Mục Tiêu Hoạt Động Trải Nghiệm Sáng Tạo Của Học Sinh Ở Trường Thcs

1.2.3. Mục tiêu hoạt động trải nghiệm sáng tạo của học sinh ở trường THCS

Mục tiêu giáo dục chung của hoạt động trải nghiệm sáng tạo là giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực thích ứng với những biến động trong cuộc sống và các kỹ năng sống khác, năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động, năng lực định hướng nghề nghiệp thông qua các chủ đề hoạt động gắn với những nội dung cụ thể về bản thân, quê hương, đất nước, con người. Hoạt động trải nghiệm giúp học sinh có cơ hội khám phá bản thân và thế giới xung quanh, phát triển đời sống tâm hồn phong phú, biết rung cảm trước cái đẹp của thiên nhiên và tình người, có quan niệm sống và ứng xử nhân văn; bồi dưỡng cho học sinh tình yêu đối với quê hương, đất nước, ý thức về cội nguồn và bản sắc của dân tộc để góp phần giữ gìn, phát triển các giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam.

Hoạt động trải nghiệm tạo cơ hội cho học sinh huy động tổng hợp kiến thức, kỹ năng của các môn học và lĩnh vực giáo dục khác nhau để trải nghiệm thực tiễn gia đình, nhà trường, xã hội; tham gia các hoạt động phục vụ cộng đồng và hoạt động giáo dục hướng nghiệp dưới sự hướng dẫn, tổ chức của nhà giáo dục, qua đó hình thành những phẩm chất chủ yếu (yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm) và năng lực (năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo).

Các phẩm chất và năng lực chung được hình thành và phát triển trong Hoạt động trải nghiệm thông qua việc hình thành các năng lực đặc thù như: năng lực thích ứng với cuộc sống; năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động; năng lực định hướng nghề nghiệp.

Mục tiêu hoạt động trải nghiệm sáng tạo ở trung học cơ sở là giúp học sinh tiếp tục củng cố và phát triển các kĩ năng sống cơ bản, thói quen tích cực, nền nếp học tập, hành vi ứng xử văn hoá ở tiểu học.

Ở trung học cơ sở, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp tập trung hơn vào phát triển phẩm chất trách nhiệm của cá nhân: trách nhiệm trong học tập, trách nhiệm với gia đình, cộng đồng; giúp học sinh hình thành năng lực tự đánh giá và tự điều chỉnh, năng lực giải quyết vấn đề; hình thành các giá trị của cá nhân; tham gia tích cực các hoạt động lao động; tham gia phục vụ cộng đồng phù hợp với lứa tuổi; biết tổ chức công việc một cách khoa học; có hứng thú, hiểu biết về một số lĩnh vực nghề nghiệp, xây dựng được kế hoạch học tập hướng nghiệp và có ý thức rèn luyện những phẩm chất cần có của người lao động tương lai.

Từ mục tiêu của hoạt động trải nghiệm sáng tạo giáo dục THCS cần đạt được các yêu cầu sau:

* Về phẩm chất

a) Biết rung cảm với cảnh quan, di tích, truyền thống, thể hiện sự trân trọng, tự hào về truyền thống tốt đẹp của địa phương, đất nước;

b) Nhận ra được ý nghĩa và giá trị của bản thân và những người xung quanh, quan tâm chăm sóc sức khoẻ thể chất và tinh thần cho bản thân và những người xung quanh; có hành vi văn hoá trong ứng xử với bản thân và mọi người;

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 114 trang tài liệu này.

c) Thể hiện trách nhiệm trong học tập, rèn luyện của bản thân và các công việc được giao; trách nhiệm với gia đình, trách nhiệm với cộng đồng và môi trường.

d) Trung thực với bản thân, người khác và trong công việc;

Quản lí hoạt động trải nghiệm sáng tạo của học sinh ở các trường THCS huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông - 4

e) Chăm chỉ, tự giác trong học tập lao động và rèn luyện.

* Về năng lực

a) Năng lực thích ứng với cuộc sống

b) Năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động

c) Năng lực định hướng nghề nghiệp

1.2.4. Nội dung hoạt động trải nghiệm sáng tạo của học sinh ở trường THCS

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, nội dung Hoạt động trải nghiệm được phân chia theo hai giai đoạn.

- Giai đoạn giáo dục cơ bản

Đối với bậc tiểu học, nội dung hoạt động tập trung nhiều hơn vào các hoạt động phát triển bản thân, các kỹ năng sống, kỹ năng quan hệ với bạn bè, thầy cô và những người thân trong gia đình. Bên cạnh đó, các hoạt động lao động, hoạt động xã hội và làm quen với một số nghề gần gũi với học sinh cũng được tổ chức thực hiện.

Đối với bậc trung học cơ sở, chương trình tập trung nhiều hơn vào các hoạt động xã hội, hoạt động phục vụ cộng đồng và bắt đầu đẩy mạnh các hoạt động hướng nghiệp. Tuy nhiên hoạt động phát triển cá nhân, hoạt động lao động vẫn được tiếp tục triển khai để phát triển các phẩm chất và kỹ năng sống của học sinh.

- Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp

Chương trình Hoạt động trải nghiệm phải tiếp tục phát triển những năng lực và phẩm chất đã hình thành từ giai đoạn giáo dục cơ bản thông qua hoạt động phát triển cá nhân, hoạt động lao động, hoạt động xã hội và phục vụ cộng đồng, nhưng tập trung cao hơn vào việc phát triển năng lực định hướng nghề nghiệp. Thông qua các chủ đề sinh hoạt tập thể, hoạt động lao động sản xuất, câu lạc bộ hướng nghiệp và các hoạt động định hướng nghề nghiệp khác, học sinh được đánh giá và tự đánh giá về năng

lực, sở trường, hứng thú liên quan đến nghề nghiệp; được rèn luyện phẩm chất và năng lực để thích ứng với nghề nghiệp mai sau.

Nội dung cơ bản của chương trình Hoạt động trải nghiệm xoay quanh các mối quan hệ giữa cá nhân học sinh với bản thân; giữa học sinh với người khác, cộng đồng và xã hội; giữa học sinh với môi trường; giữa học sinh với nghề nghiệp.

Chương trình hoạt động trải nghiệm mang tính linh hoạt, mềm dẻo. Các cơ sở giáo dục có thể căn cứ vào bốn nội dung hoạt động chính là: Hoạt động phát triển cá nhân; Hoạt động lao động; Hoạt động xã hội và phục vụ cộng đồng; Hoạt động hướng nghiệp. Bốn nhóm nội dung hoạt động này được thực hiện thông qua bốn loại hình hoạt động chủ yếu: Sinh hoạt dưới cờ, Sinh hoạt lớp, Hoạt động giáo dục theo chủ đề và Hoạt động câu lạc bộ. Một số nội dung sinh hoạt Sao Nhi đồng, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam được tích hợp trong nội dung các hoạt động trên.

1.2.5. Hình thức hoạt động trải nghiệm sáng tạo của học sinh ở trường THCS

HĐTNST được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau như hoạt động câu lạc bộ, tổ chức trò chơi, diễn đàn, sân khấu tương tác, tham quan dã ngoại, các hội thi, hoạt động giao lưu, hoạt động nhân đạo, hoạt động tình nguyện, hoạt động cộng đồng, sinh hoạt tập thể, lao động công ích, sân khấu hóa (kịch, thơ, hát, múa rối, tiểu phẩm, kịch tham gia,…), thể dục thể thao, tổ chức các ngày hội,… Mỗi hình thức hoạt động trên đều mang ý nghĩa giáo dục nhất định. Dưới đây là một số hình thức tổ chức của HĐTNST trong nhà trường phổ thông:

- Hình thức có tính khám phá (Thực địa-thực tế, Tham quan, Cắm trại, Trò chơi,...);

- Hình thức có tính thể nghiệm, tương tác (Diễn đàn, Giao lưu, Hội thảo/hội thi, Sân khấu hoá,...);

- Hình thức có tính cống hiến (Thực hành lao động; Hoạt động tình nguyện, vì cộng đồng...);

- Hình thức có tính nghiên cứu, phân hoá (Dự án và nghiên cứu khoa học, Hoạt động theo nhóm sở thích).

1.2.6. Đánh giá hoạt động trải nghiệm sáng tạo của học sinh ở trường THCS

Đánh giá kết quả giáo dục trong Hoạt động trải nghiệm là đánh giá mức độ đạt được của học sinh so với các yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực đặt ra cho mỗi giai đoạn học tập, nhằm xác định vị trí và ghi nhận sự tiến bộ của mỗi học sinh trong quá trình phát triển của bản thân, khuyến khích và định hướng cho học sinh tiếp tục rèn luyện để hoàn thiện.

Đánh giá kết quả Hoạt động trải nghiệm của học sinh cần phải dựa trên các yêu cầu cần đạt mà chương trình Hoạt động trải nghiệm đã xác định theo từng lớp để thu thập những thông tin từ các nguồn khác nhau: quan sát học sinh trong quá trình hoạt động; sản phẩm hoạt động của học sinh, đặc biệt là sản phẩm thực hành và ứng dụng; kết quả tự đánh giá của học sinh, đánh giá của nhóm học sinh và đánh giá của các lực lượng giáo dục khác.

Kết quả đánh giá sẽ là cơ sở quan trọng để giáo viên điều chỉnh các hoạt động cho phù hợp, đặc biệt, đánh giá cần phải tạo ra động lực thúc đẩy sự nỗ lực rèn luyện, phấn đấu, tự hoàn thiện của mỗi học sinh.

Cùng với kết quả học tập các môn học, kết quả đánh giá Hoạt động trải nghiệm được ghi vào hồ sơ học tập của học sinh (tương đương như một môn học).

* Nội dung đánh giá

Nội dung đánh giá kết quả giáo dục trong Hoạt động trải nghiệm bao gồm:

- Đánh giá mức độ nhận thức về các vấn đề đã được đề cập trong các chủ đề hoạt động.

- Đánh giá về động cơ, tinh thần, thái độ, ý thức trách nhiệm, tính tích cực,... của học sinh khi tham gia hoạt động.

- Đánh giá về các kĩ năng của học sinh trong việc thực hiện các hoạt động.

- Đánh giá về đóng góp của học sinh vào thành tích chung của tập thể và việc thực hiện có kết quả hoạt động chung của tập thể.

- Đánh giá về số giờ tham gia các hoạt động.

* Phương pháp đánh giá

a) Đánh giá kết quả giáo dục cần dựa trên cả hai loại thông tin định tính và định lượng.

Thông tin định tính là những thông tin thu thập được từ quan sát của giáo viên và từ các nguồn khác (ý kiến tự đánh giá của học sinh, đánh giá đồng đẳng của các học sinh trong lớp, ý kiến nhận xét của phụ huynh học sinh và cộng đồng),

Thông tin định lượng là những thông tin về số giờ (số lần) tham gia hoạt động trải nghiệm (hoạt động tập thể, hoạt động trải nghiệm thường xuyên, hoạt động xã hội và phục vụ cộng đồng, hoạt động hướng nghiệp, hoạt động lao động,...); số lượng các sản phẩm hoàn thành và được lưu trong hồ sơ hoạt động.

b) Các hình thức đánh giá

- Tự đánh giá là hoạt động đánh giá bản thân do mỗi học sinh thực hiện. Tự đánh giá tạo cơ hội để mỗi học sinh tự xem xét và điều chỉnh nhận thức, hành vi của mình, đồng thời cung cấp thông tin phản hồi có ý nghĩa cho giáo viên về quan niệm

giá trị, nhu cầu rèn luyện và cách thức rèn luyện mong muốn của học sinh. Khi học sinh trở thành người tự giám sát độc lập, giáo viên cần đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng quan hệ bình đẳng, hợp tác với học sinh để vừa có thể đồng hành cùng các em vừa có định hướng đánh giá sâu sắc hơn.

- Đánh giá đồng đẳng là hoạt động đánh giá giữa các học sinh nhằm cung cấp thông tin phản hồi để cùng học hỏi và hỗ trợ nhau. Đánh giá đồng đẳng tạo cơ hội cho học sinh phát triển tinh thần hợp tác, tư duy phản biện và khả năng thuyết phục người khác. Từ đánh giá đồng đẳng, giáo viên cũng thu nhận được thông tin về quan niệm giá trị, nhu cầu rèn luyện và cách thức rèn luyện mong muốn của học sinh.

- Đánh giá của cha mẹ học sinh và cộng đồng là ý kiến nhận xét của cha mẹ học sinh và của những người có mối quan hệ nhất định với học sinh (thôn bản, tổ dân phố, nơi học sinh tham gia các hoạt động,...) về ý thức, thái độ của học sinh trong cuộc sống hằng ngày và trong việc tham gia các hoạt động trải nghiệm. Đánh giá của cha mẹ học sinh và cộng đồng giúp học sinh và giáo viên có thông tin đầy đủ, toàn diện hơn về sự phát triển của học sinh trong quá trình rèn luyện. Giáo viên chủ động lập kế hoạch lấy ý kiến cha mẹ học sinh và cộng đồng bằng hình thức phù hợp (lấy ý kiến thường xuyên hoặc định kì; qua trao đổi trực tiếp hoặc qua phiếu nhận xét). Khi lấy ý kiến đánh giá của phụ huynh học sinh và cộng đồng, cần tập trung vào mục tiêu giáo dục, làm rõ những gì học sinh đã thực hiện tốt, những gì cần cải thiện và phản hồi, gợi ý cho học sinh về hướng tiếp tục rèn luyện để đáp ứng mục tiêu giáo dục.

- Đánh giá của giáo viên là sự thu thập, xử lí các thông tin về quá trình học sinh thực hiện các nhiệm vụ của hoạt động (qua bài kiểm tra vấn đáp hoặc tự luận, bài tập thực hành, bài tiểu luận, bài thuyết trình, bài tập nghiên cứu, dự án nghiên cứu,...) và về thái độ, hành vi ứng xử của học sinh trong quá trình tham gia các hoạt động được tổ chức trên lớp học, hoạt động nhóm, tập thể hay cộng đồng, cũng như trong sinh hoạt và giao tiếp hằng ngày. Giáo viên chủ nhiệm cần trao đổi với các giáo viên khác có liên quan đến học sinh để thống nhất đánh giá về học sinh.

* Tổng hợp kết quả đánh giá

Giáo viên chủ nhiệm chịu trách nhiệm tổng hợp kết quả đánh giá từ những đánh giá của giáo viên, tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng của học sinh, đánh giá của phụ huynh học sinh và đánh giá của cộng đồng.

1.3. Quản lý hoạt động trải nghiệm sáng tạo của học sinh ở trường THCS

Tổ chức hoạt động giáo dục trong đó có HĐTNST là hoạt động quan trọng, cần thiết nhằm nâng cao chất lượng giáo dục chung của nhà trường. Để có thể quản lý tốt hoạt động này thì hiệu trưởng phải thực hiện tốt các công việc sau:

1.3.1. Lập kế hoạch hoạt động trải nghiệm sáng tạo

Kế hoạch là sự thống kê các công việc cụ thể cho một thời gian nhất định: một tuần, một tháng, một học kỳ, một năm học, dịp hè. Việc lập kế hoạch quản lý HĐTNST là khâu quan trọng nhất, được thực hiện trước tiên cho công tác quản lý. Khi lập kế hoạch, hiệu trưởng cần phải nắm chắc kế hoạch của cấp trên, dựa vào các chỉ thị nhiệm vụ năm học, văn bản hướng dẫn, khung chương trình... và căn cứ vào tình hình thực tế của nhà trường. Trong kế hoạch phải thể hiện rõ mục tiêu, thời gian thực hiện, người phụ trách, lực lượng tham gia, địa điểm, các điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện kế hoạch.

Kế hoạch HĐTNST là trình tự những nội dung hoạt động, các hình thức tổ chức hoạt động được bố trí sắp xếp theo thứ tự thời gian của năm học. Trong kế hoạch cần chọn lọc các hoạt động phù hợp, xác định chủ điểm cho từng thời gian. Phải có kế hoạch và lịch hoạt động cho toàn trường và từng khối lớp, cho từng thời điểm, tiến tới ổn định thành nề nếp thường xuyên, liên tục. Hiệu trưởng phải lập kế hoạch xác định rõ các mục tiêu cần đạt tới, lựa chọn các biện pháp thích hợp cho từng hoạt động, từng chủ đề, lập chương trình hoạt động.

Lập kế hoạch chính là sự sắp xếp một cách hợp lí, khoa học những công việc nào đó cần phải thực hiện trong một thời gian nhất định với những con người và vật chất cụ thể kèm theo. Lập kế hoạch tổ chức HĐTNST phải nắm chắc ba vấn đề quan trọng, đó là: làm cái gì? làm như thế nào? ai làm?

Để giải quyết vấn đề “Làm cái gì”, hiệu trưởng nhà trường phải có những định hướng ngay từ đầu năm học. Cần lựa chọn HĐTNST sao cho phù hợp với độ tuổi và nhận thức của các em.

“Làm như thế nào?”- điều đó phụ thuộc năng lực quản lí điều hành của hiệu trưởng, năng lực thực hiện nhiệm vụ của cán bộ Đoàn, Đội, của GVCN; phụ thuộc điều kiện cơ sở vật chất; sự tham gia của các lực lượng. Điều này tác động đến vấn đề “làm cái gì?”, chính vì vậy trong quá trình xây dựng kế hoạch cần phải tính toán đến khả năng có thực hiện được các nội dung xây dựng trong kế hoạch hay không.

Lập kế hoạch HĐTNST không phải chỉ là công việc riêng của hiệu trưởng mà phải của cả GVCN và Tổng phụ trách Đội. Căn cứ kế hoạch chỉ đạo chung của nhà trường, TPT Đội, GVCN phải xây dựng kế hoạch thực hiện cho Liên đội, cho riêng lớp của mình chủ nhiệm. Như vậy kế hoạch của nhà trường vừa mang tính định hướng, vừa có hướng mở, vừa có hướng đóng. “Mở” là nhằm tạo điều kiện cho các lớp xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với đặc điểm, điều kiện của lớp mình.

“đóng” là những hoạt động mang tính bắt buộc, phụ thuộc chương trình giáo dục nói chung hoặc hoạt động mang tính chất chung toàn trường.

Lập kế hoạch là một chức năng cơ bản của quản lý, trong đó phải xác định những vấn đề như nhận định và phân tích tình hình, bối cảnh; dự báo các khả năng; lựa chọn và xác định các mục tiêu, mục đích và hoạch định con đường, cách thức biện pháp để đạt được mục tiêu, mục đích của quá trình. Trong mỗi kế hoạch thường bao gồm các nội dung như xác định hình thành mục tiêu, xác định và đảm bảo về các điều kiện, nguồn lực của tổ chức để đạt được mục tiêu và cuối cùng là quyết định xem hoạt động nào là cần thiết để đạt được mục tiêu đặt ra.

Lập kế hoạch quản lý hoạt động TNST cho học sinh, người Hiệu trưởng trường học cần thực hiện các nội dung sau:

- Xây dựng kế hoạch HĐTNST chung cho toàn trường.

- Xây dựng kế hoạch HĐTNST cho từng khối lớp.

- Xây dựng kế hoạch HĐTNST gắn với nội dung học tập các môn văn hóa ngoài giờ lên lớp.

- Xây dựng kế hoạch gắn với rèn luyện đạo đức, lối sống.

- Hướng dẫn giáo viên xây dựng kế hoạch hoạt động cho từng đơn vị lớp.

* Kế hoạch hoạt động TNST cần xác định rõ:

- Tên hoạt động của từng chủ đề hay từng môn học hoặc tích hợp các môn học: lựa chọn tên mang ý nghĩa và thu hút được sự quan tâm của các đối tượng tham gia; phù hợp với nhiệm vụ của năm học và tâm lý lứa tuổi học sinh.

- Mục tiêu của hoạt động: phải rõ ràng, phù hợp với mục tiêu của giáo dục, kiến thức, nhận thức, khả năng, năng lực của học sinh,...

- Nội dung của HĐTNST: phù hợp và có mối quan hệ với hoạt động dạy học, rèn luyện đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh.

- Năng lực của giáo viên, học sinh khi triển khai thực hiện.

- Các lực lượng tham gia: CBGV, học sinh trong trường có thể mời thêm các chuyên gia, cha mẹ học sinh, địa phương, các tổ chức có liên quan.

- Nguồn lực tham gia: Nhân lực, cơ sở vật chất, tài chính cần sử dụng, sự phối kết hợp với các tổ chức trong và ngoài nhà trường.

- Thời gian thực hiện: Ngày, tuần, tháng, học kỳ

- Kết quả cần đạt được: Sự mở rộng về nhận thức, sự phát triển về kỹ năng hành vi ở học sinh.

- Các tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động trải nghiệm.

1.3.2. Tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động trải nghiệm sáng tạo

Tổ chức thực hiện kế hoạch là sự xếp đặt những hoạt động, những con người một cách khoa học, hợp lý, phối hợp các bộ phận để tạo ra tác động tích hợp. Hiệu trưởng phải thông báo kế hoạch, chương trình hành động đến các thành viên trong nhà trường sao cho mỗi thành viên hiểu và thực hiện đúng kế hoạch, phải quy định đúng chức năng, quyền hạn cho từng thành viên và phải tính đến năng lực, hiệu quả cho từng hoạt động, xác lập cơ chế phối hợp giữa các bộ phận và các thành viên liên quan.

Tổ chức thực hiện kế hoạch HĐTNST cho học sinh THCS có liên quan mật thiết đến việc tổ chức hoạt động học tập văn hoá, rèn luyện đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh trong nhà trường.

Quá trình tổ chức thực hiện kế hoạch gồm:

- Hiệu trưởng thành lập Ban chỉ đạo tổ chức HĐTNST do hiệu trưởng làm trưởng ban, và đại diện của các tổ chức đoàn thể và đại diện giáo viên ở các khối lớp, các bộ môn, các tổ chức trong và ngoài nhà trường có liên quan.

Ban chỉ đạo HĐTNST có nhiệm vụ giúp hiệu trưởng: Xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm và chỉ đạo thực hiện chương trình, kế hoạch đó; tổ chức những hoạt động lớn, quy mô trường và thực hiện sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể và các lực lượng giáo dục khác ngoài nhà trường; tổ chức hướng dẫn GVCN tiến hành hoạt động ở lớp mình có hiệu quả; giúp hiệu trưởng kiểm tra, đánh giá các hoạt động; phối hợp các lực lượng trong và ngoài nhà trường: Toàn thể cán bộ giáo viên nhà trường đều phải có trách nhiệm thực hiện HĐTNST. Các giáo viên chủ nhiệm cần biết rõ kế hoạch để phối hợp và tham gia quản lý. Ngoài ra, nhà trường cần tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức quần chúng vào các hoạt động trên của HS.

- Giải thích mục tiêu, yêu cầu, của kế hoạch HĐTNST. Thảo luận biện pháp thực hiện kế hoạch.

- Tổ chức các lực lượng, sắp xếp bố trí nhân sự, phân công trách nhiệm quản lý.

Khi sắp xếp bố trí nhân sự, hiệu trưởng phải biết được phẩm chất và năng lực của từng người, mặt mạnh, mặt yếu, nếu cần có thể phân công theo từng “ê kíp” để công việc được tiến hành một cách thuận lợi và có hiệu quả.

- Tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên thực hiện nhiệm vụ. Chuẩn bị tốt các nguồn lực: Cơ sở vật chất, tài chính phục vụ cho thực hiện kế hoạch.

Nhiệm vụ tổ chức thực hiện các HĐTNST trong trường THCS là trách nhiệm của mỗi cán bộ giáo viên, nhân viên trong nhà trường, song đặc biệt là đội ngũ GVBM, GVCN và cán bộ Đoàn-Đội.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 18/05/2022