Khi các Giáo dân đã lập gia đình và có con cái họ sẽ dâng gia đình mình cho Đức Mẹ bảo trợ thông qua các lời kinh hoặc lời cầu nguyện của cả gia đình hoặc từng thành viên trong giờ kinh nguyện gia đình hoặc trong các giờ sinh hoạt tôn giáo khác.
Đến lúc già họ lại cầu nguyện cùng Đức Mẹ để sống khỏe mạnh và chuẩn bị cho việc được chết lành. Cụ thể là các lời kinh, bài hát thánh ca và những tâm tư nguyện vọng chia sẻ với Đức Mẹ trong các giờ kinh nguyện. Bà H.T.M (xã Vân Diên – Nam Đàn) chia sẻ: “Năm nay tôi đã ngót 80 tuổi, là bà của 3 cháu ngoại và 2 cháu nội, giờ sắp lên chức cụ. Tôi từng lo lắng về nỗi cô đơn tuổi già… Nhưng thật may tôi còn có Mẹ. Vậy là đã đến tuổi gần đất xa trời nhưng tôi vẫn có Mẹ bên mình. Điều đó giúp tôi quên nỗi sợ hãi cô đơn. Chính Mẹ đã đem đến sự bình an cho cuộc sống của tôi…” (Pv ngày1/6/2019).
Nhiều trường hợp chết lành do được ơn Đức Mẹ đã được Giáo dân truyền tụng. Chẳng hạn, ông T.V.L kể rằng mẹ ông (cụ bà T.T.D 82 tuổi) bị bệnh, hấp hối nhiều lần nhưng chỉ mất vào ngày thứ 7, bởi vì “lúc còn sống bà có lòng yêu kính Đức Mẹ, chăm lần hạt Mân Côi và mang áo Đức Bà bên mình, bà thường nói là cầu nguyện xin chết vào ngày Đức Mẹ đi thăm viếng kẻ liệt tức ngày thứ 7…” (Pv sâu ngày 17/5/2019). Câu chuyện này được con cháu truyền cho nhau rồi lan ra khu xóm. Hiện nay vì ít nhiều ảnh hưởng từ câu chuyện này mà nhiều Giáo dân hay đọc kinh cầu nguyện Đức Mẹ vào ngày thứ 7 và nhiều cụ ông, cụ bà nguyện ước nếu có mất thì xin mất ngày thứ 7 để được Đức Mẹ cứu linh hồn đưa về thiên đường. Sau khi chết, người còn sống lại cầu xin Đức Mẹ cầu bầu để Chúa tha tội cho linh hồn người đã mất được lên thiêng đàng. Theo đó, con cái sẽ lần chuỗi hạt mân côi, đọc kinh và hát các bài thánh ca về Đức Mẹ, làm các việc bác ái để cầu nguyện cho người đã khuất. Giáo dân Quy Chính lúc xây nghĩa trang luôn đặt tượng Đức Mẹ ở bàn thờ trung tâm ngay nghĩa trang với ngụ ý Đức Mẹ cầu bầu cho các linh hồn đã khuất để sớm được Chúa tha tội mà về thiên đàng…
Tại Giáo xứ Quy Chính có rất nhiều hội đoàn của phụ nữ được lập ra như: Hội hiền mẫu, Hội bác ái, Hội Nân Côi vv... mục đính là để nâng đỡ chị em trong cuộc sống, cầu xin Đức Mẹ ban ơn, đặc biệt là việc sinh nở và nuôi dạy con cái, Giáo dân yêu mến đức Mẹ gọi ngài là Mẹ, đến bên Mẹ trong mọi sự vui buồn của cuộc sống. Mẹ là nơi nương tựa và nơi an ủi là bình an trong cuộc đời họ.
Ngoài ra, các tín đồ Công giáo thường tin rằng lúc gặp khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống chỉ cần cầu xin Đức Maria là tai qua nạn khỏi. Niềm tin này đã trở thành nguồn cứu rỗi không thể thiếu trong đời sống của Giáo dân. Tiêu biểu nhất cho niềm tin này là trong thời kỳ đạo Công giáo bị nhà nước phong kiến ngăn cấm, bách hại, tín đồ luôn cầu xin, bám sát tà áo của Mẹ, để được che chở, cứu khổ cứu nạn.
Có lẽ từ niềm tin như vậy mà tại làng đạo Quy Chính mỗi Giáo dân luôn mang theo bên mình chuỗi Mân Côi, áo Đức Bà, tượng ảnh Thánh Mẫu, đặc biệt là những lúc đi xa, đi làm ăn buôn bán, lúc chữa bệnh… tín đồ nơi đây trong các ca mổ tại bệnh viện thường đọc kinh Đức Bà, mang theo chuỗi Mân Côi và ảnh của ngài bên mình trước khi lên bàn mổ. Trong khuôn viên nhà thờ Quy Chính có một tượng đài Đức Mẹ là nơi Giáo dân thường đến cầu xin cứu khổ cứu nạn bất kể ngày đêm, họ dâng một bông hoa hoặc bó hoa, thắp một nén nhang, đọc kinh về Đức Maria, hát các bài thánh ca về ngài và khấn xin.
Qua các phim tư liệu, cũng như những chuyến khảo sát thực tế cho thấy rất nhiều người dân Quy Chính mong muốn được làm chứng tại các buổi lễ đó về những quyền năng của Đức Mẹ, những ơn mà tín đồ đã được trải nghiệm sau khi cầu xin Đức Mẹ. Chẳng hạn, có người bị bệnh nan y, sau những nguyện cầu mà được chữa lành; rất nhiều người hiếm muộn, hằng ngày cầu xin, cuối cùng cũng được Đức Mẹ ban cho con cái. Cũng có người vốn nhiều lầm lỗi, phải tù tội, tưởng như không thể hòa nhập cộng đồng, nhưng từ khi gặp Mẹ Maria, luôn nguyện cầu được làm lại cuộc đời, đến nay đã trở thành những tín đồ trung thành và có được cuộc sống bình thường…
Giáo dân Quy Chính rất tin tưởng về quyền năng che chở của Đức Mẹ khỏi các tai nạn trong cuộc sống, nhiều câu chuyện Đức Mẹ chữa bệnh được truyền tụng. Qua những câu chuyện được kể lại cho thấy niềm tin mạnh mẽ của Giáo dân Quy Chính đối vào quyền năng cứu khổ cứu nạn của Đức Mẹ Maria, trong nhiều nghịch cảnh của cuộc sống, họ luôn tìm đến Đức Mẹ để nương tựa.
Theo cụ N.T.T 83 tuổi cho biết: “Vào năm 1978 trong lúc bà con hàng xóm đang cùng nhau sửa nhà cho một hộ dân trong xóm thì đột nhiên khung nhà đổ sập và đè lên nhiều người, có mấy người bất tỉnh. Trong đó có 4 người phải đưa đi bệnh viện… mọi người đồng lòng cầu xin Đức Mẹ, đọc kinh cầu Đức Mẹ, chủ nhà liền đi vào nhà thờ nơi có tượng Đức Mẹ để cầu xin, khoảng 2 tiếng sau thì tất cả những
người bất tỉnh đều tỉnh lại và bình an…” (Pv hồi cố ngày 27/ 9/2019). Anh N.V.V 39 tuổi cho biết anh có cậu em trai bị viêm gan nặng, người phù nề uống thuốc tây không khỏi, gia đình đã đọc kinh cầu nguyện Đức Mẹ, sau đó xin một cành hoa trang trên bàn thờ Đức Mẹ về nấu uống, nhờ đó mà tình trạng sức khỏe đã cải thiện được rất nhiều. Còn chị N.T.N 36 tuổi thì lại kể về cô em gái bị cảm hàn biến chứng và nhập viện cấp cứu, sau ba ngày không tỉnh lại, gia đình đặt một quả cam cầu nguyện dưới chân tượng Đức Mẹ, sau đó mang cam về vắt lấy nước cho cô em gái uống, như phép nhiệm màu chỉ 30 phút sau cô em tôi tỉnh lại! (Pv ngày 21/7/2019).
Có thể bạn quan tâm!
- Bản Địa Hóa Hình Tượng Đức Mẹ Maria Trong Văn Học Công Giáo Việt Nam
- Bản Địa Hóa Đức Mẹ Maria Qua Kiến Trúc Tượng Đài, Đền Thờ
- Bản Địa Hóa Quyền Năng Qua Biểu Tượng Đức Mẹ Maria
- Bản Địa Hóa Nghệ Thuật Trình Diễn Nghi Thức Thờ Kính Đức Mẹ
- Bản Địa Hóa Một Số Nghi Thức Trong Và Ngoài Nhà Thờ
- Về Sự “Thánh Hóa” Đức Mẹ Maria Tại Việt Nam
Xem toàn bộ 238 trang tài liệu này.
Từ niềm tin ấy mà trong gia đình Giáo dân Quy Chính, ông bà cha mẹ luôn nhắc nhở con cháu phải kính bái tượng ảnh Đức Mẹ mỗi lúc đi ra khỏi nhà và răn dạy con cháu mỗi khi gặp khó khăn hãy thành kính cầu nguyện và gọi tên Đức Mẹ. Trong Giáo xứ, từ người già cho đến các em nhỏ đều có thói quen kính thờ Đức Mẹ, mỗi khi gia đình gặp khó khăn, cả nhà thường tụ họp bên bàn thờ Đức Mẹ để đọc kinh cầu nguyện, hát các bài thánh ca để xin Mẹ cho tai qua nạn khỏi. Chị H. T. H 47 tuổi tại Giáo xứ Quy Chính kể rằng chồng chị đi làm ăn xa, hôm nghe anh bị tai nạn lúc làm việc, mấy mẹ con chị liền quỳ lạy dưới bàn thờ Đức Mẹ đọc kinh cầu nguyện. May mắn là chỉ một thời gian sau, chồng chị gọi điện thoại về báo là có ân nhân giúp đỡ nên khỏe mạnh rất nhanh. (Pv ngày 23/7/2019).
Tương tự, Giáo dân Vỉ Nhuế cũng rất tin tưởng vào quyền năng cứu khổ cứu nạn của Đức Mẹ Maria, dù đi đâu hay làm gì họ cũng luôn cầu nguyện Đức Mẹ để xin ngài bảo vệ. Một trong những sự kiện trọng đại trong đời mỗi con người ở nơi đây là được đi theo, tôn thờ Đức Mẹ. Từ những đứa trẻ mới chỉ trong bụng mẹ đã được cha mẹ gửi gắm nơi Mẹ, đến những người già (có người đã hơn 90 tuổi) vẫn nguyện một lòng sùng kính Mẹ, biết ơn Mẹ và mong cầu được Mẹ đón nhận. Chúng tôi được chứng kiến cụ bà N.T.T 94 tuổi, vốn là Phật tử, từ khi đứa con xấu số của bà qua đời, một mình bà nuôi ông chồng già yếu, theo lời bà kể: “mỗi lần cầu xin Mẹ, vợ chồng tôi như khỏe ra, đã gần chục năm rồi, cùng nhau sống qua ngày…”. Lại có cặp vợ chồng nọ xa Chúa đã hơn 40 năm, khi ngoài 60 tuổi lại quay về với Chúa vì “Chúa không bỏ một ai, luôn luôn giang tay che đỡ cho những người bệnh tật, lầm lỡ trên khắp thế gian”. Điều đặc biệt là chính bà mẹ già 76 tuổi của họ đã đưa họ trở lại với Chúa. Bà cụ đã hơn chục năm mắt mờ chân yếu không đi lại bình thường được (bà di chuyển gần như phải bò). Điều kì diệu là sau khi dẫn được vợ
chồng người con về lại với Chúa thì mắt bà sáng dần, chân cũng khỏe lại. Có lẽ niềm tin tuyệt đối vào sự cứu rỗi của Chúa, của Đức Mẹ đã giúp các Giáo dân có được sự đổi thay đến kì diệu ấy. Và, niềm tin đã trở thành một tuyên ngôn của Giáo xứ Vỉ Nhuế (có lẽ cũng là của mọi Giáo xứ ở Việt Nam) là: “Đối với Chúa, với Đức Mẹ không gì là không thể”.
Trong thực tế, nhiều Giáo dân ở Vỉ Nhuế hiện vẫn truyền nhau những câu chuyện nhiệm màu về sự cứu giúp của Đức Mẹ Maria. Đó là chuyện về gia đình ông T.V.H 67 tuổi (thôn Nấm – Yên Đồng) có hai người con trai thì một bị tai nạn giao thông, nằm liệt một chỗ, một nghiện ngập tưởng không còn cách cứu chữa, gia đình cho đi trại cai nhiều lần nhưng vẫn tái nghiện. Tuy nhiên khi được đưa đến thánh đường thì anh ta đã đột nhiên thay đổi. Anh ta chia sẻ: “…Tôi thật không hiểu chuyện gì đang xảy ra, nhưng trong tâm trí tôi, có lẽ hình ảnh rất đẹp và thánh thiện của Mẹ Maria đã chinh phục được tôi, hay đúng hơn, tôi đã được quy phục.”. Hiện nay anh đã hoàn toàn cai nghiện được. Ông T.V.H cho rằng đó là “phúc ân” mà gia đình có được nhờ ở sự cứu giúp của Đức Mẹ. (pv ngày 27/10/2019). Như thế có thể nói, trong đời sống tâm linh, trong tâm thức của các Giáo dân, Đức Mẹ luôn giữ vị trí đặc biệt quan trọng, như một điểm tựa không thế thay thế.
Từ sự sùng kính với niềm tin sâu sắc về nguồn an ủi và chở che của Đức Mẹ mà các Giáo dân thường tìm đến Đức Mẹ không chỉ những lúc gặp vất vả, khó khăn, nguy khốn mà còn cả những lúc bình thường … Và dường như rất nhiều người trong số họ đã “được ơn” của Mẹ. Cứ quan sát những tấm bảng con bằng đá cẩm thạch trắng hoặc đen xung quanh các hang đá thờ kính Đức Mẹ với dòng chữ “Tạ ơn Đức Mẹ” thì thấy ngay điều ấy. Tại Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (đường Kỳ Đồng, Sài Gòn) hoặc nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (đường Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội) người ta đặt rất nhiều tấm biển cảm ơn và ghi những ơn ích mà Đức Mẹ Maria đã cứu giúp các tín đồ. Đặc biệt tại nhà thờ La Vang (Quảng Trị), có một bức tường thấp dài hàng trăm mét đã phủ kín những tấm bảng con “Tạ Ơn Đức Mẹ” trên cả hai mặt tường của khách hành hương trong và ngoài nước… Thường các tín đồ đến đây là để tạ ơn Đức Mẹ đã cứu giúp họ chữa bệnh. Kết quả phỏng vấn nhanh vào 20/12/2020 tại đền thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp cho thấy: Chị T.T.M (45 tuổi) quê Đồng Nai cho biết: “Tôi bị bệnh nặng, qua sự giới thiệu của một người bạn tôi đến đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp cầu nguyện với mẹ, nay tôi
đã khỏi bệnh, sau đó tôi đặt thợ làm một tấm biển tạ ơn, giờ tôi mang xuống đây để tạ ơn Mẹ và xin cha xứ gắn dùm tấm biển này bên hông đền thờ Đức Mẹ…” Tương tự, một trường hợp khác là anh T.V.H (57 tuổi) quê Long An cũng cho biết: “Lần trước tôi đến cầu xin Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp cho tôi khỏi bệnh và tôi hứa nếu khỏi tôi xe làm tấm biển tạ ơn Đức Mẹ. Sau khi tôi khỏe mạnh thì tôi mang tấm biển tạ ơn này vừa để cảm ơn Mẹ vừa cổ vũ mọi người năng chạy đến cầu nguyện để xin ơn Mẹ…” (Pv ngày 20/12/2020).
Bia tạ ơn Đức Mẹ tại Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - Tp. HCM, hình chụp ngày 27/5/2020
Với Giáo dân tại Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (tp. Hồ Chí Minh), ngoài thờ kính Đức Mẹ trong nhà thờ và tại đền thờ họ còn thờ các tượng ảnh Đức Mẹ tại bàn thờ gia đình, ngoài ra họ còn mang thêm tượng ảnh Đức Mẹ trên người bất kể nam nữ già trẻ. Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp vốn là trung tâm hành hương nổi bật tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng cũng như khu vực Miền Nam nói chung quy tụ nhiều tín đồ về đây hành hương. Nằm trong khuôn viên nhà thờ Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, đền thờ Đức Mẹ luôn là trung tâm của nhiều hoạt động thờ kính Đức Mẹ. Giáo xứ vốn mang tước hiệu của Đức Mẹ và có thêm ngôi đền nổi tiếng linh thiêng nên Giáo dân nơi đây lòng sùng kính đặc biệt đối với Đức Mẹ, họ xem Đức Mẹ là phần quan trọng trong cuộc đời của họ, khi vui hay buồn họ đều tìm đến Đức Mẹ để chia sẻ cầu nguyện và nương tựa tinh thần. Linh mục quản xứ Đ.N.L (60 tuổi) cho biết dòng người đến cầu nguyện và tham gia các hoạt động thờ kính tại đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp rất đông, ngoài các Giáo dân thì tín đồ từ các Giáo xứ khác, vùng miền khác và cả các tín đồ theo tôn giáo khác cũng đến cầu nguyện. Tại đây, vào những ngày thường có khoảng 300 - 400 tín đồ đến cầu còn những ngày
cuối tuần và các ngày lễ số lượng có thể gấp 2 gấp 3 lần. (pv sâu ngày 6/6/2020). Ngày lễ quan thầy Đức Mẹ 27/6 (quan thầy là cách nói để chỉ vị thánh bảo trợ của Giáo xứ) được coi là ngày trọng đại tại Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, trước đó 1 tuần nhiều hoạt động sôi nổi được tổ chức tại đây. Đặc biệt là trước 3 ngày lễ các hoạt động chuẩn bị như trang hoàng lại nhà thờ, đền Đức Mẹ, các hoạt động khác như cầu nguyện, làm việc bác ái giúp người khó khăn, các hội đoàn Đức Mẹ tổ chức các cuộc rước kiệu, dâng hoa vv… Các tín đồ ở nhiều nơi khác đến hành hương và tham dự thánh lễ, càng làm cho ngày lễ quan thầy Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp trở nên sôi nổi hào hứng, một không khí lễ hội và linh thiêng lan tỏa trong đời sống người dân cũng như các tín đồ tham gia.
Có thể nhận thấy sự tin tưởng của tín đồ với Đức Maria về quyền năng ban ơn, quyền năng cứu khổ cứu nạn, bảo vệ hội thánh Công giáo, bảo vệ Giáo xứ, quê hương đất nước, bảo vệ mọi người khỏi những gian khổ, hoạn nạn trong cuộc sống. Vì điều này mà mọi tín đồ đều mang trong mình niềm xác tín nơi Đức Mẹ Maria một cách mạnh mẽ trong cuộc đời mình.
Ở các nước châu Âu không có hiện tượng đặt bia tạ ơn như tại Việt Nam. Hiện tượng đặt bia tạ ơn phổ biến tại Việt Nam của tín đồ làm chúng ta liên tưởng tới những loại bia công danh, bia công đức, bia tưởng niệm… vốn phổ biến ở các đền, chùa trong truyền thống của Việt Nam
3.4.2.2. Quyền năng ban ơn sự sinh nở, bảo trợ trẻ nhỏ
Theo niềm tin Công giáo thì Đức Mẹ Maria không có quyền năng ban ơn mà chỉ làm trung gian chuyển cầu ơn lên với Chúa. Tín đồ Âu Mỹ họ cũng yêu kính Đức Mẹ, cũng cầu nguyện với Đức Mẹ, nhưng họ không cầu xin trực tiếp vào quyền năng ban ơn của Đức Mẹ như tín đồ Việt Nam, họ chỉ tin vào quyền năng ban ơn của Chúa và tin vào vai trò trung gian của Đức Mẹ.
Đức Mẹ Maria trước hết là một người Mẹ, một người Mẹ vĩ đại vì đã hạ sinh đấng cứu thế, trong niềm tin của tín đồ, ngài là tấm gương mẫu mực của người Mẹ, tín lý giáo hội cũng tôn sùng ngài là mẹ Chúa cứu thế, mẹ Hội thánh, mẹ nhân loại…Với thiên chức làm mẹ và phẩm hạnh cao quý của ngài, Đức Mẹ
Maria trở thành biểu tượng của mọi người mẹ và là niềm tin cho mọi bà mẹ Việt tìm đến để cầu xin ơn sinh nở và nuôi dạy con cái.
Sự hiển linh của Đức Mẹ ở Việt Nam phổ biến với hình tượng Đức Mẹ trên tay bồng bế Chúa hài đồng là biểu tượng sống động của tình mẫu tử, một trong những giá trị cao quý được đề cao trong văn hóa truyền thống Việt Nam. Theo đó, những lần hiển linh của Đức Mẹ thường gắn với hình tượng cao quý này. Chẳng hạn như tại La Vang- Quảng Trị, La Mã - Bến Tre, Trà Kiệu - Quảng Nam … Bà thường hiển linh qua hình ảnh trên tay bồng bế Chúa hài đồng với những cử chỉ âu yếm, chở che. Hình tượng Đức Mẹ trong trang phục áo dài khăn đóng bồng bế Chúa hài đồng là hình tượng sống động về tình mẫu tử và thể hiện quyền năng của nhân vật tôn giáo này.
Thờ mẫu, coi trọng yếu tố nữ, là nét nổi bật trong văn hóa của cư dân nông nghiệp nói chung và người Việt Nam nói riêng trong đó có niềm tin về sự ban ơn và bảo trợ của các bà mụ đối với việc sinh nở và trẻ nhỏ. Tín đồ Công giáo tại Việt Nam cũng tin vào quyền năng này của Đức Maria, những Giáo dân khó khăn về đường sinh nở thường tìm đến Đức Mẹ, con trẻ khó nuôi đều được dâng cho đức Mẹ.
Hầu hết người dân Giáo xứ Quy Chính đều tin về quyền năng bảo trợ về sinh nở của Đức Mẹ, nhiều câu chuyện được được kể lại và lan truyền, như câu chuyện của vợ chồng ông Đ.V.B 71 tuổi. Theo chị N.T.H 52 hàng xóm của ông Đ.V.B cho biết thì ông bà lấy nhau gần 15 năm, vợ chồng sức khỏe bình thường nhưng mãi không có con. Năm 1985 khi ông bà đã mệt mỏi tuyệt vọng thì tình cờ được một người hàng xóm động viên là “nên chạy đến cầu xin Đức Mẹ và cầu nguyện liên tục đừng nản chí”. Ông bà nghe theo, lạ thay là khoảng 3 tháng sau thì có tin vui, sau 9 tháng thì ông bà sinh đứa con trai đầu tiên và hiện tại người con này đã đi tu và chuẩn bị làm linh mục. Sau đó ông bà liên tục sinh liền 4 người con nữa gồm 1 gái và 3 trai, tổng cộng là 5 người con… Từ đó mà ai hiếm muộn và khó sinh nở đều lấy câu chuyện này ra làm gương để cầu xin Đức Mẹ.
Rất nhiều câu chuyện kỳ lạ khác được kể lại, chẳng hạn như chị T.T.S. kết hôn được hơn 7 năm, mãi không có con, đi bệnh viện phụ sản tại Hạ Nội thì chẩn đoán vô sinh, chữa chạy mãi nhưng không có bầu, nhờ cầu nguyện Đức Mẹ và
hiện nay đã sinh đôi hai con trai. Hoặc như chị N.T. D lấy chồng khi gần 40 tuổi, khó mang thai và bị hư thai nhiều lần, sau cầu bầu Đức Mẹ và đọc kinh lần chuỗi mân côi liên tục mà đã sinh được tới 3 người con. Ngoài ra, rất nhiều trường hợp trong Giáo xứ sinh con một bề muốn xin thêm con trai hay con gái đều được như ý muốn. Từ một câu chuyện tiêu biểu của một cặp vợ chồng khó sinh con năm 1985 sau đó được lan truyền và tiếp tục được bồi đắp thêm các câu chuyện của nhiều trường hợp khác càng làm cho niềm tin của Giáo dân về quyền năng bảo trợ về sinh nở của Đức Mẹ Maria thêm mạnh mẽ.
Ngoài ra, tại Giáo xứ Quy Chính, hầu hết các bà mẹ đều dâng thai nhi và con trẻ cho Đức Mẹ bảo trợ, không phân biệt khỏe hay yếu. Cụ thể, khi mang thai, lúc đứa bé còn nằm trong bụng mẹ, các bà mẹ sẽ đứng dưới chân tượng Đức Mẹ đọc kinh và nói lời dâng thai nhi cho Đức Mẹ. Khi đứa trẻ ở tuổi thiếu nhi, các bà mẹ lại càng chăm chút và cầu nguyện Đức Mẹ nhiều hơn để đứa bé lớn lên khỏe mạnh và có ơn nghĩa với Chúa. Người dân ở đây có một thói quen trong ngày rửa tội (ngày gia nhập đạo Công giáo) là sau khi thực hành các nghi thức rửa tội theo Giáo luật, Giáo dân sẽ bế con trẻ đến trước tượng ảnh Đức Mẹ dâng đứa trẻ lên cho Mẹ. Qua sự quan phòng của Mẹ, đứa bé sẽ được các bà mẹ đeo chuỗi Mân Côi để cầu sự bảo trợ của Đức Mẹ hoặc mang theo tượng ảnh Đức Mẹ bên mình, các bé gái sẽ lấy tên Đức Mẹ Maria làm tên thánh, tên thánh Maria sẽ được đặt trước họ tên, ví dụ: Maria Trần Thị Liên, Maria Nguyễn Thị Hồng, Maria Nguyễn Thi Tâm... Những đứa trẻ sẽ được gia đình và nhà thờ dạy về lòng yêu kính Đức Mẹ thông qua các hoạt động tôn giáo trong gia đình và Giáo xứ, từ đó hình thành thói quen và niềm tin về Đức Mẹ.
Giáo xứ Vỉ Nhuế nổi bật với các hội đoàn Mân Côi, hội Đồng Công... là những hội đoàn quy tụ chủ yếu là giới nữ tham gia là những hội đoàn giúp chị em được chia sẻ trong đời sống. Tín đồ Vỉ Nhuế cũng có thói quen dâng các thai nhi trong bụng mẹ cho Đức Mẹ Maria bảo vệ, họ cũng cầu xin Đức Mẹ trong suốt quá trình mang thai và nuôi dạy con cái, những cặp đôi hiếm muộn, hoặc khó khăn cũng cầu xin Đức Mẹ để có con cái. Ngoài ra, Giáo dân ở đây còn tin vào quyền năng ban sự sinh sôi trên hoa