Các kiểu dạng nhân vật cô đơn trong văn xuôi Việt Nam đương đại qua một số tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, Chu Lai và Nguyễn Danh Lam - 9


thể riêng biệt: “Tôi không vướng những mối liên hệ nào đấy với con người”, nó chẳng mảy may mang lại cho tôi một nụ cười nào, ở đấy tôi không có hy vọng. Vì “trái tim tôi đã thuộc về mẹ Cả, thuộc về nàng, thuộc về con gái thủy thần”. Chương quyết định ra đi, mải miết tìm kiếm, cồn cào, đau đáu, khắc khoải. Chương không còn nghĩ đến sự tồn tại của mình, đến gia đình, đến xóm làng anh đã từng tồn tại. “Kể từ ngày tôi bỏ nhà ra đi, tôi rất ít khi nghĩ ngợi về mình. Những khao khát của tôi nhấc lên khỏi mặt đất. Những ý nghĩ của tôi không gắn gì với đời sống và sự tồn tại của bản thân tôi. Hôm nay tôi sống như một con vật hay một ông hoàng có gì quan trọng? Trái tim tôi đã khô héo và cằn cỗi…”[61]. Mải mê tìm kiếm và khát vọng “Tôi đi… Tôi đã khao khát tình yêu đến thế nào, như thể người đi trong sa mạc khát nước?” Chương tê tái, buồn khổ, day dứt khi tự nhận ra “Mà Chương ới, nỗi cô đơn và sự bất lực của mi nào ai thấy được ngoài mi?”. Thời gian cứ trôi theo tự nhiên, chỉ có nỗi buồn là vĩnh cửu. Và cuối cùng Chương đau đớn tự hỏi, cũng là câu hỏi không khỏi khiến bản thân mỗi người chúng ta phải tìm câu trả lời: “ Tại sao cuộc sống lại nhiều xiềng xích và gông cùm đến thế?” Con người cứ mãi đi tìm sự ảo tưởng để rồi mãi mãi bơ vơ, lạc lõng: “ Trước mắt tôi dòng sông đang thao thiết chảy. Sông chảy ra biển. Biển rộng vô cùng. Tôi chưa biết biển mà tôi đã sống nửa cuộc đời rồi đấy… Tôi đứng lên đi về nhà. Ngày mai tôi đi ra biển. Ngoài biển không có thủy thần”. [61].

Cũng có một chuyến đi dài đầy nỗi sợ hãi và cô đơn, nhưng Thữc trong tiểu thuyết Giữa vòng vây trần gian của Nguyễn Danh Lam không đi tìm giấc mơ huyền thoại như Chương (Con gái thủy thần), cũng không đi tìm nhân vật nửa thực nửa hư giữa cuộc đời như “tôi” (Đi tìm nhân vật), Thữc đã trải qua một chuyến đi dài trong một thế giới vô thức mà ở đó, nhân vật đã phải thấp thỏm lo sợ, nhiều nỗi kinh hoàng, hơn hết là một nỗi cô đơn rợn ngợp bao trùm. Chuyến hành trình đó, những con người anh gặp tất thảy đều kì lạ và cũng đều cô đơn.

Cái tên của nhân vật - Thữc như một dự cảm của gánh nặng, của sự mất thăng bằng, và hơn hết là sự khác lạ không giống ai. Thữc rời khỏi cuộc sống văn minh


hiện đại sau một trận mưa. Anh mất hút vào vòng xoáy của dòng nước sông đen ngòm ngay dưới căn phòng anh sinh sống. Bắt đầu đi vào thế giới khác trong những cảnh giới chính mình tạo ra với đầy rẫy nỗi sợ hãi vô lý.

Trong cuộc hành trình đó, anh là một thực thể hoàn toàn cô đơn. Anh luôn bị chối bỏ quyền được gia nhập vào cộng đồng, ban đầu là người tài xế đã bỏ anh lại giữa một miền đất xa lạ, sau đó là hai cụ già và sau cùng là những người ở ngôi làng kì quái. Những con người anh gặp trong cuộc hành trình này tất cả đều mơ hồ, nửa hư nửa thực, với những câu thoại nhát gừng hoặc im lặng. Anh càng cố gắng tìm sự giúp đỡ, tìm tiếng nói của đồng loại, tìm một sự liên kết với con người thì những người anh gặp lại càng tỏ ra thờ ơ, vô cảm “coi như không có sự hiện diện của anh”. Không ai muốn biết lý do anh xuất hiện, lại càng không muốn lắng nghe anh trình bày, không muốn hiểu anh và chính anh cũng không hiểu chuyện gì đang xảy ra với mình. Anh như con thú lạc bầy, rơi vào vực sâu của nỗi hoang mang, sợ hãi, kinh hoàng, “Vũ trụ đen đặc huyền bí. Mặt đất cũng hoang vu, đầy đe dọa. Đống lửa như sự níu kéo cuối cùng. Quá đỗi nhỏ nhoi. Ngay cả hai lão già nằm bên Thữc cũng không phải đồng minh” [35, tr.39]. Anh cô đơn thực sự, điều đó khiến “Thữc có cảm giác anh đã vô hình”. Thậm chí “Tôi không còn thấy mình tồn tại”.

Thữc hoang hoải, rệu rã dấn bước trong cuộc hành trình với bao nguy hiểm luôn rình rập. Anh không còn tìm được tiếng nói chung của đồng loại. Ngay cả đôi giày, “chứng tích ít ỏi cuối cùng của một nền “văn minh” xa lắc mà anh từng tồn tại trong đó. Chỉ mới mấy ngày thôi” cũng đã rách tướp, tuyệt nhiên rời bỏ anh sau những lần chìm nổi, kể “từ cái đêm bên dòng nước đen? Từ phút lạc đường trong sương mù khi rời khỏi chiếc xe? Tự cú đánh té nhủi xuống dòng sông? Và gần đây là cơn lũ kinh hoàng.” [35, tr.72] . Anh bị chối bỏ hoàn toàn, không còn sợi dây liên hệ nào với cuộc sống anh đã từng tồn tại. Anh lạc bước vào một thế giới khác không có tính cố kết cộng đồng.

Sau bao ngày thất lạc, Thữc nghe được tiếng chó sủa vọng lại từ ngôi làng vô danh nào đó. Anh giống một kẻ chết đuối vớ được cọc, hạnh phúc tưởng như sắp


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 124 trang tài liệu này.

được trở về với cuộc sống, sắp được gặp đồng loại. “Lâng lâng trong cảm giác kẻ trôi dạt nhiều ngày giữa đại dương, lần đầu tiên tìm thấy một hòn đảo”.[35, tr.75]. “Anh khao khát được trở lại với sự sống.” [35, tr.76]. Thế nhưng, cái ngôi làng ấy cũng là một thế giới cô đơn, biệt lập hoàn toàn, không có sự cố kết cộng đồng, một ngôi làng khép kín, đóng khung chắc chắn, tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Họ sống như thủa còn hồng hoang, hàng hóa đổi hàng hóa và đặc biệt họ không thích người lạ đến làng - đồng nghĩa với việc anh lại bị từ chối cơ hội trở về với cộng đồng. Anh rơi vào trạng thái cô đơn hơn. Trong ngôi làng ấy anh chỉ biết đến cô gái, đến bà mẹ của cô,…Anh khao khát được trở về làm người, được giao tiếp với con người, nhưng vô vọng, “ba cái bóng lặng lẽ dưới một mái nhà nhưng mỗi kẻ một khoảng tối dày đặc riêng tư”[35, tr.121]. Không chỉ có anh mà hai mẹ con cô gái cũng là những thực thể cô đơn khủng khiếp. Cứ lầm lũi, âm thầm với cái thế giới riêng của chính mình. Không cần giao tiếp, không muốn giao tiếp, thậm chí sợ giao tiếp. Tất cả đều kì lạ, khiến anh không còn tin vào chính mình và phải tự hỏi” mình có còn ở trong cõi người không?” [35, tr.118]. Cuộc hành trình của anh mỗi lúc một dấn sâu hơn vào vòng xoáy của nỗi cô đơn, anh không còn biết mình là ai, không còn nhận ra sự tồn tại của mình “Trong anh chẳng biết là thứ cảm xúc gì. Cứ bàng bạc, mù mờ như khói. Có lẽ gần nhất là sự cô đơn.” [35, tr.134]. Cô gái trong làng, con người duy nhất còn lắng nghe anh nói, cung ứng cho anh lương thực để tồn tại, người vạch cho anh con đường để nối dài chuỗi ngày lẩn trốn, người anh chịu ơn cưu mang nhưng cũng cứ nửa thực nửa mơ, như một vị thần cũng lại vừa như một bóng ma, một thứ ảo ảnh anh chẳng thể nào nắm giữ được, lại càng không thể hiểu. Anh đã từng có những cảm xúc cá nhân, muốn có một sự hòa hợp ít nhất là với cô để tìm thấy tiếng nói chung giữa những sinh thể người. Nhưng anh và cô “như hai mẩu gỗ dạt vào nhau trên một dòng sông ngầu bọt. Bị va đập, cuốn trôi. Vô tình trong cùng một quỹ đạo như nhau. Nhưng hai mẩu gỗ vẫn hoàn toàn là là hai mẩu gỗ. Không một mảy may có cơ duyên nhập làm một” [35, tr.242]. “cô như một vũ trụ mênh mông”, một thế


Các kiểu dạng nhân vật cô đơn trong văn xuôi Việt Nam đương đại qua một số tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, Chu Lai và Nguyễn Danh Lam - 9

giới kín bưng”. Anh hoàn toàn cô đơn giữa thế giới ấy, giữa nơi anh tồn tại. Chỉ còn con chó – người bạn thân thiết, đáng tin cậy, cũng là người truyền cho anh động lực để anh tiếp tục hi vọng sống . Sau nhiều sự kiện đã xảy ra, anh nhận ra “một sự cộng hưởng nguyên sơ” giữa anh và con vật. “Trên hai mỏm vực cô đơn, những tiếng tru của đôi sinh thể lạc loài đã lấp đầy khỏang vực sâu giữa người và chó” [35, tr.141] . Anh không thể tìm được sự liên kết với những con người anh đã và đang gặp, thậm chí họ còn luôn là những ám ảnh sợ hãi dành cho anh, chỉ còn sinh thể duy nhất là con chó mới khiến anh an lòng, nó quan trọng với anh hơn bất cứ thứ gì, anh sợ hãi khi nghĩ đến chuyện “nếu nó chết mình hoàn toàn cô độc”.

Cho đến cuối cuộc hành trình, anh, cô gái vẫn đi bên nhau. “Nhưng họ hoàn toàn đơn độc. Vô vọng sẻ chia. Như ba tội đồ đứng nhìn nhau từ ba cột bắn”[35, tr.268]. Mỗi cá thể cứ tồn tại độc lập, lạnh lùng mà tù đọng đến nghẹt thở.“Thữc cảm thấy một nỗi cô đơn đang len lỏi, sống dậy trong anh. Cảm giác cô quạnh lạ kỳ. Ngay cả giữa rừng sâu Thữc cũng không hề bắt gặp” [35, tr.195-196]. Anh bị từ chối quyền làm công dân của làng, anh lại không có được sự chia sẻ từ cô, không hiểu cô, anh không còn sự lựa chọn cho cuộc sống của mình,.. tất cả đẩy đến một bi kịch- Anh cô đơn tuyệt đối. Rồi anh dự cảm khi nghĩ đến cái kết cục bi thảm của đời mình “Nấm mộ anh biết đâu sẽ nằm đâu đó quanh đây. Đơn độc. Lạc loài”[35, tr.295].

Trong rất nhiều nhân vật của mình, chỉ với Thữc, Nguyễn Danh Lam ưu ái đặt cho anh một cái tên, thế nhưng đó lại là cái tên mang dự cảm của nhiều biến động, nỗi đau và sự cô đơn. Thữc - nhân vật tự lưu đày mình trong một thế giới của những tri giác sai lầm, và dù có ý thức đi tìm sự thức tỉnh, nhưng trí lực nhỏ nhoi và tâm hồn yếu đuối của con người cũng bị chữ ngã đè nặng như cái tên của anh: Thữc. Làm sao sống được đúng nghĩa chính cuộc sống của mình?

Không chỉ có “tôi”, Chương, Thữc, trong văn xuôi đương đại, đặc biệt trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, còn nhiều nhân vật vì quá cô đơn giữa thực tại, hoặc không thể tìm được niềm vui ở hiện tại, họ đã tìm đến một thế giới


khác huyền ảo, xa lạ như để được cứu vớt nỗi cô đơn của kiếp người. Đó là “tôi” trong Chảy đi sông ơi. Ám ảnh bởi con trâu đen. Sau bao nhiêu năm anh rời xa quê hương, có lúc lãng quên những ước mơ tuổi thơ. Nhưng trước bến đò xưa, trước sự trỗi dậy của hồi ức xưa, “tôi” không khỏi thảng thốt bàng hoàng: “Tôi muốn gào lên chua xót. Tôi bỗng nhiên thấy cuộc sống của tôi hiện giờ vô nghĩa xiết bao. Con trâu đen, con trâu đen trong thời thơ ấu của tôi đâu rồi?”[61]. Thế giới không có vuabiển không có thủy thần. Con người cũng chìm vào bi kịch cô đơn.

Đó là nỗi cô đơn của anh giáo Triệu (Những bài học nông thôn), là người có tư tưởng tiến bộ và hiểu biết sâu sắc về thời cuộc. Nhưng chính điều đó lại khiến anh trở thành người cô đơn giữa cộng đồng. Anh không thể chia sẻ cùng ai, và cũng không ai trong cộng đồng đó hiểu được những gì anh nói. Cho đến khi gặp Hiếu – chàng thanh niên có học ở thành phố về nông thôn chơi. Như có cơ hội được tỏ bày, sau khi đã nói hết những suy tư bấy lâu anh bị con trâu điên húc chết. Cái chết như một sự giải thoát cho anh ra khỏi những hủ tục nông thôn.

Là nỗi cô đơn của Nhâm trong Thương nhớ đồng quê. Đầu truyện, nhân vật đã tự bạch: “Tôi sinh ra ở làng quê, lớn lên ở làng quê” “tôi hay mơ mộng lắm, hay nghĩ.” Nhưng, chàng trai nông thôn ấy là người tiến bộ về tư tưởng, không cam chịu chấp nhận như những người ở làng, Nhâm luôn suy nghĩ về kiếp người cay đắng, luôn muốn thay đổi cuộc sống của quê hương và được làm giàu trên chính quê hương mình.

Giữa thế giới của Bến vô thường một cô học sinh mười bảy tuổi sống trong một gia đình trung lưu, một gia đình theo cách phán đoán của người ngoài thì thật hạnh phúc, đầy vẻ ngưỡng mộ. Ấy vậy nhưng, sống trong gia đình ấy, cô con gái lại rơi vào bi kịch của nỗi cô đơn chẳng thể bù đắp nổi. “Tôi có tật hay buồn, mặc cảm Lang thang vô định theo đuổi suy nghĩ riêng và rồi tự hỏi: “Tôi là ai?” Tôi còn chi”[32, tr.45] . Đi tìm câu hỏi: Tại sao mình lại xuất hiện trên đời? Nhân vật cô đơn vì không hiểu nổi vì sao mình được sinh ra? Mình là ai và mình có điều gì? Với cái bản tính hay


buồn và mặc cảm, một mình nhân vật theo đuổi những dòng suy nghĩ riêng như để khẳng định thêm nỗi cô đơn của nhân vật.

Cha mẹ không quan tâm đến những cảm xúc riêng tư, không chia sẻ, thằng em trai lại càng không, mỗi ngày nhân vật càng thấy ngột ngạt, lạc lõng giữa gia đình, không thể chia sẻ cùng họ những suy nghĩ, cảm xúc; cô tìm đến nhật kí để trải lòng nhưng quyền riêng tư của cô cũng không được mọi người tôn trọng, giữ gìn; những trang viết ấy lại bị chính cha mẹ và đứa em trai chế nhạo,lên án, bình phẩm khiến cô bị tổn thương, và rơi vào trạng thái cô đơn hơn bao giờ, bản thân cô tự nhận thấy điều đó, cô nghẹn ngào thốt lên: “Không có nỗi cô đơn nào hơn là nỗi cô đơn ở ngay chính ngôi nhà của mình bị xúc phạm tới mọi ngóc ngách riêng bởi chính người thân của mình” [32, tr.44].

Ở gia đình, cô không nhận thấy được yêu thương, đến cả việc giao tiếp với bạn bè cũng bị cha mẹ ngăn cản. Giữa cộng đồng trường lớp “tôi” cũng chỉ chơi với một người bạn tạm gọi là thân, nhưng éo le thay “nhiều khi càng chơi với nó mình càng cảm thấy cô đơn hơn…” [32, tr.49]. Sống giữa gia đình nhưng không cảm nhận được niềm hạnh phúc, không có sự chia sẻ, thấu hiểu. Sống giữa bạn bè nhưng cô cũng như một sinh thể lạc loài, không thể hòa hợp. Tất cả những điều đó như để khẳng định cô là một thực thể cô đơn ngay giữa chính gia đình và xã hội. Để rồi, thực tại đau buồn đó khiến cô phải căm thù, chán ghét và chọn cách ra đi như để thoát khỏi nỗi cô đơn của kiếp người.

Trong văn xuôi đương đại, các nhà văn còn khai thác sâu hơn, rộng hơn với nhiều phát hiện về cuộc sống con người. Trong đó, những con người dị dạng, những người nghèo khổ tồn tại giữa cộng đồng làng xã là những kiếp người mang nỗi cô đơn hơn bao giờ.

Hai mẹ con mụ góa “Sống ở rẻo đất tận cùng của xóm, trong một căn lều âm u”, “giống một cái hang được phủ bằng lá tre.” [32, tr.29] . Cái nơi sinh tồn ấy của hai mẹ con đã cho thấy hình ảnh của sự cô đơn, lạc loài, tách biệt hẳn với xóm làng, không


có sự liên hệ. Và thực tế cuộc sống những ngày tiếp diễn đã khẳng định điều đó. “Thằng câm là đứa trẻ bị nhóm nhóc con trong xóm vừa chối bỏ, kinh sợ, vừa luôn tìm cách hiếp đáp trả thù, cho dù nó chẳng bao giờ gây thù chuốc oán với ai” [32, tr.29], bọn trẻ trong xóm xem nó như vận rủi còn cha mẹ chúng cấm tiệt chúng đến gần thằng câm. Trong tâm hồn trẻ thơ non yếu ấy, “cánh cửa mở ra phía trước đồng loại bị khóa chặt”[32, tr.60] nó cô đơn, lạc điệu giữa những đứa trẻ cùng trang lứa và hơn thế là bị một cộng đồng người từ chối. Không được tham gia những trò chơi của lũ trẻ cùng xóm, nó thèm thuồng, chỉ dám đứng từ xa nhìn. Nó là một sinh thể cô đơn, mọi người ở xóm ga, những đứa trẻ đồng trang lứa đã từ chối sự góp mặt của nó, hắt hủi nó, không cho nó được tham gia vào cái cộng đồng nhỏ bé ấy. Cuộc sống đã dồn đẩy khiến nó chỉ còn có thể làm bạn với những con vật cho đến khi “con bé”– chiếc cầu nối vắt giữa thằng câm với bầy trẻ xóm Ga xuất hiện.

Đó là nỗi cô đơn của Lão Cóc, một người “không vợ con, sống đơn độc, quanh năm chỉ làm một việc duy nhất, câu cá” [32, tr.227]. Lão cô đơn, muốn cố gắng bày ra những trò mới lạ thu hút đám trẻ con, để được phục vụ và vui chơi cùng chúng, được hòa hợp, không còn khoảng cách với chúng và với cộng đồng xóm Ga. Thế nhưng, những trò mua vui tiêu khiển ấy rồi cũng đến lúc cạn vốn, chẳng thể nghĩ ra được trò gì mới hơn, đám trẻ không còn đến nhà lão nữa, “vắng chúng rồi, lão lại thụt sâu trong bức màn u tịch” [32, tr.230]. “Cả con người lão, lối sống của lão chìm trong bí mật” [32, tr.237] mọi người xóm ấy chẳng ai có thể biết được

Là nỗi cô đơn của chị mặt rỗ “làm việc trong cái trạm barie nằm nhỏ bé chơ vỡ giữa khu đất trống, nhìn từ xa như một khu miếu nhỏ”[32, tr.115], cách biệt với khu dân cư của xóm Ga. Chị cũng có người thương nhưng vì một sự kiện không may xảy đến đã khiến anh rời xa chị, chỉ còn một mình, chị chỉ còn biết lấy công việc – dù vô cùng nhàm chán, tẻ nhạt, nhưng chúng “giúp chị nguôi đi phần nào nỗi cô đơn, sợ hãi đến mụ mị tâm trí suốt những phút giờ dài dằng dặc”[32, tr.116].

Đó là nỗi cô đơn của gia đình Mụ làm nghề dệt. Một cuộc sống đơn điệu mòn mỏi như tiếng khung dệt lạch cạch vỗ đều. Trong gia đình mụ, mỗi người là một thực


thể cô đơn: “Thằng con trai ngày ngày đi làm, đôi khi đi vài ba bữa, lâu hơn có thể vài tháng. Vợ anh ta cũng thế. Hai người hai ngả, hai công việc, hai đời sống. Lửng lửng lơ lơ. Lũ cháu bỏ ở nhà, đứa đi học, đứa đi chơi. Cô con út nhốt một mình một phòng trên lầu cao nhất, cửa khóa kín cửa. Nó có hú hét đến sập trời cũng chẳng ai nghe thấy. Ăn tại chỗ, vệ sinh tại chỗ. Một con vật nuôi. Tệ hơn một con vật nuôi bởi đôi khi còn bốc ăn cả phân của chính mình.” [32, tr.215-216]. Mỗi người có một thế giới riêng không ai xâm phạm, mối quan hệ cố kết của gia đình đã mất đi, không còn sự ràng buộc, không cần có nhu cầu được quan tâm, được yêu thương. Mụ muốn gần cô út để dỗ dành, nhưng cũng bị cấm cản, “Hai sinh thể trong nhà khả dĩ còn ít nhiều hiểu và giao lưu với nhau” [32, tr.217] bị chối bỏ quyền được yêu thương, chia sẻ. Từ đó “Mụ dường vĩnh viễn câm lặng, gắn chặt mình vào cái xích đu. Những đứa cháu trong nhà cũng gần như không còn ý thức về sự tồn tại của mụ nữa” [32, tr.217]

Là nỗi cô đơn của thằng sừng trâu khi vừa sinh ra đã bị chối bỏ quyền làm người, quyền được làm cư dân của xã hội. Thằng mắt híp, lão Toét, lão thợ rèn, hắn, gã đạp xích lô, cô tóc tém, cô bốn giờ,…. Tất cả các nhân vật trong Bến vô thường đều mang trong mình thân phận cô đơn.

Đến với Lão Khổ trong tiểu thuyết cùng tên của Tạ Duy Anh, người đọc còn cảm thấy nỗi cô đơn của nhân vật như một sự trừng phạt nặng nề nhất. Bởi thế, khi tòa tuyên án hình phạt “bắt về trần sống tiếp”, Lão Khổ đã sợ toát hết mồ hôi, “hù lên một tiếng kinh hãi”. Hóa ra, địa ngục không đáng sợ bằng kiếp sống bị đày đọa ở trần gian. Lão đến với cuộc đời trong hoàn cảnh đầy bùn lầy rác rưởi “tòi ra trong một cái ổ rơm chỉ nhỉnh hơn cái ổ chó tí chút.” [3, tr.15], “vừa thò mặt ra đời đã chìm lút trong cỏ rác”[3, tr.16]. Sau khi mẹ lão mất, lão trở thành đứa trẻ mồ côi, phải “ bới đất lật cỏ kiếm ăn”, đi làm thuê, chịu sự sai khiến của người khác. Đến khi có vợ, lão tin chắc từ giờ lão sẽ “không còn cô đơn trên cõi đời”. Sẽ có người bầu bạn để được trò chuyện, để được chia sẻ những buồn vui cuộc đời. Thế nhưng, thiên hạ bát nháo, nỗi hận thù dai dẳng đeo bám và di truyền trong họ ngoài làng, khiến

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 03/02/2023