liệt từ rất sớm như một sự tự thức ngộ sau những hậu quả mà chính họ gây ra. Trong Chàng trai thứ sáu và vầng hào quang Thái Bình Dương (1967), Michel Tournier cuối cùng đã để Robinson ở lại đảo hoang (Nguyên mẫu câu chuyện Robinson Crusoe lạc lên đảo hoang của Daniel Defoe là Robinson theo tầu trở về Anh). Điểm này cho thấy sự khác biệt rất lớn giữa hai nhân vật, một Robinson nguyên mẫu lý trí và tỉnh táo trong hành trình chinh phục và cải tạo đảo hoang, đồng thời cố gắng xây dựng một cơ đồ mang nhiều yếu tố của đời sống văn minh trên hòn đảo này và cuối cùng thì quay lại với thế giới văn minh. Còn Robinson của Michel cuối cùng đã lựa chọn sự đồng hóa với nguồn cuội tự nhiên trinh nguyên. Anh sống một cuộc sống sơ đẳng nơi đảo hoang, nương theo tự nhiên để sinh tồn, không cần giường chiếu, bàn ghế, thậm chí trần truồng để thích ứng được với ngoại cảnh. Anh xem đất đai như người tình của mình, có hương thơm và hơi thở của một người đàn bà. Anh thấy hòn đảo giống hình dáng mềm mại của cơ thể một người đàn bà, thậm chí anh còn làm tình với cái doi đất. Tất nhiên, đây không phải là là sự tàn phá tự nhiên (cưỡng dâm) mà là âu yếm làm tình với đất. Đây chính là biểu hiện của khao khát hòa hợp với cuối nguồn tự nhiên của Michel Tournier. Sự phân định giới tính của đất như một người phụ nữ cho thấy nữ tính đóng vai trò mạnh mẽ trong việc kết nối nam giới và tự nhiên. Trong hành trình quay về kết nối lại với tự nhiên của nam giới, sứ mệnh của nữ giới là vô cùng quan trọng. Trong Chùm nho phẫn nộ (1939) của John Steinbeck các nhân vật nữ như Ma Joad, Rosasharn đã thực hiện sứ mệnh ấy bằng tình yêu, lòng bao dung và cả năng lượng tích cực lan tỏa. Lộ trình đầy khổ nạn và cay đắng để đến với miền đất hứa Califonia thơ mộng là một hành trình tìm lại sự gắn kết với tự nhiên mà trước đây họ đã đánh mất do sự tác động của hoàn cảnh. Trong hành trình đó, những người đàn ông đã bộc lộ sự yếu đuối, bất lực và tuyệt vọng trước thực tại, khi họ không còn nắm giữ được vị thế trụ cột gia đình. Người đàn bà vĩ đại Ma Joad đã như là điểm tựa của chồng, là nữ thần khuyến khích và bảo vệ những đứa con trai của mình, là người dẫn đường, là “hoa tiêu” đễ dẫn dắt gia đình của mình bước qua những nghịch cảnh của xã hội hiện đại hóa để tìm về sự nương náu bên mẹ tự nhiên.
Như vậy, sự gắn kết giữa nữ giới và tự nhiên hay thái độ phản tư chủ nghĩa nhân loại trung tâm, nam tính gia trưởng trong các văn bản phương Tây đều thể hiện gay gắt và quyết liệt hơn. Nó nở phình thành một dòng văn học nữ quyền sinh thái phát triển rầm rộ, từ đó cũng hình thành một trào lưu phê bình văn học mới, có sức hấp dẫn và tác động mạnh mẽ đến việc hình thành ý thức thẩm mỹ của các nhà văn nữ Việt Nam đương đại.
2.3.2. Xuất phát từ bản chất nội tại của nữ giới
Xét ở yếu tố nội tại, xu hướng lồng ghép này được thể hiện vượt trội hơn ở các nhà văn nữ, có thể vì nữ giới mẫn cảm hơn với các vấn đề về tự nhiên. Từ thiên tính Mẫu và bản tính nhạy cảm của mình, họ cũng tìm thấy yếu tố kết nối giữa thân phận của mình và tự nhiên. Chúng ta dễ dàng nhận thấy mối liên hệ giữa sự chiếm hữu tự nhiên và thống trị đối với phụ nữ trong sáng tác của nữ giới là bởi họ được quy vào “những nhóm Khác” bao gồm nhóm Khác thuộc loài người (phụ nữ, người nghèo, người da màu, trẻ em) và nhóm Khác thuộc mặt đất (động vật, rừng, đất). Việc qui chiếu nhóm Khác này nhằm nhấn mạnh vị trí bị lệ thuộc trong những mối quan hệ và hệ thống vô lý giữa sự thống trị và bị trị. “Tự nhiên là một vấn đề nữ quyền” (Warren, K. J) có thể được coi như là khẩu hiệu của chủ nghĩa nữ quyền sinh thái: “cây cối, nước, sự sản xuất thực phẩm, động vật, chất nhiễm độc... cũng là vấn đề nữ quyền bởi vì việc tìm hiểu chúng, một mặt giúp con người hiểu được các mối liên kết qua lại giữa sự thống trị đối với phụ nữ và các nhóm người bị thống trị khác, mặt khác cũng giúp con người hiểu được sự thống trị đối với thế giới tự nhiên tách biệt với con người” (Warren, K. J., 2000). Francoise d’Eaubonne cũng chú ý đến vai trò của phụ nữ trong các phong trào cách mạng môi trường bởi vì “sự gắn kết truyền thống của phụ nữ với thế giới tự nhiên”. Bản chất của đàn ông là chuyên quyền, bản chất của nữ giới là mẫu tính, nên nam giới coi tự nhiên và nữ giới là đối tượng phục vụ. Còn nữ giới lại mang trong mình thiên tính chăm sóc, nâng đỡ cho mọi sinh linh. Bà cho rằng, nhìn vào lịch sử loài người dường như khi con người rời bỏ tự nhiên, rời bỏ tư duy nguyên thủy cũng là bắt đầu chuyển từ xã hội mẫu hệ sang xã hội phụ hệ, sự bất công theo đó cũng xuất hiện. Nam giới xuất hiện trên trái đất với vai trò săn bắn, là kẻ thù của tự nhiên. Phụ nữ sống trong sự hài hoà với tự nhiên nên phụ nữ có sự nhạy cảm hơn với sự tổn thương của giới tự nhiên. Trong vai trò đấu tranh bảo vệ cho giới tự nhiên họ cũng phù hợp hơn so với nam giới. Những nhà sinh thái đầu tiên trên thế giới là nữ giới. Họ sống có trách nhiệm với tự nhiên cũng như có sự mẫn cảm hơn đối với những tổn thương của giới tự nhiên. Chính sự mẫn cảm của nữ giới, sự tương đồng về số mệnh của giới nữ và tự nhiên, sự vênh lệch trong cách hành xử đối với thiên nhiên giữa nữ giới và nam giới đã dần dần hình thành nên ý thức nữ quyền sinh thái trong sáng của các tác giả nữ Việt Nam đương đại. Có lẽ, ở một số tác giả nữ, sự gắn kết đặc biệt với tự nhiên cũng như hành trình phản tư nam quyền thống trị là một nhu cầu tự thân cần được phơi bày chứ không phải xuất phát từ dấu vết của nữ quyền sinh thái ở phương Tây. Đó là sự lồng ghép kết hợp mang tính chất tất yếu, nó là giai đoạn chín muồi của sự phát triển về ý thức nữ quyền và ý thức sinh thái qua các giai đoạn phát triển.
Sự lồng ghép này được biểu hiện đầu tiên ở những đề tài về chiến tranh. Khi các nhà văn nữ bước vào mảng đề tài này, chiến tranh đã không còn là vùng đất thiêng của riêng nam giới. Đề tài chiến tranh trong sáng tác của nữ giới vẫn có mất mát, hy sinh, hận thù, bi kịch lẫn những chia lìa, chết chóc nhưng nó vẫn có màu sắc riêng, đó là sự tỏa sáng thiên tính nữ. Thời hậu chiến, đề tài này đã nhạt dần chất sử thi, các nhà văn bắt đầu đề cập đến những nỗi đau mang tính bi kịch cá nhân và cả những nỗi đau của thế giới phi nhân. Máu của lá (Vò Thị Hảo), Tiếng rừng (Hiền Phương), Có một đêm như thế (Phạm Thị Minh Thư), Đàn sẻ ri bay ngang rừng, Trong nước giá lạnh (Vò Thị Xuân Hà), Những ngôi sao xa xôi, Cao điểm mùa hạ, Nhiệt đới gió mùa (Lê Minh Khuê)... đã cho thấy mặt trái của chiến tranh không chỉ ảnh hưởng đến đời sống con người thời hậu chiến mà còn ảnh hưởng đến môi trường. Bom đạn, chất độc da cam trút xuống những cánh rừng bạt ngàn hoang sơ khiến chúng trở nên xơ xác, rụng úa, tàn lụi, nguồn nước và không khí cũng bị nhiễm độc. Sự khốc liệt của chiến tranh không chỉ tác động trực tiếp lên cơ thể người phụ nữ như: hủy hoại làn da, mái tóc mà tâm hồn cũng gánh chịu những tổn thương đau đớn.
Ý thức nữ quyền sinh thái cũng được thể hiện rò nét với sự đóng góp của những nhà văn nữ với dòng văn chương đô thị như Sông, Đảo, Cánh đồng bất tận, Khói trời lộng lẫy, Đong tấm lòng, Gió lẻ của Nguyễn Ngọc Tư, Có người đi vào trong cỏ và không trở ra, Tre nở hoa, Nước mắt hạt bụi, Tịnh Tâm Viên, Thềm nắng của Quế Hương; Sau những mùa trăng, Đá cuội đỏ, Ngải đắng ở trên núi, Bóng của cây sồi, Chúa đất, Tiếng đàn môi sau bờ rào đá của Đỗ Bích Thúy, Trong nước giá lạnh, Lúa hát, Lúa và đất, Giấc mơ, Đất lặng lẽ – Vò Thị Xuân Hà; Biển cứu rỗi, Hành trang của người đàn bà Âu Lạc, Chuông vọng cuối chiều, Phút chối chúa, Con dại của đá của Vò Thị Hảo... Trong những sáng tác này, ý thức nữ quyền sinh thái được kiến giải ở sự gắn kết truyền thống của phụ nữ với tự nhiên có ở nhiều khía cạnh. Chúng ta có thể nhận thấy nữ giới và tự nhiên đều nằm chung một “chiến tuyến”, địa vị, chung một “thân phận” bị bóc lột, bất công với các đặc điểm như: phụ nữ cũng như tự nhiên dễ dàng trở thành nạn nhân, gánh nhiều hệ lụy từ việc tàn phá môi sinh, nhân vật nữ là nạn nhân của quá trình đô thị hóa, nhân vật nữ là nạn nhân của sự trấn áp tự nhiên của nam giới, thậm chí điều này còn hình thành nên motif xem nữ giới là vật thế mạng để chế ngự sự đe dọa của tự nhiên. Công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã đẩy mạnh sự phát triển của nền kinh tế đất nước nhưng cũng đẩy con người đến sự đối đầu trực tiếp với những thảm họa tự nhiên. Nhiều nhà văn nữ đã bộc lộ sự bất an của việc khai thác tận diệt tự nhiên dẫn đến sự xuống cấp trầm trọng của rừng
Có thể bạn quan tâm!
- Vấn Đề “Nữ Quyền” Trong Văn Học Nữ Việt Nam Từ Năm 1975 Đến Nay
- Vấn Đề “Sinh Thái” Trong Sáng Tác Của Các Tác Giả Nữ Việt Nam - Một Cái Nhìn Lịch Đại
- Vấn Đề “Sinh Thái” Trong Văn Học Nữ Việt Nam Sau Năm 1975
- Điều Kiện Hình Thành Diễn Ngôn Nữ Quyền Sinh Thái Trong Văn Xuôi Nữ Việt Nam
- Sự Thay Đổi “Góc Nhìn”/“Điểm Nhìn” Của “Chủ Thể Nữ” Trong Văn Xuôi Nữ Đương Đại
- Sự Tương Hợp Giữa Tự Nhiên Và “Giới Thứ Hai” Về Vị Thế “Ngoại Biên”
Xem toàn bộ 268 trang tài liệu này.
xanh và biến đổi khí hậu. Họ cũng nhạy cảm trước sự xâm lấn của đô thị và sự mất mát không gian yên bình nhàn tản của nông thôn. Đất xóm Chùa, Giường đôi xóm Chùa, Trinh tiết xóm Chùa – Đoàn Lê, Cội mai lưu lạc; Có người đi vào trong có và không trở ra – Quế Hương; Ngải đắng ở trên núi, Bóng của cây Sồi – Đỗ Bích thúy... đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự tổn thương của nữ giới khi họ phải rời đất đai, ruộng đồng ở quê nhà tìm đến thành phố để mưu sinh. Các nhà văn nữ đã tạo ra được một diễn ngôn hòa quyện giữa các vấn đề phụ nữ và vấn đề môi trường sinh thái, đặc biệt người phụ nữ nông dân là những nạn nhân trực tiếp phải gánh chịu những hậu quả của môi trường sinh thái từ sự phát triển của khoa học kỹ thuật.
Ý thức nữ quyền sinh thái còn được thể hiện qua những tấn bi kịch của nhân vật nữ trong đời sống hôn nhân đến từ sự vênh lệch trong cách cảm nhận và hành xử với tự nhiên. Các nhà văn nữ đã làm nên một làn sóng nữ quyền sinh thái bằng những kiến giải độc đáo và mới mẻ về sự gắn kết với tự nhiên tiểu biểu có thể kể đến: Con chó và vụ li hôn
– Dạ Ngân; Cái nhìn khắc khoải, Biển người mênh mông, Khói trời lộng lẫy, Tro tàn rực rỡ, Cánh đồng bất tận – Nguyễn Ngọc Tư; Giải vía – Hà Thị Cẩm Anh; Ả Ìa âu?, Tre nở hoa – Quế Hương; Lúa hát, Lúa và đất, Giấc mơ – Vò Thị Xuân Hà... Phơi bày bản chất chuyên quyền thống trị của nam giới, lên tiếng cho những thực thể bị tổn thương trong xã hội gia trưởng, các cây bút nữ bênh vực cho cả tự nhiên và nữ giới, từ đó thúc đẩy sự công bằng trong xã hội. Từ chỗ bị nam giới thống trị, cưỡng đoạt và đối xử tàn nhẫn, giữa phụ nữ và tự nhiên có sự thấu cảm của những kẻ đồng số phận. Đặc biệt trong cách hành xử với loài vật, nữ giới luôn coi chúng là bạn. Lối viết song hành đã được các nhà văn nữ vận dụng tối đa qua hai hình tượng nhân vật nữ giới – tự nhiên.
Như vậy, sự lồng ghép vấn đề sinh thái và vấn đề nữ quyền bắt đầu manh nha từ đề tài chiến tranh sau 1975. Về sau, mối quan hệ giữa nữ giới và tự nhiên ngày được thể hiện rò nét trong dòng văn học đô thị. Nhiều cây bút nữ đã ngầm gửi bức thông điệp rằng nguồn gốc của bất bình đẳng giới và những hiểm họa môi trường bắt nguồn từ tư tưởng nam giới trung tâm luận. Khát vọng chinh phục của con người đã đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, sự phát triển của nền kinh tế thị trường kéo theo nó là tính hiện đại, chủ nghĩa tiêu dùng là nguyên nhân dẫn con người rời xa môi trường sinh thái, hủy hoại môi sinh dẫn tới việc mất cân bằng tự nhiên và rút cuộc họ trở thành nạn nhân, công cụ của thương mại. Từ lý thuyết nữ quyền sinh thái có thể thấy văn xuôi nữ Việt Nam đương đại mở ra nhiều tầng ý nghĩa hàm ẩn về mối quan hệ giữa giới nữ và giới tự nhiên, từ sự tương đồng về vị thế “ngoại biên”, vẻ đẹp mẫu tính và sức đề kháng tiềm tàng, giữa họ
luôn có sự kết nối và liên hệ chặt chẽ trong quá trình phản kháng lại nam tính gia trưởng.
2.4. Sự hình thành diễn ngôn nữ quyền sinh thái trong văn xuôi nữ Việt Nam đương đại
2.4.1. Từ “vấn đề” trong văn học đến “diễn ngôn” trong văn học
Thuật ngữ “vấn đề” ở đây được chúng tôi sử dụng với nghĩa là điều được xem xét, tìm hiểu, nghiên cứu, giải quyết. Có “vấn đề” nghĩa là có mâu thuẫn cần phải giải quyết, nên vấn đề là một mục tiêu nào đó mà chúng ta chưa tìm được cách thực hiện hoặc chưa biết cách thực hiện nào là tối ưu nhất. Trong khi “diễn ngôn” được dùng với nghĩa là tri thức hệ, quyền lực chi phối các nhận định trong sáng tạo văn học và trở thành các “phát ngôn” trong văn học. Thực chất, nội hàm khái niệm diễn ngôn cũng rất phong phú đa dạng. Trong lịch sử nghiên cứu diễn ngôn, có rất nhiều cách tiếp cận, có thể kể đến quan điểm của các nhà cấu trúc chủ nghĩa như R.Barthes, G.Gennette, dựa trên nền tảng là ngôn ngữ học của Saussure, hay là cách tiếp cận của các nhà lý luận văn học tiêu biểu là M.Bakhtin. Tuy nhiên, nữ quyền sinh thái là phạm trù liên quan đến chính trị – xã hội nên chúng tôi chọn cách tiếp cận của nhà xã hội học tiêu biểu là Foucault. Ông quan niệm diễn ngôn là một nhóm các lời nói cụ thể có chung một hiệu lực (diễn ngôn nữ giới, diễn ngôn chủ nghĩa thuộc địa), là một thực tế được quy ước tạo nên vô số các nhận định, là các quy tắc và cấu trúc tạo ra những phát ngôn và văn bản cụ thể. Foucault cho rằng diễn ngôn khác với ngôn ngữ, nó không phải là các thành tố ngôn ngữ tạo thành mà là sự kiện chân thực và liên tục trong lịch sử tạo thành vì vậy diễn ngôn không phải là một hệ thống khép kín mà nó có tính mở và tính lịch sử. Mặt khác thứ đằng sau chi phối diễn ngôn là quyền lực, ngoài thứ quyền lực từ bên trên, còn có một thứ quyền lực từ bên dưới, một thứ quyền lực năng sản và phát tán rải rác trong xã hội, có mặt ở bất cứ nơi đâu. Đó là một thứ quyền lực vô hình chi phối toàn bộ đời sống của con người. Ví dụ, diễn ngôn nữ quyền là một trào lưu đấu tranh chính trị đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Việc thiết lập nên một hệ hình diễn ngôn của nữ giới như lý luận nữ quyền đã có như ngày hôm nay bắt nguồn ở những làn sóng đấu tranh nữ quyền từ các quyền bình đẳng cơ bản như quyền bầu cử vào thế XIX đầu thế kỉ XX đến các quyền bình đẳng về văn hóa, xã hội vào những thập niên 60 đến 80 và có được sự tôn trọng khác biệt về giới tính, tính dục, bản sắc vào thập niên 90. Như vậy, diễn ngôn nữ quyền hay là diễn ngôn sinh thái, diễn ngôn nữ quyền sinh thái là một phương thức biểu đạt của tư tưởng và lịch sử, nên nó có một quá trình vận động, phát triển theo sự biến
thiên của lịch sử xã hội. Chúng được bắt nguồn từ sự nhận thức lý luận và những trải nghiệm đời sống xã hội của các nhà văn về những “vấn đề” giới và môi trường tự nhiên cụ thể như sau:
Từ vấn đề “nữ quyền” đến sự xuất hiện diễn ngôn “nữ quyền” trong văn học
“Vấn đề” của văn học nữ quyền bắt nguồn từ vị trí, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Những quan niệm truyền thống về nữ giới như Đàn bà được sinh ra từ chiếc xương sườn của đàn ông (ở Phương Tây), hay Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô (ở Phương Đông) là nguyên nhân dẫn đến địa vị hạng hai của nữ giới. Vậy nên, khi nữ giới bắt đầu ý thức về bản thân mình, nhìn nhận lại mình và đi tìm lại bản sắc (identity) thì đó là những bước tiến khởi đầu cho việc xác lập nữ quyền luận. Hành trình tìm lại bản sắc đó đã được đúc kết trong câu nói bất hủ của Simone de Beauvoir trong (Giới thứ hai - 1949): “On ne nait pas femme, on le devient” (Người ta không bẩm sinh là đàn bà, mà trở thành đàn bà). Một bước tiến vượt bậc của chủ nghĩa nữ quyền là khi người phụ nữ ý thức về diễn ngôn của mình, được biểu hiện cụ thể ở ba làn sóng nữ quyền trên thế giới đòi bình đẳng nam nữ trên nhiều phương diện của đời sống xã hội từ chính trị, kinh tế đến văn học, nghệ thuật.
Khi các lý thuyết nữ quyền đã bắt đầu phát triển rầm rộ và phổ biến thì trong văn học, các nhà nữ quyền đã vạch ra những cách thức, phương pháp viết và đọc văn chương cho riêng phụ nữ. Ở đó, họ tìm kiếm những cách thức khả thể cho cách viết của nữ giới, với những đặc trưng chỉ nữ giới mới có, để phân biệt với nam giới. Điều này đánh dấu sự xuất hiện của diễn ngôn nữ quyền trong văn học. Bởi trải qua một thời kì dài, phụ nữ vắng bóng trong hoạt động diễn ngôn. Diễn ngôn văn hóa thực chất là diễn ngôn nam quyền. Văn học cũng được dùng để khuyến dụ và cưỡng chế nữ giới phải chấp nhận vị trí “hạng hai”. Nếu chủ thể sáng tạo có là nữ thì sản phẩm của hoá vẫn bị “nam tính hoá” do chịu sự chi phối của diễn ngôn nam giới. Chính vì vậy, song song với việc phát huy tinh thần bình đẳng giới trong sáng tạo văn chương, các nhà văn nữ cũng có xu hướng thiết lập hệ quy chuẩn, giá trị riêng của văn chương giới mình để tạo nên đặc trưng của “lối viết nữ” (Écriture féminine) như chủ trương của nhà phê bình nữ quyền Phân tâm học và Giải cấu trúc của Pháp Hélène Cixous. Điểm trọng tâm trong lý thuyết nữ quyền của bà là mối quan hệ giữa giới tính và diễn ngôn, từ đó hình thành nên ý niệm về phong cách tu từ riêng của nữ giới, về một lối viết nữ. Theo bà, nhà văn nữ phải có một lối biểu đạt đặc thù, phá vỡ những công thức “chuẩn mực” trong diễn ngôn nam giới nếu không thì khi sáng tác họ lại vay mượn lối nói của nam giới chứ không có một hệ thống tu từ đặc trưng của giới mình. Chính vì vậy, khi
bắt đầu quá trình sáng tác, các nhà văn nữ nhất thiết phải tạo nên những đặc trưng văn chương của giới mình, tức là tạo nên một “lối viết nữ”. Điều này bề mặt có thể mâu thuẫn với chủ trương bình đẳng giới tính trong sáng tạo nghệ thuật. Nhưng, suy cho cùng mỗi giới đều có những đặc điểm riêng về tâm, sinh lý, có những sở trường, thiên hướng nghệ thuật riêng. Cấu trúc bộ não, nhịp sinh học, sự nhạy cảm bản năng cũng như sự trải nghiệm giới tính cùng những suy tư, trăn trở về thân phận con người của các nhà văn nữ đã hình thành biệt sắc phái tính trong kỹ thuật văn chương nữ giới. Điều cơ bản của lối viết nữ đó chính là ngôn từ biểu đạt mang tính cảm giác: “cá nhân người nữ phải viết chính mình, phải khám phá cho riêng mình cơ thể mình cảm thấy như thế nào, và làm sao để viết về thân thể ấy trong ngôn ngữ” (Klages., M, 2007). Trên phương diện ngôn ngữ, có thể thấy các sáng tác nữ đều mang dấu ấn rất riêng của phái tính, đó là tính cảm giác về ngôn từ. Điều này thể hiện ở sự quan tâm đến thế giới cảm xúc, cảm giác, tâm tư, tiềm thức của nhân vật mặt khác họ cũng đưa tất cả cuộc đời và tâm hồn họ vào trang sách hay nói cách khác họ tự khám phá và tái hiện thế giới nội tại của mình. Bằng sự biểu đạt mang đặc thù giới của mình, họ sẽ phá vỡ cấu trúc và trật tự những biểu tượng được xác lập và cố định trong diễn ngôn nam giới. Chẳng hạn, phẩm chất và giá trị của nữ giới trong sáng tác của các tác giả nam giới trước đây vốn được xem xét và định giá dưới đôi mắt của nam quyền, họ viết về người phụ nữ thường theo hướng phê phán hay ngợi ca từ cái nhìn đạo đức hoặc chỉ sử dụng nhân vật nữ để chuyển tải một quan niệm, tư tưởng nhằm củng cố thêm vị thế của họ. Tuy nhiên, khi người nữ viết văn thì hình tượng nhân vật nữ mới bộc lộ những yếu tố bên trong thuộc về chính nó. Nghĩa là, nó được xây dựng bằng chính những trải nghiệm của nữ giới, chỉ dưới ngòi bút của nữ giới, tâm lý và nhục cảm của người phụ nữ mới được miêu tả một cách cụ thể, rò rệt bằng chính nội tại tự thân của nó. Vì vậy, hình tượng nhân vật nữ sẽ mang tính hình tượng – bộc lộ chứ không phải là tính hình tượng – biểu tượng. Việc tạo ra bản sắc riêng của “lối viết nữ” là một cách cố gắng vượt thoát khỏi sự chi phối của diễn ngôn nam quyền cũng như để định vị diễn ngôn nữ giới. Lối viết riêng đó là đích đến thực sự của ý thức nữ quyền, bởi ngôn ngữ là một phương tiện hữu hiệu để nữ giới tự “cởi trói” và khẳng định vai trò của mình trong đời sống xã hội và trong nghệ thuật.
Trong văn học Việt Nam, lối viết nữ được biểu hiện ở yếu tố nữ tính (Femininity) có nguồn gốc từ tín ngưỡng thờ Mẫu trong lịch sử văn hóa dân tộc và diễn ngôn thân thể (body writing) tiếp biến từ Phương Tây. Sự kết hợp này làm nên đặc điểm, tư duy nghệ thuật, cách thức tổ chức tác phẩm mang bản sắc phái nữ. Nhiều tác phẩm văn xuôi nữ đương đại có sự gặp gỡ tương đồng trong cách biểu đạt về giới. Đó là những khúc bi ca về
thân kiếp đàn bà, tinh thần nổi loạn, và vẻ đẹp thiên tính nữ... Không chỉ ở phạm vi phản ánh về thế giới phụ nữ, điểm gặp gỡ của ngôn ngữ văn chương của các tác giả nữ là sự hàm súc, tinh tế và đằm thắm trong giọng điệu ngôn ngữ và phương thức tự sự. Điều đó chứng tỏ nữ giới đã hình thành nên một lối viết đặc thù riêng. Không còn ở vị trí ngoại vi, văn xuôi nữ dần sánh đôi với văn xuôi của các nhà văn nam giới, cùng làm nên một diện mạo nói chung của văn xuôi sau 1975. Có thể nói, đã có một diễn ngôn của giới nữ trong văn xuôi thế hệ nhà văn sau 1975. Và từ những thức tỉnh ý thức giới tính, trong nhiều tác phẩm, tiếng nói nữ giới (tiếng nói của nhà văn nữ, của nhân vật nữ, của tự thân những câu chuyện về phụ nữ…) đã trở thành những diễn ngôn mang đậm tinh thần nữ quyền.
Từ vấn đề “sinh thái” đến sự xuất hiện diễn ngôn “sinh thái” trong văn học
“Vấn đề” làm nên tư tưởng đặc thù của phê bình sinh thái là mối quan hệ giữa ba yếu tố: con người, tự nhiên, nghệ thuật. Trong mối quan hệ này, tự nhiên đã bị con người sở hữu và chiếm hữu theo nhiều cách. Trước khi có sự du nhập của lý luận phê bình sinh thái thì mối quan hệ giữa con người và tự nhiên vốn đã được chú ý từ lâu. Đó là sự kính sợ, tôn sùng tự nhiên trong sử thi, thần thoại; Tư tưởng vạn vật nhất thể, cảm thức hòa điệu với thiên nhiên trong văn học trung đại; Chủ trương yêu thương muôn loài, sống hòa đồng với thiên nhiên trong triết lý đạo Phật. Như vậy, trong tâm thức vốn có của người Việt, con người chỉ là một mắt xích trong vũ trụ bao la, nên trong tranh sơn thủy hay trong thơ, con người không bao giờ xuất hiện ở vị trí trung tâm, thường là nhỏ nhoi giữa khung cảnh thiên nhiên rộng lớn, chủ thể – khách thể không phân định. Tuy nhiên, tâm thế an nhiên trong cuộc bầu bạn với tự nhiên trước đây đã dần bị đảo lộn và thay thế. Chiến tranh xâm lược và quá trình đô thị hóa đã đẩy con người phản trắc và ngày càng rời xa với tự nhiên một cách vô tình mà chính con người cũng không hay biết và lường được những hậu quả. Thế kỷ XXI là thế kỷ của sự phát triển khoa học kỹ thuật – công nghệ, là thế kỷ con người trở thành “bá chủ” trong hành tinh trái đất nhưng mặt trái của sự phát triển đó là sự hủy hoại môi trường sinh thái ngày càng tàn khốc. Thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường... đang trở thành một vấn nạn bức thiết. Do vậy, từ những năm 90 đến nay, văn học có khuynh hướng tìm về biểu hiện mối quan hệ giữa con người và tự nhiên trong cái nhìn mới. Bằng một tư duy sinh thái hiện đại trong việc nhận diện, phân tích và thể hiện những nỗi đau môi trường, số phận con người trong cuộc khủng hoảng môi sinh, nhiều nhà văn đã ngầm cảnh báo rằng nguồn gốc của nguy cơ sinh thái chính là tính hiện đại và căn bệnh của chủ nghĩa tiêu dùng – sự tiêu xài quá độ, sự lên ngôi của đồng tiền. Qua đó, các tác giả cũng hướng con người đến lối sống có ý thức bảo vệ môi trường và nổ lực tái thiết lại