Khái Niệm Kinh Tế Du Lịch Theo Hướng Phát Triển Bền Vững


Dựa trên cơ sở các nghiên cứu đi trước, tác giả cho rằng: Kinh tế du lịch là một ngành kinh tế thuộc khối ngành dịch vụ trong nền kinh tế quốc dân; có chức năng, nhiệm vụ tổ chức, khai thác tài nguyên du lịch nhằm tạo ra và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ du lịch phục vụ nhu cầu của du khách; từ đó thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Như vậy, KTDL với tư cách là một ngành kinh tế thì nó phải được đánh giá và điều hành theo các tiêu chí và quy luật kinh tế, là hoạt động có liên quan đến sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu dùng. Hoạt động KTDL phải trả lời được các câu hỏi cơ bản: Ai làm? Làm như thế nào? Làm cho ai? Làm để làm gì? Ngoài ra, KTDL là ngành kinh tế đặc biệt, thể hiện ở chỗ KTDL mang tính tổng hợp, liên ngành, liên vùng và xã hội hoá cao; là ngành kinh tế xanh, sạch “công nghiệp không khói”; mang lại hiệu quả kinh tế cao “con gà đẻ trứng vàng”. Bên cạnh đó, trong thị trường KTDL, ngoài những đặc điểm như hàng hóa nói chung, sản phẩm DL còn có các đặc điểm riêng: nó có thể vừa là vật chất hoặc phi vật chất khi đem ra trao đổi giữa nhà cung cấp DL với khách DL và cái được đối với du khách là sự cảm giác, trải nghiệm hay hưởng thụ. Sự trao đổi này cũng không làm thay đổi quyền sở hữu sản phẩm DL, trong quá trình chuyển đổi cũng không xảy ra sự dịch chuyển sản phẩm, chỉ là du khách có quyền sở hữu tạm thời sản phẩm DL tại nơi mình đến. Cùng một sản phẩm DL có thể bán được nhiều lần cho nhiều du khách khác nhau sử dụng, còn quyền sở hữu trước sau vẫn thuộc về người cung cấp sản phẩm đó.

* Đặc điểm của KTDL:

- Kinh tế du lịch có tính tổng hợp, liên ngành và xã hội hoá cao: Có thể thấy KTDL vừa là ngành dịch vụ lại vừa là ngành công nghiệp. Phạm vi hoạt động của KTDL bao gồm các lưu trú, ăn uống, lữ hành, giao thông, … trong đó có cả các bộ phận sản xuất tư liệu vật chất (công nghệ dệt, ngành xây dựng...) và một số bộ phận sản xuất tư liệu phi vật chất (văn hoá, giáo dục, tôn giáo, tài chính, bưu điện...). Như vậy KTDL không phát triển đơn lẻ mà có luôn có mối quan hệ chặt chẽ với các ngành kinh tế khác. Các bộ phận trong KTDL không chỉ có đặc tính hướng đích thông qua nút “thoả mãn nhu cầu của du khách” mà còn liên hệ chặt chẽ với nhau. Bất cứ hành vi chậm trễ hoặc bỏ lỡ nhịp của bất kỳ bộ phận nào cũng đều ảnh hưởng chất lượng sản phẩm, dịch vụ DL. Ngoài ra sản phẩm DL được cấu thành từ một chuỗi dịch vụ, do đó cần sự tham gia của mọi thành phần trong xã hội.


- Kinh tế du lịch có tính thời vụ: Do ảnh hưởng của yếu tố địa lý tự nhiên, thời tiết khí hậu đồng thời KTDL phát triển chủ yếu dựa vào các nguồn tài nguyên nên dưới tác động của điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, khí hậu, thời tiết nên KTDL mang “tính thời vụ” đặc trưng. Ngoài ra dưới sự tác động từ các yếu tố cung - cầu trong thị trường DL đã góp phần khiến cho KTDL có tính thời vụ rõ ràng. Dưới tác động của tính thời vụ, thu nhập của ngành KTDL bị tác động khá mạnh mẽ. Vì thể để tối đa hóa lợi nhuận của ngành KTDL, cần chú ý đến đặc điểm quan trọng này để có kế hoạch, biện giảm thiểu sự tác động của tính thời vụ; giải quyết một cách hài hòa giữa mùa thịnh, mùa suy; khai thác, sử dụng hiệu quả công suất của các cơ sở vật chất và tài nguyên DL, tránh hao mòn và lãng phí từ đó góp phần nâng cao hiệu quả DL. Bên cạnh đó cần kích thích sự sáng tạo, đột phá trong việc tìm ra các giải pháp khai thác một cách hiệu quả các sản phẩm, dịch vụ DL mới và bổ trợ trong thời điểm vắng khách.

- Kinh tế du lịch có tính nhạy cảm cao: do chịu sự tác động của nhiều yếu tố như điều kiện tự nhiên, kinh tế, chính trị, xã hội như: chiến tranh, động đất, khủng bố, bất ổn chính trị, dịch bệnh… đều có ảnh hưởng lớn đến hoạt động DL nên KTDL có tính nhạy cảm cao so với các ngành kinh tế khác. Để khắc phục được “tính nhạy cảm” này, trong hoạt động KTDL cần chủ động, nhạy bén và sáng tạo để có chiến lược và giải pháp kịp thời.

- Kinh tế du lịch có tính liên vùng và gắn bó chặt chẽ với quá trình hội nhập: Tính liên vùng biểu hiện thông qua quá trình liên kết thành tuyến DL tại các khu, điểm DL trong một khu vực, trong một quốc gia hay giữa các quốc gia với nhau. Tính liên kết trong phát triển KTDL là xu thế chung trong giai đoạn hiện nay qua đó cho phép các điểm đến, các địa phương trong vùng khai thác những lợi thế của nhau về cơ sở hạ tầng, nguồn lực và tài nguyên DL. Mỗi một điểm DL đều có những nét độc đáo, hấp dẫn riêng, song nó không thể tách khỏi xu thế thời đại và sự phát triển chung của khu vực và quốc gia. Vì vậy, bất cứ một khu vực, một quốc gia nào muốn phát triển KTDL cần phải đưa mình vào “quỹ đạo’’ chung của quốc tế và khu vực. Qua liên kết phát triển tạo điều kiện cho các điểm đến, địa phương nâng cao năng lực sáng tạo và khai thác để cho ra những sản phẩm DL đặc sắc; nâng cao năng lực cạnh tranh; mở rộng thị trường DL; góp phần xúc tiến quảng bá hình ảnh điểm đến… tạo điều kiện tạo ra những chuỗi sản phẩm liên kết chuyên nghiệp, đồng bộ giữa các địa phương, làm nên thương hiệu DL vùng, như “DL miền Trung - 3


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 226 trang tài liệu này.

địa phương một điểm đến”, “Trầm tích miền Châu thổ”… Bên cạnh đó tính liên kết và hội nhập còn góp phần bổ sung những hạn chế do điều kiện đặc thù tại các điểm đến, phát huy tốt những lợi thế của mỗi địa phương, quốc gia.

- Kinh tế du lịch được xem là ngành “xuất khẩu hàng hoá” tại chỗ: Hoạt động của ngành KTDL không chỉ đáp ứng nhu cầu DL ngày càng tăng của người dân mà còn đóng vai trò quan trọng “xuất khẩu tại chỗ” các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của địa phương và quốc gia. Hoạt động mua sắm trong khi đi DL là một việc làm tự nhiên gắn bó hữu cơ với việc đi DL thông qua việc du khách mua các sản phẩm hàng hoá đặc trưng tại điểm DL để làm quà tặng, quà biếu cho người thân, bạn bè hay để kỷ niệm về chuyến đi DL. Những sản phẩm này phải đảm bảo sự khác lạ, mang tính đặc trưng của điểm DL mà nơi khác không có. Trước đây, việc mua sắm hàng hoá tại nơi DL thường là những hàng hoá gọn nhẹ, nhỏ, thuận tiện cho vận chuyển. Nhưng giờ đây, giới hạn về sản phẩm trong mua sắm không còn nữa, du khách có thể mua bất cứ sản phẩm nào mà họ cho là phù hợp, cần thiết với họ và đáp ứng những mong muốn khác nhau, điều này phụ thuộc nhiều vào đặc điểm nhu cầu và khả năng chi tiêu của từng thị trường khách DL.

Kinh tế du lịch theo hướng phát triển bền vững ở tỉnh Thừa Thiên Huế - 5

2.1.1.2. Khái niệm kinh tế du lịch theo hướng phát triển bền vững

Thuật ngữ PTBV lần đầu tiên được nhắc tới trong Chiến lược bảo tồn thế giới do Hiệp hội Bảo tồn Tài nguyên Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đưa ra vào năm 1980, nhưng phải đến năm 1987 trong Báo cáo Brundtland (Tương lai của chúng ta) của Hội đồng Thế giới về Môi trường và Phát triển (WCED) của Liên Hợp Quốc, khái niệm PTBV mới chính thức được đưa ra: “PTBV là sự phát triển đáp ứng được những yêu cầu của hiện tại, nhưng không gây trở ngại cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau” [183]. Kể từ sau báo cáo đó, khái niệm PTBV được phổ cập toàn cầu và trở thành khái niệm chìa khoá giúp các quốc gia xây dựng quan điểm, định hướng và hình thành các hệ thống giải pháp nhằm tháo gỡ bế tắc trong các vấn đề phát triển.

Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Môi trường và Phát triển tổ chức tại Johannesbug (Cộng Hoà Nam Phi) năm 2002 đã xác định: “PTBV là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hoà giữa 3 mặt của sự phát triển, gồm: tăng trưởng về mặt kinh tế, cải thiện các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường”, qua đó hình thành nên các nhóm tiêu chí đánh giá sự PTBV trên 3 mặt kinh tế, xã hội và môi trường [47, tr.46].


Có thể hiểu PTBV nhằm giải thích một sự phát triển về mọi mặt trong hiện tại nhưng vẫn đảm bảo quá trình phát triển tiếp theo trong tương lai. Khái niệm này hiện đang là mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia trên thế giới, cũng như của các ngành kinh tế mà đặc biệt là ngành KTDL, được biết đến là một trong những ngành kinh tế lớn nhất trên thế giới trong thập niên gần đây.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Môi trường và Phát triển của Liên Hợp quốc tổ chức tại Rio de Janeiro năm 1992, UNWTO đã đưa ra định nghĩa:

Du lịch bền vững là việc phát triển các hoạt động DL nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại của khách DL và người dân bản địa trong khi vẫn quan tâm đến việc bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên cho việc phát triển hoạt động DL tương lai. DL bền vững sẽ có kế hoạch quản lý các nguồn tài nguyên nhằm thỏa mãn các nhu cầu về kinh tế, xã hội, thẩm mỹ của con người trong khi đó vẫn duy trì được sự toàn vẹn về văn hóa, đa dạng sinh học, sự phát triển của các hệ sinh thái và các hệ thống hỗ trợ cho cuộc sống con người [47, tr.14].

Liên quan đến PTBV đối với ngành KTDL, Điều 5 - Luật Du Lịch Việt Nam (2005) đã nêu rõ: “Phát triển DL bền vững theo quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo hài hoà giữa DL - môi trường; phát triển có trọng tâm, trọng điểm theo hướng DL văn hoá - lịch sử, DL sinh thái, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị văn hoá; bảo đảm chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh” [84, tr.46].

Tác giả Nguyễn Tư Lương (2016) định nghĩa KTDL bền vững là:

Hoạt động khai thác có quản lý một cách hiệu quả các giá trị tự nhiên và nhân văn nhằm thỏa mãn nhu cầu của khách DL, đảm bảo mục tiêu phát triển về kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn; đảm bảo sự đóng góp cho bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên DL, bảo tồn và phát huy các giá trị về văn hóa; góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao mức sống của cộng đồng địa phương [72, tr.21].

Nhìn chung, KTDL PTBV không tách rời sự PTBV nói chung vì KTDL với tư cách là một ngành kinh tế, một lĩnh vực kinh doanh cũng nằm trong mối quan hệ tương tác với các ngành, lĩnh vực kinh tế khác và có quy luật phát triển nằm trong sự PTBV chung của địa phương, quốc gia. Có thể hiểu KTDL PTBV là kết quả của quá trình phát triển dựa trên sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hoà giữa các chủ thể


tham gia trong hoạt động KTDL để cùng thực hiện và hưởng lợi từ các vấn đề: phát triển về kinh tế, đảm bảo tốt về văn hoá - xã hội và bảo vệ môi trường. Tiêu chí chung để đánh giá KTDL PTBV là sự tăng trưởng kinh tế một cách ổn định; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; khai thác, sử dụng một cách tiết kiệm và hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường sống.

Theo tác giả, KTDL theo hướng PTBV thực chất cũng là KTDL PTBV nhưng ở đây quan điểm bền vững nói lên sự định hướng, hay có thể xem là mục tiêu của quá trình phát triển KTDL. Từ đó, tác giả đưa ra quan điểm về KTDL theo hướng PTBV như sau: Kinh tế du lịch theo hướng phát triển bền vững là sự định hướng, lên kế hoạch phát triển ngành kinh tế du lịch với mục tiêu khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên du lịch để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch độc đáo, có chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách; mở rộng các nguồn lực sản xuất, duy trì các chỉ tiêu tăng trưởng một cách ổn định và lâu dài; đảm bảo sự hài hoà và nâng cao lợi ích cho cộng đồng; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá bản địa; có đóng góp tích cực vào bảo vệ môi trường sinh thái, gìn giữ tài nguyên du lịch cho các thế hệ tương lai.

Với quan điểm trên, KTDL theo hướng PTBV sẽ bao gồm 3 nội dung (3 định hướng) cơ bản sau:

- Kinh tế du lịch theo hướng PTBV định hướng tăng trưởng kinh tế ổn định, bền vững và có chất lượng.

- Kinh tế du lịch theo hướng PTBV hướng tới giải quyết các vấn đề xã hội, gắn liền với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử của địa phương.

- Kinh tế du lịch theo hướng PTBV định hướng sự phát triển luôn đi đôi với bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

2.1.2. Đặc điểm của kinh tế du lịch theo hướng phát triển bền vững

Kinh tế du lịch theo hướng PTBV tồn tại những đặc điểm cơ bản của KTDL như đã phân tích ở nội dung trước. Bên cạnh đó với tư cách là sự định hướng, lộ trình cho quá trình phát triển KTDL trong giai đoạn và bối cảnh mới, KTDL theo hướng PTBV còn mang trong nó những đặc điểm riêng. Cụ thể:

Thứ nhất, KTDL theo hướng PTBV luôn đặt ra yêu cầu cần xây dựng chiến lược, kế hoạch và quy hoạch cho ngành KTDL trong ngắn hạn và dài hạn. Để đảm bảo sự phát triển một cách đồng bộ và bền vững, sự tồn tại và phát triển của KTDL


phải cần nằm trong khuôn khổ kế hoạch, quy hoạch của quốc gia, vùng, địa phương về DL trên cơ sở đáp ứng nhu cầu, lợi ích cho cộng đồng dân cư và du khách. Trong kế hoạch, quy hoạch cần phải thống nhất các mặt kinh tế, văn hoá - xã hội và môi trường; tôn trọng chiến lược của quốc gia, vùng, lãnh thổ, địa phương; phát triển KTDL bền vững phải được lồng ghép trong chiến lược chung đồng thời lấy chiến lược tổng thể làm định hướng phát triển KTDL theo hướng bền vững. Xây dựng chiến lược và kế hoạch, quy hoạch là cơ sở quan trọng để thúc đẩy cho quá trình PTBV của KTDL, qua đó tác động tích cực đối với việc định hướng đầu tư, liên kết phát triển; góp phần phát huy tối đa các nguồn lực trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, thông qua các chiến lược, quy hoạch phát triển KTDL từ đó xác định vị trí, vai trò của ngành KTDL trong nền kinh tế địa phương, quốc gia để kịp thời có các chính sách ưu tiên phát triển, và sự đồng thuận hỗ trợ tích cực từ những ngành kinh tế khác. Đây cũng là cơ sở pháp lý để tự thân ngành KTDL có những bước đi, kế hoạch cũng như tính chịu trách nhiệm trong quá trình phát triển.

Thứ hai, KTDL theo hướng PTBV luôn bao hàm 3 trụ cột chính: Kinh tế, văn hoá - xã hội, tài nguyên - môi trường. Nếu như phát triển KTDL thông thường chỉ chú trọng đến mục tiêu kinh tế và tối đa hóa lợi nhuận, các khía cạnh xã hội, môi trường chỉ là phương tiện để đạt mục tiêu kinh tế chứ không phải là mục tiêu cuối cùng, thì trong KTDL theo hướng PTBV lại đòi hỏi sự cân đối các nội dung và mục tiêu phát triển, trong đó các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường đều là những trụ cột quan trọng của PTBV. Những tru cột này luôn được quan tâm đầy đủ và hài hòa. KTDL theo hướng PTBV cũng bao hàm sự cân nhắc kỹ lưỡng, hợp lý giữa mục tiêu, lợi ích ngắn hạn và dài hạn để có phương án phân bổ nguồn lực và các giải pháp phù hợp trong tổ chức thực hiện, hướng đến đạt được các mục tiêu này.

Thứ ba, KTDL theo hướng PTBV tăng cường mức độ tham gia của cộng đồng đồng thời tạo điều kiện cho cộng đồng hưởng lợi từ hoạt động KTDL. Nhìn vào xu hướng phát triển DL ngày nay là hướng tới DL có trách nhiệm, DL thân thiện, để thấy rằng cộng đồng dân cư ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động KTDL theo hướng PTBV, tạo lập nên môi trường DL hấp dẫn, họ tham gia gìn giữ giá trị văn hoá di sản độc đáo và có tiềm năng khai thác các hoạt động KTDL. Bên cạnh đó, KTDL theo hướng PTBV còn góp phần tạo điều kiện cho cộng đồng bản địa hưởng được những lợi ích tương xứng với việc thể hiện vai trò, trách nhiệm và đóng


góp của họ vào hoạt động KTDL như: cơ hội việc làm, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao trình độ dân trí... Bên cạnh đó, trên cơ sở những cơ chế, chính sách, biện pháp quản lý cụ thể đã thực hiện, địa phương sẽ có được nguồn thu ngân sách từ KTDL, cùng với sự phát triển KT-XH; sở hữu một hệ tài nguyên - môi trường được bảo vệ, tôn tạo cùng với an ninh trật tự chung của địa phương được bảo đảm, sẽ tạo nên một môi trường sống tích cực, bền vững cho cộng đồng dân cư.

Thứ tư, tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc cơ bản của PTBV. Đây cũng là một đặc trưng riêng có để đạt được và duy trì KTDL theo hướng PTBV. Trong khi KTDL không bền vững không trên cơ sở hoặc thường xuyên phá vỡ các nguyên tắc phát triển, thì KTDL theo hướng PTBV luôn phải tuân thủ nghiêm túc và đầy đủ các nguyên tắc - vốn cũng đã được xác định để định hướng và đảm bảo sự phát triển bền vững. Thực hiện tốt, đầy đủ các nguyên tắc cơ bản của PTBV là yếu tố đảm bảo sự thành công đối với KTDL theo hướng PTBV. Tuy nhiên, khi vận dụng, thực hiện các nguyên tắc trên ở mỗi địa phương và trong từng giai đoạn phát triển cụ thể cần có sự linh hoạt để vừa đảm bảo được các yếu tố cốt lõi của PTBV, vừa khả thi trên thực tế. Các nguyên tắc đó là: (1) Khai thác sử dụng các nguồn tài nguyên DL một cách hợp lý; (2) Hạn chế việc sử dụng quá mức tài nguyên DL và giảm thiểu chất thải từ hoạt động KTDL ra môi trường; (3) Phát triển KTDL phải phù hợp với quy hoạch phát triển KT-XH; (4) Phát triển KTDL phải luôn gắn liền với việc bảo tồn tính đa dạng tài nguyên - môi trường; (5) Phát triển KTDL cần chú trọng đến việc chia sẻ lợi ích với cộng đồng địa phương; (6) Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương vào các hoạt động KTDL; (7) Thường xuyên trao đổi với cộng đồng địa phương và các đối tượng có liên quan đến việc phát triển KTDL; (8) Luôn chú trọng việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng được yêu cầu phát triển KTDL, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập và phát triển trong nền kinh tế thị trường;

(9) Tăng cường xúc tiến, quảng bá KTDL một cách có trách nhiệm; (10) Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ.

Thứ năm, KTDL theo hướng PTBV khuyến khích nâng cao năng lực và sự liên kết giữa các chủ thể tham gia hoạt động KTDL. KTDL được tạo thành bởi nhiều bộ phận, nhiều mắt xích khác nhau; bản thân ngành KTDL không thể tự phát triển mà cần phải liên kết. Do vậy, đẩy mạnh hợp tác, liên kết xúc tiến, quảng bá du lịch là việc làm cần thiết để tạo sức mạnh chung nhằm hỗ trợ, giúp nhau phát huy


những lợi thế của mỗi địa phương và của vùng; khai thác các nguồn lực một cách hợp lý, giải quyết nhu cầu thực tiễn của địa phương và tạo ra trợ lực cho sự phát triển KTDL một cách bền vững. Nâng cao năng lực và sự liên kết giữa các chủ thể tham gia hoạt động KTDL sẽ cho phép khai thác những lợi thế về tài nguyên DL, cơ sở hạ tầng vật chất - kỹ thuật và các nguồn lực khác cho phát triển KTDL một cách hiệu quả và đồng bộ hướng tới chuyên nghiệp và chất lượng, tạo ra được những sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao. Từ đó hạn chế sự bất cập, chồng chéo, thiếu trách nhiệm giữa các chủ thể tham gia. KTDL theo hướng PTBV là hướng tới sự phát triển dài lâu, vì lợi ích cho xã hội hôm nay và cả mai sau, do đó không thể phát triển KTDL theo kiểu nửa vời, mùa vụ hay xem đó là trách nhiệm của bất kì một ngành hay chủ thể nào mà cần có sự chung tay, góp sức cả về nhận thức và hành động của tất cả các cấp, các ngành và các chủ thể tham gia trong đó giữ vai trò đầu tàu chính là cấp ra chính sách.

2.1.3. Vai trò của kinh tế du lịch theo hướng phát triển bền vững

- Về kinh tế:

+ Kinh tế du lịch theo hướng PTBV góp phần phát triển kinh tế ổn định và lâu dài thể hiện ở mức tăng trưởng mức GDP bình quân của doanh nghiệp, GDP của ngành và GDP của toàn xã hội; nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên DL và các nguồn lực phục vụ cho hoạt động KTDL (nhân lực, vốn, cơ sở vật chất - kỹ thuật…).

+ Góp phần làm tăng thu nhập bình quân lao động ngành KTDL và thu nhập quốc dân, tham gia tích cực vào quá trình phân phối lại thu nhập quốc dân giữa các vùng, các địa phương.

+ Thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nền kinh tế nông nghiệp sang một nền kinh tế dựa vào dịch vụ.

+ Khuyến khích và thu hút vốn đầu tư nước ngoài, góp phần củng cố và phát triển mối quan hệ kinh tế với các nước trên thế giới và trong khu vực, tạo nên sự phát triển đường lối giao thông quốc tế.

+ Thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển đồng thời tận dụng và phát triển cơ sở vật chất - kỹ thuật của các ngành kinh tế khác.

+ Đối với nền sản xuất xã hội, KTDL là một hoạt động xuất khẩu có hiệu quả cao nhất, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hoá đặc biệt là những mặt hàng thủ công truyền thống, hàng quà tặng, lưu niệm mang giá trị văn hoá bản địa sâu sắc.

Xem tất cả 226 trang.

Ngày đăng: 08/03/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí