Sự liên quan của nhà trai trên búi tóc này của cô dâu thể hiện trong cuộn tóc được bà và mẹ chú rể chải gom lại trong một thời gian dài, và giờ được cuốn lẫn trong mớ tóc của cô gái (không những thế, còn được đặt vào chính giữa búi tóc trên đỉnh đầu cô dâu). Chiếc trâm cài lên búi tóc là thao tác cuối cùng của nghi lễ này, chính thức đánh dấu việc chiếm giữ, đánh dấu chủ quyền. Búi tóc trên đỉnh đầu của người phụ nữ Thái Đen là chiếc cột hồn được dựng lên và được thiêng hóa, và được đưa vào trong hệ thống buộc phải tuân thủ các cấm kỵ khi có những thực hành liên quan. Có chồng, đã tẳng cảu, tức đã được xác lập chủ quyền, hồn vía đã có đôi, có chốn - "nước không đổi dòng, lòng không đổi chỗ". Một thứ thiết chế xã hội vô hình mà rất hữu hình được thiết lập trên đầu của người phụ nữ thông qua búi tóc. Vô cớ bỏ cảu là vi phạm thứ trật tự xã hội Thái đã được thiết lập và tất sẽ làm ảnh hưởng đến trật tự vận hành bình thường của tự nhiên, khiến trời nổi giận mà không làm mưa (quan niệm trong trường hợp lễ cầu mưa Yên Châu). Chính vì thế, khi pốt cảu (hạ cảu), trong trường hợp chồng mất hoặc còn đủ vợ chồng mà vì lí do nào đó, người vợ muốn bỏ cảu, thì buộc phải có nghi lễ để xử lý. Ngoài ra, lệ tục Thái còn có thêm nhiều quy định liên quan tới các tình huống xoay quanh chiếc cảu này: không làm lễ tẳng cảu hai lần, kể cả khi lấy chồng nhiều lần; bỏ chồng không bỏ cảu (tức không bỏ dấu hiệu đã từng bị sở hữu hồn chủ, vì không thể quay lại thời con gái); đổi chồng, có thể đổi phần lõi cảu (tức phần tóc của nhà trai đã mang đến trong lễ cưới) bằng cuộn
len hoặc tóc giả mua ngoài chợ1; trong tang ma của người vợ thứ, thầy mo không
rải hồn về đẳm tổ tiên nhà chồng hiện tại2.
Phương thức tư duy ẩn chứa trong các thực hành ma thuật còn cho thấy cách con người tư duy về thế giới quanh họ, hiểu về cách họ tồn tại và cách xử lý các sự biến nếu nó xảy ra. Có thể nói, các thực hành ma thuật Thái cung cấp cho người Thái "những ý tưởng về việc tại sao thế giới được tạo thành và tạo thành như thế nào, khiến cho mọi người có thể dẹp yên những âu lo và đối phó với bất hạnh" [186, tr.210]. Hệ thống vũ trụ quan giúp vẽ ra một thế giới mà trong đó con người tồn tại, với sự hiện diện của một nhóm người (thầy mo) được lựa chọn và có năng lực tương tác với các yếu tố khác trong thế giới, với các nghi thức ma thuật như một kho lưu trữ các tri thức sinh tồn cho con người, được trao truyền từng ngày từng giờ trong đời sống Thái. Sống trong bầu khí quyển văn hóa đó, con người hình thành
1 Chị Hồng (Mường Bám, Thuận Châu) có nói, lõi cảu bằng len màu đen chị vẫn dùng được mua ngoài chợ. Chị và anh chồng hiện tại đến với nhau sau khi đã bỏ chồng/ vợ một lần nên hai người chỉ nhờ thầy mo làm một mâm cúng, làm lễ cưới hồn mà không tổ chức đám cưới.
2 Điều này được bà mo Song (Mộc Châu), bà mo Lót (Thuận Châu) khẳng định, và hồn vía người phụ nữ sẽ được chia về đẳm nhà chồng đầu tiên. Thông tin này cũng được nói tới trong nghiên cứu của Cầm Trọng [274, tr.393].
một tâm thế bình thản, vững vàng, vì mọi thứ dường như đã được kiểm soát và luôn có hướng giải quyết. Cách người Thái tìm đến với ma thuật trong các tình huống mới, sử dụng bùa giải quyết các vấn đề đương đại của họ như các mô tả trong Chương 4 cho thấy rõ điều này. Dù bối cảnh đời sống có thay đổi, phạm vi hoạt động và tương tác có mở rộng, nguyên tắc tư duy về thế giới và hướng giải quyết các vấn đề vẫn dựa trên phần lõi đã được xác lập trong truyền thống. Điều này là cơ sở hình thành nên đặc tính kiến tạo của ma thuật Thái. Không có một phương thức/ hệ thống ma thuật được giữ nguyên vẹn trong mọi không gian và thời gian. Dựa trên các nguyên tắc lõi, các thực hành sẽ là tùy biến theo tình huống, đối tượng và bối cảnh. Việc gắp cơm, thịt, rau, đổ rượu vào chậu cho tổ tiên trong lễ cúng thay vì bón qua lỗ hóng, việc đốt thêm một giàn thiêu để tiễn hồn bổ sung, đốt một chậu bồ kết trong phòng hậu sinh tại bệnh viện, việc tẳng cảu giả hay việc tự kiểm soát quá trình trao, nhận, giữ áo của các cô dâu trong một số đám cưới đương đại,... có thể xem là những minh chứng điển hình cho sự tùy biến này. Các thực hành ma thuật đã, đang và sẽ tiếp tục được kiến tạo, với diện mạo tùy theo những bối cảnh và mục đích khác nhau.
Những quan sát còn cho thấy, trong ứng xử với các lực lượng siêu nhiên, người Thái xem mọi hữu thể phi đều có thể tương tác, đều biết lắng nghe và đều có thể thương lượng. Từ đây, có thể xem ma thuật là một thành tố trong chuỗi tư duy của người Thái về thế giới. Ma thuật tham gia vào quá trình vẽ ra một thế giới Thái, giúp con người hiểu về thế giới ấy, cách vận hành của nó và cách để xử lý các vấn đề liên quan. Vì thế, ở đây còn cần chú ý đến tính hợp lý trong đúng bối cảnh của các hành vi ma thuật từ điểm nhìn của người thực hành. Hệ thống văn hóa đã kiến tạo "cần phải làm như thế", nên trong một bối cảnh cụ thể, con người có thể không biết hành vi mình làm có thực sự đạt hiệu quả mong muốn hay không, nhưng nếu không làm, họ sẽ cảm thấy bất an. Thế giới đã được kiến tạo có diện mạo như vậy, nên không tồn tại ý niệm về việc tin hay không tin. Nói theo cách của Nicholas Tapp, các hành vi ma thuật "có thể được coi như một hành động xã hội có tính biểu tượng, biểu cảm" [242, tr.373]. Tổ tiên ngụ tại hóng nên cần phải cúng theo đúng quy định. Đánh thức tổ tiên dậy, mời về ăn, nên đương nhiên phải bón đồ ăn. Chết là thành phi, sống đời của phi, nên phải chuẩn bị đầy đủ đồ dùng vật dụng cho người chết. Khi con người thực hiện các hành vi đó, họ không nghĩ tới việc phi ăn thức ăn thật, sử dụng thật, mà họ hướng tới ý nghĩa biểu tượng của việc tương tác với phi, đáp ứng nhu cầu của phi, làm cho phi hài lòng. Ý nghĩa biểu tượng này có
thể không liên quan đến việc người ta có thực lòng tin vào nó hoặc có ý định đặt lòng tin vào nó. Sự thật trong thế giới của ma thuật là "sự chấp thuận của xã hội chứ không phải là bức tranh chính xác về một thế giới khách quan độc lập" [7, tr.54]. Việc diễn giải ma thuật trong hệ thống văn hóa cho trước này xác tín tính hợp lý (về mặt văn hóa) của hành vi. Điều này đặc biệt quan trọng với việc đánh giá hành vi ma thuật. Hành vi đó chỉ có nghĩa với bản thân những người trong cuộc, bởi họ đã tắm trong hệ thống văn hóa đó từ khi sinh ra. Bất kì cá nhân nào thuộc về một nền văn hóa khác khi tham gia vào hệ thống này cũng sẽ thiếu những thấu hiểu bên trong về một trật tự vũ trụ văn hóa riêng có, và vì thế, càng cần thận trọng với mọi sự định giá.
Có thể bạn quan tâm!
- Những Hình Thức Và Lựa Chọn Mới Trong Một Số Bối Cảnh
- Bối Cảnh Tác Động Và Những Vấn Đề Trong Diễn Giải Về Ma Thuật Thái
- Tiếp Cận Ma Thuật Thái Trong Bối Cảnh Đặc Thù Và Những Khám Phá Mới Về Nghĩa
- San Lấp Các Hố Ngăn Cách: Một Không Gian Biệt Lập Chỉ Có Trong Tưởng Tượng
- Ma thuật trong đời sống văn hóa của người Thái tỉnh Sơn La - 26
- Ma thuật trong đời sống văn hóa của người Thái tỉnh Sơn La - 27
Xem toàn bộ 403 trang tài liệu này.
Phương thức tư duy và giải quyết vấn đề trong một hệ thống cho trước của ma thuật còn hình thành nên một vai trò khác của ma thuật Thái trong đời sống Thái - ma thuật tham gia vào gia cố hệ thống thiết chế xã hội Thái. Cách nghi lễ tẳng cảu được thực hiện và những kiêng kỵ xoay quanh vật ma thuật này trên đỉnh đầu của người phụ nữ gia cố trật tự về quan hệ vợ chồng trong thiết chế gia đình và xã hội. Việc một bà góa đoan chính đại diện cộng đồng chủ trì lễ cầu mưa, màn ma thuật mắng chửi người chửa hoang trong nghi lễ này hay màn diễn xướng phê phán người không chung thủy trong lễ Hết Chá (vì ngoại tình nên đi đánh cá đeo giỏ ngược mà mang về giỏ rỗng không) gia cố ý niệm về đạo đức xã hội trong quan hệ nam nữ của cộng đồng. Các thực hành ma thuật liên quan tới vai trò của lúng ta (ông cậu bên mẹ) cho thấy một hình ảnh khác về thứ thiết chế mà nhìn từ biểu hiện bên ngoài
tưởng chừng đã phai nhạt1. Trên những chiếc cột chủ trong nhà của người Thái vẫn
hiện diện dấu vết hiện vật ma thuật được lúng ta làm cho. Ở nhiều nơi, người đi tung trứng tìm chỗ chôn cho phi người chết phải là ông cậu lúng ta này. Khi nhà có lễ, lúng ta được dành riêng một vị trí ngồi trang trọng theo quy định, và có những công việc chỉ riêng lúng ta được đảm nhận Trong các câu chuyện kể ở Thuận Châu, người Thái lo lắng làm phật ý phi lúng ta, vì nếu vậy gia đình sẽ xảy ra chuyện không hay. Vậy nên, khi ông cậu đến nhà, luôn phải có gà có rượu, và luôn phải tiếp đãi thật cẩn thận.
Thêm vào đó, các hành vi ma thuật còn hiện diện trong quá trình thiết lập trật tự xã hội Thái - một xã hội với trật tự đã được xác tín với vị trí, nơi chốn của vạn vật và con người, với một thiết chế của thế giới hư vô (yếu tố thuộc mường nào, đẳm nào thì về và ở yên tại mường đó, đẳm đó), một thiết chế khác riêng của con người,
1 Sự phai nhạt vai trò của ông cậu cũng được nói tới trong nghiên cứu của Cầm Trọng và Phan Hữu Dật [276 tr.263].
trong sự quy định rõ về các vị trí. Yêu cầu của thiết chế truyền thống Thái với ba nhiệm vụ quan trọng nhất trong cuộc đời của một con người (1. kết hôn, 2. dựng nhà, 3. làm tang lễ cho cha mẹ, cúng phi) ([204, tr.11-12], [92, tr.141,142]) được gia cố qua các hành vi, nghi lễ ma thuật xuất hiện dày đặc liên quan tới ba lĩnh vực này1. Trên thực tế, các thực hành ma thuật thường sẽ xuất hiện khi mọi thứ cần ở đúng chỗ hoặc đang không ở đúng chỗ, nên có thể nói, ma thuật tham gia vào tái củng cố và duy trì thiết chế Thái (cả trong thực tại và tâm linh), để mọi thứ về đúng trật tự, không hỗn loạn. Phi không đúng chỗ (ma tổ tiên phải ở hóng, ở rừng ma, trên mường trời, không thức dậy khi không gọi mời, không lấy đồ nhà then,...), hồn
không đúng nơi (hồn phải ở yên cùng thân chủ, hồn người tình cũ không thể quẩn quanh khi người đã có gia đình, và ngược lại, khi đã có gia đình, hồn vía cũng không được tơ tưởng đến người cũ,...) tất sẽ gây nên những xáo trộn và bất thường từ cấp độ cá nhân đến bản mường. Điều này có thể thấy rõ ở các quy định trong luật tục, phạt rất nặng những trường hợp vi phạm luật bản vì làm phi nào đó tức giận mà gây hại [256]. Vì lẽ đó, những sự thay đổi về cảnh quan, sự biến mất của các khu rừng thiêng, mó nước thiêng hay sự xuất hiện của các thiết chế mới, xa lạ, khác biệt đến từ bên ngoài (chẳng hạn, sự xuất hiện của một ngôi chùa thờ Phật, hoặc pho tượng thờ Phật Bà Quan Âm trên đất bản mường Thái) sẽ dễ dẫn tới những bất an về tâm thế và đời sống tâm linh Thái.
5.2.3. Ma thuật Thái: lạc hậu hay là một phần của cái hiện đại
Tính hiện đại thể hiện trong việc nảy sinh các nhu cầu thực hành ma thuật hoặc các hình thức ma thuật gắn liền với các vấn đề của xã hội hiện đại: cúng hồn cho người đi học, đi làm tại các thành phố lớn cách xa bản làng Thái hoặc đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Cúng cho hồn vía của người Thái trong các mối quan hệ làm ăn, hôn nhân với người của các nhóm cộng đồng khác. Điều này trong quá khứ không hẳn thiếu vắng, nhưng dấu ấn hiện đại hiện diện đa dạng trong các cảnh huống. Việc cúng, làm phép không chỉ diễn ra tại các không gian truyền thống (tại hỉnh/ hóng thờ, gốc cây, trong rừng,...) mà còn trong các không gian khác, chẳng hạn tại bệnh viện. Làm bùa, rút thẻ trong ngày Tết Nguyên Đán, cho cả người Thái lẫn các khách hàng thuộc nhóm dân tộc khác (Mường, Kinh, H'mông). Việc cúng các ma hồn nghệ nhân không chỉ diễn ra trong ngày khi đoàn nghệ nhân đi biểu diễn Xòe tại các nơi khác, trong các hội diễn, liên hoan văn nghệ toàn quốc hoặc
1 Có riêng những kiến tạo về mường tâm linh dành cho người không vợ không chồng (Khlốc, Khlai), ma ngụ mường này đêm ngày kêu khóc thảm thiết. Người chết không nhà, lang thang không được cúng giỗ cũng là phi gây hại.
trình diễn tại Làng văn hóa các dân tộc tại Đồng Mô (Hà Nội). Lễ xên bản xên mường trong tên gọi mới là "Lễ hội Hoa Ban" - đồng nhất hóa nghi lễ cộng đồng của một dân tộc với lễ hội hoa ban - loại hoa được xem là đặc trưng của vùng đất Tây Bắc nhằm kích cầu du lịch văn hóa tại địa phương. Kiến trúc hóa, cố định hóa không gian cho phi bản phi mường tại một số địa điểm (chẳng hạn, đền thờ tại Mộc Châu, Quỳnh Nhai). Trong các lễ cúng bản mường, chiếc áo của chủ mường trong mâm cúng hiện là áo của Chủ tịch xã/ huyện. Việc đốt đồ mã cho người chết (đốt nhà cửa, đồ dùng vật dụng, xe máy có ghi rõ biển số xe, điện thoại, tiền vàng,...) - điều trước đây rất xa lạ với nhiều người Thái - hiện cũng được tiến hành trong đám tang ở một số nơi.
Từ những hình thức ma thuật gắn với đời sống hiện đại, nổi lên vai trò kiến tạo quan trọng của các thầy mo Thái. Xu hướng nghiên cứu về thầy shaman gần đây cho thấy, shaman có vẻ rất cổ xưa, nhưng thực ra rất có tính đương đại. Những nghiên cứu nhân học cung cấp một bức tranh đa dạng và rộng lớn về hoạt động của các thầy shaman trong thế giới hiện đại, cách họ tham gia giải quyết những vấn đề liên quan tới bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, sở hữu đất đai, khẳng định vị thế văn hóa cho nhóm cộng đồng,...Chính vì thế, các diễn giải về shaman và công việc của họ không thể nằm trong các khung khép kín và cố định. Không thể chỉ hình dung về shaman như phần nguyên thủy hay "hóa thạch" của một nền văn hóa. Nói như Fotiou và các cộng sự [373], mặc dù thầy shaman thường hành động một cách địa phương nhưng mục đích hành động của họ trong thực tế lại thường mang tính toàn cầu, và khi một vấn đề nào đó xảy ra (chẳng hạn, thiên tai, dịch bệnh), nhiệm vụ chính của một thầy shaman là phục hồi lại sự cân bằng vũ trụ, và không chỉ ở cấp độ địa phương. Mối bận tâm của thầy shaman hiện tại ngoài các vấn đề sức khỏe, tâm linh, còn là vấn đề về quyền đất đai, quyền bản địa, quyền tự chủ về văn hóa, sự mất cân bằng sinh thái khi cảnh quan thiêng liêng bị xâm phạm hoặc dần biến mất,...
Từ các thực hành của thầy mo Thái trong xã hội đương đại, có thể xem họ là một phần tất yếu thuộc về dòng chảy hiện đại hóa và toàn cầu hóa. Những thực hành ma thuật của họ, thể hiện rõ nhất trong các mô tả ở Chương 4, cho thấy sự chuyển mình của xã hội và văn hóa Thái trong một bối cảnh có nhiều đổi thay. Dựa trên các nguyên tắc thực hành truyền thống, trên cơ sở niềm tin không thay đổi về vũ trụ quan Thái với sự hiện diện khắp nơi của các phi, thầy mo Thái thực hành ma thuật một cách linh hoạt và năng động, trong sự hỗ trợ của các phương tiện truyền
thông (truyền hình, internet, mạng xã hội,...), hàng hóa và điều kiện của xã hội hiện đại. Nhiều thầy mo đi làm lễ cho khách hàng cách xa hàng trăm cây số trong địa bàn tỉnh Sơn La hay đi làm lễ để đòi nợ cho khách ở Hà Nội, cách nơi cư trú tới 300 km. Hiện vật thiêng của thầy mo Thái có thể được kiếm trong chuyến du lịch tại Hà Nội, Sài Gòn hoặc Thái Lan. Gian thờ của thầy mo có thể hiện diện thêm ảnh Bác Hồ, tượng Phật Bà, tượng Đức Mẹ Maria hay tượng thờ của Đạo Mẫu. Có mo đại diện cho dân bản để thương lượng với công ty xây dựng du lịch lấy đất rừng trên địa bàn, đòi đền bù, đổi mặt bằng kinh doanh bằng việc xây dựng một nghĩa trang liệt sỹ riêng trong khu vực, để các ma hồn lang thang có chỗ ăn ở. Một thầy mo khác lại thường kết nối với các nhóm làm từ thiện tại Hà Nội, Vĩnh Phúc để hàng năm, đều đặn có những kì cung cấp thực phẩm, quần áo cho người nghèo trong bản.
Những thực hành ma thuật còn cho thấy sự mở rộng theo một chiều kích khác trong ý thức về vai trò, nhiệm vụ cộng đồng của thầy mo. Với tâm thức truyền thống, thầy mo luôn là lớp người đảm nhận việc chăm sóc hồn vía cho dân bản, giữ gìn sự an yên của bản làng, và hiện tại, trách nhiệm đó không thay đổi. Song, đời sống hiện đại với các bối cảnh mới cũng đã đặt ra nhiều nan đề cho thầy mo, và trong nhiều trường hợp, là sự thách thức đối với họ. Một lễ hội được xem là tiêu biểu cho văn hóa của cả huyện, được các cán bộ phòng văn hóa chỉ đạo sát sao về nội dung kịch bản và hình thức tổ chức nhưng thầy mo vẫn đau đáu một nỗi lo lắng về sự hài lòng của các phi khi lễ hội diễn ra. Cân bằng ra sao giữa yêu cầu về việc lựa chọn một ngày tổ chức lễ hội cố định, vào thứ bảy chủ nhật để thu hút nhiều hơn khách du lịch, với việc chọn ngày tốt theo lịch Thái? Quá trình mo tương tác với hệ thống các phi diễn ra vào thời điểm nào và kéo dài bao lâu là phù hợp, để không ảnh hưởng tới phần kịch bản trình diễn trên sân khấu? Lịch biểu diễn dù ở Hà Nội, Điện Biên hay tại nơi nào khác, việc cúng, làm phép để các hồn ma nghệ nhân không bị bỏ dọc đường, không tức giận cũng là việc mà thầy mo tự xem là điều bản thân cần phải giải quyết. Vào dịp tết, trong những ngày nghỉ tết cuối cùng, thầy mo cũng không quên gọi hồn vía dân bản về để hồn không vì mải chơi mà lang thang gây họa cho sinh thể. Điều này cho thấy một tinh thần cộng đồng của các thầy mo Thái, không hề là những thực hành có tính cá nhân, vụ lợi, thiếu tính tập thể như cách ma thuật đã được một số nghiên cứu gán cho. Đời sống đương đại cung cấp thêm những tình huống mới, góp phần gia tăng vai trò, vị thế của người thực hành tâm linh Thái, cũng đồng thời mở ra các bối cảnh cho sự linh hoạt và thương thỏa trong các hoạt động của họ.
5.3. Ma thuật Thái: vấn đề về khung phân loại và thuộc tính văn hóa Thái
Karan Sign trong Những bóng ma, cái hiện đại và sự biến đổi [Ghosts, Modernities and Transformations: A Case Study of Mahendipur Balaji] [374] cho rằng, chủ nghĩa hậu hiện đại cuối thế kỉ XX có ảnh hưởng quan trọng, thậm chí quyết định đến cách các nhà nghiên cứu nhìn nhận các hiện tượng tâm linh, và ma thuật là một trong số hệ thống các từ vựng cần được diễn giải lại, chống lại những phân biệt đầy cực đoan giữa các cặp nhị nguyên khoa học/ tôn giáo, mê tín/ duy lý, hiện đại/ nguyên thủy, tiến bộ/ lạc hậu,... Với trường hợp ma thuật Thái, khi được đặt trong các lớp bối cảnh cụ thể của văn hóa, xã hội, tâm linh Thái, có thể nói, toàn bộ khung định giá và phân loại này cần được giải hủy. Từ ma thuật Thái, còn có thể thấy những khía cạnh khác của đời sống Thái đương đại mà nhiều trong số đó, đối lập với những thứ đã được hình dung và xem như thuộc tính của dân tộc, cộng đồng, con người hay bản sắc Thái.
5.3.1. Thái này là Thái nào: ma thuật và sự đa dạng trong các không gian văn hóa Thái
Trên thực tế, có thể nói về một thứ "uy quyền khảo tả dân tộc học"1 đã được xác lập về người Thái ở Tây Bắc nói riêng và người Thái ở Việt Nam nói chung. Dù các nghiên cứu Thái học đã chứng minh sự tồn tại của các nhóm Thái khác nhau với 8 ngữ hệ Thái và các câu chuyện di cư vào Việt Nam không đồng nhất song nói đến người Thái, ý niệm về một diện mạo văn hóa Thái chung nhất và đơn nhất vẫn được xem gần như hiển nhiên. Cách diễn đạt "Thái phải như ông D. đã nói", "người Thái thì phải thế này",... là phổ biến. Tuy nhiên, thực tế các thực hành ma thuật tại một số địa bàn đã cung cấp những minh chứng khác, cho thấy người Thái và văn hóa Thái ở nhiều nơi có những điểm tương đồng và quá nhiều dị biệt. Câu chuyện về lời khẳng định khi xem bức ảnh hướn nọi (ngôi nhà nhỏ đặt bên ngoài ngôi nhà sàn Thái, thường được lý giải là để thờ bên ngoại) không có thang lên rằng "người Thái làm gì có hướn nọi kiểu này, phải có cầu thang lên mới đúng Thái", rằng
"người Thái ở đây làm sai luật, họ chả hiểu gì về văn hóa Thái"2 cho thấy một thứ
tâm lý gắn chết về một đặc trưng có tính phổ quát của văn hóa. Trong thực tế, diễn giải của những người Thái "chả hiểu gì về văn hóa Thái" ở địa bàn Thái này (Thái trắng Mộc Châu) cho biết, ngôi nhà nhỏ là họ cúng "thổ địa" trong tiếng Kinh, tiếng Thái gọi là phi đin. Vì thờ thần đất nên không làm thang lên3. Sự khó chịu ở nhiều người về việc, người dân làm lễ không đúng như những mô tả trong sách, báo, hay
1 Chữ dùng của Clifford (1983) [40].
2 Thông tin trò chuyện với một người Thái sống tại Hà Nội.
3 Thông tin điền dã, Mộc Châu, 16/1/2019.
sự nuối tiếc khi bản làng không còn những nếp nhà sàn truyền thống thực chất cũng
là biểu hiện cho tâm lý tìm kiếm những thuộc tính bản sắc cố định về văn hóa này.
Sự không tương đồng về các thực hành trong văn hóa tại các nhóm Thái có thể thấy qua rất nhiều minh chứng, thể hiện trong cách cúng tổ tiên, các thao tác, lời ma thuật trong hôn lễ, trong tang ma, trong dòng lễ hội liên quan đến các thầy mo một hay trong cách thức thờ cúng1. Tổ chức tang lễ, người Thái Đen ở Thuận Châu, Yên Châu có tục phẵn hóng (chém, dỡ bàn thờ ma nhà, thay thế ma hồn người ông đã ngụ tại đó bằng ma hồn người bố mới chết), song điều này không thấy thực hành
trong nhiều nhóm Thái Trắng tại các địa bàn khác như Mộc Châu, Quỳnh Nhai. Sau khi chôn cất người chết, người Thái Đen Thuận Châu làm chiếc lều nhỏ sát con đường đi để mọi người qua lại đặt vào đó chút đồ ăn (bánh, kẹo, ngô, khoai, xôi,...) cho ma hồn mới chết, đang phải vất vả làm quen và tạo lập "cuộc sống" mới, nhưng người Thái Mộc Châu thì không. Cột phướn chim gỗ nộc cao, ngựa cánh mạk phik trồng tại ngôi mộ của người Thái Trắng Mộc Châu quay đầu về hướng tây, phía biên giới Lào, nhắc nhớ nguồn gốc Thái Lào của nhóm Thái nơi này, trong khi nhóm Thái Đen họ Mè ở Chiềng Khoi (Yên Châu) lại đặt cột phướn, chim gỗ tại nhà mồ quay theo hướng Đông Nam, hướng được cho là tổ tiên của họ đã đến từ đó. Trong đám tang của người chết ở nhóm Thái Đen, lời mo cúng tiễn hồn ma lên trời buộc phải đi đến thác Phi Pay (tương truyền thuộc xã Thạch Lương, huyện Văn Chấn, Yên Bái), nơi có loại dây rừng khau cát để hồn ma leo lên trời [191, tr.8]. Phần mo tìm gọi hồn tại trần gian trong đám tang Thái Đen, các địa danh mo nhắc tới chính là các vùng đất nơi người Thái Đen cư trú, cho thấy quá trình thiên di, mở rộng, chiếm hữu các vùng đất mới của tổ tiên người Thái Đen đã được nói tới trong
cuốn biên niên sử Chuyện kể bản mường (Quám tố mướng)2. Trong đám tang của
người Thái Trắng tại Mường Xang (Mộc Châu), mo tiễn hồn lên trời tại điểm cuối là núi Pha Luông cao nhất đất Mộc Châu3. Với người Thái Trắng Quỳnh Nhai, kể từ khi di chuyển trung tâm huyện ra địa điểm mới vì hồ thủy điện đã khiến ngập hết bản cũ, lời mo hát tiễn hồn người chết lại bổ sung thêm một đoạn đường từ huyện mới đi qua cầu Pá Uôn - bản Tọng - Pác Ma, Pha Khinh rồi đến dòng nặm Chiên cũ.
1 Ý niệm truyền thống phổ biến rằng, người Thái không có đền, miếu thờ thần linh. Tuy nhiên, trong thực tế, tại một số nơi hiện đã có những hình thức thờ cúng cố định này, chẳng hạn sự tồn tại của một ngôi đền thờ người sáng lập bản tại một bản Mộc Châu, hay đền thờ Nàng Han tại Quỳnh Nhai.
2 Các địa danh gồm: Mường Min - Mường Lùng - Mường Lò (Văn Chấn - Yên Bái) - Kim Nọi - Khau Cọ
(Than Uyên - Lào Cai) - Mường Lay - Mường So - Mường Là (Lai Châu) - Ta Hè, Ta Sại - Ít Ong - bản Muông - Mường Chiên - Mường Chai (Quỳnh Nhai) - Chim Vàn - Đá Đỏ - Mường Pùa - Mường Tấc (Phù Yên) - Mường Xang (Mộc Châu) - Mường Vạt (Yên Châu) - Mường Mụa (Mai Sơn) - Mường Hung, Mường Lằm (Sông Mã) - Mường Thanh (Điện Biên) - Mường Muổi (Thuận Châu) [191, tr.13-15].
3 Tư liệu điền dã, bản Lùn, Mường Xang, Mộc Châu, 21/12/2017.