Đặc Điểm Cốt Truyện, Nhân Vật, Ngôn Ngữ Văn Xuôi Dân Tộc Thiểu Số


văn học dân tộc tập trung vào công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội thì văn xuôi dân tộc thiểu số cũng phản ánh cuộc đấu tranh cứu quốc vĩ đại với cảm hứng ngợi ca quê hương, con người miền núi trong chiến đấu, lao động. Tiêu biểu là tác phẩm Ché Mèn được đi họp (1959) của Nông Minh Châu. Truyện ngắn xoay quanh nhân vật Ché Mèn, một cô gái dân tộc thiểu số trẻ trung và sớm nhận thức được con đường tất yếu đưa quê hương cô đến với cuộc sống ấm no. Với nghị lực và tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đấu tranh với những trở lực, với khát vọng mang lại cuộc sống ấm no cho gia đình và quê hương, cô đã mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Vấp phải những cản trở từ những hủ tục đã tồn tại từ ngàn đời nhưng Ché Mèn vẫn không chịu đầu hàng. Cô cùng với những thanh niên tiến bộ như Thoại, Nhạn vẫn kiên trì hành động để xây dựng cuộc sống mới cho quê hương. Truyện ngắn Ché Mèn được đi họp tiêu biểu cho đề tài thế hệ trẻ đầy nhiệt huyết xây dựng quê hương giàu đẹp.

Kể từ sau năm 1975, đặc biệt là sau 1986, đề tài đã được mở rộng, trở nên phong phú, đa dạng hơn. Bên cạnh việc tập trung ngợi ca cái đẹp, cái thiện là sự cảnh tỉnh, đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu. Văn xuôi dân tộc thiểu số đã có những giá trị thẩm mĩ mới mẻ trong quá trình khắc họa số phận cá nhân của đồng bào dân tộc miền núi. Một số tác phẩm trở lại khai thác hiện thực miền núi những năm đầu cách mạng với cuộc đấu tranh gian khổ của nhân dân các dân tộc như Chuyện trên bờ sông Hinh (1994) của Y Điêng, Gió Mù Căng (1995) của Hà Lâm Kỳ,.... Nhìn chung các tác phẩm tìm cảm hứng ở quá khứ này đều xoay quanh những vấn đề phổ quát của chiến tranh, cách mạng: sức sống và bản lĩnh của dân tộc, tình đoàn kết và tinh thần cộng đồng, con đường thu phục lòng dân và cảm hoá tầng lớp lang đạo ở miền núi… Trong các tác phẩm ấy, chất sử thi đã nhạt hơn, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu phản sử thi hay thể hiện nhu cầu nhận thức lại quá khứ một cách rò rệt như trào lưu cách tân của văn xuôi Việt Nam nói chung. Bên cạnh đề tài chiến tranh cách mạng, nhiều tác phẩm hướng về công cuộc xây dựng đời sống, phát triển kinh tế xã hội ở miền núi như các tiểu thuyết: Mũi tên ám khói (1991), Gió hoang (1992) của Ma Trường Nguyên, tập bút kí Cao nguyên trắng (1992) của Mã A Lềnh và các tập


truyện ngắn Vùng đồi gió quẩn (1995), Chuyện ở chân núi Hồng Ngài (2005) của Sa Phong Ba.

Ngoài hai mảng đề tài quen thuộc này, nhờ sự dân chủ hoá của văn học đổi mới, các phạm vi hiện thực được mở ra rộng rãi hơn. Những mặt trái, những mảng tối của hiện thực đời sống mà văn học trước đây từng né tránh nay được phơi bày. Dồn dập trong nửa đầu thập kỉ 90, các tiểu thuyết Người trong ống (1990), Gã ngược đời (1990), Vào hang (1990), Chồng thật vợ giả (1994)… của Vi Hồng được dư luận quan tâm bởi những vấn đề có tính thời sự. Các tác phẩm này đề cập tới sai lầm của mô hình hợp tác xã nông nghiệp, sự ấu trĩ của việc ngăn cấm làm giàu cá nhân và gióng hồi chuông cảnh báo về sự hoành hành ghê gớm của cái ác. Tái hiện chân thực một thời bao cấp, tiểu thuyết Xứ mưa (2000) của Hoàng Thế Sinh phơi bày tình trạng đói nghèo, nhem nhuốc, túng quẫn của công chức nhà nước, thân phận bọt bèo vô nghĩa của giáo viên cùng sự hoang mang, đổ vỡ niềm tin của giới trí thức trước sự tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa. Mạnh mẽ và táo bạo, tiểu thuyết Đàn trời (2006) của Cao Duy Sơn công khai hé mở thực trạng về sự nghèo đói truyền kiếp của người dân vùng cao, vạch trần thói mị dân, sự sa đọa cùng hành vi đen tối của quan tham cao cấp thời đại mới. Cùng sự hiện hữu của cái nghèo, cái ác, tác động tiêu cực của kinh tế thị trường đối với vùng cao là vấn đề được nhiều tác phẩm quan tâm. Sự xâm thực của thương trường phá vỡ trật tự rừng xanh, lối sống thực dụng làm nứt rạn nếp nghĩ truyền thống, cái xấu xa phi pháp khuấy đảo sự thanh bình của làng bản... những dấu hiệu băn khoăn lo ngại trước sự biến chuyển của miền núi đương đại cũng là ám ảnh trên nhiều trang viết của các nhà văn dân tộc thiểu số. Đáng chú ý là ngoài những vấn đề mang tính xã hội, một số tác phẩm đã đi vào các khía cạnh của đời sống cá nhân. Có thể kể đến tập truyện Tiếng chim kỷ giàng (2004) của Bùi Thị Như Lan với những mảnh đời phụ nữ bị trói buộc bởi lương tâm và bổn phận, phải hi sinh hạnh phúc riêng vì người khác. Vốn nhạt nhoà trong văn xuôi cách mạng, chuyện tình yêu gặp luồng gió đổi mới đã bừng nở trong không ít truyện ngắn, tiểu thuyết của Cao Duy Sơn, Hà Lý, Hoàng Thế Sinh. Việc khai thác vấn đề số phận cá nhân đã làm giàu thêm chất văn xuôi,


chất tiểu thuyết cho các tác phẩm và nêu cao tinh thần nhân văn, nhân bản đang là xu thế chung của văn học đổi mới.

Có một điều đặc biệt trong sự vận động tiến tới hiện đại của văn xuôi các dân tộc thiểu số là sự đan xen nhiều tuyến đề tài. Bên cạnh những tuyến đề tài chính trong từng tác phẩm như cuộc đấu tranh bảo vệ quê hương, đất nước trong các tác phẩm viết về chiến tranh, cuộc đấu tranh đầy cam go, thử thách trong các tác phẩm thế sự, phản ánh hiện thực miền núi trong những bước chuyển mình của lịch sử, trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới, chống cái xấu, cái ác,… là những trang viết nên thơ về phong tục văn hóa độc đáo hay những khung cảnh thiên nhiên đầy lãng mạn. Các nhà văn đã đưa vào tác phẩm của mình những bức tranh đa sắc của văn hóa lễ hội, tập tục, trang phục, ngôn ngữ,… của dân tộc mình và cắt nghĩa chúng như là cội nguồn sức mạnh của núi rừng. Đây là một không gian thiêng của người Ê đê trong các trang văn của Hlinh Niê: “Khách muốn vào nhà Êđê phải leo cầu thang đằng trước, vịn tay lên bầu vú gỗ để đến với không gian mẫu hệ. Nhà Mnông lại có hai cửa hình vòng cung cùng mở về hướng đông thấp lè tè. Bước qua cửa nào cũng gặp bếp lửa cháy quanh năm. Giữ gìn lửa là việc sống còn của con người giữa rừng đại ngàn. Lửa soi sáng mọi việc làm trong nhà, lửa nấu chín thức ăn. Lửa xua cái lạnh giá những tháng mưa rừng. Lửa phừng phừng da thịt gái trai thương nhau.”. Đó còn là không gian của Lễ hội Lồng tồng, Lễ hội đâm trâu, Lễ hội bỏ mả,… Bên cạnh đó là những bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, hoang dại, thanh khiết của núi rừng, nơi ươm mầm những ước mơ, nơi nuôi dưỡng tình yêu và niềm tin của con người.

Có thể nói, mặc dù chưa thực sự phong phú nhưng qua các chặng đường phát triển, văn xuôi dân tộc thiểu số đã có sự mở rộng về đề tài. Bên cạnh việc phản ánh công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, các nhà văn đã ngày càng chú ý hơn tới việc đi sâu khám phá những vấn đề phức tạp của cuộc sống miền núi, đặc biệt là vấn đề số phận cá nhân. Điều đó đã đem lại cho các sáng tác văn xuôi dân tộc thiểu số chất tiểu thuyết và tinh thần nhân văn, nhân bản ngày càng đậm nét.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 113 trang tài liệu này.


1.1.3. Đặc điểm cốt truyện, nhân vật, ngôn ngữ văn xuôi dân tộc thiểu số

Đặc điểm tiểu thuyết Ma Trường Nguyên - 3

1.1.3.1. Đặc điểm cốt truyện

Văn xuôi dân tộc thiểu số thời kì đầu thường có cốt truyện tuyến tính với mạch thời gian kể xuôi chiều. Cốt truyện tuyến tính theo dòng thời gian với việc tổ chức các tình huống truyện đơn giản giúp cho các độc giả là người dân tộc thiểu số miền núi dễ nắm bắt được nội dung ý nghĩa của truyện nhưng lại không đem lại hiệu quả thẩm mĩ cao. Vi Hồng là nhà văn sớm nhận ra hạn chế ấy của văn xuôi dân tộc thiểu số nên đã tạo ra những đảo lộn thời gian nhất định trong Vãi Đàng. Kiểu cốt truyện với thời gian gấp khúc ấy về sau xuất hiện nhiều hơn trong các tiểu thuyết của Vi Hồng, Ma Trường Nguyên, Cao Duy Sơn, Inrasara … Đặc biệt, với việc “chối bỏ sự gò bó, sắp đặt của cốt truyện tuyến tính, cố ý tạo ra sự xáo trộn, đứt gẫy của các yếu tố không gian, thời gian”, tiểu thuyết Inrasara đã “thể hiện quan niệm về một thế giới với đầy những vênh lệch, so le, biến ảo, không dễ nắm bắt và lý giải” [17]. Sự phá vỡ lôgic thời gian này, mặc dù có đi xa tầm đón nhận của người đọc dân tộc thiểu số nhưng phần nào đã thể hiện tinh thần tìm tòi của nhà văn Inrasara.

Cốt truyện trong văn xuôi dân tộc thiểu số thường là cốt truyện đơn tuyến với dung lượng nhỏ hoặc vừa. Phần lớn các tác phẩm đều có ít nhân vật và nếu có phân tuyến cũng chỉ gồm hai tuyến cơ bản: chính - tà. Có thể kể đến các tác phẩm của Vi Hồng, Triều Ân, Nông Minh Châu, Hoàng Hạc, Vi Hồng, Sa Phong Ba, Bùi Nguyên Khiết, Đặng Quang Tình… Theo tác giả Phạm Duy Nghĩa thì trong văn xuôi dân tộc thiểu số những thập niên 50 - 80 của thế kỉ trước “có chung môtíp cốt truyện: cái mới (thường được đại diện bởi một cô gái hoặc một lớp thanh niên) đấu tranh với cái cũ (thường là ông bố, phía sau là thầy mo và những kẻ bảo thủ khác); cái mới đi tiên phong, năng động tìm tòi, dũng cảm vượt qua những cản trở, bài xích; cái cũ bị tác động, lay chuyển, dẫn đến thay đổi trong nhận thức hoặc buộc phải lùi bước trước cái mới[15]. Nhiều cốt truyện đã ra đời từ lối mòn công thức này như Ké Nàm của Hoàng Hạc, Lòng rừng của Sa Phong Ba, Lửa rừng của Đặng Quang Tình, Gió hoang của Ma Trường Nguyên …


Chính môtíp cái mới phải thắng cái cũ, ta phải thắng địch, nhân vật chính diện gặp khó khăn thường dễ vượt qua trong sự phân tuyến rạch ròi tốt - xấu, chính - tà đã khiến cho văn xuôi dân tộc thiểu số rơi vào sự đơn điệu.

Cốt truyện trong văn học dân tộc thiểu số chịu ảnh hưởng của văn học dân gian đậm nét với kiểu kết thúc có hậu, với mô típ nhân vật bỏ làng bản, bỏ gia đình ra đi trong những tình huống bước ngoặt. Vi Hồng, Ma Trường Nguyên, Triều Ân, Hà Thị Cẩm Anh, Cao Duy Sơn … đều có những tác phẩm kết cấu theo lối này. Cốt truyện với kết thúc có hậu khiến văn xuôi miền núi mang sắc màu cổ tích, gần gũi với đồng bào dân tộc song nó cũng làm cho tác phẩm như có phần sắp đặt mang tính lộ liễu, do đó trở nên dễ dãi. Hai mẹ con, Nơi ấy biên thùy của Triều Ân, Như gốc gội xù xì của Hà Thị Cẩm Anh … là những tác phẩm như vậy. Điều này đã được các nhà văn cố gắng khắc phục trong thời gian về sau. Nhân vật của Bùi Thị Như Lan với những kết thúc trong đau thương mất mát không gì hàn gắn nổi … là những ví dụ cho thấy văn học dân tộc miền núi đang bước đầu tiếp cận để đổi mới mình trong xu thế chung của văn xuôi dân tộc.

Có thể nói, đây là phương tiện để nhà văn tái hiện các xung đột xã hội. Thời kì đầu, việc tổ chức các tình huống truyện của văn xuôi dân tộc thiểu số nhìn chung còn đơn giản trong khi hiện thực cuộc sống miền núi vốn không hiếm những chuyện đời dữ dội, những tình cảnh ngặt nghèo, những thử thách nghiệt ngã, những quyết định lớn lao. Về sau, các nhà văn đã có những cố gắng trong việc tạo dựng các tình huống gay cấn làm cho tác phẩm của họ trở nên hấp dẫn hơn. Đoạn đường ngoặt của Nông Viết Toại đặt ra được tình huống khá đặc biệt: trong giờ khắc nghiêm trọng của cuộc đời, nhân vật Lưu phải lựa chọn giữa hai con đường: đi và ở, lí tưởng cách mạng và vợ con. Tiểu thuyết Người trong ống của Vi Hồng có tình huống đời thường mà li kì, độc đáo: nhân vật Tú (con người khắc kỉ, gạt bỏ mọi cám dỗ để theo đuổi lí tưởng riêng của mình) phải thực hiện một phong tục kì lạ là ở chung ba đêm giữa chốn nhung lụa xa hoa với người con gái quyền quý xinh đẹp, nếu không cưỡng được lòng mình mà “khai nụ, xâu hoa” thì phải cưới nàng. Tình huống thử nghiệm bản lĩnh này được tác giả thể


hiện trong một thời gian nghệ thuật hết sức căng thẳng, dồn nén, có sức dẫn dụ mạnh ... Đó là một số ví dụ cụ thể về những tình huống truyện đem lại hiệu quả nghệ thuật trong văn xuôi dân tộc thiểu số. Ngoài ra, một số sáng tác của Kim Nhất, Cao Duy Sơn … cũng tạo dựng được những tình huống truyện có giá trị. Tiếc rằng những tình huống như thế xuất hiện chưa nhiều trong văn xuôi dân tộc thiểu số.

Trong quá trình phát triển, những năm gần đây văn xuôi miền núi vừa kế thừa những hình thức cốt truyện truyền thống vừa bổ sung thêm một số kiểu cốt truyện mới. Có thể kể đến cốt truyện huyền ảo với sự đan xen giữa các yếu tố hoang đường và yếu tố thật, cốt truyện ghép mảnh với nhiều mảnh nhỏ ghép lại với nhau, cốt truyện bỏ ngỏ với kết thúc mở, bỏ lửng, không xác định (như truyện ngắn Người săn gấu của Cao Duy Sơn), cốt truyện ngụ ngôn với sự nén chặt trong một cấu trúc tiết kiệm, tối giản mà súc tích (như những truyện ngắn của La Quán Miên) … Những tìm tòi, thể nghiệm trong sáng tạo cốt truyện cùng với sự hỗ trợ của các yếu tố ngoài cốt truyện trong các sáng tác văn xuôi dân tộc thiểu số đã đem đến sức hấp dẫn cho các tác phẩm, góp phần làm cho mảng văn học này ngày càng có chỗ đứng trong lòng độc giả.

1.1.3.2. Đặc điểm nhân vật

Có thể nhận thấy, nhân vật trung tâm trong văn xuôi các dân tộc thiểu số thường là người lao động các dân tộc thiểu số, về sau có bổ sung thêm các nhân vật trí thức và các giai tầng khác của xã hội. Ngoài ra, còn có những nhân vật là những người cán bộ, bộ đội, giáo viên, nhân dân miền xuôi… lên vùng cao chiến đấu, lao động sản xuất. Thế giới nhân vật mặc dù chưa thật phong phú nhưng cũng làm nên những nét đặc trưng riêng của văn xuôi dân tộc thiểu số.

Với sự ảnh hưởng mạnh mẽ trong quan niệm của văn học dân gian, các nhân vật trong văn xuôi miền núi thường được xây dựng theo hai tuyến: thiện - ác, tốt - xấu. Trong các tác phẩm, nhân vật hoặc thiện hoặc ác đều cố định và được đẩy đến tận cùng các thái cực tính cách ấy mà ít có sự phức hợp, thay đổi. Những nhân vật thiện thường hội tụ trong con người mình nhiều phẩm chất tốt đẹp: chân thực, giàu


lòng nhân ái, giàu đức hi sinh, tiềm tàng sức sống … Ngược lại, những nhân vật ác thì tàn nhẫn, độc ác, ti tiện, xấu xa đến cùng cực. Có thể kể đến các nhân vật cực thiện như: Đán (Núi cỏ yêu thương), ông lão Tạp Tạng (Vào hang), bà cháu Nọi Lai (Đọa đày), Lăng Thị Thu Lả (Lòng dạ đàn bà) trong các sáng tác của Vi Hồng; Lèng (Gió hoang), Thục, Ngát (Bến đời) trong sáng tác của Ma Trường Nguyên; Tài Pẩu, lão Phu (Hoa mận đỏ), Thức (Đàn trời) trong sáng tác của Cao Duy Sơn… Đối lập với những nhân vật cực thiện ấy là những nhân vật cực ác như Đoác trong Vào hang, Ba trong Người trong ống, Hỷ trong Gã ngược đời (Vi Hồng), chánh Han trong Mũi tên ám khói, lão Khóng trong Bến đời (Ma Trường Nguyên), Sài Vẳn trong Người săn gấu, Sáng Và trong Cực lạc, Chẩng trong Hoa mận đỏ, Lương Nhân trong Đàn trời (Cao Duy Sơn)… Sự phân chia nhân vật thành hai tuyến rò ràng như vậy cũng phần nào tạo nên tính chất đơn diện, thuần tính cách trong đặc điểm nhân vật của văn xuôi dân tộc thiểu số. Về sau này, các nhà văn dân tộc thiểu số cũng đã có những cố gắng trong phát triển nghệ thuật xây dựng nhân vật với xu hướng đa dạng hóa tính cách. Sự phát triển ấy là cả một quá trình dài với sự đóng góp của nhiều cây bút. Sự đa dạng hóa trong tính cách làm cho các nhân vật trong văn xuôi dân tộc thiểu số không còn cực đoan, một chiều. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều những nhân vật thực sự sâu sắc, thực sự ám ảnh người đọc.

Nhân vật trong các tác phẩm văn xuôi dân tộc thiểu số mang những nét đặc trưng tính cách của con người miền núi. Đó là những con người thật thà, chất phác, giàu lòng nhân ái… và cũng rất mạnh mẽ, quả cảm, luôn biết vươn lên. Giữa rừng núi đại ngàn, những con người ấy “hồn nhiên sống, chân thật, rạch ròi trong những tình cảm yêu ghét. Họ tin vào người khác như tin ở chính mình” [17]. Điều đặc biệt trong tính cách miền núi là sự tha thứ, khoan dung và độ lượng. Những con người ấy, dù có lúc bị lừa gạt, lợi dụng bởi sự hồn nhiên, chân thật nhưng họ không căm hận để tìm cách trả thù bằng mọi giá mà luôn biết tha thứ, thậm chí sẵn sàng mở rộng lòng mình cứu giúp chính những con người đã từng hại mình. Nàng Thu Khoan trong Dòng sông nước mắt (Vi Hồng), thầy Hạc trong Ngôi nhà xưa bên suối (Cao Duy Sơn)… chính là những con người như thế. Bên cạnh đó, nhân vật


trong văn xuôi miền núi còn là những con người giàu niềm tin, tiềm tàng sức sống, yêu đời, giàu khát vọng tự do và hạnh phúc . Chính niềm tin và tình yêu ấy đã nâng đỡ để họ vượt qua những đắng cay tủi hờn của số phận, để vươn tới một cuộc đời tươi sáng. Với các nhân vật như vậy, văn xuôi dân tộc thiểu số đã trở thành những bài ca ngập tràn cảm hứng nhân văn ngợi ca con người.

Xây dựng nhân vật, các nhà văn dân tộc thiểu số thường sử dụng một số thủ pháp nghệ thuật tiêu biểu. Để tạo dựng những nhân vật cực thiện, nhân vật chính diện, các nhà văn dùng thủ pháp so sánh theo xu hướng “thần hóa”, “tiên hóa”. Ngược lại, các nhân vật phản diện, nhân vật ác lại được xây dựng bởi thủ pháp so sánh “vật hóa” nhằm hạ thấp đối tượng. Miêu tả ngoại hình để khơi gợi tính cách nhân vật, khắc họa hành động nhân vật để tính cách được bộc lộ cũng là những thủ pháp nghệ thuật được các nhà văn sử dụng. Các hình ảnh đôi mắt, nụ cười … là những chi tiết ngoại hình mà các nhà văn chú ý tới.

Thủ pháp nghệ thuật xây dựng nhân vật qua miêu tả tâm lý, qua đời sống nội tâm nhân vật được nhiều nhà văn sử dụng. Nhân vật của Cao Duy Sơn thường có cuộc sống nội tâm phong phú, phức tạp, mạnh mẽ, dữ dội nhưng lại lặng lẽ kín đáo. Bên cạnh Cao Duy Sơn, các nhà văn khác cũng rất chú ý đến miêu tả nội tâm nhân vật. Tuy nhiên, trong nhiều tác phẩm văn xuôi dân tộc thiểu số, việc khắc họa nhân vật qua đời sống nội tâm vẫn còn những hạn chế khiến cho nhân vật chưa thật sự trở nên sâu sắc.

Mượn yếu tố thiên nhiên để khắc họa vẻ đẹp và tính cách nhân vật cũng là một thủ pháp nghệ thuật mà các nhà văn dân tộc thiểu số thường dùng đến. Vi Hồng, Ma Trường Nguyên thường sử dụng thiên nhiên như tấm phông nền cho nhân vật bộc lộ mình. Vẻ đẹp của con người, những tâm tư tình cảm của con người thường được thể hiện một cách tự nhiên mà rò nét qua thiên nhiên ấy. Thiên nhiên có khi là người bạn tâm tình tri kỉ của con người, là nơi con người kí thác tâm sự, cũng có khi thiên nhiên lại trở thành một yếu tố dự báo trước số phận của nhân vật. Mượn yếu tố thiên nhiên, các nhà văn cũng đã có những thành công nhất định trong xây dựng các nhân vật của mình.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 04/08/2022