được chính mảnh đất đó địa phương hoá trở thành cư dân ven biển Hà Tĩnh. Quá trình lịch sử như vừa đề cập, khiến bây giờ chúng ta khó nhận ra hay phân biệt sự khác nhau về gốc gác giữa họ, họ đã cùng nhau xây dựng nên một nền văn hoá mang đặc trưng vùng biển Hà Tĩnh, cùng nhau vượt qua những khắc nghiệt của thiên nhiên, giặc giã ngoại xâm, đùm bọc thương yêu nhau, cùng nhau đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
* Các khối cư dân ven biển Hà Tĩnh hiện nay
Do không đủ số liệu, nên không thể xác định được trong khoảng 1,3 triệu dân cư ở Hà Tĩnh hiện nay thì số lượng dân cư cư trú tại vùng ven biển chiếm bao nhiêu phần trăm (%). Nhưng, có thể nhận định rằng đại đa số dân cư đều tập trung cư trú tại khu vực đồng bằng nhỏ hẹp và khu vực ven biển (70% dân số/20% đất tự nhiên của toàn tỉnh). Tại vùng ven biển, căn cứ theo các nghề mưu sinh của các nhóm cư dân, trước thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa chúng ta có thể hình dung sự phân bố các nhóm cư dân ven biển Hà Tĩnh như sau:
- Đa phần cư dân ven biển tập trung phân bố tại 4 cửa biển: cửa Hội, cửa Sót, cửa Nhượng và cửa Khẩu. Đây là khu vực các cửa sông đổ ra biển (người địa phương gọi là vùng bãi dọc), do có điều kiện để đưa thuyền vào sâu trong sông tránh bảo nên nghề cá và nghề vận chuyển đường biển, đường sông tại đây rất phát triển. Đi kèm theo đấy là các nghề chế biến hải sản, buôn bán và các nghề phụ, dịch vụ cũng phát triển theo. Các cửa biển là những khu vực sầm uất, cư dân đông đúc, kinh tế phát triển và đời sống văn hóa rất sôi động. Trong thời gian gần đây, vùng các cửa biển cũng là những vị trí diễn ra quá quá trình CNH, HĐH một cách tập trung. Chính vì thế mà để thực hiện đề tài luận án, chúng tôi cũng đã chọn 3 trong 4 khu vực cửa biển làm các điểm khảo sát để thực hiện đề tài luận án: cửa Sót điểm phát triển nghề cá, đánh bắt xa bờ; cửa Nhượng điểm phát triển du lịch, dịch vụ và điểm cửa Khẩu (Vũng Áng) phát triển công nghiệp.
- Phần cư dân ven biển còn lại phân bố tại các vùng bãi ngang-các khu vực ven biển không có cửa sông. Bởi không có cửa sông nên khi có bão họ không thể đưa thuyền vào tránh, mà họ phải đưa thuyền lên bãi cát để cất dấu. Bởi thế họ
không thể sử dụng thuyền lớn và theo đó mà nghề cá không phát triển, họ chỉ đánh bắt gần bờ và thu nhập từ nghề cá không cao. Bù vào đấy, họ kết hợp nghề cá với sản xuất nông nghiệp và làm các nghề khác để sinh tồn. Do vậy, so với cư dân ở vùng các cửa sông (bãi dọc) thì đời sống của các cư dân bãi ngang (trong đó có đời sống văn hóa) thấp hơn. Cũng do các vùng này không có lợi thế nên quá trình CNH, HĐH diễn ra tại đây còn chậm. Mặc dù đời sống mọi mặt, trong đó có đời sống văn hóa của các cư dân ở khu vực này đã ít nhiều bị tác động bởi quá trình CNH, HĐH, nhưng nhìn chung đời sống văn hóa truyền thống của các cư dân ở khu vực này vẫn tiếp tục được duy trì. Trong phạm vi của đề tài luận án này chưa đủ điều kiện khảo sát vùng này cho nghiên cứu so sánh. Hy vọng sau này sẽ có dịp trở lại để tìm hiểu kỹ lưỡng hơn những vấn đề vừa đề cập.
1.3.1.3. Đặc điểm kinh tế
Hà Tĩnh là một trong 28 tỉnh, thành phố của cả nước có biển, với đặc điểm địa lý, tự nhiên đã trình bày ở trên, ngành nghề chủ yếu của cư dân các xã ven biển Hà Tĩnh là ngư nghiệp, nông nghiệp và một số nghề tiểu thủ công nghiệp (chế biến hải sản, làm muối,...), thương nghiệp (buôn bán hải sản). Do đặc điểm khí hậu, địa hình ở các xã ven biển Hà Tĩnh phức tạp, đất đai thổ nhưỡng chủ yếu là đất cát, cát trắng và đất trũng sâu, nhiễm mặn,... nên nông nghiệp (bao gồm cả chăn nuôi) không phát triển. Ở các xã bãi ngang, cư dân chủ yếu trồng các loại bầu, bí, khoai lang, cải củ. Ở các xã bãi dọc như: Xuân Hội (Nghi Xuân), Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên), Thạch Kim (Lộc Hà),... do diện tích đất hẹp, được dành chủ yếu cho việc làm nhà ở và xây dựng các công trình phúc lợi, công trình công cộng, thổ nhưỡng chủ yếu là cát nhiễm mặn, nên cư dân chỉ trồng được một số cây ăn quả như na, khế và cây che bóng mát như phi lao, keo,... Một số xã vùng cửa biển ăn sâu vào nội đồng, lợi dụng nước thuỷ triều lên để sản xuất muối. Với đặc điểm đất đai, thổ nhưỡng như vậy, nên từ xưa đến nay, vùng ven biển Hà Tĩnh phát triển mạnh về khai thác các tiềm năng kinh tế biển.
Có thể bạn quan tâm!
- Khái Niệm Đời Sống Văn Hoá Và Cơ Cấu Của Nó
- Quan Niệm Về Công Nghiệp Hóa , Hiện Đại Hóa
- Vị Trí Địa Lý, Đặc Điểm Tự Nhiên, Dân Cư, Kinh Tế Và Văn Hoá
- Đời sống văn hóa của cư dân ven biển Hà Tĩnh thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa - 7
- Đời sống văn hóa của cư dân ven biển Hà Tĩnh thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa - 8
- Sinh Hoạt Tín Ngưỡng Thờ Cá Ông Xưa Và Nay Ở Ba Khu Kinh Tế
Xem toàn bộ 262 trang tài liệu này.
Kinh tế biển truyền thống của cư dân ven biển Hà Tĩnh, có: đánh bắt, chế biến và buôn bán hải sản, làm muối, một số nghề thủ công phục vụ đánh bắt và chế biến hải sản. Tuỳ theo môi trường đánh bắt (đánh bắt cửa sông, đánh bắt lộng, đánh
bắt khơi), mà ngư dân ven biển Hà Tĩnh áp dụng các phương thức và ngư cụ đánh bắt khác nhau. Phương thức đánh bắt truyền thống chủ yếu là thủ công với các ngư cụ đánh bắt, như: lưới Rút, lưới Xăm, lưới Mười, nghề Te, nghề Câu, nghề Thả bóng, nghề vó sáng, đăng, đáy... Về chế biến hải sản truyền thống của cư dân ven biển Hà Tĩnh, có: muối mắm (mắm lù, mắm chượp, mắm tôm,…) và nướng cá. Thủ công truyền thống có nghề đóng thuyền và nghề đóng thùng, những lúc nông nhàn rảnh rỗi hoặc bão tố không ra khơi cư dân có thêm một số nghề khác như: đan lưới, tết buồm cói,... Bên cạnh các nghề trên, cư dân ở cửa biển có nghề làm muối. Về buôn bán truyền thống của cư dân ven biển Hà Tĩnh, chủ yếu dành cho chị em phụ nữ, họ thường mang cá và các sản phẩm chế biến từ hải sản (nước mắm, ruốc,…) đi các chợ trong tỉnh bán. Nước mắm Hà Tĩnh xưa ngon có tiếng, với các làng nổi tiếng như: nước mắm Cương Gián (xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân), nước mắm Nhượng Bạn (xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên), nước mắm Hải Khẩu (cửa Khẩu - xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh),... Do vậy, từ xưa ở vùng ven biển Hà Tĩnh (chủ yếu các xã bãi dọc) xuất hiện một số thương nhân lớn vận chuyển nước mắm đi ra các tỉnh phía Bắc và ra các nước bằng đường thuỷ để bán, do đó giao thương buôn bán cũng là nghề sớm được phát triển ở vùng ven biển Hà Tĩnh. Ngày nay các làng nghề sản xuất nước mắm truyền thống của cư dân vùng ven biển Hà Tĩnh không còn phát triển như trước.
Sang thời kỳ CNH, HĐH, vùng ven biển Hà Tĩnh với tiềm năng về tài nguyên biển và lợi thế về mặt giao thông biển, nên không chỉ phát triển mạnh nghề đánh bắt với những đầu tư thiết bị hiện đại, mà một số ngành nghề mới (của nền kinh tế công nghiệp) đã xuất hiện và phát triển mạnh trong vùng, đó là: nghề nuôi trồng thuỷ hải sản mặn, lợ (với hình thức nuôi chuyên canh công nghiệp, bán công nghiệp), nghề du lịch (nhiều khu du lịch biển được hình thành), các ngành công nghiệp (các khu công nghiệp ra đời), dịch vụ hàng hải (xây dựng các hải cảng thương mại, trong đó có cả hải cảng thương mại quốc tế), buôn bán hải sản bằng ô tô đi các tỉnh và ra các nước,... Tuy nhiên, bên cạnh đó một số nghề thủ công truyền thống của vùng hiện nay không còn được phát triển, như: đóng thuyền, đóng thùng,
đan lưới, tết buồm cói. Bởi ngày nay những sản phẩm này chủ yếu được sản xuất bằng công nghệ hiện đại,thuyền ngày nay là những con tàu lớn được mua từ các xưởng đóng tàu ở các tỉnh phía Nam, vì vậy nghề đóng thuyền trong vùng ngày nay chỉ giữ vai trò sửa chữa khi có hư hỏng nhẹ. Nghề chế biến hải sản như muối mắm ngày nay cũng đã sử dụng hệ thống thùng bê tông, thùng nhựa, hoặc đồ sành (chum, choé, lon) thay cho thùng gỗ trước đây, vì vậy đóng thùng ngày nay cũng không còn,... Nghề chế biến nước mắm ở vùng ven biển Hà Tĩnh ngày nay cũng không còn nổi tiếng như trước. Nghề đánh bắt ngày nay được trang bị các thiết bị công nghệ hiện đại. Tàu đánh cá có động cơ công suất lớn thay thế cho thuyền buồm chạy bằng sức gió, các thiết bị hỗ trợ khác được lắp đặt trên tàu đánh cá thay thế sức người với công nghệ tinh vi, như: máy dò cá, máy định vị, động cơ kéo lưới,... Buôn bán hải sản ngày nay không chỉ dành cho nữ giới, mà phát triển mạnh với những lái buôn lớn, họ thành lập các cơ sở thu mua, cơ sở đông lạnh, chuyên chở hải sản bằng xe ô tô chuyên tải cỡ lớn đi ra các tỉnh và qua biên giới đến các nước...
Với tính chất chuyên nghiệp và chuyên biệt là đặc điểm của thời kỳ CNH- HĐH, vùng ven biển Hà Tĩnh hiện nay đang diễn ra sự phân hoá, hình thành các khu kinh tế tập trung với ba dạng cơ bản là: 1/Khu kinh tế đánh bắt. 2/ Khu kinh tế du lịch. 3/Khu kinh tế công nghiệp (sẽ còn được đề cập nhiều ở các mục sau).
Từ chỗ hình thành các khu kinh tế đặc thù, tập trung đã xuất hiện một số ngành nghề mới và các dịch vụ đi kèm ra đời, đó là: nghề kinh doanh, xây dựng, phục vụ khách du lịch, lái xe, vận tải, bốc vác,…; các dịch vụ: chở khách du lịch, cho thuê xe du lịch, quán ăn hải sản, các trại sản xuất giống, cơ sở thu mua hải sản, hậu cần nghề cá (mua, bán nhiên liệu, đá lạnh,…), khách sạn - nhà hàng, quán ăn, nhà nghỉ; các dịch vụ vui chơi giải trí (karaoke, bi-a,…), các dịch vụ chăm sóc làm đẹp, các cửa hàng tạp hoá, cửa hàng thiết bị điện tử, quán Internet, dịch vụ xe đưa đón công nhân, dịch vụ vận chuyển hàng hoá và vật liệu xây dựng, công nhân, thợ kỹ thuật,… Việc hình thành các khu kinh tế chuyên biệt, tập trung ở vùng ven biển Hà Tĩnh, là qui hoạch có tính chiến lược của tỉnh về thực hiện CNH, HĐH trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của từng khu kinh tế.
1.3.1.4. Đặc điểm văn hoá
Hà Tĩnh là vùng “địa linh”, cũng là vùng biên viễn “phên dậu” của nhà nước Đại Việt, là ranh giới giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài (dưới triều đại phong kiến Lê mạt). Từ ngàn xưa đến nay, vùng đất Hà Tĩnh luôn đóng giữ vai trò, vị trí chiến lược quan trọng của Tổ quốc. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Hà Tĩnh là “cái nôi” của cách mạng Việt Nam, sản sinh ra nhiều anh hùng dân tộc, chí sĩ cách mạng, các nhà chính trị lỗi lạc, các nhà khoa học trên các lĩnh vực…
Văn hoá ven biển Hà Tĩnh là một phần của văn hoá Hà Tĩnh, do đặc điểm có các cửa biển, nên vùng ven biển Hà Tĩnh trong lịch sử là điểm giao thoa văn hoá giữa các cộng đồng người và giữa các vùng, miền, là vị trí chiến lược thường diễn ra các cuộc giao chiến giữa nhà nước Đại Việt với nhà nước Chăm-pa, giữa các triều đại phong kiến Việt Nam với bọn xâm lược bên ngoài,… những dấu ấn lịch sử này còn để lại trên đất Hà Tĩnh nói chung và vùng ven biển Hà Tĩnh nói riêng nhiều di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh quan trọng.
Theo con số thống kê đầu năm 2014, Hà Tĩnh có trên 400 di tích danh thắng đã được xếp hạng, trong đó có một di tích quốc gia đặc biệt, 73 di tích cấp quốc gia và 348 di tích cấp tỉnh. Hệ thống di tích ở Hà Tĩnh phân bố đều khắp các huyện trong tỉnh, phong phú đa dạng về loại hình, bao gồm: di tích khảo cổ học, di tích lịch sử (ghi dấu sự kiện, cách mạng kháng chiến, lưu niệm danh nhân,…), di tích kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh.
Các di tích, danh thắng vùng ven biển Hà Tĩnh chiếm số lượng khá lớn trong hệ thống di tích danh thắng của Hà Tĩnh, đặc biệt là các di tích khảo cổ học nằm chủ yếu ở các huyện ven biển, đó là: di tích Rú Trò và di chỉ Phái Nam, di tích Thạch Lạc, di tích Thạch Đài (thuộc huyện Thạch Hà), di tích Cẩm Thành (thuộc huyện Cẩm Xuyên), di tích Xuân An (thuộc huyện Nghi Xuân),… mang dấu ấn sinh hoạt và cư trú của cư dân văn hoá Quỳnh Văn và cư dân văn hoá Bàu Tró (thời kỳ đá mới) trên đất Hà Tĩnh,
Hà Tĩnh còn phong phú các di tích lịch sử ghi dấu sự kiện, gồm có: Đèo Ngang - Hoành Sơn, còn gọi là Hoành Sơn quan (cổng Hoành Sơn) ghi lại dấu ấn
biên giới phía nam giữa nước Đại Việt với nước Chiêm Thành. Về di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến có: Ngã ba Đồng Lộc, Ngã ba Nghèn, An toàn khu Hà Tĩnh, khu di tích lịch sử cách mạng Rôộc Cồn,... Phong phú nhất ở Hà Tĩnh, là loại di tích lưu niệm các danh nhân, như: Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Trần Phú, Hà Huy Tập, Lý Tự Trọng,…
Vùng ven biển Hà Tĩnh phong phú với loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật (như đình, đền, chùa, miếu,…) mang đậm dấu ấn sinh hoạt văn hoá tinh thần, tín ngưỡng, tôn giáo của cư dân ven biển Hà Tĩnh, tiêu biểu có: Đền Chế Thắng Phu Nhân Nguyễn Thị Bích Châu (ở cửa Khẩu - Kỳ Anh), đền Lê Khôi (ở cửa Sót - Thạch Hà), đền Ngư Ông, đền Cả (ở Cẩm Nhượng - Cẩm Xuyên), đình Hội Thống (Xuân Hội-Nghi Xuân),… Danh lam thắng cảnh ở ven biển Hà Tĩnh, gồm có: danh thắng “Quỳnh Viên” - núi Nam Giới với đền thờ Lê Khôi ở cửa Sót, xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà; núi Thiên Cầm với hang “Đàn trời” ở thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên,… Làng nghề thủ công truyền thống vùng ven biển Hà Tĩnh trước đây, nổi tiếng có các làng sản xuất nước mắm như: làng Cương Gián (xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân), làng Nhượng Bạn (xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên), làng Hải Khẩu (xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh),…
Ở Hà Tĩnh và ven biển Hà Tĩnh rất phong phú về mảng thơ ca dân gian, hát nói, hò vè, “bước đầu các nhà nghiên cứu đã thống kê được gần 100 làn điệu dân ca xứ Nghệ” [87], trong đó dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh và ca trù Cổ Đạm Hà Tĩnh (cùng với ca trù của Việt Nam) đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại; hò chèo cạn Cẩm Nhượng (xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên) được Bộ VH,TT&DL công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Hát ví vùng ven biển Hà Tĩnh thường diễn ra vào những đêm vá lưới, đan lưới dưới trăng, nam nữ chia thành từng tốp hát đối đáp nhau rất tình tứ, có nhiều cặp qua những đêm hát ví mà nên vợ thành chồng.
Cùng với hát ví, vè cũng là thể loại có tiếng ở Hà Tĩnh và vùng ven biển Hà Tĩnh. Vè là một loại hát nói phản ánh cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất của cư dân. Ở vùng ven biển Hà Tĩnh nổi tiếng với những bài vè về các loài cá, vè nhật
trình đi biển,vè nhật trình địa đồ từng vùng đánh bắt,…
Do cuộc sống chỉ biết dựa vào biển (cả sự hào phóng, cũng như những cơn thịnh nộ bất thường), trong hoàn cảnh đó, cư dân tìm đến các vị thần. Và vì vậy, đời sống tín ngưỡng của cư dân ven biển Hà Tĩnh vô cùng phong phú.Trước hết là tín ngưỡng thờ Cá Voi (Ngư Ông). Cùng với tín ngưỡng thờ cá Voi, là các vị Thành Hoàng làng. Thành Hoàng làng ở vùng ven biển Hà Tĩnh là những người có công thành lập làng, hoặc các tổ nghề (thường là nghề đánh cá hoặc một số nghề liên quan đến biển), hay những nhân vật có công với dân, với nước, những vị tướng đánh giặc qua các thời kỳ lịch sử,... Trong gia đình cư dân ven biển Hà Tĩnh, rất coi trọng thờ cúng tổ tiên và những vị thần linh tại gia khác.
Lễ hội, nét sinh hoạt văn hoá tinh thần mang tính tổng hợp, khá phong phú ở vùng ven biển Hà Tĩnh. Gắn liền với hệ thống di tích đền, đình, chùa, miếu, là sự đa dạng của các sinh hoạt lễ hội. Lễ hội của cư dân ven biển Hà Tĩnh đa dạng chẳng kém gì hệ thống cơ sở tín ngưỡng trong vùng, thậm chí còn có phần phong phú đa dạng hơn về sắc thái. Ngoài các lễ hội gắn với việc tưởng nhớ ngày mất của các vị thần được thờ cúng tại các di tích đình, đền, miếu; một số làng còn lập đàn chay cúng tế những người đi biển bị đắm tàu hoặc bị mất tích trên biển, lễ thí thực, lễ Cầu Ngư, lễ Lục Ngoạt... đây là những lễ lớn được tổ chức trọng thể, có phạm vi rộng và có tính phổ biến ở vùng ven biển Hà Tĩnh. Trong lễ hội có các trò chơi, trò diễn,… mang đậm sắc thái vùng biển, các sắc thái sinh hoạt văn hoá tinh thần này của cư dân vùng ven biển Hà Tĩnh góp phần tạo nên bản sắc văn hoá Hà Tĩnh, và là một bộ phận của bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam.
Tóm lại, về đặc điểm văn hoá tinh thần của cư dân ven biển Hà Tĩnh được biểu hiện phong phú, đang dạng, mang đậm bản sắc của môi trường biển, môi trường đánh bắt, khai thác biển. Tuy nhiên, trước sự nghiệp CNH, HĐH đang diễn ra mạnh mẽ ở vùng ven biển Hà Tĩnh hiện nay, nét văn hoá tinh thần truyền thống đó của cư dân ven biển Hà Tĩnh đang có những biến đổi, diễn ra theo các xu hướng khác nhau, xuất phát từ đặc điểm phát triển kinh tế của thời kỳ CNH, HĐH (nội dung này sẽ được trình bày kỹ ở các chương 2 và 3 của luận án).
1.3.2.Tình hình công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở vùng ven biển Hà Tĩnh
1.3.2.1. Chủ trương của Đảng và Nhà nước về công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với kinh tế vùng ven biển
Ngày 22/9/1997, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Từ quan điểm của Chỉ thị, cùng với chủ trương xây dựng Việt Nam trở thành một nước mạnh về biển, phát triển kinh tế - xã hội vùng biển, hải đảo, ven biển, gắn kết với yêu cầu bảo vệ đất nước; đặt kinh tế biển trong tổng thể kinh tế cả nước, trong quan hệ tương tác với các vùng và trong xu thế hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới. Để phát huy thế mạnh và các tiềm năng của biển Việt Nam trong thế kỷ XXI, Hội nghị lần thứ tư ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) đã thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, trong đó nhấn mạnh "Thế kỷ XXI được thế giới xem là thế kỷ của đại dương” [25].
1.3.2.2.Thực trạng công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở vùng ven biển Hà Tĩnh
Thực hiện đường lối đổi mới, CNH, HĐH và chiến lược biển của Đảng và Nhà nước, từ năm 1997 đến nay, Chính phủ, Tỉnh uỷ và UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành nhiều văn bản triển khai, thực hiện, cụ thể hoá đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, lập các quy hoạch, xây dựng các dự án, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Tĩnh. Trên cơ sở đó, vùng ven biển Hà Tĩnh hiện có các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu du lịch - đô thị và các cảng biển sau:
- Về khu kinh tế và cảng biển: có khu kinh tế Vũng Áng, với quan điểm, mục tiêu xây dựng là: Phát triển Khu kinh tế Vũng Áng phù hợp với quan điểm phát triển và hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới, tăng cường hợp tác kinh tế, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, thích ứng linh hoạt với môi trường cạnh tranh quốc tế.
- Về khu công nghiệp có: khu công nghiệp Vũng Áng I, nằm trong tổng thể Khu kinh tế Vũng Áng.
- Cụm công nghiệp có cụm công nghiệp ở huyện Cẩm Xuyên và hạ tầng các cảng Vũng Áng, Sơn Dương,…