đây là một cái bóng mát ở một chốn quê cũ của tuổi thơ trẻ, nó giúp người bộ hành nghỉ chân trên đường đời trước khi tiến lên nhiều chặng, nhiều quãng mới” [59;58].
Ngòi bút Thạch Lam vừa hiện thực, vừa lãng mạn. Nếu như ở Dưới bóng hoàng lan, Thạch Lam tỏ ra lãng mạn bao nhiêu thì trong truyện Đói, ngòi bút của ông lại hiện thực bấy nhiêu. Đói là câu chuyện kể về vợ chồng Sinh rơi vào tình cảnh nghèo đói đến cùng cực. Không còn gì để ăn, thương chồng Mai chịu bán thân. Sinh biết chuyện, giận dữ và đuổi Mai ra khỏi nhà. Gói thức ăn xổ tung. Bi kịch xảy ra khi “một cơn gió hắt hiu thổi đến làm cho chàng rùng mình. Bỗng nhiên tất cả người chàng chuyển động : chàng vừa thoáng ngửi thấy cái mùi thơm và béo của những miếng thịt ướp mà mỡ còn dính trên tay” [39;86]. Cái đói đã thắng ý thức nhân phẩm: Sinh ăn vội vàng, không kịp nhai, kịp nuốt. Nếu không có tác động của làn gió đưa lên mùi thơm của thức ăn, liệu Sinh có những hành động nhục nhã đáng khinh bỉ đến thế hay không? Thiên nhiên là một nhân tố tạo ra tình huống trớ trêu, để nhân vật thực hiện trọn vẹn cái bi kịch sống, bi kịch tâm hồn của mình.
Tác phẩm của Thạch Lam gây cho ta cảm giác được tắm trong sự yên tĩnh, thư thái và cân bằng giữa thiên nhiên tươi xanh, trong lành. Cuộc mưu sinh vất vả mà mỗi con người gánh trên vai bỗng vơi nhẹ đi khi hoà mình với thiên nhiên. Trong cơn mê sảng gần kề cái chết, mẹ Lê vẫn “Nhớ lại cái cảm giác vui mừng khi thấy cạnh bông lúa sắc xát vào da thịt” (Nhà mẹ Lê). Ai đã từng lớn lên chốn đồng quê, một lần lội xuống ruộng sẽ cảm nhận và ghi nhớ được cái cảm giác ấy thật đến đâu và có ý nghĩa đến đâu. Con người cần sự cân bằng tâm thế, điều đó có thể tìm lại được trong sự giao hoà với thiên nhiên. Cái tâm trạng lo lắng về hàng quán không gạt khỏi cô bé Liên trong Hai đứa trẻ những cảm xúc trước thiên nhiên: “Qua
khe lá của cành bàng ngàn sao vẫn lấp lánh, một con đom đóm bám vào dưới mặt lá, vùng sang nhỏ xanh nhấp nháy, rồi hoa rụng xuống vai Liên khe khẽ, thỉnh thoảng từng loạt một. Tâm hồn Liên yên tĩnh hẳn, có những cảm giác mơ hồ không hiểu”. Dường như thiên nhiên, cảnh trí, bầu không khí bao quanh nhân vật với đủ màu sắc, mùi vị, âm thanh đã tạo nên sự cân đối, hài hoà trong tác phẩm Thạch Lam. Sự hài hoà ấy là điểm tựa của con người, giữa nó với thế giới được kết nối bởi sợi dây bền chặt của mối giao hoà tuyệt vời, vô hình mà hiện hữu.
Không gian thiên nhiên trong văn xuôi Thạch Lam hết sức khêu gợi, nó nhuốm tâm hồn nhân vật, bộc lộ sắc thái cảm xúc con người. Tâm hồn nhất mực nhạy cảm, dễ xao động, rung động của Thạch Lam đã khám phá thấy thiên nhiên như một đối tượng gửi gắm nỗi niềm của chủ thể thẩm mỹ. Đó là khung cảnh thanh bình yên ả của một phố huyện lúc hoàng hôn: “Chiều, chiều rồi. Một buổi chiều êm ả như ru…”, “Trời đã bắt đầu đêm, một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát” (Hai đứa trẻ).
Ùa vào trang viết của Thạch Lam là cảnh vật, màu sắc, hương vị … làm thành một thứ không khí đặc biệt, mở ra sự giao cảm giữa con người và ngoại cảnh. Không gian thiên nhiên ấy trở thành phông nền cho tình yêu đôi lứa. Tình yêu giữa Bình và Lan (Tình xưa) được bắt đầu trong khung cảnh có mùi thơm nhẹ và sắc của hoa lan thoang thoảng ở ngoài.
Thanh gặp lại Nga giữa một khu vườn có “những búp hoa lý non và thơm rủ trong giàn, lẫn vào đám lá …, cây hoàng lan cao vút cành lá rủ xuống như chào đón hai người. Có lúc gần nhau, Thanh thấy mái tóc Nga thoang thoảng thơm như có giắt hoàng lan”. Hương hoàng lan - thứ hương thơm dịu nhẹ mà vương vấn lòng người. Hương hoàng lan cứ hư ảo, tỏa ra để xui lòng nhân vật vốn nhạy cảm, thực tế, cảm nhận và dấu yêu thêm chốn quê nhà, bởi ở đó, dưới bóng hoàng lan một tình yêu đã chớm nở:
“Qua vườn, Thanh tiễn Nga ra đến cổng, đi qua hai bên bờ lá đã ướt sương. Mùi hoàng lan thoang thoảng bay trong gió mát. Không lưỡng lự, Thanh cầm lấy bàn tay Nga, để yên trong tay mình. Nga cũng đứng yên lặng. Lâu lâu, Nga rút tay sẽ nói :
- Thôi em về.
Thanh đi trở vào rất thong thả. Có cái gì dịu ngọt chăng tơ ở đâu đây, khiến chàng vương phải” (Dưới bóng hoàng lan).
Có thể bạn quan tâm!
- Nhân Vật Của Thạch Lam Thiên Về Đời Sống Nội Tâm .
- Nhân Vật Của Thạch Lam Giàu Niềm Vui Sống, Luôn Hướng Về Cái Tốt Đẹp.
- Không Gian Nghệ Thuật Trong Văn Xuôi Thạch Lam.
- Thời Gian Nghệ Thuật Trong Văn Xuôi Thạch Lam.
- Ngôn Ngữ, Giọng Điệu Trong Văn Xuôi Thạch Lam.
- Yếu tố trữ tình trong văn xuôi Thạch Lam - 14
Xem toàn bộ 128 trang tài liệu này.
Những câu văn tả cảnh xen lẫn với tả tình này, vừa trong, vừa thanh tao lại vô cùng thơ và mộng. Dường như nó được viết lên bởi một cây bút “thơ” đã đạt đến độ “trong suốt” (chữ dùng của Vũ Tuấn Anh). Hương sắc của cỏ cây và của tình yêu đã hòa hợp với nhau đầy màu nhiệm, cao khiết và hiếm hoi đã ngưng tụ lại trong mảnh vường hoàng lan ấy. Câu chữ của tình cảm, cảm giác cứ giăng mắc khẽ khàng đủ để tạo ra một không gian để tình yêu chớm hé, che chở một niềm vui mong manh như bóng nắng. Tất cả như là ảo ảnh, một giấc mơ.
Không chỉ tạo nên không gian lãng mạn, cây hoàng lan còn tham gia vào câu chuyện như là một nhân vật. Nhân vật cỏ hoa ấy đem đến cho người đọc một cái gì nhẹ nhõm, thơm lành và mát dịu.
Trường và Trinh trong tiểu thuyết Ngày mới cũng bắt đầu yêu nhau dưới một trời hoa lá, trong vườn nhà Trinh ở An Lâm. Và đây là một đoạn điển hình tả cuộc tình bộc lộ lần đầu dưới hoa: “Chung quanh chàng yên lặng. Mặt trăng đã lên qua đỉnh đầu, sang lên trên nền trời trong vắt. Sương xuống đã thấm vào người. Trường thong thả trở về buồng. Đến dưới giàn hoa, chàng quay lại nhìn cảnh vườn, và qua dãy tre thưa lá, quãng rộng mà dòng sông dưa lên tiếng róc rách của nước chảy. Đột nhiên chàng giật mình. Trong bóng tối của giàn hoa, chàng thoáng thấy bóng người đứng nép vào khóm cây. Chàng bước lại gần. Một tiếng nói quen thuộc gọi khẽ
tên chàng, giọng dịu dàng và cảm động. Trường đứng sát bên nàng. Trong bóng tối, chàng thấy đôi mắt Tinh long lanh sáng và nghe thấy tiếng thở không đều của người thiếu nữ. Qủa tim chàng bỗng đập mạnh và một tình cảm yêu mến dồn dập đến; Trường cầm lấy bàn tay nhỏ nhắn của Trinh kéo lại gần mình” (Ngày mới).
Thạch Lam đã tạo dựng được bối cảnh thích hợp với những tình cảm êm ái của các nhân vật. Trong Gió đầu mùa, Thạch Lam đã viết: “Khi nào thu bắt đầu hết, khi nắng vàng hanh dần mất vẻ rực rỡ trên các lá cây, ngọn gió heo may sẽ từng cơn nhẹ lướt trên cánh đồng rộng, đem lại cho ta những cái rung mình mới mẻ như đã lẫn cái buồn ảm đạm của ngày mùa đông”. Mùa thu gió heo may lướt nhẹ, nắng vàng hanh, làn nước biếc, làn mây lơ lửng nhẹ nhàng trôi như những bước chân ai lững thững đi dạo trên đường; mùa đông ảm đạm, trời xám ngắt, gío lạnh buốt xương, đường xá trơn ướt nhầy nhụa nhớp nhúa, những ngõ tối lầy lội… Và “đâu đây, ta thấy như quanh ta trong lúc dọc Thạch Lam, một vẻ buồn lạnh lẽo, thôn xóm quạnh hiu, gió lùa qua khung cửa sổ, sương thu lan toả đầy sân …” [17;156]. Có thể nói, cảnh vật trong lòng người đã hoà vào vạn vật trong một niềm giao cảm mênh mang làm nên cái vẻ chung của tâm sự nhân vật trong các truyện của Thạch Lam.
Truyện của Thạch Lam khắc hoạ rất nhiều về không gian bóng tối.
Thiên nhiên giữ một vị trí rất quan trong trong Tiểu thuyết lãng mạn và truyện ngắn trữ tình. Truyện của Thạch Lam tìm đến với thiên nhiên như một đối tượng thẩm mỹ nhằm thể hiện sự hòa điệu giữa con người với thiên nhiên, giữa nội tâm với ngoại giới, giữa tình và cảnh.
Truyện của Thạch Lam ngập tràn bóng tối. Khảo sát hai mươi ba truyện ngắn của Thạch Lam, chúng ta nhận thấy một hình ảnh của thiên nhiên hay lặp đi lặp lại, đó là hình ảnh bóng tối. “Bóng tối” được miêu tả
trong mối quan hệ với tâm lý tính cách con người đã trở thành một đặc sắc nghệ thuật rất riêng của ngòi bút Thạch Lam.
Trong hai mươi ba truyện ngắn thì tác phẩm miêu tả bóng tối trong bảy truyện: Người bạn cũ, Một cơn giận, Người lính cũ, Hai đứa trẻ, Trong bóng tối buổi chiều, Cô hàng xén, Tối ba mươi (chiếm 30.5%). Đây là một con số không hề nhỏ so với toàn bộ tập truyện ngắn khiêm tốn về số lượng của ông. Nó phản ánh điểm đặc biệt trong nghệ thuật miêu tả của nhà văn. Vì cớ gì mà “bóng tối” thu hút ngòi bút nhà văn đến vậy?
Bóng tối trong ý nghĩa tự thân của nó, là biểu hiện của thời gian cuối ngày, là biểu trưng của không gian đang đi đến cái tàn cái tận. “Bóng tối” ám ảnh khi nó là sự kết hợp của thời gian một ngày sắp khép lại và của không gian phủ mờ cái sắc vẻ cuối cùng nơi tạo vật. Đối diện với bóng tối, con người thường cảm thấy nhỏ bé, cô đơn, trống trải. Một nỗi buồn cũng giăng tỏa bủa vây. “Bóng tối” trong cảm quan triết học và ý nghĩa nghệ thuật, không chỉ gợi lên cái buồn, cái nhạt nhòa mà còn biểu hiện cho cuộc sống con người nhiều nỗi buồn tủi đắng cay, không lối thoát.
Hình ảnh “bóng tối” thường được Thạch Lam miêu tả trong sự đối lập với ánh sáng. Bút pháp đối lập này mang đậm cảm quan triết học. Bởi lẽ, ánh sáng và âm thanh là biểu hiện của sự sống, của hành động con người, còn ngược lại bóng tối và tịch mịch là dấu hiệu của hư vô, tù đọng, bế tắc, của một miền đời báo hiệu nhiều nỗi truân chuyên. Những mảng tối trên con đường làng mấp mô chân trâu, dưới bóng những rặng tre sẫm đen dần khi đêm xuống trên con đường về nhà của Cô hàng xén. Ngày nào cũng vậy, sau buổi chợ, Tâm lại trở về trên con đường làng lúc đêm tối, Tâm dấn bước. Cái vòng đen của rặng tre làng Bằng bỗng vụt hiện lên trước mặt, tối tăm và dày đặc. Tâm buồn rầu nhìn thấu cả cuộc đời nàng, cuộc đời cô hàng xén từ tuổi trẻ đến tuổi già, toàn khó nhọc và lo sợ, ngày nọ đến ngày
kia như tấm vải thô sơ. Nàng cúi đầu đi mau vào trong ngõ tối". [45;60]. Cuộc đời người con gái cứ đẩy dần vào trong chốn tối tăm. Hình ảnh cuối Tâm cúi đầu đi mau vào trong ngõ tối, khiến ta liên tưởng đến hình ảnh của chị Dậu trong tiểu thuyết Tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố, người phụ nữ ấy cũng chạy vào trong bóng tối “tối như cái tiền đồ của chị vậy”.
Bóng tối khắp nơi dồn lại quãng hẻm này " trùm lên cuộc đời của hai cô gái giang hồ trong "tối ba mươi". "Khoảng tối ngập đầy trong "một dãy nhà lụp xụp, thấp lè tè xiêu vẹo trên bờ một cái đầm mà nước đen và hôi hám tràn cả vào đến thềm nhà. Trong cái hang tối tăm bẩn thỉu ấy sống một cuộc đời khốn nạn của những người gầy gò rách rưới" [39; 233].
Ở truyện ngắn Trong bóng tối buổi chiều, bóng tối bao chứa lấy nhân vật Diên trong nỗi đau khi mất người yêu: “Diên nấc lên một tiếng rồi cúi đầu chạy trốn trong bóng tối của buổi chiều vừa xuống”. Cuộc đời của người lính cũ trong truyện ngắn cùng tên cũng mù tối như trong không gian đang bao bọc quanh anh – “anh ta sờ soạng trong bóng tối”.
Nhắc đến hình ảnh “bóng tối”, không thể không tìm hiểu bóng tối trong truyện Hai đứa trẻ. Có thể nói, trong Hai đứa trẻ “bóng tối” xuất hiện nhiều nhất, trở thành một không gian rất riêng trùm phủ tác phẩm này. Ngay từ đầu truyện, bóng tối đã hiện hình: “phương tây đỏ rực như lửa cháy và những áng mây ánh hồng như hòn than sắp tàn, dãy tre làng trước mặt cắt hình rõ rệt trên nền trời”. Theo chuyển động của thời gian, bóng tối mỗi lúc đậm đặc dần, lan rộng dần cho tới khi ngự trị khắp cả không gian:
“Trong cửa hàng hơi tối, muỗi đã bắt đầu vo ve, Liên ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen, đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần và cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị”.
Hình ảnh bà cụ Thi điên “đi lần vào bóng tối”.
“Trời đã bắt đầu đêm, đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió
mát, đường phố và các ngõ con dần chứa trong bóng tối.
Đêm tối với Liên quen lắm, chị không sợ nó nữa. Tối hết cả con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại càng sậm đen hơn nữa.
Liên ngập vào giấc ngủ yên tĩnh, cũng yên tĩnh như đêm ở trong phố, tịch mịch và đầy bóng tối”.
Bóng tối xuất hiện từ đầu đến cuối tác phẩm, bóng tối càng rộng, trùm phủ bao nhiêu, ánh sáng lại càng nhỏ bé và yếu ớt bấy nhiêu. Ngay từ đầu, ánh sáng đã nhường chỗ cho bóng tối để rồi chỉ còn lại thứ ánh sáng tỏa ra từ ngọn đèn của chị Tí, cái bếp lửa của bác Siêu, ngọn đèn của Liên, những vì sao trên trời. Ánh sáng chỉ là: những nguồn sáng mỏng manh chiếu sáng một vùng đất cát, là vệt sáng, quầng sáng, hột sáng…Đáng chú ý nhất là luồng ánh sáng của đoàn tàu đêm đi qua phố huyện nghèo. Nhưng rốt cuộc, ánh sáng ấy cũng qua đi nhất nhanh, trả lại cho không gian bóng tối ngự trị. Theo quan niệm của phương Đông “Ở đâu có ánh sáng ở đó có sự sống”. Bóng tối là biểu hiện của sự sống mòn mỏi dần, yếu duối dần, tàn lụi dần. Từ việc miêu tả bóng tối Thạch Lam nói với chúng ta rất nhiều vấn đề cuộc sống tù động xót xa. Miêu tả bóng tối, liệu có phải Thạch Lam đã bộc lộ cái nhìn bi quan về cuộc sống? Thiết nghĩ Thạch Lam với tấm lòng thiết tha yêu mến với cuộc sống, con người, đã nhìn sâu vào cuộc sống với các mặt khuất của nó, và do vậy, truyện Thạch Lam ít ánh sáng mà giàu
bóng tối, làm ta bồi hồi khắc khoải, lo âu…
Truyện Người lính cũ đầy những cảnh bóng tối. “Làng mạc đã ngủ yên lặng trong đêm tối, không còn một bóng lửa nào. Thỉnh thoảng bên con đường khúc khuỷu chúng tôi đang đi, hiện ra cái vùng đen thẩm của một cây nhãn, nổi lên nền trời đen nhạt hơn” [39; 177]. Có một cảnh bóng tối được miêu tả rất tinh vi ở cuối truyện. Khi cả hai người bạn đều nói chuyện
xong với người lính cũ và ra khỏi quán trời mưa, rét buốt cả chân tay. Hai người bạn đi yên lặng, nghĩ đến số phận khốn nạn của bác ấy. Khi một người bạn thong thả nói rằng bác ấy chắc mơ mộng nhiều cái đẹp từ xưa thì người bạn khác chỉ yên lặng, không trả lời … “Chung quanh chúng tôi, cái đen tối của đêm khuya dầy dằng”. Dường như cái đen tối dầy dằng ấy che phủ cả tâm hồn người đọc.
Ở Người đầm, cái bóng tối nhờ nhờ phủ khắp truyện. Cái bóng tối trong phòng của rạp chiếu bóng được kéo dài mãi, đè nặng lên dáng đi của hai mẹ con người đầm: “Lúc chớp bóng tan, trời bắt đầu mưa bụi và gió lạnh. Thấy hai mẹ con bà lủi thủi đi trên con đường vắng …, tôi chỉ đứng lặng yên, đứng nhìn theo đến khi hai người khuất vào bóng tối..” [39;176].
Có thể nói, trong truyện của Thạch Lam, bóng tối trở thành một biểu tượng cho cuộc sống khốn khó, bế tắc và số phận không may mắn của con người. Điều đáng lưu ý là, ở thế giới nghệ thuật của Thạch Lam, bóng tối có nhiều sắc độ: có cái tối như mực, tối của hoàng hôn, tối của ngày tàn. "Tất cả đều hiu hiu đạm đạm, không có sự chói gắt, không có những vang động mạnh nhưng lại gợi bao ám ảnh về số phận con người, về sự tối tăm của các cảnh đời.." [17;37].
Trong sáng tác của Thạch Lam, bóng tối không phải bao giờ cũng là thù địch với sự sống, với con người lương thiện, mà nhiều lần Thạch Lam miêu tả bóng tối như là bạn bè tin cậy của con người- nó càng thể hiện chất thơ chất trữ tình trong văn xuôi Thạch Lam. Ví như cái bóng tối bè bạn của một thiếu nữ “bắt đầu” yêu, một mình mơn man với bao mộng tưởng của riêng mình: “Loan trở lại cái mộng xinh đẹp của mình. Sung sướng, nàng nhắm mắt để cho bóng tối đến, mát và rực rỡ bao bọc cả tâm hồn, thân thể nàng” (Bắt đầu). Hoặc: “Bóng tối dưới vòm cây thân mật, như giục gọi: lối đi trong vườn quen thuộc giữa hai bên, là lối đi nhỏ và ấm cúng vô cùng” (Bắt đầu).