Quan Điểm Và Một Số Chỉ Tiêu Đánh Giá Kết Quả Hoạt Động Kinh Doanh Của Doanh Nghiệp


năng lực động có thể được thực hiện ngay cả trong điều kiện thị trường ít biến động. Winter (2003) cho rằng chính những yêu cầu thay đổi trong nội bộ DN dẫn đến việc cần thiết phải nuôi dưỡng và phát triển các năng lực thông thường thành các năng lực động và coi năng lực động và một dạng của năng lực thứ bậc cao.

Từ các khái niệm về năng lực động được đưa ra, có thể thấy năng lực động là một dạng năng lực quan trọng của DN, được hình thành thông qua cả hai hình thức: nuôi dưỡng, phát triển các năng lực hiện thời và sáng tạo ra các năng lực mới cho DN. Năng lực động có thể được tạo lập nhằm phúc đáp với những thay đổi từ bên ngoài hoặc từ chính những yêu cầu thay đổi từ nội bộ của doanh nghiệp. Với quan điểm đó, quan điểm về năng lực động tiếp cận trong luận án được kế thừa và tổng hợp từ cả quan điểm ngoại suy và quan điểm nội suy. Theo đó, năng lực động được coi là một dạng năng lực đặc biệt của doanh nghiệp (Wang & Ahmed, 2007) mà khó có thể bị đối thủ cạnh tranh bắt chước (Griffith & Harvey, 2001); cho phép doanh nghiệp học hỏi và ứng dụng các tri thức mới (Zollo & Winter, 2002) nhằm tái định dạng, làm mới và sáng tạo các nguồn lực, năng lực (Eisenhardt & Martin, 2000); để thích nghi với những yêu cầu thay đổi từ nội bộ doanh nghiệp (Helfat & cộng sự, 2007) cũng như những tác động khách quan từ bên ngoài (Teece & cộng sự, 1997).

2.1.3 Quan điểm và một số chỉ tiêu đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp

Kết quả hoạt động kinh doanh được xem là một biến phụ thuộc quan trọng và được sử dụng rộng rãi trong các nghiên cứu về quản trị doanh nghiệp (March & Sutton, 1997). Kết quả hoạt động kinh doanh có thể được hiểu là mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp (March & Sutton, 1997); là hệ thống chỉ số giúp doanh nghiệp chuyển đổi từ các chiến lược kinh doanh thành các kết quả có thể thực hiện được, bao gồm cả các kết quả về chỉ số tài chính và phi tài chính để đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu của doanh nghiệp (Hall, 2008 trích dẫn trong Franco-Santos & cộng sự, 2012). Như vậy, kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có thể được đánh giá bằng một trong hai nhóm chỉ số hoặc cả hai nhóm chỉ số: tài chính và phi tài chính. Thông qua đánh giá các chỉ số này, doanh nghiệp có thể đưa ra các điều chỉnh trong hệ thống quy trình quản lý như thay đổi trong thiết lập mục tiêu, thay đổi trong cách thức ra quyết định hay thay đổi trong đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh nhằm giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu chiến lược đã chọn.

Để đo lường kết quả hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp có thể lựa chọn sử dụng nhiều công cụ đánh giá khác nhau, như dựa trên Thẻ điểm cân bằng BSC (Kaplan & Norton, 1996), dựa trên lăng kính đo lường hiệu suất (Neely & cộng sự, 2002) hay dựa trên mô hình đòn bẩy của khung kiểm soát (Simons, 1995). Theo Franco-Santos


& cộng sự (2012), hệ thống chỉ số đo lường kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được chia thành bốn nhóm, gồm: (1)- Nhóm chỉ số tài chính và phi tài chính có thể được biểu thị rõ ràng hoặc được ngụ ý trong nội dung chiến lược của doanh nghiệp; được sử dụng để xác định nội dung và cách thức ra quyết định của nhà quản trị; và giúp doanh nghiệp đo lường kết quả hoạt động kinh doanh. (2)- Nhóm chỉ số tài chính và phi tài chính có thể hiện mối quan hệ nhân quả giữa các chỉ số và được biểu thị rõ ràng trong nội dung chiến lược của doanh nghiệp; được sử dụng để xác định nội dung và cách thức ra quyết định của nhà quản trị; và giúp doanh nghiệp đo lường kết quả hoạt động kinh doanh. (3)- Nhóm chỉ số tài chính và phi tài chính được biểu thị rõ ràng hoặc được ngụ ý trong nội dung chiến lược của doanh nghiệp; được sử dụng xác định nội dung và cách thức ra quyết định của nhà quản trị; và giúp doanh nghiệp đo lường các kết quả hoạt động kinh doanh cũng như hiệu suất quản trị mà không dựa trên các phần thưởng bằng tiền hoặc vật chất. (4)- Nhóm chỉ số tài chính và phi tài chính được biểu thị rõ ràng hoặc được ngụ ý trong nội dung chiến lược của doanh nghiệp; được sử dụng xác định nội dụng và cách thức ra quyết định của nhà quản trị; và giúp doanh nghiệp đo lường các kết quả hoạt động kinh doanh cũng như hiệu suất quản trị mà dựa trên các phần thưởng bằng tiền hoặc vật chất.

Nhiều nhà nghiên cứu thời gian qua đã đưa ra các hệ thống chỉ tiêu đo lường kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ruekert & cộng sự (1985) đưa ra ba chỉ số đo lường hiệu suất của doanh nghiệp là tính hiệu quả, tính hiệu suất và tính thích ứng. Venkatraman & Ramanujam (1986) lại cho rằng kết quả hoạt động kinh doanh được đo lường dựa trên các chỉ số hiệu suất tài chính, hiệu suất kinh doanh và hiệu quả của tổ chức. Hiệu suất tài chính được đo lường dựa trên các tiêu chuẩn như: ROI (Return On Investment, lợi tức đầu tư); tốc độ tăng trưởng doanh thu và doanh thu. Hiệu suất kinh doanh không chỉ được đo lường bởi các chỉ số tài chính mà còn tính đến cả hiệu suất tổ chức vận hành – liên quan đến thị phần, chất lượng sản phẩm, việc giới thiệu sản phẩm mới, hiệu quả marketing, giá trị gia tăng trong sản xuất và các chỉ số phi tài chính khác. Hiệu suất tổ chức là một nhóm yếu tố phổ biến bao gồm hai nhóm chỉ số đo lường được đề cập ở trên (hiệu suất tài chính và hiệu suất kinh doanh), ngoài ra còn đề cập đến việc giải quyết các xung đột nội bộ để giúp doanh nghiệp đạt được các mục tiêu khác nhau của mỗi thành viên. Bolat & Yilmaz (2009) đã chia kết quả hoạt động kinh doanh thành 7 nhóm chỉ số đo lường: hiệu quả của tổ chức, hiệu suất sản xuất, lợi nhuận, chất lượng, mức độ cải tiến liên tục, chất lượng công việc và trách nhiệm xã hội. Tương tự như vậy, Arend (2014); Torres & cộng sự (2018) đã chỉ ra các thang đo để đo lường cho kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gồm: (1) – các chỉ số tài chính: Lợi nhuận, doanh thu, lợi nhuận trên


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 235 trang tài liệu này.

vốn đầu tư (ROI), lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA), doanh thu, tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp; (2) – các chỉ số phi tài chính: thị phần, quy mô thị trường, vị thế cạnh tranh.

Từ các phân tích trên, có thể thấy, để đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh, việc đo lường cần dựa trên cả hai nhóm chỉ số tài chính và phi tài chính. Trong đó, các chỉ số tài chính thường được xem xét gồm: lợi nhuận; thị phần; doanh thu; tốc độ tăng trưởng doanh thu; ROI; ROA… Các chỉ số phi tài chính có thể được sử dụng trong đánh giá gồm thị phần, quy mô thị trường, mức độ thành công của doanh nghiệp, vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp…

Nghiên cứu năng lực động của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam - 6

2.2 Phân định những nội dung nghiên cứu năng lực động của doanh nghiệp bán lẻ

2.2.1 Khái niệm và đặc điểm của doanh nghiệp bán lẻ

Xét về các định nghĩa “bán lẻ”, đã có nhiều nghiên cứu chính thức được các cá nhân, nhà nghiên cứu và tổ chức đưa ra về đinh nghĩa bán lẻ. Kotler (2000) đưa ra quan điểm “Bán lẻ bao gồm tất cả các hoạt động có liên quan đến việc bán trực tiếp hàng hóa hay dịch vụ cho người tiêu dùng cuối cùng để họ sử dụng vào mục đích cá nhân, không kinh doanh”. Tại Khoản 7, điều 3 Nghị định số 9/2018 NĐ – CP của Chính phủ ngày 15/01/2018 đã chỉ rõ “Bán lẻ là hoạt động bán hàng hóa cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức khác để sử dụng vào mục đích tiêu dùng”. Theo định nghĩa này, bán lẻ được hiểu là hoạt động bán trực tiếp hàng hóa cho người tiêu dùng cuối cùng với mục đích sử dụng cho sinh hoạt cá nhân, gia đình, tổ chức với mục đích phi thương mại. Luận án tiếp cận bán lẻ theo quan điểm của Kotler (2000) và trên cơ sở pháp lý của nghị định số 9/2018/NĐ-CP của Chính phủ về bán lẻ, cụ thể: “Bán lẻ là hình thức bán hàng hóa cho người tiêu dùng cuối cùng để sử dụng vào mục đích tiêu dùng cá nhân, phi thương mại”.

Xét về khái niệm của doanh nghiệp, tại Khoản 10 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 thì “DN là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh”. Như vậy, DN là một tổ chức được pháp luật thừa nhận, có tư cách pháp nhân cụ thể, có mục tiêu cụ thể và hoạt động kinh doanh theo quy định của luật pháp nhằm đạt được những mục tiêu cụ thể đó.

Từ các tiếp cận về doanh nghiệp và bán lẻ, tác giả đưa ra cách hiểu về DN bán lẻ như sau: “Doanh nghiệp bán lẻ là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch cụ thể, được đăng ký theo quy định của pháp luật nhằm thực hiện việc bán hàng hóa cho người tiêu dùng cuối cùng để sử dụng vào mục đích tiêu dùng cá nhân, phi thương mại.


Từ quan điểm trên, doanh nghiệp bán lẻ được tiếp cận trong luận án gồm các đặc điểm sau:

Thứ nhất, DNBL là những tổ chức được thành lập và đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm thực hiện dịch vụ bán lẻ hàng hóa. Tùy thuộc vào các tiêu thức mà DNBL có thể được phân chia thành nhiều loại khác nhau.

Thứ hai, hàng hóa được cung cấp bởi các DNBL nhằm mục đích tiêu dùng, không mang tính thương mại. Cá nhân, hộ gia đình, tổ chức mua hàng với mục đích sử dụng cá nhân, hộ gia đình và tổ chức mà không nhằm mục đích mua đi bán lại hay kinh doanh. Nghĩa là hàng hóa đã được trao đổi không còn được quay lại thị trường để tiếp tục được lưu thông.

Thứ ba, DNBL nằm ở vị trí trung gian giúp các nhà sản xuất và/hoặc các nhà phân phối phía trước tiếp cận được khách hàng cuối cùng và tiêu thụ được sản phẩm. Xét về phía khách hàng, nhà bán lẻ giúp khách hàng dễ dàng tìm kiếm và lựa chọn được sản phẩm mà mình mong muốn và thỏa mãn được yêu cầu của họ (Hogos, 2010).

Thứ tư, sản phẩm của DNBL thường rất đa dạng, phong phú, nhiều chủng loại với nhiều người bán khác nhau. DNBL có xu hướng cung cấp nhiều loại hàng hóa khác nhau với chủng loại và thương hiệu khác nhau. Do vậy, DNBL có khả năng đáp ứng nhu cầu khác nhau của từng khách hàng. Thông qua đó, bán lẻ có thể đạt được kết quả hoạt động kinh doanh cao nhờ vào số lượng hàng hóa trao đổi đa dạng và số lượng người mua lớn.

2.2.2 Khái niệm và bản chất năng lực động của doanh nghiệp bán lẻ

Như đã đề cập ở phần 2.1.2, năng lực động có thể được hình thành từ những yêu cầu thay đổi mang tính khách quan của bên ngoài (tiếp cận ngoại suy) và từ chính những áp lực phải thay đổi trong nội bộ doanh nghiệp (tiếp cận nội suy). Xem xét khía cạnh tiếp cận về khái niệm năng lực động của DN thì thấy:

(1)- Các nghiên cứu còn chưa đề cập đầy đủ và toàn diện về các giá trị gia tăng có thể mang lại khi DN nuôi dưỡng và phát triển năng lực động. Các công trình nghiên cứu về năng lực động chủ yếu tập trung chỉ rõ khả năng tái định dạng và thay đổi các hoạt động (năng lực) thông thường của tổ chức nhằm thích ứng với các biến động của thị trường mà chưa chỉ ra những giá trị cụ thể mà năng lực động có thể mang lại cho DN như cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh của DN nói chung cũng như của các bộ phận, đơn vị kinh doanh cụ thể trong DN nói riêng.

(2)- Nghiên cứu về năng lực động được phát triển dựa trên quan điểm lý thuyết RBV nhưng các quan điểm tiếp cận chưa chỉ rõ được mối quan hệ giữa năng lực động với năng lực cốt lõi của DN cũng như cách thức vận dụng quan điểm RBV để nhận dạng và phát triển các năng lực động cho DN. Do vậy, cần chỉ rõ mối quan hệ giữa


năng lực động với năng lực cốt lõi cũng như cách thức nhận dạng năng lực động của DN dựa trên quan điểm lý thuyết RBV.

(3)- Các nghiên cứu về năng lực động tiếp cận theo những cách khác nhau. Cách tiếp cận nội suy cho thấy năng lực động xuất phát từ những nhu cầu thay đổi và làm mới từ nội bộ DN. Cách tiếp cận ngoại suy lại chỉ ra năng lực động chỉ được hình thành trong điều kiện thị trường có nhiều biến động. Mặc dù mỗi cách tiếp cận có những ưu điểm riêng nhưng vẫn cần có quan điểm tiếp cận kết hợp hài hòa cả hướng ngoại suy và nội suy để tạo nên cái nhìn đa chiều và toàn diện về năng lực động.

(3)- Năng lực động cần phải được phát triển và nuôi dưỡng tương thích và phù hợp với từng nhóm DN và từng ngành nghề kinh doanh cụ thể. Mỗi ngành nghề kinh doanh có những đặc điểm và tính chất cạnh tranh khác nhau, do vậy năng lực động của mỗi nhóm là khác nhau. Việc nhận dạng các năng lực động cho từng nhóm ngành nghề căn cứ vào đặc điểm, tính chất của từng nhóm ngành nghề đó. DNBL cần xem xét và nhận dạng kỹ những đặc trưng của ngành nghề kinh doanh để tìm ra những thành tố năng lực động phù hợp và hiệu quả.

Từ những phân tích và đánh giá trên, có thể thấy cần có một khái niệm về năng lực động mà có thể kết hợp dung hòa trường phái nội suy và ngoại suy. Thông qua đó tạo nên quan điểm tiếp cận toàn diện hơn về năng lực động trong điều kiện sự thay đổi gồm cả chủ quan và khách quan của môi trường.

Gắn với khách thể nghiên cứu được xác định trong luận án là các doanh nghiệp bán lẻ, cùng với việc kế thừa tri thức từ các tiền nghiên cứu, luận án xin đưa ra khái niệm về năng lực động của DNBL được tiếp cận dựa trên cả hai hướng ngoại suy và nội suy dựa trên việc kế thừa từ các quan điểm về năng lực động của các tiền nghiên cứu. Theo đó, luận án định nghĩa năng lực động của DNBL là: “những khả năng của DNBL, cho phép DNBL có thể thu nhận, làm mới, thay đổi và phát triển các năng lực bên trong một cách hiệu quả để phúc đáp kịp thời với những thay đổi từ nội bộ cũng như những biến động của môi trường bên ngoài và nâng cao kết quả hoạt động kinh doanh của DNBL”.

Từ khái niệm trên, có thể thấy các đặc điểm năng lực động của DNBL được tác giả nghiên cứu và sử dụng trong luận án gồm:

- Năng lực động có thể được hình thành dựa trên cả những thay đổi mang tính khách quan và chủ quan. Có nghĩa là, năng lực động có thể được tạo lập trong điều kiện biến động của thị trường, đòi hỏi các DN nói chung và DNBL nói riêng phải có sự rà soát liên tục môi trường bên ngoài để nhận dạng các thay đổi, biến động nói riêng cũng như các cơ hội và thách thức nói chung. Trên cơ sở đó, DNBL tạo ra các năng lực động có tính giá trị, hiếm, khó bắt chước và không thể thay thế (VRIN),


để thích ứng linh hoạt và nhanh chóng với những thay đổi khách quan này. Bên cạnh đó, năng lực động cũng có thể được hình thành dựa trên những yêu cầu thay đổi từ nội bộ DNBL. Tại đó, những yêu cầu về tái cấu trúc các hoạt động, về thay đổi hệ thống và phương thức kinh doanh đòi hỏi DNBL phải xây dựng được các năng lực mới hoặc cải tiến các năng lực hiện tại để đáp ứng với những yêu cầu thay đổi nội bộ này. Năng lực động được tạo dựng có thể được điều chỉnh theo hướng thích nghi từng phần hoặc thay đổi và làm mới toàn bộ tùy theo yêu cầu thay đổi chủ quan của DNBL. Dù là được tạo dựng từ yêu cầu thay đổi mang tính chủ quan hay khách quan thì năng lực động đều được sáng tạo thông qua những thông tin và tri thức mà DNBL có thể thu nhận (hấp thụ) được từ cả môi trường bên ngoài và bên trong của DNBL.

- Năng lực động không chỉ là một thành tố giúp các DN nói chung và DNBL nói riêng thích ứng với sự thay đổi của môi trường nội bộ và môi trường bên ngoài; sáng tạo và phát triển năng lực động còn được xem là yếu tố quan trọng giúp DN đạt được mục tiêu xác định và duy trì được kết quả hoạt động kinh doanh như mong muốn. Do vậy, DNBL cần nuôi dưỡng và phát triển năng lực động một cách hiệu quả để đạt được kết quả hoạt động kinh doanh phù hợp.

- Năng lực động là một dạng năng lực đặc biệt, có tính giá trị, hiếm, khó bắt chước và không thể thay thế (VRIN). Do vậy, năng lực động có thể trở thành năng lực cốt lõi của DN nói chung và DNBL nói riêng. Sự tác động của năng lực động phép phát triển và cải tiến các năng lực nội bộ để nâng cao khả năng cạnh tranh của DN nói chung và DNBL nói riêng và thích ứng tốt với các với áp lực từ sự thay đổi và biến động.

- Năng lực động của DNBL phải là những năng lực điển hình, gắn với ngành bán lẻ. Do vậy, thành tố năng lực động của DNBL phải phù hợp và tương thích với đặc thù kinh doanh cũng như cấu trúc cạnh tranh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ.

2.2.3 Các thành tố năng lực động của doanh nghiệp bán lẻ

Như đã đề cập ở phần 2.2.2, lý thuyết RBV và lý thuyết năng lực động đóng vai trò là các lý thuyết nền tảng cho nghiên cứu về năng lực động của DNBL. Phần khái niệm và đặc điểm về năng lực động của DNBL cũng đã chỉ rõ: (1)- Để xác định các thành tố của năng lực động thì cần xem xét những đặc điểm tiềm ẩn của từng thành tố trong đối chiếu với đặc điểm và bản chất của năng lực động; nếu một yếu tố có thể giúp doanh nghiệp thích ứng linh hoạt với các điều kiện biến động từ bên ngoài để có thể góp phần cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bán lẻ thì đó được xem là các thành tố năng lực động của DN nói chung và DNBL nói riêng. (2)- Năng lực động của mỗi loại hình, ngành nghề kinh doanh là khác nhau; do vậy, trên


cơ sở kế thừa từ các tiền nghiên cứu và gắn với khách thể nghiên cứu là các DNBL, cần phải chỉ ra các thành tố năng lực động được xem là điển hình và phù hợp.

Tổng quan nghiên cứu về năng lực động cho thấy, năng lực động gồm nhiều thành tố khác nhau. Mặc dù các tên gọi là khác nhau nhưng tổng hợp lại có ba thành tố năng lực động được nhiều nghiên cứu thừa nhận và coi đây là những thành tố năng lực động tổng quát, được áp dụng cho nhiều loại hình DN khác nhau (Teece & cộng sự, 1997), là năng lực hấp thụ, năng lực đổi mới sáng tạo và năng lực phối tích hợp.

(1)- Năng lực hấp thụ (Absorption capability) được hiểu là khả năng thu nhận, học hỏi, thích nghi và các sử dụng các tri thức, kinh nghiệm từ bên ngoài để thay đổi và cải tiến hoạt động kinh doanh của DN (Wang & Ahmed, 2007). Trong nhiều nghiên cứu, năng lực này còn được gọi là “năng lực thích ứng” (Banjongprasert, 2013; Frasquet & cộng sự, 2013; Frasquet & cộng sự, 2018); “năng lực cảm nhận” (Menon & Yao, 2017; Cao, 2011; Rehman & Saeed, 2015); “năng lực học hỏi” (Teece & cộng sự, 1997; Menon & Yao, 2017; Nguyễn Đình Thọ & Nguyễn Thị Mai Trang, 2009; Rehman & Saeed, 2015; Bùi Quang Tuyến, 2017) hay “năng lực cảm nhận và năng lực thích nghi” (Williamson, 2016).

(2)- Năng lực đổi mới sáng tạo (Innovation capability). NL đổi mới sáng tạo thể hiện khả năng làm mới, cải tiến, thay đổi và phát triển các hoạt động, quy trình và sản phẩm mới cho DN (Wang & Ahmed, 2007). NL đổi mới sáng tạo còn được Teece & cộng sự (1997); Eisenhardt & Martin (2000); Menon & Yao (2017); Cao (2011) gọi là “năng lực tái định dạng và chuyển đổi”. Nhiều tác giả cũng gọi loại hình năng lực này là “năng lực sáng tạo” (Nguyễn Đình Thọ & Nguyễn Thị Mai Trang, 2009; Huỳnh Thị Thúy Hoa, 2011; Nguyễn Phúc Nguyên, 2016; Bùi Quang Tuyến, 2017); “năng lực sắp xếp” (Banjongprasert, 2013); hay “Năng lực chuyển đổi” (Williamson, 2016).

(3)- Năng lực phối hợp và tích hợp (Co-ordination & integration capability). Năng lực phối hợp và tích hợp thể hiện khả năng phối kết hợp các hoạt động và lĩnh vực chức năng của DN để tạo nên sự thay đổi và thích ứng của DN với môi trường (Teece & cộng sự, 1997; Menon & Yao, 2017; Rehman & Saeed, 2015). Năng lực này còn được gọi là “năng lực tích hợp các nguồn lực” (Eisenhardt & Martin, 2000); “năng lực định hình”(Cao, 2011); “năng lực quản lý” (Banjongprasert, 2013); “năng lực kết nối & năng lực tích hợp” (Nguyễn Trần Sỹ, 2013); hay “năng lực kết nối” (Nguyễn Phúc Nguyên, 2016).

Mặc dù ba thành tố trên được nhiều nghiên cứu thừa nhận và coi là những thành tố quan trọng của năng lực động nhưng với khách thể nghiên cứu là các DNBL thì năng lực hấp thụ và năng lực đổi mới sáng tạo là hai thành tố được xem là có ảnh hưởng mạnh hơn (Frasquet & cộng sự, 2013; Cao & Li, 2015; Frasquet & cộng sự, 2018).


Năng lực hấp thụ giúp các DN nói chung và DNBL nói riêng thu nhận, chuyển đổi và sử dụng các tri thức, kinh nghiệm mới để thích ứng hiệu quả với các điều kiện môi trường thay đổi. Năng lực đổi mới sáng tạo tập trung vào cải tiến và làm mới các quy trình hoạt động và các dịch vụ mới, giúp DNBL thích nghi tốt với các yêu cầu mới từ thị trường. Do vậy, các thành tố năng lực động tổng quát của DNBL được xác định trong luận án gồm năng lực hấp thụ và năng lực đổi mới sáng tạo.

Ngoài ra, trong một số nghiên cứu gần đây về chủ đề năng lực động đã cho thấy vai trò và sự ảnh hưởng của các thành tố năng lực động tổng quát tới các năng lực tác nghiệp (năng lực hoạt động, năng lực chức năng) trong doanh nghiệp. Các năng lực tác nghiệp hay còn được gọi là năng lực thông thường, năng lực vận hành (Winter, 2003). Theo đó, các thành tố năng lực động đóng vai trò là tiền đề, thúc đẩy các năng lực tác nghiệp này thay đổi và phát triển, từ đó góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh và cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh của DN (Banjongprasert, 2013). Dưới sự tác động của các thành tố năng lực động, các năng lực tác nghiệp có thể thay đổi, cải tiến và phát triển để thích nghi nhanh hơn với các biến động từ môi trường; từ đó, biến các năng lực tác nghiệp này thành các năng lực động. Do vậy, xét về vai trò và mối quan hệ, các năng lực động tổng quát được xem là những năng lực tiền đề giúp hình thành và phát triển một số năng lực tác nghiệp đặc biệt và biến chúng thành các năng lực động cụ thể (Banjongprasert, 2013; Frasquet & cộng sự, 2018). Tổng quan tình hình nghiên cứu có liên quan đã chỉ ra một số năng lực tác nghiệp có thể được tác động bởi các năng lực động tổng quát và trở thành các các thành tố năng lực động cụ thể như: Năng lực marketing (Nguyễn Đình Thọ & Nguyễn Thị Mai Trang, 2009; Hồ Trung Thanh, 2012; Barrales-Molina & cộng sự, 2014), Năng lực quản trị chuỗi cung ứng (Fang and Zou, 2009), Năng lực quản trị quan hệ khách hàng (Fang & Zou, 2009; Drnevich & Kriauciunas, 2011; Frasquet & cộng sự, 2013), Năng lực tích hợp đa kênh (Oh & cộng sự, 2012; Zhang & cộng sự, 2018; Tagashira & Minami, 2019), Năng lực xây dựng & phát triển thương hiệu (Frasquet & cộng sự, 2013; Rufaidah, 2016; Brodie & cộng sự, 2017; Bùi Quang Tuyến, 2017; Frasquet & cộng sự, 2018). Mặc dù các tiền nghiên cứu đã chỉ ra nhiều năng lực tác nghiệp có thể nhận được sự tác động từ các năng lực động tổng quát để trở thành năng lực động cụ thể, nhưng với khách thể nghiên cứu là các DNBL, hai năng lực tác nghiệp là năng lực xây dựng & phát triển thương hiệu và năng lực tích hợp đa kênh lạị là những năng lực được cho là phản ánh nhiều hơn cho các DN kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ (Cao & Li, 2015; Frasquet & cộng sự 2018). Với đặc điểm đó, luận án thực hiện đánh giá sự ảnh hưởng và tác động của các thành tố năng lực động tổng quát tới hai năng lực tác nghiệp và nhìn nhận hai năng lực tác nghiệp này như là những năng lực động cụ thể của DNBL, gồm năng lực xây dựng & phát

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 23/02/2024