Những Hình Thức Và Lựa Chọn Mới Trong Một Số Bối Cảnh

nào có thể chữa trị. Các câu chuyện kể vào nghề của các thầy dòng mo một đều chung một motif phổ biến, đó là đau ốm - đi viện - lần lữa, tránh né - ốm nặng lên - nhận một - hành nghề. Như trường hợp của bà mo Lót (Thuận Châu), vì bà là cán bộ y tế xã nên khi bị một làm cho đau ốm, bà khóc suốt, không muốn làm. Nhưng khi đau ốm liên tục, gia đình bất ổn, bà đành nhờ người về cúng để nhận làm một và lập bàn thờ ma một riêng, "phải làm lễ nhận một, không thì nó làm cho chết đấy". Nhận rồi, bà vẫn lần lữa, vẫn làm nghề đi tiêm đi truyền và không chịu cúng cho ai, đến khi "một nó tức, nó làm cho như là bị say rượu ấy, trong mơ nó chửi cho một trận vì nhà có một mà còn đi chữa lung tung". Rồi đến lúc một "hành" sang người thân trong nhà của bà (con gái bị đau mắt, chồng ốm yếu,...), bà buộc phải bắt đầu làm nghề cúng - "nó bắt cô phải chữa cho mọi người, giờ làm mãi cũng quen. Ai ốm

cúng không khỏi thì cô lại tiêm, mà nếu tiêm thấy không đỡ thì cô đến cúng"1.

Như vậy, thực tế cung cấp những minh chứng cho thấy, có những căn bệnh Thái mà không bệnh viện nào có thể chữa nổi, trừ "bệnh viện của thầy mo". Điều này càng thêm xác tín cho niềm tin vào vị thế của một lớp người đã được lựa chọn, có năng lực giao tiếp với cái siêu nhiên để đảm bảo sự an yên cho đời sống con người trong cộng đồng Thái.

4.4.5. Những hình thức và lựa chọn mới trong một số bối cảnh

Đời sống hiện đại còn phát sinh thêm những hình thức mới của thực hành ma thuật. Nhiều gia đình của người Thái đen hiện tại sống ở thị trấn, thành phố trong các ngôi nhà ống làm từ bê tông kiên cố dẫn đến việc buộc phải chấp nhận một không gian hóng với việc chăm sóc tổ tiên khác với truyền thống. Một gian thờ riêng được đặt ở tầng một hoặc tầng cao nhất trong ngôi nhà, bàn thờ để cao. Do không thể đục một lỗ hóng trên tường để bón cho tổ tiên ăn, trong các lễ cúng, thầy mo vẫn làm các thao tác bón xôi, thịt, rau chua, múc canh, mời rượu cho tổ tiên chủ nhà song đồ ăn được gắp vào một cái chậu nhỏ đặt ngay dưới bàn thờ. Sau lễ, toàn bộ đồ ăn được đổ cho gia súc trong nhà hoặc bỏ đi. Nói về việc này, bác Phương (Púng Tra) bảo, "cái này thì buồn cười lắm", nhưng "phải thế thôi, vì không đục cái

lỗ hóng dễ như vách gỗ nhà sàn được"2. Khi được hỏi, nếu làm nhà bê tông thì cúng

thôi cũng được, không bón cho tổ tiên có được không, bác bảo "không được, muốn làm thế nào thì làm, nhưng tổ tiên phải được cho ăn"3.


1 Trò chuyện với bà mo Lót, thị trấn Thuận Châu, ngày 25/2/2019.

2 Thông tin trò chuyện tại Púng Tra, 25/3/2021.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 403 trang tài liệu này.

3 Thông tin trò chuyện tại Púng Tra, 25/3/2021.

Việc lựa chọn không gian để mo hát cúng trong các lễ tại ngôi nhà thành phố cũng có biến thể mới, nhưng dựa trên một suy luận từ nguyên tắc đã có trong truyền thống. Với ngôi nhà sàn, cửa sổ bên cầu thang gian quản được xem là là cửa để phi vào nhà. Nếu ngôi nhà bê tông có cửa chính và hai cửa sổ hai bên nhà thì khi cúng, mo sẽ bày đồ lễ la liệt tại tầng một của ngôi nhà, và mâm cúng chính dành cho phi tổ sư và âm binh của thầy mo, nơi thầy mo ngồi quay mặt hướng đến sẽ là cửa sổ bên trái (theo chiều bước chân vào ngôi nhà). Không gian khác biệt, nhưng nguyên tắc là không đổi.

Ma thuật trong đời sống văn hóa của người Thái tỉnh Sơn La - 21

Việc nằm lửa (nhá pháy) của sản phụ sau sinh tại một số nơi trong cộng đồng người Thái tại Sơn La cũng được tiến hành với những biến thể. Đi viện về, dù hai vợ chồng có phòng ngủ riêng nhưng bà mẹ và em bé vẫn phải tiến hành nằm lửa theo đúng thủ tục từ 3 đến 5 ngày. Cạnh bếp lửa được đốt cháy liên tục suốt ngày đêm là chỗ nằm của hai mẹ con, là taleo treo trên bếp và hệ thống các taleo khác cắm ở bên ngoài nhà. Với ngôi nhà tầng hiện đại, taleo được treo bên ngoài cửa xếp hoặc cắm chân tường bê tông, với thông điệp về điều kiêng kỵ dành cho người và cả cho phi. Yêu cầu về những không gian riêng, liên quan tới các thủ tục và nghi lễ đã được quy định khiến trong các ngôi nhà Thái hiện đại luôn phải có sự tồn tại của một bếp lửa nấu bằng củi, dù thường ngày có thể dùng bếp điện, bếp từ hay bếp ga.

Hiện tại ở một số nơi, người Thái xây mộ kiên cố cho người chết, ốp gạch hoặc đá. Nhưng ngay sau đám tang, dù mộ được xây thế nào, vẫn luôn có một ngôi nhà sàn làm từ tre nứa (thiêng heo) đặt chụp bên trên mộ, bên trong có đầy đủ đồ dùng vật dụng cho ma (dao, cuốc, chăn, màn, đệm, bát, đũa, quần áo,...). Ngôi mộ bên dưới xây bằng chất liệu gì cũng luôn phải để một lỗ tròn để dây xai chau kéo từ thi hài người chết được nối lên phía trên ngôi nhà sàn, nối với đồ đạc được chia dành riêng cho ma (như để chỉ một sự sở hữu). Ngôi mộ bên dưới có thể rất kiên cố, nhưng ngôi nhà ma bên trên phải làm chắc chắn vừa đủ để trong vòng một năm, nhà phải sụp, theo đúng lệ tục Thái. Sau một năm, nếu thiêng heo vẫn vững chãi, người

thân trong nhà của ma hồn sẽ có chuyện1.



1 Tư liệu điền dã tại Púng Tra, Thuận Châu, 24/03/2021.

Tiểu kết Chương 4

Những mô tả và phân tích ở Chương 4 cho thấy, ma thuật tham gia vào việc giải quyết các vấn đề thuộc về cái hiện đại của đời sống Thái, cho thấy những tính năng và hàm nghĩa trong bối cảnh đời sống đương đại của ma thuật. Các thực hành này, xuất phát từ sự gia tăng nhu cầu từ đời sống thế tục và dẫn đến sự mở rộng ranh giới, biên độ của ma thuật, với các tương tác mới ở cả hệ thống bên trong và bên ngoài, kèm theo đó là sự tạo dựng vị thế của thầy mo từ những chiều kích rất đa dạng. Ma thuật tham gia vào việc giải quyết những nỗi bất an mới ở cấp độ cá nhân, với các khoản vay lãi cao để kinh doanh, giải tỏa đền bù đất hay sự rạn vỡ của hôn nhân hiện đại. Ma thuật còn là một giải pháp khả thi cho những 'tồn đọng' về mặt tâm linh cần được giải quyết - những đám tang không có thầy mo tiễn hồn trong quá khứ. Trong bối cảnh hiện đại, với những thiết chế từ bên trên, các thực hành ma thuật cho thấy sự thích ứng với những hoàn cảnh mới. Một sự kiến tạo mới các thực hành ma thuật đã và vẫn đang diễn ra, liên quan mật thiết với các vấn đề của đời sống Thái thường ngày.

Những thông tin trong chương này cũng đồng thời cung cấp một hình ảnh khác về các thầy mo Thái. Cuộc sống của họ khác với những gì đã được hình dung và mô tả. Phạm vi hoạt động của họ trải rộng trên nhiều địa bàn khác nhau, không chỉ thu hẹp trong các bản làng Thái. Họ đi làm lễ ở nhiều nơi tại Sơn La, Hà Nội, đi miền Tây và sang cả Thái Lan, Lào. Họ tiếp nhận các thông tin thời sự trong nước và quốc tế, sử dụng điện thoại thông minh, dùng Zalo, Facebook để tương tác với khách hàng, luôn cập nhật tình hình chính trị xã hội trong bản, trong huyện và khu vực. Vị thế của họ thay đổi, cả ở không gian cư trú bên trong và với thế giới bên ngoài. Dựa trên cơ sở các nguyên lý thực hành truyền thống, những tri thức mới và những tương tác mới mà các thầy mo có được trở thành một phần quan trọng trong cách họ kiến tạo các hình thức ma thuật mới nhằm xử lý các vấn đề đời sống của con người đương đại.

Chương 5

NGHIÊN CỨU MA THUẬT TRONG BỐI CẢNH ĐẶC THÙ:

NHỮNG VẤN ĐỀ BÀN LUẬN

Dựa trên những mô tả và phân tích từ các chương trước, Chương 5 dành để thảo luận các vấn đề văn hóa đặt ra từ hướng tiếp cận ma thuật Thái trong bối cảnh đặc thù. Việc sử dụng hướng tiếp cận này với ma thuật Thái hướng tới những khám phá mới về nghĩa hành vi của ma thuật, thứ ngữ nghĩa liên quan trực tiếp đến môi trường tâm linh, văn hóa và xã hội của người Thái đương đại. Điều đó đặt ra yêu cầu nhìn nhận lại về những định kiến vốn luôn được gán cho ma thuật nói chung, ma thuật Thái nói riêng và việc tìm kiếm nguyên cớ của các định kiến này. Vấn đề bối cảnh (cả bối cảnh học thuật bối cảnh chính sách) được xem như một trong những nguyên cớ chính tác động đến cách tiếp cận và diễn giải ma thuật, hình thành nên những định kiến về đối tượng nghiên cứu này, tồn tại dai dẳng và không kém phần bền vững cả trong nhận thức của giới nghiên cứu lẫn trong chính tâm lý của người thực hành.

5.1. Tiếp cận ma thuật và vấn đề bối cảnh của những diễn giải

Trong bài viết về ma thuật nhân dịp ra đời tạp chí Ma thuật, Nghi lễ và phép phù thủy (Magic, Ritual, and Witchcraft), Bailey [318] đã cho rằng, khi được đặt trong tam giác quyền lực ma thuật - khoa học - tôn giáo, ma thuật ít nhiều đóng một vai trò trung tâm trong văn hóa nhân loại, và việc nghiên cứu các hình thức của ma thuật, cả đương đại cũng như trong lịch sử ở bất kì xã hội nào cũng là tuyệt đối cần thiết để có thể hiểu về xã hội đó một cách sâu sắc và toàn diện. Tuy nhiên, tác giả cũng cho rằng, dù rất được trọng thị trong giới nghiên cứu, nhưng ma thuật lại là một phạm trù rất không ổn định và tùy theo từng thời điểm và từng nền văn hóa, ma thuật lại được quan niệm rất khác nhau. Sự khác biệt này, theo Bailey, xuất phát từ những vấn đề có tính bối cảnh liên quan tới việc đánh giá ma thuật. Bailey quan sát, trong đa số trường hợp, ma thuật vốn thường được định nghĩa bởi những "ông lớn" thuộc các giới khác nhau (chính quyền, tôn giáo, trí thức) vốn không thực sự thực hành ma thuật nhưng rất hay ngộ nhận về việc mình đã hiểu về đối tượng này. Việc con người thực hành mà không ý thức được mình đang làm ma thuật (chẳng hạn, sự

thốt ra các câu chú đơn giản hay việc thực hiện riêng lẻ một nghi thức mê tín trong một hoàn cảnh nhất định1), việc họ thường không dễ chấp nhận tín điều, niềm tin


1 Chẳng hạn, nhiều người Việt chọn giờ "đi hơn về kém" trước khi khởi hành. Nhiều người, vào ngày có công việc quan trọng, nếu ra cửa gặp người bị cho là nặng vía thì sẽ lập tức quay về nhà, chọn lúc sau xuất hành

của cá nhân khác,... cũng thêm một nguyên cớ khiến việc nhìn nhận về phạm trù này càng thêm bất ổn [301]. Tình trạng của sự đánh giá không ổn định này xuất hiện trong nhiều các nghiên cứu ở phương Tây, cả trong nghiên cứu về ma thuật ở Việt Nam và với riêng ma thuật Thái. Và đúng như Bailey đã nói, đằng sau những quan niệm, đánh giá ma thuật luôn là vấn đề về bối cảnh, cả trong lĩnh vực học thuật lẫn chính sách quản lý về văn hóa.

5.1.1. Sự đối sánh ma thuật - khoa học - tôn giáo của nhân học phương Tây và những vấn đề bối cảnh

Trong nhân học, đã có một thời kì dài, khi nói tới ma thuật, các nhà nghiên cứu thường sử dụng khung đối sánh ma thuật - khoa học - tôn giáo để tham chiếu. Khi so sánh với tôn giáo và khoa học, ma thuật được nhấn mạnh như những hành vi 'thô phác', 'nguyên thủy', thể hiện tham vọng thao túng tự nhiên đến vô tri của con người, và ma thuật sẽ biến mất khi đời sống xã hội và tư duy của con người tiến bộ. Tuy nhiên, ngay khi khẳng định như vậy về ma thuật, các nhà khoa học lại không thể trả lời được câu hỏi, rằng nếu ma thuật là lừa dối, là thô phác, vậy tại sao con người ở hầu khắp mọi không gian lại vẫn tin và thực hành nó, thêm nữa, ma thuật hoàn toàn không có dấu hiệu biến mất khi khoa học và xã hội phát triển? Thực tế này đã khiến những đánh giá, phỏng đoán đã có về ma thuật trở nên thiếu thuyết phục và khó đứng vững.

Đặt tiếp cận ma thuật trong dòng chảy của ngành nhân học, không khó để nhận ra, những đánh giá đầy định kiến về ma thuật thuộc về thời kỳ phổ quát của thuyết tiến hóa luận đơn tuyến về văn hóa, với quan niệm tất cả các xã hội loài người đều phải trải qua một con đường phát triển duy nhất, từ thấp đến cao, từ mông muội đến văn minh. Các thực hành văn hóa và xã hội của các xã hội ở giai đoạn thấp hơn lạc hậu và kém tiến bộ hơn các xã hội ở trình độ phát triển cao hơn. Với tiến hóa luận đơn tuyến, tiêu chí đánh giá, phân loại các cộng đồng văn hóa là theo thang bậc tiến hóa, hoàn toàn không dựa vào các thực hành kinh tế và văn hóa - xã hội bản địa (xem thêm Hoàng Cầm, Phạm Quỳnh Phương [26, tr.19]). Cách nhìn nhận theo khung định giá cao - thấp này đã được áp cho ma thuật, hình thành nên một ấn tượng dai dẳng, sâu đậm và để lại hậu quả lâu dài trong nghiên cứu về đối tượng này. Ma thuật, ở hầu khắp các không gian văn hóa, đều đã và thậm chí, vẫn đang


lại. Việc lựa chọn các món ăn trước ngày thi cử (kiêng không ăn chuối, ăn xôi lạc hay ăn trứng) cũng là biểu hiện của việc thực hành ma thuật.

được xem như chỉ dấu của nhóm/ cộng đồng có tư duy thô phác nguyên thủy, của sự chậm phát triển hay kém văn minh.

Nhiều nhà nhân học phương Tây đã phản bác cách tiếp cận ma thuật theo thang bậc tiến hóa này. Việc định giá thực hành ma thuật của các nhóm cộng đồng văn hóa khác nhau theo các tiêu chí có sẵn dễ khiến các nghiên cứu về ma thuật chỉ dừng lại ở việc cung cấp các tư liệu khác biệt mà không thực sự giúp hiểu sâu hơn về con người, xã hội hay một nền văn hóa. Thêm vào đó, không khó để nhận ra sự hạn chế có tính bối cảnh của những suy đoán, diễn giải về ma thuật của các nhà nhân học thời kỳ đầu. Rõ ràng rằng, Văn hóa nguyên thủy của Tylor hay Cành vàng của Frazer đã cung cấp một kho tư liệu đồ sộ về các thực hành văn hóa phong phú, đa dạng của các dân tộc, các nhóm cộng đồng ở nhiều nơi trên thế giới; song trong đó, hoàn toàn vắng bóng các thông tin về môi trường tâm linh, thế giới quan hay các trải nghiệm cụ thể của con người - chủ nhân những thực hành được mô tả. Theo cách tiếp cận này, các hành vi ma thuật bị tách ra khỏi bối cảnh văn hóa của chính nó.

Thói quen đối sánh ma thuật với khoa học, tôn giáo, những tranh luận dai dẳng về ba phạm trù này còn nói lên một thực tế rằng, ở phương Tây, chưa khi nào thiếu vắng ma thuật, khoa học hay tôn giáo. Cũng có nghĩa rằng, con đường tiến hóa luận của ba giai đoạn tư duy trên thực tế chưa bao giờ diễn ra, đặc biệt ngay cả trong các xã hội hiện đại, nơi các nhà nhân học đã dự đoán ma thuật hoặc tôn giáo sẽ biến mất. Điều này cho thấy, cả ba phạm trù này đều có các tính năng đáp ứng những nhu cầu và chức năng khác nhau trong mọi xã hội. Sở dĩ ma thuật chịu sự định kiến như vậy là bởi phương Tây đã mặc định một cái nhìn rằng, ma thuật chỉ là một giai đoạn (thấp nhất) trong lịch sử phát triển của con người và xã hội loài người, tôn giáo ra đời và sẽ thay thế ma thuật trong giai đoạn tiếp theo. Chính vì thế, trong quá khứ, tôn giáo (cụ thể là Thiên Chúa giáo) đã tìm mọi cách, thậm chí tàn bạo nhất để tiêu diệt ma thuật. Việc săn đuổi và thảo phạt ma thuật còn để hướng tới sự toàn trị của Thiên Chúa giáo trong thời kì trung cổ và trung đại. Dựa trên các sự kiện lịch sử cụ thể, xét về mặt bản chất, người phương Tây có tự nguyện rời bỏ ma thuật? Nếu Thiên Chúa giáo không dùng các biện pháp tàn bạo để đàn áp ma thuật như vậy thì ngay kể cả phương Tây, liệu có tồn tại song song sự công khai và hùng mạnh của cả hai, ma thuật và tôn giáo?

Như thế, ma thuật đã luôn không được nhìn như bản dạng vốn có, luôn bị khuôn vào khung quy chiếu khoa học hoặc hệ định giá tôn giáo. Nói cách khác, ma thuật đã bị lâm vào thế yếu. Nếu khoa học và tôn giáo được coi là logic, hữu ích, chính

thống, thậm chí cao quý, thì ma thuật được xem là tất cả những thứ đối lập. Trong khi thực tế, các thực hành ma thuật cho thấy, đây là một phạm trù riêng, đời sống riêng, lối tư duy riêng, xuất phát từ nhu cầu và mục đích riêng, liên quan chặt chẽ tới các bối cảnh văn hoá cụ thể.

Ngoài ra, sự tồn tại dai dẳng của những định kiến về ma thuật, phần nào đó, còn cho thấy những tác động hoặc vô thức hoặc có tính lịch sử từ các nhà nghiên cứu lớn trong ngành khoa học xã hội - những người chịu ảnh hưởng bởi lý thuyết chức năng, luôn có xu hướng đưa ra một đại lý thuyết để mô tả thế giới. Xu hướng tìm kiếm các phương thức tư duy của nhân loại trong lịch sử, các mô thức văn hóa hay tìm kiếm các chức năng cơ bản của thực hành văn hóa,... khiến các nghiên cứu về ma thuật luôn phải được đặt trong một sự đối sánh (với khoa học, tôn giáo) hoặc một sự khái quát hóa về mặt vấn đề hoặc phạm vi. Ma thuật vì thế, tuy được thừa nhận, nhưng luôn bị phủ nhận ở một khía cạnh nào đó - hoặc trong tôn giáo không thể có ma thuật, ma thuật không thể trở thành tôn giáo hay ma thuật là phản khoa học, là đối lập với cái hiện đại, sự duy lý.

Những định kiến về đối tượng nghiên cứu này còn chỉ dẫn đến một vấn đề liên quan trực tiếp đến điểm nhìn của những nhà nghiên cứu khi tiếp nhận và diễn giải các thực hành ma thuật. Nhiều nhà nghiên cứu ma thuật chịu ảnh hưởng bởi những ngôn thuyết phương Tây đến từ những người da trắng sẵn trong mình ý thức về cái tôi hiện đại, đặc biệt, còn là những người được 'tắm' trong tư duy Thiên Chúa giáo. Dù không hề nhắc đến, nhưng nghiên cứu của họ về ma thuật vẫn chịu sự chi phối từ hệ quy chiếu của tôn giáo này. Sự khác biệt cơ bản về điểm nhìn này đã đặt ra vấn đề về sự phiên dịch tương đồng trong tiếp nhận ma thuật. Khi nhà nghiên cứu diễn giải những thực hành ma thuật bằng một định kiến sẵn có, với một vị thế bên ngoài (thậm chí là đứng bên trên) nền văn hóa đó, không coi trọng kinh nghiệm và "bầu khí quyển" của hành vi ma thuật thì sẽ chỉ có một kết luận duy nhất được rút ra

- rằng ma thuật là nguyên thủy, là mê tín, thậm chí, kém phát triển.

5.1.2. Bối cảnh của những diễn giải trái chiều trong các nghiên cứu về ma thuật

ở Việt Nam

Diện mạo ma thuật phong phú với các hình dung trái chiều từ trong các công trình nghiên cứu ở Việt Nam (ma thuật khi được xem là hủ tục, mê tín, thể hiện sự ngu dốt của con người và cần loại bỏ, lúc lại được đánh giá là cho thấy những nhu cầu từ đời sống, thể hiện tâm tư, nguyện vọng, khát vọng của con người hay tinh thần và yếu tố bản sắc của nhóm người/ cộng đồng/ dân tộc) đặt ra câu hỏi về vấn

đề bối cảnh ẩn giấu phía sau các đánh giá này, cũng chính là những yếu tố đã ảnh hưởng tới quá trình tiếp nhận ma thuật. Trong nhiều nghiên cứu, ma thuật thường được mô tả theo cách "lẩy ra" các hành vi và ít khi được diễn giải trong một hệ thống thế giới quan, niềm tin tâm linh và bối cảnh sử dụng thực tiễn. Thêm vào đó, ma thuật còn thường được mô tả, được định giá bởi hệ quy chiếu của bản thân nhà nghiên cứu - những cá nhân có thể thuộc về một nền văn hóa khác, một bối cảnh xã hội khác, hoặc chịu sự chi phối của một quan điểm nhận thức nào đó về tôn giáo tín ngưỡng hay của một hệ hình tiếp cận văn hóa mà họ lựa chọn.

Trước hết, khi khảo sát cụ thể về thời gian nghiên cứu và đặt các xu hướng diễn giải ma thuật trong bối cảnh của những chính sách và cách tiếp cận tôn giáo tín ngưỡng nói riêng hay văn hóa nói chung trong một số thời kì ở Việt Nam, có thể thấy, những nghiên cứu về cái gọi là ma thuật thực chất như một nhánh phái sinh trong quá trình nghiên cứu về tôn giáo tín ngưỡng. Khi tìm hiểu về tôn giáo tín ngưỡng, các nhà nghiên cứu bắt gặp rất nhiều các thực hành ma thuật, và vì thế, như một hệ quả tất yếu, ma thuật được miêu tả và đánh giá tùy vào nhận thức/quan điểm của nhà nghiên cứu trong thời điểm đó về lĩnh vực này. Hay nói cách khác, cái nhìn về ma thuật ở Việt Nam có xu hướng nương theo dòng chảy của nhận thức về tôn giáo tín ngưỡng. Sau nữa, những nghiên cứu ma thuật cho thấy hệ hình nghiên cứu mà thời đại/ nhà nghiên cứu đã chịu ảnh hưởng hoặc lựa chọn. Hệ hình nào, sản phẩm đó. Bản thân hành vi ma thuật không đổi nhưng hệ hình thay đổi sẽ kiến tạo nên những khác biệt. Tiếp cận quy chất luận để kiếm tìm đặc trưng và bản sắc, hay sự kiếm tìm nghĩa cho các hành vi văn hóa sẽ quyết định cách nhà nghiên cứu tìm

kiếm và diễn giải về đối tượng nghiên cứu này1.

Một cách khái quát và có dựa trên một số nghiên cứu mang tính tổng hợp của Nguyễn Thị Hiền [101], Nguyễn Văn Chính [35], Nguyễn Quốc Tuấn [289], [290], Nguyễn Ngọc Mai [398], Nguyễn Thị Yên [313], Phạm Quỳnh Phương [369], có thể chia quá trình tiếp cận tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam làm ba dòng chính. Dòng thứ nhất chịu ảnh hưởng của quan điểm tiến hóa luận và duy vật lịch sử, có thể tính bắt đầu từ những nghiên cứu về văn hóa của Phan Kế Bính (1915), Đào Duy Anh (1938) từ những năm đầu thế kỉ 20, phát triển mạnh trong giai đoạn từ sau 1960 đến những năm 1980s và còn rơi rớt đến tận ngày nay. Dòng thứ hai, những nghiên cứu tôn giáo tín ngưỡng chịu ảnh hưởng của quan điểm chức năng luận Durkheim, nổi lên và phát triển mạnh mẽ kể từ những năm cuối 1980s đến những


1 Các thuật ngữ chỉ hai cách tiếp cận trong nghiên cứu văn hóa được dẫn theo tác giả Phạm Quỳnh Phương

[228].

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 13/09/2023