Khái Lược Vị Trí Văn Xuôi Trương Tửu Trong Tiến Trình Văn Học Việt Nam Đầu Thế Kỷ Xx‌‌


Bàn về sáng tác văn xuôi của Trương Tửu, trước hết là những ý kiến nhận xét, đánh giá của những người đương thời.

Trong Báo Mai, Sài Gòn, ra ngày 27/10/1938, nhà phê bình Kiều Thanh Quế có bài viết bàn về quan niệm tình dục trong văn chương Việt Nam. Theo tác giả, ba cuốn tiểu thuyết Thanh niên S.O.S của Trương Tửu, Làm đĩ của Vũ Trọng Phụng, Người đàn bà trần truồng của Nguyễn Vỹ đều thuộc dòng văn chương “phóng túng tình dục”. Đầu thế kỉ XX, trong đời sống xã hội Việt Nam, quá trình “Âu hóa” đã làm thay đổi quan niệm thẩm mĩ, đạo đức, lối sống so với giai đoạn trước. Trong đời sống văn chương, nội dung của phong trào “Âu hóa” và những quan niệm mới mà “cơn gió lạ” phương Tây thổi tới cũng được người cầm bút đề cập tới; trong đó có vấn đề tính dục và tình dục. Từ góc nhìn hiện thực của ba cây bút Vũ Trọng Phụng, Trương Tửu, Nguyễn Vỹ, Kiều Thanh Quế đã khái quát vấn đề: “Văn chương Việt Nam tiến bộ. Nhà văn không còn sợ luân lý Khổng - Mạnh nữa”; “họ mạnh dạn mang quan niệm tình dục vào văn chương” [114, tr. 9]. Kiều Thanh Quế tìm hiểu và diễn giải thuyết Phân tâm học của S. Freud bằng tri thức nghiên cứu khoa học và đưa ra ý kiến khẳng định ý nghĩa xã hội tích cực của cuốn Thanh niên S.O.S: “Viết Thanh niên S.O.S, ngoài việc lấy tình dục cắt nghĩa ái tình, Trương Tửu còn dùng nó “nghiên cứu lịch sử trụy lạc của một tâm hồn (trong truyện là nhân vật Liêu), vạch một con đường đi tới sự giải quyết vấn đề thanh niên, bày ra một thực trạng xã hội, toát ra một khẩu hiệu tranh đấu” (Rút trong bài tựa Thanh niên S.O.S - KTQ chú) [114, tr. 9]. Năm 1942, Kiều Thanh Quế (với bút hiệu Mộc Khuê) tiếp tục khẳng định khuynh hướng “xã hội tiểu thuyết” của ngòi bút Trương Tửu qua các tác phẩm: Thanh niên S.O.S, Trái tim nổi loạn, Một chiến sĩ, Một cổ đôi ba tròng… [59, tr. 52].

Vũ Ngọc Phan trong cuốn Nhà văn hiện đại (1942) đã xếp tác phẩm văn xuôi của Trương Tửu mở đầu cho mục “Tiểu thuyết xã hội” (cùng với Nguyên Hồng, Thạch Lam, Đỗ Đức Thu, Nhượng Tống, Thanh Tịnh, Thụy An, Nguyễn Xuân Huy, Ngọc Giao, Nguyễn Vỹ): “Những tiểu thuyết đầu tay của ông đều là tiểu thuyết tranh đấu” [107, tr. 478]. Vũ Ngọc Phan khảo sát và đánh giá từng tác phẩm cụ thể của Trương Tửu: Một chiến sĩ; Khi chiếc yếm rơi xuống; Khi người ta đói; Trái tim


nổi loạn; Một kiếp đoạ đày; Cái tôi của ai và xác định: “ông là một nhà tiểu thuyết xã hội”; “ông bênh vực người nghèo rò rệt” [107, tr. 482-491]. Về nghệ thuật thể hiện của ngòi bút văn xuôi Trương Tửu, theo cảm nhận của Vũ Ngọc Phan: “lời văn hùng hồn thống thiết. Những lời ấy nó đánh vào tình cảm người ta hơn vào lý trí người ta. Trong tiểu thuyết của ông, nhiều chỗ văn ông trác luyện, sáng suốt, lối văn thích hợp cho người muốn bênh vực thuyết của mình” [107, tr. 478].

Năm 1944, Trong cuốn Tạp chí Tri Tân 1941 – 1945, “Phê bình văn học”, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm biên soạn có bài viết của Kiều Thanh Quế: Nhân quyển Vang bóng một thời tục bản, tác giả đi sâu phân tích, dẫn giải cả về nội dung và chiều sâu hình thức nghệ thuật khi tập Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân được tái bản, qua đó nhận diện sự khác biệt về phong cách giữa Tự lực văn đoàn, Nguyễn Tuân, Trương Tửu và Lê Văn Trương: “Nguyễn Tuân trịnh trọng ghi chép lại như một nhà lịch sử ký sự, bằng ngọn bút tỉ mỉ của một nhà tiểu thuyết chơi văn” [32, tr. 203]. Tác giả bài viết đưa ra những nhận định: “ Văn Tự lực văn đoàn mềm mại dịu dàng. Văn Trương Tửu, Lê Văn Trương mạnh mẽ, đột khởi. Văn Nguyễn Tuân dí dỏm như một cô gái làm nũng, có khi lại "đỏng đảnh" như một người đàn bà khó chiều” [32, tr. 207].

Đặc điểm văn phong Trương Tửu được Nguyễn Vỹ ngược dòng thời gian hồi tưởng: “Trương Tửu có khiếu ngôn ngữ và lý luận. Lời nói của anh là một sản phẩm của máy móc, lý luận của anh là một dây truyền ngôn ngữ phối trí chặt chẽ, liên kết mạch lạc và rèn rũa với một nghệ thuật tinh vi, tế nhị. Anh là một nhà hùng biện bẩm sinh không do một trường học nào đào tạo cả” [174, tr.183].

Những nhận xét về một người bạn, người đồng nghiệp luôn thể hiện sự khách quan, nể phục: “Trương Tửu thuộc về loại nhà văn tự học, nhờ đọc sách nhiều. Có lẽ một phần nhờ trường Bách nghệ huấn luyện mà Trương Tửu có sẵn thiên tài văn nghệ lại tự đào tạo được một tinh thần máy móc cứng rắn. Lý luận của anh rất đanh thép, câu văn của anh cũng như búa, như kềm. Lời nói của anh vang ra như tiếng đập sắt trên đe. Lúc nào cũng nẩy lửa, nghe lâu chát cả tai, có khi rùng rợn như tiếng cười trong địa ngục của Dante, có khi xôn xao kinh khủng như lửa cháy thành Roma” [174, tr. 184].


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 177 trang tài liệu này.

Những tác phẩm văn xuôi của Trương Tửu cũng được Nguyễn Vỹ điểm lược: “Truyện dài đầu tiên của Trương Tửu nhan đề Thanh niên S.O.S (1938) là tiếng kêu cứu của một thế hệ thanh niên đang suy sụp vì phong trào lãng mạn. Kế tiếp là Một chiến sĩ Khi chiếc yếm rơi xuống (1939) cả ba đều do nhà Minh Phương 15 A, cư xá Văn Tân, phố Hàng Đẫy xuất bản, bắt đầu đệ nhị thế chiến, ba quyển này đều bị Nha thông tin và báo chí Pháp (I.P.P) cấm vì đả kích xã hội An Nam thối nát dưới chế độ thực dân… [174, tr. 190-191].

Như vậy, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, khi văn xuôi Trương Tửu xuất hiện trên văn đàn, một số cây bút nghiên cứu phê bình đương thời đã trân trọng đón nhận, thẩm bình và giới thiệu với độc giả. Tuy nhiên, ý kiến của “người đương thời” đối với văn xuôi Trương Tửu chủ yếu là những nhận xét về tính khuynh hướng của tác phẩm hoặc những cảm nhận ban đầu về ưu - nhược điểm nổi bật ở từng tác phẩm và nhìn chung không có những ý kiến trái chiều dẫn đến những tranh luận gay gắt, căng thẳng trên diễn đàn văn học.

Văn xuôi Trương Tửu trong tiến trình văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX - 5

Đi vào tìm hiểu chúng ta thấy số lượng độc giả dành cho tác phẩm văn xuôi của Trương Tửu trong những năm trước Cách mạng tháng Tám không lớn. Trong thời điểm xã hội đương thời, không chỉ sáng tác của Trương Tửu, mà tác phẩm của Nam Cao, Vũ Trọng Phụng cũng cùng chung số phận. Bởi giữa lúc, trào lưu văn học lãng mạn nở rộ, công chúng đang chìm đắm trong những chuyện tình nồng thắm trên các trang tiểu thuyết của nhóm Tự lực văn đoàn. Giữa lúc nhiều nhà văn sáng tác theo thị hiếu của độc giả thì trào lưu văn học hiện thực ra đời như một tất yếu phát triển của văn học Việt Nam. Trương Tửu là một trong số nhà văn thuộc trào lưu mới ra đời này, ông đã mạnh dạn đứng trên quan điểm riêng, và góp sức cho nền văn học Việt Nam một lối văn mới: phản ánh, lên án, tố cáo nhưng không quá gay gắt. Như vậy, đối tượng chú ý đến văn xuôi Trương Tửu không nhiều là điều dễ hiểu. Còn các nhà phê bình văn học đương thời đi vào nghiên cứu văn Trương Tửu chỉ dừng lại ở vấn đề thấy đó là một thứ văn mới lạ, nhưng tư tưởng sâu sa mà nhà văn gửi gắm trong đó chưa được nhiều nhà nghiên cứu đương thời nhìn nhận đánh giá một cách thấu đáo.


1.2.2. Từ năm 1945 đến nay‌

Việc nghiên cứu sáng tác văn xuôi của ông gần như chững lại trong một thời gian dài. Vào khoảng những năm 1956 đến 1958, cuộc đấu tranh chống Nhân văn - Giai phẩm ở miền Bắc diễn ra rất gay gắt và quyết liệt. Trước cái nhìn phiến diện, nặng về quy kết, định kiến của một số ý kiến có trọng lượng lúc bấy giờ đã buộc Trương Tửu phải buông bút trong sự nuối tiếc nghiệp văn chương. Để rồi suốt một thời gian khá dài, các tác phẩm văn xuôi của Trương Tửu đứng trước thực tế rất đáng tiếc ít được các nhà nghiên cứu phê bình đề cập đến. Theo tư liệu đã sưu tập được, chúng tôi nhận thấy, sau Cách mạng tháng Tám, đặc biệt là vào những năm 1958 - 1960, sự quan tâm của dư luận công chúng tập trung vào các tác phẩm lý luận, phê bình văn học của Trương Tửu. Từ thập niên đầu thế kỷ XXI tới nay, văn xuôi Trương Tửu được quan tâm trở lại. Công việc sưu tầm, tập hợp, nghiên cứu thu được những kết quả rò rệt.

Năm 2001, công trình Từ điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam (Từ cuối thế kỷ XIX đến 1945) - phần “Thư mục tác phẩm văn xuôi Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX đến 1945 - đã thống kê 7 tác phẩm văn xuôi của Trương Tửu (Khi chiếc yếm rơi xuống, Khi người ta đói, Một cổ đôi ba tròng, Trái tim nổi loạn, Thanh niên S.O.S, Một chiến sĩ, Một kiếp đọa đày) [1]. Đặc điểm truyện ngắn Trương Tửu được nhận diện: “Truyện ngắn của Trương Tửu có xu hướng đi vào phân tích những éo le uẩn khúc trong các trạng thái đời sống cũng như trong lòng người và đưa ra những triết lý về nhân thế”. Một số truyện được nhận xét cụ thể: “Truyện Một kiếp đoạ đày gò bó, thiếu sự linh hoạt tự nhiên và có phần cường điệu Cái tôi của ai tuy lan man, có tính chất tuỳ bút nhưng đã thể hiện được khả năng phân tích tâm lý, cùng lối văn sắc sảo, khúc kết trong việc diễn đạt những ý tưởng và triết lý của tác giả” [1, tr. 771-774].

Tiếp theo đó, văn xuôi Trương Tửu được tác giả Văn Tâm giới thiệu trong cuốn Từ điển văn học (Bộ mới): “Về phương diện sáng tác, xu hướng quan tâm và thái độ bênh vực người nghèo thể hiện rò trong khá nhiều tiểu thuyết và truyện ngắn” [135, tr. 1865]. Theo Văn Tâm, một số nét hạn chế về nghệ thuật trong văn xuôi Trương Tửu là: “hình tượng nhân vật tích cực của ông còn sơ lược (Hảo trong tiểu


thuyết Một chiến sĩ), và nạn nhân trong xã hội của ông thường gặp nhiều cảnh ngộ đặc biệt bi đát một cách thiếu tự nhiên (Thiện trong Khi người ta đói). Do đó sáng tác của ông thiếu sức truyền cảm cần thiết” [135, tr. 1865].

Năm 2009, Nguyễn Hữu Sơn có công trình Trương Tửu - Tuyển tập văn xuôi; trong đó có bài giới thiệu Văn xuôi Trương Tửu trước cách mạng tháng Tám năm 1945. Trong bài viết này, nhà nghiên cứu đã nhận xét khái quát về đề tài, hệ thống chủ đề, bút pháp, giọng điệu trong sáng tác văn xuôi của Trương Tửu: “Các tác phẩm văn xuôi Trương Tửu bao quát một hệ thống chủ đề và phạm vi nội dung hiện thực rộng lớn: Đương đại, lịch sử và dã sử; đấu tranh xã hội, gia đình và cá nhân; đấu tranh giai cấp, tình yêu và phong tục; thành thị ven đô và nông thôn; trí thức, công chức và nông dân… Tác giả cũng sử dụng nhiều phong cách, bút pháp, giọng điệu khác nhau: Đối thoại, độc thoại, dòng ý thức, ghi chép tư liệu, phóng sự, luận đề, sử liệu, thư từ…” [120, tr. 11]. “Có thể chính lối tư duy luận lý mạnh về khảo cứu và phân tích đã chi phối tư duy hình tượng và cảm xúc khiến cho ngòi bút Trương Tửu in đậm phong cách tiểu thuyết - ký sự nghiêng hẳn về “Sinle hóa” [120, tr. 14].

Năm 2010, nhà nghiên cứu Phong Lê có một số ý kiến nhận xét về văn xuôi Trương Tửu: truyện Một chiến sĩ “văn hơi khô, kiểu văn tranh đấu, văn nghị luận”; “Tiểu thuyết của Trương Tửu, tuy đã có lối riêng mà Vũ Ngọc Phan gọi là “tiểu thuyết tranh đấu”, “tiểu thuyết xã hội” nhưng chưa tạo được ấn tượng cảm xúc và tư duy hình tượng không phải là nét trội ở ông” [78, tr. 299].

Năm 2010, Phạm Thị Mỹ trong đề tài Đóng góp của Trương Tửu trong lĩnh vực sáng tác văn học đã tập trung phân tích một số phương diện nội dung và nghệ thuật tiêu biểu và trong văn xuôi trương Tửu. Về phương diện nội dung, tác giả công trình đã đi sâu nhận diện và phân tích các đề tài chính trong văn xuôi Trương Tửu: đề tài sinh hoạt, đề tài tranh đấu, đề tài lịch sử. Ở đề tài sinh hoạt tác giả nhận thấy: “Trương Tửu rất chú ý đến không gian sinh hoạt của con người” [90, tr. 33]. Ở đề tài đấu tranh xã hội: “nội dung mà ngòi bút Trương Tửu thường hướng đến cũng là các vấn đề mà các nhà văn hiện thực hay lãng mạn trước 1945 đã hoặc sẽ lựa chọn. Đó là cuộc đấu tranh giữa các thành phần trong xã hội, kẻ giàu, người nghèo, kẻ thống trị và người bị trị, là


đấu tranh chống lễ giáo, tiếng nói hướng đến khát vọng giải phóng cá nhân”; Khi đề cập đến những vấn đề về thân phận con người, Trương Tửu chú ý đến những khổ nhục mà họ mắc phải” [90, tr. 37]. Tác giả tiếp tục khẳng định “tư tưởng đấu tranh của Trương Tửu” [90, tr. 36] và nêu rò: “cuộc đấu tranh xã hội trong văn xuôi Trương Tửu là cuộc đấu tranh chống lễ giáo, của cái mới chống lại cái cũ, là đấu tranh đòi quyền sống, quyền hạnh phúc” [90, tr. 39]. Ở đề tài lịch sử, tác giả nhận thấy: “Có hai tác phẩm của Trương Tửu được viết từ cảm hứng lịch sử, đó là Tráng sĩ Bồ Đề, Năm chàng hiệp sĩ” [90, tr. 41]; “Viết hai tác phẩm trên, Trương Tửu thể hiện một tinh thần yêu nước thầm kín. Cách viết, cách nhìn của ông chan chứa không khí thời đại” [90, tr. 42]. Về nghệ thuật văn xuôi Trương Tửu, Phạm Thị Mỹ đề cập tới các phương diện: nhân vật, ngôn ngữ, giọng điệu. Đề tài của tác giả là bước phát triển đáng ghi nhận trong quá trình nghiên cứu sáng tác văn học của Trương Tửu. Trong đề tài này, văn xuôi Trương Tửu trở thành đối tượng nghiên cứu chuyên biệt, nhiều phương diện được đi sâu khám phá, phân tích. Tuy nhiên, do mục đích nghiên cứu, tác giả công trình chưa tập trung phân tích và đánh giá mối quan hệ giữa văn xuôi Trương Tửu với tiến trình văn học Việt Nam hiện đại.

Trong không khí sôi nổi kỷ niệm 100 sinh của nhà văn Trương Tửu (1913 - 2013), nghiên cứu sinh đã tham gia buổi lễ kỷ niệm với bài Trương Tửu với những cống hiến không thể phủ nhận trong lĩnh vực văn xuôi hiện đại đầu thế kỷ XX. Nội dung bài viết chỉ ra cống hiến của Trương Tửu trong lĩnh vực sáng tác văn học, đồng thời so sánh Trương Tửu với một số nhà văn cùng thời như Nam Cao, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng để đi đến khẳng định ông là nhà văn hiện thực trong những năm trước Cách mạng tháng Tám, ông là nhà văn chân chính có tài và có tâm.

Trong buổi Hội thảo “Những thí nghiệm của ngòi bút tôi” Kỷ niệm 100 năm sinh nhà văn - Nhà nghiên cứu văn học Trương Tửu - Nguyễn Bách Khoa (1913 - 1999), tại Thư viện Hà Nội, nghiên cứu sinh tham gia tham luận Quan điểm và cảm hứng sáng tác văn xuôi của nhà văn Trương Tửu nhằm mang đến hội thảo ý kiến bàn luận về vị trí sáng tác văn xuôi của nhà văn.


Có thể nói các nhà nghiên cứu đi trước và hiện tại đã áp dụng lý thuyết thi pháp học, tự sự học vào việc tìm hiểu đánh giá những tác phẩm văn xuôi của Trương Tửu nói riêng và toàn bộ sự nghiệp của ông nói chung. Bản thân là tác giả của luận án tôi cũng không ngọai lệ khi tiếp cận hiện tượng văn xuôi Trương Tửu từ những phương diện lý thuyết này. Tôi nhận thấy các phương diện lý thuyết có tầm quan trọng trong việc áp dụng để nghiên cứu đánh giá tác phẩm văn học bởi đó là “một thành tựu lớn của khoa Nghiên cứu văn học thế kỷ XX” [48, tr.9]. Trong số tác phẩm văn xuôi của Trương Tửu lượng tiểu thuyết và truyện ngắn là chủ yếu do đó việc áp dụng thi pháp tiểu thuyết, thi pháp tự sự để phân tích lý giải là hoàn toàn hợp lý. Việc áp dụng lý thuyết về tự sự học để bóc tách, đánh giá tác phẩm văn xuôi thuộc thể loại truyện ngắn cũng là việc làm cần thiết. Chúng tôi sẽ sử dụng mảng lý thuyết này để nắm bắt tư tưởng của nhà văn, cây bút người Hà Nội trong thời kỳ xã hội chịu ảnh hưởng nhiều trường phái triết học du nhập.

Nhìn khái quát lại giai đoạn từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, hành trình nghiên cứu văn xuôi của Trương Tửu trên từng chặng đường có gia tốc khác khau, song về cơ bản đã thu nhận được những kết quả có giá trị khoa học. Theo hành trình nghiên cứu, tư liệu về nhà văn và các tác phẩm của ông được tập hợp ngày càng đầy đủ hơn; những đặc điểm cơ bản về nội dung và nghệ thuật trong văn xuôi Trương Tửu được xác định ngày càng sáng rò hơn. Tiếp thu ý kiến của nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu đi trước, trong bối cảnh văn học hiện nay có nhiều thuận lợi, đặc biệt dựa trên kết quả nghiên cứu với những quan điểm thống nhất trong vấn đề khẳng định vị trí của văn xuôi trong sự nghiệp văn chương của Trương Tửu, khẳng định mục đích và tâm huyết sáng tác của nhà văn. Một số hạn chế về nghệ thuật thể hiện trong văn xuôi Trương Tửu đã được chỉ ra phản ánh cái nhìn khách quan của các nhà nghiên cứu. Chúng tôi tiếp nhận từ công trình của những người đi trước nguồn tư liệu quý giá và những định hướng khoa học thiết thực để triển khai nghiên cứu đề tài luận án, tác giả luận án mạnh dạn tiếp cận “hiện tượng” văn xuôi Trương Tửu nhằm đưa ra những ý kiến riêng góp phần khẳng định vị trí của nhà văn trong nền Văn học Việt Nam.


1.3. Khái lược vị trí văn xuôi Trương Tửu trong tiến trình văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX‌‌

1.3.1. Tiến trình văn xuôi Việt Nam hiện đại

Văn xuôi Việt Nam hiện đại gắn liền với quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam ở giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Một giai đoạn với bối cảnh lịch sử, xã hội, kinh tế hết sức phức tạp. Tiến trình văn học nói chung và tiến trình văn xuôi Việt Nam hiện đại nói riêng diễn ra như một tất yếu để phù hợp với những yêu cầu của cuộc sống đang thay đổi từng giờ.

Điểm mốc quan trọng trong tiến trình văn xuôi hiện đại, được đánh dấu vào cuối thế kỷ XIX bằng tiểu thuyết Truyện thầy Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng Quản (1887) được viết bằng chữ quốc ngữ và viết theo kiểu tiểu thuyết phương Tây xuất hiện đầu tiên ở Nam Kỳ. Đây là tác phẩm ươm mầm đầu tiên tham dự vào tiến trình văn xuôi hiện đại Việt Nam với những nét mới về kết cấu, ngôn ngữ, nhân vật.

Đến đầu thế kỷ XX, văn xuôi quốc ngữ của Tân Dân Tử, Nguyễn Tử Siêu, Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Trọng Thuật, Đặng Trần Phất… đã thu hút được số đông công chúng. Tuy nhiên các tác giả Nam Bộ chưa thoát được lối viết truyền thống, trong các tác phẩm vẫn nhiều lời giáo huấn, giáo điều của luân lý Khổng Mạnh. Mặc dù vậy, cũng phải ghi nhận những nỗ lực của các nhà văn ở cả hai miền Nam, Bắc trong giai đoạn này. Họ đã góp công sức đưa văn học Việt Nam tiến đến con đường hiện đại hóa cũng như nhanh chóng hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới. Bên cạnh những tác phẩm mô phỏng theo tác phẩm của Tàu như trong tác phẩm của Tử Siêu, Dân Tử…, mô phỏng tiểu thuyết của Pháp trong tác phẩm của Hồ Biểu Chánh cũng đã có những tác phẩm dựa theo truyện dân gian Việt Nam như Quả dưa đỏ của Nguyễn Trọng Thuật, có tác phẩm viết về cuộc sống đô thị Việt Nam trong giai đoạn giao thời như Cành hoa điểm tuyết (1921), Cuộc tang thương (1923) của Đặng Trần Phất đã thể hiện tinh thần dân tộc, ý thức gìn giữ văn hóa, văn học Việt. Nổi trội trong thời kỳ này có Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách với nội dung mới mẻ thể hiện bi kịch của con người, của thời đại, tâm lý nhân vật được chú ý

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 20/07/2022