Vị Trí Địa Lý, Đặc Điểm Tự Nhiên, Dân Cư, Kinh Tế Và Văn Hoá


1.2.5. Quan niệm vùng và vùng ven biển Hà Tĩnh

1.2.5.1. Quan niệm vùng

Vùng là một thuật ngữ được luận bàn khá nhiều ở nước ta cũng như ở một số nước trên thế giới, nhiều nhất là vào những năm cuối của thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, việc luận bàn này vẫn chưa đưa đến một khái niệm đồng nhất, do đó cách hiểu và áp dụng thuật ngữ “vùng” vào thực tiễn ở nước ta vẫn còn rất khác nhau.

Trong các văn bản của nhà nước “vùng” được dùng để chỉ một không gian địa lý nhất định có tính xa xôi hẻo lánh, cách trở về khoảng cách giữa vùng đó đến với nơi trung tâm chính trị - kinh tế - văn hoá, như “vùng sâu”, “vùng xa”,…“Vùng” có khi được dùng để chỉ một không gian lãnh thổ, bao gồm nhiều tỉnh mà các tỉnh đó có chung đặc điểm hoặc một số đặc điểm nhất định nào đó, như: vùng Bắc Bộ, vùng Tây Bắc, vùng Bắc Trung Bộ,.... Cách sử dụng này được thực hiện trong lịch sử phân vùng của nước ta nhằm chủ yếu phục vụ cho mục đích quản lý.

Trong dân gian thuật ngữ “vùng” được sử dụng để chỉ một khu vực có mức độ rộng, hẹp khác nhau, như “vùng Hưng Yên”, “vùng Nghệ Tĩnh”, “vùng Hải Phòng”, “vùng Hà Tĩnh”, “vùng Nghi Xuân”, “vùng Đức Thọ”, “vùng Cầu Giấy”,… Cũng trong dân gian, từ xa xưa đã từng gọi các miền, các vùng trong cả nước bằng từ xứ: xứ Đông, xứ Đoài, xứ Nam, xứ Bắc, xứ Thanh, xứ Nghệ, xứ Quảng, … Với quan niệm vùng theo nghĩa này không chỉ đơn thuần dựa trên cái nhìn địa lý, mà còn phần nào có sự chiêm nghiệm về văn hoá dân gian [106, tr.9].

Như vậy, sự khác nhau về khái niệm “vùng” được thể hiện trong cách nói, cách sử dụng của người dân, cho đến sự phân chia, hoạch định vùng trong công tác quản lý của các cấp quản lý... Sau đó giới khoa học đã quan tâm đến vấn đề này. Xu hướng chung của các nhà khoa học đều bắt đầu từ việc đề cập khái niệm, tiêu chí phân vùng và việc phân nước ta ra các vùng khác nhau dựa trên những tiêu chí nhất định.

Trong công trình “Chấn hưng các vùng và tiểu vùng văn hoá”, các tác giả cho rằng: Vùng (Region) là một khu vực địa lý (vùng đất, vùng trời, vùng biển), không gắn với sự trực thuộc về mặt hành chính, lãnh thổ (Territoire) thì được hiểu là một vùng địa lý trực thuộc vào một cơ quan hành chính. Do đó trong một lãnh thổ


có thể có nhiều vùng và trong một vùng có thể gồm nhiều lãnh thổ [106, tr. 88-89].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 262 trang tài liệu này.

Từ cách gọi vùng trong dân gian, cách phân vùng trong lịch sử quản lý, đến quan niệm vùng của các nhà khoa học, cho thấy “vùng” thực chất là việc phân chia không gian lãnh thổ ra những đơn vị có mức độ rộng, hẹp khác nhau (tuỳ vào mục đích của việc phân vùng), mà ở đó có chung đặc điểm hoặc một số đặc điểm nhất định, thường là để phục vụ cho một mục đích nào đó. Do đó, phân vùng là sản phẩm của tư duy khoa học, dựa trên một số tiêu chí và phương pháp mà người làm công tác nghiên cứu đã lựa chọn. Vì vậy trên cùng một lãnh thổ, có thể có nhiều sơ đồ phân vùng khác nhau và khó có thể có một sự phân vùng “khách quan” tuyệt đối. Tuy nhiên, cũng có thể coi vùng là một bộ phận của lãnh thổ quốc gia có một sắc thái đặc thù nhất định, hoạt động như một hệ thống do có những mối quan hệ tương đối chặt chẽ giữa các thành phần cấu tạo nên nó cũng như những mối quan hệ có chọn lọc với các không gian các cấp bên ngoài.

1.2.5.2. Vùng ven biển Hà Tĩnh

Đời sống văn hóa của cư dân ven biển Hà Tĩnh thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa - 5

Về vùng ven biển, được hiểu không chỉ là vùng nước chạy cặp bờ biển, chịu ảnh hưởng của biển rò rệt mà còn bao gồm cả dải đất liền ven biển bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của biển. Thí dụ như vùng các cửa sông bị tác động bởi mực thủy triều lên, xuống, theo đó mang theo nguồn lợi từ biển vào sông, từ sông ra biển. Về mặt đời sống vùng ven biển không chỉ có nghề cá mà ở đấy còn có sản xuất nông nghiệp, làm muối, và các nghề thủ công liên quan như: làm câu, đan lưới, đóng thuyền... Về mặt đời sống văn hóa vùng ven biển là vùng mà các cư dân có tập tục chỉ dùng các sản phẩm từ biển, bị chi phối bởi “lịch con nước” và bởi các tín niệm từ biển như tập tục thờ cá Ông (Voi)... Với các yếu tố như vừa đề cập mà tùy theo đặc điểm địa lý cụ thể ở từng nơi, vùng ven biển có thể ăn sâu vào trong đất liền ở các mức độ rộng, hẹp khác nhau, có nơi ăn sâu vào trong đất liền hàng chục ki lo mét…

Theo như những gì đã đề cập trên đây, vùng ven biển được đề cập trong luận án là một khu vực (không gian) địa lý (vùng đất) nằm dọc bờ biển Hà Tĩnh, không gắn với sự trực thuộc về mặt hành chính lãnh thổ, được kéo dài từ


đầu tỉnh đến cuối tỉnh Hà Tĩnh, đi qua lãnh thổ của 5 huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh. Đây cũng là một trong “bốn dạng địa hình cơ bản ở Hà Tĩnh” là: vùng núi, vùng trung du, vùng đồng bằng (nội đồng) và vùng ven biển [15, tr.48].

Căn cứ vào các yếu tố trên, vùng ven biển Hà Tĩnh hiện nay có 35 xã: Xuân Hội, Xuân Trường, Xuân Đan, Xuân Phổ, Xuân Hải, Xuân Yên, Xuân Thành, Cổ Đạm, Xuân Liên, Cương Gián (thuộc huyện Nghi Xuân), Thịnh Lộc, Thạch Kim, Thạch Bằng, Thạch Châu, Mai Phụ, Hộ Độ (thuộc huyện Lộc Hà), Thạch Bàn, Thạch Hải, Thạch Lạc, Thạch Trị, Thạch Văn, Thạch Hội (thuộc huyện Thạch Hà), Cẩm Hoà, Cẩm Dương, thị trấn Thiên Cầm, Cẩm Nhượng, Cẩm Lĩnh (thuộc huyện Cẩm Xuyên), Kỳ Xuân, Kỳ Phú, Kỳ Khang, Kỳ Ninh, Kỳ Hà, Kỳ Lợi, Kỳ Phương, Kỳ Nam (thuộc huyện Kỳ Anh). Các xã ven biển Hà Tĩnh đều chịu sự tác động và ảnh hưởng trực tiếp của môi trường biển.

1.3. Khái quát về vùng ven biển Hà Tĩnh

1.3.1. Vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên, dân cư, kinh tế và văn hoá

1.3.1.1. Vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên

Tỉnh Hà Tĩnh thuộc vùng duyên hải Bắc Trung bộ có toạ độ địa lý từ 17053'50'' đến 18045'40'' vĩ độ Bắc và 105005'50'' đến 106o30'20'' kinh độ Đông, cách thủ đô Hà Nội 340 km về phía Nam, phía Bắc giáp tỉnh Nghệ An, phía Nam giáp tỉnh Quảng Bình, phía Đông giáp biển Đông, phía Tây là dãy Trường Sơn tiếp giáp với nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào. Diện tích đất tự nhiên 6.025,6 km2, chiếm khoảng 1,7% diện tích toàn quốc. Địa hình Hà Tĩnh hẹp và dốc nghiêng dần từ Tây sang Đông, ở phía Tây có nhiều dãy núi cao; phía dưới là vùng đồi thấp giống bát úp; tiếp nữa là dải đồng bằng nhỏ hẹp chạy ra biển; sau cùng là những bãi cát ven biển với nhiều vũng, vịnh. Nhìn tổng thể địa hình Hà Tĩnh có 4 dạng: vùng núi, vùng đồi trung du, vùng đồng bằng (nội đồng) và vùng ven biển.

Vùng ven biển Hà Tĩnh chiếm chưa đến 10% diện tích của tỉnh, bờ biển dài 137km, địa hình trung bình cao trên dưới 3m so với mực nước biển, bị uốn lượn theo mức độ thấp ra cửa biển từ vùng đồi núi phía Tây, càng về phía Nam càng hẹp.


Phía Bắc giáp vùng biển của tỉnh Nghệ An, phía Nam giáp vùng biển của tỉnh Quảng Bình, phía Đông giáp biển Đông, phía Tây là vùng nội đồng nhỏ hẹp bị chia cắt bởi các dãy núi, sông suối. Dọc bờ biển Hà Tĩnh có bốn cửa sông (cửa biển) là Cửa Hội, Cửa Sót, Cửa Nhượng và Cửa Khẩu. Ven biển Hà Tĩnh có nhiều dãy núi nhô ra tận biển, nhiều nhất là ở bờ biển phía nam (từ huyện Thạch Hà trở vào) như: núi Nam Giới (Thạch Bàn, Thạch Hà), núi Thiên Cầm (thị trấn Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), núi Bàn Độ, núi Cao Vọng, núi Chóp Cờ (núi Kỳ Đầu), Đèo Ngang (huyện Kỳ Anh). Ngược lại với bờ biển phía nam, bờ biển phía bắc (thuộc địa phận huyện Nghi Xuân) địa hình tương đối bằng phẳng, không có núi, với chiều dài 32km, được ngăn cách với bờ biển của huyện Lộc Hà bởi ngọn Hồng Lĩnh. Các ngọn núi dọc bờ biển Hà Tĩnh không cao lắm.

Về khí hậu, vùng ven biển Hà Tĩnh có chung một đặc điểm khí hậu của tỉnh, nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa với đặc trưng của khí hậu miền Bắc, Nhiệt độ bình quân ở Hà Tĩnh thường cao, nhiệt độ không khí vào mùa đông chênh lệch thấp hơn mùa hè, bình quân mùa đông thường từ 18 - 22oC, mùa hè từ 25,5 - 33oC. Vùng ven biển Hà Tĩnh, cũng như Hà Tĩnh nói chung có lượng mưa nhiều, trừ một phần nhỏ ở phía bắc, còn lại các vùng khác có lượng mưa bình quân hàng năm đều trên 2000mm, cá biệt có nơi trên 3000mm.

Biển Hà Tĩnh có diện tích thềm lục địa 18.400 km2, có hai dòng hải lưu nóng

ấm, mát lạnh chảy ngược, hoà trộn vào nhau. Một dòng cách ven bờ khoảng 30 - 40km, một dòng ở ngoài và sâu hơn. Vùng biển có hai khối nước hỗn hợp pha trộn thường nằm ở độ sâu 20 - 30m, vùng này cá thường tập trung sinh sống. Nhiệt độ nước bề mặt cũng thay đổi theo mùa, nhiệt độ cực đại vào tháng 7, tháng 8 có giá trị tuyệt đối khoảng 30 - 31oC và cực tiểu vào tháng 12 đến tháng 3 khoảng 18 - 22oC,

nhiệt độ nước cũng tăng dần lên theo hướng Nam và Đông Nam. Biển Hà Tĩnh có nhiều đảo nhỏ nằm ở gần bờ: Cách bờ biển huyện Nghi Xuân 4km có hòn Nồm, hòn Lạp; ngoài khơi Cửa Nhượng huyện Cẩm Xuyên cách bờ 5km có hòn Én, cách bờ 2km có hòn Bơớc; ở phía nam huyện Kỳ Anh cách bờ biển xã Kỳ Lợi 4km có đảo Sơn Dương độ cao 123m, xa hơn phía Đông có hòn Chim,…


Vùng biển Hà Tĩnh có chế độ thuỷ triều, độ sâu, địa mạo, địa hình, đường đẳng sâu đáy biển, gió mùa Đông Bắc... nên có đầy đủ thực vật phù du của Vịnh Bắc Bộ, với 193 loài tảo, lượng phù sa của vùng sông Hồng, sông Mã, sông Cả (sông Lam) tạo ra nhiều nguồn thức ăn cho các loại hải sản sinh sống, cư trú. Do đó biển Hà Tĩnh có tiềm năng lớn về hải sản, trữ lượng cá ước tính 86.000 tấn (trữ lượng cá đáy 45.000 tấn, cá nổi 41.000 tấn), trong đó có khả năng cho phép đánh bắt 54.000 tấn/năm, có 267 loài cá thuộc 97 họ, trong đó có 60 loài có giá trị kinh tế cao. Trữ lượng tôm khoảng 500 - 600 tấn, có 27 loài tôm, trữ lượng mực vùng lộng 3.000 - 3.500 tấn,…

Ngoài ra, do đặc điểm tự nhiên, địa hình, cấu tạo,... vùng ven biển Hà Tĩnh còn có tiềm năng lớn về các mặt, như: có nhiều bãi biển đẹp có thể đầu tư xây dựng các khu du lịch- đô thị ven biển như: bãi biển Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên), bãi biển Xuân Thành (huyện Nghi Xuân), bãi biển Đèo Con, bãi biển Kỳ Ninh (huyện Kỳ Anh), bãi biển Thạch Bằng (huyện Lộc Hà), bãi biển Thạch Hải (huyện Thạch Hà),... có nhiều bãi triều, cồn cát, các vùng đất ngập nước, dải cát ven biển,… rất thuận lợi cho việc sản xuất muối và nuôi trồng thuỷ hải sản mặn, lợ,…Vùng biển Hà Tĩnh còn nằm ở vị trí địa lý thuận lợi để phát triển kinh tế hàng hải và giao thương quốc tế, đó là: nằm trên hành lang của các tuyến hàng hải quốc tế, là cửa ngò ra biển của Lào và Thái Lan thông qua QL12A, có đường QL1A, xa lộ Bắc Nam đi qua (và tương lai sẽ đấu nối với đường sắt Quốc gia). Ven biển Hà Tĩnh có tiềm năng về hệ thống các cảng biển, gồm: Cảng thương mại Xuân Hải (hiện có 2 bến được thiết kế cho tàu trọng tải 1.000DWT), Cảng cá cửa Sót, cảng cá Cẩm Nhượng, cảng cá Xuân Hội, cảng cá cửa Khẩu, … đặc biệt có cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương, là cảng biển quốc tế có khả năng tiếp nhận tàu từ 5 đến 20 vạn tấn, … Ven biển Hà Tĩnh có tiềm năng về tài nguyên khoáng sản lớn, như: Mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng khoảng 544 triệu tấn, có hàm lượng Fe 61,39 đến 62,38

%; quặng Titan ở ven biển Kỳ Anh có trữ lượng trên 5,3 triệu tấn, thuộc loại quặng giàu, hàm lượng Ilmenite từ 63,3 đến 147,4kg/m3, Zircon từ 3-5,2kg/m3. Từ năm 1999 đến nay đã tiến hành khai thác khoáng sản ven biển gồm sản phẩm từ Titan và


hiện tại đang tiến hành khai thác mỏ sắt Thạch Khê.

Với sự phong phú về tiềm năng, lợi thế, vùng ven biển Hà Tĩnh trong thời kỳ CNH, HĐH đang trở thành khu kinh tế trọng điểm của Bắc Trung bộ, thu hút mạnh mẽ nguồn đầu tư trong nước và nguồn đầu tư từ nước ngoài. Thực trạng đó làm cho vùng ven biển Hà Tĩnh từ chỗ thuần nhất về nền kinh tế, văn hoá, đang từng bước được phân hoá thành các khu kinh tế mới với những nét đặc thù của thời kỳ CNH, HĐH. Hiện nay, ở vùng ven biển Hà Tĩnh hình thành các khu kinh tế mới đó là: khu kinh tế đánh bắt, tập trung ở các xã cửa biển (Xuân Hội, Thạch Kim, Cẩm Nhượng, Kỳ Ninh); khu kinh tế du lịch, tập trung ở các xã có bãi biển đẹp (Xuân Thành, Thạch Bằng, Thiên Cầm, Đèo Con,…); khu kinh tế công nghiệp, tập trung ở địa bàn giàu tài nguyên khoáng sản với đặc điểm cửa biển sâu, giao thông thuận lợi, các tàu thuyền lớn ra vào dễ dàng, đó là các xã ven biển của huyện Kỳ Anh, nối liền với cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương, gồm có xã ven biển Kỳ Nam, Kỳ Phương, Kỳ Lợi, Kỳ Ninh,…

Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, biển Hà Tĩnh cũng bị ảnh hưởng bởi điều kiện khí hậu khắc nghiệt, thời tiết không thuận lợi, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai; tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, dẫn đến tình trạng xâm thực biển diễn ra mạnh, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cộng đồng cư dân ven biển.

1.3.1.2. Đặc điểm dân cư

* Qúa trình hình thành cư dân vùng ven biển Hà Tĩnh

Các nguồn tư liệu cho biết Hà Tĩnh là vùng đất cổ. Vào thời tiền sử đã có cư dân văn hoá Quỳnh Văn và cư dân văn hoá Bàu Tró cư trú, dấu vết để lại là các di chỉ khảo cổ mà các nhà khảo cổ học đã tìm thấy ở Thạch Hà, Cẩm Xuyên, thành phố Hà Tĩnh, Can Lộc, Đức Thọ, Nghi Xuân và một số địa điểm ở Hương Sơn, Hương Khê,… Tất cả các di chỉ khảo cổ học đã cung cấp tư liệu để chứng minh cư dân văn hoá Sơn Vi, cư dân văn hoá Quỳnh Văn, cư dân văn hoá Bàu Tró từng sinh tồn và phát triển trên mảnh đất này. Trong đó đặc biệt đáng chú ý là cư dân văn hoá Quỳnh Văn và cư dân văn hoá Bàu Tró, cư dân của hai nền văn hoá này được các nhà


nghiên cứu khẳng định là cư dân văn hoá biển. Trong các đống di tồn mà cư dân của hai nền văn hoá Quỳnh Văn và Bàu Tró để lại có xương của các loài cá biển rất lớn, từ dấu vết đó, các nhà khoa học cho rằng cư dân của hai nền văn hoá này đã tiến hành đi khơi, đi lộng và họ đã đánh bắt các loài cá lớn ở biển để ăn và để lại xương của các loài cá đó trong đống di tồn. Hầu hết các địa điểm di chỉ khảo cổ thuộc văn hoá Quỳnh Văn và văn hoá Bàu Tró tìm thấy trên đất Hà Tĩnh chỉ cách bờ biển ngày nay từ 4 - 12km, đó là: các di chỉ khảo cổ học ở Thạch Lạc, Thạch Lâm, Thạch Đài, Thạch Vĩnh thuộc huyện Thạch Hà; di tích Cẩm Thành ở huyện Cẩm Xuyên; di tích bãi Phôi Phối huyện Nghi Xuân; di tích núi Nài - thành phố Hà Tĩnh,... Căn cứ vào những di vật thu lượm được cũng như độ dày tầng văn hoá và mật độ phân bố dày đặc của 12 di chỉ khảo cổ học thuộc nền văn hoá Bàu Tró trên đất Hà Tĩnh, các nhà Khảo cổ học nhận định “cư dân văn hoá Bàu Tró đã có cuộc sống định cư lâu dài trên đất Hà Tĩnh và có xu hướng hướng ra biển, khai thác biển” [55, tr.152].

Tư liệu lịch sử còn cho biết, vào thời Hùng Vương vùng đất Hà Tĩnh thuộc bộ Cửu Đức, một trong 15 bộ của nước Văn Lang, núi Hoành Sơn (Đèo Ngang) là biên giới phía Nam của nhà nước Văn Lang với nhà nước Hồ Tôn (sau này là nước Lâm Ấp, rồi Chăm-pa năm 808), “Hoành Sơn là biên giới phía Nam của nước Văn Lang” [35].

Đến thời Bắc thuộc, một số tài liệu cho biết cư dân vùng ven biển Nghệ Tĩnh (bao gồm Hà Tĩnh và Nghệ An ngày nay), từ Quỳnh Lưu đến Kỳ Anh ngoài nghề trồng lúa, đã dùng thuyền ra khơi đánh cá và biết phơi nước biển lấy muối. Trải qua các triều đại phong kiến tự chủ “tại miền đất Hà Tĩnh đã có người Chiêm Thành (Chăm), người Trung Quốc (Hoa) và cả một số ít người Nhật đến cư trú, sinh sống, làm ăn, buôn bán. Nhưng ngày nay con cháu họ đã Việt hoá và một bộ phận đã hồi cư vào những năm sau Đại chiến Thế giới lần thứ hai. Sự đan xen ấy còn để lại dấu ấn văn hoá, tập tục của các dân tộc đó trong đời sống cư dân Hà Tĩnh” [87].

Các giai đoạn phát triển về sau, đặc biệt là dưới thời Lê, Nguyễn với nhiều lý do như: “Tìm miền đất lạ”, lánh nạn giặc ngoại xâm, nội chiến giữa các triều đại phong kiến, đi lính, đến làm quan,… cư dân một số nơi đến cư trú trên vùng đất Hà Tĩnh (thường là các cửa biển và vùng ven biển - vị trí thuận lợi trong giao thông


đường thuỷ - loại hình giao thông phổ biến trong lịch sử của dân tộc ta) rồi ở lại xây cơ lập nghiệp trên mảnh đất này. Do đó cư dân ở Hà Tĩnh có người từ các tỉnh phía Bắc (Nghệ An, Thanh Hoá, đồng bằng Bắc Bộ) vào, có người đằng trong (Quảng Trị, Quảng Bình) ra, có người Bồ Lô cư trú (di điệu còn lại khá đông ở các cửa biển Nghệ An và Hà Tĩnh), có cả người phương Bắc sang,...Đến thế kỷ thứ VII, VIII (SCN) có người Bồ Lô đến cư trú. Đến đời Nam Tống bị quân Nguyên Mông đánh thua ở Nhai Sơn, trên đường lánh nạn không ít trung thần nghĩa sĩ cuối nhà Nam Tống chạy xuống Việt Nam vào Nghệ Tĩnh để tìm nơi lánh nạn, họ cư trú phần lớn ở tại các làng ven biển. Từ đó về sau, ngoài cư dân bản địa, cư dân đến cư trú từ các thế kỷ trước, có bao họ, bao người từ đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hoá, phương Nam đến cư trú tại các làng ven biển Hà Tĩnh trong nhiều thời gian khác nhau, bây giờ họ sống trong các cộng đồng làng xã ở ven biển Nghệ Tĩnh [35].

Trong số những người di cư từ các nơi đến sống ở vùng ven biển Hà Tĩnh có người là thuỷ tổ, khai cơ tạo lập nên làng, con cháu họ hiện nay đã được địa phương hoá. Các sách: Địa chí huyện, lịch sử Đảng bộ xã, “Làng cổ Hà Tĩnh” do Thái Kim Đỉnh chủ biên, có đề cập đến nguồn gốc dân cư một số làng ven biển Hà Tĩnh.

Bên cạnh nguồn tư liệu bằng văn bản, dấu ấn về sự di cư này còn được lưu ở các di tích thờ cúng nhân vật có công khai lập làng, như: Ở xã Xuân Hải (huyện Nghi Xuân) có nhà thờ Đinh Công Trứ (cha của vua Đinh Tiên Hoàng sau này) đã làm quan dưới triều Ngô, giữ chức thứ sử Hoan Châu, đã đem dân từ sông Hồng, sông Mã vào khai thác đất hai ven bờ sông Cả lập nên làng Đan Hải (xã Xuân Hải ngày nay), đôi câu đối tại nhà thờ ông ở xã Xuân Hải hiện nay có nhắc đến điều này. Tại làng Hải Khẩu (thuộc xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh ngày nay) hiện còn miếu thờ vị tổ lập nên làng là Lê Hữu Truyền (em Lê Hữu Trác) từ Hải Dương vào lập nên làng Hải Khẩu,…

Như vậy, cư dân vùng ven biển Hà Tĩnh có nguồn gốc bác tạp, ngoài nhóm cư dân tiền trú còn có cư dân các vùng miền khác đến khai cơ, lập nghiệp rồi ở lại. Tuy có sự khác nhau về nguồn gốc, nhưng cùng định cư trên một mảnh đất, cùng chung một môi trường mưu sinh và cùng hưởng chung nguồn lợi từ biển, họ đã

Xem tất cả 262 trang.

Ngày đăng: 10/06/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí