Một Số Đặc Điểm Tâm Lý Của Trẻ Ở Lứa Tuổi Học Sinh Thcs

hiểu, quan tâm và hành động theo những giá trị đạo đức cơ bản. Vì vậy, phát triển tính cách chính là việc xây dựng tất cả các mặt nhận thức, tình cảm và hành vi của đời sống đạo đức của một nhân cách [59, tr. 61].

Như vậy, có thể hiểu giáo dục tính cách là việc giáo dục để cá nhân có được hệ thống thái độ tích cực đối với cuộc sống hiện thực, thể hiện qua hành vi ứng xử của cá nhân đối với bản thân và người khác; là quá trình tác động để cá nhân thấm nhuần giá trị cốt lõi, từ đó hình thành những nét tính cách tốt đẹp. Ví dụ khi trẻ được giáo dục các giá trị trung thực, nhân ái, trẻ thực hành vận dụng thường xuyên các giá trị được lĩnh hội vào thực tế cuộc sống như: sống trung thực, thể hiện sự quan tâm, có nhân ái với mọi người trong gia đình và xã hội. Khi đó trẻ sẽ hình thành nên tính cách trung thực, nhân ái, và nó trở thành một nét tính cách bền vững trong nhân cách của trẻ.

Giáo dục đạo đức

Theo Huỳnh Khái Vinh (2001), “đạo đức là một hình thái ý thức - xã hội bao gồm những nguyên tắc, quy tắc và chuẩn mực, nhờ đó con người tự giác điều chỉnh hành vi cho phù hợp với lợi ích, hạnh phúc của mình và sự tiến bộ xã hội trong mối quan hệ người - người” [85, tr. 44]. Dưới góc độ khoa học, “giá trị đạo đức gắn liền với nhu cầu điều chỉnh quan hệ giữa cá nhân và xã hội theo hướng tạo nên sự thống nhất hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội” [3, tr. 248]. Dù ở giai đoạn lịch sử nào, đặc điểm chung của đạo đức vẫn là hướng tới cái thiện, chống lại cái ác, hướng tới quan niệm tốt đẹp giữa con người với con người, con người với tự nhiên và xã hội, đồng thời cũng khẳng định sự tu dưỡng giáo dục ở mỗi cá nhân là điều cần thiết.

Trong Tâm lý học, đạo đức là phẩm chất tốt đẹp của cá nhân hay nhóm, biểu hiện ở hành vi phù hợp với quy tắc, chuẩn mực xã hội. Khi đánh giá “cần phải chú ý đến sự phát triển trình độ hiểu biết về đạo đức, động cơ và hành động đạo đức trong mối quan hệ với nhau. Điều đó là hết sức quan trọng đối với việc giáo dục trẻ em nói chung” [dẫn theo 9, tr. 154]. Do vậy, giáo dục đạo đức là quá trình biến hệ thống các chuẩn mực đạo đức từ những đòi hỏi bên ngoài của xã hội đối với cá nhân thành niềm tin, nhu cầu, thói quen của người được giáo dục [24, tr. 310]. Như

vậy có thể khẳng định rằng, sự hình thành giá trị và sự hình thành đạo đức ở trẻ em là một. Tuy nhiên giáo dục đạo đức liên quan tới đức hạnh hoặc phẩm chất của cá nhân như với giá trị cộng đồng. Mục tiêu của giáo dục đạo đức được định nghĩa một cách ngắn gọn đó là: giúp trẻ biết phải trái, dạy trẻ em trở thành người tốt, để trẻ có được cách cư xử có đạo đức (Houghton, 1998).

Giáo dục công dân

Theo tác giả Phạm Minh Hạc (2013), giáo dục công dân là một quá trình, một hoạt động có định hướng của xã hội nhằm giáo dục cho mọi người ý thức trách nhiệm của công dân, hình thành thói quen tự giác thực hiện nghĩa vụ, quyền hạn của công dân đối với nhà nước trong hoàn cảnh lịch sử nhất định. Đây cũng là một môn học trong chương trình giáo dục của nhà trường dành cho học sinh THCS và THPT. Môn học này có nhiệm vụ cung cấp kiến thức cơ bản về giá trị, chuẩn mực đạo đức và phát luật của công dân thể hiện trong các mối quan hệ đối với bản thân, người khác, công việc, đất nước, môi trường sống, trang bị cho học sinh những phương pháp tư duy, trau dồi năng lực, rèn luyện những kỹ năng, đồng thời phát triển những thái độ, tình cảm, niềm tin đúng đắn đối với tự nhiên, xã hội, con người, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của học sinh và mục tiêu cấp học [24, tr. 306].

Như vậy, qua ba khái niệm trên có thể thấy rằng thuật ngữ giá trị là để chỉ phẩm giá, phẩm chất, đức tính [85, tr. 52]. Đạo đức là một giá trị - do vậy giáo dục đạo đức là khái niệm nằm trong giáo dục giá trị và giáo dục tính cách. Giáo dục tính cách là để cá nhân có được các giá trị, thấm nhuần giá trị, từ đó cá nhân thực hành và thể hiện các giá trị học được vào cuộc sống, trở thành tính cách bền vững của cá nhân. Còn giáo dục giá trị được đánh giá như là một con đường, một công cụ quan trọng bậc nhất đối với việc hình thành và phát triển nên những con người đức độ [24, tr. 315 - 316]. Hình thành giá trị cho trẻ, nhất là những giá trị đạo đức là một quá trình lâu dài, bền bỉ, đó không phải là hệ thống kiến thức có cơ cấu logic tường minh để có thể giảng dạy đồng loạt, kiểm tra, đánh giá như các môn khoa học tự nhiên. Các giá trị “thấm” vào các cá nhân bằng mọi con đường, ở mọi nơi, mọi lúc. Điều quan trọng nhất là cá nhân phải tiếp nhận nó, thể nghiệm trong cuộc sống và xác lập nên hệ thống giá trị của bản thân mình [67, tr. 43 - 44].

2.4. Giáo dục giá trị cho trẻ em trong gia đình

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 229 trang tài liệu này.

2.4.1. Khái niệm trẻ em

Trong luật pháp quốc tế, độ tuổi trẻ em được quy định tương đối thống nhất và áp dụng độ tuổi là dưới 18 tuổi: Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em (1989) đã khẳng định việc áp dụng độ tuổi trẻ em của mỗi quốc gia có thể khác nhau, tùy thuộc vào mỗi nước quy định. Các tổ chức của Liên hợp quốc và quốc tế như: UNICEF, UNESSCO đều xác định trẻ em là người dưới 18 tuổi. Như vậy, khái niệm “trẻ em” được quốc tế sử dụng thống nhất và đề cập trong nhiều văn bản.

Định hướng giáo dục giá trị cho trẻ em trong gia đình - 7

Ở Việt Nam, hệ thống pháp luật Việt Nam có nhiều ngành luật khác nhau cũng đề cấp tới vấn đề trẻ em như Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (2004) quy định trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi. Theo Bộ luật Dân sự (2015), Điều 20 quy định: Người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên, và Điều 21 quy định: Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi. Theo Luật Trẻ em (2016), Điều 1 quy định: Trẻ em là người dưới 16 tuổi. Như vậy ở nước ta, khái niệm trẻ em được thống nhất cách hiểu là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi.

Dưới góc độ tiếp cận của từng khoa học cụ thể, khái niệm trẻ em được định nghĩa khác nhau. Trong Triết học, trẻ em được xem xét trong mối quan hệ biện chứng với sự phát triển xã hội nên ở mọi thời đại, tương lai của quốc gia, dân tộc đều tuỳ thuộc vào việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Trong Xã hội học, trẻ em được xác định là người có vị thế và vai trò xã hội khác với người lớn, vì vậy, trẻ em cần được xã hội quan tâm, tạo điều kiện sinh trưởng, nuôi dưỡng, bảo vệ, chăm sóc phát triển thành người lớn.

Trong Tâm lý học, khái niệm trẻ em được hiểu là giai đoạn đầu của sự phát triển tâm lý - nhân cách con người. Trong giai đoạn trẻ em, mỗi lứa tuổi được đặc trưng bởi những nhiệm vụ riêng, mà việc giải quyết những nhiệm vụ đó có ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách nói chung, cũng như sự thành công của việc chuyển tiếp lên giai đoạn lứa tuổi tiếp theo [9].

Tán thành với quan điểm của các tác giả cho rằng: “Trẻ em là một thuật ngữ nhằm chỉ một nhóm xã hội thuộc về một độ tuổi nhất định trong giai đoạn đầu của sự phát triển con người”. Sự phát triển tâm lý ở trẻ em chính là quá trình lĩnh hội nền văn hóa xã hội loài người, thông qua hoạt động và giao lưu. Đồng thời, chúng

tôi cũng tán thành với quan điểm của tác giả Nguyễn Công Khanh (2014) cho rằng, giá trị sống được hình thành trong quá trình phát triển của mỗi cá nhân nhưng giai đoạn vị thành niên (từ 9 - 10 tuổi đến 17 - 18 tuổi) là giai đoạn có ý nghĩa nhất [40, tr. 70]. Quan điểm này cũng phù hợp với lý thuyết của Kohlberg khi cho rằng đây là giai đoạn rất quan trọng của tuổi dậy thì: trẻ xây dựng các mối quan hệ xã hội, chúng nhận thức về bản thân mình và hình thành định hướng phát triển. Ở giai đoạn này, trẻ biết cân nhắc ý kiến của người khác và phân tích, đối chiếu với suy nghĩ của bản thân. Mặc dù trẻ không có nhiều kiến thức, kinh nghiệm sống và sự hiểu biết xã hội, nhưng các em vẫn có một nhu cầu đó là được trở thành người độc lập trong nhận thức và hành vi. Do đó giai đoạn phát triển đạo đức này thường được mệnh danh là giai đoạn "nổi loạn" của tuổi dậy thì.

Tóm lại, những lý thuyết trên đây chính là cơ sở khoa học để chúng tôi giới hạn phạm vi độ tuổi trẻ em trong nghiên cứu của mình. Vì vậy, luận án lựa chọn trẻ ở độ tuổi từ 11, 12 tuổi đến 15, 16 tuổi (đang là học sinh THCS) và cha mẹ của các em để nghiên cứu.

2.4.2. Một số đặc điểm tâm lý của trẻ ở lứa tuổi học sinh THCS

Trẻ em lứa tuổi học sinh THCS có độ tuổi từ 11, 12 tuổi đến 15, 16 tuổi (hay còn gọi là tuổi vị thành niên). Đây là lứa tuổi bước vào giai đoạn dậy thì - một hiện tượng sinh lý trong phát triển, nhưng do liên quan đến biến đổi nội tiết nên cũng dễ dẫn đến các rối loạn, biến đổi “giao thời” trong đời sống tâm sinh lý của các em [19, 28]. Hiện nay, các nghiên cứu về trẻ lứa tuổi học sinh THCS được sử dụng nhiều trong giáo dục và định hướng, nhằm hình thành và phát triển nhân cách cho các em. Dưới góc độ Tâm lý học, sự phát triển tâm lý lứa tuổi của học sinh THCS có những biến đổi lớn về lượng và chất. Đây là giai đoạn có nhiều thay đổi về sinh lý, về nhận thức, về cấu trúc nhân cách và vị thế xã hội [19, tr. 180]. Học sinh cảm nhận về hình ảnh bản thân với những giá trị và phẩm chất nhất định. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, lứa tuổi vị thành niên gặp phải hai nhiệm vụ là: 1. Dành được quyền tự quyết và độc lập với cha mẹ (ở các nền văn hóa khác nhau diễn ra dưới các hình thức khác nhau). 2. Hình thành tính đồng nhất, biểu hiện “cái tôi” sáng tạo và độc lập, kết hợp một cách hài hòa giữa các thành tố khác nhau của nhân cách [7, tr.

562]. Cụ thể tâm lý lứa tuổi học sinh THCS có một số đặc điểm sau:

- Sự phát triển tự ý thức

Theo các tác giả Trương Thị Khánh Hà (2013), Dương Thị Diệu Hoa (2012), nhu cầu giao tiếp bạn bè và lĩnh hội các chuẩn mực và giá trị của thiếu niên đã diễn ra ở lứa tuổi trước đó và đến tuổi này được phát triển mạnh mẽ hơn. Các em có nhiều người quen, đặc biệt là có những nhóm bạn không chính thức, gắn kết với nhau bởi sở thích chung, hoạt động chung. Trong quan hệ với cha mẹ, xuất hiện các dấu hiệu từ phản ứng, muốn thoát khỏi sự áp đặt quan điểm của người lớn về các vấn đề khác nhau dẫn đến việc một số trẻ chống đối cha mẹ, thậm chí bỏ trốn khỏi nhà... Do đó, nếu trẻ tham gia vào nhóm có mức độ phát triển xã hội cao, thì nhóm sẽ ảnh hưởng tốt tới sự phát triển nhân cách của trẻ, vì chúng thường chấp nhận và định hướng theo các giá trị và chuẩn mực của nhóm đó. Nên nếu không tìm thấy sự định hướng chắc chắn, phù hợp từ cha mẹ và giáo dục gia đình, trẻ sẽ định hướng theo các giá trị của nhóm bạn bè và rất có thể là các giá trị không đúng đắn [19, 28].

Cùng với sự phát triển tự ý thức, với mong muốn làm người lớn, các phẩm chất ý chí của thiếu niên được phát triển mạnh (tính độc lập, tính sáng tạo, kiên quyết, dũng cảm…). Các em thường coi việc giáo dục ý chí, tự tu dưỡng như những nhiệm vụ quan trọng của bản thân, đặc biệt với các em nam. Tuy nhiên, không phải lúc nào các em cũng hiểu được đúng các phẩm chất ý chí, không hiểu rõ ranh giới giữa bướng bỉnh với kiên trì, liều lĩnh với dũng cảm... Một số em thiếu bình tĩnh, thô lỗ trong cách ứng xử với người lớn, bạn bè. Do đó, người lớn cần giúp thiếu niên hiểu rõ và định hướng rèn luyện các giá trị tích cực để trở thành công dân tốt trong xã hội.

Cùng với việc hình thành tính tích cực nhân cách là sự hình thành và phát triển mạnh mẽ các đặc điểm nhân cách mới ở trẻ. Chính sự đẩy nhanh tốc độ phát triển cả về cơ thể lẫn nhân cách là bước chuyển từ trạng thái trẻ em sang người lớn. Sự phụ thuộc vào cha mẹ và người lớn dần được thay thế, định hướng cho trẻ hướng tới tương lai của chính bản thân. Sự chuyển dịch này đưa ra yêu cầu khá cao đối với hệ thống giá trị, chuẩn mực, niềm tin vốn đã được hình thành trước đó ở trẻ.

- Về đời sống tình cảm

Trong nghiên cứu của Erikson (1989), ông quan tâm nhiều tới vấn đề của thiếu niên và của những người mới trưởng thành. Công trình nghiên cứu về quá

trình thiết lập "cảm xúc nội tâm về tính đồng nhất" đã ảnh hưởng lớn tới tâm lý học phát triển. Theo Erikson, việc hình thành tính đồng nhất thường là quá trình lâu dài và phức tạp của việc tự ý thức. Quá trình này đảm bảo cho quá khứ, hiện tại và tương lai của cá nhân không bị gián đọan. Nó xác định việc tổ chức và thực hiện hành vi trong những lĩnh vực khác nhau của cuộc sống. Nó dung hoà thiên hướng và tài năng của bản thân cá nhân với những vai mà cha mẹ, bạn cùng lứa hoặc là xã hội giao cho trước đây. Nó cũng cung cấp nền tảng cho việc so sánh xã hội để giúp con người hiểu vị trí của mình trong xã hội. Kết quả là cảm giác đồng nhất mang lại xu hướng, mục đích và ý nghĩa cho cuộc sống của con người (Erikson, 1989).

Về đời sống tình cảm, ở lứa tuổi học sinh THCS tình cảm của các em đã được phát triển phong phú, sâu sắc hơn, nhất là tình cảm đạo đức, tình cảm tập thể, tình bạn. Các em luôn hướng thiện, rất chú ý đến đời sống tinh thần. Do sự mở rộng các quan hệ xã hội, sự phát triển tự ý thức, đạo đức của trẻ lứa tuổi thiếu niên phát triển mạnh mẽ. Do đó, đây là tuổi “hình thành thế giới quan, lý tưởng, niềm tin đạo đức, những phán đoán giá trị…” [28, tr. 195]. Cụ thể, tình cảm ở lứa tuổi THCS có nhiều thay đổi cả về nội dung và hình thức:

Về nội dung: Tình cảm đạo đức, tình cảm trí tuệ, tình cảm thẩm mỹ ở thiếu niên đang phát triển mạnh. Tình cảm gia đình, tình cảm bạn bè, tình cảm tập thể ở lứa tuổi này đều phát triển mạnh. Trong tình cảm trí tuệ, những rung cảm liên quan đến nhu cầu khám phá, phát hiện cái mới, liên quan đến nhu cầu nhận thức được phát triển, được mở rộng ra ngoài phạm vi gia đình, trường học.

Về hình thức: Đặc điểm cơ bản của đời sống tình cảm thiếu niên là những xúc cảm và tình cảm dễ bị mâu thuẫn nhau. Xúc cảm, tình cảm của thiếu niên có cường độ khá mạnh, thường theo hướng xung động, quyết liệt (phản ứng quyết liệt khi trong quan hệ với người khác không được kết quả mong muốn). Trạng thái tinh thần nói chung của thiếu niên chưa ổn định, thất thường, dễ vui, dễ buồn vô cớ.

Tóm lại, tuổi thiếu niên là lứa tuổi có nhiều thay đổi về tâm - sinh lý. Với đặc trưng tâm lý cơ bản là mâu thuẫn “giữa một bên là tính chất quá độ “không còn là trẻ con nhưng chưa phải là người lớn” [28, tr. 167] và bên kia là ý thức bản ngã phát triển mạnh mẽ ở các em”. Đây là giai đoạn khó khăn trong quá trình phát triển của trẻ và cũng là giai đoạn khó khăn cho gia đình, nhà trường trong việc định hướng và

giáo dục nhân cách cho trẻ. Điều này đòi hỏi người giáo dục phải có sự hiểu biết, kiên nhẫn và tinh tế trong ứng xử với trẻ ở lứa tuổi này.

2.4.3. Giáo dục giá trị cho trẻ em trong gia đình

Dưới góc độ Tâm lý học, gia đình được xem xét ở khía cạnh mối quan hệ giữa các thành viên, không chỉ là mối quan hệ về vật chất mà mối quan hệ tình cảm làm nên đặc trưng của gia đình. Nhờ mối quan hệ tâm lý ổn định mà các cá nhân có được sự phát triển hài hoà về nhân cách. Theo tác giả Ngô Công Hoàn, gia đình là một nhóm xã hội nhỏ, các thành viên trong nhóm có quan hệ gắn bó với nhau qua hôn nhân, huyết thống, tâm lý, có chung các giá trị vật chất, tinh thần ổn định trong các giai đoạn lịch sử xã hội [31, tr. 6]. Định nghĩa này đã cho thấy các chức năng cơ bản của gia đình như: chức năng sinh sản, chức năng kinh tế, chức năng thỏa mãn các nhu cầu tình cảm, chức năng giáo dục. Trong đó gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành giá trị cho trẻ, tạo ra những công dân tốt cho xã hội.

Từ những phân tích trên, khái niệm giáo dục giá trị cho trẻ em trong gia đình được hiểu là: Giáo dục giá trị cho trẻ em trong gia đình là một hoạt động có mục đích, có nội dung và phương pháp nhằm hình thành ở trẻ những giá trị mà người lớn trong gia đình cho là quan trọng, cần thiết và có ý nghĩa.

Khái niệm này đã cho thấy:

Gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên của trẻ: Giáo dục gia đình tạo lập những nền tảng cơ bản nhân cách người công dân cho xã hội đương thời [32, tr. 55]. Trẻ học các giá trị từ ông bà, cha mẹ, anh chị em... và những giá trị được hình thành sẽ tương đối bền chặt trong nhân cách của trẻ. Trẻ lớn lên có thể phát triển những giá trị mới khác với giá trị của cha mẹ, và có thể khác với những giá trị cha mẹ đã giáo dục, nhưng ít nhất trẻ đã có một nền tảng để đối chiếu đánh giá với những gì đã được dạy từ khi còn nhỏ. Nếu trẻ em không được dạy giá trị nào thì chúng sẽ lơ lửng giữa những tình huống và những hoàn cảnh [48, tr. 13], nghĩa là không có nền tảng giáo dục gia đình, trẻ sẽ khó khăn trong việc đương đầu với cuộc sống khi trưởng thành.

Giáo dục gia đình diễn ra thường xuyên, liên tục, lâu dài: Cha mẹ là tấm gương giáo dục giá trị sinh động đối với trẻ trong cuộc sống hàng ngày. Trẻ học được từ cha mẹ với những giá trị về tình bạn, tình yêu, sự tôn trọng lẫn nhau, tính

trách nhiệm… trong trong từng tình huống cụ thể của cuộc sống. Thông qua giao tiếp, tương tác với con, cha mẹ có thể phát hiện kịp thời những biểu hiện sai lệch của con, để điều chỉnh nhận thức của con, đảm bảo sự hợp lý trong lựa chọn những giá trị phù hợp cho con, giúp các con phát triển đúng hướng. Ngoài ra, cha mẹ luôn là người đồng hành với con suốt chặng đường dài. Không ai gắn bó với trẻ lâu dài như người cha, người mẹ. Mỗi lần vấp ngã, người đầu tiên mà trẻ chia sẻ với chính là cha mẹ, vì thế giáo dục gia đình như mưa dầm thấm đất, diễn ra nhẹ nhàng, từ từ mà hiệu quả [20, tr. 106].

Giáo dục gia đình dựa trên tình cảm tin cậy và yêu thương: Môi trường gia đình tạo cho trẻ cảm giác an toàn để phát triển. Quan hệ giữa các thành viên trong gia đình là quan hệ ruột thịt, mọi người giao tiếp qua lại với nhau bằng tình cảm. Những liên hệ tình cảm giữa các thành viên trong gia đình có sức thuyết phục mạnh trong quá trình hình thành ý thức, thói quen, hành vi đúng đắn mà không ai có thể làm thay được, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục giá trị [20, tr. 106 - 107]. Bởi giáo dục gia đình diễn ra trên cơ sở tình cảm, yêu thương và tin cậy nhau giữa cha mẹ và con, do đó những tác động của cha mẹ đến trẻ thường được các em dễ “tiếp nhận” hơn. Bên cạnh đó bầu không khí gia đình thông qua sự quan tâm chăm sóc giữa những người thân là điều kiện tốt để giáo dục cho trẻ các giá trị về sự quan tâm chăm sóc, tình cảm gia đình, lòng nhân ái.... Đây chính là ưu thế của gia đình so với các tổ chức xã hội khác trong việc hình thành nhân cách trẻ em.

Giáo dục gia đình tác động đến trẻ theo cách tiếp cận cá nhân: Giáo dục nhà trường là một chương trình giáo dục chung cho tất cả trẻ em, ít tính đến những khác biệt cá nhân. Trong khi đó giáo dục gia đình có thể tác động đến trẻ theo cách thức phù hợp nhất đối với chúng. Mỗi đứa trẻ có đặc điểm tâm sinh lý, khí chất, tính cách, xu hướng khác nhau - không ai biết điều này rõ hơn cha mẹ chúng. Vì vậy, trong quá trình giáo dục, cha mẹ biết lựa theo đặc điểm tâm sinh lý cá nhân của trẻ để sự tác động diễn ra hiệu quả nhất [20, tr. 107].

2.5. Định hướng giáo dục giá trị cho trẻ em trong gia đình

2.5.1. Khái niệm

Qua việc phân tích một số khái niệm như: định hướng, giá trị và giáo dục giá trị, khái niệm định hướng giáo dục giá trị được hiểu là:

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 09/02/2023