thể/ phức hợp hoạt động của con người”, nhưng khi trình bày cấu trúc của ĐSVH thì lại đưa cả những bộ phận không phải là hoạt động văn hoá vào (chủ thể văn hoá và thiết chế văn hoá). Điều đó là không logic.
Do vậy, tác giả Đinh Thị Vân Chi cho rằng cơ cấu của ĐSVH chỉ có thể là các hoạt động văn hóa trong thời gian rỗi, nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của con người. Đó là:
“- Những hoạt động sáng tạo không vụ lợi các sản phẩm văn hoá: Làm thơ, viết truyện, sáng tác nhạc, vẽ tranh, chụp ảnh nghệ thuật…
- Những hoạt động truyền bá không vụ lợi đối với các sản phẩm văn hoá: biểu diễn văn nghệ, ngâm thơ, sinh hoạt câu lạc bộ nghệ thuật hoặc thể thao, chơi trò chơi, chơi thể thao…
- Những hoạt động thưởng thức sản phẩm văn hoá: nghe nhạc, xem ti vi, xem kịch, xem phim, đọc sách báo, dã ngoại…
Trong cơ cấu ĐSVH không thể có thiết chế văn hoá và chủ thể văn hoá vì đó không phải là các dạng hoạt động. Nhưng để thực hiện hoá được ĐSVH thì rất cần 2 yếu tố đó. Để xây dựng ĐSVH cũng vậy.
Nghĩa là, khi nghiên cứu ĐSVH chúng ta hoàn toàn có thể xét đến chủ thể văn hoá và thiết chế văn hoá, nhưng chỉ là khi bàn đến việc thực hiện và xây dựng ĐSVH, chứ hoàn toàn không có nghĩa là chúng nằm trong cơ cấu của ĐSVH” [95].
Quan điểm của tác giả Đinh Thị Vân Chi phù hợp với quan niệm của tác giả Hoàng Vinh về các “dạng hoạt động văn hoá phổ biến”. Tác giả Hoàng Vinh viết: “có thể là một số dạng hoạt động văn hoá phổ biến như sau:
- Hoạt động sáng tác và biểu diễn văn nghệ, ứng dụng khoa học vào đời sống;
Có thể bạn quan tâm!
- Đời sống văn hóa của cư dân ven biển Hà Tĩnh thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa - 1
- Đời sống văn hóa của cư dân ven biển Hà Tĩnh thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa - 2
- Khái Niệm Đời Sống Văn Hoá Và Cơ Cấu Của Nó
- Vị Trí Địa Lý, Đặc Điểm Tự Nhiên, Dân Cư, Kinh Tế Và Văn Hoá
- Tình Hình Công Nghiệp Hoá, Hiện Đại Hoá Ở Vùng Ven Biển Hà Tĩnh
- Đời sống văn hóa của cư dân ven biển Hà Tĩnh thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa - 7
Xem toàn bộ 262 trang tài liệu này.
- Hoạt động khai trí - giáo dục nhằm nâng cao kiến thức cho mọi người: dạy học, diễn giảng, toạ đàm, thư viện, thông tin;
- Hoạt động lưu giữ sản phẩm văn hoá: bảo tàng, lưu trữ, triển lãm, sưu tập;
- Hoạt động tiêu dùng sản phẩm văn hoá: đọc sách, báo, nghe âm nhạc, xem nghệ thuật, phim ảnh, triển lãm, bảo tàng, tham quan, du lịch;
- Hoạt động lễ hội, tín ngưỡng, xây dựng phong tục nếp sống gia đình văn hoá;
- Hoạt động thể dục, thể thao, vui chơi giải trí trong thời gian rỗi”. [104, tr.267]
Như vậy, ĐSVH theo nghĩa “hẹp” thực chất là một bộ phận của ĐSVH theo nghĩa rộng, bộ phận “hoạt động văn hóa phổ biến” của nó (như tác giả Hoàng Vinh quan niệm).
Trong mục 1.2.1.1, NCS đã sử dụng quan điểm của Viện Văn hóa - Bộ Văn hóa và Đinh Thị Vân Chi về ĐSVH để nghiên cứu đề tài luận án nên cũng tán thành cách chia cơ cấu ĐSVH của tác giả dựa vào các dạng hoạt động văn hóa chung. Song, NCS cho rằng tác giả Hoàng Vinh đưa ra cơ cấu các dạng hoạt động văn hoá cụ thể hơn, phong phú hơn (và cũng không mâu thuẫn với tác giả Đinh Thị Vân Chi). Do vậy, trong luận án nghiên cứu sinh dựa trên cơ cấu các dạng hoạt động văn hoá của tác giả Hoàng Vinh là cơ bản. Tất nhiên như phần phạm vi nghiên cứu (ở phần mở đầu), nghiên cứu sinh chỉ đi sâu vào hai dạng hoạt động trong ĐSVH của cư dân ven biển Hà Tĩnh là: hoạt động tín ngưỡng, lễ hội, phong tục (có tính truyền thống) và hoạt động tiêu dùng văn hoá (có tính đương đại) mà thôi.
1.2.2. Quan niệm về biến đổi văn hoá
Để nhận diện xu hướng vận động, biến đổi đời sống văn hoá cần chỉ rò nội hàm khái niệm biến đổi văn hoá và tính tất yếu khách quan của sự biến đổi đời sống văn hoá của mỗi vùng, miền, mỗi quốc gia dân tộc nói riêng và nhân loại nói chung.
Biến đổi văn hoá (cultural change) là chủ đề nghiên cứu rộng của nhiều ngành khoa học: văn hoá học, xã hội học, nhân học... Theo Từ điển Nhân học, biến đổi văn hoá là quá trình vận động của tất cả các xã hội. Có rất nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu về biến đổi văn hoá và đều có điểm chung giống nhau khi cho rằng không có nền văn hoá nào đứng yên một chỗ, cũng như không có một nền văn hoá nào không có sự thay đổi gì so với thời kỳ khai nguyên của nó. Có thể điểm qua quan điểm về sự biến đổi văn hoá: Ngay từ thế kỷ XIX, các nhà khoa học khởi xướng thuyết tiến hoá lụận là E.B.Tylor và L. Morgan cho rằng: “Sự phát triển tiến bộ tiến hoá của các nền văn hoá là xu hướng chính trong lịch sử loài người. Xu hướng phát triển này là rất hiển nhiên, vì rằng có nhiều dữ kiện theo tính liên tục của nó có thể sắp xếp vào một trật tự xác định, mà không thể làm ngược lại” [109, tr.53].
Cuối thế kỷ XIX, thuyết truyền bá luận ra đời và phát triển phổ biến ở các nước Âu - Mỹ. Tác giả Ph.Ratxen, người Đức trong cuốn Địa lý học nhân loại
Nhập môn dân tộc học đã có những kết luận về sự truyền bá các nền văn hoá trong không gian, về sự hình thành và nguồn gốc của chúng. Ph.Ratxen nhìn nhận nguồn gốc cơ bản của những biến đổi trong các nền văn hoá là ở những tiếp xúc qua lại giữa chúng. Các đại biểu của xu hướng truyền bá luận cho rằng: truyền bá, tiếp xúc, đụng chạm, hấp thụ, thiên di văn hoá là nội dung chủ yếu của quá trình lịch sử. Như vậy, quan điểm nghiên cứu về biến đổi văn hoá của các nhà truyền bá luận đối lập với quan điểm của các nhà tiến hoá luận.
Từ năm 1920 đến năm 1950, một phương pháp tiếp cận biến đổi văn hoá có ảnh hưởng lớn ở nước Anh là thuyết chức năng, trong đó phải kể đến hai nhà nghiên cứu Radcliffe Brown và Malinowski. Theo quan điểm của các nhà chức năng luận, một nền văn hoá thay đổi khi nó chịu những tác động bên ngoài. Đưa ra quan điểm này, các nhà chức năng luận không có ý định nghiên cứu sự thay đổi các mối quan hệ xã hội, mà ý định của họ chính là nghiên cứu mối quan hệ qua lại về chức năng của các hệ thống văn hoá, xã hội, chứ không phải nghiên cứu cách thức hệ thống này được thay đổi.
Đến năm 1955, phương pháp tiếp cận biến đổi văn hoá khác trong nhân học Bắc Mỹ về sinh thái văn hoá đã được Julian Steward khởi xướng, năm 1960 phương pháp này đã có ảnh hưởng lớn ở cả khu vực và trên thế giới. Julian Steward cho rằng, biến đổi có thể là một sản phẩm ngẫu nhiên của lịch sử hay sự kiện tình cờ do tiếp xúc giữa các nền văn hoá với nhau. Ông đưa ra nhiều nghiên cứu để chứng minh rằng, biến đổi văn hoá có thể được giải thích chủ yếu xét về sự thích nghi tiến bộ của một nền văn hoá nào đó với môi trường của chúng.
Biến đổi văn hoá diễn ra theo nhiều chiều và nhiều cấp độ khác nhau. Tuy nhiên, đã có sự tương đối thống nhất về định nghĩa trong các cuốn Từ điển các khái niệm nhân học văn hoá, Robert H.Winthdrop đã nêu rò: “Biến đổi văn hoá bao hàm những sự chia sẻ, những sự biến đồi tương đối lâu dài của những mô hình ứng xử và niềm tin văn hoá. Nhìn ở khía cạnh lịch sử, xã hội nào cũng biểu lộ những sự biến đổi, cũng trộn lẫn những sự tiếp nối và biến đổi” [110, tr.65-66].
Trong công trình Biến đổi văn hoá ở các làng quê hiện nay (trường hợp làng Đồng Kỵ, Trang Liệt và Đình Bảng thuộc huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) (2009),
Nguyễn Thị Phương Châm đã chia cuốn sách thành 3 chương, trong đó, tác giả dành hẳn chương 1 viết về Biến đồi văn hoá: Những tiền đề lý thuyết và thực tiễn, theo Nguyễn Thị Phương Châm: “Dù còn rất nhiều quan điểm, những sự phân tích khác nhau về toàn cầu hoá và văn hoá, nhưng các nhà nghiên cứu có chung thống nhất cho rằng sự biến đổi văn hoá là xu hướng tất yếu trong quá trình toàn cầu hoá, sự biến đổi ấy đã và đang diễn ra rất đa dạng, ở nhiều cấp độ và diễn ra theo nhiều chiều hướng khác nhau” [11, tr.17].
Theo Nguyễn Thị Phương Châm: “Biến đổi văn hoá được hiểu là quá trình vận động của các xã hội (...) Để nghiên cứu các chiều cạnh của biến đổi văn hoá, các nhà nhân học, xã hội học, văn hoá học... thường gắn nó với phát triển, với toàn cầu hoá, hiện đại hoá, đô thị hoá, công nghiệp hoá (...) Ở mức độ cụ thể hơn, sự biến đổi văn hoá được tìm hiểu trong quá trình hiện đại hoá gắn với sự phát triển kinh tế toàn cầu, đặc biệt ở những xã hội đang chuyển đổi từ kinh tế nông nghiệp sang kinh tế công nghiệp, từ xã hội truyền thống sang xã hội hiện đại” [11, tr. 9, 11, 18]. Nghiên cứu biến đổi văn hoá ở nước ta hiện nay, tác giả viết: Công cuộc đổi mới bắt đầu từ năm 1986 mang theo làn gió mới đến cho sự thay da đổi thịt ở các làng quê (...) Tìm hiểu về những sự biến đổi văn hoá ở các làng quê, đặt làng trong các dòng chảy kinh tế, xã hội và văn hoá là vấn đề trọng tâm trong các nghiên cứu về làng Việt châu thổ sông Hồng trong hai thập kỷ qua” [11, tr.47 - 48].
Những nghiên cứu của các tác giả trên đều dễ dàng nhận thấy một điểm chung về biến đổi văn hoá, rằng biến đổi văn hoá là một hiện tượng phổ biến, là một bước tiến bộ trong sự phát triển của dân tộc và nhân loại; biến đổi văn hoá là do quá trình thay đổi phương thức sản xuất, kỹ thuật sản xuất, dẫn đến thay đổi nếp nghĩ, nếp sống, đời sống tinh thần phù hợp với những biến đổi về chính trị, kinh tế, xã hội trong từng giai đoạn lịch sử nhất định của mỗi dân tộc.
Nghiên cứu biến đổi văn hoá của cư dân vùng ven biển Hà Tĩnh là nghiên cứu về biến đổi văn hoá truyền thống (chủ yếu là tín ngưỡng, lễ hội, phong tục) và tiêu dùng văn hoá (sản phẩm, phương thức tiêu dùng) trong đời sống của họ như phần phạm vi nghiên cứu đã đề cập.
1.2.3. Quan niệm về tiêu dùng văn hoá
Khi bàn về văn hoá tiêu dùng, tác giả Lê Như Hoa cho rằng: “Tiêu dùng văn hoá tức là dùng những sản phẩm văn hoá (được sản xuất ra trong lĩnh vực tinh thần) vào sinh hoạt hàng ngày, phục vụ cho sinh hoạt cá nhân, gia đình, cộng đồng; vào mục đích văn hoá nhằm hoàn thiện nhân cách người, gia đình, cộng đồng” [38]. Từ quan niệm trên có thể hiểu, tiêu dùng văn hoá là cách thức sử dụng các sản phẩm văn hoá dưới dạng tinh thần trong đời sống thường nhật, việc tiêu dùng này góp phần không nhỏ vào việc nâng cao ý thức và giá trị về mặt nhân cách của người tiêu dùng.
Tác giả Nguyễn Tiến Mạnh cho rằng: “Tiêu dùng văn hoá là một khái niệm chỉ một loại tiêu dùng mà ở đó, thông qua việc dùng các sản phẩm văn hoá hoặc dịch vụ văn hoá mà nhu cầu tinh thần của con người được thoả mãn, đáp ứng” [53]. Theo đó, tiêu dùng văn hoá thể hiện trong một số lĩnh vực chủ yếu như: Du lịch, thể dục thể thao, văn hoá, nghệ thuật giải trí, giáo dục… Trong bối cảnh hiện nay, tiêu dùng văn hoá còn được hiểu chính là tính trào lưu, phổ biến, tính khoa học kỹ thuật, tính đại chúng và tính toàn cầu hoá. Từ khái niệm nêu trên cho thấy, tiêu dùng văn hoá là đề cập đến sản phẩm văn hoá tinh thần và dịch vụ văn hoá tinh thần được người tiêu dùng văn hoá đánh giá cao, họ được sở hữu, tiêu dùng và thưởng thức thông qua phương tiện tiêu dùng và cách thức tiêu dùng.
Từ những quan điểm của các tác giả đi trước viết về tiêu dùng văn hoá, NCS thấy rằng, ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, tiêu dùng văn hoá đều có tính đặc trưng của thời đại và đa phần là theo chiều hướng phát triển hướng tới tương lai. Tuy nhiên, tiêu dùng văn hoá dù ở thời đại nào đi chăng nữa thì cũng cần phải có điều kiện để tồn tại và phát triển, đó là điều kiện kinh tế và sự phát triển của khoa học công nghệ. Điều kiện kinh tế sẽ quyết định đến mức độ, số lượng, chất lượng trong tiêu dùng văn hoá của chủ thể văn hoá. Song các yếu tố về kinh tế chịu sự chi phối của yếu tố khoa học công nghệ, bởi trên thực tế khi khoa học công nghệ chưa phát triển, chưa sản xuất ra các sản phẩm hiện đại thì tiêu dùng văn hoá chỉ ở một mức độ nhất định.
Từ những quan niệm về tiêu dùng văn hoá của các tác giả đi trước đã trình
bày ở trên, trong phạm vi nội dung của luận án, tiêu dùng văn hoá được NCS đề cập là việc sử dụng những sản phẩm văn hoá để đáp ứng, thoả mãn nhu cầu tinh thần của cư dân hiện nay, và việc tiêu dùng sản phẩm văn hoá này cũng chỉ đề cập đến tiêu dùng sản phẩm tinh thần, gắn liền với sản phẩm tinh thần là công cụ phương tiện tiêu dùng văn hoá và phương thức tiêu dùng văn hoá. Chẳng hạn, trong tiêu dùng trực tiếp sản phẩm văn hoá như: tiêu dùng các chương trình truyền hình, phim ảnh, phần mềm trò chơi điện tử, sách báo, tạp chí và cũng bao gồm các loại sản phẩm phương tiện phục vụ tiêu dùng sản phẩm văn hoá liên quan cần có như: Ti vi, đầu đĩa, máy tính… và hàng loạt hệ thống cơ sở thiết chế văn hoá như: thư viện, nhà triển lãm trưng bày, nhà hát, rạp chiếu phim …
Việc nhận diện sự tiêu dùng (hành vi tiêu dùng) văn hoá của cư dân, có thể được xem xét trên nhiều góc độ, khía cạnh khác nhau dựa vào các tiêu chí khác nhau. Căn cứ vào đối tượng (chủ thể) tiêu dùng, chúng ta có: tiêu dùng cá nhân, tiêu dùng cộng đồng, tiêu dùng nhóm. Trong tiêu dùng nhóm, có thể được phân thành các nhóm dựa vào lứa tuổi (trẻ em, thanh niên, người già…), dựa vào nghề nghiệp (sinh viên, công nhân, ngư dân,…), dựa vào mức sống (giàu, nghèo,…). Căn cứ vào phương thức tiêu dùng, ta có: đọc, nghe - nhìn, tổng hợp,… Căn cứ vào nội dung, giá trị của sản phẩm văn hoá, có: văn hoá truyền thống, văn hoá hiện đại,… Căn cứ vào phương tiện chuyển tải, có: đài, ti vi, truyền hình cáp, mạng Internet,… Căn cứ vào không gian tiêu dùng, có: tiêu dùng tại gia đình, tiêu dùng tại địa điểm công cộng. Căn cứ vào thời gian rỗi, có: tiêu dùng hàng ngày, tiêu dùng hàng tuần, tháng, năm. Căn cứ vào loại hình sản phẩm văn hoá, có: văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí,… Căn cứ vào loại hình nghệ thuật, có: phim (điện ảnh), ca nhạc,… Trong luận án, tiêu dùng văn hoá của cư dân ven biển Hà Tĩnh hiện nay được nhận diện dựa trên tiêu chí không gian tiêu dùng, gồm có: tiêu dùng văn hoá tại gia đình và tiêu dùng văn hoá tại các địa điểm công cộng. Tuy nhiên, dù cách phân loại dựa vào tiêu chí nào cũng chỉ mang tính tương đối, vì trong hình thức phân loại này lại mang đặc điểm của cách phân loại kia. Do đó, mặc dù luận án dựa vào tiêu chí không gian, nhưng trong từng địa điểm không gian đó, lại được đề cập dựa trên phương tiện chuyển tải. Vì vậy, sự phân loại ở đây chỉ có ý nghĩa giúp người nghiên cứu dễ dàng
hơn trong quá trình tiếp cận vấn đề nghiên cứu. Từ đó có thể thấy được mức độ, chất lượng, thị hiếu cũng như tác động của tiêu dùng sản phẩm văn hoá đến các chủ thể văn hoá đang tụ cư tại vùng ven biển Hà Tĩnh trong giai đoạn hiện nay.
1.2.4. Quan niệm về công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Theo cách hiểu cổ điển, công nghiệp hóa là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất và sử dụng sức lao động thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động dựa trên phát triển của ngành công nghiệp cơ khí. Trong thời đại ngày nay, CNH được hiểu không chỉ là quá trình chuyển dịch từ nền kinh tế trong đó nông nghiệp giữ vai trò chủ đạo sang nền kinh tế công nghiệp là chủ đạo, mà CNH còn được hiểu là quá trình chuyển dịch từ kinh tế nông nghiệp (hay tiền công nghiệp) sang kinh tế công nghiệp, từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp, từ văn minh nông nghiệp sang văn minh công nghiệp.
Hiện đại hóa được hiểu là quá trình ứng dụng và trang bị các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại vào quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và quá trình kinh tế-xã hội nói chung. Theo cách hiểu phổ biến hiện nay, HĐH là quá trình chuyển biến từ tính chất truyền thống cũ sang trình độ tiên tiến, hiện đại. Về ý nghĩa kinh tế-xã hội, HĐH được giải thích là quá trình chuyển dịch căn bản từ xã hội truyền thống sang xã hội hiện đại. Trong thời đại ngày nay, cũng có thể nói rằng HĐH tương ứng với thời kỳ tri thức hóa.
Ở nước ta, thường sử dụng cả cụm từ CNH, HĐH với cách hiểu công nghiệp hóa và hiện đại hóa luôn luôn gắn kết với nhau trong cùng một quá trình. Sự nghiệp CNH, HĐH ở nước ta bắt đầu được khởi xướng từ những năm cuối của thế kỷ XX. Tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) diễn ra vào ngày 25/7/1994, thảo luận và thông qua Nghị quyết về “Phát triển công nghiệp, công nghệ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng giai cấp công nhân trong giai đoạn mới”. Hội nghị lần thứ bảy cũng đã đưa ra định nghĩa về CNH, HĐH là: “Công nghiệp hoá, hiện đại hoá là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và quản lý kinh tế, xã hội từ sử dụng lao động thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động cùng với công nghệ, phương tiện và phương pháp tiên tiến, hiện đại, dựa trên sự
phát triển của công nghiệp và tiến bộ khoa học - công nghệ, tạo ra năng suất lao động xã hội cao”[23]. Từ điển Bách khoa Việt Nam đã trích định nghĩa này làm khái niệm CNH, HĐH có bổ sung: “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay lấy CNH gắn với HĐH đất nước” là “Quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và quản lý kinh tế - xã hội từ sử dụng lao động thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động cùng với công nghệ, phương tiện và phương pháp tiên tiến, hiện đại, dựa trên sự phát triển của công nghiệp và tiến bộ khoa học - công nghệ, tạo ra năng suất lao động xã hội cao. Quá trình xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, xây dựng nền công nghiệp đại cơ khí có khả năng cải tạo (trước hết là nền nông nghiệp và toàn bộ nền kinh tế quốc dân) nhằm biến một nước kinh tế chậm phát triển, sản xuất nhỏ là phổ biến sang nền sản xuất lớn sang chuyên môn hóa, hiện đại hóa”[40, tr.732].
Theo quan niệm trên, nội dung CNH, HĐH chủ yếu ở nước ta gồm:
- Thực hiện cuộc cách mạng khoa học-công nghệ để xây dựng cơ sở vật chất- kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội, phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất.
- Xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý và phân công lại lao động xã hội.
Để thực hiện hai nội dung trên, nội dung cụ thể được xác định ở những năm trước mắt là: Đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn, giải quyết đồng bộ các vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân; phát triển nhanh hơn công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; phát triển kinh tế vùng; phát triển kinh tế biển.
Như vậy, phát triển kinh tế biển được xác định là một trong những nội dung trước mắt của CNH, HĐH đất nước “Xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; sớm đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển trong khu vực, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế” [25].
Có thể nói, sự tác động của CNH, HĐH một mặt làm cho đời sống văn hóa của cư dân ven biển Hà Tĩnh được nâng cao, tạo ra nhiều cơ hội mới trong giao lưu, tiếp biến, sáng tạo,…Nhưng, mặt khác cũng đưa đến những thách thức mới trong đời sống văn hóa của cư dân ven biển Hà Tĩnh thời kỳ CNH, HĐH.