Mối Quan Hệ Giữa Không Gian Và Thời Gian Nghệ Thuật


Tâm lí vội vã còn thể hiện ở chỗ khi dùng đôi chân thì nhân vật cũng chạy nhiều hơn đi: “Đoài đang chặt thịt gà, tay đầy mỡ, cứ để thế không rửa tay, chạy lại bàn thờ vái lia lịa” [110; 45], hay: “Thoa ở trên gác băng xuống. Mùi nước hoa thơm nồng quyện mùi mồ hôi” [110; 235]. Họ vội, nhưng phần đông không ý thức được sự vội vã của mình, xem đấy chỉ thuận theo tự nhiên, nào là: “Chợ phân họp chừng một giờ từ 3 giờ đến 4 giờ sáng…Những người họp chợ phân tản đi rất nhanh, loáng cái chẳng thấy một người nào, cứ như là chui xuống đất” [110; 471]; “Thoắt cái, đã thấy bà đồ Hoạt bưng lên một mâm lòng lợn có cả một đĩa phèo nõn nà” [110; 187]; “Kể từ ngày tôi rời xóm đạo bên sông ra đi, thoắt cái thế mà đã mười mấy năm ròng” [110; 88]. Ngay đến con khỉ chúa cũng: “văng mình rất nhanh đến nỗi không có phút nghỉ ở mỗi chặng dừng” [110; 61].

Bên cạnh đó, trong truyện Nguyễn Huy Thiệp, ta thường gặp những đoạn văn đặc tả nhịp điệu hành động vội vàng, khẩn trương hấp tấp của thời gian nhân vật: “Hôm ấy, khoảng 5 giờ chiều, anh Thanh là một giáo viên người Thái hớt hải chạy lên, người ướt như chuột lột [110; 464]; hay như: “Ông ta khá linh hoạt, lanh lẹn. Sự linh hoạt của ông ta khiến cho phiên chợ sôi nổi hẳn lên…Ông ta như một vị nhạc trưởng, như người giữ nhịp điệu cho cả phiên chợ quái đản này” [110; 469].

Không chỉ vội vã khẩn trương trong hành động, nhiều nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp còn khẩn trương vội vã trong tâm tưởng: "Ánh thở dài đứng lên: Cũng phải ngươi ép ta, đến nay là chín năm rồi, ta còn nhớ. Từ khi ngươi cắp gươm hầu ta, ăn ngủ cũng phải tính giờ. Xưa kia ta đâu phải vậy ?" [110; 144]. Trong Thổ cẩm, nhân vật tôi sau khi cưỡng hiếp cô gái Mèo đã vô cùng hoảng sợ như rơi vào vực thẳm, luôn luôn cảm thấy có điều gì bất trắc, chạy theo lối đường mòn trong rừng “luôn luôn linh cảm như có người đuổi theo đằng sau” [110; 452]. Ở Những bài học tiếng Việt, Nguyễn


Huy Thiệp đã dựng lại hình ảnh một Vũ Trọng Phụng sốt ruột với thời gian: “Một người khách đi xe điện hỏi Vũ. Chàng giật mình, chàng trả lời:

- Hôm nay là thứ Bẩy ông ạ!

- Chết, đã thứ Bẩy rồi ư? Vũ gật đầu, tất cả rối rít cả lên” [110; 428].

Không những thế, những kiểu va chạm một cách hấp tấp khiến nhiều nhân vật huých đạp vào nhau, cãi nhau, chửi nhau: “Đoài bảo: Đây chẳng sợ. Nói rồi xán lại hôn chút lên má Sinh. Sinh đẩy ra. Đoài hổn hển” [110; 48]. Để dồn nén thông tin, phù hợp với cuộc sống hối hả gấp gáp và tâm lí nhanh gọn, đôi khi, lời trần thuật của Nguyễn Huy Thiệp giản lược tối đa vắn tắt: “Cấn cầm dao mai soàn soạt vào miếng da bò bảo: “Hôm nay cắt được chục cái đầu thì hay [110; 45]. Ông Móng chuyên buôn bán phân, chớp chảo thời gian trước khi trời sáng: “Phân không chua, phân hôm nay không đậm như phân hôm qua…Mày phải chắt kiệt nước đi, phân mới ngon!”. Ông chỉ nhấn vào các từ “chua”, “đậm”, “ngon”, “nát nhẽo nát nhèo” [110; 470].

Không chỉ có nhịp điệu thời gian nhân vật khẩn trương, nhịp điệu của thời gian sự kiện trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp nhiều lúc cũng hết sức hối hả dồn dập, vắn tắt. Theo Genette: “truyện kể vắn tắt là kể trong vài đoạn hoặc vài trang về nhiều ngày, nhiều tháng mà không có hành động hoặc không có lời nói được kể chi tiết.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 168 trang tài liệu này.

Thời gian sự kiện trong tác phẩm văn học được thể hiện ở phương diện thước đo thời gian được tính đến bằng thước đo thời gian của tự nhiên hay bằng thước đo chính xác của đồng hồ và không gian thời gian, tức sự lựa chọn thời điểm làm bối cảnh hành động của nhân vật, sự kiện này chưa qua, sự kiện khác đã ập đến: “Cha tôi đi được vài ngày thì ở nhà xảy ra một chuyện cười nôn ruột… Sáng hôm sau, ngủ dậy thì tôi nghe thấy tiếng gọi cổng…Điện của ông Chưởng: Thiếu tướng Nguyễn Thuấn hy sinh” [110; 28], hoặc : “Hôm đưa lão Kiền về đầu quấn băng…Nửa tháng sau, khối u to bằng nửa quả


Không gian và thời gian nghệ thuật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp - 11

ổi…Ít lâu sau, lão Kiền mê sảng cứ rên rỉ: Cho tôi chết đi, đau đớn lắm... Đoài bảo: Ông cụ đi rồi thật may quá!” [110; 57]. Còn biến cố trong cuộc đời nhân vật thì luôn luôn dồn dập thay đổi số phận cá nhân trong phút chốc: “Nàng Bua, người đàn bà Lò Thị Bua khi đi ra đường không ai chào hỏi nàng: Quỷ dữ đấy, đừng gần nó! Vậy mà một bữa, Bua và lũ con đào được một hũ sành sứt mẻ đầy thoi vàng lấp lánh. Thoắt một cái, người đàn bà nghèo khó và bị khinh rẻ trở thành giàu có nhất bản, nhất mường” [110; 204].

Qua nhịp điệu thời gian sự kiện, ta thấy như xã hội đương đại đang thu nhỏ lại, thu hình lại. Ở đó, không phải là xã hội trong trạng thái tĩnh tại mà là trong trạng thái đầy biến động dữ dội cả về kinh tế, xã hội, chính trị và tâm lí. Dữ dội nhanh chóng đến mức chính bản thân người trong cuộc cũng phải ngạc nhiên bàng hoàng. Những số phận đổi thay, những tính cách chuyển biến quá đột ngột, đảo ngược quá khứ, khiến các nhân vật cũng phải thay đổi thái độ với nhau một cách mau lẹ.

2.3.2. Nhịp điệu thời gian lặp lại

Khi nghiên cứu truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp chúng tôi bắt gặp những điệp khúc khi tác giả nhắc về thời gian như một nỗi niềm băn khoăn, thao thiết. Có những truyện tác giả viết nên bởi sự gộp lại của ba truyện nhỏ, và ở mỗi mẩu chuyện ấy là ba đoạn kết viết gần giống nhau. Những trường hợp ấy có thể thấy rõ trong Con gái thủy thần, xuất hiện một vòng tròn thời gian lặp lại trong cuộc phiêu lưu của nhân vật.

Điểm xuất phát ban đầu của Chương là tìm gặp người con gái theo tin đồn: “nàng là con gái của Giao Long”. Sau bao nhiêu chặng đường vòng vo, kết thúc cuộc hành trình của mình, Chương lại bắt đầu một cuộc hành trình mới. Những đan xen đứt đoạn được chế ngự bởi những hồi tưởng về Mẹ Cả, người phụ nữ đã cuốn hút, khiến chàng say mê dự báo sự lựa chọn đầu tiên của con người trong tình yêu. Một thế giới nội tâm không thuần nhất, một con


người tràn đầy sinh lực khao khát yêu đương, khát khao kiếm tìm. Cuối cùng là những câu hỏi cứ trở đi trở lại ở cuối truyện thứ hai truyện thứ ba thể hiện nỗi lòng trăn trở mà có lẽ mãi mãi Chương không thể tìm thấy được. Có lẽ, huyền thoại mãi là huyền thoại nó men theo cuộc đời, đôi khi, hòa nhập vào cuộc đời nhưng chẳng bao giờ đồng nhất với cuộc đời cả:

Truyện thứ nhất: “Trước mặt tôi dòng sông đang thao thiết chảy. Sông chảy ra biển. Biển rộng vô cùng, tôi chưa biết biển, mà tôi sống nửa cuộc đời rồi đấy…Thời gian cũng thao thiết trôi. Chỉ ít năm nữa đến năm 2000…” [110; 79].

Truyện thứ hai: “Tôi vùng bỏ đi như chạy. Trước mặt tôi là dòng sông. Sông chảy ra biển, biển rộng vô cùng. Tôi chưa biết biển …thế mà tôi sống nửa cuộc đời rồi đấy. Thời gian cũng thao thiết trôi. Chỉ ít năm nữa đến năm 2000…” [110; 87].

Truyện thứ ba: “Tôi cứ đi, đi mãi…trước mặt tôi là dòng sông thao thiết. Trước mặt tôi là dòng sông. Sông chảy ra biển, biển rộng vô cùng. Tôi chưa biết biển. Mà tôi sống nửa cuộc đời rồi đấy. Chỉ vài năm nữa đến năm 2000…” [110; 96].

Hình thức lặp lại về thời gian mà Nguyễn Huy Thiệp sử dụng có thể nói đây không phải là hình thức lặp lại hoàn toàn. Nghĩa là tác giả sử dụng hoàn toàn chữ, nghĩa của đoạn trước nhưng việc sử dụng dấu (,); (.); (…), để ngắt câu lại khác. Chính điều này đã khiến cho độc giả cảm nhận rõ hơn nỗi khắc khoải đi tìm Mẹ Cả trong huyền thoại của Chương, bởi vì mỗi chuyện nhỏ lại gắn với một quãng thời gian ra đi của chàng. Chẳng hạn như, câu đầu tiên cũng có sự khác nhau ấy: “Trước mắt tôi, dòng sông thao thiết chảy”. Nếu câu trên là câu được ngắt nhịp bởi dấu (,) thì hai câu khác ở hai truyện sau lại được gộp lại bởi một nhịp: “Trước mặt tôi là dòng sông” và “Trước mặt tôi là


dòng sông thao thiết”, cho thấy cảm giác nôn nóng trong lòng nhân vật. Sau những hiện tượng ấy là sự nhắc nhở hay tính đếm thời gian.

Về văn bản ta thấy, ở hai truyện đầu là hai câu: “Thời gian cũng thao thiết trôi. Chỉ ít năm nữa đến năm 2000…” Nhưng ở truyện thứ ba chỉ còn lại một câu “Chỉ vài năm nữa đến năm 2000…”. Ở đây tác giả đã thay từ “ít” bằng từ “vài”, “ít” vẫn chưa rõ chính xác là bao nhiêu, nhưng “vài” thì có thể đếm được rồi. Tiếp đó tác giả đổi từ chấm lửng (…) sang dấu chấm (.), chứng tỏ thời gian không còn nhiều nữa, càng ngày càng thu ngắn lại.

So sánh với Bến trần gian của Lưu Sơn Minh, ta sẽ thấy nhịp thời gian xuất hiện ở những dấu ba chấm, mà lẽ ra là vị trí của dấu hỏi, hoặc dấu chấm cảm: “Anh cứ trôi, trôi mãi…và cất tiếng gọi “đò …ơi…đò”; “Thế mà lại sắp giỗ anh Lăng rồi u nhỉ…”. Như vậy, ở đây, dấu ba chấm xuất hiện để che giấu tình cảm của nhân vật, và thái độ trông ngóng về một sự kiện sắp tới.

Để nhân vật tiếp tục ra đi, tiếp tục kiếm tìm sự thật, dòng chảy thời gian tâm trạng đã được nhà văn tạo ra như một vòng tròn liên tục. Đôi khi để lưu giữ trong tâm hồn mình, cũng như tâm hồn độc giả những khoảnh khắc thời gian đẹp. Những hình tượng đó vừa là tâm trạng vui tươi của tác giả, vừa là vẻ đẹp khắc khoải của thiên nhiên: “Bạt ngàn là hoa ban trắng, màu trắng đến khắc khoải nao lòng. Này hoa ban, một nghìn năm trước mày có trắng thế không?” [110; 258]. Ở đoạn văn thứ hai, tác giả đã láy lại hoàn toàn đoạn văn thứ nhất: “Bạt ngàn là hoa ban trắng bên đường, màu trắng đến là khắc khoải, nao lòng. Này hoa ban, một nghìn năm sau mày có trắng thế này không”. Câu hỏi về thời gian: một nghìn năm sau, cứ lặp đi lặp lại như là một lời thúc giục con người hãy tôn trọng cái đẹp, và bảo vệ cái đẹp khỏi cuộc sống đời thường vì “cái đẹp chính là cuộc sống” [110; 288].

Ở một số truyện khác, tác giả sử dụng điệp khúc về không gian quẩn quanh tù đọng để diễn tả sự mong ngóng, chờ đợi một điều gì đó của những


người dân thôn quê chất phác: “Ga chiều huyện lị vắng vẻ. Mấy con gà rã cánh đi trên sân ga. Có khoảng chục người chờ ở cổng. Vẳng lại băng cát-xét nhà nào đang mở” [110; 428].

“Quyên bảo: Tôi ở đây ba ngày sao mà dài quá. Ga chiều huyện lị vắng vẻ. Vẫn chỉ có khoảng hơn chục người đứng ở sân ga đợi tàu vẳng lại băng cát-xét nhà nào đang mở” [110; 447].

F. Engel cho rằng: “chủ nghĩa hiện thực miêu tả tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình” [82; 198], thế nhưng, trong hoàn cảnh điển hình, nhịp điệu thời gian được lựa chọn để nhấn mạnh thêm sự ngột ngạt, bế tắc, Sống mòn của Nam Cao chẳng hạn. Trong văn học lãng mạn, nhịp điệu thời gian trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam đã cho chúng ta thấy được những thân phận nhỏ bé trong xã hội với một ga xép tỉnh lẻ. Huyện nhỏ, ga nhỏ, hai đứa trẻ nhỏ trong không gian cứ tối dần, sẫm dần. Trong cái nhịp điệu thời gian vo ve của tiếng muỗi, hoàng hôn trở nên nhập nhoạng, những hình bóng cứ mờ dần, sẫm lại. So sánh Nguyễn Huy Thiệp với Thạch Lam ta thấy có nhiều nét tương đồng trong nghệ thuật miêu tả không gian. Trong truyện ngắn Hai đứa trẻ, Thạch Lam cũng phản ánh được cuộc sống quẩn quanh bế tắc, tẻ nhạt nơi phố huyện: “Tiếng còi tàu hú từ xa dè dặt, vui mừng có ai nói to: “Tàu về”. Cả phố huyện vẫn mơ màng” [110; 170]. Nhưng khác Thạch Lam, Nguyễn Huy Thiệp đã sử dụng hình thức lặp lại: “Khoảng hơn một chục người lần lượt qua cổng soát vé. Tôi nhận thấy mấy cô giáo cấp ba trường huyện, bộ đội, mấy người buôn chuyến. Mấy người thợ sắt. Một ông to béo đeo kính râm, mắt kính vẫn dán tem. Một thanh niên cao gầy tóc rễ tre, đôi mắt tư lự” [110; 170].

13 trang sau đó, điệp khúc này được lặp lại:

“Ga chiều huyện lị vắng vẻ. Vẫn chỉ có hơn chục người đứng ở sân ga đợi tàu. Vẳng lại tiếng cát-xét nhà nào đang mở. Tàu vào ga. Hành khách lần


lượt lên tàu. Mấy cô cấp ba trường huyện. Bộ đội. Mấy người buôn chuyến” [110; 183]. Không gian ga chiều huyện lị vắng vẻ người ta có thể đếm được từng người một và cũng có thể thoáng qua đã nhận biết được đặc điểm riêng của mỗi người.

Bên cạnh đó, sự lặp lại không gian ở nhiều đoạn tả ngắn đã tạo ra những ấn tượng sâu sắc vắng lặng về cảm giác khắc khoải về nhịp điệu thời gian trong tâm hồn người đọc, chẳng hạn trong truyện ngắn Mưa, cụm từ: “Nghe rõ tiếng mưa rơi” lặp lại 08 lần. Thời gian trong những đoạn tả ngắn ấy, cũng thường là thời gian chiều, tối. Đó là thời khắc của màn đêm vừa ập tới: “chiều xuống chậm. Những bóng đêm chạy đuổi nhau trên mặt đất”, “ăn cơm xong thì tối mịt. Sấm sét nổ vang trời. Cả nhà tôi chuyển thóc ra khỏi chỗ dột. Xong mọi việc đã 11 giờ khuya” [110; 173], hoặc những trạng từ hàm chỉ thời gian: “trong nhà, tranh lồng trong khung kính chăng đầy mạng nhện…trên mặt kính đầy vết cứt ruồi”, “bóng tối mờ mờ trong nhà chỉ thắp ngọn đèn dầu bé tí” [110; 125]; hoặc “vầng trăng khuyết”, “cái ngõ tối om”...

Có nhiều truyện, không gian như tối sầm lại “dằng dặc những ngày mưa xám xịt, nặng nề, không gian phố nhà thì chìm trong đêm mưa hoặc đêm đen, chỉ có ánh đèn leo lét chảy giọt từ những căn phòng”. Trong đó, thứ ánh sáng duy nhất có thể cảm nhận được là tình yêu: “Họ trao thân cho nhau trong một đêm yên tĩnh…Họ nằm yên lặng vui thích lắng nghe những tiếng lách tách cháy từ ngọn nến” [110; 482-483]. Ở đây, Nguyễn Trãi cảm nhận được nhịp thời gian là tình yêu đắm say với Nguyễn Thị Lộ, nó vừa bùng cháy lên với sức mạnh không có gì ghìm hãm được, vừa thu hút như ngọn đèn trong không gian lấp lánh.


Tiểu kết chương 2:


Trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp thời gian đã chia thành hai kiểu thời gian tự sự tương ứng với hai loại truyện ngắn của ông. Một là, thời gian biên niên (trật tự biên niên, tốc độ chậm, thiên về trần thuật đơn nhất ứng với chùm truyện lịch sử giả), ở kiểu truyện này là kiểu truyện sự kiện, hay truyện kể phi tâm lí. Hai là, thời gian phi tuyến tính tốc độ nhanh, nhịp điệu đa dạng, thiên về trần thuật khái quát và trần thuật trùng lặp và chúng thuộc về kiểu truyện tâm tư. Trong tác phẩm, kĩ thuật dòng ý thức đã được tác giả sử dụng đan lồng và trở thành nguyên tắc nghệ thuật chi phối tổ chức trần thuật. Nhân vật có thể tự do đi lại trong tương lai, trong những cuộc hành trình về quá khứ. Bên cạnh đó, sự tương quan qua lại của yếu tố tốc độ kể chuyện trong các truyện ngắn khác nhau, đã tạo nên nhịp điệu kể chuyện nhanh dần, gấp gáp, dồn dập khẩn trương. Nhịp điệu này thể hiện cách nhìn của Nguyễn Huy Thiệp trong sự xung đột căng thẳng đầy kịch tính.


CHƯƠNG 3. MỐI QUAN HỆ GIỮA KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN NGHỆ THUẬT


3.1. Tổ chức không gian trong sự kết hợp với thời gian

Không gian thời gian là hai khái niệm không tách rời nhau. Mọi sự vật đều tồn tại trong không gian và thời gian. Nguyễn Thị Bình cho rằng: “Cùng với yếu tố không gian, thời gian nghệ thuật giữ vai trò không thể thiếu được trong việc bộc lộ đời sống riêng tư của con người” [15; 139]. Trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, không gian và thời gian đều là hình tượng

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 29/01/2023