trong ngân hàng. Do vậy, việc loại bỏ đồng ngoại tệ ra khỏi danh sách loại tiền gửi được bảo hiểm là hợp lý nhằm bảo vệ đồng nội tệ, tránh được tình trạng ngoại tệ hoá và đây chính là một trong những biện pháp hỗ trợ cho chính sách quản lý ngoại hối của từng quốc gia. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà kinh tế học trên phạm vi 68 quốc gia có hoạt động bảo hiểm tiền gửi trên thế giới thì có tới 20 quốc gia mà ở đó pháp luật về bảo hiểm tiền gửi không bảo hiểm đối với loại tiền gửi bằng ngoại tệ tại các tổ chức nhận tiền gửi (24).
Đối với tiền gửi liên ngân hàng: Có thể nhận thấy rằng, chủ thể thực hiện gửi tiền trong trường hợp này là rất đặc biệt- đó chính là các ngân hàng. Đây là tổ chức kinh tế trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ, tín dụng nên họ có rất nhiều điều kiện thuận lợi trong việc nắm bắt các thông tin về tình hình tài chính, công nghệ, nhân sự, cơ chế hoạt động, quy mô... của các ngân hàng khác. Vì vậy, pháp luật về bảo hiểm tiền gửi của nhiều quốc gia trên thế giới có hoạt động bảo hiểm tiền gửi cũng loại tiền gửi liên ngân hàng ra khỏi danh sách những loại tiền gửi được bảo hiểm. Quy định này cũng là một biểu hiện cụ thể khẳng định bảo hiểm tiền gửi có xu hướng bảo vệ những người gửi tiền có thu nhập thấp, ít có khả năng cập nhật và phân tích những thông tin về thị trường tài chính nói chung và hoạt động của từng ngân hàng nói riêng. Cũng theo kết quả nghiên cứu của các nhà kinh tế học thì trên tổng số 72 nước có hoạt động bảo hiểm tiền gửi thì có tới 45 quốc gia không coi tiền gửi liên ngân hàng là đối tượng được bảo hiểm (43).
Đối với chứng chỉ tiền gửi không ghi danh: Có thể nhận thấy một điều rất phổ biến trên thế giới rằng, các quốc gia có hoạt động bảo hiểm tiền gửi đều xác định hạn mức chi trả bảo hiểm cho người thụ hưởng theo người gửi tiền khi có sự kiện bảo hiểm phát sinh. Vì vậy, đối với các quốc gia mà ở đó pháp luật về bảo hiểm tiền gửi quy định áp dụng hạn mức chi trả bảo hiểm theo người gửi tiền
được bảo hiểm thì tiền gửi theo hình thức chứng chỉ không ghi danh sẽ không có cơ sở để xác định hạn mức chi trả tiền bảo hiểm đối với chủ sở hữu các công cụ huy động này. Do vậy, pháp luật về bảo hiểm tiền gửi của hầu hết các quốc gia trên thế giới có hoạt động bảo hiểm tiền gửi đều không thừa nhận chứng chỉ tiền gửi không ghi danh là đối tượng tiền gửi được bảo hiểm(43).
Theo quy định của Nghị định số 89/1999/NĐ- CP và Thông tư số 03/2000/TT- NHNN ngày 16 tháng 03 năm 2000 thì loại tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của các cá nhân (bao gồm cư trú và không cư trú) tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Những loại tiền gửi này bao gồm:
- Tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn, có kỳ hạn;
- Tiền gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn bao gồm cả tiền gửi trên tài khoản cá nhân;
- Tiền mua các chứng chỉ tiền gửi và các trái phiếu ghi danh do tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phát hành
Cũng theo quy định của các văn bản này thì các loại chứng chỉ tiền gửi và các trái phiếu vô danh do tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phát hành sẽ không thuộc diện được bảo hiểm.
Có thể bạn quan tâm!
- Hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm tiền gửi của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay - 6
- Hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm tiền gửi của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay - 7
- Đối Tượng Được Thụ Hưởng Bảo Hiểm Tiền Gửi
- Hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm tiền gửi của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay - 10
- Thực Trạng Pháp Luật Việt Nam Về Bảo Hiểm Tiền Gửi Và Sự Cần Thiết Phải Hoàn Thiện Trong Giai Đoạn Hiện Nay
- Sự Cần Thiết Phải Hoàn Thiện Pháp Luật Về Bảo Hiểm Tiền Gửi Của Việt Nam Trong Giai Đoạn Hiện Nay
Xem toàn bộ 120 trang tài liệu này.
Có thể nhận xét rằng, với cách quy định như trên thì loại tiền gửi được bảo hiểm chưa được các nhà làm luật Việt Nam làm rõ. Bởi lẽ, trên tài khoản tiền gửi của cá nhân có thể có nhiều loại tiền và mỗi một loại tiền lại nhằm thực hiện một mục đích khác nhau. Chẳng hạn như các khoản tiền ký quỹ của cá nhân bằng đồng Việt Nam gửi tại các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi- Đây có thuộc loại tiền gửi được bảo hiểm hay không? Chúng ta có thể nhận rõ bản chất của khoản tiền này là nhằm bảo đảm cho việc thực hiện cho một hoặc nhiều nghĩa vụ mà chủ sở hữu của nó phải thực hiện trong tương lai và trong trường hợp người có
nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đã cam kết thì bên có quyền được ngân hàng nơi ký quỹ thanh toán, bồi thường thiệt hại do bên có nghĩa vụ gây ra, sau khi trừ chi phí dịch vụ ngân hàng (Điều 360- Bộ luật Dân sự năm 2005). Mặt khác, theo quy định của pháp luật thì tiền ký quỹ cũng được gọi là khoản tiền gửi của khách hàng. Quy định không chặt chẽ nêu trên gây không ít khó khăn cho việc thực hiện các quy định của pháp luật trên thực tế.
Do vậy, để khắc phục những hạn chế đó thì các quy định nêu trên đã được sửa đổi tại Nghị định số 109/2005/NĐ- CP và được hướng dẫn tại Thông tư số 03/2006/TT- NHNN ngày 25 tháng 04 năm 2006 thay thế cho Thông tư số 03/2000/TT- NHNN ngày 16 tháng 03 năm 2000. Theo đó, tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của người gửi tiền là cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh gửi tại các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, ngoại trừ những trường hợp sau:
- Tiền gửi của người gửi tiền là cổ đông sở hữu trên 10% vốn điều lệ hoặc nắm giữ trên 10% vốn cổ phần có quyền bỏ phiếu của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đó;
- Tiền gửi của người gửi tiền là thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Phó tổng giám đốc) của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đó;
- Tiền gửi dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người gửi tiền;
- Tiền mua giấy tờ có giá vô danh do tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phát hành.
2.2.2.2 Hạn mức chi trả bảo hiểm
Hạn mức chi trả bảo hiểm được hiểu là khoản tiền tối đa mà tổ chức bảo hiểm tiền gửi sẽ thanh toán cho người gửi tiền thuộc đối tượng được bảo hiểm tại các tổ chức tham gia bảo hiểm không có khả năng thanh toán cho người gửi tiền.
Trên thế giới, theo quy định của pháp luật của các quốc gia có hoạt động bảo hiểm tiền gửi thì có hai hình thức chi trả bảo hiểm tiền gửi cho người thụ hưởng.
Một là: Chi trả toàn bộ số tiền gửi cùng lãi. Đây là hình thức chi trả bảo hiểm tiền gửi cho người thụ hưởng khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi mất khả năng thanh toán dưới dạng không hạn mức tối đa số tiền gửi được bảo hiểm và như vậy, trong trường hợp xảy ra rủi ro thì người gửi tiền được nhận từ tổ chức bảo hiểm tiền gửi bao gồm toàn bộ tiền gốc và tiền lãi trên cơ sở tính toán giữa tiền gốc, lãi suất và thời gian thực gửi.
Hai là: Chi trả tới một giới hạn nhất định. Đây là hình thức chi trả bảo hiểm tiền gửi có khống chế ở một mức độ tối đa nhất định. Theo hình thức nay, nếu người gửi tiền có số dư tiền gửi nhỏ hơn hoặc bằng so với hạn mức quy định thì người gửi tiền sẽ được thanh toán toàn bộ số tiền gửi đó (bao gồm cả tiền gốc và lãi). Trong trường hợp người gửi tiền có số dư tiền gửi (tính cả lãi) lớn hơn so với hạn mức tối đa thì người gửi tiền chỉ được nhận khoản tiền từ tổ chức bảo hiểm tiền gửi đúng bằng với số tiền hạn mức chi trả tối đa mà thôi.
Qua nghiên cứu bản chất của hai hình thức chi trả bảo hiểm tiền gửi cho người thụ hưởng nêu trên, chúng ta có thể nhận thấy rằng, hình thức chi trả có hạn mức có nhiều ưu điểm hơn so với chi trả không giới hạn. Trong đó, ưu điểm nổi bật là khả năng giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, cho bản thân tổ chức bảo hiểm tiền gửi và rộng hơn là cho toàn bộ hoạt động của ngành ngân hàng. Theo nghiên cứu của các nhà kinh tế, tính đến tháng 7 năm 2001 thì trong số 73 nước có hoạt động bảo hiểm tiền gửi chỉ có hệ thống bảo
hiểm tiền gửi ở Mexico và Thổ Nhĩ kỳ là cam kết chi trả bảo hiểm không giới hạn, riêng Mexico đã chuyển sang chi trả bảo hiểm tiền gửi theo hạn mức từ năm 2005 (24).
Khi đã quy định việc chi trả bảo hiểm tiền gửi theo hạn mức thì việc tìm phương thức để tính hạn mức sao cho khoa học và hợp lý cũng là vấn đề cần quan tâm của tổ chức bảo hiểm tiền gửi và của người thụ hưởng bảo hiểm. Có hai phương thức xác định hạn mức chi trả tiền bảo hiểm tiền gửi, đó là:
- Phương thức xác định hạn mức chi trả theo người gửi tiền là cách xác định mức chi tiền bảo hiểm tối đa đối với một người gửi tiền tại một tổ chức nhận tiền gửi không căn cứ vào số lượng tài khoản hoặc sổ tiết kiệm mà người đó có tại một ngân hàng. Phương pháp này có tác dụng kích thích người gửi tiền kiểm soát thông tin liên quan đến ngân hàng mà mình lựa chọn để giảm thiểu rủi ro cho khoản tiền gửi của mình, họ nên tìm hiểu thông tin một cách kỹ lưỡng trước khi quyết định chọn ngân hàng nào là nơi gửi tiền của mình để có thể hạn chế rủi ro đối với khoản tiền gửi của mình, đặc biệt là đối với những người gửi tiền vượt quá hạn mức. Trong trường hợp này, một giải pháp đặt ra đối với người gửi tiền là họ có thể phân tán tiền của mình, gửi vào nhiều ngân hàng khác nhau với số lượng không vượt quá hạn mức tối đa dược bảo hiểm. Nếu xét trên phương diện vi mô thì lựa chọn thủ thuật này sẽ làm tăng chi phí không cần thiết do làm mất thời gian của người gửi tiền, song nếu nhìn nhận trên phương diện khái quát thì đây là cách sẽ mang lại sự ổn định và an toàn cho người gửi tiền và cho cả hệ thống tài chính.
Có thể nhận thấy rằng, phương thức chi trả bảo hiểm theo người gửi tiền có nhiều ưu thế vượt trội và được hầu hết các nước áp dụng. Theo nghiên cứu thực tế thì trong số 67 quốc gia được tìm hiểu, có tới 66 quốc gia áp dụng phương
thức xác định hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi theo người gửi tiền mà không phụ thuộc vào số dư tiền gửi của người đó là bao nhiêu.
- Phương thức xác định mức chi trả tiền bảo hiểm theo tài khoản là việc xác định mức chi trả tối đa cho một tài khoản tiền gửi tại một tổ chức nhận tiền gửi. Một người gửi tiền có bao nhiêu tài khoản tiền gửi thì trên mỗi tài khoản đó đều được bảo hiểm ở mức độ tối đa đã được xác định. Thực tế rất ít quốc gia áp dụng phương thức xác định này vì rất dễ dẫn đến rủi ro.
Ở Việt Nam, vấn đề hạn mức chi trả tiền bảo hiểm tiền gửi được quy định tại Điều 4- Nghị định số 89/1999/NĐ- CP và Thông tư số 03/2000/TT- NHNN thì hạn mức tối đa chi trả cho người gửi tiền là 30 triệu đồng Việt Nam bao gồm cả gốc và lãi tại một tổ chức tham gia bảo hiểm. Việc ấn định con số 30 triệu đồng Việt Nam được các nhà làm luật dựa trên kết quả nghiên cứu thực tế đối với các khoản tiền gửi thuộc diện được bảo hiểm thì đa số là dưới 30 triệu đồng.
Song, sau một thời gian áp dụng Nghị định số 89/1999/NĐ- CP, cùng với sự tăng trưởng của kinh tế đất nước, khả năng lao động và tích lũy của đại đa số dân chúng đều có sự thay đổi và kết quả điều tra thực tế đã cho thấy, việc xác định hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi đối với người gửi tiền tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi là 30 triệu đồng Việt Nam không còn phù hợp. Do vậy, Nghị định số 109/2005/NĐ- CP và Thông tư số 03/2006/TT- NHNN đã quy định: “Số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi bao gồm cả gốc và lãi của một người gửi tiền (một cá nhân hoặc đại diện theo pháp luật) tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 50 triệu đồng” (Điều 1- Khoản 3- Nghị định 109/2005/NĐ- CP).
Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành thì người gửi tiền sẽ được tổ chức bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chi trả tối đa không quá 50 triệu đồng- bao gồm cả gốc và lãi tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Quy
định trên cho thấy, đối với những người gửi tiền có tổng số dư tiền gửi (cả gốc và lãi) thuộc diện được bảo hiểm mà nhỏ hơn hoặc bằng 50 triệu đồng thì sẽ được chi trả toàn bộ số tiền đó. Đối với những người gửi tiền mà có tổng số dư tiền gửi lớn hơn 50 triệu đồng thì sẽ được thanh toán 50 triệu đồng, số còn lại sẽ được chi trả cho người gửi tiền trong quá trình thanh lý tổ chức nhận tiền gửi đó theo quy định của pháp luật về phá sản.
Vì pháp luật Việt Nam áp dụng phương thức xác định hạn mức theo người gửi tiền tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi nên con số 50 triệu sẽ được áp dụng cho từng tổ chức huy động tiền gửi. Điều đó có nghĩa rằng, nếu một người có tiền gửi tại nhiều tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi mà đồng thời các tổ chức đó bị đóng cửa thì người gửi tiền này sẽ được nhận tiền chi trả bảo hiểm theo hạn mức tối đa của mỗi tổ chức nhận tiền gửi của người đó là 50 triệu đồng.
2.2.2.3 Phí bảo hiểm
Phí bảo hiểm được hiểu là khoản tiền mà tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải nộp cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi để thực hiện việc bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền khi có sự kiện bảo hiểm phát sinh. Như vậy, chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản rằng khi tham gia vào quan hệ bảo hiểm tiền gửi thì tổ chức nhận tiền gửi từ các tổ chức, cá nhân sẽ phải nộp cho tổ chức nhận bảo hiểm tiền gửi một khoản tiền nhất định- đó là phí bảo hiểm.
Theo quy định của Nghị định số 89/1999/NĐ- CP, Nghị định số 109/2005/NĐ- CP và Thông tư số 03/2006/TT- NHNN ngày 25 tháng 04 năm 2006 thì hàng năm tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải nộp phí bảo hiểm tiền gửi cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là 0,15% tính trên số dư tiền gửi bình quân của các loại tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Khoản phí bảo hiểm tiền gửi này phải được tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi
nộp cho tổ chức nhận bảo hiểm theo định kỳ hàng quý- một năm 4 lần và chậm nhất là vào ngày 20 tháng đầu tiên của từng quý.
Cũng theo các quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi thì mức phí bảo hiểm tiền gửi là 0,15% trên tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm nêu trên được áp dụng đối với tất cả các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi mà không có sự phân biệt về quy mô, hình thức sở hữu hoặc hình thức pháp lý của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đó.
Như vậy, việc xác định mức phí bảo hiểm mà tổ chức tham gia bảo hiểm phải thực hiện cũng như thời hạn nộp phí bảo hiểm cho từng quý đã được pháp luật về bảo hiểm tiền gửi Việt Nam quy định một cách cụ thể, rõ ràng. Trong trường hợp tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi vi phạm thời hạn nộp phí bảo hiểm tiền gửi thì ngoài việc phải nộp đủ phí bảo hiểm theo quy định còn bị phạt vi phạm, số tiền phạt vi phạm thời hạn nộp phí bảo hiểm là 0,1% cho mỗi ngày chậm nộp trên tổng số tiền chậm nộp. Nếu sau thời hạn nộp phí bảo hiểm tiền gửi 30 ngày mà tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi vẫn chưa nộp phí bảo hiểm tiền gửi (kể cả tiền phạt) thì tổ chức bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có quyền đề nghị Ngân hàng Nhà nước (đối với các tổ chức tín dụng); Kho bạc Nhà nước (đối với các tổ chức khác được phép thực hiện một số hoạt động ngân hàng) nơi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đó mở tài khoản, trích tài khoản để chuyển nộp phí bảo hiểm và tiền phạt. Trong trường hợp nếu tài khoản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi không đủ tiền để thực hiện việc trích nộp nêu trên thì tổ chức bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ báo cáo với Ngân hàng Nhà nước để yêu cầu tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tiếp tục nộp phần còn thiếu đó và nếu sau thời hạn 3 tháng kể từ ngày tổ chức tham gia bảo hiểm có nghĩa vụ nộp phí bảo hiểm theo quy định mà tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi vẫn không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp phí bảo hiểm thì Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có quyền thu