Giáo dục hành vi cho học sinh rối loạn tăng động giảm chú ý học hòa nhập ở đầu cấp tiểu học - 2

MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài

Luật Người khuyết tật số 51/2010/QH12 khẳng định: “Giáo dục hoà nhập (GDHN) là phương thức giáo dục chủ yếu đối với học sinh khuyết tật” [24]. Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra lợi thế của GDHN đối với học sinh rối loạn tăng động giảm chú ý (AD/HD). Tác giả Hoàng Thị Hạnh và Trần Văn Công (2018) nhấn mạnh, GDHN giúp học sinh rối loạn AD/HD có nhiều cơ hội hơn đề đạt được các tiêu chuẩn cao hơn và trở thành người học độc lập [13]. Karhu, Närhi và Savolainen (2018) cho thấy rằng với sự hỗ trợ của hệ thống hỗ trợ hành vi tích cực trong GDHN đã mang lại thành công trong việc làm giảm hành vi phá rối của học sinh rối loạn AD/HD [64]. Như vậy có thể thấy, GDHN không chỉ đảm bảo quyền của học sinh mà còn là hình thức giáo dục phù hợp và mang lại hiệu quả cho học sinh rối loạn AD/HD. Thực tế GDHN hiện nay cho thấy, các nhà trường đều đã đón nhận học sinh khuyết tật nói chung và học sinh rối loạn AD/HD nói riêng vào học hòa nhập, tuy nhiên việc đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho giáo viên (GV) GDHN để hỗ trợ tốt hơn cho học sinh rối loạn AD/HD còn rất ít.

Rối loạn AD/HD là một dạng rối loạn phát triển thường gặp ở trẻ em và có nhiều tác đọng đến quá trình phát triển của trẻ. Đây là rối loạn liên quan đến hành

vi. Các đặc điểm thường được nhắc đến nhất của học sinh rối loạn AD/HD là sự tăng động, thiếu chú ý (hoạt động quá mức và liên tục, chân tay bồn chồn, thường xuyên leo trèo, thời gian tập trung chú ý ngắn, dễ bị xao lãng, thường xuyên quên đồ dùng quan trọng,...), hấp tấp (thiếu suy nghĩ trước khi hành động, hoạt động không có kiểm soát) [7].

Rối loạn AD/HD chiếm khoảng 3-5% học sinh trong độ tuổi học đường (DSM-5, 2013) [39]. Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của Nguyễn Thị Vân Thanh và cộng sự (2007), tỉ lệ HS mắc rối loạn này là 3.01% [28]. Theo Barkley (2006), nhà nghiên cứu hàng đầu về rối loạn AD/HD, có khoảng 3-7% học sinh trong độ tuổi học đường ở Hoa Kỳ có những biểu hiện của rối loạn AD/HD, điều đó có nghĩa là mỗi lớp học có một hoặc hai em có rối loạn này [40]. Như vậy, có thể thấy số lượng học sinh rối loạn AD/HD chiếm tỉ lệ khá cao trong số học sinh cùng độ tuổi.


Trong lớp tiểu học hòa nhập, học sinh rối loạn AD/HD thường có một số hành vi như: Khó khăn trong tuân thủ nội quy quy định (cụ thể là nói hoặc trả lời tự do, luôn gây ồn ào, đi ra ngoài tự do…) (DSM- 5, 2013 [39], O’Regan, 2019 [73]); Thiếu chú ý trong học tập (cụ thể là: Không chú ý vào nhiệm vụ/bài tập, khó bắt đầu nhiệm vụ, khó duy trì chú ý vào nhiệm vụ,….) (Pierangelo và Giuliana, 2015; Rief, 2005; Nguyễn Trọng Trung, 2008) [77] [84] [32]; Yếu về kĩ năng tổ chức sắp xếp (cụ thể là để đồ dùng lộn xộn, thực hiện nhiệm vụ một cách lộn xộn, hay tẩy xóa…) (DSM- 5, 2013; Pierangelo và Giuliana, 2015) [39] [77]; Có hành vi chống đối (cụ thể là không làm theo yêu cầu của GV, dễ tức giận và mất bình tĩnh, hay thù hằn….) (Barkley, 2019) [42]; Có rối loạn trong hành vi giao tiếp ứng xử (cụ thể là không chủ động chào hỏi thầy cô; không biết kết bạn (Pierangelo và Giuliana, 2015 [77]); Không hợp tác với bạn trong học tập và vui chơi…. Những hành vi này gây cản trở rất lớn cho học sinh trong quá trình học tập tại lớp học hòa nhập. Do đó giáo dục hành vi cho học sinh rối loạn AD/HD học hòa nhập ở đầu cấp tiểu học là rất cần thiết.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là chương trình chung cho mọi học sinh, trong đó có học sinh rối loạn AD/HD. Trong đó, các nội dung được xây dựng dựa trên mô hình phát triển năng lực với những kiến thức cơ bản, thiết thực và phương pháp tích cực hóa hoạt động của học sinh tạo cơ hội rất tốt cho học sinh rối loạn AD/HD học hòa nhập ở đầu cấp tiểu học được phát huy năng lực bản thân [3]. Với những học sinh rối loạn AD/HD học hòa nhập ở đầu cấp tiểu học thì các vấn đề hành vi thể hiện càng rõ nét bởi vì các em vừa chuyển từ môi trường học tập ở mầm non (chơi là hoạt động chủ đạo) sang môi trường tiểu học (học là hoạt động chủ đạo). Ngoài ra, khi vào tiểu học, các em phải ngồi yên suốt giờ học và nghe giảng, tuân theo giờ giấc, tuân theo kỉ luật… Do đó để học sinh rối loạn AD/HD có thể đạt được các yêu cầu theo chương trình ở mức cơ bản thì cần thực hiện các biện pháp GDHV cho các em.

Hiện nay, có nhiều phương pháp can thiệp, trị liệu và giáo dục cho học sinh rối loạn AD/HD như: Trị liệu thuốc, trị liệu cảm giác vận động, trị liệu hành vi nhận thức, can thiệp dựa trên cha mẹ, can thiệp dựa trên trường học,... Việc nghiên cứu

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 233 trang tài liệu này.


và áp dụng các phương pháp này đã được tiến hành và đạt được những kết quả nhất định. Prasad và cộng sự (2012) cho thấy, trị liệu thuốc có thể làm tăng thời lượng duy trì nhiệm vụ và tăng độ chính xác khi làm bài tập của học sinh rối loạn AD/HD [79]. Gasstra và cộng sự (2016) đã chỉ ra rằng, những can thiệp lớp học có thể làm giảm hành vi không thực hiện nhiệm vụ và hành vi phá rối của học sinh rối loạn AD/HD [54]. Yusuf và cộng sự (2017) nhận định, việc sử dụng hợp đồng hành vi có thể làm giảm hành vi không thích ứng của học sinh rối loạn AD/HD [98]. Tại Việt Nam, Nguyễn Thị Hồng Nga (2004) đã ứng dụng một vài liệu pháp tâm lý trong trị liệu rối loạn AD/HD cho học sinh trung học cơ sở ở Thành phố Hà Nội [20]. Đỗ Thị Thảo và cộng sự (2021) đã đưa ra một số biện pháp can thiệp và GDHV cho học sinh rối loạn AD/HD như: điều chỉnh môi trường, nội dung, phương pháp dạy học, sử dụng phần thưởng… [31].

Giáo dục hành vi cho học sinh rối loạn tăng động giảm chú ý học hòa nhập ở đầu cấp tiểu học - 2

Như vậy có thể thấy, những nghiên cứu về áp dụng các phương pháp can thiệp và trị liệu hành vi cho học sinh rối loạn AD/HD trên thế giới và ở Việt Nam khá đa dạng. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nghiên cứu về rối loạn này mới chỉ dừng lại ở những khảo sát về mức độ phổ biến, những biểu hiện tâm lý lâm sàng hay bước đầu ứng dụng một số liệu pháp vào can thiệp học sinh rối loạn AD/HD. Trong lĩnh vực giáo dục, các nghiên cứu về rối loạn AD/HD còn khiêm tốn.

Từ những vấn đề lí luận và thực tiễn nêu trên, chúng tôi lựa chọn đề tài “Giáo dục hành vi cho học sinh rối loạn tăng động giảm chú ý học hòa nhập ở đầu cấp tiểu học” để nghiên cứu.

2. Mục đích nghiên cứu

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu lý luận về rối loạn AD/HD, hành vi, hành vi của học sinh rối loạn AD/HD, GDHV; thực trạng về hành vi và GDHV cho học sinh rối loạn AD/HD, luận án xây dựng các biện pháp GDHV cho học sinh rối loạn AD/HD học hòa nhập ở đầu cấp tiểu học, từ đó giúp hình thành hành vi phù hợp, ngăn ngừa và giảm thiểu các hành vi không phù hợp (HVKPH) của học sinh trong việc tham gia học tập và các hoạt động giáo dục ở nhà trường.


3. Khách thể và đối tượng nghiên cứu

3.1. Khách thể nghiên cứu

Quá trình GDHV cho học sinh rối loạn AD/HD học hòa nhập ở đầu cấp tiểu học.

3.2. Đối tượng nghiên cứu

Biện pháp GDHV cho học sinh rối loạn AD/HD học hòa nhập ở đầu cấp tiểu học.

4. Giả thuyết khoa học

Học sinh rối loạn AD/HD đầu cấp tiểu học có nhiều hành vi gây cản trở cho việc học tập hòa nhập. Điều này do các nguyên nhân chủ quan như đặc điểm hệ thần kinh của học sinh và nguyên nhân khách quan như môi trường học tập chưa đáp ứng được nhu cầu của học sinh, thiếu những điều chỉnh về chương trình học, thiếu sự hỗ trợ cá biệt… Nếu có hệ thống biện pháp GDHV phù hợp, trong đó đặc biệt chú trọng đến các biện pháp điều chỉnh môi trường, chương trình học, tăng cường hỗ trợ cá biệt… cho học sinh trong lớp hòa nhập sẽ giúp các em cải thiện được khả năng tập trung chú ý vào bài học, hiểu và thực hiện tốt nội quy quy định trường lớp, giao tiếp và tương tác với thầy cô bạn bè, hoàn thành nhiệm vụ học tập, góp phần nâng cao kết quả giáo dục học sinh rối loạn AD/HD học hòa nhập ở đầu cấp tiểu học.

5. Nhiệm vụ nghiên cứu

5.1. Nghiên cứu cơ sở lí luận về rối loạn AD/HD, hành vi, hành vi của học sinh rối loạn AD/HD, GDHV cho học sinh AD/HD học hòa nhập ở đầu cấp tiểu học, các yếu tố ảnh hưởng đến GDHV cho học sinh rối loạn AD/HD học hòa nhập ở đầu cấp tiểu học.

5.2. Đánh giá thực trạng hành vi của học sinh rối loạn AD/HD và thực trạng GDHV cho học sinh rối loạn AD/HD học hòa nhập ở đầu cấp tiểu học tại địa bàn nghiên cứu.

5.3. Đề xuất và thực nghiệm các biện pháp GDHV cho học sinh rối loạn AD/HD học hòa nhập ở đầu cấp tiểu học nhằm khẳng định tính khoa học, cần thiết và tính khả thi của các biện pháp đề xuất.


6. Giới hạn phạm vi nghiên cứu

6.1. Về nội dung nghiên cứu

Luận án tập trung giáo dục tất cả các hành thường xảy ra trong môi trường lớp học và tại gia đình của học sinh rối loạn AD/HD học hòa nhập ở đầu cấp tiểu học.

6.2. Địa bàn nghiên cứu và khách thể khảo sát

Địa bàn nghiên cứu:

- Luận án được thực hiện ở một số trường tiểu học có học sinh rối loạn AD/HD học hòa nhập tại thành phố Hà Nội và Thành phố Bắc Giang.

- Tổ chức thực nghiệm tại một trường tiểu học hòa nhập công lập tại Thành phố Bắc Giang.

Khách thể khảo sát:

+ 47 học sinh rối loạn AD/HD: Luận án khảo sát hành vi của 47 học sinh rối loạn AD/HD mức độ trung bình và cao đang học hòa nhập ở đầu cấp tiểu học ở các khối 1,2 và 3. Chúng tôi lựa chọn học sinh đầu cấp tiểu học vì các em vừa chuyển từ cấp mầm non lên, chuyển hoạt động chủ đạo từ chơi sang học tập. Các em cần phải ngồi yên suốt giờ học và nghe giảng, tập trung cao độ hơn, phải tuân theo các quy tắc lớp học, không được nói chuyện… nên các em thường thể hiện nhiều hành

vi. Những học sinh này được đánh giá chẩn đoán với công cụ ADHDT2, được thực hiện bởi tác giả luận án và GV đã được bồi dưỡng, hướng dẫn.

+ 144 GV đã và đang dạy học sinh rối loạn AD/HD học hòa nhập ở đầu cấp tiểu học.

+ 140 cha mẹ học sinh AD/HD đang học hòa nhập ở các trường tiểu học.

+ Khách thể thực nghiệm: 03 học sinh rối loạn AD/HD học hòa nhập tại một trường tiểu học tại Thành phố Bắc Giang. Chúng tôi lựa chọn học sinh thực nghiệm tại Bắc Giang vì tình hình dịch Covid-19 tại đây khá ổn định. Trong quá trình thực nghiệm, học sinh đi học trực tiếp phần lớn thời gian.


7. Các cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu

7.1. Cách tiếp cận

Luận án dựa trên các quan điểm tiếp cận sau đây:

- Tiếp cận hành vi: Quá trình tìm hiểu hành vi của học sinh rối loạn AD/HD được thực hiện qua việc quan sát, ghi chép và làm trắc nghiệm nhằm thu thập đầy đủ nhất thông tin liên quan đến hành vi của học sinh. Từ đó có thể đưa ra các biện pháp GDHV phù hợp với từng hành vi cụ thể của học sinh.

- Tiếp cận hoạt động: Hành vi của học sinh rối loạn AD/HD sẽ được thể hiện trong hoạt động và qua hoạt động. Do đó việc xem xét các vấn đề hành vi của học sinh rối loạn AD/HD cũng như thực hiện các biện pháp GDHV cho học sinh rối loạn AD/HD cần được thực hiện thông qua các hoạt động học tập, vui chơi ở trường lớp và tại gia đình của học sinh.

- Tiếp cận hòa nhập: Mọi học sinh, kể cả học sinh rối loạn AD/HD đều phải được đối xử bình đẳng, được cung cấp những hỗ trợ phù hợp nhất với khả năng và nhu cầu để phát triển tối đa khả năng bản thân của mỗi em. Nghiên cứu GDHV cho học sinh rối loạn AD/HD học hòa nhập ở đầu cấp tiểu học không chỉ xem xét đáp ứng nhu cầu của học sinh rối loạn AD/HD mà cần xem xét đến khả năng, nhu cầu của tất cả học sinh trong lớp, đảm bảo đáp ứng nhu cầu phát triển của mọi học sinh trong môi trường hòa nhập.

- Tiếp cận cá nhân (cá biệt hóa): Mỗi học sinh AD/HD có đặc điểm riêng về khả năng, nhu cầu, hoàn cảnh sống, tốc độ phát triển, mức độ trưởng thành, vốn kinh nghiệm,... Vì vậy, việc đề xuất và áp dụng các biện pháp GDHV cần dựa trên đánh giá khả năng, nhu cầu và đặc điểm phát triển cá nhân của từng học sinh. Lập kế hoạch GDHV cho từng học sinh AD/HD học hòa nhập là tiền đề để đảm bảo cách tiếp cận cá nhân hóa trong giáo dục hòa nhập học sinh AD/HD.

- Tiếp cận phát triển: Xem xét hành vi và các lĩnh vực khác của học sinh rối loạn AD/HD luôn trong sự phát triển không ngừng, đồng thời, GDHV học sinh rối loạn AD/HD như một chu trình gồm nhiều bước gồm: lập kế hoạch, hành động, đánh giá kết quả và đề ra biện pháp cải tiến nhằm nâng cao hơn nữa kết quả GDHV học sinh AD/HD. Chu trình này liên tục được điều chỉnh, cải tiến phù hợp với đối tượng và điều


kiện thực tiễn để tạo ra một vòng tròn xoáy ốc làm cho kết quả GDHV học sinh rối loạn AD/HD ngày một cao hơn.

7.2. Phương pháp nghiên cứu

7.2.1. Nhóm phương pháp nghiên cứu lí luận

Phân tích, tổng hợp, khái quát hoá, cụ thể hoá các tài liệu, công trình nghiên cứu trong và ngoài nước liên quan đến GDHV cho học sinh rối loạn AD/HD để xây dựng cơ sở lí luận của đề tài.

7.2.2. Nhóm phương pháp nghiên cứu thực tiễn

a. Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi

Xây dựng phiếu hỏi cho GV đang dạy học học sinh rối loạn AD/HD trong các trường tiểu học hòa nhập và cha mẹ học sinh để khảo sát ý kiến của GV và cha mẹ về hành vi của học sinh rối loạn AD/HD và GDHV cho học sinh rối loạn AD/HD học hòa nhập ở tiểu học.

b. Phương pháp phỏng vấn

Xây dựng bảng phỏng vấn và tiến hành phỏng vấn sâu một số GV dạy học cho học sinh rối loạn AD/HD học hòa nhập ở đầu cấp tiểu học để thu thập thông tin về biểu hiện hành vi của học sinh rối loạn AD/HD và quá trình GDHV học sinh rối loạn AD/HD học hòa nhập ở đầu cấp tiểu học; bổ sung và khẳng định thêm thông tin cho kết quả định lượng.

c. Phương pháp quan sát

+ Xây dựng phiếu quan sát biểu hiện hành vi của học sinh rối loạn AD/HD trong các giờ học, giờ chơi, giờ hoạt động tập thể.

+ Xây dựng phiếu quan sát việc tổ chức hoạt động giáo dục và dạy học của GV để tìm hiểu các biện pháp GDHV học sinh rối loạn AD/HD GV đang sử dụng.

d. Phương pháp trắc nghiệm

+ Sử dụng thang chẩn đoán ADHDT2 để xác định dạng và mức độ rối loạn AD/HD của học sinh.

+ Sử dụng thang đo trí tuệ WISC- IV để đánh giá năng lực trí tuệ của 03 học sinh rối loạn AD/HD trong thực nghiệm sư phạm.


+ Sử dụng thang đánh giá hành vi của học sinh rối loạn AD/HD trong lớp học dành cho GV để xác định các hành vi cụ thể của học sinh trong lớp tiểu học hòa nhập.

e. Phương pháp nghiên cứu trường hợp (case study)

Nghiên cứu sâu 03 trường hợp học sinh rối loạn AD/HD học hòa nhập ở đầu cấp tiểu học (lớp 2, 3) để áp dụng một số biện pháp GDHV đã xây dựng.

g. Phương pháp thực nghiệm sư phạm

Áp dụng các biện pháp GDHV trên 03 trường hợp học sinh rối loạn AD/HD học hòa nhập ở đầu cấp tiểu học trong một năm học nhằm kiểm chứng giả thuyết khoa học, tính khả thi và hiệu quả của biện pháp GDHV đã xây dựng.

7.2.3. Phương pháp xử lí số liệu bằng thống kê toán học

Sử dụng phương pháp thống kê toán học và phần mềm xử lí số liệu SPSS nhằm thu thập và xử lí các dữ khảo sát và thực nghiệm để rút ra những nhận xét và kết luận khoa học về các nội dung nghiên cứu.

8. Đóng góp mới của luận án

8.1. Về lí luận

- Đề tài luận án góp phần làm phong phú lí luận về rối loạn AD/HD, hành vi của học sinh rối loạn AD/HD học hòa nhập ở đầu cấp tiểu học.

- Hệ thống cơ sở lí luận về GDHV cho học sinh rối loạn AD/HD học hòa nhập ở đầu cấp tiểu học như mục tiêu, nội dung, phương pháp, biện pháp, hình thức và cách đánh giá kết quả GDHV.

- Hệ thống biện pháp GDHV cho học sinh rối loạn AD/HD học hòa nhập ở đầu cấp tiểu học dựa trên đặc điểm hành vi của học sinh, môi trường lớp học và các điều kiện liên quan khác.

8.2. Về thực tiễn

- Phân tích, làm rõ ưu điểm, hạn chế và các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả GDHV cho học sinh rối loạn AD/HD học hòa nhập ở đầu cấp tiểu học, góp phần nâng cao kết quả GDHV cho học sinh.

- Bộ công cụ đánh giá hành vi của học sinh rối loạn AD/HD học hòa nhập ở đầu cấp tiểu học.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 09/11/2024