3.1.3. Từ năm 1778 đến năm 1802
Trong khoảng thời gian từ sau khi tập đoàn chúa Nguyễn chạy vào Nam cho đến khi Nguyễn Ánh chiếm lại được Nam Bộ lần cuối cùng (1788), văn học viết Việt Nam trên địa bàn phía Nam sông Gianh vẫn còn tiếp nối văn học Đàng Trong ở nhiều phương diện, đặc biệt là cảm hứng ngợi ca, tôn vinh nhân vật lãnh đạo. Tác phẩm điển hình cho giai đoạn văn học này là Hoài Nam khúc của Hoàng Quang. Ông thuộc vào lớp người sống ở vùng Tây Sơn nhưng ủng hộ chúa Nguyễn, tâm tư mãi hát khúc ca hoài Nam, vọng tưởng công lao lập quốc của các chúa.
Trong khi những sáng tác tiếp nối mạch nguồn văn học Đàng Trong trên đất Thuận Quảng có vẻ khá rời rạc và yếu thế bên cạnh những tác phẩm mang hào khí Tây Sơn, thì tại khu vực Gia Định – Đồng Nai, tâm thức Đàng Trong lại tỏ ra khá quyết liệt và mạnh mẽ. Cho đến cuối thế kỷ XVIII, Gia Định trở thành trung tâm duy nhất còn hoạt động sôi động trên bản đồ văn học Đàng Trong với một lực lượng sáng tác đa dạng. Có người lựa chọn con đường “thoái vi quan” để “đạt vi sư” như Võ Trường Toản (với Hoài cổ phú nổi danh một thời), Đặng Đức Thuật (với bài sớ Thập sách và Quy sơn thập vịnh1). Có người hào hùng khí thế chống Tây Sơn như Lâm Tấn (qua bài thơ đề đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Đề Lễ công từ). Có người xứ Hà Tiên như Trần Nam Lai, sau về cư ngụ ở Trấn Biên, cũng là một nhà thơ nổi tiếng thời bấy giờ2. Đó là chưa kể Kỳ Sơn Diệp Minh Phụng, Phục Sơn Vương Kế Sinh, Hối Sơn Huỳnh Ngọc Uẩn, “Tam gia” Trịnh Hoài Đức - Ngô Nhơn Tịnh - Lê Quang Định... Tất cả họ đã làm nên một lực lượng sáng tác - tầng lớp trí thức “có khả năng cũng như nhu cầu sáng tác văn học viết, và quan trọng hơn, đã đứng vào điểm xuất phát trên con đường tự ý thức về một nhu cầu sáng tác văn chương” [138, tr. 60]. Đáng chú ý là trong các gương mặt văn nhân – văn hóa tiêu biểu của đất Gia Định thuở ấy, nổi bật lên nhiều tên tuổi là người gốc Minh hương như Võ Trường Toản, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tịnh, Huỳnh Ngọc Uẩn, Diệp Minh Phụng, Vương Kế Sinh... Tất cả họ đã góp phần đưa văn học Hán Nôm Gia Định hòa nhập vào với văn
1 Tác phẩm này hiện nay chưa tìm thấy, nhưng theo Trịnh Hoài Đức trong bài thơ Khốc Đặng Cửu Tư tiên sinh, phần chú thích có chép tên hai tác phẩm này [Dẫn theo: Lê Quang Trường (2012), Gia Định tam gia thi trong tiến trình văn học Hán Nôm Nam Bộ, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 23].
2 Tuy rằng tác phẩm của ông đến nay vẫn chưa được tìm thấy nhưng trong bài Khốc Trần Nam Lai của Trịnh Hoài Đức
viết năm 1786 khi ông này mất đã cho thấy tài thơ và tài viết chữ của ông qua hai câu thơ “Gia Định chí kim sự tự pháp/ Hà Tiên tự tích tổ thi tài” (Đến nay, ở đất Gia Định, ông vẫn là bậc thầy viết chữ/ Thuở trước ở Hà Tiên, ông là bậc tổ về tài thơ) [Dẫn theo: Lê Quang Trường (2012), Gia Định tam gia thi trong tiến trình văn học Hán Nôm Nam Bộ, Tlđd, tr. 23].
học dân tộc, khép lại tiến trình xác lập bản đồ văn hóa Việt với ba trục lớn: Thăng Long – Phú Xuân – Gia Định. Thời kỳ này, Gia Định đã vươn lên địa vị trung tâm văn hóa của cả đồng bằng Nam Bộ, và trên lĩnh vực văn học, đã trở thành trung tâm thừa hưởng được nhiều nhất và “thuần chất” nhất [138, tr. 76] những thành tựu của hai trăm năm văn học viết Đàng Trong, đặc biệt là về phương diện nội dung và cảm hứng sáng tác.
Điểm lược lại tiến trình văn học Đàng Trong như thế, có thể thấy, dù rằng có sự phát triển không đồng đều ở các giai đoạn nhưng căn bản, văn học Đàng Trong phản ánh sự “ăn khớp” giữa văn chương và lịch sử. Nếu như giai đoạn 1600 – 1672, hoạt động sáng tác văn chương gắn liền với đề tài Bắc cự thì sang giai đoạn 1672 – 1777, nội dung văn chương gắn liền với công cuộc Nam tiến, mà dù ở thời điểm nào thì xã hội Đàng Trong cũng luôn cần tới vai trò lãnh đạo, hướng đạo của tầng lớp trí thức, dẫn đến tán dương nhân vật lãnh đạo trở thành chủ đề nổi bật trong văn học. Sang giai đoạn 1778 – 1802 là quá trình “hồi cố” những giá trị Đàng Trong thuần chất nhất. Các trung tâm văn học lần lượt dịch chuyển về phương Nam, song hành với bước chân Nam tiến của dân tộc Việt. Trên tổng thể, có thể nhận thấy tình hình không cân đối về cơ cấu tác phẩm, chẳng hạn văn vần có vẻ áp đảo văn xuôi, hoạt động lý luận có vẻ kém so với hoạt động sáng tác... Tất cả những yếu tố đó đã làm nên sắc diện của văn học Đàng Trong thế kỷ XVII - XVIII, trong đó có những đặc điểm tương đồng và cả những dấu hiệu loại biệt, khác lạ so với văn học Đàng Ngoài đương thời.
3.2. Tương quan với văn học Đàng Ngoài: nhìn từ phương diện đội ngũ tác giả
Có thể bạn quan tâm!
- Học Phong Không Chuộng Từ Chương Cử Nghiệp: Điều Kiện Để Văn Học Nôm Phát Triển
- Xã Hội Thị Dân: Tiền Đề Cho Sức Trẻ Của Văn Học Đàng Trong
- Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả - Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly, Bùi Sim Sim - 8
- Tương Quan Với Văn Học Đàng Ngoài: Nhìn Từ Phương Diện Nội Dung Phản Ánh
- Việt Sử Thông Giám Cương Mục; Dẫn Theo: Đinh Gia Khánh - Bùi Duy Tân - Mai Cao Chương (2002), Văn Học Việt Nam (Thế Kỷ X – Nửa Đầu Thế Kỷ Xviii), Nxb Giáo
- Lối Đi Riêng Của Văn Học Đàng Trong Với Những Thể Loại Đặc Thù Phương Nam (Vãn, Vè, Tuồng)
Xem toàn bộ 166 trang tài liệu này.
Chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh vào đội ngũ sáng tác bởi trên thực tế, sự vận động của năm “đại lượng”1 làm nên cấu trúc hình thức của văn học phụ thuộc rất lớn vào sự vận động của hệ thống loại hình chủ thể sáng tác, tức loại hình tác giả. Nghĩa là, những đặc điểm tương đồng hay khác biệt giữa văn học Đàng Trong và Đàng Ngoài phụ thuộc rất lớn vào sự trình hiện của đội ngũ tác giả – những người sẽ chủ động lựa chọn đường hướng sáng tác cho mình.
1 Theo Giáo sư Trần Ngọc Vương, năm “đại lượng” vốn dĩ “thuộc phạm vi văn học” đó là: hệ thống những tư tưởng mang tính thẩm mỹ và quan niệm văn học; hệ thống chủ đề - đề tài đặc thù; hệ thống những hình tượng văn học cơ bản; hệ thống thể loại; và ngôn ngữ - “chất nền” của mọi nền văn học [Xem thêm: Trần Ngọc Vương, “Tiến tới xác lập hệ quy chiếu mới cho việc nhận thức lại văn chương truyền thống”, Văn học Việt Nam thế kỷ X – XIX những vấn đề lý luận và lịch sử, Sđd, tr. 5 - 46; “Giao thoa Đông Tây và sự chuyển đổi hệ hình văn học”, Thực thể Việt nhìn từ các tọa độ chữ, NXB Tri thức, 2010, tr. 393 - 404].
Trước hết, chúng tôi cho rằng không nên so sánh hơn - thua về mặt số lượng tác giả - tác phẩm giữa văn học hai Đàng, bởi sẽ dễ gây nên cảm giác khiên cưỡng, khập khễnh, khi mà hoàn cảnh lịch sử - văn hóa, thời điểm khai thác hai vùng đất, không có sự tương đồng. Điều đáng nói là, mặc dù đội ngũ tác giả để lại danh tính ở Đàng Trong không nhiều so với Đàng Ngoài, nhưng về căn bản, có thể thấy ở cả hai vùng đều hiện diện những loại hình tác giả tương tự nhau: nhà nho, vua chúa và dòng dõi vua chúa, tác giả tôn giáo (tăng nhân, và cả giáo sĩ ở Đàng Trong), phụ nữ. Đáng chú ý trong đội ngũ sáng tác văn học ở Đàng Ngoài thời kỳ này là bên cạnh một vài nhà sư (Hương Hải, Pháp Tính...), phụ nữ hay truyện giỏi văn (Đoàn Thị Điểm...), chúa Trịnh sành Nôm (Trịnh Căn, Trịnh Doanh, Trịnh Sâm...), thì nhà nho, cũng như ở Đàng Trong, vẫn luôn là gương mặt văn nhân - trí thức tiêu biểu, đóng vai trò chủ đạo làm nên bản sắc văn học - văn hóa vùng. Chính việc có cùng xuất thân Nho học như vậy sẽ quy định những đặc tính chung cho văn học hai Đàng, ở một số phương diện.
3.2.1. Nhà nho gốc Việt
3.2.1.1. Nhà nho hành đạo
Đông đảo nhất trong đội ngũ sáng tác ở cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài vẫn là loại hình quan chức - nhà văn, tức là những nho sĩ quan liêu, hiển đạt, đỗ cao, làm quan to như Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Hào, Nguyễn Khoa Chiêm, Nguyễn Quang Tiền, Mạc Thiên Tích, Nguyễn Đăng Thịnh, Nguyễn Cư Trinh, Đặng Đức Siêu, Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tịnh... (Đàng Trong), Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Đình Sách, Đặng Đình Tướng, Phạm Công Trứ, Hồ Sĩ Dương, Nguyễn Đăng Đạo, Vũ Công Đạo, Nguyễn Công Hãng, Nguyễn Mậu Áng, Vũ Thạnh, Đinh Nho Hoàn, Lê Anh Tuấn, Nguyễn Bá Lân, Nguyễn Tông Quai, Nguyễn Huy Oánh... (Đàng Ngoài). Tuy nhiên, trong khi các nhà nho hành đạo ở Đàng Trong mang tâm thế “lạc quan phụng sự, tin tưởng phụng sự” của những người “đắc thời đắc chúa” thì nhà nho Đàng Ngoài lại “đầy rẫy những ưu uất, chán chường” [106, tr. 202]. Hầu hết tác giả Đàng Trong là những người phục vụ chúa Nguyễn. Họ là một số “trí thức hiếm hoi” nên được chúa Nguyễn quý chuộng, tin dùng. Họ không bị giằng xé bởi mặc cảm tội lỗi đã thờ vua lại còn thờ chúa như nhiều trí thức nhà nho ở Đàng Ngoài, trái lại, chính trên đường hướng ly khai chính
quyền Lê - Trịnh và xây dựng lực lượng cát cứ của tập đoàn phong kiến Đàng Trong đã làm dấy lên phong khí hào hùng của cả một thời đại, kích thích kẻ sĩ dấn thân cho khát vọng chính trị. Hoạt động phù Lê diệt Trịnh nhanh chóng được nhất hóa với hoạt động kinh bang tế thế. Họ phải lo việc quốc kế dân sinh, “phải hành động nhiều, phải lo hoạt động hơn là mơ màng, sống với bổn phận ràng buộc hơn là với tình cảm dâng tràn”, “con đường họ đi thẳng tuột, không ngõ ngang cho sự phân vân” [106, tr. 202]. Tất cả những vang âm đó đã dội tầm ảnh hưởng vào thơ văn, đem lại sinh khí, sinh sắc cho văn học Đàng Trong một thuở - văn học của những người đi mở đất; trong khi các tác giả Đàng Ngoài vẫn chưa thể rũ bỏ được tập quán sáng tác truyền thống, do vậy, cơ bản chưa có đường hướng gì đặc biệt, mới mẻ.
Nho giáo là học thuyết tuyệt đối hóa ngôi vua. Việc đòi hỏi lòng trung thành đối với một vương triều, một đấng quân vương cụ thể được xem là nội dung chính trị xã hội cốt tử của Nho giáo. Bất cứ hành vi nào đụng chạm đến ngôi báu đều bị xem là đại nghịch bất đạo, không thể dung thứ. Xứ Đàng Ngoài, kể từ khi nhà Lý mở khoa thi Nho học đầu tiên, chính thức thúc đẩy và truyền bá sự phát triển của Nho học (1075), cho đến khi họ Trịnh lập phủ liêu, át chế ngôi vị vua Lê chính thống, cũng đã có 5 - 600 năm từng bước Nho giáo hóa, thậm chí có thời kỳ chế độ chuyên chế tập quyền theo Nho giáo còn được đẩy lên trạng thái cổ điển, mẫu mực dưới thời Lê Thánh Tông. Vậy mà chính trên dải đất từng thấm nhuần tư tưởng Nho giáo chính thống ấy lại phải chứng kiến và chấp nhận sự song tồn của cả ngôi Vua và ngôi Chúa, và dù trên danh nghĩa, chúa Trịnh “khuông phò” nhà Lê, nhưng lại có quyền lực thực chất là quyền lực hoàng đế, với quyền thế tập như ngôi vua trọn vẹn. Nỗi băn khoăn về tính chính thống trong việc lựa chọn phương thức ứng xử trước thực tế chính trị phức tạp đã từng giày vò các nhà nho trong suốt thế kỷ XVI (trong và sau khi Mạc Đăng Dung tiếm quyền, rồi dần dần tiếm vị, đoạt ngôi vua Lê để lập nên nhà Mạc), đến lúc này lại càng trở nên phức tạp, day dứt. Và rồi tùy theo hoàn cảnh riêng của mỗi người mà sự lựa chọn ấy dẫn đến những số phận khác nhau, định hướng cuộc đời khác nhau và cả những kết quả khác nhau. Có thể thấy số đông làm theo sự an bài đang tiếp diễn của số phận: không mấy băn khoăn về sự khác biệt giữa vua và chúa, vẫn hăm hở học hành, quyết khoa, xuất chính, phụng sự cho thế lực chính trị nào đang thống trị trên lãnh thổ mình sống. Ai ở vùng đất Mạc thì tham gia kỳ thi của triều Mạc, ai ở vùng đất Lê thì dự kỳ thi do vua Lê tổ chức, ai ở
vùng lãnh thổ của chúa Trịnh, chúa Nguyễn thì tham gia các kỳ thi tuyển sĩ của tập đoàn thống trị phương đó. Cũng có người “chuyển vùng” để ứng thí như Phùng Khắc Khoan bỏ đất Mạc tìm vào Thanh Hóa phụng sự chính quyền Lê Trung hưng nhưng số người này thực sự không nhiều. Hoặc như Đào Duy Từ vượt sông Gianh vào khuông phò chúa Nguyễn, nhưng ngoài viễn kiến của một bậc đại hùng trí biết tìm “minh chủ” để thờ, còn có một lý do khách quan là thể chế Đàng Ngoài không tạo điều kiện cho phận thấp hèn con nhà ca xướng dựng nghiệp. Điều đặc biệt là rất ít có hiện tượng các nhân vật xuất sắc thuộc địa phận quản lý của chúa Nguyễn chạy ra miền Bắc theo Lê - Trịnh, ngược lại, liên tiếp có những đợt người, trong đó có không ít nhân vật tên tuổi từ miền Bắc chạy vào Nam. Đó là hệ quả tất yếu của một xã hội Đàng Trong đang khẩn thiết và ráo riết mong chờ sự hiện diện của những nhân vật có tài kinh bang tế thế giúp rập cho chính quyền sơ khai, một xã hội luôn trọng dụng và ưu đãi nhân tài ở mức độ nồng nhiệt nhất, trái ngược hoàn toàn với vùng đất Đàng Ngoài vốn bị rào cản, ràng buộc bởi những định chế khắt khe, đôi khi có phần nghiệt ngã, không phù hợp trước một thực tế chính trị hỗn loạn, ba bè bảy mối.
Tuy nhiên, cũng cần phải đánh giá một cách công bằng rằng, mặc dù thực tế trưởng thành của chính quyền họ Nguyễn ở Đàng Trong gây hấp dẫn cho không ít những người có tài, có chí, có tham vọng ở Đàng Ngoài, song về căn bản, đó vẫn là một vùng đất mới khai thác. Vì mới được khai thác, nên Đàng Trong nói chung thiếu cái phong vị văn học, cái không khí thông thái cao đạt như xứ Đàng Ngoài. Thế nên, dù có ý nghĩa tích cực trong việc tạo ra một sinh khí văn chương mới mẻ, dân dã, đầy sức sống, nhưng sự uyên bác trong học thuật, tinh luyện trong sáng tác... thì không thể được bù lấp trong một sớm một chiều.
3.2.1.2. Nhà nho ẩn dật
Từ thế kỷ XIV, bất bình trước sự rối loạn ngày càng tăng của triều chính, trước sự suy vong của vương thất họ Trần và nền thống trị của nhà Hồ “ngụy triều” cũng như chính sách hà khắc, độc tài, phản động của nhà Minh xâm lược, trên vùng lãnh thổ thuộc về xứ Đàng Ngoài sau này, đã xuất hiện một bộ phận nho sĩ lựa chọn lối sống ẩn cư, thủ tiết, như Chu Văn An, Băng Hồ tiên sinh Trần Nguyên Đán, Lý Tử Cấu, Vũ Mộng Nguyên, Nguyễn Húc... Thế kỷ XV, dù chỉ là sự lựa chọn bất đắc dĩ, và dù không hoàn toàn là một ẩn sĩ thực thụ (thực chất là sống cảnh “thanh
chức, nhàn quan”), nhưng khoảng thời gian trí sĩ ở núi Côn Sơn là một dấu ấn không phai mờ trong hành trạng của nhà nho Nguyễn Trãi. Thế kỷ XVI, những tên tuổi như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Hàng, Nguyễn Dữ... tiếp tục bổ sung danh sách tác giả cho văn chương ẩn dật, đồng thời đưa văn chương ẩn dật trở thành một trong những khuynh hướng nổi bật của văn học thời kỳ này.
Điểm lại như thế để thấy rằng, sự xuất hiện của một số dật sĩ ở Đàng Ngoài hồi thế kỷ XVIII (như Ngô Thì Ức, Lê Hữu Trác, Nguyễn Thiếp, Bùi Huy Bích...) suy cho cùng cũng chỉ là sự tiếp nối một lối hành xử đã được định chế từ nhiều thế kỷ trước của nhà nho Việt nói riêng và nhà nho phương Đông nói chung. Không xuất chính, không nhận áo mũ của triều đình, không vướng bận nhiều với thân phận thần tử, họ tự tách mình ra khỏi những sinh hoạt chính trị, coi mình “vô can”, đứng ra ngoài, thậm chí nhiều lúc tự coi là đứng lên trên mọi thay đổi trong xã hội, tự cho phép mình làm “phán quan của lịch sử”. Một số lớn trong họ vốn là những ông quan bất đắc chí lui về ẩn dật, số khác nữa, ngay từ đầu cho rằng “triều đình” chỉ là “lưới trần”, các biến cố phức tạp của sự đảo lộn chính trị gieo vào họ một sự chán nản tiên thiên, đã coi “đại sự khứ hỹ” từ lúc còn chưa xuất chính. Lý do dẫn một nhà nho đến sự lựa chọn đời sống ẩn dật, nếu không phải là nước loạn, hay nước bị ngoại bang cai trị, thì cũng là triều đại đang cầm quyền bị coi là không chính thống, hoặc triều đình đang bị quyền thần lũng đoạn, hoặc đơn giản là vì không đủ khả năng vượt qua “vũ môn quan” trong khoa cử mà đành lựa chọn con đường ẩn dật một cách bất đắc dĩ… Họ sống biệt lập, tránh mọi sự tiếp xúc với chính quyền, với tuyệt đại đa số người hành đạo, những kẻ bị họ coi là “hám phù danh, chạy theo bả vinh hoa”.
Điểm lý thú là thế kỷ XVII, ở cả Đàng Trong và Đàng Ngoài, rất ít có tiếng nói của người ẩn dật. Non nước Đại Việt khi đó còn đang đằm mình trong những cuộc chiến trinh nồi da xáo thịt, dẫu tang thương nhưng ở một phương diện nào đó, lại mở ra cho kẻ sĩ, những kẻ có tài, có hoài bão và tham vọng cơ hội để “đổi đời”, dương danh dựng nghiệp. Nhà nho ẩn dật trong giai đoạn này căn bản mang tâm thế của kẻ sĩ đợi thời, như trường hợp Phùng Khắc Khoan ở Đàng Ngoài và Đào Duy Từ ở Đàng Trong. Vì vậy văn chương là nơi họ thể hiện hoài bão, ý chí tìm đấng minh quân để giúp nước giúp đời, hoàn toàn không có nét yếm thế, bi quan.
Sau khi Nam - Bắc hưu chiến, chúa Nguyễn ở Đàng Trong và chúa Trịnh ở Đàng Ngoài cơ hồ thấy hài lòng với vương nghiệp và vùng lãnh thổ mình trị vì, bắt
đầu ăn chơi sa đọa, hưởng lạc, quyền thần từng bước gây rối, nhiễu loạn kỷ cương…, khi mà mọi đề xuất cải cách của những kẻ sĩ nhiệt tâm bị rũ bỏ một cách phũ phàng, lý tưởng tu, tề, trị, bình chỉ còn là mớ lý thuyết suông, nhiều nhà nho mới chợt nhận ra nỗi “ngao ngán nước đời”, bất đắc chí mà lui về ẩn dật, tìm vui trong màu Thiền, hoặc lẽ huyền vi của Trang - Lão… Văn học thế kỷ XVIII chứng kiến một sự tao phùng giữa những dật sĩ cao ngạo ở Đàng Ngoài với những danh sĩ ẩn dật ở Đàng Trong (như Ngô Thế Lân, Hoàng Quang, Võ Trường Toản, Nguyễn Đăng Đàn, Đặng Đức Thuật…).
3.2.1.3. Nhà nho tài tử
Cần phải khẳng định là cho đến thời điểm Nguyễn Ánh nhất thống giang sơn, lập ra nhà Nguyễn, trên vùng văn học - văn hóa Đàng Trong chưa từng xuất hiện bất kỳ một nhà nho tài tử đích thực nào1, dù rằng khi ấy, Đàng Trong đã có những
thương cảng lớn đồng thời cũng là những đô thị sầm uất (như Hội An, Thanh Hà, Nước Mặn, Hà Tiên...) - một không gian phi cổ truyền tạo điều kiện cho tư tưởng thị dân “đòi hưởng lạc, đòi hỏi hạnh phúc, chống lại thói an bần lạc đạo” [103, tr. 45] xuất hiện, đồng thời cũng là một trong những tiền đề quan trọng để “các tài tử ra đời”, thay thế các quân tử, các trượng phu, là những người độc chiếm văn đàn trước đây. Có thể dễ dàng lý giải được điều đó, bởi các nhà nho tài tử nằm ở tầng “thượng lưu” của giới trí thức. Họ, trước hết phải là những học trò xuất sắc, nếu không toàn diện thì cũng là trên một số phương diện chính của Khổng môn. Họ, trước khi chế giễu người quân tử, mạt sát lối sống khắc kỷ phục lễ, phủ nhận đạo đức làm nên giá trị con người – những điểm mà thánh hiền đề cao, chắc hẳn đã phải thấu thị được hết lẽ “huyền cơ” của nhân sinh quan, thế giới quan Nho giáo2. Những điều ấy khó mà tìm được ở một vùng đất Hán học còn “sơ sài”, bề dày văn hóa còn khá mỏng manh như Đàng Trong. Hơn nữa, việc chủ trương phát triển Nho giáo theo hướng Tống Nho – một mẫu hình Nho giáo hướng tới những tín điều chính thức cứng nhắc, bắt buộc sự tuân phục từ một phía của dân chúng đối với nhà cai trị, con với cha, vợ với chồng, anh với em – khiến Nho giáo mang tinh thần bảo thủ
hơn so với Đàng Ngoài, cũng là một trong những yếu tố kìm hãm khiến loại hình nhà nho tài tử khó có thể xuất hiện ở đây.
1 Tất nhiên, vẫn có thể thấy phảng phất nét tài tử ở những nhà nho như Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Hào, Nguyễn Cư Trinh, thậm chí là cả Đào Duy Từ, nhưng chưa thể coi họ là những nhà nho tài tử đích thực được.
2 Xem thêm: Trần Ngọc Vương (1999), Nhà nho tài tử và văn học Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội, tr. 63 - 87.
Đàng Ngoài, trái lại, có một nền Nho học thịnh đạt. Điển hình thời Lê Thánh Tông, Quốc Tử Giám và Văn Miếu ở kinh đô từng trở nên một “học cung” thật sự đáng kính trọng. Hệ thống Văn Miếu ở các địa phương được tu tạo hay xây dựng mới, tuân theo quy chế và nguyên tắc sinh hoạt, tế lễ thống nhất từ trên xuống dưới. Nhiều trí thức là những bậc túc nho, được đào tạo và tự đào tạo theo một quy trình nghiêm ngặt của Nho giáo. Trong “rừng Nho” đó, nổi lên một số gương mặt xuất sắc, được số phận ưu đãi, thiên phú cho những phẩm chất hơn người. Vào tuổi thanh niên, hoặc khi đã trưởng thành, họ lại được nếm trải một môi trường sống mới - môi trường đô thị - làm biến đổi cảm quan và nhận thức về đời sống. Sức hấp dẫn của các quan hệ xã hội mới, trong nhiều trường hợp, đã làm biến đổi hẳn định hướng cuộc đời họ - trở nên là một người tài tử thực thụ. Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Du, Phạm Quý Thích, Phạm Thái, Nguyễn Huy Tự… là những nhà nho như thế. Tuy không phải là một bộ phận đông đảo, nhưng chính họ sẽ làm nên sinh sắc cho văn chương Đàng Ngoài sau một thời gian dài tiếp nối mạch nguồn truyền thống cũ. Cũng chính họ sẽ tạo nên những thành tựu mang tinh thần nhân văn sâu sắc mà văn học Đàng Trong, với sự chi phối của một hệ thống Nho giáo “bảo thủ” hơn, khó có thể đạt tới được.
Tuy nhiên, bù lấp cho sự khuyết thiếu được tạo nên bởi sự thiếu vắng loại hình tác giả đã làm văn chương Đàng Ngoài dậy sóng đó, văn học Đàng Trong lại được bổ sung một đội ngũ trí thức có truyền thống Hán học sâu sắc: những nhà nho gốc Minh hương.
3.2.2. Nhà nho gốc Minh hương
Song hành với cuộc di dân Nam tiến của dân tộc Việt, từ thế kỷ XVII, xứ Đàng Trong còn đón nhận một luồng di dân Hoa Nam (Trung Quốc), đầu tiên là các di thần phản Thanh phục Minh tị nạn chính trị rồi kế đó là những di dân người Hoa di trú vì lý do kinh tế. Năm 1679, Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch đem ba nghìn bộ chúng Hoa Nam tới Quảng Nam xin quy phụ và được cho vào cư trú ở Biên Hòa, Mỹ Tho. Năm 1708, nhóm Mạc Cửu định cư ở Hà Tiên xin quy phụ Hiển tông Phước Châu, được trao chức Tổng binh, cho giữ trấn Hà Tiên. Được gọi bởi một tên chung là người Minh hương, họ đã đưa đến những tác động tích cực nhiều mặt đối với quốc phòng, kinh tế, xã hội, văn hóa và cả văn học Đàng Trong khi đó… Ở đây, chúng tôi chỉ đề cập đến những tác giả - trí thức nhà nho gốc Minh