Mục Tiêu Phát Triển Du Lịch Bền Vững Tỉnh Thanh Hóa Đến Năm 2025, Tầm Nhìn Đến Năm 2030


3.1.2. Mục tiêu phát triển du lịch bền vững tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030

Phấn đấu đến năm 2030, Thanh Hóa trở thành một trong các trung tâm PTDL của khu vực Bắc Trung bộ và cả nước, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống CSHT tương đối đồng bộ, hiện đại; SPDL có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

* Mục tiêu kinh tế

Về khách du lịch: Đến năm 2025 thu hút 350 nghìn lượt khách quốc tế (tốc độ tăng trung bình 10,0%/năm), phục vụ 12,5 triệu lượt khách nội địa (tốc độ tăng trung bình 7,5%/năm). Năm 2030 thu hút 500 nghìn lượt khách quốc tế (tốc độ tăng trung bình 7,4%/năm) và 16,0 triệu lượt khách nội địa (tốc độ tăng trung bình 5,1%/năm).

Về tổng thu từ khách du lịch: Mục tiêu tổng thu từ khách du lịch đến năm 2025 đạt 31.800 tỷ đồng (tốc độ tăng trung bình 15,7%/năm). Phấn đấu năm 2030 đạt 64.600 tỷ đồng (tốc độ tăng trung bình 15,0%/năm).

Giá trị GDP du lịch: Năm 2025, GDP du lịch đạt 30.120 tỷ đồng (tốc độ tăng trung bình 15,0%/năm) bằng 8,7% giá trị GDP toàn tỉnh. Năm 2030, GDP du lịch đạt

57.000 tỷ đồng (tốc độ tăng trung bình 14,5%/năm) bằng 9,4% giá trị GDP toàn tỉnh.

Tăng cường năng lực cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch để đáp ứng nhu cầu phát triển. Số lượng CSLT cần có: Năm 2025 có tổng 37.200 phòng (765 CSLTDL), tốc độ tăng trung bình 5,8%/năm, trong đó có 15.000 phòng đạt tiêu chuẩn xếp hạng từ 1 - 5 sao (280 khách sạn). Năm 2030 sẽ có khoảng 40.000 phòng (820 CSLTDL), tốc độ tăng trung bình 4,6%/năm, trong đó có 19.000 phòng đạt tiêu chuẩn xếp hạng từ 1 - 5 sao (400 khách sạn).

* Mục tiêu xã hội

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 274 trang tài liệu này.

- Phát triển du lịch nhằm tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, góp phần giảm nghèo. Năm 2025 giải quyết việc làm cho 55.800 lao động và đến năm 2030 giải quyết việc làm cho 60.300 lao động.

- Phát triển du lịch nhằm góp phần bảo tồn và khai thác hiệu quả tài nguyên, nguồn lực xã hội, góp phần phát triển thể chất, nâng cao dân trí và đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, tăng cường đoàn kết, hữu nghị, tinh thần tự tôn dân tộc.

Giải pháp tài chính nhằm thúc đẩy phát triển du lịch bền vững tỉnh Thanh Hóa - 19

* Mục tiêu môi trường

Phát triển du lịch “xanh”, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đến năm 2025 đảm bảo 100% chất thải rắn và


lỏng từ các CSLT, kinh doanh du lịch được xử lý. 100% chất thải rắn phát sinh từ các khu lưu trú, dịch vụ du lịch được phân loại tại nguồn. Phấn đấu đạt tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo ở mức 10 - 15% với các khu du lịch đồng bằng, ven biển và 30-40% tại các khu du lịch sinh thái tại các vùng núi. Năm 2025, đạt 100% các khu, điểm du lịch có nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.

3.2. QUAN ĐIỂM HOÀN THIỆN CÁC GIẢI PHÁP TÀI CHÍNH NHẰM THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

Thứ nhất, các giải pháp tài chính phải gắn chặt với mục tiêu PTDL bền vững của địa phương. Để PTDL bền vững thì một trong những điều kiện hết sức quan trọng đó là vốn. Do đó, khi đã xác định được mục tiêu PTDL bền vững thì cần tập trung các nguồn lực tài chính để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đó. Trong thời gian tới, việc sử dụng các giải pháp tài chính phải phù hợp với quy hoạch PTDL của ngành, CCKT và định hướng PTDL của địa phương theo hướng tăng tỷ trọng trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy phát triển KTXH, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp với hệ thống CSHT đồng bộ, hiện đại; SPDL có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc Thanh Hoá. Hiện nay, du lịch tỉnh Thanh Hoá chưa thực sự PTBV, chưa đạt được các mục tiêu đã đề ra. Do đó, các giải pháp tài chính của Nhà nước không chỉ hướng đến PTDL mà còn theo hướng PTBV.

Thứ hai, các giải pháp tài chính thúc đẩy PTDL bền vững phải được thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất với nhau. Để phát huy hết hiệu quả của các giải pháp tài chính nhằm thúc đẩy PTDL bền vững thì các giải pháp tài chính cần phải được thực hiện một cách đồng bộ. Tính đồng bộ trong quá trình sử dụng các giải pháp tài chính phải đảm bảo cho mỗi giải pháp tài chính được sử dụng phải phát huy tối đa những tác động tích cực của nó, đồng thời có tác động bổ trợ lẫn nhau một cách hiệu quả nhất. Mặt khác, để thúc đẩy PTDL bền vững cần phải có sự kết hợp, lồng ghép giữa việc sử dụng các giải pháp tài chính như chi NSNN, thuế và tín dụng Nhà nước với nhau một cách thống nhất. Sử dụng đồng bộ các giải pháp tài chính sẽ tránh được tình trạng tác động của các giải pháp tài chính triệt tiêu lẫn nhau, tránh đầu tư dàn trải làm lãng phí của cải Nhà nước.

Thứ ba, giải pháp tài chính nhằm thúc đẩy PTDL bền vững cần đầu tư có trọng

điểm. Ngành du lịch Thanh Hoá có xuất phát điểm thấp, tích luỹ trong nội bộ ngành


chưa cao, hệ thống CSHT du lịch chưa đồng bộ, hiện đại, SPDL chất lượng cao chưa phát triển. Để PTDL bền vững phải cần lượng vốn tương đối lớn để đầu tư xây dựng hệ thống CSHT đồng bộ, lựa chọn, phát triển SPDL chất lượng cao nhằm thu hút khách du lịch và nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài vào. Với thực tế đó là nguồn lực tài chính từ NSNN còn hạn hẹp thì việc đầu tư có tính trọng điểm là sự lựa chọn thông minh nhất. Đầu tư có trọng điểm được thể hiện ở việc tập trung nguồn lực tài chính để xây dựng hệ thống CSHT quan trọng, then chốt nhất phục vụ cho phát triển SPDL đặc thù gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đặc biệt là hệ thống khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá khá nhiều và dàn trải, nếu không xác định được SPDL mũi nhọn cần ưu tiên phát triển sẽ dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, không hiệu quả và du lịch sẽ khó phát triển bền vững. Đầu tư có trọng điểm sẽ tập trung nguồn lực cho việc thực hiện các mục tiêu nhất định, hoàn thành mục tiêu trong từng giai đoạn mà không phải kéo dài thời gian do thiếu vốn.

Với quan điểm trên, trong thời gian tới để PTDL bền vững thì giải pháp tài chính cần phải ưu tiên phát triển hệ thống CSHT quan trọng như hệ thống đường giao thông vào các khu du lịch sinh thái cộng đồng, miền núi, xây dựng, nâng cấp cảng hàng không Thọ Xuân, phát triển SPDL biển chất lượng cao với nhiều dịch vụ đa dạng đi kèm nhằm kéo dài thời gian lưu lại của khách du lịch và PTDL cả 4 mùa, đặc biệt là phát triển SPDL bổ trợ khác.

Thứ tư, giải pháp tài chính cho PTDL bền vững phải phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Thanh Hoá là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để PTDL với ba vùng sinh thái đặc trưng, có nguồn tài nguyên thiên nhiên du lịch dồi dào, đặc biệt là với 102 km bờ biển hình cánh cung có tiềm năng phát triển SPDL biển với đầy đủ hệ thống giao thông đường bộ, đường thuỷ, đường hàng không. Đây là những thế mạnh để tỉnh Thanh Hoá phát triển SPDL biển. Việc sử dụng các giải pháp tài chính cần gắn với tiềm năng, lợi thế và mục tiêu PTDL cũng như phát triển SPDL của địa phương, tránh đầu tư dàn trải, không hiệu quả nhằm thu hút được nhiều khách đến tham quan du lịch và nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài vào PTDL. Việc xác định được SPDL là thế mạnh của địa phương để sử dụng các giải pháp tài chính tác động tích cực vào đó nhằm tạo ra những lợi thế to lớn cho du lịch của tỉnh Thanh Hoá. Hiện tại, tỉnh Thanh Hoá đang ưu tiên phát triển SPDL sinh thái, cộng đồng, làng nghề mà chưa thực sự chú trọng nhiều đến SPDL bổ trợ, cần đầu tư hơn nữa về vốn để phát triển SPDL bổ trợ nhằm tăng tính hấp dẫn của SPDL chính, mũi nhọn đã có.


Thứ năm, các giải pháp tài chính nhằm thúc đẩy PTDL bền vững của tỉnh Thanh Hóa phải gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Giá trị văn hoá dân tộc được coi là nguồn tài nguyên vô giá tạo nên sức hút du lịch riêng cho mỗi quốc gia, mỗi địa phương. Để giá trị văn hoá dân tộc được bảo tồn và lưu giữ cho các thế hệ mai sau thì nguồn vốn đầu tư có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì, gìn giữ nguyên vẹn giá trị văn hoá. Các giải pháp tài chính được xây dựng phải gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc, nhằm vẫn PTDL mà không bị mai một các giá trị văn hoá dân tộc cho thế hệ mai sau.

3.3. HOÀN THIỆN CÁC GIẢI PHÁP TÀI CHÍNH NHẰM THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

Trong giai đoạn 2014 - 2020 vốn đầu tư PTDL đạt 59.709 tỷ đồng chiếm 7,39% vốn đầu tư phát tiển KTXH trên địa bàn tỉnh (trong đó nguồn vốn NSNN cho PTDL đạt 4.298,99 tỷ đồng, chiếm 7,19% trong tổng vốn đầu tư trên địa bàn). Chi NSNN cho du lịch giai đoạn 2016 - 2020 là 4.210,63 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân đạt 24,84%/năm. Trong khi đó tốc độ tăng GRDP du lịch giai đoạn 2016 - 2020 bình quân đạt 22,55%, cao hơn so với tốc độ tăng GRDP của cả tỉnh là 11,2%. Như vậy, ngành du lịch đã đóng góp ngày càng nhiều GTGT vào GRDP của tỉnh Thanh Hoá. Do vậy, để du lịch trong thời gian tới, đóng góp GRDP ngày càng nhiều vào GRDP tỉnh, với định hướng thu được nguồn vốn đầu tư PTDL giai đoạn 2021 - 2025 là 83.656,253 tỷ đồng (trong đó chi NSNN chiếm 6,07%) thì cần thực hiện các giải pháp tài chính theo các hướng sau:

3.3.1. Hoàn thiện các giải pháp tài chính đối với xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch

Cơ sở hạ tầng du lịch là điều kiện cần thiết để thu hút khách du lịch và huy động nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài vào nhằm PTDL bền vững. Hệ thống CSHT đồng bộ, hiện đại không những tạo điều kiện để thu hút nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài vào PTDL mà còn giúp họ yên tâm đầu tư vốn lâu dài với địa phương. Hiện nay, tốc độ tăng vốn đầu tư cho CSHT du lịch đang còn thấp, mới chỉ thu hút được một số dự án trong khu công nghiệp và khu kinh tế ven biển, đầu tư CSHT du lịch chủ yếu là nguồn vốn NSNN. Mặt khác, vốn đầu tư từ NSNN cho CSHT vẫn chưa mang lại hiệu quả cao, làm kìm hãm sự PTDL của tỉnh Thanh Hoá. Vì vậy, theo định hướng PTDL


trong thời gian tới để huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hệ thống CSHT du lịch theo hướng đồng bộ, hiện đại gắn với chuyển đổi số, PTDL thông minh cần phát huy vai trò của chính quyền địa phương trong việc xây dựng các giải pháp tài chính kết hợp hài hoà các nguồn lực khác nhau trong xã hội vào phát triển CSHT du lịch. Trong đó, phải chú trọng nâng cao vai trò chủ đạo của nguồn vốn NSNN để đầu tư vào những công trình then chốt mà các đối tượng khác không có khả năng đầu tư hoặc không muốn đầu tư vì nguồn vốn, thời gian thu hồi vốn dài. Để phát triển CSHT du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH cũng như định hướng PTDL của tỉnh Thanh Hóa, trong thời gian tới chính quyền tỉnh Thanh Hoá cần hoàn thiện các giải pháp tài chính theo hướng sau:

Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế chính sách chi NSNN cho CSHT du lịch theo hướng đồng bộ, hiện đại, đồng đều giữa các khu vực, phát triển đa dạng các SPDL

Một là, các chính sách chi NSNN cho CSHT du lịch cần phải được thực hiện đồng bộ kết hợp được các mục tiêu trước mắt và lâu dài, tương thích với phát triển CSHT chung của tỉnh Thanh Hoá, tránh tình trạng ban hành các chính sách ưu đãi cho phát triển thiên về một khu vực hoặc về một loại SPDL nào đó. Chẳng hạn như chính sách ưu đãi cho CSHT du lịch trong thời gian qua chủ yếu cho khu công nghiệp và khu kinh tế ven biển, hướng đến phát triển SPDL biển đảo còn CSHT cho các SPDL khác lại chưa được chú trọng. Với định hướng phát triển CSHT du lịch theo hướng đồng bộ, hiện đại đáp ứng được yêu cầu phát triển đa dạng các SPDL thì bên cạnh việc phát triển SPDL biển đảo, cần có cơ chế chính sách phân bổ nguồn vốn cho CSHT của các SPDL văn hoá, lịch sử, sinh thái, cộng đồng, làng nghề… nhằm phát triển đa dạng các SPDL trên địa bàn tỉnh theo mục tiêu đã đề ra.

Việc ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng CSHT du lịch cần tính tới khả năng thay đổi của sự phát triển khi số lượng khách du lịch tăng lên, dẫn đến CSHT bị quá tải không đáp ứng được yêu cầu PTDL bền vững, đặc biệt là trong những ngày cao điểm, lượng khách du lịch đến tham quan nhiều.

Cần xây dựng cơ chế, chính sách phân bổ vốn NSNN cho đổi mới, hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, đẩy mạnh thực hiện quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch; số hoá các thông tin, tài liệu về điểm đến, xây dựng các kho nội dung số, hướng tới hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh. Việc đầu tư này lại càng thực sự cần thiết trong tình hình dịch bệnh covid - 19 ngày càng diễn biến phức tạp và kéo dài như hiện nay.


Hơn nữa, cần đẩy nhanh xây dựng cơ chế chính sách cho việc đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Thọ Xuân trở thành cảng hàng không quốc tế; mở các đường bay thẳng từ Thanh Hoá kết nối với các thị trường trọng điểm du lịch tại các nước khu vực Châu Á, Châu Âu.

Hai là, cần cân đối nguồn vốn NSNN cho đầu tư và hoàn thiện các hạng mục CSHT đang được triển khai và các dự án CSHT quan trọng, thiết yếu nhằm thu hút tối đa nguồn vốn từ bên ngoài vào PTDL bền vững.

Những năm vừa qua, tỉnh Thanh Hoá đã đầu từ một khoản vốn lớn khoảng 3.502,99 tỷ đồng từ NSNN cho phát triển hệ thống CSHT (chiếm 81,48% vốn NSNN cho PTDL, tuy nhiên chỉ chiếm 1,82% tổng vốn NSNN cho phát triển KT - XH) như đường giao thông, hệ thống xử lý rác thải, nước thải, hệ thống điện nước, hệ thống nhà vệ sinh công cộng… Tuy nhiên, với hệ thống tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, dàn trải, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt do mưa lũ, nắng nóng, quá trình sử dụng lâu dài… đã làm cho nhiều hệ thống CSHT du lịch bị hư hỏng, xuống cấp, gây khó khăn cho quá trình đi du lịch. Mặt khác, với định hướng PTDL của tỉnh trong thời gian tới cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, đồng bộ, hiện đại, đóng góp quan trọng vào phát triển KT - XH của tỉnh. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu phát triển và khắc phục những tác động tiêu cực của điều kiện tự nhiên cũng như quá trình sử dụng trong thời gian tới chính quyền tỉnh Thanh Hoá vẫn cần tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn vốn NSNN tăng lên 2,47% giai đoạn 2021 - 2025 và tăng lên 3% giai đoạn 2026 - 2030 trong tổng vốn NSNN của tỉnh để xây mới, nâng cấp, cải tạo hệ thống CSHT đồng bộ, hiện đại. Với nguyên tắc chi NSNN có trọng điểm không đầu tư dàn trải, manh mún, cần lựa chọn, ưu tiên phân bổ chi NSNN cho các chương trình, dự án trọng điểm theo hướng sau:

- Tiếp tục đầu tư, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông quan trọng để nâng cao khả năng kết nối các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh như: Tuyến đường Tây Sầm Sơn 5 (đoạn từ đại lộ Nam sông Mã đến Quốc lộ 47) và tuyến đường Hai Bà Trưng (đoạn từ Đại lộ Nam sông Mã đến đường Trần Hưng Đạo), thành phố Sầm Sơn; đường xã Vạn Thiện, huyện Nông Cống đi khu du lịch Bến En, huyện Như Thanh; đường nối từ Khu di tích Lam Kinh với đường Hồ Chí Minh; đường nối từ trung tâm thành phố Thanh Hoá đi Cảng hàng không Thọ Xuân và các huyện phía tây của tỉnh; từ Quốc lộ 47B với Quốc lộ 45 đi Ninh Bình; các tuyến giao thông trục


chính với nút giao của đường cao tốc Bắc - Nam, đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thanh Hoá nhằm phát huy hiệu quả của phương tiện giao thông đường bộ đến tỉnh Thanh Hoá. Ưu tiên đầu tư nâng cấp, mở rộng, hoàn chỉnh hệ thống giao thông kết nối giữa tỉnh Thanh Hoá với các tỉnh Tây Bắc, nước bạn Lào, nhằm thu hút khách Lào đến thăm quan du lịch tỉnh Thanh Hoá. Mặt khác, ngăn chặn kịp thời sự xuống cấp của các tuyến giao thông hiện có bằng cách tiếp tục chi NSNN cho cải tạo, nâng cấp, xây mới các tuyến đường mới nhằm đáp ứng yêu cầu lưu lượng phương tiện đi lại gia tăng vào những mùa cao điểm về du lịch.

- Cần đẩy nhanh chi NSNN cho đầu tư nâng cấp cảng hàng không Thọ Xuân. Cảng hàng không Thọ Xuân có tốc độ tăng trưởng nhanh về sản lượng hành khách, sản lượng hàng hoá - bưu kiện, là điều kiện thuận lợi để thu hút khách du lịch từ các tỉnh thành trong nước và quốc tế đến tham quan du lịch Thanh Hoá. Do vậy, trong thời gian tới tỉnh Thanh Hoá cần cân đối nguồn vốn từ NSNN để đẩy mạnh đầu tư cho các hạng mục công trình chưa hoàn thiện để hoàn thiện dự án nâng cấp cảng hàng không Thọ Xuân thành cảng hàng không quốc tế, có thể phục vụ công suất 5 triệu khách/năm và 25.000 tấn hàng hoá/năm theo Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/2/2018 của Thủ tướng Chính Phủ về “Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.

- Tiếp tục chi NSNN đầu tư nhằm hoàn chỉnh các công trình hạ tầng du lịch thiết yếu trong Khu kinh tế Nghi Sơn. Cần ưu tiên nguồn vốn từ NSNN để hoàn thiện các công trình hạ tầng du lịch thiết yếu trong Khu kinh tế Nghi Sơn như hệ thống nước thải, rác thải, điện nước… để tạo điều kiện thuận lợi vừa phát triển công nghiệp kết hợp với PTDL của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia nước ngoài đến nghỉ ngơi.

- Chi NSNN cần tiếp tục tập trung phân bổ cho các dự án CSHT du lịch ven biển. Thanh Hoá là tỉnh có lợi thế về SPDL biển với doanh thu du lịch biển hàng năm chiếm tỷ trọng cao, chiếm 80% - 85% trong tổng doanh thu du lịch. Do vậy, để phát triển SPDL biển phù hợp với lợi thế và tiềm năng của địa phương, ngày càng nâng cao chất lượng thì CSHT du lịch ven biển cần được đầu tư theo đúng tiến độ, đặc biệt là các SPDL biển mới nổi như biển Hải Hoà (huyện Tĩnh Gia), Hải Tiến (huyện Hoằng Hoá)… Với các SPDL này cần tập trung đầu tư cho các hạng mục CSHT như


đường giao thông, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống cây xanh, viền đồi rừng, gia cố kè bờ biển… từ đó tạo cơ sở cho các nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn vào đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu khách sạn cao cấp, nhà hàng cao cấp… từ đó nâng cao chất lượng SPDL biển, đảo của địa phương.

- Bố trí kinh phí từ NSNN đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp các công trình thuỷ lợi, điện nước, hạ tầng viễn thông, thông tin liên lạc trong khu du lịch trọng điểm. Cân đối NSNN để đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo các công trình hạ tầng kỹ thuật trong các khu du lịch trọng điểm, các khu có quy hoạch PTDL, nhằm hỗ trợ cho nhà đầu tư chỉ việc đầu tư vào xây dựng các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng… nhằm phát triển SPDL.

- Dành một phần kinh phí từ NSNN cho việc đầu tư xây dựng thêm các nhà vệ sinh công cộng ở khu du lịch trọng điểm, có lưu lượng khách du lịch lớn và những khu du lịch chưa có nhà vệ sinh công cộng: Bằng chứng là có những khu du lịch trọng điểm, có lưu lượng khách du lịch lớn nhưng kinh phí NSNN mới chỉ hỗ trợ xây dựng từ 1 đến 2 nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn như Thành Nhà Hồ (2 khu), Lam Kinh (2 khu); Sầm Sơn (2 khu); Hải Tiến (2 khu); Hải Hòa (2 khu); Bến En (3 khu); Hàm Rồng (4 khu); Cẩm Lương (2 khu); Thác Ma Hao - bản Năng Cát (4 khu); huyện Vĩnh Lộc (05 khu); Động Từ Thức (2 khu); Pù Luông (7 khu); Cửa Đạt - Xuân Liên (3 khu); Đền Lê (1 khu);… Trong đó cần chú ý đến các hạng mục của nhà vệ sinh công cộng như chất lượng thiết bị vệ sinh, hệ thống điện nước, diện tích sử dụng, thiết bị cho người khuyết tật… đáp ứng được các tiêu chí về nhà vệ sinh công cộng theo Quyết định 225/QĐ-TCDL ngày 08/5/2013 của Tổng cục Du lịch, từ đó tạo cảm giác thoải mái, sạch sẽ cho khách du lịch khi đến tham quan, trải nghiệm.

Ba là, tăng cường công khai quá trình phân bổ vốn NSNN về tiêu chí, định mức phân bổ thông qua các nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng như cổng thông tin điện tử tỉnh Thanh Hoá, trang web của các Sở, Ban, Ngành có liên quan. Chú trọng mở rộng phân cấp, phân quyền quản lý đầu tư công, phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, của từng cấp, ngành từ tỉnh đến địa phương cấp xã và chủ đầu tư trong việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công; tăng cường việc giao nhiệm vụ cho các huyện thực hiện làm chủ đầu tư một số công trình giao thông, thuỷ lợi trọng điểm.

Ngày đăng: 03/04/2023