Những Điểm Thống Nhất Về Cạnh Tranh Trong Cung Ứng Dịch Vụ Thông Tin Di Động Của Các Công Ty Viễn Thông


Mô hình này đã lý giải những lực lượng thúc đẩy sự đổi mới và năng động của các công ty và qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh của các công ty trên thị trường. Bốn nhóm nhân tố trong mô hình viên kim cương của M.Porter phát triển trong mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau và tác động quan trọng đến việc hình thành và duy trì năng lực cạnh tranh quốc tế của các công ty trong một ngành kinh tế - kỹ thuật nào đó. Sự sẵn có cả về số lượng và chất lượng các nguồn lực cần thiết cho việc phát triển một ngành có khả năng cạnh tranh; thông tin thông suốt về những cơ hội kinh doanh mà các công ty có thể tiếp cận; chiến lược của các công ty trong khai thác và sử dụng các yếu tố nguồn lực; quan điểm, triết lý kinh doanh của chủ sở hữu, quản trị viên, các nhân viên trong công ty,… đều có thể “cộng hưởng” thúc đẩy các công ty trong một ngành phải hoạt động hiệu quả hơn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới nhanh hơn và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Vai trò của Nhà nước là thông qua các chính sách vĩ mô tác động vào cả bốn “mặt” của “viên kim cương” sao cho chúng cùng phát triển tương xứng, đồng bộ và hỗ trợ lẫn nhau tạo thuận lợi cho các công ty trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh trên thương trường quốc tế

Năm 1998, Porter cho ra đời cuốn sách “Competitive Strategy – Techniques for Analyzing Industries and Competitors”. Trong cuốn sách này, tác giả đã nêu ra cách phân tích kỹ thuật chiến lược cạnh tranh tổng quát, môi trường công nghiệp chung và chiến lược đưa ra quyết định [52].

Năm 2008, cuốn sách về năng lực cạnh tranh đáng chú ý được xuất bản là “On Competition, Updated and Expanded Edition” cũng của tác giả Michael E. Porter. Cuốn sách này được viết theo nhiều chủ đề, cho phép người đọc dễ dàng truy cập đến hàng loạt các công việc của Porter. Phần I và II giới thiệu việc các công ty, cũng như các quốc gia và khu vực, đạt được và duy trì lợi thế cạnh tranh như thế nào. Phần III cho thấy cách suy nghĩ chiến lược có thể giải quyết những thách thức cấp bách nhất của xã hội từ môi trường bền vững. Phần IV tìm hiểu làm thế nào để các công ty có thể tạo ra giá trị cho xã hội nhiều hơn. Phần V khám phá những mối liên hệ giữa chiến lược và lãnh đạo [53].

Ngoài Porter, còn một số tác giả khác cũng đề cập đến năng lực cạnh tranh. Năm 1995, H Chang Moon, Alan M Rugman và Alain Verbeke viết cuốn “The generalized double diamond approach to international competitiveness”. Trong cuốn sách này, các tác giả đề cập đến cách tốt hơn để đầu tư trực tiếp nước ngoài và vai trò của chính phủ đến khả năng cạnh tranh của các công ty, công nghiệp và quốc gia [36].

Năm 2008, Cristina Simón và Gayle Allard viết “Competitiveness and the employment relationship in Europe: Is there a global missing link in HRM?”. Trong cuốn sách này, các tác giả đề cập đến các liên kết giữa khả năng cạnh tranh và mối quan hệ lao động (ER); phân tích năng lực cạnh tranh quốc gia của các nước châu Âu


thông qua trình độ lao động ở các nước này và đưa ra kết luận cho thấy người lao động trong nước cạnh tranh được hưởng sự linh hoạt và tự chủ. Một số kết luận được nêu lên về những gì công ty có thể làm từ quan điểm quản lý nhân sự để tối ưu hóa khả năng lao động, dẫn đến sản xuất nhiều hơn và cạnh tranh trong môi trường làm việc [33].

Ngày 10/9/2010, tại Bắc Kinh (Trung Quốc), trước thềm hội nghị thường niên của tổ chức WEF diễn ra tại Thiên Tân, WEF đã công bố “Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2010 – 2011”. Trong báo cáo này, WEF đánh giá năng lực cạnh tranh của 139 quốc gia dựa trên 3 hạng mục cho điểm chính, bao gồm 12 trụ cột khác nhau. Hạng mục thứ nhất (các Yêu cầu cơ bản) gồm 4 trụ cột là thể chế, cơ sở hạ tầng, môi trường kinh tế vĩ mô, giáo dục cơ bản và chăm sóc y tế. Hạng mục thứ hai (Các nhân tố cải thiện hiệu quả) gồm 6 trụ cột là giáo dục bậc cao và đào tạo, tính hiệu quả của thị trường hàng hóa, tính hiệu quả của thị trường lao động, mức độ phát triển của thị trường tài chính, mức độ sẵn sàng về công nghệ, quy mô thị trường. Hạng mục thứ ba (Các nhân tố về sáng tạo và phát triển) gồm 2 trụ cột là trình độ phát triển của công ty và năng lực sáng tạo. Trong mỗi trụ cột này lại bao gồm nhiều yếu tố khác nhau để xếp hạng, chẳng hạn, trụ cột thể chế bao gồm 21 yếu tố, từ quyền sở hữu trí tuệ tới mức độ bảo vệ nhà đầu tư. WEF cũng liệt kê những yếu tố gây cản trở nhiều nhất đối với hoạt động kinh doanh tại các quốc gia được xếp hạng trong báo cáo [58].

Tuy nhiên, báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu nói trên cũng chỉ mang tính chất tham khảo bởi đây là báo cáo xếp hạng năng lực cạnh tranh của các quốc gia, không đề cập đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm/dịch vụ.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 185 trang tài liệu này.

Trong lĩnh vực viễn thông, có một số nghiên cứu sau:

-Jean-Jacques Laffont and Jean Terole, Compatition in Telecommunications, Massachusetts Intitute of Technology. Trong cuốn sách này, hai tác giả đưa ra mô hình lý thuyết dựa trên giả định rằng sự độc quyền tự nhiên của ngành viễn thông không còn phản ánh thực tế. Kết quả là, các nhà hoạch định chính sách thường thiếu sự hướng dẫn của các lý thuyết kinh tế. Vấn đề cạnh tranh trong viễn thông được viết để hướng đến các nhà quản lý, chuyên gia tư vấn, các quan chức chính phủ, và những người có quan tâm.

Nâng cao năng lực cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ thông tin di động của các công ty viễn thông Việt Nam - 4

Jean-Jacques Laffont và Jean Tirole phân tích cải cách pháp lý và sự xuất hiện của cạnh tranh trong ngành công nghiệp mạng bằng cách sử dụng các lý thuyết của tổ chức công nghiệp, kinh tế chính trị - gọi là công cụ nghệ thuật của nhà nước. Cuốn sách mở ra với các thông tin nền tảng cho những người không quen thuộc với các vấn đề hiện tại trong ngành công nghiệp viễn thông.

Những phần sau tập trung vào bốn lĩnh vực trung tâm của phong trào bất quy tắc gần đây trong ngành viễn thông: sự ra đời của quy định ưu đãi; truy cập một chiều; bản chất đặc biệt của cạnh tranh trong một ngành công nghiệp đòi hỏi hai cách tiếp cận


(theo đó mạng lưới cạnh tranh phụ thuộc lẫn nhau về việc chấm dứt các cuộc gọi); và phổ cập dịch vụ [40].

Đây là một cuốn sách phân tích khá kỹ về cạnh tranh trong ngành công nghiệp mạng theo khía cạnh quản lý Nhà nước về viễn thông. Tuy nhiên, tác giả mới đề cập đến vấn đề cạnh tranh chung trong viễn thông mà chưa đề cập cụ thể đến việc cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ thông tin di động.

- Feng Li and Jason Whalley, Deconstruction of the telecommunications industry: from value chains to value networks, Telecommunications Policy. Trong nghiên cứu này, các tác giả đã đưa ra kết luận rằng một số thay đổi hiện nay trong ngành viễn thông là rất cấp tiến, và tất cả công ty cần phải đánh giá lại chiến lược và vị trí thị trường của họ và thực hiện các quyết định khó khăn để đi tiếp. Các chuỗi giá trị đang nhanh chóng phát triển thành các mạng lưới giá trị, tạo ra sự phức tạp lớn cho tất cả các công ty tham gia. Nghiên cứu sâu hơn là vạch ra chuỗi giá trị và giá trị có thể của mạng lưới viễn thông trong bối cảnh nền kinh tế mới, xác định các công ty khác nhau, các chiến lược và mô hình kinh doanh mà họ có thể áp dụng, phát triển khung khái niệm mới cho sự hiểu biết hiện tại trong viễn thông và các ngành liên quan, tạo ra công cụ mới và kỹ thuật để xác định cơ hội và mối đe dọa để xây dựng chiến lược mới [34].

Cuốn sách này đã đề cập được chuỗi giá trị của mạng lưới viễn thông trong các bối cảnh nền kinh tế mới, đưa ra được khung khái niệm mới về viễn thông và các ngành liên quan. Tuy nhiên, cuốn sách thiên về lý thuyết, chưa có điều tra thực tế về chiến lược và vị trí thị trường, năng lực cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ của các công ty, đặc biệt là các công ty cung ứng dịch vụ thông tin di động.

- John H. Harwood II, William T Lake, and David M. Sohn, Compatition in International Telecommunications Services. Các tác giả kết luận rằng Hoa Kỳ đã có những nỗ lực giúp tạo ra động lực mạnh mẽ đối với cải cách về cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông ngoài nước Mỹ, kết quả là tạo ra mức giá thấp hơn và các dịch vụ đa dạng hơn cho người tiêu dùng [41].

Cuốn sách này có ưu điểm là có điều tra thực tế về cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông ngoài nước Mỹ, tuy nhiên, cuốn sách chưa đưa ra được mô hình nghiên cứu cho năng lực cạnh tranh của các công ty cung ứng dịch vụ viễn thông, đặc biệt là công ty cung ứng dịch vụ thông tin di động.

1.2. Một số công trình nghiên cứu trong nước

Tại Việt Nam cũng có những nghiên cứu về năng lực cạnh tranh:

- Năm 2003, UNDP và CIEM nghiên cứu “Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia“. Cuốn sách này phân tích năng lực cạnh tranh của Việt Nam và đưa ra các giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia [28]. Tuy nhiên, thời điểm phân tích


của cuốn sách cách đây khá lâu, thông tin đã có nhiều bất cập, không còn tính ứng dụng vào thực tế.

- Cũng trong năm 2003, tác giả Lê Xuân Bá xuất bản cuốn sách “Hội nhập kinh tế - áp lực cạnh tranh trên thị trường và đối sách của một số nước”. Trong cuốn sách này, tác giả đã phân tích môi trường đầu tư, lựa chọn dịch vụ và chính sách cho tương lai. Tác giả cũng đã đưa ra các giải pháp cụ thể mà Việt Nam cần thực hiện để khai thác triệt để những lợi ích do hội nhập kinh tế khu vực mang lại, trình bày kinh nghiệm hội nhập kinh tế của nhiều nước châu Âu và châu Á [2]. Tuy nhiên, cũng như tác phẩm “Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia” của UNDP và CIEM, một số thông tin của cuốn sách này đã cũ, tính ứng dụng vào thực tế không còn cao.

- Năm 2004, tác giả Trần Văn Tùng trong cuốn “Cạnh tranh kinh tế, lợi thế cạnh tranh quốc gia và chiến lược cạnh tranh của công ty“ đã đề cập đến vấn đề cạnh tranh trong kinh tế, phân tích lợi thế cạnh tranh của quốc gia và đề xuất chiến lược cạnh tranh cho các công ty trong giai đoạn Việt Nam đang dần dần hội nhập kinh tế thế giới [14].

Đây là cuốn sách khá hay về năng lực cạnh tranh. Tác giả đã phân tích được lợi thế cạnh tranh của Việt Nam và đưa ra được chiến lược cạnh tranh cho các công ty Việt Nam trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới. Tuy nhiên, tác giả chưa đưa ra được mô hình nghiên cứu để có thể thuyết phục người đọc về tính chặt chẽ của nghiên cứu.

- Năm 2006, TS. Vũ Trọng Lâm xuất bản cuốn sách “Nâng cao sức cạnh tranh của các công ty trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế”. Ở công trình này, tác giả đã hệ thống hóa một số quan niệm về sức cạnh tranh của công ty; phân tích kinh nghiệm trong nước và quốc tế về nâng cao sức cạnh tranh của công ty; phân tích thực trạng cạnh tranh và môi trường pháp lý của cạnh tranh ở Việt Nam. Trọng tâm của cuốn sách là nêu và đánh giá thực trạng sức cạnh tranh của các công ty Hà Nội. Cuối cùng, tác giả đưa ra những giải pháp chủ yếu nâng cao sức cạnh tranh của các công ty [10]. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này, tác giả chưa đưa ra được mô hình nghiên cứu cụ thể, đối tượng nghiên cứu là năng lực cạnh tranh của các công ty trên địa bàn Hà Nội, tính tổng quát chưa cao.

- Năm 2008, TS. Nguyễn Hữu Thắng xuất bản cuốn sách “Năng lực cạnh tranh của các công ty Việt Nam trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay”. Trong cuốn sách này, tác giả phân tích năng lực cạnh tranh của các công ty Việt Nam trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, thách thức của việc hội nhập và đưa ra một số giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh của các công ty Việt Nam trước những thách thức đó [16]. Tương tự như nghiên cứu trên, nghiên cứu của TS. Nguyễn Hữu Thắng cũng chưa đưa ra được mô hình nghiên cứu cụ thể, tác giả phân tích năng lực cạnh tranh của các công ty khi Việt Nam mới gia nhập tổ chức WTO, bối cảnh kinh tế đã khác thời điểm hiện tại.


- Năm 2010, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Học viện Năng lực cạnh tranh châu Á và M.E Porter đã có buổi Hội thảo “Báo cáo năng lực cạnh tranh Việt Nam 2010”. Báo cáo đã cung cấp các số liệu, phân tích và những đề xuất cụ thể nhằm giúp các nhà hoạch định chính sách trong quá trình xác định hướng đi tương lai. Báo cáo đưa ra những phân tích tổng hợp làm đầu vào cho việc xây dựng một chiến lược kinh tế vừa dựa trên các kinh nghiệm quốc tế, vừa phù hợp với điều kiện hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam; đồng thời đi sâu phân tích những nguồn lực dẫn dắt tăng trưởng của Việt Nam thời gian qua cũng như những vấn đề lớn mà đất nước phải giải quyết để tiếp tục duy trì và thúc đẩy phát triển kinh tế [29].

Đây là một bản báo cáo khá chi tiết và cập nhật về năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2010. Bản báo cáo đã chỉ ra được điểm mạnh, điểm yếu của Việt Nam trong việc duy trì và thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển. Tuy nhiên, đây là đánh giá chung của nhóm nghiên cứu về năng lực cạnh tranh của quốc gia, chưa đề cập đến năng lực cạnh tranh của công ty, đặc biệt chưa đề cập đến năng lực cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ của công ty.

Riêng lĩnh vực viễn thông di động, trong thời gian qua có một số công trình nghiên cứu sau:

- Năm 2006, GS.TS. Bùi Xuân Phong đã xuất bản cuốn sách “Quản trị kinh doanh viễn thông theo hướng hội nhập kinh tế”. Sau khi đề cập những vấn đề chung về kinh doanh và quản trị kinh doanh viễn thông; các lĩnh vực quản trị kinh doanh viễn thông, tác giả đã đề cập đến một số lý luận về cạnh tranh và năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho công ty viễn thông [13]. Cuốn sách này viết cho ngành viễn thông chung, không đề cập riêng đến lĩnh vực thông tin di động.

- Năm 2007, Lê Ngọc Minh trong luận án tiến sĩ kinh tế “Phát triển kinh doanh của các công ty kinh doanh dịch vụ thông tin di động tại Việt Nam” đã trình bày những lý luận về phát triển kinh doanh của các công ty kinh doanh dịch vụ thông tin di động, phân tích thực trạng phát triển kinh doanh của các công ty kinh doanh dịch vụ thông tin di động tại Việt Nam và nêu ra phương hướng cũng như giải pháp phát triển kinh doanh của các công ty kinh doanh dịch vụ thông tin di động tại Việt Nam [11].

Đây là nghiên cứu về phát triển kinh doanh của các công ty kinh doanh dịch vụ thông tin di động trên quy mô toàn bộ 6 công ty kinh doanh dịch vụ này tại Việt Nam giai đoạn 2002-2006, nghiên cứu này chủ yếu là khảo sát và các kết quả đạt được chỉ dừng lại ở mức thống kê, mô tả, chưa đi sâu nghiên cứu về bản chất. Nghiên cứu đã phân tích được điểm mạnh, điểm yếu trong kinh doanh dịch vụ thông tin di động của các công ty trên; chỉ ra được cơ hội và thách thức trong việc phát triển kinh doanh đối với các công ty kinh doanh dịch vụ thông tin di động của Việt Nam trong giai đoạn


2006-2010; đưa ra được một số giải pháp thúc đẩy kinh doanh và nâng cao khả năng cạnh tranh của các công ty kinh doanh dịch vụ thông tin đi động. Tuy nhiên, luận án chưa đưa ra được mô hình nghiên cứu cụ thể, số liệu thu thập chủ yếu là thông tin thứ cấp, chưa có một mẫu nghiên cứu riêng.

- Một luận án tiến sĩ kinh tế khác về lĩnh vực viễn thông cũng được bảo vệ thành công trong năm 2007. Đó là luận án: “Phát triển ngành viễn thông Việt Nam đến năm 2020” của Trần Đăng Khoa. Trong luận án này, tác giả nghiên cứu những kinh nghiệm phát triển ngành viễn thông của một số nước trên thế giới, đánh giá thực trạng hoạt động phát triển ngành viễn thông Việt Nam trong khoảng thời gian từ 2006 trở về trước và đưa ra một số giải pháp phát triển ngành viễn thông Việt Nam đến năm 2020 [9].

Luận án có ưu điểm là đã phân tích và rút ra được những kinh nghiệm phát triển ngành viễn thông của một số quốc gia trên thế giới, từ đó đưa ra được những bài học cho việc phát triển viễn thông Việt Nam. Tuy nhiên, luận án chưa nghiên cứu sâu về năng lực cạnh tranh của ngành viễn thông Việt Nam, đặc biệt là năng lực cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ thông tin di động. Luận án chưa chỉ ra được các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của ngành viễn thông Việt Nam, nhân tố nào là nhân tố chính. Những giải pháp luận án đưa ra mang tính khái quát chung cho phát triển ngành viễn thông, thiếu những giải pháp mang tính đặc thù có ảnh hưởng trực tiếp đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ thông tin di động của các công ty viễn thông Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

- Năm 2010, tác giả Đỗ Xuân Minh đã có “Nghiên cứu phương pháp xác định và chế tài đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động viễn thông“. Đây là báo cáo nghiên cứu khoa học thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong nghiên cứu này tác giả xác định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động viễn thông và đề xuất các chế tài để xử lý các hành vi đó [12]. Nghiên cứu đã dựa trên phân tích các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động viễn thông cụ thể và khái quát lên thành phương pháp và chế tài đối với các hành vi đó. Tuy nhiên, báo cáo này chưa đưa ra được mô hình nghiên cứu rõ ràng, luận cứ chưa thuyết phục được người đọc, mới chỉ dừng lại ở việc mô tả các quan sát là chủ yếu.

- Một luận án tiến sỹ kinh tế được bảo vệ thành công trong năm 2010, đó là luận án “Nâng cao sức cạnh tranh dịch vụ viễn thông của Tập đoàn BCVT trong điều kiện Việt nam là thành viên của WTO” của Ngô Hoàng Yến. Trong công trình này, tác giả đề cập đến một số lý luận chủ yếu về sức cạnh tranh dịch vụ thông tin di động và truy nhập Internet băng rộng; đánh giá thực trạng sức cạnh tranh dịch vụ thông tin di động và truy nhập Internet băng rộng của Tập đoàn BCVT Việt nam. Trên cơ sở đó đề xuất giải pháp nhằm nâng cao sức cạnh tranh các dịch vụ viễn thông chính của VNPT trong điều kiện Việt Nam là thành viên của WTO [31].


- Cũng trong năm 2010, tác giả Trần Tuấn Anh đã đưa ra “Nghiên cứu phương pháp xác định giá thành dịch vụ viễn thông chiếm thị phần khống chế“- báo cáo nghiên cứu khoa học của Bộ Thông tin và truyền thông. Trong nghiên cứu này tác giả tổng hợp khái niệm về dịch vụ viễn thông chiếm thị phần khống chế, phân tích và đề xuất các phương pháp xác định giá thành cho các dịch vụ đó [1].

Báo cáo đã đưa ra được một số phương pháp nhằm xác định giá thành cho các dịch vụ viễn thông chiếm thị phần khống chế, tuy nhiên, bản báo cáo chưa đánh giá được tác động của giá thành các dịch vụ này đến việc kinh doanh của công ty và nó sẽ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ của công ty như thế nào.

- Năm 2012, nghiên cứu sinh Trần Thị Anh Thư đã bảo vệ luận án tiến sỹ kinh tế “Tăng cường năng lực cạnh tranh của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam trong điều kiện Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới”. Trong công trình này, tác giả đã nêu lên cơ sở lý luận về tăng cường năng lực cạnh tranh của công ty, thực trạng việc tăng cường năng lực cạnh tranh của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và giải pháp cho vấn đề này của Tập đoàn. Tác giả cũng đã điều tra, khảo sát về năng lực cạnh tranh của VNPT so với một số đối thủ qua đánh giá của khách hàng, chuyên gia và lãnh đạo của các đơn vị này [19].

Đây là một công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc. Tác giả đã tổ chức được một cuộc điều tra với quy mô tương đối rộng về năng lực cạnh tranh của VNPT và so sánh với các đối thủ. Tác giả cũng đã đưa ra được những giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho VNPT. Tuy nhiên, tác giả mới chỉ đi vào những giải pháp chung chung, chưa đưa được giải pháp riêng biệt cho từng dịch vụ cụ thể.

Còn nhiều đề tài khác nghiên cứu về dịch vụ thông tin di động, nhưng dưới góc độ cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ thông tin di động thì chưa có đề tài nghiên cứu nào. Các đề tài trước đây đã thực hiện chủ yếu vẫn xoay quanh việc phát triển công nghệ, dịch vụ, kỹ thuật của các công ty kinh doanh dịch vụ thông tin di động. Với mong muốn có những nghiên cứu chuyên sâu về khía cạnh cung ứng dịch vụ thông tin di động tại Việt Nam, tác giả đã chọn đề tài này để làm rõ cơ sở lý luận cùng thực tiễn và các giải pháp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ cho các công ty kinh doanh dịch vụ thông tin di động tại Việt Nam.

1.3. Kết luận rút ra từ tổng quan nghiên cứu

1.3.1. Những điểm thống nhất về cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ thông tin di động của các công ty viễn thông

Nhìn chung, các công trình nghiên cứu trong nước và quốc tế về năng lực cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ thông tin di động của các công ty viễn thông đã đi đến thống nhất ở một số điểm sau:


- Về khung lý thuyết nghiên cứu: hầu hết các nghiên cứu trước đề có đề cập, phân tích và sử dụng hai mô hình nghiên cứu chính là mô hình kim cương và mô hình năm lực lượng cạnh tranh của Micheal E. Porter. Các mô hình này đã đặt các công ty trong một môi trường ngành cụ thể, phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các công ty trong cung ứng dịch vụ và sự tác động của môi trường đến năng lực cạnh tranh của các công ty trong hoạt động của mình.

- Về phương pháp nghiên cứu: các nghiên cứu trước đều kết hợp cả hai phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng. Nghiên cứu định tính được sử dụng trong việc kế thừa những mô hình, những khung lý thuyết kinh điển làm cơ sở lý luận cho các nghiên cứu hiện tại. Nghiên cứu định lượng để xác định vấn đề thực trạng của các nghiên cứu hiện tại, từ đó phân tích, đánh giá và rút ra nhận xét để đề xuất những ý kiến nhằm hoàn thiện các vấn đề cần nghiên cứu.

- Về các giải pháp đã được đưa ra: Các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ của các công ty viễn thông thống nhất ở phương diện tìm cách cải thiện các tiêu chí đo lường năng lực cạnh tranh của các công ty viễn thông trong cung ứng dịch vụ thông tin di động và kiến nghị tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh. Mỗi quốc gia, mỗi công ty viễn thông đều có phương thức riêng của mình trong nâng cao năng lực cạnh tranh cung ứng dịch vụ. Tuy nhiên, các nghiên cứu trước đều thống nhất ở hai phương thức: từng công ty viễn thông nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua phát huy điểm mạnh và khắc phục điểm yếu của mình; vai trò to lớn của chính phủ trong việc hỗ trợ các công ty viễn thông nâng cao năng lực cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ thông tin di động.

1.3.2. Những điểm cần tiếp tục nghiên cứu về cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ thông tin di động của các công ty viễn thông

Ngoài những điểm thống nhất nêu trên, còn một số nội dung cần tiếp tục nghiên cứu và được trình bày trong luận án:

- Tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ thông tin di động của các công ty viễn thông.

- Sự biến đổi của môi trường ngành viễn thông, đặc biệt là lĩnh vực thông tin di động từ độc quyền sang cạnh tranh và nhất là sau khi Việt Nam gia nhập WTO.

- Vai trò của chính phủ trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các công ty viễn thông Việt Nam, đặc biệt trong việc cung ứng dịch vụ thông tin di động.

- Sự ứng phó và thích nghi của các công ty viễn thông Việt Nam với sự thay đổi của môi trường.

- Phương hướng và giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ thông tin di động của các công ty viễn thông Việt Nam.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 03/12/2022