Các kiểu dạng nhân vật cô đơn trong văn xuôi Việt Nam đương đại qua một số tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, Chu Lai và Nguyễn Danh Lam - 7


người ngưỡng vọng.”[61]. Rèn luyện trong quân đội, ông có một lối sống trong sạch, ngay thẳng, không vụ lợi, là vị tướng được cấp trên tin tưởng, cấp dưới kính nể. Sau khi cống hiến gần hết cuộc đời cho đất nước, giã từ con đường binh nghiệp để trở về cuộc sống đời thường, những tưởng ông sẽ tìm được sự bình yên trong những năm tháng cuối đời trong một căn biệt thự sang trọng giữa lòng thủ đô cùng gia đình. Thế nhưng, cuộc sống không xuôi chiều như vậy, ông phải đối mặt với bao nhiêu vấn đề ngang trái của hiện thực: Người vợ của ông một đời tận tụy hi sinh cho chồng con nay đã lú lẫn, không còn tỉnh táo để bầu bạn cùng ông. Đứa con trai độc nhất lại bạc nhược, an phận đến mức dường như không có khả năng chia sẻ. Cô con dâu thực dụng toan tính đến lạnh lùng. Những đứa cháu nội bận rộn với bài vở và sống với ông bằng khoảng cách của nhiều thế hệ. Người giúp việc thì quê mùa, cục mịch, cả tin ngờ nghệch,… Ông muốn đọc mà không có cái gì dễ đọc, muốn làm cái gì đó cho khuây khỏa và có ích mà chẳng được làm, muốn ở trong một căn phòng giản đơn, bình thường mà cũng không được đáp ứng,... Tất cả tạo nên khoảng lặng trong tâm hồn, nỗi cô đơn không thể chia sẻ của vị tướng già khi đã về hưu: Không một ai có thể giúp ông thích nghi với cuộc sống nghiệt nghã, phức tạp, đầy sự toan tính diễn ra hằng ngày. Ông cứ dần im lặng, rồi dần thấy mình cô đơn, ngay chính giữa gia đình của mình, thấy mình lạc loài ngay giữa đời thường xô bồ huyên náo. Không thể chấp nhận được cái lạnh lùng của lối sống thực dụng, khiến ông cay đắng tự hỏi: “Sao tôi cứ mãi lạc loài”. Cuộc sống, dường như không còn chỗ cho ông, khiến ông cảm thấy mình như trở thành người thừa, xa lạ với chính những người thân trong gia đình. Một khối cô đơn khổng lồ đè nặng lên tâm hồn vị tướng một thời lửa đạn. Ông bàng hoàng, khi chứng kiến các rau thai nhi trong nồi cám để rồi phải chua xót thốt lên “Khốn nạn, tao không cần sự giàu có này”. Ông “luống cuống, khổ sở” sau đó là kinh hãi và đau đớn trong một đám cưới ngoại ô thô thiển, ô hợp và dung tục . Ông ngán ngẩm trước việc đứa con dâu ngoại tình. Ông nhận ra một sự thật cay đắng rằng: “Đàn ông thằng nào có tâm thì nhục… tâm càng lớn càng nhục”. Nỗi cô đơn


của tướng Thuấn xuất phát từ sự mâu thuẫn của lý tưởng cao đẹp một thời binh biến và sự thật trần trụi của thời hiện đại. Phải chăng, một người từng được đặt trong “bầu không khí vô trùng” của thời trước như ông không còn đủ sức đề kháng để đối chọi với hiện thực xô bồ của cuộc sống hôm nay. Để rồi, chính khối cô đơn khổng lồ không một ai có thể cùng chia sẻ, cũng không thể hòa mình trong cuộc sống thực tại, nó dự báo một sự xoay chuyển: Từ đơn vị trở về gia đình rồi từ gia đình ông trở lại đơn vị. Xoay chuyển để mong xóa nỗi cô đơn, thế nhưng đáng buồn thay vị tướng về hưu từ giã cõi đời lại trong cảnh thiếu vắng người thân.

Với bản chất tốt đẹp được tôi luyện từ những năm tháng sống ở chiến hào, có những người lính trở về không chịu nhuộm đen mình, đành chấp nhận là một kẻ lạc thời hoặc bị coi là “dở hơi”, “hâm hấp” như Linh trong Vòng tròn bội bạc (Chu Lai). Trở về sau hơn mười năm chiến đấu Linh cũng là người cô đơn giữa gia đình, giữa cuộc sống đời thường. Tuổi trẻ tươi đẹp đã dành cho cuộc chiến, anh trở về trong niềm vui đoàn tụ của gia đình, sự mong mỏi của người thân. Có lẽ, đó là niềm hạnh phúc to lớn không phải chỉ của riêng Linh mà của tất cả những ai đã từng là lính được trở về giữa tình thân gia đình. Sau những năm tháng chiến trường gian khổ, khốc liệt, Linh may mắn hơn những đồng đội đã ngã xuống, anh được trở về với Hà Nội, với gia đình – hai hình ảnh thiêng liêng, hai nỗi nhớ luôn đau đáu, khắc khoải trong lòng. Nhưng trớ trêu thay, niềm vui đoàn tụ và cảm giác của người chiến thắng trở về trong Linh không kéo dài được lâu, phải chăng quãng đời trận mạc đã vô hình tạo nên một khoảng cách giữa anh và những người thân. Anh thấy mình lạc bước, cô đơn giữa cuộc sống đang chảy trôi hàng ngày. Trước kia anh đào hoa bao nhiêu, “anh tỏa ra một cái mùi gây gây khen khét gì đó khiến các cô gái bâu lại” thì bây giờ, anh cảm thấy rõ ràng mình không còn biết cách yêu mấy cô gái thành thị thế nào cho phải. Đau đớn và phũ phàng hơn, anh cảm thấy lạc lõng ngay trong chính gia đình mà anh yêu thương, gắn bó. Người em trai đã từng tha thiết ôm chầm lấy Linh khóc ngày anh trở về “Em sẽ làm tất cả những gì có thể được để đền bù cho anh” thì giờ đây


thẳng thừng phê phán: “ Anh tụt lại phía sau cuộc đời một thế kỉ” [31, tr.12] kèm một lời phán quyết thật cay đắng: “Sự trở về của anh làm không khí gia đình nặng nề hơn” [31, tr.49]. Đứa cháu gái anh vô cùng thương yêu và “mỗi khi nhớ về Hà Nội là cứ nhớ về nó”, thậm chí có lúc anh đã nghĩ, lỡ như sau này trở về không còn lành lặn thì anh không xây dựng gia đình mà sẽ tìm một nghề gì đó làm rồi mỗi buổi chiều sẽ cùng con bé ấy “đi chầm chậm qua công viên vào mùa lá rụng”. Thế mà, bây giờ cứ mở miệng ra là nó lại gọi anh là “ông già đau khổ”, “ông chú hấp tỉ độ”. Anh phải định thần, tự hỏi: “Chả lẽ mình đã cũ kỹ, già nua đến thế rồi ư?” [31, tr.232]. Người cha anh kính trọng có những lúc chán ngán tất cả đã muốn từ giã cõi đời nhưng vẫn cố chịu đựng để chờ tin anh thì giờ đây sự có mặt của anh có lúc lại khiến ông cụ chán ngán và thất vọng, luôn tránh mặt anh. Còn mẹ anh, người phụ nữ cả đời nhẫn nhịn chồng con và thương anh vô cùng, nhưng giờ đây, đối diện với anh cũng có khi mẹ có những dấu hiệu của ngại ngần với anh, sợ anh và thậm chí xa anh. Tất cả những điều đó dẫn Linh đến sự thất vọng khi nhận ra mình lạc lõng giữa các thành viên trong ngôi nhà thân thuộc. Gia đình vốn là nơi Linh yêu thương gắn bó, là nơi những năm tháng chiến tranh khi từng phút từng giờ đối mặt với cái chết Linh luôn khao khát được quay về. Nhưng tại sao giờ đây cũng chính gia đình lại trở thành nơi không còn phù hợp, không còn dành cho Linh nữa. Điều gì đã tạo nên khoảng cách giữa anh và những người thân? “Nhiều khi anh muốn ôm lấy mẹ, muốn nói với mẹ một câu gì đó thật dịu ngọt, thật trẻ thơ nhưng không nói được. Cứ sợ nó ngẩn ngơ, nó mềm yếu thế nào ấy. Chả lẽ những trận đánh liên miên, những mệnh lệnh chết chóc, những năm tháng khốc liệt quen lèn chặt tình cảm để gồng lên từng giờ, để đừng cúi mặt gục ngã, để đương đầu với tất cả đã làm méo mó tâm hồn, tính tình lẫn khẩu khí của mình đi đến thế? Hay là do chính những năm tháng nghiệt ngã đời thường nhào nặn nên?” [31, tr.20]. Có lẽ đây là nỗi day dứt âm ỉ và dai dẳng nhất trong lòng Linh. Cho dù có trở về với con người nguyên vẹn thì Linh cũng đã không còn là Linh ngày trước. Những năm tháng trận mạc đã rèn cho Linh cái thói quen


phải biết nén cảm xúc vào lòng và những bộn bề thời hậu chiến cũng đã ít nhiều làm cho tâm hồn anh xơ cứng đi phần nào. Vì thế, không ít lần Linh đã làm cho mẹ phải buồn lòng. Anh cô đơn, muốn trốn tránh thực tại và tự hỏi: “Hay lại xách ba lô đi?... Nhưng đi đâu? Làm gì còn đại đội nữa mà về! Đến tòa soạn nằm ư? Không ổn! Chật chội thế, nằm ở đâu? Chưa nói đến sự khinh thị của mọi người. Hay đến tạm trú nhà bạn bè? Cũng không ổn nốt. Biết mỗi nhà thằng Khâm nhưng bản thân nó đã không xong còn nói chi đến chuyện chứa thêm mình. Thuê một chỗ cốt để có cái nơi chui ra chui vào vậy? Ngớ ngẩn nốt. Hà Nội chật hẹp, những đôi vợ chồng mới cưới còn chưa có chỗ để hưởng tuần trăng mật với nhau kia kìa, trong khi toàn bộ tài sản vốn liếng của mình chỉ có chiếc xe đạp bó lốp đến kẻ trộm cũng chê. Vậy là tận đường rồi chăng?” [31, tr.52]. Những câu hỏi như thế cứ nhảy múa trong đầu Linh. Anh phải đi đâu? Làm gì bây giờ? Chả lẽ không còn một sự lựa chọn, không còn một con đường nào để Linh hòa nhập vào gia đình, vào cái cuộc sống với quá nhiều đổi thay vẫn đang diễn ra mỗi ngày? Mà theo như lời nói của em Linh thì: “Cuộc sống cứ trôi chảy cuồn cuộn với tất cả những cái nhố nhăng, cao đẹp và xô bồ của nó. Riêng anh anh cứ thích dừng lại trên bờ gặm nhấm những giá trị cũ và sau đó chua cay nói: Hỏng! Tất cả đều hỏng, hỏng từ trong ra ngoài.” [31, tr.243].

Ở ngay chính nhà mình, nhưng Linh vẫn có cảm giác cô đơn, lạc lõng. Để rồi không ít lần Linh đã băn khoăn tự đặt câu hỏi về sự trở về của mình, phải chăng điều đó là một sai lầm?: “Liệu mình có nên trở về như thế này khong nhỉ? Và sự vội vàng tháo bỏ áo lính như vậy có ngu xuẩn quá chăng?”. [31, tr.51]. Phải chăng, mười năm khoác áo lính ở chiến trường đã vô tình tạo nên khoảng trống vô hình ngăn cách anh và những người thân trong gia đình, để giờ đây, giữa hiện tại đang hiện hữu anh như một khách thể bị bắn ra bên ngoài, không thể hòa hợp. Anh chua chát, cay đắng nhận ra: “Mất hết tất cả những gì có thể mất trong đời thường: Mất tuổi trẻ, mất tình yêu, mất trắng. Mất sự hòa hợp với gia đình, mất lòng tin cậy của bạn bè, xã hội,… Mất nhiều quá, mất đến roãng cả người.” [31, tr.51]. Vì thế, anh bước đi giữa những bộn

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 124 trang tài liệu này.


bề tạp nham của cuộc sống , nhưng va vào đâu anh cũng thấy tuồng như mình bị chối bỏ“ …va vào gia đình, gia đình bỗng thành xa lạ, va vào tình yêu, tình yêu luôn phản trắc, va vào cơ chế, cơ chế lúc có lúc không; va vào cơ quan đoàn thể gặp phải những người như lão Quách.” [31,tr.136] không còn nơi để Linh có thể vịn vào. Thế nên, không khỏi khiến Linh rơi vào nỗi cô đơn. Mọi người đã không còn hiểu anh và bản thân anh đã ghìm nén, hạn chế trong việc thể hiện tình cảm của mình. Anh quyết định tách mình ra một thế giới riêng với“căn cứ ở ẩn” trên tầng thượng quạnh quẽ, để có không gian riêng và có điều kiện suy nghĩ về cuộc đời: “Thời trận mạc, anh đã cầm súng hết mình,…để rồi ngày giải phóng đầu tiên anh đi giữa Sài Gòn xa lạ như đi trên đất khách quê người,… Trở về, gia đình bỗng thành xa lạ” [31, tr.126], Hiện tại khiến anh hụt hẫng, ngơ ngác “Cho nên anh phải leo tít lên chuồng cu để gặm nhấm sự u uất một mình”. Bởi “Từ nhỏ anh đã thích sống cô đơn” [31, tr.135] nên cái không gian riêng trên tầng thượng tạo nên sự cô đơn tuyệt đối“ Chà! Đúng là một con sói độc thân, một sự cô độc thiên thần.” [31, tr.260]. Anh cô đơn, trốn chạy mọi thứ, chỉ còn biết lao vào công việc, nhưng cũng không thoát khỏi cái nhìn của người em trai: “Muốn bám bổn phận, muốn lao vào công việc làm phương tiện để khỏa lấp sự trống trải trong đầu” [31, tr.228]. Hay là “Dựa trên cách ăn mặc, lối sống cô độc của anh và vẻ khinh bạc trong đôi mắt anh” đủ tạo nên một cá nhân được bao bọc bởi nỗi cô đơn của kiếp người.

Các kiểu dạng nhân vật cô đơn trong văn xuôi Việt Nam đương đại qua một số tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, Chu Lai và Nguyễn Danh Lam - 7

Ở gia đình đã vậy, ở cơ quan, Linh cũng là một thực thể cô đơn. Linh âm thầm lặng lẽ làm việc một cách đầy trách nhiệm, anh là người đứng ngoài cuộc loại trừ nhau của các phe phái trong cơ quan, anh không gia nhập vào vây cánh của ai cả. Và sau chuyến đi công tác thực tế kiểm tra tình hình, điều tra sự thật – kẻ phạm tội – vị bí thư Nguyễn Văn Hòe ấy lại chính là bạn chiến đấu vào sinh ra tử, từng là người anh xem như ruột thịt thủa chiến hào. Cuộc xung đột nảy lửa giữa hai người khiến Linh càng thấy chới với, hụt hẫng và chua xót. Anh quyết tâm muốn giành lại công bằng và chân lý cho những người dân xã Thanh Lâm, nhưng thân cô thế cô vì sau


Lưng Hòe là cả hệ thống ô dù che chắn từ huyện đến tỉnh. Những bài báo của Linh không được đăng, anh bị phê phán, kỉ luật, trong khi Hòe vẫn nhởn nhơ và còn được coi là một bí thư xã điển hình. Anh hoàn toàn sụp đổ, không còn nhiệt huyết, niềm tin, không còn bám víu vào đâu; không có điểm tựa, anh chán nản, thất vọng, lạc lõng trước những tráo trở, gian trá của cuộc đời. Anh đã từng “khao khát cô đơn nhưng chưa bao giờ anh cô đơn như lúc này [31, tr.122.]

Hai Hùng trong tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai) – cũng là nạn nhân của nỗi cô đơn của người lính trở về phải gánh chịu. Anh cô đơn trong hành trình ngược dòng tìm về quá vãng, tìm lại đồng đội, tìm lại người yêu để mong tìm lại niềm vui ý nghĩa cuộc sống. Nhưng nhân vật đã phải thất vọng, phải buồn, phải căm giận, vấn vương khi càng tìm về, nỗi buồn, sự thất vọng càng như chất đầy hơn.

Hai Hùng - một chàng trai đất Bắc có thân hình vạm vỡ, khỏe đẹp, mẫu người tiêu biểu cho người lính với sự tinh nhạy, khôn khéo và can tràng, với hình ảnh đẹp thời còn là lính tráng: “Cao một mét bảy ba, nặng suýt tám mươi kí, nếu nhịn đói vài ngày hay bị thương cũng chỉ xê dịch một chút ít, vòng ngực kênh vong như rá úp, tóc dầy cộm, mắt xếch, miệng rộng, cười tươi, răng to và chắc, bụng nổi đủ sáu múi, chân tay xoắn chừng như chão bện, da bánh mật,…” [59]. Anh được mọi người quý mến từ tính cách đến con người. Khi nói về anh thì các cô du kích, các cô ở đội nữ pháo binh trong rừng ngưỡng mộ, thần tượng. Được bà con nơi ấp chiến lược quý mến như người con của bản, của mình,… một người nức tiếng đánh giặc giỏi, là “ác ôn Việt Cộng” bản lĩnh trong chiến đấu, có tình yêu sâu sắc và chân thành.

Thế nhưng, cuộc chiến qua đi, trở về thời bình Hai Hùng là kẻ trắng tay: “Không vợ con, không tương lai, không hiện tại, không cắc bạc dính túi”. Anh hoàn toàn thân cô, thế cô giữa xã hội. Hình ảnh người đại đội trưởng đặc nhiệm mạnh mẽ hào hùng của thời trận mạc ngày nào mất đi, thay vào đó là một Hai Hùng già nua, nhàu nát cả thể xác lẫn tinh thần. Anh phải đối diện và sống với cái hình hài của “một lão già ốm o sầu muộn”, “một con nộm rơm khốn khổ giữa cánh đồng đời giông


bão” sống như một người thừa bị bắn ra bên lề của cuộc sống mòn mỏi, lụi tàn : “Tôi, một kẻ dư thừa vừa bị bắn ra khỏi lề đường. Cao một thước bảy, nặng chỉ có bốn mươi nhăm cân, hốc hác, bắt đầu có dấu hiệu thần kinh, răng rụng gần một phần ba, ít cười nói, sợ tiếng động, sợ ánh sáng, sợ đô thị, sợ nơi đông người, dấu vết mặc cảm tự ti hằn vào từng bước chân đi trong cái nhếch mép rụt rè, nửa cười nửa khổ” [59]. Những đồng đội của anh trở về sau cuộc chiến cũng nhiều người sa cơ lỡ vận. Anh chán ngán, mệt mỏi, cô đơn. Cuộc sống hiện tại không còn phù hợp và dường như cũng chẳng phải dành cho anh nữa. Anh quyết định một mình xuôi ngược trong cái hành trình đi tìm dĩ vãng, một kẻ phải đi “ăn mày” để mong “Cái mảnh quá khứ phập phồng đập trong lồng ngực ọp ẹp” vẫn là điểm tựa dìu anh tiếp tục sống. Dù đồng đội của anh, sau khi bước qua cuộc chiến, mọi người đang muốn lãng quên và đã lãng quên những kí ức mất mát, tổn thương một thời lửa đạn, họ đều muốn quay lưng với quá khứ. Duy chỉ có một mình Hai Hùng là vẫn nhớ, vẫn lặn lội lục tìm cái quá khứ ấy. Hơn hết, anh muốn đi tìm sự thật về cái chết của đồng đội cũng là người yêu trong chiến tranh tên là Ba Sương.

Nhưng, đáng buồn thay, trên hành trình cô độc đó, càng lội vào sâu thì vang vọng bên tai Hai Hùng cũng chỉ là âm thanh lõm bõm của những tiếng bước chân lẻ loi, đơn độc. Một Hai Hùng cô đơn và lạc lõng ở hiện tại đi tìm quá khứ để mong có được chút an ủi, thanh thản cho tâm hồn thì lại càng trở nên hụt hẫng, lại càng đau buồn hơn khi cái quá khứ ấy được tìm thấy. Ba Sương – người con gái anh yêu và tôn thờ thời chiến trận vẫn còn sống – đúng như trong khắc khoải, dằn vặt và nghi ngờ của anh. Nhưng hiện tại trớ trêu, cô du kích Ba Sương xinh đẹp dũng cảm, luôn sống hết mình vì lí tưởng, yêu anh hết lòng ngày nào đã phủ nhận quá khứ và trốn chạy anh. Ba Sương hiện tại là Tư Lan – một Giám đốc nông lâm tài giỏi nổi danh khắp các tỉnh miền Tây. Một chị Tư sang trọng, xa lạ, dính dáng vào những vụ làm ăn phi pháp và quan hệ tình cảm ngay với chính kẻ thù của cô năm xưa khiến Hai Hùng đau khổ, tuyệt vọng. Anh sụp đổ hoàn toàn, tất cả niềm tin, niềm tự hào về một con người


đẹp đẽ trong quá khứ hào hùng bây giờ tan biến hết. Một hình ảnh Ba Sương đẹp đẽ, lung linh in sâu trong lòng anh hai mươi năm qua bỗng chốc sụp đổ, thay vào đó là một Tư Lan giả dối, tàn nhẫn. Chính cái sự “chết đi sống lại” này của Ba Sương đã xóa đi được mặc cảm tội lỗi của Hai Hùng nhưng thay vào đó, nó đã đẩy anh rơi vào tình cảnh thảm hại, anh gục ngã thật sự. Mất hết niềm tin, mất hết hy vọng, anh luôn tự nhủ: “Cuộc đời một thằng lính già còn có gì khác là không nguôi hướng về dĩ vãng và cầu mong cho cái dĩ vãng đó luôn trong lành chân thật” [59]. Nhưng chính lúc này, cái dĩ vãng còn lại ấy cũng đã mang đến cho anh niềm cay đắng, buộc anh thừa nhận: “Bây giờ mới là hết. Hết thật sự. Hết quá khứ, hết những năm tháng trận mạc khổ mà vui, hết tình yêu, hết đồng đội và cả tình đồng chí. Hết nhẵn.” [59].

Có thể nói, cuộc đời của Hai Hùng sau chiến tranh là chuỗi dài của sự cô đơn. Anh cô đơn vì anh chỉ còn một mình không còn người thân thích. Cô đơn vì anh lạc lõng giữa thực tại. Hơn hết, anh cô đơn vì quá nặng lòng với quá khứ, phải trốn chạy thực tại để tìm về miền kí ức ấy. Anh chỉ có thể đi bên lề của cuộc sống vẫn đang diễn ra ồn ã hằng ngày, một mình làm khách giữa cuộc đời.

Quang trong Bãi bờ hoang lạnh (Chu Lai) là người cô đơn đến đáng thương, anh phải chịu những tổn thương, mất mát không thể bù đắp trên cơ thể và chính tổn thương ấy đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời anh. Quang đã từng là một đại đội trưởng trinh sát, một “con cá kình của mặt trận Tây Nam”, là niềm tự hào của đồng đội thời trận mạc,… Nhưng “đến khi có một thằng chĩa nòng súng vào sau ót” [59] cuộc chiến đã cướp đi tất cả cơ hội có cuộc đời làm người bình thường của Quang, biến anh trở thành một người không thể thích nghi với đồng loại, với gia đình, buộc anh phải trốn chạy khỏi xã hội. Phát súng của kẻ thù không giết chết anh, nhưng nó đã gây nên một tổn thương vô cùng nghiêm trọng về thần kinh. Quang trở thành một con bệnh tâm thần, bị mọi người xa lánh với những tiếng hú “rợn người ai oán”, nhiều khi “ hùng dũng và bi thương đến tội nghiệp”. Một mình Quang sống tách biệt trên đồi cao hoang vắng, bởi lẽ cuộc sống dưới kia không dành chỗ cho một người

Xem tất cả 124 trang.

Ngày đăng: 03/02/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí