thân các ngân hàng lớn trên thế giới cũng đều chú trọng đến những khách hàng nhỏ và vừa, những doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí là những doanh nghiệp siêu nhỏ. Đây là kênh tạo ra lợi nhuận chủ yếu cho các ngân hàng đó trong quá trình hoạt động kinh doanh của các ngân hàng. Qua đó cho thấy rằng BIDV cần chú trọng đến mối quan hệ với các khách hàng cá nhân, các khách hàng nhỏ lẻ, chú trọng tới lĩnh vực bán lẻ của ngân hàng.
Để gia tăng mối quan hệ khách hàng, BIDV có thể thực hiện trước tiên là nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng có thể được thể hiện qua một số cách, như: chuẩn hóa quy trình giao dịch với khách hàng; giảm thiểu thời gian giao dịch đối với khách hàng; khảo sát lấy phiếu góp ý của khách hàng,... BIDV có thể học tập các ngân hàng trên thế giới và trong nước thực hiện đánh giá của khách hàng về chi nhánh, về nhân viên của mình. Có thể BIDV đã thực hiện công tác đánh giá nhưng mới chỉ dừng lại đánh giá một số chi nhánh chính của mình, chưa phải cho toàn bộ các chi nhánh và phòng giao dịch của ngân hàng.
Xây dựng mối quan hệ với khách hàng không chỉ giúp ngân hàng dễ dàng tiếp cận, thu hút được khách hàng và gia tăng tính trung thành của khách hàng với ngân hàng, mà còn giúp ngân hàng đánh giá được chất lượng dịch vụ của mình cung ứng cho khách hàng như thế nào. Từ thực trạng đó giúp ngân hàng có hướng điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng, của nền kinh tế, gia tăng được hiệu quả kinh doanh của mình.
Thứ ba, xây dựng chiến lược phát triển trong trung và dài hạn gắn phát triển bền vững, chuyên sâu.
Từ kinh nghiệm của các ngân hàng hàng đầu thế giới, ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam cần có chiến lược phát triển trong trung và dài hạn gắn với gia tăng chất lượng cạnh tranh của mình. Có thể xây dựng các chiến lược phát triển trong thời gian ba năm và năm năm, gắn liền với tình hình thực tế của thị trường tài chính trong nước và quốc tế. Các ngân hàng cần gắn liền các chiến lược phát triển của mình đến quản lý chất lượng; quản lý rủi ro; và gia tăng khoa học công nghệ, tính sáng tạo của ngân hàng, quản lý nợ xấu, và tái cấu trúc
quản lý tín dụng. Trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển của mình, BIDV cần hướng tới chủ động gia tăng được khả năng cạnh tranh của mình, đặc biệt là khả năng cạnh tranh về chất lượng. Chiến lược phát triển của ngân hàng cũng cần quan tâm tới chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng phát triển bền vững và chuyên sâu, phản ánh qua việc chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng phát triển kinh tế lấy khách hàng làm trọng tâm, cốt lõi; luôn đảm bảo được các tiêu chí như: chất lượng với lợi ích, chi phí với hiệu quả, tài sản với vốn.
Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Trường hợp của Thái cho thấy để giúp SCB thoát khỏi khó khăn của cuộc khủng hoảng đó là sự thay đổi trong nhân sự. Nguồn nhân lực sẽ là yếu tố quan trọng giúp ngân hàng gia tăng hiệu quả, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế. BIDV cần luôn chủ động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từ đội ngũ cán bộ quản lý đến đội ngũ nhân viên. Các cuộc khảo sát đánh giá của khách hàng sẽ là một trong những cơ sở để ngân hàng có thể nhận thấy phần nào chất lượng nhân viên của mình. Trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để có trình độ công nghệ cao cũng là một hướng phát triển của ngân hàng. BIDV có thể mở các lớp đào tạo phát triển kỹ năng và kiến thức chuyên môn qua các lớp học online.
Có thể bạn quan tâm!
- Nhóm Chỉ Tiêu Đánh Giá An Toàn Tài Chính Và Khả Năng Thanh Khoản
- Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Hiệu Quả Kinh Doanh Của Ngân Hàng Thương Mại
- Kinh Nghiệm Nâng Cao Hiệu Quả Kinh Doanh Và Bài Học Cho Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đầu Tư Và Phát Triển Việt Nam
- Nguồn Vốn Chủ Sở Hữu Và Nợ Phải Trả Của Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đầu Tư Và Phát Triển Việt Nam
- Tình Hình Tài Sản Của Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đầu Tư Và Phát Triển Việt Nam
- Thực Trạng Hiệu Quả Kinh Doanh Của Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đầu Tư Và Phát Triển Việt Nam
Xem toàn bộ 225 trang tài liệu này.
Đổi mới trong quản lý của ngân hàng cũng là một khía cạnh được các ngân hàng trên thế giới quan tâm. Việc thay đổi hợp lý chính sách trong quản lý, trong hoạt động của ngân hàng đôi khi sẽ giúp các ngân hàng lội ngược dòng so với các ngân hàng thương mại khác trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế. Mặt khác, sự đổi mới trong quản lý sẽ tạo ra tính mới trong hoạt động của ngân hàng, giúp gia tăng sự thu hút của khách hàng và của người lao động đối với ngân hàng.
Thứ năm, chủ động gia tăng khả năng cạnh tranh về khoa học công nghệ.
Trong thời đại cách mạng 4.0, khoa học công nghệ có vị trí chủ đạo gắn liền với sự phát triển bền vững của ngân hàng. Các sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao của ngân hàng cung ứng cho khách hàng và nền kinh tế được phát triển với sự đa dạng về loại hình, giảm thiểu chi phí sử dụng. BIDV cũng theo xu thế chung của nền kinh
tế trong nước và thế giới, cần chủ động gia tăng đầu tư vào khoa học công nghệ để mở rộng phạm vi, quy mô hoạt động, giảm thiểu được chi phí của mình. Việc ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại còn có thể giúp BIDV nâng cao được chất lượng dịch vụ ngân hàng điện tử, hỗ trợ cho nhân viên của mình trong quá trình làm việc.
Thứ sáu, phát triển lĩnh vực bán lẻ, khách hàng cá nhân.
Từ các ngân hàng lớn nhất thế giới đến từ Trung Quốc, đến các ngân hàng trong khu vực Đông Nam Á có thể nhận thấy rằng họ luôn hướng về lĩnh vực bán lẻ, hướng về những khách hàng cá nhân, khách hàng nhỏ lẻ. Tại Việt Nam, tỷ lệ dân số ở nông thôn chiếm tỷ lệ khá lớn (65,6% năm 2019) [44]; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98,1% năm 2017 [45]; gần 50% dân số Việt Nam chưa mở tài khoản tại ngân hàng năm 2018 [38]. Những con số này cho thấy rằng tiềm năng thu nhập đem lại từ đối tượng khách hàng cá nhân, khách hàng SMEs là rất lớn. BIDV có thể tự phát triển hoặc kết hợp với các công ty công nghệ tài chính (Fintech) để cung ứng những sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao tạo điều kiện dễ dàng tiếp cận được với nhóm khách hàng trên. Hoạt động này không những gia tăng thu nhập cho BIDV, mà còn tạo ra những khoản thu nhập ổn định trong tương lai cho ngân hàng.
Kết luận chương 1
Như vậy có thể thấy, hiệu quả kinh doanh của NHTM có nhiều cách hiểu khác nhau, dưới nhiều góc độ (như hiệu quả kinh tế, hiệu quả kỹ thuật,…). Cũng từ đó, các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh doanh của NHTM sẽ thay đổi theo từng góc nhìn đó, cũng như các nhân tố chính ảnh hưởng sẽ thay đổi cùng. Ngoài ra, hiệu quả kinh doanh của các NHTM được đánh giá không chỉ dựa trên phương pháp định tính, các phương pháp định lượng nghiên cứu ngày càng đa dạng, với nhiều mô hình, phương thức mới được đưa ra để phù hợp với sự thay đổi trong hoạt động của các NHTM.
Qua chương 1, tác giả đã làm rõ được những cơ sở lý luận chung về ngân hàng thương mại, tổng quan chung về hiệu quả kinh doanh của ngân hàng qua các nội dung như: nội dung hiệu quả kinh doanh; các nhóm chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh doanh; các nhân tố ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của ngân hàng (bao gồm nhóm nhân tố bên trong và nhóm nhân tố bên ngoài). Chương 1 của luận án cũng đã đưa ra được kinh nghiệm nâng cao hiệu quả kinh doanh của một số ngân hàng trên thế giới, từ đó gợi ý một số bài học mà ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam có thể kế thừa và phát triển trong quá trình gia tăng hiệu quả kinh doanh của mình.
Từ những cơ sở lý thuyết được làm rõ trong chương 1, thực trạng hiệu quả kinh doanh của ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam sẽ được nghiên cứu sinh phân tích trong chương 2.
CHƯƠNG 2
THỰC TRẠNG HIỆU QUẢ KINH DOANH
CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN VIỆT NAM
2.1. TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG KINH DOANH CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN VIỆT NAM
2.1.1. Quá trình hình thành và phát triển của ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam
Tên công ty bằng tiếng Việt: Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam.
Tên công ty bằng tiếng Anh: Joint Stock Commercial Bank for Investment and Development of VietNam.
Tên viết tắt: BIDV
Trụ sở đăng ký: Tháp BIDV, 35 Hàng Vôi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Vốn điều lệ: 34.187 tỷ đồng (trong đó bao gồm: 32.573 tỷ đồng vốn Nhà nước, 1.614 tỷ đồng vốn của nhà đầu tư)
Giấy Phép thành lập và hoạt động: Số 84/GP-NHNN ngày 23/4/2012; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số: 0100150619
Lĩnh vực hoạt động: ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, đầu tư tài chính.
Sản phẩm dịch vụ: BIDV cung cấp các sản phẩm dịch vụ theo đối tượng khách hàng của mình, bao gồm ba nhóm đối tượng là: khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp, định chế tài chính. Cụ thể:
+ Sản phẩm dịch vụ cho khách hàng cá nhân: tiền gửi- tiết kiệm, tín dụng cá nhân, ngân hàng điện tử (bán ngoại tệ trực tuyến qua Internet Banking, Smart Banking, dịch vụ trực tuyến cho cá nhân,…), dịch vụ BIDV premier, chuyển tiền quốc tế, thanh toán trong nước, bảo hiểm, kinh doanh vốn và tiền tệ (kinh doanh vàng và ngoại hối), dịch vụ ngân quỹ (dịch vụ bảo quản tài sản quý, dịch vụ cho thuê két sắt, dịch vụ thu đổi tiền ngoại tệ không đủ tiêu chuẩn lưu thông,…), chứng khoán (môi giới chứng khoán, lưu kí chứng khoán, giao dịch qua điện thoại,…), BIDV Big Smile.
+ Sản phẩm dịch vụ cho khách hàng doanh nghiệp: tín dụng bảo lãnh, tài trợ xuất nhập khẩu, tiền gửi, kinh doanh vốn và tiền tệ (kinh doanh vàng, ngoại hối, giấy tờ có giá, phái sinh tài chính và hàng hóa,…), dịch vụ thanh toán (thanh toán biên mậu, chuyển tiền trong nước, chuyển tiền quốc tế,…), ngân hàng điện tử.
+Sản phẩm dịch vụ cho định chế tài chính: kinh doanh vốn và tiền tệ (giống doanh nghiệp), sản phẩm dịch vụ (thanh toán liên ngân hàng, thanh toán song phương, thấu chi tổ chức tín dụng, chiết khấu giấy tờ có giá,…), sản phẩm tiền gửi, công bố thông tin.
Địa bàn hoạt động: 63 tỉnh/ thành phố trong cả nước
Lịch sử hình thành và phát triển của BIDV
BIDV được hình thành vào ngày 26 tháng 4 năm 1957 với tên gọi là Ngân hàng Kiến Thiết Việt Nam. Kể từ thời điểm đó tới nay, BIDV đã trải qua 4 giai đoạn chính, mỗi giai đoạn đánh dấu một bước đột phá mới trong quá trình hoạt động của mình.
* Giai đoạn 1957-1981: Với tên gọi là ngân hàng Kiến Thiết Việt Nam, ngân hàng đã hoạt động chủ yếu trong vai trò là người cung ứng vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là những lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, cũng như các chương trình phúc lợi (như những chương trình trọng điểm, then chốt của nền kinh tế).
* Giai đoạn 1981-1990: Ngân hàng đổi sang tên gọi là Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt nam. Giai đoạn thứ hai này đã đánh dấu được tên tuổi của ngân hàng trên nền kinh tế Việt Nm với tư cách là một trong những ngân hàng chuyên doanh hàng đầu của nền kinh tế. BIDV vẫn tiếp tục cải thiện những phương pháp cung ứng và quản lý vốn đầu tư cơ bản của mình, đồng thời tiếp tục vai trò cung ứng vốn lưu động cho các tổ chức xây lắp.
* Giai đoạn 1990-2012: Giai đoạn đưa ngân hàng trở thành một trong những ngân hàng hàng đầu Việt Nam, chính thức đổi sang tên gọi là ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam. BIDV là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam trong vấn đề tự lo vốn để phục vụ cho phát triển của mình thông qua việc áp dụng các hình thức đa dạng để huy động vốn bằng cả VND và ngoại tệ ở trong và ngoài nước. Nhờ các hình thức đa dạng trong huy động vốn đó đã giúp BIDV có thể phục vụ đầu tư phát triển theo đường lối công nghiệp hóa-
hiện đại hóa, và đầu tư cho những chương trình lớn, những dự án trọng điểm cũng như các ngành then chốt. Ngoài sự tiến bộ trong huy động và đầu tư, BIDV còn chủ động thực hiện kinh doanh đa năng, tổng hợp theo chức năng của NHTM. Để gia tăng chất lượng phục vụ của ngân hàng cho khách hàng, BIDV đã thực hiện nghiên cứu, xây dựng và hình thành ra những sản phẩm và dịch vụ ngân hàng mới, kết hợp với việc thực hiện phát triển các dịch vụ ngân hàng (ví dụ dịch vụ bảo lãnh, thanh toán quốc tế, thanh toán trong nước, chuyển tiền kiều hối,…). BIDV cũng rất nỗ lực trong việc gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường, và để làm được điều đó BIDV đã tiến hành đổi mới công nghệ ngân hàng, áp dụng nhiều sản phẩm mới phục vụ cho khách hàng của mình, ví dụ: ATM, home banking,… BIDV không chỉ tập trung vào gia tăng quy mô phát triển của mình, mà còn tập trung vào để cơ cấu hoạt động của ngân hàng sao cho hợp lý hơn, tập trung vào nâng cao lành mạnh hóa tài chính của mình. Từ đó, BIDV đã trở thành một trong những ngân hàng Việt Nam đầu tiên thực hiện xếp hạng tín dụng nội bộ. Với sự phát triển mạnh mẽ, BIDV đã gia tăng được phạm vi ảnh hưởng, thị phần hoạt động của mình, đặc biệt khi BIDV là một trong những ngân hàng thành lập ngân hàng liên doanh đầu tiên của Việt Nam.
* Giai đoạn 2012- nay: Ngày 27/4/2012, BIDV thực hiện cổ phần hóa ngân hàng, và chính thức hoạt động mô hình Ngân hàng thương mại cổ phần vào tháng 5/2012. Cũng từ đây, ngân hàng đổi tên thành Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Đây là giai đoạn khó khăn đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam khi đang phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, do vậy BIDV thực hiện tập trung phát triển hoạt động ngân hàng bán lẻ, tái cơ cấu mạng lưới (thể hiện nổi bật với việc sáp nhập của NHTMCP Phát triển nhà Đồng Bằng Sông Cửu Long- MHB ngày 25/5/2015). Cũng nhờ hoạt động sáp nhập đó, ngân hàng xếp thứ 3 trong hệ thống ngân hàng về số điểm mạng lưới truyền thống là BIDV đã gia tăng cả về số điểm mạng lưới truyền thống và kênh phân phối hiện đại (191 chi nhánh bao gồm 190 chi nhánh trong nước và 1 chi nhánh đặt tại nước ngoài, 871 phòng giao dịch, 1822 máy ATM và 15962 điểm giao dịch POS) vào năm 2018... Bên cạnh đó, BIDV đã niêm yết thành công cổ phiếu của mình trên sàn chứng khoán trong nước vào tháng 1/2014, chính thức trở thành một ngân hàng đại chúng. Với sự hồi phục của nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu
2008, kết hợp với những phát triển vững chắc của mình trên thị trường trong nước, BIDV đã thiết lập quan hệ với các ngân hàng và chi nhánh ngân hàng của 122 quốc gia và vùng lãnh thổ; nhận ủy thác quản lý từ các nhà tài trợ (song phương và đa phương) đến từ các tổ chức tài chính quốc tế và các quốc gia (WB, ADB, OPEC, Nhật Bản, Đức, Pháp,…) nhằm đẩy mạnh hoạt động kinh doanh ra thế giới.
Các mốc lịch sử chuyển biến
26/4/1957: Thành lập với tên gọi là Ngân hàng Kiến Thiết Việt Nam.
1981-1989: Hoạt động với tên gọi là Ngân hàng Đầu Tư và Xây Dựng Việt Nam. 1990-27/04/2012: Hoạt động kinh doanh với tên Ngân hàng Đầu tư và Phát
triển Việt Nam (BIDV).
Tháng 5/1992: Thành lập ngân hàng liên doanh VID PUBLIC (với Malaysia), hội sở chính tại Hà Nội và chi nhánh ở Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng. BIDV trở thành ngân hàng đầu tiên trong việc thành lập ngân hàng liên doanh với nước ngoài tại Việt Nam.
1999: Thành lập ngân hàng liên doanh Lào Việt Bank. 2005: Thành lập công ty địa ốc BIDV Tower với Singapore.
2006: Thành lập ngân hàng liên doanh Việt- Nga, thành lập công ty quản lý quỹ đầu tư BVIM với Mỹ
BIDV là ngân hàng đầu tiên của Việt Nam thuê Moody’s (tổ chức định hạng của Mỹ) thực hiện định hàng tín nhiệm cho mình. Cũng trong năm này, BIDV thực hiện xếp hạng tín dụng nội bộ theo chuẩn mực quốc tế.
2008: BIDV cơ cấu lại từ trụ sở chính đến chi nhánh, trong đó trụ sở chính phân tách thành 7 khối chức năng và chi nhánh chia thành 5 khối.
Thành lập công ty liên doanh Bảo hiểm Lào- Việt
2009: BIDV chuyển trụ sở chính sang 35 hàng Vôi, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thành lập văn phòng đại diện BIDV tại Campuchia, công ty đầu tư phát triển CDC, Ngân hàng đầu tư phát triển Campuchia (BIDC), công ty bảo hiểm CPC- Việt Nam (CVI), công ty chứng khoán CPC- Việt Nam (CVS).
28/012/2011: Chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội.