Nhà Văn Nữ Vi Thị Kim Bình - Một Trong Những Người Mở Đầu Cho Văn Xuôi Dân Tộc Thiểu Số Việt Nam Thời Kì Hiện Đại

Từ khoảng những năm 60 trở đi, bên cạnh thể loại truyện ngắn và kí đã xuất hiện thể loại tiểu thuyết. Muối lên rừng của Nông Minh Châu được coi là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của văn học dân tộc thiểu số. Và phảỉ đến 14 năm sau, cuốn tiểu thuyết thứ hai của văn học dân tộc thiểu số mới ra đời. Đó là tác phẩm Hơ Giang của Y Điêng (dân tộc Ê Đê). Tiếp đó là những tiểu thuyết của nhà văn người dân tộc Tày - Vi Hồng. Trong khoảng năm năm, Vi Hồng đã cho ra đời ba cuốn tiểu thuyết, đó là: Đất bằng (1980); Núi cỏ yêu thương (1984); Thung lũng đá rơi (1985).

Từ sau năm 1975, văn xuôi dân tộc thiểu số phát triển một bước mới. Đội ngũ các tác giả là người dân tộc thiểu số đông đảo hơn và thành tựu sáng tác cũng rực rỡ hơn. Thời kì này văn xuôi dân tộc thiểu số phát triển mạnh về số lượng cũng như chất lượng ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí cũng như tầm vóc của mình trong nền văn học dân tộc. Ở giai đoạn này, có thể nhận diện nền văn xuôi các dân tộc thiểu số một cách rõ ràng và khẳng định nó như một bộ phận riêng, độc đáo trong đời sống văn học Việt Nam hiện đại. Đội ngũ các nhà văn người dân tộc thiểu số tăng lên đáng kể. Đặc biệt là các nhà văn người dân tộc Tày. Bên cạnh những cây bút đã có đóng góp từ thời kháng chiến chống Mĩ như: Ma Trường Nguyên, Triều Ân, Vi Hồng, Hà Lâm Kì, Vi Thị Kim Bình, Mã A Lềnh, Hà Lí, Kim Nhất, Hà Thị Cẩm Anh, Kha Thị Thường... còn có những cây bút trẻ như: Hữu Tiến, Đoàn Lư, Cao Duy Sơn, Hoàng Hữu Sang, Sa Phong Ba, H'Linh Niê, Niê Thanh Mai, ...

Hầu hết các sáng tác của các nhà văn dân tộc thiểu số trong những năm đầu đất nước hòa bình đều phản ánh công cuộc xây dựng đời sống mới ở vùng cao. Nổi bật hơn cả là nhà văn Vi Hồng với hàng loạt những tác phẩm có giá trị. Với sự hiểu biết sâu sắc về con người, thiên nhiên miền núi, phong tục tập quán của người dân tộc Tày nhà văn Vi Hồng muốn gửi thông điệp kêu gọi con người yêu thương cái đẹp, cái thiện, xóa bỏ tàn dư, diệt trừ cái ác, cái lạc hậu, cái lỗi thời. Với tập truyện Niềm vui (1979) nhà văn Vi Thị Kim Bình

cũng thể hiện khát khao đưa ánh sáng văn minh về những miền rừng xa xôi, hẻo lánh. Bằng trái tim nhân hậu của một nhà văn - thầy thuốc, Vi Thị Kim Bình đã khắc họa hình tượng nhân vật trung tâm là những "lương y như từ mẫu" bằng những nét chấm phá giản dị, chân thực mà gần gũi, để lại nhiều cảm xúc, dư âm trong lòng người đọc. Bên cạnh đó còn rất nhiều nhà văn dân tộc thiểu số cũng cống hiến hết mình cho mảng văn học này như Triều Ân với Tiếng khèn A Pá (1980), Nông Minh Châu với Tiếng chim gô (1979), Hoàng Hạc với Hạt giống mới (1983),... Mỗi nhà văn phản ánh hiện thực và con người theo một cách riêng nhưng nhìn chung họ đều phản ánh sự đổi mới của cuộc sống và con người miền núi với những số phận mới, khát vọng mới nhờ ánh sáng cách mạng. Với nhà văn Triều Ân, người đọc nhận ra niềm tin của nhà văn vào bản chất tốt đẹp trong tâm hồn mỗi con người miền núi trong các truyện ngắn Xứ sương mù, Như cánh chim trời. Kết thúc truyện ngắn Xứ sương mù tác giả muốn gửi tới người đọc bức thông điệp: "Hãy nhắm mắt lại trước vẻ bề ngoài có tính hiện tượng để nhìn sâu vào bản chất bên trong, lúc ấy, ta sẽ gặp được vàng" [25. tr. 35]. Trong tiểu thuyết Sông gọi (1986), nhà văn Hoàng Hạc đã giúp ta khám phá những bước chuyển trong tư tưởng, tình cảm của đồng bào các dân tộc trong cuộc di dân khỏi lòng hồ Thác Bà đi xây dựng quê mới. Sáng tác của ông là hình ảnh của không khí công nghiệp hóa sôi nổi, khẩn trương, đầy gian khổ nhưng hé mở một tiền đồ tươi sáng của các dân tộc. Nhà văn Mã A Lềnh với bút kí Cao nguyên trắng (1992) và tập truyện Vùng đồi gió quẩn (1995) đã ghi lại những đổi mới trên quê hương trong thời kì kinh tế thị trường. Với những đóng góp đáng kể của các tác giả miền núi thuộc nhiều dân tộc khác nhau, văn xuôi các dân tộc thiểu số Việt Nam đã “góp phần xứng đáng vào công cuộc cách mạng, cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ và xây dựng xã hội chủ nghĩa, trở thành một bộ phận không thể thiếu của nền Văn học Việt Nam xã hội chủ nghĩa" [46].

Sau Đại hội Đảng VI, đời sống văn học nghệ thuật nước nhà đã có sự chuyển biến lớn lao. Đất nước đổi mới, chuyển từ cơ chế quan liêu, bao cấp sang cơ chế thị trường cũng ảnh hưởng rất nhiều đến cách phản ánh hiện thực và tư duy nghệ thuật của các nhà văn dân tộc thiểu số. Văn xuôi các dân tộc thiểu số thời kì này phát triển mạnh. Biên độ sáng tác của các nhà văn được mở rộng hơn.

Đây là thời kì cơ cấu kinh tế miền núi có những chuyển biến mạnh mẽ, mức sống được cải thiện nhưng quan hệ đạo đức, xã hội cũng xuống cấp, cái xấu, cái ác có chiều hướng lấn át cái đẹp, cái thiện. Vì vậy, đề tài, chủ đề, phạm vi hiện thực của văn học thiểu số thời kì này được mở ra rộng rãi hơn. Nếu như trước đây, văn học chỉ phản ánh những mặt tốt đẹp của cuộc sống thì nay nó còn phơi bày những mặt trái còn tồn đọng khắp nơi trong xã hội. Một số nhà văn là người dân tộc thiểu số đã nhanh chóng nắm bắt những vấn đề nóng hổi này để phán ánh trong tác phẩm của mình như Vi Hồng, Hoàng Thế Sinh, La Quán Miên, Ma Trường Nguyên, Cao Duy Sơn,... Đặc biệt, trong khoảng thời gian gần 10 năm, các tiểu thuyết Người trong ống (1990), Gã ngược đời (1990), Vào hang (1990), Lòng dạ đàn bà (1992), Dòng sông nước mắt (1993), Ái tình và kẻ hành khất (1993) Tháng năm biết nói (1993), Phụ tình (1994), Chồng thật vợ giả (1994), Đi tìm giàu sang (1995), Đọa đầy (1997)... và các tập truyện ngắn: Đuông Thang (1988), Người làm mồi bẫy hổ (1990), Thách đố (1995), Đường về với mẹ chữ (1997)... của nhà văn Vi Hồng dồn dập ra đời. Đây là những tác phẩn được dư luận chú ý bởi nó chứa đựng tính truyền thống, tính dân tộc và tính thời đại. Sau Vi Hồng là Ma Trường Nguyên với 7 cuốn tiểu thuyết: Mũi tên ám khói (1991), Gió hoang (1992), Tình xứ mây (1993), Bến đời (1995), Rễ người dài (1996), Mùa hoa hải đường (1998). Nhà văn Cao Duy Sơn có 5 cuốn tiểu thuyết: Người lang thang (1992), Cực lạc (1995), Hoa mận đỏ (1999), Đàn trời (2006), Chòm ba nhà (2009) và những tập truyện ngắn : Những chuyện ở

lũng Cô Sầu (1996), Những đám mây hình người (2002), Ngôi nhà xưa bên suối (2007), Hoa bay cuối trời (2008). Đặc biệt, với tiểu thuyết Đàn trời nhà văn đã tái hiện được bức tranh xã hội miền núi sinh động dưới những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường cùng với sự hiện hữu của cái ác, cái nghèo để từ đó làm nổi bật những phẩm chất cao đẹp, bản tính nhân hậu, lòng vị tha của người vùng cao trong thời kì hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Ngoài sự phát triển về tầm vóc, số lượng, những tác phẩm văn học dân tộc thiểu số đã có những dấu hiệu mới trong cách nhìn và tư duy nghệ thuật. Những vấn đề nhạy cảm, những mảng tối, những mặt trái của hiện thực trước đây từng bị né tránh nay đã được đề cập đến nhiều hơn. Những cây bút người dân tộc thiểu số tiêu biểu cho sự đổi mới này là Vi Hồng, Cao Duy Sơn. Những tác phẩm của nhà văn Vi Hồng như Người trong ống, Gã ngược đời, Chồng thật vợ giả, Thung lũng đá rơi... rất được quan tâm bởi nó chạm đến những vấn đề "nóng" lúc bấy giờ như sự băng hoại đạo đức của một số nhân vật trí thức có địa vị xã hội hoặc một số sai lầm của hợp tác xã nông nghiệp; sự ấu trĩ của việc ngăn cấm làm giàu cá nhân và hồi chuông cảnh báo về sự hoành hành của cái ác. Qua việc soi chiếu nhân vật ở góc độ đời tư với cách nhìn nhận đa chiều về thân phận con người, cuốn tiểu thuyết đầu tay của Cao Duy Sơn Người lang thang được đánh giá là một trong những tác phẩm "thể hiện rõ dấu hiệu của một tiểu thuyết hiện đại" [33, tr. 258] bởi trong tác phẩm "những vấn đề nhân bản được đặt ra và được giải quyết theo cái nhìn mới, đó là mối quan hệ giữa cái thiện và cái ác, mối quan hệ giữa con người và con người" [45, tr. 233]. Cũng chính vì sự đổi mới, hiện đại mà vẫn mang đậm bản sắc dân tộc ấy mà tác phẩm Ngôi nhà xưa bên suối của Cao Duy Sơn đã được nhận giải thưởng văn học Asean năm 2009. Cảm hứng nhìn nhận vấn đề từ hai mặt, tránh khuôn mẫu một chiều đã cho thấy bước tiến mới của văn xuôi miền núi đương đại nhằm khẳng định vai trò và vị trí của mình trong nền văn học dân tộc. Với Chuyện mới ở bản (2004), Hữu Tiến phát hiện ra gương

mặt con người miền núi nay đã khác trước. Cuộc sống đậm đà tình nghĩa cộng đồng của người dân tộc thiểu số đã và đang rạn nứt, thay vào đó là cuộc sống xô bồ, nhốn nháo với đủ các hạng người, tốt có, xấu có.

Văn học dân tộc thiểu số thời kì này cũng có điều kiện quan tâm tới những cá nhân cụ thể, đặc biệt là người phụ nữ. Các nữ nhà văn dân tộc thiểu số do sự nhạy cảm của giới tính đã có những trang viết cảm động, chia sẻ và cảm thông sâu sắc với số phận nhiều éo le, trắc trở của những phụ nữ miền núi. Nhà văn Hoàng Thị Cành với tập truyện Số phận đàn bà đã đề cập tới nỗi bất hạnh, những hi sinh mất mát, những đau khổ của những người phụ nữ miền núi không may mắn trong tình yêu và hôn nhân. Qua tập truyện Nước mắt của đá, nhà văn dân tộc Mường Hà Thị Cẩm Anh cũng thể hiện sự cảm thông với những người phụ nữ là nạn nhân của hủ tục, định kiến ở bản Mường. Nhà văn Bùi Thị Như Lan thì thường viết về niềm vui và cả những mất mát âm thầm của biết bao người mẹ, người vợ. Họ là những người phải gánh chịu những hậu quả day dứt nặng nề sau chiến tranh để lại (Núi đợi Bố ở nơi đâu), đó là những người phụ nữ lấy chồng bộ đội trở về bị nhiễm chất độc màu da cam...

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 132 trang tài liệu này.

Văn xuôi dân tộc thiểu số giai đoạn này có những đổi mới khá rõ rệt trong nghệ thuật. Bằng hình tượng, chi tiết, ngôn ngữ cụ thể, sinh động, các tác giả người dân tộc thiểu số đã khắc họa tương đối rõ nét những hình tượng nhân vật và chú ý khai thác đời sống nội tâm nhân vật. Trong nhiều tác phẩm, người đọc bắt gặp những cuộc đấu tranh nội tâm trong mỗi nhân vật. Trên những trang viết của họ, tư duy tiểu thuyết hiện đại được thể hiện khá rõ nét. So với giai đoạn trước, văn xuôi thời kì này đã đạt đến độ "chín" về chất lượng nghệ thuật.

Như vậy, có thể thấy văn xuôi dân tộc thiểu số gắn liền với những thay đổi lớn lao của hiện thực cuộc sống và con người nơi vùng cao. Sự hình thành và phát triển của văn xuôi các dân tộc miền núi có ý nghĩa như sự hoàn thiện

Truyện ngắn Vi Thị Kim Bình - 4

một chu trình phát triển trong lịch sử văn học. Với khả năng khơi sâu vào cái riêng, cái đặc sắc của mỗi dân tộc, vùng miền, văn xuôi các dân tộc thiểu số đã đem lại sự phong phú, đa dạng và tầm vóc riêng cho cả nền văn xuôi hiện đại, đóng góp đáng kể vào việc làm nên một diện mạo chung của văn học Việt Nam hiện đại. Và chính sự thấm đượm bản sắc văn hóa dân tộc này đã khiến cho văn xuôi dân tộc thiểu số luôn tồn tại, vận động và phát triển trong dòng chảy của nền văn học đa dạng, phong phú, đa sắc màu của dân tộc Việt Nam.

1.2. Nhà văn nữ Vi Thị Kim Bình - một trong những người mở đầu cho văn xuôi dân tộc thiểu số Việt Nam thời kì hiện đại

1.2.1. Vài nét về nhà văn nữ dân tộc Tày Vi Thị Kim Bình.

Nhà văn Vi Thị Kim Bình là người dân tộc Tày, sinh ngày 27 tháng 9 năm 1941 tại làng Pá Phiêng, xã Hồng Phong, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Sinh ra trong một gia đình nghèo, cha làm công nhân gác ghi ở ga xe lửa Na Sầm - một thị trấn nhỏ bé, heo hút (mà thời bấy giờ người ta chỉ cần nghĩ đến là đã thấy sợ). Khi mới lên 6 tuổi nhà văn đã phải theo gia đình đi tản cư vào xã Hội Hoan, Bản Đú, Kéo Coong, vùng An toàn khu. Với quan niệm: để tiền, để của không bằng để cái chữ cho con sau này nên trong kháng chiến chống Pháp, dù khó khăn, thiếu thốn mọi bề nhưng bố mẹ vẫn cho anh chị em Kim Bình đi học. Kim Bình là con út, hồi nhỏ thường được anh trai lớn lúc đó là nhân viên bưu điện thường hay mang sách báo về nhà, nên cô em cưng nhỏ bé nhất nhà cũng được đọc rất nhiều. Với ước mơ trở thành một thầy thuốc, Vi Thị Kim Bình đã đi học trường cán bộ y tế Trung ương tại Hà Nội. Vào thời đó, một cô gái Tày được đi học ở Hà Nội là rất hiếm.

Tốt nghiệp ra trường Vi Thị Kim Bình về làm việc tại bệnh xá huyện Bắc Sơn. Nhà văn tâm sự: "Mảnh đất Bắc Sơn là cái nôi cách mạng. Nơi đây vừa đẹp, vừa thơ mộng, vừa huyền bí và rất hùng vĩ. Nhân dân thật thà, tốt bụng, quý trọng cán bộ. Trong những đêm trực im ắng ở một nơi hoang vắng, với ngọn đèn dầu leo lét, tôi ngồi đọc sách và viết truyện để quên đi nỗi sợ,

nỗi buồn mênh mông". Vì thế, khi đọc được thông báo có cuộc thi viết truyện ngắn trên Tạp chí Văn nghệ Việt Bắc, cô y sĩ trẻ đã này ý nghĩ sẽ viết một truyện gửi đi. Truyện ngắn Đặt tên ra đời ngay trong đêm hôm đó. Câu chuyện ngắn gọn, đơn giản với lối viết mộc mạc, chân thật nhưng tràn đầy cảm xúc của một thiếu nữ dân tộc vừa bước vào tuổi đôi mươi. Tác phẩm đã đạt giải Khuyến khích của tạp chí Văn nghệ Việt Bắc năm 1962 và đây là động lực để Vi Thị Kim Bình vững bước trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Cuối năm ấy, Vi Thị Kim Bình được mời đi nhận giải. Lúc bấy giờ Vi Thị Kim Bình là cây bút nữ duy nhất, lại là người dân tộc được giải của cuộc thi nên mọi người rất quan tâm, động viên.

Đầu năm 1967, Vi Thị Kim Bình được đi học lớp Bồi dưỡng lực lượng viết văn trẻ khóa II tại Quảng Bá, Hà Nội. Năm 1968, nhà văn được kết nạp vào hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn. Năm 1988, Ban chấp hành hội Nhà Văn Việt Nam đã có Nghị quyết kết nạp Vi Thị Kim Bình là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1993, nhà văn là một trong những hội viên của Hội đồng sáng lập Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Là một cán bộ ngành Y, bản thân Vi Thị Kim Bình đã thấm nhuần y đức "thầy thuốc như mẹ hiền", bà là người luôn tận tụy với công việc, làm việc với cái tâm của người thầy thuốc. Viết văn cũng vậy. Nhà văn cũng viết bằng cái tâm của mình. Vừa làm thầy thuốc, vừa viết văn, hai công việc tưởng như là khác xa nhau nhưng đã hòa quyện làm một trong tâm hồn của người nghệ sĩ. Lòng nhân ái của nghề nghiệp, sự nhạy cảm tinh tế trước cuộc sống hòa chung với nhịp đập trái tim của nhà văn. Nhà văn từng tâm sự: “Tôi yêu cả hai nghề. Nghề y giúp mình biết giữ gìn sức khỏe cho cộng đồng và cho bản thân. Nghề viết văn là nghề sáng tạo thật kì diệu. Viết là để làm vơi đi nỗi đau của người đời và cho lòng mình nhẹ nhàng, thanh thản, trong sáng. Tuy nghề viết văn thật nhọc nhằn và gian truân”.

Vừa chữa bệnh cứu người về thể xác, vừa sáng tạo văn học nghệ thuật làm phong phú đời sống tinh thần cho đồng bào dân tộc mình nên đề tài mà Vi Thị Kim Bình thường phản ánh trong tác phẩm của mình là đề tài y tế. Chính bệnh viện là mảnh đất màu mỡ nảy sinh, nuôi dưỡng những tác phẩm văn học của nhà văn. Nhà văn cho rằng: "Nghề thầy thuốc đã giúp tôi trở thành người cầm bút trung thực" và đồng thời nghề văn cũng giúp tôi làm tốt hơn công việc của người thầy thuốc. Những nhân vật trong truyện ngắn Vi Thị Kim Bình đều là những bạn bè, đồng nghiệp, những bệnh nhân, những câu chuyện là từ cuộc đời thực của họ. Họ là những y, bác sĩ yêu nghề, tận tụy với bệnh nhân, chấp nhận sự vất vả thiếu thốn, nguy hiểm để cứu người, đem lại sự sống cho bệnh nhân. Trong những tác phẩm đó ta luôn thấy được tấm lòng ưu ái, trân trọng và yêu thương con người của tác giả. Lòng nhân ái của nghề nghiệp, sự nhạy cảm, tinh tế trước cuộc sống của nhà văn hòa chung trong nhịp đập trái tim của bà. Với Vi Thị Kim Bình những người viết văn "là những người giàu có về tâm hồn và có một tấm lòng nhân hậu". Nhà văn viết văn là để sống, để tự giãi bày, tự hoàn thiện và khám phá về bản thân cũng như về con người, cuộc sống nơi vùng cao biên giới.

Bên cạnh đề tài y tế, sáng tác của Vi Thị Kim Bình còn phản ánh cuộc sống và con người miền núi trong các giai đoạn lịch sử. Truyện ngắn của nhà văn phần lớn lấy cảm hứng từ những con người thật trong cuộc sống gắn bó thường nhật với mình ở một vùng núi cao biên giới. Truyện ngắn Vi Thị Kim Bình dung dị mà tinh tế bởi nó xuất phát từ lòng nhân ái, sự nhạy cảm, tinh tế trước cuộc sống và niềm tin mãnh liệt vào con người miền núi của nhà văn dân tộc thiểu số này. Với cách viết giản dị, nhà văn đã đem đến cho người đọc niềm tin yêu cuộc sống, tình yêu thương giữa con người với con người dù ở thời chiến hay thời bình. Có thể khẳng định dù viết về đề tài gì, nhà văn vẫn giữ được tấm lòng ưu ái, trân trọng, yêu thương con người.

Xem tất cả 132 trang.

Ngày đăng: 23/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí