Hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm tiền gửi của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay - 10

hồi giấy chứng nhận bảo hiểm tiền gửi của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đó. Trong trường hợp này, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải có văn bản gửi tới Ngân hàng Nhà nước để báo cáo và đề nghị Ngân hàng Nhà nước ra ngay quyết định ngừng việc huy động tiền gửi đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đó.

Qua nghiên cứu lý luận và thực tiễn về hoạt động thu phí bảo hiểm tiền gửi của các nước trên thế giới, có thể nhận thấy rằng, pháp luật của về bảo hiểm tiền gửi đều ấn định một mức phí bảo hiểm nhất định và cơ sở cho việc ấn định phí bảo hiểm tiền gửi dựa trên một nguyên tắc cơ bản là rủi ro càng cao thì phí bảo hiểm tiền gửi càng cao. Điều đó có nghĩa là, mức phí bảo hiểm tiền gửi thường được dựa vào mức độ rủi ro của hoạt động ngân hàng, độ an toàn của chính tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi và khả năng tài chính của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đó. Ví dụ như cách thu phí bảo hiểm tiền gửi của Mỹ- ở giai đoạn đầu xuất hiện bảo hiểm tiền gửi đến năm 1992, phí bảo hiểm tiền gửi được áp dụng chung đối với tất cả các tổ chức tham gia bảo hiểm nhưng kể từ năm 1992 đến nay đã chuyển sang áp dụng phí bảo hiểm tiền gửi theo phân loại ngân hàng và đương nhiên, ngân hàng nào hoạt động yếu kém, quy mô nhỏ và nguy cơ rủi ro lớn thì phí bảo hiểm tiền gửi sẽ cao hơn. Tuy nhiên, nhiều quốc gia lại quy định việc áp dụng phí bảo hiểm tiền gửi thống nhất cho các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi và theo một tỷ lệ cố định, chẳng hạn như của Venzuela là 2%. Trong giai đoạn đầu, phí bảo hiểm tiền gửi của các nước trên thế giới thông thường là trong khoảng từ 0,15% đến 0,20% (24).

Cũng theo kết quả nghiên cứu thực tế của các nhà kinh tế học đối với các quốc gia có hoạt động bảo hiểm tiền gửi cho thấy thông thường việc thu phí bảo hiểm tiền gửi ở các quốc gia có nền kinh tế chuyển đổi hoặc các quốc gia đang phát triển sẽ cao hơn so với các nước có nền kinh tế phát triển. Ví dụ như

Philippin là 0,2% trên tổng số dư tiền gửi; hay như ở Hungary là 0,2% trên tổng số dư tiền gửi hoặc Cộng hoà Czech là 0,5%... Có thể lý giải cho cách tiếp cận này bởi hai lý do, một là thực lực về tài chính của các tổ chức bảo hiểm tiền gửi còn hạn chế hoặc mới được hình thành, hai là xuất phát từ hoạt động của chính các tổ chức tín dụng còn đang trong quá trình hoàn thiện và phát triển, tình hình tài chính còn hạn chế và tất nhiên tiềm ẩn khả năng rủi ro lớn.

Ở Việt Nam, như đã phân tích trên, pháp luật về bảo hiểm tiền gửi quy định mức phí bảo hiểm tiền gửi là 0,15% trên tổng số tiền gửi và được áp dụng chung cho tất cả các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Đây cũng là mức phí được xếp vào loại cao trên thế giới- điều đó phần nào cũng phù hợp với tình hình thực tiễn của chúng ta, khi mà hoạt động bảo hiểm tiền gửi Việt Nam mới được thiết lập và đang trong quá trình hoàn thiện.

2.2.2.4 Chi trả tiền bảo hiểm

Chi trả bảo hiểm tiền gửi cho người thụ hưởng cũng được xem xét như một nội dung đặc biệt quan trọng của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi. Bởi lẽ, đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và tất nhiên, sẽ được người gửi tiền đặc biệt quan tâm. Họ quan tâm đến việc khi nào thì được nhận tiền từ tổ chức bảo hiểm tiền gửi, việc chi trả tiền bảo hiểm sẽ được thực hiện như thế nào? Theo trình tự, thủ tục ra sao?

Trước hết, cần nhận thức rằng, trong tất cả các quan hệ bảo hiểm thì người thụ hưởng chỉ được thụ hưởng quyền lợi từ việc tham gia bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm phát sinh. Hay nói cách khác, quyền thụ hưởng bảo hiểm của người thụ hưởng chỉ phát sinh khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra. Sự kiện bảo hiểm theo nghĩa khái quát nhất được hiểu là sự kiện khách quan do các bên thoả thuận hoặc pháp luật quy định mà khi sự kiện đó xảy ra, thì bên bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho bên được bảo hiểm (Điều 571- Bộ luật Dân sự năm 2005).

Theo quy định tại Điều 16- Nghị định số 89/1999/NĐ- CP thì tổ chức bảo hiểm sẽ có trách nhiệm chi trả tiền gửi được bảo hiểm cho người gửi tiền tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có văn bản chấm dứt hoạt động và tổ chức đó mất khả năng thanh toán. Như vậy, với quy định này thì sự kiện bảo hiểm tiền gửi xuất hiện khi xuất hiện đồng thời hai căn cứ đó là:

- Có văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc chấm dứt hoạt động của tổ chức tham gia bảo hiểm;

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 120 trang tài liệu này.

- Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đó mất khả năng thanh toán.

Với cách tiếp cận đó, chúng ta có thể nhận thấy điều bất cập đã được bộc lộ. Bởi lẽ, pháp luật Việt Nam hiện hành không quy đinh cụ thể tiêu chí xác định một tổ chức tín dụng mất khả năng thanh toán. Trong văn bản hưởng dẫn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc ban hành quy chế kiểm soát đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng cũng chỉ nêu tiêu chí xác định một tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng thanh toán- điều này có nghĩa là tổ chức đó chưa mất khả năng thanh toán.

Hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm tiền gửi của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay - 10

Nhằm khắc phục những hạn chế đó thì Điều 1- Khoản 7- Nghị định số 109/2005/NĐ- CP quy định: Đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định là không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn, trong vòng 60 ngày kể từ ngày cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có văn bản yêu cầu tổ chức này chấm dứt các giao dịch để tiến hành thanh lý tài sản hoặc kể từ ngày Toà án thông báo quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản theo quy định của pháp luật về phá sản, tổ chức bảo hiểm tiền gửi có trách nhiệm tiến hành chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đó. Như vậy, với quy định mới này, sự kiện bảo hiểm tiền gửi xuất hiện khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi mất khả năng

thanh toán trên cơ sở có xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc của Toà án về việc tiến hành thanh lý tài sản theo trình tự phá sản.

Qua phân tích sự kiện bảo hiểm tiền gửi nêu trên, có thể thấy rằng, khi có sự kiện bảo hiểm tiền gửi phát sinh, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có trách nhiệm chi trả số tiền được bảo hiểm cho những người gửi tiền tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đó. Khoản tiền này bao gồm cả gốc và lãi cộng dồn nhưng không được vượt quá hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật- 50 triệu đồng Việt Nam. Đối với những người gửi tiền có số tiền (gốc và lãi) nhiều hơn 50 triệu đồng Việt Nam thì được coi là chủ nợ không có bảo đảm đối với phần còn lại và được chi trả theo quy định của pháp luật về phá sản.

Như vậy, khi sự kiện bảo hiểm tiền gửi xảy ra thì tổ chức bảo hiểm tiền gửi có trách nhiệm xác định những đối tượng cụ thể nào sẽ được hưởng quyền lợi bảo hiểm. Hay nói cách khác, tổ chức bảo hiểm tiền gửi phải lập danh sách người gửi tiền được bảo hiểm, số dư tiền gửi của từng người gửi tiền và tôn trọng hạn mức bảo hiểm tối đa là đặc biệt quan trọng trong quá trình chi trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng. Về phía người thụ hưởng cần xem xét và nắm vững thời gian cụ thể mà tổ chức bảo hiểm tiền gửi thông báo về việc thực hiện chi trả tiền bảo hiểm.

Về thủ tục của quá trình chi trả bảo hiểm tiền gửi được pháp luật về bảo hiểm tiền gửi quy định một cách khá chặt chẽ và cụ thể. Theo các văn bản pháp luật về bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hiện hành thì việc chi trả bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền theo thủ tục sau:

- Bước 1: Lập hồ sơ gửi tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày có văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc Toà án, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải nộp hồ sơ đề nghị chi trả tiền bảo hiểm cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Hồ sơ này bao gồm danh sách và số tiền

gửi của từng người gửi tiền của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; danh sách và số tiền của người gửi tiền đề nghị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chi trả bảo hiểm;

- Bước 2: Thẩm định hồ sơ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức bảo hiểm nhận đủ hồ sơ đề nghị chi trả tiền bảo hiểm tiền gửi, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ xác minh tính xác thực của bộ hồ sơ đó;

- Bước 3: Thông qua phương án chi trả tiền bảo hiểm. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra hồ sơ, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải có phương án chi trả tiền bảo hiểm tiền gửi và tiến hành thông báo công khai về việc chi trả tiền bảo hiểm tiền gửi trên các báo hàng ngày của trung ương hoặc địa phương trong 03 số liên tiếp, phải được niêm yết công khai tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức tham gia bảo hiểm và các điểm chi trả bảo hiểm và đặc biệt phải nêu rõ thời gian, địa điểm, phương thức chi trả tiền bảo hiểm cho những người có tên trong danh sách thụ hưởng.

- Bước 4: Thực hiện phương án chi trả tiền bảo hiểm- có thể được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tiến hành hoặc thông qua việc uỷ quyền cho tổ chức tín dụng trên cơ sở hợp đồng uỷ quyền. Người gửi tiền có thể tự mình hoặc uỷ quyền cho người khác để nhận tiền bảo hiểm. Trong trường hợp uỷ quyền cho người khác nhận tiền bảo hiểm, người được uỷ quyền phải xuất trình những giấy tờ chứng minh việc uỷ quyền đó là hợp pháp.

Đối với những người gửi tiền thuộc diện được hưởng quyền lợi bảo hiểm có tên trong danh sách nhưng lại có nghĩa vụ trả nợ đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi thì số tiền mà người đó được nhận là khoản tiền sau khi đã thực hiện việc khấu trừ nghĩa vụ trả nợ.

Trong trường hợp đặc biệt mà người gửi tiền có tên trong danh sách được chi trả tiền bảo hiểm mà không đến nhận tiền theo thông báo thì sau thời hạn 10 năm kể từ ngày thông báo đầu tiên, người đó sẽ hết quyền yêu cầu Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chi trả tiền bảo hiểm, ngoại trừ những trường hợp có lý do chính

đáng mà người đó phải có nghĩa vụ chứng minh. Khoản tiền mà người thụ hưởng không nhận sau thời hạn quy định sẽ được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam bổ sung vào nguồn vốn hoạt động của mình.

TIỂU KẾT

Qua nghiên cứu, phân tích các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về bảo hiểm tiền gửi, có thể rút ra một số kết luận như sau:

Thứ nhất: Có thể nhận thấy rằng, bảo hiểm tiền gửi là hoạt động còn khá mới mẻ ở Việt Nam, hoạt động này đang đi những bước đầu tiên trong việc thể hiện vai trò của mình nhằm bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền; đảm bảo cho sự phát triển an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và rộng hơn là sự phát triển ổn định của cả nền kinh tế. Vì lẽ đó mà pháp luật về bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng được xem là lĩnh vực pháp luật mới mẻ trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, với phương châm vừa làm vừa học, vừa chỉnh sửa để hoàn thiện, chúng ta đã ban hành được một số văn bản pháp luật quan trọng điều chỉnh hoạt động bảo hiểm tiền gửi. Trước hết phải kể đến Nghị định số 89/1999/NĐ- CP ngày 01 tháng 09 năm 1999 về bảo hiểm tiền gửi; Quyết định số 218/1999/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 1999 của Thủ Tướng Chính phủ về việc thành lập bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; Thông tư số 03/2000/TT- NHNN ngày 16 tháng 03 năm 2000 hướng dẫn thi hành Nghị định số 89/1999/NĐ- CP về bảo hiểm tiền gửi; Quyết định số 75/2000/QĐ-TTg ngày 28 tháng 06 năm 2000 của Thủ Tướng Chính phủ về việc ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Sau đó, ngày 24 tháng 08 năm 2005 chúng ta lại có thêm Nghị định số 109/2005/NĐ- CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/1999/NĐ- CP về bảo hiểm tiền gửi và Thông tư số 03/2006/TT-NHNN ngày 25 tháng 04 năm 2006 thay thế cho Thông tư số 03/2000/TT-NHNN ngày 16 tháng 03 năm 2000.

Nhìn chung, các văn bản pháp luật này phần nào đã đáp ứng được yêu cầu trong việc điều chỉnh hoạt động bảo hiểm tiền gửi. Theo đó, các văn bản pháp luật đã đưa ra những quy định cụ thể liên quan đến từng nội dung như:

+ Quy định về tổ chức bảo hiểm tiền gửi Việt Nam;

+ Quy định về tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi;

+ Quy định về chủ thể được thụ hưởng quyền lợi từ bảo hiểm tiền gửi;

+ Quy định về loại tiền được bảo hiểm;

+ Quy định về phí bảo hiểm mà tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải nộp cũng như biện pháp xử lý khi vi phạm nghĩa vụ nộp phí bảo hiểm;

+ Quy định về hạn mức chi trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng;

+ Quy định về sự kiện bảo hiểm và trình tự, thủ tục tiến hành chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền được bảo hiểm;

Với các nội dung đã được các văn bản pháp luật quy định nêu trên, có thể nhận thấy một cách rất rõ ràng rằng, về mặt số lượng các nội dung cần điều chỉnh trong hoạt động bảo hiểm tiền gửi như vậy là khá đầy đủ, cần phải được quy định một cách cụ thể, chính xác và đây thực sự là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc điều chỉnh hoạt động bảo hiểm tiền gửi ở nước ta trong giai đoạn vừa qua.

Thứ hai: Bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, cũng phải thừa nhận một thực tế rằng- tính pháp lý của các văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chưa cao- đó đều là các văn bản dưới luật. Điều này chưa thể hiện đúng vị thế của các văn bản điều chỉnh hoạt động bảo hiểm tiền gửi so với đòi hỏi khách quan của thực tiễn hoạt động bảo hiểm tiền gửi cũng như tầm quan trọng của nó trong việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, duy trì sự bình ổn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và chưa thực sự phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thứ ba: Về mặt nội dung từng quy định, về kỹ năng lập pháp và sự nhất quán với các văn bản pháp luật khác có liên quan cũng là vấn đề cần quan tâm nghiên cứu làm rõ bản chất để từ đó đưa ra các quy định sao cho phù hợp hơn nhằm đáp ứng đòi hỏi khách quan trong việc điều chỉnh hoạt động bảo hiểm tiền gửi, cho phù hợp với thông lệ quốc tế và như vậy hiệu quả điều chỉnh của pháp luật mới thực sự được phát huy.

Xem tất cả 120 trang.

Ngày đăng: 16/12/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí