Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, quá trình phục vụ nhu cầu của khách du lịch có sự tham gia của nhiều ngành khác nhau, do vậy sự hình thành và phát triển du lịch chịu sự tác động, chi phối của nhiều nhân tố khác nhau. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển du lịch bao gồm: nhân tố kinh tế - chính trị - xã hội, tài nguyên du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và NNLDL. Trong các nhân tố trên, NNLDL có vai trò quyết định đến sự phát triển du lịch. Con người bằng sức lao động của mình sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật để khai thác các giá trị tài nguyên du lịch tạo ra sản phẩm du lịch. Phần này sẽ được nghiên cứu sâu, rõ hơn ở các nội dung sau của luận án.
1.1.2.2. Khái niệm nguồn nhân lực du lịch
Bất kỳ quốc gia nào muốn phát triển đều cần phải có các nguồn lực: tài nguyên thiên nhiên, vốn, khoa học - công nghệ, con người … Trong các nguồn lực đó thì nguồn lực con người hay nguồn nhân lựclà nguồn lực quan trọng nhất, có tính chất quyết định trong sự tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Theo giáo trình Kinh tế nguồn nhân lực của trường Đại học Kinh tế Quốc dân: “Nguồn nhân lực là một phạm trù dùng để chỉ sức mạnh tiềm ẩn của dân cư, khả năng huy động tham gia vào quá trình tạo ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội trong hiện tại cũng như trong tương lai. Sức mạnh và khả năng đó được thể hiện thông qua số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số, nhất là số lượng và chất lượng con người có đủ điều kiện tham gia vào nền sản xuất xã hội” [16].
Xét về phạm vi, nguồn nhân lực được giới hạn ở phạm vi tổ chức, ngành, địa phương, quốc gia. Nguồn nhân lực của tổ chức bao gồm toàn bộ lực lượng lao động làm việc trong tổ chức đó. Nguồn nhân lực của ngành bao gồm toàn bộ lực lượng lao động làm việc trong các tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi ngành. Nguồn nhân lực của địa phương bao gồm toàn bộ lực lượng lao động trong địa phương như tỉnh, thành phố, huyện, xã …Nguồn nhân lực
của quốc gia bao gồm toàn bộ lực lượng lao động làm việc trong phạm vi quốc gia. Lực lượng lao động dưới góc độ phạm vi đề cập về số lượng, chất lượng và cơ cấu lao động.
Từ những phân tích trên, nguồn nhân lực sử dụng trong luận án này được hiểu như sau: Nguồn nhân lực là lực lượng lao động trong một tổ chức, ngành, vùng hoặc quốc gia thể hiện thông qua số lượng, chất lượng và cơ cấu lao động. Luận án đi sâu nghiên cứu nguồn nhân lực trong phạm vi một ngành.
Nguồn nhân lực là nguồn lực quan trọng, có tính chất quyết định đến sự thành bại của tổ chức. Bất kể một tổ chức nào dù mạnh hay yếu thì yếu tố con người vẫn là yếu tố đầu tiên và cơ bản nhất. Trước xu thế toàn cầu hóa hiện nay, các thay đổi là cần thiết trong lực lượng lao động nhằm định hướng, giúp cho các nhà hoạch định chính sách, các doanh nhân thấy được và định hướng sự phát triển nguồn nhân lực của mình và từ đó đáp ứng các cơ hội và thách thức do hội nhập quốc tế mang lại.
Có thể bạn quan tâm!
- Huy động vốn đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế - 2
- Huy động vốn đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế - 3
- Đánh Giá Chung Về Tình Hình Nghiên Cứu Và Những Vấn Đề Đặt Ra Cho Đề Tài Luận Án
- Mức Độ Quan Trọng Của Nội Dung Phát Triển Nnldl
- Nhu Cầu Vốn Đầu Tư Cho Phát Triển Nguồn Nhân Lực Du Lịch
- Sự Cần Thiết Phải Đa Dạng Hóa Các Kênh Huy Động Vốn Đầu Tư Cho Phát Triển Nguồn Nhân Lực Du Lịch
Xem toàn bộ 251 trang tài liệu này.
NNLDL là một bộ phận của nguồn nhân lực của một quốc gia, có vai trò quan trọng trong việc phát triển của ngành Du lịch, của nền kinh tế. Nguồn nhân lực của một ngành bao gồm toàn bộ lực lượng lao động tham gia vào quá trình phát triển của ngành đó, do vậy NNLDL bao gồm toàn bộ lực lượng lao động tham gia vào quá trình phát triển ngành Du lịch .
Căn cứ vào mối liên hệ với đối tượng cung ứng dịch vụ (khách du lịch), lực lượng lao động du lịch được chia thành hai nhóm: lao động trực tiếp và lao động gián tiếp. Lao động trực tiếp bao gồm những công việc trực tiếp phục vụ khách du lịch như trong khách sạn, nhà hàng, lữ hành, các cửa hàng bán lẻ phục vụ khách du lịch, cơ quan quản lý du lịch,… Lao động gián tiếp bao gồm những công việc cung ứng, hỗ trợ cho các hoạt động trực tiếp phục vụ khách du lịch như: cung ứng thực phẩm cho khách sạn nhà hàng, cung ứng
hàng hoá cho các cửa hàng bán lẻ phục vụ khách du lịch, các dịch vụ của Chính phủ hỗ trợ phát triển du lịch, xây dựng khách sạn, sản xuất máy bay, các trang thiết bị phục vụ khách du lịch… Đặc trưng của ngành Du lịch là lực lượng lao động trực tiếp lớn, có ảnh hưởng trực tiếp và lớn nhất đến chất lượng dịch vụ, từ đó đến chất lượng sản phẩm du lịch.
Từ những phân tích trên, NNLDL được khái niệm như sau: NNLDL là lực lượng lao động trong ngành Du lịch bao gồm lao động trực tiếp và lao động gián tiếp thể hiện thông qua số lượng, chất lượng và cơ cấu lao động. Trong phạm vi của luận án, tác giả đi sâu vào nghiên cứu lực lượng lao động trực tiếp.
1.1.2.3. Đặc điểm của nguồn nhân lực du lịch
Du lịch là một ngành kinh doanh tổng hợp, có nhiều nét đặc thù. NNLDL là lực lượng lao động tham gia vào quá trình phát triển du lịch nên NNLDL cũng có những đặc điểm riêng:
- Lao động trong kinh doanh du lịch bao gồm lao động sản xuất vật chất và lao động sản xuất phi vật chất. Trong đó lao động sản xuất phi vật chất chiếm tỷ trọng lớn.
- Lao động trong du lịch có tính chuyên môn hoá cao. Tính chuyên môn hóa tạo ra các nhiệm vụ từng khâu, từng bộ phận khác nhau. Mỗi bộ phận đều có ảnh hưởng dây chuyền đến các bộ phận khác trong toàn bộ hệ thống nên các bộ phận trở nên phụ thuộc nhau.
- Thời gian lao động phụ thuộc vào thời gian, đặc điểm tiêu dùng của khách bất kể thời gian nào khách đến cũng phải tiếp đón, phục vụ với đặc điểm của nhu cầu du lịch đã nêu trên. Vì vậy, người lao động thường làm việc nhiều giờ trong ngày và làm việc cả vào ngày lễ, ngày nghỉ.
- Tỷ lệ lao động trẻ, lao động nữ, lao động thời vụ trong ngành Du lịch cao hơn các ngành khác. Nhiều đơn vị hoạt động liên tục 24 giờ/ngày, 7
ngày/tuần, 365 ngày/năm. Tỷ lệ về luân chuyển lao động cao trong nội bộ ngành, tỷ lệ lao động vào ngành và rời khỏi ngành cao.
- Cường độ lao động trong ngành Du lịch không cao nhưng thường phải chịu áp lực tâm lý lớn và môi trường làm việc phức tạp do thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều loại đối tượng có trình độ, nghề nghiệp, quốc tịch, thói quen tiêu dùng khác nhau.
- Cơ cấu đội ngũ lao động trong du lịch khá đa dạng trình độ văn hóa, nghiệp vụ, thâm niên công tác, kỹ năng xã hội. Lao động trong kinh doanh du lịch cần nhiều lao động có kỹ năng cao về các nghiệp vụ khác nhau, đồng thời tỷ lệ lao động không có kỹ năng cũng khá lớn.
Xét về cơ cấu NNLDL chia thành ba nhóm lao động: nhóm lao động có chức năng kinh doanh du lịch, nhóm lao động có chức năng quản lý nhà nước về du lịch và nhóm lao động có chức năng đào tạo, nghiên cứu du lịch. Mỗi nhóm lao động có đặc điểm riêng biệt sau:
Nhóm lao động có chức năng kinh doanh du lịch
Nhóm lao động có chức năng kinh doanh du lịch là toàn bộ lực lượng lao động làm việc trực tiếp trong các cơ sở du lịch, bao gồm 4 nhóm: nhóm lao động chức năng quản lý chung, nhóm lao động chức năng quản lý theo các nghiệp vụ kinh tế, nhóm lao động chức năng đảm bảo điều kiện kinh doanh của cơ sở du lịch, nhóm lao động trực tiếp cung cấp dịch vụ cho khách du lịch Nhóm lao động này chiếm số lượng đông đảo nhất trong hoạt động du
lịch có một số đặc điểm riêng là:
- Cơ cấu độ tuổi trẻ, tỷ lệ lao động nữ cao hơn so với lao động nam: xuất phát từ tính đặc thù của du lịch đòi hỏi phải có lực lượng lao động có sức khoẻ, trẻ trung và nhanh nhẹn, nên hình thành lực lượng lao động có cơ cấu độ tuổi trẻ. Nhiều lĩnh vực phục vụ khách du lịch như lễ tân, bàn, bar, buồng
đòi hỏi có sự duyên dáng, cẩn thận và khéo léo của người phụ nữ, vì vậy tỷ lệ lao động nữ thường cao hơn lao động nam.
- Không đồng đều về chất lượng và cơ cấu: Xuất phát từ tính định hướng tài nguyên rõ nét của du lịch, các hoạt động du lịch thường diễn ra tại các khu, điểm du lịch, những nơi có nhiều tài nguyên du lịch và được đầu tư đồng bộ về hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật ngành, vì vậy phần lớn lao động đã qua đào tạo đều làm việc tại những khu du lịch, trung tâm du lịch lớn, ở những khu vực còn lại thường thiếu lao động.
Trong du lịch có nhiều công việc với yêu cầu lao động giản đơn dẫn đến tình trạng tỷ lệ lao động chưa tốt nghiệp phổ thông trung học khá cao. Ngược lại, ở những bộ phận tiếp xúc trực tiếp với khách du lịch, đội ngũ lao động thường được trang bị đầy đủ các kỹ năng về chuyên môn nghiệp vụ, giao tiếp và tỷ lệ thông thạo ngoại ngữ tương đối cao.
- Có sự biến động mạnh về số lượng theo thời gian trong năm: Do ảnh hưởng của tính thời vụ du lịch, các hoạt động du lịch thường diễn ra sôi động trong một thời gian nhất định của năm (còn gọi là mùa cao điểm), vào thời điểm cao điểm của mùa du lịch, các doanh nghiệp du lịch thường phải tuyển dụng thêm các lao động thời vụ để đáp ứng nhu cầu kinh doanh, phục vụ khách của mình. Đến mùa thấp điểm, doanh nghiệp du lịch chấm dứt hợp đồng lao động với những lao động thời vụ.
Nhóm lao động có chức năng quản lý nhà nước về du lịch
Nhóm này có vai trò quan trọng trong việc xây dựng chiến lược phát triển du lịch của quốc gia và từng địa phương, tham mưu cho việc đề ra đường lối, chính sách phát triển du lịch. Họ đại diện cho nhà nước để hướng dẫn, giúp đỡ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch kinh doanh có hiệu quả; kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh doanh. Nhóm lao động này chiếm tỷ trọng không lớn trong toàn bộ NNLDL nhưng có trình độ cao, toàn diện, vĩ
mô về du lịch. Nhóm lao động này làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch từ trung ương đến địa phương như Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch, Sở VHTTDL …
Nhóm lao động có chức năng đào tạo, dạy nghề và nghiên cứu khoa học du lịch
Nhóm lao động này có trình độ học vấn cao, có kiến thức chuyên sâu về du lịch, có chức năng đào tạo NNLDL, nghiên cứu khoa học về du lịch và có vai trò to lớn trong việc phát triển NNLDL, tác động lớn đến chất lượng và số lượng của NNLDL hiện tại và trong tương lai. Nhóm lao động này thường làm việc tại các Viện nghiên cứu, các CSĐTDL.
1.1.2.4. Vai trò của nguồn nhân lực du lịch trong phát triển du lịch
Để du lịch phát triển, cần có các nguồn lực: nguồn nhân lực, tài nguyên du lịch, nguồn vốn và khoa học công nghệ, nguồn lực về năng lực kinh doanh và quản lý. NNLDL là nguồn lực có vai trò quyết định trong sự phát triển du lịch, đặc biệt là trong điều kiện xã hội đang chuyển dần sang nền kinh tế tri thức, ở đó các nguồn lực về vốn, công nghệ, tài nguyên đang giảm dần vai trò của nó, thay vào đó là khả năng sáng tạo, tri thức trong tổ chức, quản lý quá trình lao động của con người. Con người được coi là một “tài nguyên đặc biệt”, các nguồn lực còn lại chỉ phát huy được tác dụng khi kết hợp với nguồn lực con người. NNLDL không bao giờ cạn kiệt như các nguồn lực khác mà nó có khả năng phục hồi, tái sinh và phát triển. Du lịch là ngành đòi hỏi có NNLDL lớn với nhiều loại trình độ do đặc điểm của ngành Du lịch có mức độ cơ giới hóa thấp, đối tượng khách hàng có nhu cầu rất đa dạng. Vai trò và chất lượng của NNLDL càng có vai trò quan trọng trong phát triển du lịch, nó quyết định thành công của bất kỳ đơn vị, tổ chức, của ngành Du lịch. Phần lớn lao động du lịch tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, chất lượng lao động không chỉ phụ thuộc vào trình độ, kỹ năng tay nghề của người lao động mà
còn phụ thuộc vào thái độ làm việc. Do đó, NNLDL cần giỏi về nghiệp vụ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp thì mới thúc đẩy được sự phát triển của du lịch nói riêng và nền kinh tế nói chung.
1.1.3. Phát triển nguồn nhân lực du lịch
1.1.3.1. Khái niệm và nội dung phát triển nguồn nhân lực du lịch
Phát triển nói chung là một thuật ngữ chỉ quá trình tăng tiến về mọi mặt của một đối tượng nhất định (một sự vật hoặc một hiện tượng) trong một giai đoạn nhất định, bao gồm cả sự tăng thêm về quy mô, chất lượng và cơ cấu về mọi mặt của đối tượng đó.
Theo cách hiểu khái quát nêu trên thì thuật ngữ phát triển nguồn nhân lực gắn liền với sự gia tăng về số lượng (thường gọi là quy mô) của nguồn nhân lực, sự hoàn thiện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, được thể hiện ở việc nâng cao trình độ giáo dục quốc dân, trình độ kỹ thuật, chuyên môn, sức khoẻ, thể lực, ý thức, đạo đức nghề nghiệp của nguồn nhân lực và sự thay đổi cơ cấu của nguồn nhân lực về các mặt như cơ cấu trình độ đào tạo, cơ cấu độ tuổi, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu vùng miền… theo hướng phù hợp yêu cầu, chức năng và nhiệm vụ của nguồn nhân lực cụ thể nào đó.
Theo giáo trình Kinh tế nguồn nhân lực, trường đại học Kinh tế Quốc dân: “Phát triển nguồn nhân lực là quá trình phát triển thể lực, trí lực, khả năng nhận thức và tiếp thu kiến thức tay nghề, tính năng động xã hội và sức sáng tạo của con người; nền văn hoá; truyền thống lịch sử.... Với cách tiếp cận phát triển từ góc độ xã hội, phát triển nguồn nhân lực là quá trình tăng lên về mặt số lượng (quy mô) nguồn nhân lực và nâng cao về mặt chất lượng nguồn nhân lực, tạo ra cơ cấu nguồn nhân lực ngày càng hợp lý. Với cách tiếp cận phát triển từ góc độ cá nhân, phát triển nguồn nhân lực là quá trình làm cho con người trưởng thành, có năng lực xã hội (thể lực, trí lực, nhân cách) và tính năng động xã hội cao”[16]. Phát triển nguồn nhân lực theo nghĩa rộng là
tổng thể các hoạt động học tập có tổ chức được tiến hành trong những khoảng thời gian nhất định để nhằm tạo ra sự thay đổi hành vi nghề nghiệp của người lao động [28].
Tóm lại, phát triển NNLDL là quá trình thúc đẩy việc học tập có tính tổ chức nhằm tăng thêm về số lượng, nâng cao chất lượng và thiết lập cơ cấu nguồn nhân lực hợp lý thông qua việc thực hiện các hoạt động học tập, hoạt động đào tạo kỹ năng và hoạt động phát triển đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành du lịch một quốc gia.
Theo cách tiếp cận trên thì nội dung phát triển NNLDL là toàn bộ những hoạt động học tập được tổ chức bởi các cơ sở du lịch, cơ sở quản lý du lịch cung cấp nhân lực du lịch cho xã hội. Có thể tổng hợp nội dung phát triển NNLDL bao gồm ba hoạt động: Hoạt động học tập, hoạt động đào tạo kỹ năng và hoạt động phát triển.
Hoạt động học tập là hoạt động để chuẩn bị cho con người bước vào nghề du lịch hoặc từ nghề khác chuyển sang làm việc trong ngành Du lịch . Hoạt động đào tạo kỹ năng là hoạt động học tập nhằm giúp con người lao động du lịch có thể thực hiện hiệu quả hơn chức năng, nhiệm vụ của mình. Đây là quá trình học tập làm cho người lao động du lịch nâng cao trình độ, kỹ năng về du lịch. Hoạt động phát triển là hoạt động học tập vượt ra khỏi phạm vi công việc trước mắt của người lao động du lịch, nhằm mở ra cho họ công việc mới dựa trên những định hướng tương lai của các tổ chức quản lý, đào tạo và kinh doanh du lịch.
Qua khảo sát 28 CSĐTDL công lập, 28 CSĐTDL ngoài công lập, trong các phiếu trả lời nhận được (48/56 phiếu) thì 96% cho rằng hoạt động học tập là hoạt động đáng chú trọng nhất trong nội dung phát triển NNLDL, tiếp theo là hoạt động đào tạo kỹ năng (71%) và hoạt động phát triển (71%).