Các kiểu dạng nhân vật cô đơn trong văn xuôi Việt Nam đương đại qua một số tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, Chu Lai và Nguyễn Danh Lam - 14



cảm cho người đọc” [18, tr.112]. Có thể xem, giọng điệu là một phạm trù thẩm mĩ giúp ta nhận ra tác giả, là nét khu biệt nhà văn này với nhà văn khác, là “tiếng nói riêng” không lẫn với ai, là yếu tố để xác định tài năng văn học. Đúng như nhà văn Nga. I. X. Turgenev đã ví “Mỗi nghệ sĩ giống như một con chim. Mỗi loại chim có một cấu trúc thanh quản khác nhau, bởi thế tiếng hót của chúng khác nhau. Cũng tương tự như thế, mỗi nhà văn phải biết tạo ra một giọng điệu nghệ thuật riêng. Giọng điệu ấy đích thị phải là tiếng hót cất lên từ thanh quản nghệ sĩ, mang chứa một quan niệm, một thái độ, một hình thức ứng xử đối với hiện thực của nhà văn.” [13, tr.131]. PGS. TS Nguyễn Bích Thu cũng đã từng khẳng định “Giọng điệu trần thuật là một trong những yêú tố quan trọng làm nên sức hấp dẫn trong các sáng tác tự sự của nhà văn”. Bởi thế, để tìm đúng giọng điệu là một vấn đề khó đối với mỗi người cầm bút.

* Giọng điệu triết lý:

Trong một tác phẩm văn học, nhà văn có thể sắp đặt nhiều giọng điệu khác nhau: Đó có thể là giọng hài hước dí dỏm, có khi lại là giọng khinh bạc, mỉa mai châm biếm, giọng giễu nhại, trào lộng; giọng bỗ bã dung tục , giọng hoài nghi chất vấn, giọng xót xa thương cảm, giọng lạnh lùng tàn nhẫn, giọng triết lý,… Giữa cuộc sống phải đối mặt với nhiều vấn đề có ý nghĩa nhân sinh thế sự, con người có những suy nghĩ sâu sắc về con người, cuộc sống, thời thế. Các nhà văn đã luôn trăn trở về lẽ đời, tình người, hơn hết là luôn kiếm tìm và hướng đến chân lý của cuộc sống. Bởi thế, lựa chọn giọng triết lý, suy ngẫm là một trong những thủ pháp được các nhà văn đương đại quan tâm.

Trong giàn hợp xướng đa thanh của giọng điệu thì giọng điệu triết lý suy ngẫm được thể hiện sâu sắc với những suy tư về con người, cuộc đời, thời thế,… Giọng điệu triết lý có thể được đặt vào bất cứ nhân vật nào, không loại trừ tuổi tác, địa vị,… Đó có thể là giọng triết lý của một bào thai còn chưa chào đời (Thiên thần sám hối – Tạ Duy Anh). Cũng có khi là triết lý đầy chất chiêm nghiệm, suy ngẫm của một người đã


đi gần hết cuộc đời, sau khi đã chứng kiến, nếm đủ những cay đắng, cơ cực của một kiếp người như Lão Khổ (Lão Khổ - Tạ Duy Anh).

Có khi chỉ cần một chi tiết, một sự kiện nhỏ cũng được nâng lên thành triết lý, thành quy luật của con người, của cuộc đời. Sự chiêm nghiệm, triết lý xuất hiện nhiều trong suy nghĩ, cách nhìn nhận của nhân vật tôi – người đại diện cho thế hệ tương lai trong sáng tác của Tạ Duy Anh, khi nhìn lại quá khứ và nỗi đau khổ của ông cha mình, trước sự tăm tối, thù hận dai dẳng truyền kiếp. Sau mười năm tha phương trở về, “tôi” đã có cái nhìn chín chắn, già dặn và sâu sắc hơn về cuộc sống đời người: “Bỗng dưng tôi cảm thấy cô đơn. Đời người thật ngắn ngủi. Đôi khi có cảm giác người ta chưa kịp để lại gì cho trần thế đã mất hút trong sự lãng quên khắc nghiệt”[1, tr.79]. Cũng như vậy, đi gần hết cuộc đời, mỏi mệt và sợ hãi trong sự hận thù và các cuộc loại trừ nhau, Lão Khổ mới nhận ra “Một kiếp người chẳng được bao lăm”, “Cuộc đời ngắn lắm!” . “Tôi” (Vòng trầm luân trần gian) đã sớm nhận thấy sự lạc hậu, quẩn quanh của con người làng quê mình cứ tối tăm lầy lội trong vòng thù hận: “Con người thật khốn khổ. Đời nọ làm tội đời kia; người này làm tội người khác…. Tạo thành vòng trầm luân ngay trên trần gian.”[1, tr.97]

Đó còn là giọng điệu mang tầm khái quát thành triết lý về sự sống, cái chết ở đời “Con người không làm gì được hơn ngoài sự chuẩn bị cho cái chết của chính mình. Vì thế, họ phải chuẩn bị đến nơi đến chốn(Thiên thần sám hối – Tạ Duy Anh); “Dường như mỗi số phận giống như một con rối nối một sợi dây được điều khiển bởi những cỗ máy giấu trong bóng tối”. (Đi tìm nhân vật – Tạ Duy Anh). Lão Khổ cũng đã đúc rút: “Ở một khía cạnh nào đó, sống là một cuộc đi đày và cái chết là dấu hiệu đầu tiên của tự do” (Lão Khổ - Tạ Duy Anh). “Đời người dài lắm. Nhưng đêm đó với anh còn dài hơn cả đời người” [29, tr.8], “Cuộc đời dài lắm nhưng cuộc đời cũng kì lạ thật! Nó có thể khiến người ta quên đi ngay cả những cái tưởng chừng không thể nào quên nổi” [29, tr.40], “Chao ôi! Cuộc đời vui ít buồn nhiều” [29, tr.73], “Cuộc đời dài lắm. Để đi hết được cuộc đời, con người phải dính vào biết bao những khoảnh khắc tính

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 124 trang tài liệu này.


táo và cả si mê” [29, tr.105](Cuộc đời dài lắm – Chu Lai),…Đi qua cuộc đời, nhân vật trong Bến vô thường thấm thía cảm nhận, triết lý: “Cuộc đời là bề khổ”.

Các kiểu dạng nhân vật cô đơn trong văn xuôi Việt Nam đương đại qua một số tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, Chu Lai và Nguyễn Danh Lam - 14

Cảm quan triết lý còn được bộc lộ qua những chiêm nghiệm của nhân vật mang nỗi buồn được chắt ra từ cuộc đời. Đọc Giữa dòng chảy lạc, nhà văn để nhân vật “ông họa sĩ” nói lên rất nhiều những suy tư, trải nghiệm đậm chất triết lý của mình về cuộc đời:”Mày sống thế là sống nhạt. Chẳng còn gì tệ hơn một thằng sống nhạt” [34, tr.72]. Ông cũng nói với anh về trách nhiệm hôn nhân: “Về cuộc hôn nhân của mày, tao không bàn thêm, chỉ dặn, nếu đã quyết thì phải ráng giữ gìn hạnh phúc. Quen nhau nhiều năm, lấy nhau rồi vẫn không tránh khỏi những cú sốc, có thể sẽ phải đối diện với thời gian đầu. Mày mới gặp nó chỉ vài tháng, đã tổ chức đám cưới ngay, vì thế càng cần phải sáng suốt, bình tĩnh. Cái sự xốc nổi của mày, tao lo lắm. Chuyện công việc làm ăn có thể đổi thay, còn hôn nhân nếu đã xác định bước vào nghiã là đã ký thác cả cuộc đời mày vào đó. Lỡ một lần là trượt dài, không đứng dậy nổi đâu. Mà có đứng dậy nổi, nhìn lên mọi thứ cũng đã cạn kiệt, ngày tháng, tâm trí, sức khoẻ. Trẻ còn chẳng làm gì nên chuyện, huống hồ già cả”[ 34, tr.198].

Trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, dường như ở tác phẩm nào ông cũng gửi dăm ba câu triết lý về tình đời, kiếp người. “Cuộc sống con người đầy bất trắc vô nghĩa” (Cún). Thông qua giọng của một người thợ xẻ, người đọc biết được đó là triết lý về đàn bà: "Con ranh con, lại nói dối rồi. Đàn bà ấy, chúng mày ạ, không nên bao giờ đặt lòng tin vào chúng. Chúng tàn bạo trong sự ngây thơ trong trắng của chúng. Chúng gây cho người ta hy vọng, ham muốn, chờ đợi (...) Bởi vậy, sống ở đời, khốn nạn nhất là thằng đàn ông nào trở thành vật sở hữu của đàn bà" (Những người thợ xẻ ). Thế nhưng, Nguyễn Huy Thiệp lại là nhà văn thường xuyên đảo hoặc “bỏ rơi” mạch truyện một cách rất nghệ thuật. Do vậy, giọng triết lý trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp giống như một tín hiệu thẩm mĩ để độc giả tiếp tục suy ngẫm. Nhiều khi triết lý trong tác phẩm của ông được bộc lộ một cách tự nhiên: Tôi bảo: "Chỉ có nỗi buồn là vĩnh cửu". Cô Phượng bảo: "Có thể... nhưng anh đừng khẳng định..."(Con gái thuỷ thần).


Nhà văn như không khẳng định, cũng không coi đó là kết luận cuối cùng về thế sự, nhân sinh… Điều đó lôi cuốn người đọc như cùng nhập cuộc để cùng tiếp tục chiêm nghiệm, suy nghĩ.

Mỗi tác phẩm viết về con người cô đơn dường như là một cuộc tìm kiếm bản thể đầy phức tạp, cam go, vì vậy, giọng chủ đạo trong các tác phẩm thường là giọng triết lý. Chính giọng điệu triết lý đã mang lại một âm sắc mới, thể hiện những khái quát mang tầm triết luận về cuộc đời, con người và nhiều vấn đề trong đời sống có nhiều đổi thay.

* Giọng điệu tự vấn

Với tinh thần “nhận thức lại”, các nhà văn hầu hết đều quan tâm tìm về vấn đề bản thể. Bằng cách đó, cùng với việc sử dụng giọng điệu triết lý làm nổi bật những trăn trở, suy tư, nhìn nhận, đánh giá về con người, cuộc sống, thời đại. Các nhà văn còn xây dựng kiểu nhân vật tự bộc lộ về mình bằng giọng điệu tự vấn. Đặt nhân vật vào những suy tư trăn trở, khắc khoải, không ngừng đưa ra những câu hỏi và truy tìm lời giải đáp: “Tôi là ai?”. Câu hỏi đó lặp đi lặp lại trong nhiều tác phẩm của nhiều nhân vật trong sáng tác của Tạ Duy Anh “Vì sao ta lại sinh ra làm người để rồi có lúc lại mất hút?”. (Đi tìm nhân vật). Dõi theo cuộc hành trình của Thữc (Giữa vòng vây trần gian), vì luôn phải sống trong trạng thái lo sợ, bất an, đã không ít lần nhân vật tự tự hỏi:“Mình có thật còn ở cõi người không?, “Tôi không còn thấy mình đang tồn tại”

. Sống giữa gia đình nhưng luôn cảm thấy ngột ngạt, thiếu hơi ấm tình thương và hơn hết là nỗi cô đơn, “tôi” – cô học sinh mười bảy tuổi luôn tự đặt cho mình câu hỏi “Tôi là ai? Tôi còn chi? (Bến vô thường).

Đó là lời tự vấn về những mặc cảm của quá khứ bám riết dai dẳng, giày vò. Cả cuộc đời con người chỉ biết chìm trong bóng tối của thù hận, quy kết, đấu tố triền miên. Nhân vật “tôi” cảm thấy: “Đời người thật ngắn ngủi. Đôi khi có cảm giác người ta chưa kịp để lại gì cho trần thế đã mất hút trong sự lãng quên khắc nghiệt. Cả cuộc đời quá ngắn ngủi, con người “đã thấy mệt mỏi đến tận cùng trong cuộc loại trừ nhau”


[28 tr.79], rốt cuộc “điều khủng khiếp của đời người là sự vô nghĩa” việc không tìm ra lý do tồn tại của mình là sai lầm lớn nhất của con người, bởi thế, con người luôn sống trong trạng thái bất an, lo sợ, buồn và cô đơn.

* Giọng điệu lạnh lùng

Để phù hợp với việc thể hiện các nhân vật cô đơn, các nhà văn còn sử dụng giọng điệu lạnh lùng. Giọng điệu này đã thực sự phát huy được hiệu quả nghệ thuật giúp nhà văn xây dựng được những nhân vật cô đơn có sức ám ảnh sâu sắc với người đọc.

Có thể nói, trong phần lớn truyện ngắn của mình, Nguyễn Huy Thiệp sử dụng giọng điệu lạnh lùng, không sắc thái biểu cảm. Đây được xem như là nét nổi bật nhất trong phong cách truyện ngắn của ông. Vì là cây bút ưa “cắt gọt” các thành phần câu bởi thế, giọng văn “lạnh” trước hết được Nguyễn Huy Thiệp tạo ra từ những câu văn ngắn gọn, súc tích, chỉ mang tính liệt kê. “Cha tôi tên Thuấn, con trưởng họ Nguyễn. Trong làng, họ Nguyễn là họ lớn, số lượng trai đinh có lẽ chỉ thua họ Vũ. Ông nội tôi trước kia học Nho, sau về dạy học. Ông nội tôi có hai vợ. Bà cả sinh được cha tôi ít ngày thì mất, vì vậy ông nội tôi phải tục huyền. Bà hai làm nghề nhuộm vải…(Tướng về hưu). Trong các truyện khác, Nguyễn Huy Thiệp vẫn tiếp tục sử dụng những câu văn mang tính liệt kê: “Cấn là con trưởng. Dưới Cấn có bốn em trai, chênh nhau một, hai tuổi. Đoài là công chức ngành giáo dục, Khiêm là nhân viên lò mổ thuộc Công ty thực phẩm, Khảm là sinh viên đại học. Tốn, con út, bị bệnh thần kinh, người teo tóp, dị dạng. Nhà lão Kiền sáu người. Toàn đàn ông.” (Không có vua). Và dường như, những câu văn với sắc thái lạnh lùng dửng dưng như thế xuất hiện ở khắp các trang văn của Nguyễn Huy Thiệp.

Với giọng điệu sắc lạnh, gai góc, có phần tàn nhẫn, Nguyễn Huy Thiệp đã đào bới, xới tung lên những mảng tối, những góc khuất của mỗi thời và mỗi cuộc đời. Chính những trăn trở về đời tư thế sự, sự sống và cái chết trong Nguyễn Huy Thiệp, khiến ông luôn để ngõ kết thức. Vì lẽ đó, nhân vật của ông luôn sống trong ốc đảo cô


đơn, đau khổ đến tận cùng. Đó là cách thể hiện độc đáo về con nười trong sáng tác của nhà văn họ Nguyễn này. Và hầu hết trong các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp đều có những câu văn sắc lạnh đến vô cảm.

Không chỉ Nguyễn Huy Thiệp mà Nguyễn Danh Lam cũng thường sử dụng giọng điệu lạnh lùng. Bằng việc, anh không để nhân vật được bàn luận nhiều trước các sự kiện của đời sống. Nói về những vấn đề lớn lao như sự sống còn, được mất trong cuộc đời, Nguyễn Danh Lam cũng bằng giọng lạnh lùng, dửng dưng như tự nó phải thế. Đây là cuộc đối thoại giữa hai cha con “ông” và cô con gái (Cuộc đời ngoài cửa) khi biết tin cậu con trai bị bắt:

-“Tại sao những việc khủng khiếp nhất bỗng ập tới cùng lúc như vậy chứ?

- Họa vô đơn chí mà ba.

- Con nói để mẹ biết tình hình của hai cha con chưa?

- Con đã kịp nói gì đâu? Mà có nói mẹ cũng chẳng nghe. Chỉ thấy mẹ gào, chửi. Chửi anh, chửi cả hai cha con mình. Mẹ lại điên lên rồi.

- Ba thương nó quá, nếu có chuyện gì…

- Mặc kệ ảnh đi.” [34, tr. 147].

Gia đình có biến, các thành viên lo lắng, mất bình tĩnh là điều thường thấy. Thế nhưng, qua cuộc đối thoại trên của hai cha con, người đọc có thể thấy, tác giả đã để nhân vật “cô con gái” thể hiện một thái độ dửng dưng, đứng ngoài cuộc, không có những biểu hiện của cảm xúc, sự quan tâm lo lắng dành cho người anh trai của mình. Và hầu hết lời đối thoại của nhân vật này trong tác phẩm đều được thể hiện bằng chất giọng lạnh lùng, dửng dưng, ngắn gọn.

Sau mười năm, “tôi” (Bước qua lời nguyền) trở về cái nơi “ghi dấu tuổi thơ cay đắng”. Ngồi đối diện với bố, nhưng cuộc trò chuyện giữa hai bố con như là màn hỏi cung thầm lặng, tẻ nhạt, khô cứng, không cảm xúc, thậm chí ngột ngạt.

“ - Mười năm anh đi những đâu?

- Thưa thầy, con đi gần hết cái đất nước này.


- Anh thấy nó rộng hay hẹp?

-…

- Chưa vượt biên chứ?” [1, tr.54]

Không có sự tranh luận, chia sẻ, mỗi người là một thực thể độc lập trong màn hỏi đáp một cách công thức bằng một giọng lạnh lùng và bởi thế mỗi nhân vật như là một cá thể cô đơn trọn vẹn.

Không tham gia vào câu chuyện, để cuộc đối thoại giữa các nhân vật diễn ra một cách khách quan, câu văn ngắn gọn, không có sắc thái biểu cảm, đơn thuần đó chỉ là lời trần thuật, trong nhiều sáng tác các nhà văn đã sử dụng tối đa giọng điệu lạnh lùng. Bằng giọng điệu sắc lạnh, gai góc và có phần thô tục, nhà văn dường như hoàn toàn trao quyền bình luận, đánh giá, phán quyết về nhân vật về thế giới hiện thực cho độc giả.

Như vậy, bằng việc sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật khác nhau, các nhà văn đã làm nổi bật lên trạng thái cô đơn của nhân vật giữa cuộc sống nhiều trúc trắc, quanh co. Giữa không gian mênh mông của đất trời, giữa cái vô tận của thời gian, giữa những đổi thay chóng mặt của đời sống, giữa một cộng đồng làng xã, ngay trong gia đình, thậm chí ngay trong tâm tưởng,… bất chấp thời thế, hơn lúc nào hết con người cũng luôn phải đối diện với trạng thái cô đơn của chính mình.



PHẦN KẾT LUẬN

1. Những chuyển đổi cơ bản của lịch sử dân tộc từ sau 1975 khi đất nước thống nhất đã đưa đến sự chuyển biến lớn lao trong đời sống xã hội trong đó có Văn học. Đặc biệt, công cuộc đổi mới của Đảng năm 1986 và Nghị quyết 05 của Bộ Chính Trị đã có những tác động tích cực đến hệ ý thức xã hội. Hơn ai hết, các nhà văn đã nhanh chóng nhập cuộc, tạo cho mình những con đường sáng tạo riêng với những quan điểm nghệ thuật mới mẻ, tiến bộ. Trong đó, tinh thần dân chủ và sự thức tỉnh ý thức cá nhân là nền tảng tư tưởng và cảm hứng chủ đạo bao trùm văn học thời kì này.

Có thể nói, con người luôn là đối tượng trung tâm của văn học. Khi lịch sử sang trang, để phản ánh kịp thời hiện thực và con người trong điều kiện cuộc sống mới thì quan niệm về con người trong văn chương cũng thay đổi. Con người trong văn học nói chung, văn xuôi nói riêng đã được soi chiếu trên nhiều tọa độ với những góc khuất của chiều sâu tâm lý, bản thể, không còn đơn tuyến, không lí tưởng như giai đoạn văn học trước. Chính những đổi mới trong quan niệm nghệ thuật về hiện thực và con người đã dẫn đến những chuyển đổi cơ bản trong văn xuôi đặc biệt trên phương diện cảm hứng và nhân vật. Đó là cơ sở hình thành nên sự đa dạng của các kiểu dạng nhân vật trong văn xuôi Việt Nam đương đại trong đó có kiểu dạng nhân vật cô đơn.

2. Lịch sử văn học đã từng ghi nhận rất nhiều sáng tác của các nhà văn trên thế giới viết về kiểu dạng nhân vật cô đơn, nói về nỗi cô đơn của con người. Ở Phương Đông trong đó có Việt Nam, kiểu nhân vật này cũng đã được khai thác từ rất sớm và được biểu hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau. Nhưng, chỉ đến khi cuộc cách mạng lớn toàn dân tộc giành thắng lợi, khi con người bước vào cuộc sống dân chủ, tự do thì kiểu nhân vật cô đơn mới được các nhà văn khai thác thể hiện một cách sâu sắc và toàn diện. Không chỉ các nhà văn thuộc thế hệ trước mới chuyển hướng ngòi bút để bắt kịp, hòa nhập với thời đại, phản ánh mọi ngóc ngách của đời sống, đặc biệt là đời sống nội tâm của con người trong xã hội mới mà thế hệ những nhà văn mới cũng đã nhanh chóng thể hiện đúng tinh thần thời đại. Một trong những thành công và cũng là

Xem tất cả 124 trang.

Ngày đăng: 03/02/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí