Thực Trạng Pháp Luật Việt Nam Về Bảo Hiểm Tiền Gửi Và Sự Cần Thiết Phải Hoàn Thiện Trong Giai Đoạn Hiện Nay

CHƯƠNG 3

MỘT SỐ KIẾN NGHỊ GÓP PHẦN HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ BẢO HIỂM TIỀN GỬI CỦA VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY


3.1 Thực trạng pháp luật Việt Nam về bảo hiểm tiền gửi và sự cần thiết phải hoàn thiện trong giai đoạn hiện nay

3.1.1 Thực trạng pháp luật Việt Nam về bảo hiểm tiền gửi

Qua phân tích nội dung các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về bảo hiểm tiền gửi trong Chương 2 và trong quá trình hoạt động thực tiễn của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, có thể đánh giá thực trạng pháp luật về bảo hiểm tiền gửi Việt Nam ở một số khía cạnh sau:

Thứ nhất: Đối với tổ chức nhận bảo hiểm tiền gửi. Qua phân tích các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi của Việt Nam được xác định là tổ chức tài chính của Nhà nước, có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập, bảo đảm an toàn vốn và tự bù đắp chi phí, hoạt động trên phạm vi cả nước, có vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng, có bảng cân đối riêng và có tên gọi- Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 218/1999/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ được xem như một công cụ của Nhà nước nhằm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và đi kèm với mục đích đó chính là đảm bảo cho sự phát triển ổn định của hệ thống Ngân hàng.

Tuy nhiên, trong tất cả các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về bảo hiểm tiền gửi đều không xác định một cách rõ ràng hình thức pháp lý của tổ chức nhận bảo hiểm tiền gửi. Liệu rằng, tổ chức nhận bảo hiểm tiền gửi của Việt Nam là một loại hình doanh nghiệp do Nhà nước đầu tư vốn để hoạt động công ích- không vì mục đích tìm kiếm lợi nhuận hay đó là một tổ chức trực thuộc Chính phủ và thực hiện chức năng chính sách xã hội. Nghiên cứu các quy định

của pháp luật Việt Nam hiện hành về bảo hiểm tiền gửi cho thấy, về tính chất hoạt động thì Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là một tổ chức hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận mà vì mục tiêu xã hội do Nhà nước giao. Còn trên phương diện cơ cấu tổ chức, quản lý thì đó lại là mô hình của một doanh nghiệp- điều đó được biểu hiện ở chỗ, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được quản trị và điều hành bởi Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc, có các phòng chức năng và được mở chi nhánh, văn phòng đại diện ở các địa phương; Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có tài sản riêng, có bảng cân đối riêng và hạch toán độc lập...Trong quá trình hoạt động của mình, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải đảm bảo an toàn vốn và tự bù đắp chi phí. Rõ ràng, sự mập mờ trong cách xác định hình thức pháp lý của tổ chức bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã dẫn đến khó khăn trong việc xác định luật điều chỉnh quá trình tổ chức và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả hoạt động của tổ chức này.

Thứ hai: Vấn đề áp dụng hỗ trợ tài chính đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Theo quy định của pháp luật hiện hành về bảo hiểm tiền gửi thì tổ chức bảo hiểm tiền gửi có thể hỗ trợ tài chính cho tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi dưới hình thức cho vay, bảo lãnh, mua lại nợ và các hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật. Với quy định trên, có thể nhận thấy rằng, khi tổ chức tham gia bảo hiểm gặp khó khăn về tài chính trong quá trình hoạt động thì tổ chức bảo hiểm tiền gửi có thể hỗ trợ- việc hỗ trợ này một mặt có thể giúp cho tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi vượt qua khó khăn, mặt khác ngăn ngừa từ xa việc phải chi trả bảo hiểm tiền gửi nếu xảy ra tình trạng xấu hơn về tài chính đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Tuy nhiên, cũng theo quy định của các văn bản pháp luật Việt Nam hiện hành thì Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chỉ xem xét, quyết định hỗ trợ tài chính đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi sau khi có quyết định của Ngân hàng Nhà nước xác định rằng việc giải thể, phá sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 120 trang tài liệu này.

trọng, sâu rộng đến sự an toàn của hệ thống tài chính, ngân hàng và sự ổn định chính trị, kinh tế- xã hội. Theo quan điểm của chúng tôi, đây là một quy định thể hiện sự cứng nhắc, một mặt thể hiện sự bất bình bẳng giữa các tổ chức tham gia bảo hiểm đối với nhau với tư cách là một khách hàng của tổ chức nhận bảo hiểm, mặt khác thể hiện tính thiếu khoa học vì rằng vốn dĩ chúng ta không có căn cứ mang tính nguyên tắc để xác định sự ảnh hưởng nghiêm trọng, sâu rộng... mà có chăng đó chỉ là ý chí chủ quan! Do vậy, các quy định của pháp luật về vấn đề này cũng cần phải xem xét một cách nghiêm túc trong việc xây dựng Luật bảo hiểm tiền gửi.

Cũng liên quan đến vấn đề này, chúng ta nhận thấy rằng mục đích của nhà làm luật là hướng đến những tổ chức tham gia bảo hiểm yếu kém, đang gặp khó khăn về tài chính trong quá trình hoạt động nhưng có lẽ mục đích đó sẽ không bao giờ có thể trở thành hiện thực hoặc nếu có thì cũng sẽ rất khó khăn và thiếu cơ sở. Bởi lẽ, nội dung các văn bản hiện hành chưa đưa ra tiêu chí cụ thể để xác định tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi yếu kém và chưa có sự kết hợp giữa các chủ thể trong việc khắc phục sự yếu kém và khó khăn của một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Do vậy, đây cũng là nội dung cần phải hoàn thiện trong quá trình xây dựng Luật bảo hiểm tiền gửi.

Hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm tiền gửi của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay - 11

Thứ ba: Vấn đề xác định vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong trường hợp thanh lý tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Các văn bản pháp luật hiện hành về bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã xác định rõ rằng khi tổ chức bảo hiểm tiền gửi đã tiến hành chi trả cho người gửi tiền thì tổ chức bảo hiểm tiền gửi sẽ trở thành chủ nợ của tổ chức tham gia bảo hiểm với số nợ đúng bằng khoản tiền mà tổ chức bảo hiểm tiền gửi đã thực hiện việc chi trả. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi sẽ được phân chia giá trị tài sản theo thứ tự thanh toán như đối với người gửi tiền trong trường hợp tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bị buộc phải giải thể do không thanh toán được các khoản nợ đến hạn hoặc bị phá sản theo quy định của

pháp luật về giải thể, phá sản. Trong trường hợp này, tổ chức bảo hiểm tiền gửi được quyền tham gia vào quá trình quản lý, thanh lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Điều đó cho thấy rằng, quy định nêu trên của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi hiện hành của Việt Nam không có sự thống nhất so với các văn bản pháp luật có liên quan như Luật doanh nghiệp, Luật các tổ chức tín dụng, Luật phá sản. Bởi lẽ, khi nghiên cứu các văn bản này cho thấy không có trường hợp nào bị buộc phải giải thể do mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn (Điều 99- Luật các tổ chức tín dụng quy định các trường hợp giải thể tổ chức tín dụng; Điều 157- Luật doanh nghiệp quy định các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp). Mặt khác, quy định trên cũng thể hiện sự bất nhất trong việc quy định việc trở thành thành viên một cách đương nhiên của hội đồng quản lý, thanh lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm trong trường hợp tổ chức đó bị phá sản (Điều 9- Luật phá sản quy định tổ quản lý, thanh lý tài sản bao gồm một chấp hành viên của cơ quan thi hành án; một cán bộ của Toà án; một đại diện chủ nợ; một đại diện hợp pháp của tổ chức bị phá sản; có thể có thêm đại diện của người lao động, công đoàn...). Rõ ràng, đây là vấn đề cần phải xem xét để sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống các quy phạm pháp luật về bảo hiểm tiền gửi trong thời gian tới.

Thứ tư: Về chủ thể được thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm. Như đã phân tích các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về chủ thể thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm tiền gửi. Theo đó, đối tượng thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm tiền gửi bao gồm các cá nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình, doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh có thực hiện việc gửi tiền tại tổ chức tham gia bảo hiểm. Có thể nhận thấy rằng, đây đều là những chủ thể pháp luật dân sự mà theo cách tiếp cận của chúng ta thì tất cả các chủ thể này đều không có tư cách pháp nhân. Đây cũng là vấn đề đáng quan tâm trong việc hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm tiền gửi. Bởi lẽ, khi

chúng ta ban hành Nghị định số 109/2005/NĐ- CP nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/1999/NĐ- CP là thời điểm Luật doanh nghiệp năm 1999 vẫn đang có hiệu lực và ở đó không quy định Công ty Hợp danh là một pháp nhân (Điều 95- Luật doanh nghiệp năm 1999). Thì nay, Luật doanh nghiệp năm 2005 thay thế cho Luật doanh nghiệp năm 1999 đã xác định công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (Điều 130- Luật doanh nghiệp năm 2005)! Qua đó chúng ta có thể nhận thấy rằng, việc pháp luật Việt Nam đang xác định đối tượng thụ hưởng quyền lợi từ bảo hiểm tiền gửi bao gồm cá nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh là thiếu thuyết phục. Do vậy, quy định trên về xác định chủ thể được thụ hưởng quyền lợi từ bảo hiểm tiền gửi là không còn phù hợp, điều đó sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp!

Thứ năm: Về việc xác định trình tự thủ tục để tham gia bảo hiểm tiền gửi cũng như xác định việc chấm dứt bảo hiểm tiền gửi. Nghiên cứu tất cả các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành như Nghị định số 89/1999/NĐ- CP; Nghị định số 109/2005/NĐ- CP; Quyết định số 218/1999/QĐ- TTg chúng ta không thấy một quy định nào nhằm xác định thủ tục tham gia bảo hiểm tiền gửi của các chủ thể nhận tiền gửi- liệu rằng cứ nhận tiền gửi là đương nhiên được trở thành tổ chức tham gia bảo hiểm mà không cần làm bất kỳ một hoạt động nào nhằm xác lập quan hệ bảo hiểm với tư cách là chủ thể tham gia! Đây là một bất cập.

Mặt khác, các văn bản pháp luật hiện hành về bảo hiểm tiền gửi cũng không xác định một cách rõ ràng rằng, khi nào thì quan hệ bảo hiểm tiền gửi giữa tổ chức tham gia bảo hiểm với tổ chức nhận bảo hiểm sẽ chấm dứt. Rõ ràng, đây là một hạn chế của pháp luật hiện hành về bảo hiểm tiền gửi và cần phải bổ sung trong Luật bảo hiểm tiền gửi trong tương lai.

Thứ sáu: Về hạn mức chi trả bảo hiểm. Theo quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam thì hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi tối đa đối với một

người gửi tiền tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi là 50 triệu đồng bao gồm cả gốc và lãi- Con số 50 triệu đồng được xác định vào thời điểm ban hành Nghị định số 109/2005/NĐ- CP năm 2005 có thể nhận thấy rằng đó là phù hợp với tình hình kinh tế- xã hội lúc đó. Thông thường để xác định hạn mức chi trả bảo hiểm, người ta dựa trên cơ sở của kết quả thống kê các chỉ số của nền kinh tế như tỷ lệ lạm phát, tốc độ phát triển kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, và một vấn đề không thể thiếu đó là khảo sát lượng tiền gửi bình quân của người gửi tiền trong từng thời kỳ. Thực tiễn cho thấy rằng, trong vài năm qua, nền kinh tế đất nước đạt được tốc độ tăng trưởng khá cao, thu nhập bình quân đầu người tăng mạnh. Do vậy, để tạo ra niềm tin và khuyến khích người gửi tiền tại các tổ chức nhận tiền gửi, từ đó huy động được nguồn vốn nhàn rỗi từ dân cư thì chúng ta cần phải tính đến sự điều chỉnh của pháp luật trong việc quy định hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền.

Thứ bảy: Về loại tiền được bảo hiểm. Như đã phân tích, các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành quy định loại tiền được bảo hiểm là tiền đồng Việt Nam được người gửi tiền gửi tại các tổ chức nhận tiền gửi. Như vậy, chúng ta chỉ chấp nhận chi trả bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền khi người đó thực hiện việc gửi tiền bằng tiền đồng của Việt Nam. Có lẽ, đây cũng là vấn đề cần xem xét kỹ lưỡng khi thực tế chúng ta đang thừa nhận việc gửi tiền của các tổ chức, cá nhân bằng ngoại tệ và tất nhiên, xét về giá trị thì chúng ta đều có thể quy đổi và không hề có sự khác biệt giữa gửi tiền nội tệ và đồng ngoại tệ. Vậy người gửi tiền bằng ngoại tệ lại không được bảo hiểm là một bất cập của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt chúng ta đang thực hiện một cách một cách sâu, rộng quá trình hợp tác kinh tế quốc tế!

Thứ tám: Về phí bảo hiểm tiền gửi. Theo các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về bảo hiểm tiền gửi thì hàng năm tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải nộp cho tổ chức nhận bảo hiểm tiền gửi một khoản phí là 0,15%

tính trên số dư tiền gửi bình quân của các loại tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Phí bảo hiểm được quy định nộp một năm 4 lần và phí hàng quý được nộp chậm nhất vào ngày 20 tháng đầu tiên của quý. Như vậy, việc thu phí bảo hiểm tiền gửi đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm là như nhau mà không phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động, không phụ thuộc vào nguy cơ rủi ro của từng tổ chức tham gia bảo hiểm mặc dù trên thực tế thì mức độ rủi ro đối với từng chủ thể khác nhau là không giống nhau.

Qua nghiên cứu thực tế quá trình hoạt động bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam cho thấy, phương pháp thu phí bảo hiểm một cách đồng hạng cho tất cả các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi thực sự có ưu điểm đối với giai đoạn đầu thực hiện hoạt động này. Bởi lẽ, khi áp dụng cùng một tỷ lệ thu phí thì chúng ta chỉ cần quan tâm đến số dư tiền gửi bình quân của tổ chức tham gia bảo hiểm mà không phải đánh giá một cách chính xác tiềm lực tài chính cũng như những nguy cơ có thể xảy ra trong quá trình hoạt động của từng tổ chức. Ngược lại, phương pháp thu phí bảo hiểm đồng hạng cho tất cả các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lại tạo ra khả năng ỷ lại xét trên góc độ rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tham gia bảo hiểm, đồng thời không khuyến khích được các tổ chức tham gia bảo hiểm thi đua hoạt động tốt, hạn chế tối đa rủi ro để được hưởng phí bảo hiểm thấp... Thiết nghĩ, phương pháp thu phí bảo hiểm theo kiểu bình quân, đồng hạng đối với tất cả các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi chỉ phù hợp với giai đoạn đầu thực hiện hoạt động bảo hiểm tiền gửi. Trong giai đoạn hiện nay, khi chúng ta đã có kinh nghiệm, khi chúng ta đã có được sự phát triển nhất định trong lĩnh vực này thì phương pháp thu phí thực sự cần phải đựơc xem xét một cách kỹ lưỡng và cần có sự thay đổi sao cho phù hợp với yêu cầu của sự phát triển.

Thứ chín: Về vấn đề kiểm tra, giám sát của tổ chức bảo hiểm tiền gửi đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Nghiên cứu các văn bản pháp luật hiện

hành về bảo hiểm tiền gửi của Việt Nam- cụ thể: Nghị định số 89/1999/NĐ- CP; Nghị định số 109/2005/NĐ- CP; Quyết định số 218/1999/QĐ-TTg; Quyết định số 75/2000/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều lệ về tổ chức và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có thể thấy rằng vấn đề kiểm tra, giám sát quá trình hoạt động của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi còn hết sức chung chung, mập mờ. Theo đó, trao cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi có quyền theo dõi, giám sát và kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi và các quy định về an toàn trong hoạt động của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Tuy nhiên, việc xác định nội dung và quy trình giám sát, thanh tra, kiểm tra của tổ chức bảo hiểm tiền gửi đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi thì chưa được quy định một cách cụ thể và chưa khẳng định hoạt động trên là hoàn toàn độc lập đối với hoạt động của đơn vị thực hiện chức năng thanh tra của Ngân hàng Nhà nước. Nội dung kiểm tra của tổ chức bảo hiểm tiền gửi đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi cần được xác định cụ thể, riêng rẽ chứ không chỉ phụ thuộc vào đơn thuần các quy định về bảo đảm an toàn trong hoath động do Ngân hàng Nhà nước ban hành. Rõ ràng, đây cũng là điểm bất cập cần phải giải quyết trong việc xây dựng và ban hành Luật bảo hiểm tiền gửi trong thời gian tới.

Thứ mười: Như đã phân tích ở trên, hoạt động Ngân hàng là loại hoạt động chứa đựng rủi ro rất lớn và mang tính dây chuyền. Điều đó có nghĩa rằng, sự tan vỡ của một tổ chức tín dụng rất có thể sẽ gây ảnh hưởng lớn đến quá trình hoạt động của các tổ chức tín dụng khác. Do vậy, luôn tiềm ẩn một sự khủng hoảng trong hoạt động của hệ thống Ngân hàng và nhiệm vụ của chúng ta là phải tìm cách để ngăn ngừa khủng hoảng và biện pháp xử lý cụ thể khi có khủng hoảng xảy ra. Tuy nhiên, nghiên cứu tất cả các văn bản pháp luật hiện hành về bảo hiểm tiền gửi của Việt Nam chưa thấy có một quy định nào đề cập đến vấn đề này, đây là vấn đề bất cập so với đòi hỏi của thực tiễn trong quá trình hoạt động

Xem tất cả 120 trang.

Ngày đăng: 16/12/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí