Quan Điểm Hoàn Thiện Chính Sách Tài Chính Bảo Hiểm Xã Hội Ở Việt Nam

- Hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin (mạng máy tính, máy chủ, máy trạm, an ninh mạng, trung tâm dữ liệu ngành và hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu, dịch vụ công trực tuyến trên mạng Internet) để giải quyết các chính sách, chế độ BHXH, bảo hiểm y tế. Đến năm 2020 phải liên thông, kết nối thông tin được giữa các cơ quan thuộc ngành BHXH Việt Nam với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế thuộc ngành y tế và các đơn vị tổ chức thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm thất nghiệp thuộc ngành lao động;

- Xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của BHXH các cấp khang trang, hiện đại, thuận lợi cho giao dịch và phục vụ; đảm bảo yêu cầu về quy mô và công năng sử dụng lâu dài;

- Mục tiêu đến năm 2030 là hoàn thiện mô hình quản lý BHXH hiện đại, phù hợp với xu hướng của thế giới, bối cảnh dịch chuyển lao động toàn cầu, sự thay đổi nhân khẩu học và phục vụ tốt hơn nhu cầu tham gia và thụ hưởng chính sách của người lao động, người sử dụng lao động. Thực hiện có hiệu quả các chính sách BHXH, bảo hiểm y tế phù hợp với các điều ước quốc tế về lĩnh vực BHXH, bảo hiểm y tế; và tương đồng với các quốc gia trong khu vực và thế giới.

Như vậy,với những định hướng phát triển đã nếu trên thì ngành BHXH Việt Nam cần phải phát huy tối đa nguồn lực để góp phần xây dựng hệ thống ASXH tại Việt Nam bền vững, hiệu quả, hiện đại. Vì thế, việc xây dựng và hoàn thiện các chính sách tài chính BHXH ở Việt Nam là rất cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

4.2. QUAN ĐIỂM HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH BẢO HIỂM XÃ HỘI Ở VIỆT NAM

4.2.1. Quan điểm chung hoàn thiện chính sách tài chính bảo hiểm xã hội ở Việt Nam

Khi hoàn thiện hệ thống chính sách tài chính BHXH ở Việt Nam phải đảm bảo các quan điểm chung sau:

Một là, Hệ thống chính sách tài chính BHXH ở Việt Nam phải đảm bảo quyền bình đẳng về cơ hội tham gia BHXH đối với mọi tầng lớp dân cư, thực

hiện tốt hơn các chế độ BHXH. Phấn đấu BHXH là một trụ cột chính của hệ thống ASXH trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị

- xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững đất nước.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 207 trang tài liệu này.


BHXH là một trong những nhu cầu tất yếu trong cuộc sống của con người. Mục đích của BHXH là cung cấp sự bảo vệ cần thiết cho con người trước những mối đe doạ giảm hoặc mất nguồn thu nhập từ các nguyên nhân như: thất nghiệp, tai nạn lao động hay bệnh nghề nghiệp, ốm đau, tuổi già hay các nguy cơ khác. Xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu về BHXH càng cấp thiết, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, xu thế già hoá dân số, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, xu thế toàn cầu hoá đang diễn ra nhanh chóng kéo theo hệ quả là trình trang thất nghiệp, các loại bệnh tật gia tăng nên nhu cầu bảo hiểm là rất cấp bách.

Hoàn thiện chính sách tài chính bảo hiểm xã hội ở Việt Nam - 19

Hiện nay, vấn đề bất bình đẳng về quyền được BHXH ở nước ta vẫn còn, phần lớn những NLĐ thuộc khu vực phi chính thức không được thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền hưởng các chế độ BHXH. Đây là điều mà chính sách tài chính BHXH cần phải khắc phục được trong thời gian tới.

Hai là, hệ thống chính sách tài chính BHXH ở Việt Nam phải hướng tới việc xây dựng hệ thống BHXH bền vững về tài chính trong dài hạn, phát triển hệ thống chính sách BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế; huy động các nguồn lực xã hội theo truyền thống tương thân tương ái của dân tộc; hướng tới bao phủ toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội; kết hợp hài hoà các nguyên tắc đóng - hưởng; công bằng, bình đẳng; chia sẻ và bền vững.

Xây dựng hệ thống tài chính BHXH bền vững trong dài hạn là điều kiện cần thiết, quan trọng để thực hiện đảm bảo sự công bằng đối với các đối tượng thụ hưởng BHXH. Để đảm bảo thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng phân phối lại thu nhập, đảm bảo mức độ tác động của BHXH đến đời sống xã hội ngày một cao, cần phải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện pháp luật về BHXH. Nhất

là đối với chế độ bảo hiểm hưu trí và tử tuất, cần đảm bảo công bằng và hợp lý hơn. Với dự báo Việt Nam sẽ trở thành nước có tốc độ già hoá dân số cao nhất khu vực Châu Á trong giai đoạn 2020 - 2050, cùng với yếu tố lịch sử và đặc điểm riêng có của hệ thống hưu trí Việt Nam thì việc cải cách chế độ bảo hiểm hưu trí của Việt Nam cần có lộ trình phù hợp, hướng tới mục tiêu đảm bảo cân bằng quỹ BHXH trong dài hạn trên cơ sở đồng thuận của cả xã hội.

Ba là, hệ thống chính sách tài chính BHXH ở Việt Nam phải trợ giúp ngành BHXH đổi mới căn bản theo hướng bảo đảm tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả, hiện đại, nâng cao tính hấp dẫn, củng cố niềm tin và sự hài lòng của người dân cũng như các chủ thể tham gia BHXH; nâng cao năng lực quản lý hoạt động đầu tư để tạo ra sự bền vững quỹ BHXH trong dài hạn.

Hệ thống chính sách tài chính BHXH ở Việt Nam cần góp phần cải cách thể chế hành chính, cải cách tổ chức bộ máy của ngành BHXH. Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp giữa các đơn vị trong giải quyết công việc chuyên môn, tích cực phối hợp với các Sở, Ban ngành liên quan với đơn vị sử dụng lao động để thực hiện tốt chính sách BHXH.

Xác định công nghệ thông tin là yếu tố quan trọng trong thực hiện cải cách các thủ tục hành chính về BHXH, cần nâng cao trình độ cho các cán bộ ngành BHXH để vận hành tốt các phần mềm máy tính trong việc quản lý hồ sơ, thực hiện quản lý thu-chi BHXH. Thực hiện tốt chương trình cải cách hành chính trong hệ thống BHXH Việt Nam, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quả lý của hệ thống tổ chức bộ máy, cán bộ.

Bốn là, hệ thống chính sách tài chính BHXH ở Việt Nam phải đảm bảo sự cân đối trong trạng thái động.

Vì lượng tiền mặt của quỹ BHXH biến động theo từng chế độ trợ cấp BHXH khác nhau, lượng lao động biến động một cách thường xuyên nên trong quản lý, đặc biệt là khâu lập kế hoạch phải chú trọng tới vấn đề này. Đây cũng là một đặc thù trong ngành Bảo hiểm nói chung và BHXH nói riêng vì tính đảo

ngược chu kì kinh doanh tức là thu phí trước chi trả cho các chế độ sau. Tuy có sự hỗ trợ của NSNN, song chính sách quản lý tài chính BHXH phải góp phần giảm gánh nặng cho NSNN và vẫn thực hiện chính sách xã hội này một cách tốt nhất.

Năm là, trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, thì việc hoàn thiện hệ thống chính sách tài chính BHXH ở Việt Nam có tính quốc tế hoá cao là rất cần thiết.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, các tổ chức nước ngoài có thể dễ dàng, thuận lợi hơn trong các hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển quy mô doanh nghiệp ở Việt Nam thì hệ thống chính sách tài chính BHXH ở Việt Nam cũng cần hướng tới sự chuẩn hoá theo thông lệ quốc tế. Có thế nhìn nhận từ các hệ thống chính sách tài chính BHXH mà các nước phát triển trên thế giới đang áp dụng cũng như những mô hình quản lý đầu tư quỹ BHXH hiện đại là bài học kinh nghiệm quý báu cho việc hoàn thiện hệ thống chính sách này.

4.2.2. Quan điểm cụ thể về hoàn thiện chính sách tài chính bảo hiểm xã hội ở Việt Nam

Trên cơ sở phân tích đánh giá thực trạng chính sách tài chính BHXH ở Việt Nam thời gian qua, kết hợp với chiến lược phát triển KT-XH của đất nước và phương hướng hoạt động của ngành BHXH thời gian tới, luận án đưa ra những quan điểm cụ thể để định hướng cho việc hoàn thiện chính sách tài chính BHXH ở Việt Nam như sau:

Một là, hoàn thiện chính sách tài chính BHXH ở Việt Nam phải đứng trên lợi ích của người lao động, của Nhà nước và lợi ích của cả xã hội

* Cơ sở của quan điểm:

- BHXH và BHYT là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống ASXH phải được từng bước mở rộng, tăng nhanh đối tượng tham gia, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị

- xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. Mục đích thực hiện các chính sách tài

chính BHXH ở Việt Nam trước hết là nhằm đảm bảo thực hiện trách nhiệm của BHXH đối với người lao động, do đó các chính sách tài chính được áp dụng cho BHXH phải luôn đặt lợi ích của người lao động lên hàng đầu.

- Quỹ BHXH là một quỹ tài chính ngoài ngân sách nhằm đảm bảo ổn định đời sống của người lao động, do đó các hoạt động thu, chi, bảo toàn và tăng trưởng quỹ của BHXH phải luôn luôn hướng tới mục tiêu tăng trưởng quỹ, dần dần giảm bớt gánh nặng cho NSNN.

- Mục đích hoạt động của quỹ BHXH là nhằm góp phần vào sự ổn định và phát triển của nền KT-XH, do đó các chính sách tài chính liên quan đến BHXH phải góp phần đắc lực vào việc làm tăng lợi ích xã hội - đó là tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập, đảm bảo công bằng xã hội.

* Định hướng cơ bản:

Trong các chính sách tài chính về thu, chi, bảo toàn và tăng trưởng quỹ BHXH cần phải có quan điểm rõ ràng và đúng đắn khi đánh giá và lựa chọn các phương án thực hiện. Quá trình lập và phân tích các dự án đầu tư tăng trưởng quỹ phải thể hiện được hai nhóm mục tiêu chính của hoạt động, đó là nhóm mục tiêu về tài chính và nhóm mục tiêu về KT- XH.

+) Đối với nhóm mục tiêu về tài chính, hoạt động đầu tư tăng trưởng quỹ BHXH phải đạt được một tỷ suất lợi nhuận nhất định nào đó, tối thiểu là bằng tỷ lệ trượt giá để cho hoạt động đầu tư nếu không làm tăng giá trị của quỹ thì ít nhất cũng bảo toàn được vốn đầu tư.

+) Đối với nhóm mục tiêu về KT-XH, hoạt động đầu tư quỹ tăng trưởng BHXH phải góp phần vào việc giải quyết các vấn đề KT - XH của đất nước, đó là các vấn đề về dân số, việc làm, môi trường, công bằng xã hội,...

Hai là, các chính sách tài chính nhằm phát triển BHXH ở Việt Nam phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội.

* Cơ sở của quan điểm:

- Việt Nam về cơ bản vẫn là một đất nước nông nghiệp, trình độ dân trí

còn chưa cao, hạ tầng xã hội còn đang trong thời kỳ phát triển. Vì vậy, các chính sách tài chính nhằm phát triển BHXH ở Việt Nam phải đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội. Nhà nước tạo điều kiện để ngành BHXH Việt Nam đầu tư phát triển công nghệ và phương tiện kỹ thuật tiên tiến áp dụng vào quản lý nhằm tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHXH, BHYT.

- Ý thức tuân thủ pháp luật lao động, pháp luật BHXH của một bộ phận NSDLĐ kém. Trong khi đó cơ chế để kiểm soát, hạn chế tình trạng này còn nhiều bất cập, hạn chế nên không nắm bắt được số NLĐ thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc để làm cơ sở cho việc đôn đốc đăng ký tham gia BHXH. Công tác thanh tra, kiểm tra của ngành BHXH chưa được thường xuyên, liên tục do nguồn lực mỏng.

* Định hướng cơ bản:

- Phải linh hoạt hơn nữa trong việc hoạch định chính sách BHXH, tức là phải đưa ra nhiều gói BHXH linh hoạt hơn, tạo thuận lợi để NLĐ có nhiều lựa chọn phù hợp để tham gia. Trong việc hoạch định chính sách phải có những bài toán cụ thể để bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng, đảm bảo sự bền vững của quỹ BHXH.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để NSDLĐ thấy được quyền lợi và trách nhiệm pháp lý, cũng như để NLĐ hiểu rõ hơn quyền lợi khi tham gia BHXH cũng là một trong những giải pháp trọng tâm được BHXH Việt Nam tập trung trong thời gian tới. Cùng với việc tuyên truyền, BHXH Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc đơn giản hóa và hiện đại hóa quy trình thủ tục BHXH, nhằm tạo thuận lợi cho DN và người dân khi giao dịch với cơ quan BHXH.

Ba là, hoạt động thu, chi quỹ BHXH phải là tiền đề cho hoạt động đầu tư quỹ BHXH và ngược lại.

* Cơ sở của quan điểm:

Các chính sách tài chính nhằm bảo toàn và tăng trưởng quỹ BHXH là việc tác động có chủ ý nhằm tăng quy mô và giá trị thực của quỹ. Giữa các hoạt động của bảo toàn và tăng trưởng luôn có mối quan hệ hữu cơ và tác động qua

lại lẫn nhau. Thu quỹ BHXH có tác động làm tăng quy mô của quỹ đồng thời làm tiền đề tạo lập nguồn vốn cho hoạt động đầu tư và tăng trưởng; hoạt động chi quỹ BHXH có ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại của quỹ BHXH và có tác động gián tiếp đến quy mô vốn nhàn rỗi trong hoạt động đầu tư của quỹ. Ngược lại, hoạt động đầu tư tăng trưởng quỹ lại có tác động trực tiếp mang lại nguồn thu, bổ sung thêm lượng vốn và làm tăng quy mô cũng như giá trị thực của quỹ BHXH.

* Định hướng cơ bản:

- Trong hoạt động tạo lập nguồn thu cho quỹ BHXH phải huy động tối đa số người tham gia và thực hiện nguyên tắc “lấy số đông bù số ít”, đặc biệt chú trọng chống thất thoát và nợ đọng BHXH kéo dài. Việc tăng tỷ lệ đóng BHXH phải có lộ trình và tùy thuộc vào điều kiện phát triển kinh tế xã hội của nước ta trong từng thời kỳ.

- Quản lý chi trả các chế độ BHXH phải trên cơ sở quản lý chặt chẽ hồ sơ các đối tượng hưởng, tránh các hiện tượng lạm dụng, làm giả hồ sơ nhằm trục lợi. Việc ban hành các chính sách chế độ có liên quan đến quyền lợi được hưởng của người tham gia bảo hiểm phải có sự tính toán, cân nhắc tránh các hiện tượng đạt được mục tiêu tăng quyền lợi được hưởng của người lao động nhưng lại ảnh hưởng đến khả năng mất cân đối quỹ BHXH trong tương lai.

- Để đạt được hiệu quả cao với các chính sách tài chính nhằm bảo toàn và tăng trưởng quỹ BHXH cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các giải pháp về tạo lập nguồn thu, quản lý chi trả và đầu tư tăng trưởng quỹ.

Bốn là, đầu tư vào các tài sản tài chính là chiến lược đầu tư lâu dài và là chiến lược quan trọng nhất trong các chính sách tài chính nhằm bảo toàn và tăng trưởng quỹ BHXH

* Cơ sở của quan điểm:

- Xuất phát từ những nguyên tắc của hoạt động đầu tư quỹ BHXH, đặc biệt là nguyên tắc an toàn và nguyên tắc thanh khoản. Để đảm bảo khả năng thanh khoản của các khoản đầu tư, BHXH Việt Nam cần phải ưu tiên đầu tư vốn vào các tài sản tài chính.

- Xuất phát từ đặc điểm của nguồn vốn đầu tư của quỹ BHXH là chỉ nhàn rỗi tạm thời, việc đầu tư bằng nguồn vốn này phải hướng vào các tài sản tài chính đáp ứng được yêu cầu thanh khoản của hoạt động đầu tư như: cổ phiếu, trái phiếu, và các giấy tờ có giá khác trên thị trường tiền tệ.

- Thị trường tài chính ở nước ta đang trong giai đoạn phát triển và hoàn thiện, các loại tài sản tài chính đã và đang xuất hiện ngày càng đa dạng và mang đến những cơ hội kiếm lời tốt. Do vậy, về lâu dài, việc đầu tư vào các tài sản tài chính sẽ phải là hoạt động đầu tư quan trọng nhất của quỹ BHXH.

* Định hướng cơ bản:

Để việc đầu tư quỹ BHXH vào thị trường tài chính phù hợp với đặc điểm của nguồn vốn đầu tư, BHXH cần phải phân định rõ ràng nguồn vốn đầu tư ngắn hạn và nguồn vốn đầu tư dài hạn bởi từng nguồn vốn này có tính chất thời hạn và yêu cầu sử dụng không giống nhau. Sau khi phân định nguồn vốn, cần xây dựng chiến lược phân bổ vốn vào các loại tài sản tài chính sao cho phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng nguồn vốn.

Đối với nguồn vốn ngắn hạn, chỉ nên sử dụng để đầu tư vào các tài sản tài chính ngắn hạn. Các tài sản này phải có tính lỏng cao và có khả năng tạo ra dòng thu nhập trong thời gian ngắn. Xuất phát từ yêu cầu này, ta thấy rằng hoạt động đầu tư phù hợp nhất đối với nguồn vốn này là: mua và giữ các trái phiếu ngắn hạn (tín phiếu KBNN, kỳ phiếu NHTM...), mua và bán cổ phiếu để hưởng chênh lệch giá.

Đối với nguồn vốn dài hạn, cần ưu tiên đầu tư vào các loại chứng khoán dài hạn. Các loại chứng khoán này phải thoả mãn được yêu cầu: khả năng tạo thu nhập cao và ổn định; thời hạn nắm giữ cần thiết của chứng khoán phải trùng khớp với thời gian chi trả dự kiến của các chế độ BHXH dài hạn; lãi suất của các chứng khoán có thu nhập cố định cộng với lãi suất thu được do tái đầu tư thu nhập đó phải lớn hơn lãi suất giả định làm căn cứ tính phí BHXH dài hạn. Từ đó có thể thấy rằng đầu tư vào các loại trái phiếu là chiến lược đầu tư quan trọng nhất trong hoạt động đầu tư quỹ BHXH bởi chỉ có các loại trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu chính phủ, mới thoả mãn được các yêu cầu nêu trên.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 21/02/2024