)…

Khác với pháp luật dân sự của một số nước, Bộ luật dân sự của nước ta không quy định việc hạn chế năng lực hành vi dân sự của người có khuyết tật như câm, mù, điếc. Trên thực tế có nhiều luật gia vẫn nhầm lẫn khái niệm những người bị câm, mù, điếc, tàn tật là hạn chế năng lực hành vi dân sự. Chúng ta phải khẳng định một lần nữa là những người này theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam không là người hạn chế năng lực hành vi dân sự, họ chỉ là hạn chế hành vi trong giao kết hợp đồng do một số khiếm khuyết cơ thể. Trong những trường hợp này pháp luật Việt Nam quy định những trình tự cụ thể để họ tham gia giao dịch dân sự. Điều 11, Luật công chứng quy định: "Trong trường hợp pháp luật quy định việc công chứng phải có người làm chứng hoặc trong trường hợp pháp luật không quy định việc công chứng phải có người làm chứng nhưng người yêu cầu công chứng không đọc được hoặc không nghe được hoặc không ký và không điểm chỉ được thì phải có người làm chứng".

Như vậy, trong những trường hợp người giao kết hợp đồng dân sự không có khả năng tự đọc, viết, nghe, ký được thì họ có thể yêu cầu người

làm chứng cho việc ký kết hợp đồng của họ. Người làm chứng có thể là những người có khả năng hiểu được ngôn ngữ do họ diễn tả để thể hiện ý chí của người tham gia giao kết hợp đồng. Trong những trường hợp này họ tự mình tham gia giao kết hợp đồng mà không cần có người đại diện hoặc giám hộ, mà chỉ cần thông qua người làm chứng để thể hiện ý chí của mình cho bên thứ ba hiểu.

b. Điều 20, Bộ luật dân sự quy định người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi là người có năng lực hành vi dân sự chưa đầy đủ, những người này khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật trừ những hợp đồng, giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi. Các hợp đồng giao dịch này thường có những đặc điểm:

+ Có giá trị nhỏ;

+ Thực hiện tức thời, trao tay chủ yếu là hợp đồng mua bán, trao đổi… Tuy nhiên, cũng không loại trừ trường hợp thời gian thực hiện hợp đồng kéo dài, chẳng hạn hợp đồng dịch vụ may đo quần áo;

+ Mục đích của giao dịch là phục vụ nhu cầu sinh hoạt, học tập hàng ngày;

+ Tính chất giao dịch đơn giản.

Trừ các hợp đồng, giao dịch dịch có tính chất trên, các hợp đồng, giao dịch do người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi chỉ có hiệu lực nếu được cha mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Sự đồng ý này có thể được thể hiện khi xác lập hợp đồng, giao dịch (đồng ý theo nghĩa hẹp) hoặc sau khi giao dịch được hoàn thành (sự chấp nhận). Như vậy, sự chấp nhận có giá trị trở về trước làm cho hợp đồng, giao dịch trở nên có hiệu lực. Tuy Bộ luật dân sự Việt Nam không quy định về hình thức của sự đồng ý, nhưng theo nguyên tắc áp dụng tương tự pháp luật có thể viện dẫn Điều 583, Bộ luật dân sự năm 2005 về ủy quyền lại để giải quyết vấn đề này. Hình thức sự đồng ý của người đại diện đối với giao dịch do người chưa thành niên xác lập phải phù hợp với hình

thức giao dịch mà người chưa thành niên đã xác lập (nếu giao dịch được xác lập bằng lời nói, bằng hành động thì chỉ cần sự đồng ý bằng lời nói, bằng hành động của người đại diện, nếu giao dịch được xác lập bằng văn bản thì sự đồng ý chỉ có giá trị khi thể hiện bằng văn bản).

Tuy nhiên, Bộ luật dân sự 2005 cũng quy định ngoại lệ, theo đó người đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi mà có tài sản riêng đủ đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thì được xác lập giao dịch mà không cần có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ. Quy định này chủ yếu xuất phát từ thực tế người đủ 15 tuổi có quyền giao kết hợp đồng lao động và có thu nhập riêng hợp pháp, tạo điều kiện cho họ thực sự trở thành chủ thể độc lập trong đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng với quy định này, tính bền vững ổn định của các giao dịch dân sự, trong đó một bên là ngươi chưa thành niên sẽ rất yếu, đòi hỏi các bên đối tác phải thận trọng. Nếu có biểu hiện lạm dụng quy định này, theo yêu cầu của các bên hoặc người đại diện của họ, hợp đồng giao dịch có thể bị tuyên bố vô hiệu. Cũng cần lưu ý là, pháp luật dân sự quy định một số hợp đồng giao dịch cụ thể chỉ có thể do người thành niên xác lập mới có hiệu lực, đặc biệt là các hợp đồng mà pháp luật quy định buộc phải công chứng. Trong trường hợp đó, người chưa thành niên dù có tài sản riêng cũng không có năng lực hành vi dân sự để giao kết hợp đồng.

Trong trường hợp hợp đồng giao dịch được xác lập bởi người chưa thành niên thì có thể bị Tòa án tuyên bố vô hiệu theo yêu cầu của người đại diện của người chưa thành niên (Điều 130, Bộ luật dân sự). Thời hạn yêu cầu Tòa án tuyên bố loại hợp đồng giao dịch này vô hiệu là một năm kể từ ngày hợp đồng giao dịch được xác lập (Điều 136, Bộ luật dân sự). Quy định của Điều 130, Bộ luật dân sự không nói rõ người xác lập hợp đồng, giao dịch với người chưa thành niên có thể yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu hay không? Xét theo nguyên tắc thiện chí, trung thực nói chung không nên thừa nhận quyền này của người xác lập giao dịch với người chưa thành niên. Tuy nhiên, có thể nói rằng, tùy từng trường hợp cụ thể khi có sự nhầm lẫn rõ ràng

về độ tuổi, nhất là do người chưa thành niên có ý giấu giếm hoặc lừa dối thì bên kia có thể yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu.

Hợp đồng, giao dịch dân sự có chủ thể đề cập tại Điều 20, Bộ luật dân sự về năng lực hành vi hạn chế của cá nhân là các hợp đồng giao dịch có đối tượng tài sản. Vì vậy, quy định này không hoàn toàn áp dụng đối với năng lực hành vi của tác giả quyền sở hữu trí tuệ theo quy định tại Phần VI của Bộ luật dân sự. Người dưới 18 tuổi có quyền tự mình thực hiện một số các quyền của tác giả, quyền của chủ sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp, tác giả sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp. Người chưa thành niên từ 15 đến 18 tuổi, mặc dù có tài sản riêng cũng có thể bị hạn chế thực hiện giao dịch dân sự đối với tài sản đó theo quy định của Điều 23, Bộ luật dân sự.

Đối tượng này cũng được đề cập trong Luật Hôn nhân và gia đình 2000: "Trong trường hợp cha mẹ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi thì có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, có tính đến nguyện vọng của con, nếu con từ đủ 9 tuổi trở lên" (Điều 46 Luật HNGĐ 2000). Vì vậy, theo quan điểm chúng tôi, trong trường hợp bán tài sản của hộ gia đình mà thành viên hộ gia đình có người đủ 9 tuổi, thì phải hỏi ý kiến của trẻ em đủ 9 tuổi. Do đó trong thực tế, để giải quyết vấn đề này chúng tôi thường cho những người đủ 9 tuổi trong hộ gia đình ký vào hợp đồng mua bán tài sản song song với người đại diện đương nhiên là bố mẹ. Việc ký vào hợp đồng của người chưa đủ 18 tuổi và đủ 9 tuổi thể hiện sự đồng ý của họ.

- Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được xác lập thực hiện các giao dịch dân sự trong phạm vi tài sản riêng mà họ có, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (lập di chúc phải được cha mẹ hoặc người giám hộ đồng ý - khoản 2 Điều 647, Bộ luật dân sự).

- Những người chưa đủ 6 tuổi, người mất năng lực hành vi không được phép xác lập giao dịch. Mọi giao dịch dân sự của những người này đều do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.

Xem tất cả 104 trang.

Ngày đăng: 22/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí