So Sánh Các Quy Định Trong Công Ước 102 Với Chế Độ Bhxhvn

biện pháp hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu quả công tác huy động nguồn tài chính BHXH ở Việt Nam.

Về chính sách sử dụng nguồn tài chính BHXH:

Một số quy định còn chưa hợp lý và phức tạp trong tổ chức thực hiện như mức hưởng chế độ ốm đau trong trường hợp mắc bệnh cần chữa trị dài ngày trong 180 ngày được hưởng 75% mức tiền lương, tiền công đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc, sau đó nếu tiếp tục điều trị thì được hưởng theo mức thấp hơn. Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành mới chỉ quy định mức trợ cấp ốm đau theo tháng, chưa có quy định mức trợ cấp ốm đau theo ngày...

Luật BHXH đã quy định điều kiện hưởng tai nạn lao động, tuy nhiên trong một số trường hợp vẫn chưa được xác định rõ ràng có được coi là tai nạn lao động hay không như do tự hủy hoại bản thân, sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái quy định của pháp luật,..

Quy định tuổi nghỉ hưu như hiện hành là thấp so với xu hướng tuổi thọ ngày càng tăng và nguy cơ mất khả năng cân đối quỹ hưu trí và tử tuất. Quy định tuổi nghỉ hưu của lao động nữ thấp hơn nam 5 tuổi là chưa đảm bảo vấn đề giới, chưa hợp lý trong điều kiện kinh tế - xã hội ngày càng phát triển và sức ép của già hoá dân số. Quy định này chưa phù hợp với Công ước Liên Hợp quốc về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), trong đó đã xác định trách nhiệm quốc gia trong việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm xóa bỏ phân biệt với phụ nữ. Quy định điều kiện hưởng lương hưu, cần xem xét lại quy định về tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ để đảm bảo tính bình đẳng và công bằng hơn cũng như tạo điều kiện cho lao động nữ có thể tiếp tục làm việc và nâng cao mức thu nhập; đặc biệt hơn là đảm bảo cân đối quỹ hưu trí và tử tuất.

Một số trường hợp giải quyết chế độ hưu trí trước tuổi do thực hiện lồng ghép chính sách BHXH với các chính sách khác như chính sách lao động, sắp xếp doanh nghiệp,… từ đó làm ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn thu và cân đối trong dài hạn của Quỹ BHXH.

Còn có chênh lệch lớn về mức hưởng giữa trợ cấp tuất một lần và trợ cấp tuất hàng tháng, tạo nên sự không công bằng giữa các đối tượng thụ hưởng chế độ này. Sự bất cập này thường xẩy ra đối với thân nhân người hưởng trợ cấp tuất hàng tháng với thời gian hưởng quá ngắn (con chuẩn bị hết tuổi hưởng trợ cấp, bố mẹ đã quá già, yếu,..); trong khi đó nếu họ được hưởng chế độ tuất một lần thì mức hưởng của họ lớn hơn nhiều.

Khi so sánh với các quy định trong công ước 102 của Tổ chức lao động quốc tế thì mức hưởng các chế độ BHXH ở nước ta còn cao.

Bảng 3.20: So sánh các quy định trong công ước 102 với chế độ BHXHVN


Chế độ

Công ước 102

Việt Nam

Ốm đau

45%

75% lương, thời gian hưởng từ 30-50 ngày/năm

Thai sản

45%

100% lương, thời gian hưởng từ 4-6 tháng


Hưu trí


40%

75% lương bình quân, có 30 năm đóng BHXH đối với lao động nam, 25 năm đối với lao động nữ.

Tử tuất


40%

50%-70% lương cơ sở/ một suất, không quá 4 định suất

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 207 trang tài liệu này.

Hoàn thiện chính sách tài chính bảo hiểm xã hội ở Việt Nam - 17

Nguồn: Công ước 102, Tổ chức lao động quốc tế, Luật BHXH 2006, 2014

Còn ở một số nước, nhìn chung mức hưởng các chế độ BHXH đều xoay quanh mức hưởng quy định tại công ước 102 và thấp hơn nước ta. Ví dụ: chế độ ốm đau ở Thái Lan là 50% lương; chế độ thai sản 50% lương trong thời gian 90 ngày; ở Pháp: chế độ hưu trí là 50% lương; riêng chế độ thai sản, một số nước áp dụng mức trợ cấp 90-100% lương như: Pháp 90% lương, Đức 100% lương,... Đây là một vấn đề lớn ảnh hưởng tới cân đối quỹ BHXH và ảnh hưởng đến nguồn vốn đầu tư quỹ. Vì vậy BHXH Việt Nam cần sớm nghiên cứu kiến nghị, điều chỉnh mức hưởng một số chế độ cho tương ứng với mức đóng BHXH.

So sánh với tiêu chuẩn trong Công ước số 102 (năm 1952) của Tổ chức Lao động quốc tế thì ở nước ta đang áp dụng 7/9 chế độ bảo hiểm xã hội theo tiêu chuẩn. Còn 02 chế độ chưa được thực hiện là trợ cấp gia đình và trợ cấp thương tật vĩnh viễn.

Tóm lại, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác chi trả BHXH

thì hoạt động này cũng còn tồn tại những hạn chế nhất định cả về cơ chế chính sách cũng như trong tổ chức thực hiện đòi hỏi ngành BHXH cần phải nghiên cứu cải tiến tìm ra các biện pháp hữu hiệu để công tác chi trả BHXH ngày càng đạt hiệu quả cao hơn.

Về chính sách đầu tư tăng trưởng quỹ BHXH:

- Năm 2016, Luật BHXH sửa đổi bổ sung có hiệu lực thi hành, tuy nhiên các văn bản hướng dẫn cũng như quy chế phối hợp trong việc cung cấp danh sách các Ngân hàng hoạt động tốt giữa Ngân hàng Nhà nước và BHXH Việt Nam chưa kịp ban hành cũng ảnh hưởng phần nào đến hoạt động đầu tư năm 2016 của BHXH Việt Nam.

- Các lĩnh vực quỹ BHXH được phép đầu tư chưa đa dạng, cơ cấu còn chưa hợp lý (tỷ lệ cho Ngân sách Nhà nước vay và mua Trái phiếu Chính phủ chiếm tỷ trọng lớn), vì vậy hiệu quả đầu tư chưa cao;

- Tỷ lệ sinh lời từ hoạt động đầu tư quỹ BHXH mặc dù có được cải thiện song hiệu quả đầu tư quỹ BHXH chưa cao. Có những năm tỷ lệ sinh lời thấp hơn hoặc bằng với tỷ lệ lạm phát khiến việc bảo tồn và phát triển quỹ BHXH phát triển bền vững trở nên khó khăn hơn.

- Thực hiện chỉ đạo của Hội đồng Quản lý, quỹ BHXH tập trung chủ yếu cho Ngân sách Nhà nước vay và mua Trái phiếu Chính phủ, tuy nhiên do thời hạn cho vay dài (10 năm) mà chưa mở rộng đến các hình thức đầu tư khác có lợi nhuận cao hơn nên chưa tận dụng hết khả năng sinh lời của quỹ, đồng thời ảnh hưởng đến khả năng cân đối của quỹ trong thời gian dài;

Về chính sách cân đối quỹ BHXH:

Tuổi nghỉ hưu theo quy định tương đối thấp, đặc biệt quy định độ tuổi nghỉ hưu với những nhóm đối tượng đặc thù như lực lượng vũ trang dẫn đến việc thời gian đóng bảo hiểm thấp nhưng thời gian hưởng lương hưu dài.

Mặc dù các quy định pháp lý có mở rộng đối tượng tham gia BHXH song trên thực tế với tỷ lệ bao phủ mới đạt khoảng 80% so với số người thuộc diện

tham gia BHXH bắt buộc và trên 20% so với lực lượng lao động, tốc độ tăng đối tượng tham gia ngày càng chậm lại, tính bền vững của Quỹ - nhìn từ cân đối thu - chi trong dài hạn - cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp tục được quan tâm, giải quyết trên cả bình diện chính sách và tổ chức thực thi pháp luật. Tính đến thời điểm hiện tại và dự báo trong tương lai gần, Quỹ BHXH Việt Nam vẫn tiếp tục cân bằng thu chi và có thặng dư. Tuy nhiên, việc thặng dư Quỹ BHXH trong hiện tại là không bền vững do việc tăng thu trong thời gian qua chủ yếu nhờ yếu tố chính sách. Kể từ khi ban hành Luật BHXH năm 2006, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc được mở rộng và mang tính pháp lý cao, đồng thời với đó là sự ra đời của hệ thống BHXH tự nguyện đã góp phần không nhỏ trong việc tăng nhanh số đối tượng tham gia BHXH và số thu BHXH. Ngoài ra, trong giai đoạn 2007 - 2014, Luật BHXH đã quy định cụ thể lộ trình tăng mức đóng BHXH góp phần làm tăng nguồn thu của Quỹ BHXH. Trong khi đó, số người hưởng chế độ BHXH chưa có sự thay đổi nhiều vì chu kỳ của chính sách BHXH tương đối dài.

3.3.4. Nguyên nhân của các hạn chế

3.3.4.1. Nguyên nhân khách quan

- Nhận thức của NLĐ và NSDLĐ ở nước ta về BHXH còn hạn chế, chưa biết hoặc chưa hiểu đầy đủ về bản chất, vai trò của chính sách BHXH đối với cuộc sống của người lao động và của xã hội. Trong khi đó công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao.

- Ý thức chấp hành pháp luật của người sử dụng lao động về BHXH còn thấp, chưa quan tâm đến nghĩa vụ và quyền lợi của người lao động. Trong khi đó người lao động do sợ mất việc làm nên không dám đòi hỏi.

- Lao động làm việc tại khu vực phi chính thức tương đối lớn. Đa số các tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể … hoạt động sản xuất kinh doanh theo phương thức hộ gia đình, tự làm, tự hạch toán và sử dụng lao động theo phương thức thuê mướn công nhật, không thực hiện ký kết hợp đồng lao động và không quan tâm đến nghĩa vụ và quyền lợi về BHXH đối với NLĐ.

- Môi trường đầu tư tài chính nước ta chưa thuận lợi do thị trường chứng khoán vẫn còn non trẻ. Các công cụ của thị trường tài chính còn hạn chế về số lượng, kỳ hạn và chủng loại. Thị trường bất động sản và cho vay tiềm ẩn nguy cơ rủi ro lớn.

3.3.4.2. Nguyên nhân chủ quan

- Một số quy định của pháp luật BHXH chưa chặt chẽ, hệ thống, nhiều lần sửa đổi, bổ sung hết sức phức tạp có kẽ hở dẫn tới việc lạm dụng. Trong thiết chế chính sách BHXH hiện hành, một số quy định còn chưa hợp lý, chưa đảm bảo một cách chặt chẽ nguyên tắc mức hưởng trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH và có chia sẻ giữa những người tham gia BHXH, quỹ phải chi trả nhiều hơn mức thu có thể.

- Cơ chế tài chính BHXH hiện hành tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối trong dài hạn. Đặc điểm của cơ chế này là người lao động tham gia BHXH khi đến tuổi nghỉ hưu sẽ được nhận khoản trợ cấp do quỹ hưu trí chi trả. Tuy nhiên quỹ này lại sử dụng khoản tiền đóng góp của những người tham gia bảo hiểm hiện tại để trả nợ cho đối tượng hết tuổi lao động nói trên. Ở khía cạnh tích cực, cơ chế này đã tạo được mối liên hệ mật thiết giữa các thế hệ người lao động nối tiếp nhau, xác định rõ trách nhiệm của thế hệ sau đối với thế hệ trước thông qua cách sử dụng nguồn tiền chi trả chế độ hưu trí. Nhưng mặt khác cơ chế này lại gây ra tâm lý bất ổn cho những người lao động hiện đang tham gia thị trường lao động, bởi vì nguồn tiền đóng góp của họ đang được dùng để chi trả trợ cấp cho những đối tượng hết tuổi lao động, trong khi số lượng người đến tuổi lao động và sẽ tham gia vào thị trường lao động lai có xu hướng giảm dần (do ảnh hưởng của sự giảm dân số). Như vậy, trong tương lai, người hết tuổi lao động có khả năng lớn hơn rất nhiều so với số người đang đi làm. Tốc độ già hóa dân số diễn ra ngày càng mạnh chắc chắn sẽ gây ra sức ép về mặt tài chính đối với quỹ BHXH nói chung và quỹ bảo hiểm hưu trí nói riêng.

- Căn cứ thu BHXH và mức thu BHXH còn chưa phù hợp với thực tế.

- Mức hưởng của người nghỉ hưu được thiết kế còn có sự phân biệt theo giới tính và khu vực kinh tế.

- Tỷ lệ lương hưu cho người về hưu trước tuổi được tính chỉ bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH quy định tại điều 62 (Luật BHXH năm 2014) tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75% đã khuyến khích người lao động về hưu trước tuổi. Thực trạng này dẫn tới tuổi nghỉ hưu thực tế thấp hơn quy định, thời gian đóng BHXH ngắn trong khi tuổi thọ có xu hướng tăng cao và thời gian hưởng lương hưu lại kéo dài.

Quy định mức lương hưu thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung cũng không hợp lý đối với những người có mức đóng thấp và thời gian tham gia ngắn.

Quỹ BHXH còn chịu trách nhiệm chi trả cho một số chính sách xã hội khác như đối với một số đối tượng về hưu sớm do tinh giản biên chế và lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp, tạo nên những áp lực lớn trong chi trả của quỹ BHXH.

- Mức xử phạt còn thấp đối với một số hành vi chiếm dụng, chậm, trốn đóng BHXH. Mặt khác, mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH theo quy định còn thấp. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp cố tình nợ, chậm đóng BHXH và chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng tiền đóng BHXH. Bên cạnh đó, việc tuân thủ quy định BHXH còn thấp thể hiện ở việc mức lương đóng BHXH của người lao động thuộc khu vực ngoài nhà nước thường thấp hơn nhiều so với mức lương thực tế và hiện nay cũng chưa có chế tài đối với vi phạm này.

- Sự lạc hậu của chính sách tiền lương và thu nhập chưa tạo thuận lợi cho chính sách BHXH khu vực chính thức. Chính sách thu nhập hiện hành còn lạc hậu, chưa được đổi mới phù hợp với cơ chế mới. Tiền lương thực tế hiện nay chưa đủ trả giá trị sức lao động, hiện còn thấp, làm cho đời sống của người làm công ăn lương trở nên khó khăn. Thang, bảng, ngạch, bậc lương và chế độ phụ cấp được thiết kế phức tạp, chưa đảm bảo sự công bằng mang nặng tính bình quân, tạo nên sự bất bình đẳng giữa các đối tượng ngành nghề và khu vực. Nếu lấy tiền lương làm căn cứ đóng BHXH sẽ không đảm bảo được sự công bằng giữa các đối tượng tham gia.

- Hoạt động đầu tư quỹ còn thiếu chuyên nghiệp và chậm đổi mới, năng lực đầu tư còn nhiều hạn chế. Chưa xây dựng một chiến lược đầu tư với sự phân bổ tài sản một cách hợp lý trong dài hạn. Chưa có bộ máy quản lý đầu tư chuyên nghiệp, chưa có kinh nghiệm quản lý đầu tư chuyên sâu và bộ máy giám sát quá trình đánh giá hiệu quả đầu tư.

- Không có cơ sở hạ tầng quản lý rủi ro tài chính (cơ sở dữ liệu, công cụ đánh giá rủi ro cho từng hình thức, danh mục đầu tư kể cả thiết bị sử dụng) và thiếu cán bộ am hiểu lĩnh vực này.

- Công tác kiểm tra, giám sát, kiểm toán nội bộ chưa đáp ứng yêu cầu quản lý; chưa có cơ chế để người dân tham gia giám sát hoạt động quản lý BHXH.

Công tác quản lý thu, chi BHXH của bộ máy thực hiện BHXH còn nhiều hạn chế yếu kém, công tác quản lý lao động, tiền lương, tiền công, thu nhập, quản lý hộ tịch, hộ khẩu của người lao động và thân nhân người lao động của một số cơ quan đơn vị, chính quyền địa phương chưa chặt chẽ, ngành BHXH chưa quản lý được cơ sở dữ liệu tập trung, công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu quản lý BHXH, chưa phục vụ cho việc đối chiếu, kiểm soát trước khi giải quyết... Về đối tượng đang hưởng chế độ BHXH hàng tháng hiện nay do tính bảo mật các phần mềm quản lý chưa cao nên tiềm ẩn việc lạm dụng chưa có biện pháp nào ngăn chặn.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 3


Trong chương 3, nghiên cứu sinh đã trình bày khái quát sự hình thành và phát triển của BHXH Việt Nam, vị trí, chức năng và cơ cấu tổ chức, quản lí của BHXH Việt Nam. Ngoài ra, trọng tâm trong chương này nghiên cứu sinh đã đi sâu phân tích chính sách tài chính BHXH Việt Nam giai đoạn 2011-2016 trên 4 khía cạnh: Chính sách huy động nguồn tài chính BHXH, chính sách sử dụng nguồn tài chính BHXH, chính sách đầu tư tăng trưởng quỹ BHXH và chính sách cân đối quỹ BHXH.

Các đánh giá được rút ra trong chương này như sau: Về cơ bản các quy định pháp lý về 4 chính sách kể trên đều được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật và tương đối phù hợp. Chỉ một vài điểm quy định còn chưa được hợp lý khi triển khai trên thực tế. Chính sách huy động nguồn tài chính BHXH đã đảm bảo được số thu hàng năm tăng lên song tình hình nợ đọng và mục tiêu về số người tham gia vẫn chưa đạt được so với mục tiêu. Chính sách sử dụng nguồn tài chính BHXH đã giải quyết được cho rất nhiều đối tượng, chi phí quản lý BHXH mặc dù tăng cao nhưng đã góp phần giải quyết nhanh gọn thủ tục cho người thụ hưởng hơn so với thời gian trước đó. Chính sách đầu tư tăng trưởng quỹ mặc dù được cải thiện song hiệu quả đầu tư vẫn còn tương đối thấp. Chính sách cân đối quỹ BHXH hiện nay vẫn đảm bảo tốt song về lâu dài cần có giải pháp để đảm bảo cân đối các quỹ như hưu trí và ốm đau, thai sản.

Mặc dù chính sách tài chính BHXH đã có nhiều bước chuyển biến tích cực song trên thực tế vẫn còn có những bất cập nhất định. Những đánh giá toàn diện về các kết quả đạt được cũng như những hạn chế của chính sách tài chính BHXH Việt Nam giai đoạn 2011-2017 là cơ sở để nghiên cứu sinh đưa ra các giải pháp ở chương 4.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 21/02/2024