Điều Kiện Hình Thành Diễn Ngôn Nữ Quyền Sinh Thái Trong Văn Xuôi Nữ Việt Nam


vị thế con người trong mối quan hệ với tự nhiên. Cùng với sự du nhập của lý luận phê bình sinh thái, dấu ấn sinh thái đã manh nha phát triển trong văn xuôi nữ đương đại Việt Nam từ thời kỳ đổi mới. Bên cạnh đó, nhiều nhà phê bình, nghiên cứu khám phá một cách tiếp cận mới trong sự kết nối văn học với những vấn đề sinh thái đã tạo nên một diễn ngôn sinh thái chạm thấu được những gì đang diễn ra trước cuộc khủng hoảng môi trường trong văn xuôi nữ đương đại:

Như vậy, sự ra đời của diễn ngôn sinh thái là một “sản phẩm” tất yếu của thời đại. Môi trường sinh thái thay đổi, hệ thống giá trị trong xã hội thay đổi kéo theo nó là diễn ngôn cũng sẽ thay đổi:

Khi thế giới của chúng ta đang dần trở nên nghèo nàn hơn bao giờ hết, bị máy móc hóa theo công nghệ hơn bao giờ hết, thì cũng là lúc chúng ta rất cần những nhà văn, những người nghệ sĩ, những người có năng lực hướng chúng ta tới cái Đẹp, tới việc nhận ra sự mong manh tiềm ẩn của Trái đất, hòa giải “những tiếng nói” của những kẻ Khác phi nhân

– những kẻ mà chúng ta gần như chẳng bao giờ có thể hiểu được sự tồn tại và ý nghĩa của chúng một cách đầy đủ. (Rigby, K., 2002).

Nỗ lực đánh giá, xác tín lại những giá trị thuộc về quá khứ hay đang hiện hữu, tái thiết lại vị thế của con người bằng cách giải cấu trúc tính nhị nguyên nhân loại/tự nhiên, các cây bút nữ đương đại đã tạo ra một trường nhìn mới mang sức mạnh “quyền lực” tác động đến nhận thức, thay đổi quan niệm của nhân loại trong cách hành xử với tự nhiên.

Từ vấn đề “nữ quyền sinh thái” đến sự xuất hiện diễn ngôn “nữ quyền sinh thái” trong văn học

Phê bình sinh thái tích hợp với các “vấn đề” xã hội như: giới tính (sinh thái nữ quyền (ecofeminism), chủng tộc, giai cấp, xã hội (sinh thái hậu thực dân, sinh thái xã hội (social ecology), sinh thái chủ nghĩa Mác (eco-Marxism)...) chính vì sự cân bằng trong tự nhiên cũng đảm bảo sự cân bằng trong xã hội. Trong đó, sự quan tâm kép đến môi trường sinh thái và sự sống còn của phụ nữ đã thúc đẩy sự xuất hiện của các tổ chức nữ quyền sinh thái do nữ giới sáng lập. Dòng văn học nữ quyền sinh thái cũng đã góp phần không nhỏ trong bối cảnh tranh luận, trưng bày khái niệm nữ quyền sinh thái và hình thành lý luận riêng của chủ nghĩa nữ quyền sinh thái. Trên thế giới, văn học nữ quyền sinh thái thực sự đã đạt được một hiệu ứng xã hội nhất định. Sáng tạo văn học và phê bình văn học của các nhà văn nữ quyền sinh thái đã liên tục thể hiện sự cấp bách và ý nghĩa sâu rộng của chủ nghĩa nữ quyền sinh thái đồng thời thúc đẩy rất nhiều cho các phong trào môi trường và bình đẳng giới. Cùng hứng chịu những hậu quả từ sự biến động môi trường và những vấn nạn về bất bình đẳng giới, văn học Việt Nam có sự tiếp nhận lý thuyết này là lẽ tất yếu.


Trong bối cảnh môi trường sống của con người ngày càng xuống cấp trầm trọng cũng như nhiều vấn nạn đối với nữ giới ngày càng trở nên bức thiết, các tác giả nữ Việt Nam đương đại bắt đầu có ý thức về vấn đề môi trường và vấn đề phân biệt giới trong sáng tác văn học. Mặt khác xuất phát từ bản chất nội tại của nữ giới, họ cũng tìm thấy mối liên hệ thân phận của mình với tự nhiên, diễn ngôn nữ quyền sinh thái được hình thành từ sự kết nối lồng ghép này (như chúng tôi trình bày ở 2.3).

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 268 trang tài liệu này.

Trên phương diện ngôn ngữ, có thể thấy các sáng tác mang thiên tính nữ đều mang dấu ấn rất riêng của phái tính, của cá nhân các tác giả gắn với hệ sinh thái tự nhiên và tinh thần của họ, điều mà các nhà phê bình sinh thái nữ quyền gọi là mối liên hệ chặt chẽ giữa môi trường (môi trường tự nhiên, môi trường xã hội), phụ nữ và văn chương. Coi nghệ thuật như một phương thức truyền tải diễn ngôn nữ quyền sinh thái, các cây bút văn xuôi nữ Việt Nam đương đại đã bắt đầu phát ra những tín hiệu báo động cũng như thức tỉnh trong cách đối đãi với tự nhiên và nữ giới. Có thể nói rằng, phê bình nữ quyền sinh thái hiện nay là một quá trình phát minh và định hình bản thân, vay mượn phần lớn từ các ngành khác và khoa học tự nhiên. Khi vay mượn lý thuyết đối thoại để làm nền tảng cho phương pháp thực hành, các nhà phê bình nữ quyền sinh thái tiến hành tập trung vào văn bản, tìm ra những tín hiệu nhận biết sự cách tân, độc đáo được tác giả chuyển tải gắn với những vấn đề thiết thực hiện nay. Việc khai mở tính đối thoại trong phê bình nữ quyền sinh thái sẽ củng cố thêm niềm tin của chúng ta đối với “quyền lực diễn ngôn” và giá trị xã hội của khoa học văn chương. Thêm nữa, chủ đích của lý thuyết này không phải là hướng vào hình thức nghệ thuật, bao gồm vẻ đẹp của ngôn từ, cốt truyện hấp dẫn, xây dựng nhân vật tinh tế, mà hướng đến “Trái đất trung tâm”, phản đối tư tưởng nhị nguyên, thiết lập mối quan hệ tương giao mới với tự nhiên. Đối thoại với thế giới phi nhân loại, để nhìn xa hơn, rò hơn những thách thức và nguy cơ chỉ trong vài thập kỉ tới nhân loại sẽ đương đầu. Đâychính là sự thể hiện quyền lực của diễn ngôn.

2.4.2. Điều kiện hình thành diễn ngôn nữ quyền sinh thái trong văn xuôi nữ Việt Nam

Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam: Tự nhiên và nữ giới trong văn xuôi nữ Việt Nam đương đại nhìn từ nữ quyền luận sinh thái - 12

Thực tiễn văn học Việt Nam tiềm tàng nhiều điều kiện cho phép ta ứng dụng lý thuyết nữ quyền sinh thái. Trong giới hạn hiểu biết của mình, chúng tôi đưa ra một số điều kiện hình thành diễn ngôn nữ quyền sinh thái trong văn xuôi nữ Việt Nam như sau:

Tiền đề văn hóa – tư tưởng

Diễn ngôn nữ quyền sinh thái mang bản chất của một diễn ngôn văn hóa tư tưởng. Sự tồn tại lâu dài của mô hình văn hóa nam quyền trung tâm đã tạo nên nguy cơ sinh thái


và phân biệt giới tính. Trong thời kỳ mẫu hệ, phụ nữ được kính trọng, đề cao nhưng vị trí đó đã mất đi từ khi xã hội nam quyền thay thế, tương tự thời kỳ khoa học kỹ thuật chưa phát triển, hiểu biết của con người về thế giới tự nhiên còn hạn chế, con người luôn giữ thái độ sùng kính tự nhiên. Khoa học phát triển thì đồng thời con người cũng muốn vươn lên giữ vai trò bá chủ thiên nhiên, biến thiên nhiên thành phương tiện phục vụ nhu cầu vật chất của mình. Tiền đề văn hóa tư tưởng này là tác nhân hình thành diễn ngôn nữ quyền sinh thái trong văn xuôi nữ đương đại. Hướng tới nhiều vấn đề, nhưng nó xoay quanh vấn đề phụ nữ và tự nhiên, kết hợp góc nhìn sinh thái và góc nhìn tự nhiên, tạo ra một không gian nghiên cứu đặc thù: “Chính phê bình nữ quyền đã mang đến góc nhìn giới tính cho phê bình sinh thái. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra đàn ông nô dịch phụ nữ bắt đầu từ việc nô dịch tự nhiên. Sự nô dịch này được thực hiện toàn diện, triệt để trong xã hội tư bản thời đại công nghiệp hóa” (Đỗ Văn Hiểu, 2016).

Mặt khác, những tác nhân ngoại sinh như sự ảnh hưởng của tư tưởng, khoa học kỹ thuật phương Tây đầu thế kỷ XX đã mang đến sự thay đổi nhận thức về “con người”. Nền dân chủ phương Tây và các giá trị khoa học của nó đã mang đến một nhãn quan mới về vấn đề con người, vượt xa quan niệm con người – đạo đức của tư tương Nho gia, đó chính là sự hình thành quan niệm về con người sinh vật học: “Khái niệm “con người” ở đây là có tính chất “sinh vật học”, khác với “con người” theo đạo đức tôn giáo ở Trung Quốc và phương Tây trước đây. Vì vậy, chỉ cần là “con người”, với tính chất sinh vật học, là được hưởng quyền cơ bản của con người” (Vi Chính Thông, 1996, tr.206). Chính trong phạm trù “con người” và cách hiểu mới về nó mà người phụ nữ và vị thế của nữ giới, cũng như mối quan hệ của con người với tự nhiên được nhận thức lại.

Như vậy, sự xuất hiện của nữ quyền sinh thái là sự tiếp nối của truyền thống mẫu hệ (Phúc đức tại mẫu, Con dại cái mang, cha sinh không tày mẹ dưỡng; Lệnh ông không bằng cồng bà; Nhất vợ, nhì giời...) cũng như tư tưởng thiên địa vạn vật đồng nhất thể, vạn vật hữu linh trong trong cội nguồn văn hóa dân tộc. Điều này đã khẳng định sự ảnh hưởng sâu sắc của nền văn minh nông nghiệp lúa nước và truyền thống tôn thờ Mẫu của dân tộc lên các tác phẩm văn học. Khi bắt gặp những điều kiện thuận lợi (như sự thay đổi bối cảnh xã hội, sự giao lưu và ảnh hưởng văn hóa phương Tây), nó trở thành tiền đề, là nhân tố thúc đẩy sự xuất hiện mạnh mẽ của tinh thần nữ quyền sinh thái trong văn học Việt Nam đương đại.


Tiền đề lịch sử – xã hội

Đầu thế kỷ XX, khi nước ta thực hiện cuộc giao lưu, tiếp xúc chính thức với phương Tây (đặc biệt là khi Pháp tiến hành hai cuộc khai thác thuộc địa) thì chủ nghĩa nữ quyền mới có cơ hội xâm nhập và lan tỏa vào mọi lĩnh vực chính trị, đời sống và văn học ở Việt Nam. Dưới tác động của các chương trình khai thác thuộc địa, chính sách văn hóa giáo dục của Pháp, sự ảnh hưởng của các trào lưu tư tưởng trên thế giới, Việt Nam có sự thay đổi trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa giáo dục… Chính sách văn hóa giáo dục của Pháp cũng tạo nên một tầng lớp phụ nữ trí thức, làm thư ký, làm giáo viên, nhà thơ, nhà báo... phụ nữ bắt đầu được chú ý và đề cao ở vai trò xã hội. Thời kì này, phong trào đấu tranh giải phóng phụ nữ, đòi tự do, quyền lợi cho phụ nữ trở nên rất sôi nổi và có ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội. Đây cũng là tiền đề dẫn đến việc xuất hiện một loạt các tác giả “nữ quyền” cũng như các cơ quan ngôn luận về giới nữ đầu thế kỷ XX (như chúng tôi trình bày ở 2.1.2) Đại thắng mùa xuân 1975 đã mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất đất nước.

Tuy nhiên, do di chứng chiến tranh để lại quá nặng nề cùng với nhiều ảnh hưởng chủ quan và khách quan nên đất nước vẫn gặp nhiều khó khăn. Đại hội VI (12/1986) của Đảng đã dẫn đến sự thay đổi và phát triển nhanh chóng cho đất nước ta trên các lĩnh vực trong đó có Văn học nghệ thuật. Khi đất nước đổi mới, mở cửa, hội nhập, giao lưu quốc tế đã làm thay đổi bộ mặt văn hóa xã hội của nước ta. Những trào lưu tư tưởng hiện đại được tích cực truyền bá. Giá trị văn hóa không còn đóng băng trong khuôn khổ thế giới quan, nhân sinh quan xã hội chủ nghĩa mà đã mở rộng theo nhiều chiều hướng khác nhau, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa đa dạng của con người.

Sự biến đổi hoàn cảnh lịch sử như chiến tranh và công cuộc đổi mới đã hình thành nên những giá trị thẩm mỹ mới. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật, sự bùng nổ thông tin, sự chuyển biến trong đời sống kinh tế xã hội, xu thế hội nhập... đã tác động không nhỏ đến đời sống văn học nữ giới. Tinh thần dân chủ hóa đã tạo điều kiện cho họ được “xé rào” “tự cởi trói” để dấn thân vào đời sống sáng tạo và khẳng định mình. Bầu khí quyển này đã tạo điều kiện cho tinh thần nữ quyền phát triển rầm rộ. Một mặt khác, cuộc chiến tranh kéo dài ba mươi năm đã gây những tổn thất nặng nề về con người và môi trường. Khi sinh thái hậu chiến tranh vẫn còn ảnh hưởng dai dẳng, thì mặt trái của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng đặt ra những thách thức lớn đến môi trường. Chiến tranh, quá trình đô thị hóa tác động đến tất cả nhân loại nói chung, nhưng nữ giới là người gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Đứng trước những những vấn đề cấp bách đó, văn học cần trách nhiệm với những tổn


thương của tự nhiên và nữ giới, diễn ngôn nữ quyền sinh thái ra đời từ mối liên kết này và thực tế đã đáp ứng được yêu cầu của thời đại.

Tiền đề lý luận

Dưới sự ảnh hưởng lý luận phê bình nữ quyền sinh thái thì tinh thần nữ quyền sinh thái đã bắt đầu in dấu trong sáng tác của các nhà văn nữ đương đại. Khi cơ sở lý thuyết nữ quyền sinh thái trên thế giới tạo nên một khuynh hướng sáng tác và phê bình vững chắc thì việc hình thành ý thức nữ quyền sinh thái trong văn học nữ Việt Nam đương đại thể hiện sự tiếp biến và thích ứng khá nhanh chóng với sự hội nhập văn học trên thế giới. Một số công trình dịch thuật về lý luận nữ quyền, lý luận sinh thái và nữ quyền sinh thái ở Việt Nam đã gây những chấn động không nhỏ trong đời sống phê bình, sáng tác và thưởng thức văn học. Sự xâm nhập của lý luận nữ quyền sinh thái, môi trường sáng tác dân chủ, rộng mở cũng như sự thay đổi quan niệm thẩm mỹ khiến văn học nữ có sự chuyển biến to lớn. Việc xem xét lại quan niệm nam giới trung tâm, khôi phục địa vị người phụ nữ, khôi phục lại vị trí của tự nhiên, biểu hiện không gian và thời gian đời sống nữ giới... là nguyện vọng chung của các tác giả nữ quyền sinh thái. Nó thể hiện sự bừng tỉnh cái “tôi” dữ dội của nữ giới đã bị đè nén trong một quá trình dài. Lý luận nữ quyền sinh thái góp phần tích cực trong việc thay đổi hệ hình tư duy, đổi mới bút pháp của các cây bút nữ đương đại. Khuynh hướng nghiên cứu này đang dần trở thành một trào lưu phê bình văn học mới có sức hấp dẫn và tác động mạnh mẽ đến việc hình thành ý thức thẩm mỹ của các nhà văn nữ Việt Nam đương đại. Dĩ nhiên, chúng ta không tiếp thu lý luận này ở phần “ngọn” mà nó đã có một quá trình hình thành trong lịch sử văn học và tiến tới sự lồng ghép từ hai vấn đề nữ quyền và sinh thái như chúng tôi đã trình bày ở trên.

Như vậy, sự thay đổi của bối cảnh lịch sử – xã hội, cũng như tiền đề văn hóa – tư tưởng là những nhân tố chính làm nên bước “đột khởi” của văn học nữ Việt Nam đương đại, trong đó diễn ngôn nữ quyền sinh thái không thể nằm ngoài cuộc trong xu thế bối cảnh thế giới đang dấy lên phong trào đấu tranh về bình quyền nữ giới và bảo vệ môi trường. Tất nhiên, làm nên sự bứt phá này không chỉ là nhân tố của hiện thực đời sống mà còn từ yếu tố nội sinh là ý thức của chủ thể sáng tạo nữ (sẽ được chúng tôi đề cập ở 3.1).

2.4.3. Thành tựu bước đầu và những hạn chế

Nữ quyền sinh thái đã chứng tỏ triển vọng của mình và cả những thách thức mới vẫn đang đặt ra cho nó. Bước đầu, các nhà văn nữ Việt Nam đương đại đã tạo ra được một diễn ngôn hòa quyện giữa các vấn đề phụ nữ và vấn đề môi trường sinh thái, các văn bản có thể cung cấp nguồn cảm hứng và bằng chứng về sự hình thành của diễn ngôn nữ quyền


sinh thái. Một dòng văn học mang những đặc trưng của chủ nghĩa nữ quyền sinh thái đang được hình thành và phát triển rầm rộ, góp phần giải quyết những khủng hoảng của con người thời hiện đại từ việc sống gần gũi hòa hợp với tự nhiên để được chia sẻ đồng thời xác lập những giá trị mới phù hợp với xu thế toàn cầu cũng như làm phong phú thêm thực tiễn và lý luận văn học. Lý thuyết phê bình văn học nữ quyền sinh thái, và văn học nữ quyền sinh thái đang bắt đầu kết hợp các tiêu chí sinh thái và nữ quyền để giải quyết những nguy cơ của nhân loại, đảm bảo sự cân bằng tự nhiên cũng chính là đảm bảo cân bằng xã hội.

Nếu diễn ngôn nữ quyền sinh thái trên thế giới đã có sự hoàn thiện về thi pháp trên một cơ sở lý luận phê bình vững chắc, văn bản tự nhiên của phụ nữ ở cả Anh và Hoa Kỳ phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ XIX, thì Việt Nam còn đang nằm ngưỡng ban đầu, thao tác chủ yếu là mô tả sự tương đồng, kết nối giữa tự nhiên và nữ giới cũng như thể hiện thái độ bất bình về sự biến mất của tự nhiên, phản tư nam quyền thống trị... Có thể thấy, khi sử dụng phương pháp phê bình "tích hợp" để khai quật, giải mã và trích xuất tư tưởng nữ quyền sinh thái có trong văn bản, sau đó giải thích và thúc đẩy nó thì sẽ mang đến sự nghi ngờ về lý thuyết vì những bằng chứng trong văn bản. Nếu tìm kiếm một văn bản đáp ứng các tiêu chí tinh tế về sinh thái và nữ quyền, e rằng chúng ta sẽ thất vọng. Thay vào đó, nếu chúng ta tìm kiếm ở các tác phẩm ở một mức độ nào đó biểu hiện các tiêu chí đó ta sẽ tìm thấy một loạt các văn bản có thể cung cấp nguồn cảm hứng và bằng chứng về ý thức nữ quyền sinh thái. Mặt khác, nhiều văn bản không có dấu vết của lý thuyết phương Tây, nó như một nhu cầu tự thân cần được phơi bày. Vấn đề nữ quyền và vấn đề sinh thái được các nhà văn nữ lồng ghép một cách tự nhiên trong nhiều sáng tác của mình như một sự đồng cảm giữa những thân phận bị tổn thương từ tư tưởng thống trị của nam giới. Xu thế lồng ghép hai vấn đề này như ở trên đã phân tích là sự tất yếu bởi chúng đều xuất phát từ văn hóa gia trưởng của nhân loại, vì thế con đường giải phóng phụ nữ không thể tách rời cuộc chiến sống còn của sinh thái.

Việc đặt ra câu hỏi: Liệu văn học Việt Nam có khuynh hướng văn chương nữ quyền sinh thái hay không? Ngữ cảnh nào cho phép diễn ngôn nữ quyền sinh thái được hình thành và tồn tại? Văn xuôi nữ giới đã chạm thấu được những gì đang diễn ra trước cuộc khủng hoảng môi trường, và bất bình đẳng giới? Những chất vấn này không dễ trả lời một cách ngắn gọn, chung chung, và để có đáp án cụ thể, chính xác đòi hỏi phải có nhiều thời gian cũng như nhiều tâm huyết của các nhà nghiên cứu. Tin vào triển vọng của việc vận dụng lý thuyết nữ quyền sinh thái vào thực tiễn văn học nữ Việt Nam, chúng tôi mạnh dạn tìm tòi, khám phá lãnh địa hấp dẫn với nhiều nghi vấn cần giải mã này.


Tiểu kết

Nhìn lại văn học Việt Nam truyền thống, chúng ta có thể thấy vấn đề “nữ quyền” và vấn đề “sinh thái” đã xuất hiện khá sớm và tồn tại trong văn học như một dòng chảy liên tục (với những biểu hiện và mức độ khác nhau ở các thời kỳ), có kế thừa và phát triển từ truyền thống đến hiện tại. Sự xuất hiện của ý thức nữ quyền sinh thái trong văn học nữ Việt Nam đương đại không phải là sự ngẫu nhiên, nhất thời mà là kết quả của sự gặp gỡ những điều kiện khách quan và chủ quan, truyền thống và hiện đại. Ngoài sự ảnh hưởng của tư tưởng nữ quyền sinh thái phương Tây, thì ý thức nữ quyền sinh thái ở Việt Nam còn chịu ảnh hưởng sâu sắc thái độ tôn sùng tự nhiên của một nền văn minh nông nghiệp lúa nước và truyền thống tôn thờ Mẫu của dân tộc. Khi bắt gặp những điều kiện thuận lợi (như bối cảnh xã hội, văn hóa, văn học sau 1986), nó trở thành tiền đề thúc đẩy sự xuất hiện mạnh mẽ của ý thức nữ quyền sinh thái trong văn học nữ Việt Nam đương đại. Việc hình thành khuynh hướng văn xuôi nữ quyền, và văn xuôi sinh thái cũng như là xu thế lồng ghép của hai xu hướng là kết quả tất yếu của bối cảnh lịch sử dân tộc và xu hướng chung của nhân loại. Ban đầu các chủ đề về nữ quyền – sinh thái còn đơn lẻ và khuất lấp giữa những đề tài khác, về sau nó phát triển khá rò nét trong văn xuôi nữ Việt Nam đương đại cùng với sự hình thành của dòng văn học đô thị.


CHƯƠNG 3

“TỰ NHIÊN” VÀ “NỮ GIỚI” QUA Ý THỨC NGHỆ THUẬT VÀ GÓC NHÌN CỦA CHỦ THỂ NỮ

TRONG VĂN XUÔI NỮ VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI

3.1. Vấn đề “Ý thức nghệ thuật”, “góc nhìn”/“điểm nhìn” và “chủ thể nữ”

3.1.1. Sự trỗi dậy “ý thức nghệ thuật” của chủ thể nữ

Từ điển thuật ngữ văn học, 2004, do nhóm tác giả Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên) đã nêu lên cách hiểu chủ thể của hoạt động sáng tạo nghệ thuật là người sáng tạo ra các giá trị mới, có đặc trưng riêng, có cách nhìn nhận, lý giải riêng về thế giới, con người, cuộc sống, không lặp lại, không bắt chước, mô phỏng hay minh hoạ thời đại một cách vụng về, nô lệ. Cùng với đó, tác giả văn học là người sáng tạo ra hình tượng nghệ thuật, tồn tại được trong đời sống văn học, trong công chúng độc giả. Hình tượng đó phải có cái riêng, cái độc đáo mang bản sắc của chủ thể sáng tạo.

Gần mười thế kỷ văn học trung đại, dưới sự thống trị diễn ngôn quyền lực của nam giới, thay vì trở thành chủ thể của văn chương, nữ giới trở thành đối tượng đóng vai trò thực hành, giữ gìn và làm gia tăng quyền lực của diễn ngôn nam giới. Không được bộc lộ lời nói, suy nghĩ của mình, và bị cấm vận với các mối quan hệ xã hội bên ngoài, thế giới bên trong của nữ giới hoàn toàn khép kín, họ bị bưng bít trước những kiến thức khoa học và đời sống. Hình ảnh của họ chủ yếu được mô tả và phán xét qua diễn ngôn của nam giới. Họ không tồn tại với tư cách là chủ thể của diễn ngôn, của lời nói. Vậy điều kiện nào để phụ nữ trở thành chủ thể sáng tạo? Sự chuyển biến lớn lao của đời sống văn hóa xã hội, sự giao lưu với nhiều luồng tư tưởng mới đã khiến trình độ học vấn của nữ giới ngày được nâng cao. Nếu coi văn chương là lĩnh vực của sự sáng tạo mà ở đó chủ thể sáng tạo phải khẳng định cá tính và sự độc đáo của mình thì việc phụ nữ cầm bút viết văn đã khẳng định nhu cầu khẳng định bản sắc phái tính của họ.

Từ sự thay đổi lớn lao do công cuộc đổi mới đem lại, văn xuôi nữ đương đại đã thực sự phát triển rầm rộ và chiếm ưu thế trên văn đàn. Phụ nữ sáng tác với vai trò là một chủ thể tự kiến tạo về giới của mình. Họ là chủ thể của diễn ngôn (diễn ngôn giới nữ) chứ không phải là đối tượng diễn ngôn (diễn ngôn về giới nữ). Hình tượng nữ giới xưa được nhìn nhận đánh giá bằng đôi mắt nam quyền thì giờ đây được nhìn bằng đôi mắt của chính họ. Làm nên sự thay đổi này ngoài sự tác động của những yếu tố ngoại sinh như: bối cảnh lịch sử xã hội, sự ảnh hưởng của lý thuyết nữ quyền và khuynh hướng văn học nữ quyền

Xem tất cả 268 trang.

Ngày đăng: 10/06/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí