thực hiện Quy định số 76 của Bộ Chính trị về thực hiện mối liên hệ của cán bộ, đảng viên đang công tác với cấp uỷ và địa phương nơi cư trú.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI gắn với thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ban hành Chỉ thị số 33-CT/TU, ngày 14-11-2013 “Về tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, yêu cầu: “Thông qua việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, mỗi cán bộ, đảng viên tự phê bình và phê bình, kiểm điểm, đánh giá rút kinh nghiệm nghiêm túc về đạo đức, lối sống của bản thân, tự giác xây dựng, bổ sung nội dung, kế hoạch phấn đấu, rèn luyện cụ thể, nâng cao ý thức, trách nhiệm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao” [157, tr.3].
Trên cơ sở Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối doanh nghiệp cùng với huyện ủy, thành ủy, thị ủy đã chỉ đạo các TCCSĐ ở doanh nghiệp quán triệt, xây dựng kế hoạch học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về trung thực, trách nhiệm; gắn bó với công nhân, người lao động; đoàn kết, xây dựng Đảng TSVM; nói đi đôi với làm, nói thực, làm thực, đánh giá thực. Hằng tháng đánh giá tình hình thực hiện việc học tập làm theo tấm gương đạo đức của Bác gắn với kết quả thực hiện các việc đã đề ra trong kế hoạch học tập, làm theo và chức trách nhiệm vụ được giao của từng cá nhân; thảo luận đề ra phương hướng phấn đấu. Định kỳ hằng quý, tổ chức sinh hoạt chuyên đề, tọa đàm, trao đổi, thảo luận về các chủ đề đã triển khai học tập. Tăng cường chỉ đạo thực hiện chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, đạo đức của Bác; xác định rõ trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu. Tổ chức cho cán bộ, đảng viên, công nhân, người lao động đăng ký học tập và làm theo Bác. Tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; mỗi cán bộ, đảng viên phải làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống, trong mọi lúc, mọi nơi; làm việc đúng giờ, luôn đổi mới và sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm đó là sản xuất, kinh doanh.
Kết luận chương 2
Hà Tĩnh, vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống văn hóa, cách mạng, sau tái lập tỉnh năm 1991 đến năm 2010, Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh luôn coi trọng, quan tâm xây dựng TCCSĐ ở doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tếTSVM. Coi đây là nhiệm vụ cơ bản quan trọng của công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng và là vấn đề có ý nghĩa cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn, phần lớn các TCCSĐ ở doanh nghiệp đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo của mình là hạt nhân lãnh đạo mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trọng tâm là sản xuất, kinh doanh. Quán triệt chủ trương, sự chỉ đạo của Trung ương, nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của TCCSĐ, nắm vững tình hình thực tiễn, những năm 2010 - 2015, Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung xây dựng, nâng cao năng lực lãnh đạo của TCCSĐ ở doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.
Chủ trương về xây dựng TCCSĐ ở doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh trong giai đoạn này được nêu ra trong Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XVII và được thể hiện cụ thể ở phương hướng, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp. Với quan điểm, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh là xây dựng, củng cố TCCSĐ ở doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế gắn chặt với xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, nhằm mục đích phục vụ mục tiêu phát triển KT - XH đưa Hà Tĩnh trở thành một Tỉnh khá trong khu vực và cả nước.
Quá trình đưa chủ trương đó vào thực tiễn, từ năm 2010 đến năm 2015, Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; củng cố, kiện toàn tổ chức; xây dựng đội ngũ cấp ủy viên, người đứng đầu cấp ủy và công tác phát triển đảng viên; nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng và công tác đánh giá, phân loại đảng viên; công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các TCCSĐ. Tuy còn những hạn chế, khuyết điểm, nhưng kết quả đạt được là chủ yếu, chứng minh chủ trương của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh đã đề ra trong giai đoạn này là sát đúng. Kết quả đó là cơ sở để Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục lãnh đạo nâng cao chất lượng xây dựng TCCSĐ ở doanh nghiệp trong giai đoạn kế tiếp.
Có thể bạn quan tâm!
- Đảng Bộ Tỉnh Hà Tĩnh Chỉ Đạo Xây Dựng Tổ Chức Cơ Sở Đảng Ở Doanh Nghiệp
- Nâng Cao Chất Lượng Sinh Hoạt Đảng Và Công Tác Đánh Giá, Phân Loại Đảng Viên, Cán Bộ Ở Các Doanh Nghiệp
- Chỉ Đạo Thực Hiện Nghiêm Công Tác Kiểm Tra, Giám Sát Và Thi Hành Kỷ Luật Đảng Ở Các Doanh Nghiệp
- Yêu Cầu Phát Triển Kinh Tế - Xã Hội Của Tỉnh Hà Tĩnh Trong Tình Hình Mới
- Đảng Bộ Tỉnh Hà Tĩnh Chỉ Đạo Tăng Cường Xây Dựng Tổ Chức Cơ Sở Đảng Ở Doanh Nghiệp
- Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lãnh đạo xây dựng tổ chức cơ sở đảng ở doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế từ năm 2010 đến năm 2020 - 14
Xem toàn bộ 249 trang tài liệu này.
Chương 3
ĐẢNG BỘ TỈNH HÀ TĨNH LÃNH ĐẠO TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG TỔ CHỨC CƠ SỞ ĐẢNG Ở DOANH NGHIỆP THUỘC CÁC THÀNH PHẦN KINH TẾ (2015 - 2020)
3.1. Sự cần thiết phải tăng cường xây dựng tổ chức cơ sở đảng ở doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
3.1.1. Chủ trương của Đảng về tăng cường xây dựng tổ chức cơ sở đảng ở doanh nghiệp
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tiếp tục khẳng định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Trong đó, tập trung xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo là những vấn đề cơ bản, là cơ sở để xây dựng Đảng ngang tầm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đại hội XII của Đảng xác định phương hướng chung về công tác xây dựng Đảng trong cả nhiệm kỳ là: “Trong những năm tới, yêu cầu, nhiệm vụ nặng nề của thời kỳ phát triển mới đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI” [67, tr.198-199]. Việc Đại hội XII của Đảng xác định phải tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khoá XI về xây dựng Đảng thể hiện quyết tâm chính trị của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, và coi đó là nhiệm vụ vừa trọng tâm, cơ bản, vừa là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của công tác xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay; khắc phục một số hạn chế, khuyết điểm và một số việc chưa đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra.
Trong công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các TCCSĐ là nội dung rất quan trọng. Vì vậy, Đại hội XII của Đảng chủ trương tiếp tục kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các TCCSĐ.
Về phương hướng, mục tiêu xây dựng TCCSĐ, Đại hội xác định:
Tập trung củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp, tạo chuyển biến về chất lượng hoạt động của các loại hình tổ chức cơ sở đảng, nhất là tổ chức đảng trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế [67, tr.204-205].
Về nhiệm vụ và giải pháp
Một là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Hai là, kiện toàn tổ chức, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở; xây dựng đội ngũ đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm cao trong công việc, có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật và năng lực hoàn thành nhiệm vụ, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng.
Ba là, tiếp tục đổi mới, tăng cường công tác quản lý, phát triển, sàng lọc đảng viên, bảo đảm chất lượng; đẩy mạnh công tác phát triển đảng trong công nhân; kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những người vi phạm nghiêm trọng Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Bốn là, tổng kết việc thực hiện Quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đảng viên làm kinh tế tư nhân và việc thí điểm kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng; nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng về công tác kiểm tra, giám sát, để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng trong doanh nghiệp.
Năm là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị [67, tr.200-214].
Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về công tác xây dựng Đảng, những năm 2015 - 2020, BCH Trung ương Đảng và Bộ Chính trị đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị quan trọng về xây dựng Đảng. Đặc biệt, ngày 30-10-2016, Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Nghị quyết chỉ rõ quan điểm: “Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật. Kết hợp giữa “xây” và “chống”; “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Kiên quyết, kiên trì thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nổ lực lớn; Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có hiệu quả. Giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương của Đảng” [68, tr.35].
Xây dựng TCCSĐ TSVM là yêu cầu khách quan, thường xuyên, nhằm đảm bảo cho TCCSĐ vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao; đây là quan điểm nhất quán của Đảng trong thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Vì vậy, để thực hiện được mục tiêu đó, Đảng đã luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ, xây dựng toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng cấp ủy, đồng thời phải tập trung giải quyết dứt điểm các khâu yếu, mặt yếu. Những chủ trương của Đảng về xây dựng TCCSĐ được trình bày trong các Nghị quyết Đại hội XII và Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương là cơ sở để các cấp bộ đảng nói chung, Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh nói riêng quán triệt, vận dụng trong lãnh đạo xây dựng TCCSĐ ở doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới.
3.1.2. Yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng ở doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
Thực tiễn về công tác lãnh đạo xây dựng TCCSĐ ở doanh nghiệp của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh trong những năm 2010 - 2015, đạt được nhiều thành tựu quan trọng:
Một là, công tác giáo dục chính trị tư tưởng được các cấp ủy, TCCSĐ trong doanh nghiệp quan tâm, coi trọng và có nhiều đổi mới.
Việc tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn của từng tổ chức đảng trong các doanh nghiệp, từ đó đã tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động, trong đó: “Tập trung tuyên truyền việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI gắn với thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị” [73, tr.6] đem lại nhiều hiệu quả thiết thực.
Đặc biệt, công tác giáo dục truyền thống, đạo đức cách mạng được triển khai sâu rộng. “Các sự kiện chính trị trọng đại, các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước được tổ chức trang trọng, thiết thực, phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp và gắn với các phong trào thi đua yêu nước” [73, tr.6]. Cán bộ, đảng viên hăng hái làm việc, lao động, học tập, rèn luyện, hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, tâm huyết vì sự phát triển của doanh nghiệp.
Hai là, xây dựng đội ngũ cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy được chú trọng và đạt kết quả rõ nét.
Việc quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực trong hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, cho đội ngũ cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy ngày càng đi vào nền nếp: tổ chức nhiều lớp tập huấn, chỉnh huấn cho cán bộ chủ chốt cấp ủy; tổ chức thành công Hội thi bí thư chi bộ, trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, có ý nghĩa thiết thực [59, tr.34]. Trong thực hiện nguyên tắc Đảng lãnh đạo công tác cán bộ: “Các tổ chức đảng đã xây dựng và bổ sung quy hoạch cán bộ. Phối hợp với hội đồng
quản trị, hội đồng thành viên, giới thiệu đảng viên tham gia lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp. Nhiệm kỳ qua đã tham gia nhận xét, đánh giá 30 đồng chí cán bộ chủ chốt, bổ sung 70 đồng chí vào cấp ủy cơ sở” [73, tr.7].
Ba là, chế độ sinh hoạt đảng và công tác đánh giá, phân loại đảng viên được duy trì theo đúng quy định, nội dung có nhiều đổi mới, đã góp phần vào nâng cao chất lượng của TCCSĐ và đảng viên. Công tác đảng viên ngày càng đi vào nền nếp. Các cấp ủy đã tăng cường quản lý, tạo điều kiện và giám sát đảng viên cả về công tác, sinh hoạt, thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú: đa số đội ngũ đảng viên trong các doanh nghiệp thực hiện nghiêm Điều lệ Đảng, giữ vững mối quan hệ với cấp uỷ, chính quyền địa phương theo Quy định 76 của Bộ Chính trị [73, tr.7]. Đặc biệt, việc kết nạp đảng viên mới, không có tình trạng chạy theo số lượng, xem nhẹ chất lượng. Đã rà soát, sàng lọc, xóa tên 128 đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng theo Chỉ thị 28 của Ban Bí thư. Bồi dưỡng, kết nạp 1.296 đảng viên mới (tăng 4% so với chỉ tiêu của nhiệm kỳ trước) [28, tr.9].
Bốn là, công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng ở các doanh nghiệp đã phát huy được hiệu quả.
Nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp và cán bộ, đảng viên về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng đã được nâng lên, chất lượng các cuộc kiểm tra, giám sát hiệu quả hơn, góp phần nâng cao chất lượng tổ chức đảng, đảng viên trong doanh nghiệp. Đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra được quan tâm kiện toàn, bổ sung, đảm bảo điều kiện làm việc, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Năm là, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của các TCCSĐ trong các doanh nghiệp luôn được coi trọng. Nhất là, đổi mới trong phong cách, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên ở doanh nghiệp đặt đúng vị trí, đồng bộ với hoạt động của hệ thống doanh nghiệp ở cơ sở. “Lãnh đạo đúng nguyên tắc, đúng quy chế dân chủ ở cơ sở: khơi dậy được tinh thần đoàn kết, trách nhiệm,
tạo được bầu không khí dân chủ, công khai, minh bạch, là cơ hội để người lao động phát huy quyền làm chủ của mình, tính tự giác, hăng say, thi đua lao động nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tích cực tham gia vào các hoạt động của doanh nghiệp” [73, tr.1], góp phần quan trọng xây dựng TCCSĐ ở doanh nghiệp TSVM.
Bên cạnh những thành tựu, công tác lãnh đạo xây dựng TCCSĐ ở doanh nghiệp của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh trong những năm 2010 - 2015 còn tồn tại một số hạn chế: Một số doanh nghiệp tư nhân, việc tổ chức học tập, quán triệt các chủ trương, nghị quyết còn chậm, chất lượng chưa đạt yêu cầu. “Đảng ủy Khối doanh nghiệp chưa đề ra được các giải pháp hiệu quả để thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị; tập thể, cá nhân điển hình còn ít” [73, tr.10]. Đặc biệt, còn một số đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên BCH thiếu gương mẫu, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình, thiếu thống nhất, tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau; có trường hợp còn vi phạm pháp luật [72, tr.11]. Trong thực hiện chế độ sinh hoạt đảng và công tác đánh giá, phân loại đảng viên, một số cấp ủy thực hiện chưa nghiêm, chưa phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của từng đồng chí cấp ủy trong lãnh đạo, quản lý, điều hành.
Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng tuy được chú trọng, nhưng năng lực tiến hành công tác này của cấp ủy cơ sở có mặt còn hạn chế. “Nắm tình hình, phát hiện vi phạm chưa thực sự chủ động” [59, tr.44]. Về công tác vận động quần chúng ở một số doanh nghiệp chưa được chú trọng, hiệu quả chưa cao; hoạt động của các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo ở các doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là: về năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức đảng còn yếu; việc chấp hành nội quy, quy chế làm việc chưa nghiêm; chất lượng sinh hoạt đảng, tự phê bình và phê bình ở một số chi bộ chưa cao. Một số cấp ủy, tổ chức đảng chậm đổi mới, tình trạng buông lỏng lãnh đạo, bao biện, lấn sân, thậm chí xử lý sai thẩm quyền ở một số cấp ủy cơ sở vẫn xảy ra [163, tr.6].