Nhân Vật Của Thạch Lam Thiên Về Đời Sống Nội Tâm .

nào. Sắc đẹp cũng vô ích cho nàng khi đã có chồng rồi” (Cô hàng xén).

Nếu như kết cấu trong các truyện ngắn Thạch Lam là kết cấu tâm lí, kết cấu theo các cung bậc tâm trạng, cảm xúc, những rung cảm nảy nở trong nội tâm nhân vật trước cuộc sống và thế giới xung quanh, với những sắc thái tâm trạng rất tinh vi, nhẹ nhàng mà có khả năng lay động cảm xúc người đọc, thì kết cấu trong Tuỳ bút Hà Nội băm sáu phố phường là ghi chép về những cảm nhận đôi khi mang tính ngẫu hứng về Hà Nội. Nhà văn không đi theo kết cấu của sự kiện, những biến cố thăng trầm của lịch sử, xã hội mà khai thác những lát cắt văn hoá, nghệ thuật ẩm thực- những biểu hiện tưởng vặt vãnh, đời thường như quà Hà Nội, tên các cửa hiệu, các con phố… Chỉ riêng các bài viết về quà Hà Nội, tác giả đi theo “mô thức”: mở đầu là Quà Hà Nội, kết thúc: “Qùa …tức là người”. Lối viết đó đem đến cái ý vị riêng cho tuỳ bút Thạch Lam.

Với mỗi thức qùa, tác giả lại đi vào những cảm nhận, ấn tượng về hương vị, hình thức của nó, hương vị, hình thức của một Hà Nội ngàn năm văn hiến. Ví như viết về bún, phở, bánh cuốn …, mỗi câu mỗi chữ đều miêu tả cái xuýt xoa, cái cảm giác thèm thuồng, ngon và sung sướng của người thưởng thức. Còn khi viết về cốm và bánh cốm, tác giả đi theo mạch suy ngẫm về thứ quà này: “Cốm là thức quà riêng của đất nước, là thức dâng của những cánh đồng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ Việt Nam. Ai đã nghĩ đầu tiên dùng cốm để làm quà sêu tết? Không còn gì hợp hơn với sự vương vít của tơ hồng, thức quà trong sạch, trung thành như các việc lễ nghi. Hồng cốm tốt đôi …màu xanh tươi của cốm như ngọc thạch quý, màu đỏ thắm của hồng như ngọc lựu già. Một thứ thanh đạm, một thứ ngọt sắc, hai vị nâng đỡ cho nhau để hạnh phúc được lâu bền”.

Đi theo mạch cảm xúc của một người gắn bó với quê hương, trân

trọng các giá trị văn hoá dân tộc, yêu say đắm Hà Nội, Thạch Lam đã miêu tả mỗi thức quà đều gắn với nét đẹp cũng như cuộc đời của những con người nơi đây. Đó là những “cô hàng cơm nắm lẳng lơ với hai quang thúng bỏ chùng”, “món quà sạch sẽ và tinh khiết, tự quà cho đến cả quang thúng, cả cô hàng tóc vấn gọn, áo nâu mới, quần sồi thâm, cô hàng trông cũng ngon mắt như quà của cô vậy”. Đó là cô hàng bún ốc “có một cái dụng cụ, một đầu là búa, một đầu là dùi nhọn. Một cái gõ nhẹ, và một cái trở tay là con ốc nguyên cả ruột đã gọn gàng rơi mình vào bát nước. Cô thoăn thoắt rút ốc không kịp, trông thấy nguời ta ăn ngon lành, chính cô cũng sinh thèm …”. Qùa là nét đẹp của tấm lòng thơm thảo và cái tài khéo léo của những người đàn bà Việt: “Trong cách nặn bánh theo một hình thể thanh thanh, người ta cảm thấy cái hoa tay mềm mại của các cô thiếu nữ, cái tìm tòi nghệ thuật ấy giúp cho bánh ngon thêm nhiều lắm. Không cứ phải có của ngon, còn cần phải nâng niu kính trọng nữa” (Còn quà Hà Nội). Có những thứ quà lại gợi nên nỗi truân chuyên vất vả của một kiếp người: “Đêm khuya nữa … ở các con đường vắng, một bóng người lủi thủi đi, một chấm lửa nhỏ lung lay theo từng bước chậm chạp và thong thả, bác hàng quà đi nhẹ như chân ma, thỉnh thoảng cất lên một tiếng giao khe khẽ ngắn và chóng chìm vào quãng tối: “Giầy giò … giầy giò…” (Mìn páo và giầy giò). Lại có thức quà không chỉ được thưởng thức hương vị ngon ngọt của nó mà còn cảm nhận được cái tâm lí và cái đức của người bán hàng: “Bà là người ngoan đạo nên tuy ở địa vị đặc biệt đó bà cũng không bắt bí mọi người và ăn lãi quá đáng. Thức gì bà bán cũng ngon lành, giá cả phải chăng” (Hàng quà rong) …

Có thể nói, với cách miêu tả đó, tuỳ bút của Thạch Lam bổ sung vào phong cách nghệ thuật văn xuôi tự sự của ông một nét mới lạ: “sự tươi tắn hồn nhiên bên cạnh sự mực thước trầm tĩnh dịu nhẹ khoan hoà” vốn có và

vốn quen thuộc trong truyện ngắn cũng như tiểu thuyết.

Kết cấu theo dòng tâm trạng nhân vật là kiểu kết cấu mới mẻ nhất trong văn học Việt Nam giai đoạn đầu thế kỉ XX. Đó là kiểu kết cấu của những tác phẩm có cốt truyện nghiêng về tâm lí nhằm miêu tả những diễn biến tinh vi phức tạp của đời sống nội tâm nhân vật. Trong những truyện này, chỉ xuất hiện vài sự việc nhỏ còn lại là cảm giác, suy nghĩ nhân vật với những hồi ức, liên tưởng độc thoại nội tâm. Nếu có sự kiện thì sự kiện chỉ đóng vai trò khơi gợi cho dòng chảy tâm lí.

Đọc truyện của Thạch Lam, ta thấy các nhân vật phần nhiều là những người có khả năng tự ý thức, tự phân tích thế giới nội tâm của mình một cách tinh vi sâu sắc, có khả năng cảm nhận được những diễn biến nhỏ bé nhất trong tâm hồn mình. Vì thế truyện Thạch Lam dẫn người đọc đột nhập vào những tầng ngầm vô thức trong thế giới tâm linh, khám phá ra những điều tưởng chừng bí mật mà kì thực rất gần gũi, quen thuộc bởi người ta ai cũng từng trải qua nhưng không để tâm đến hoặc không lí giải được.

Kết cấu tác phẩm theo dòng chảy tâm trạng và cảm giác của nhân vật là nét đặc sắc trong nghệ thuật văn xuôi của Thạch Lam tạo nên chất thơ, chất trữ tình giúp người đọc có được cái nhìn nhiều chiều về con người và cuộc sống.‌

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 128 trang tài liệu này.

2.3. Nhân vật.

2.3.1. Khái niệm nhân vật.

Yếu tố trữ tình trong văn xuôi Thạch Lam - 8

Có thể nói, thế giới nhân vật bao giờ cũng là sự thể hiện tập trung và trực tiếp cảm quan nghệ thuật của nhà văn. Nhà văn sáng tạo ra nhân vật bao giờ cũng theo cách hình dung và cảm nhận riêng của mình. Bởi vì, sự sáng tạo nghệ thuật là một sự thống nhất biện chứng giữa khách thể và chủ thể, hướng ngoại và hướng nội. Bêlinxki nhận xét rằng: “Các nhân vật của tác phẩm không phải đơn giản là những bản dập của những con người sống

mà là những hành động được khắc hoạ phù hợp với ý đồ, tư tưởng của tác giả”. Với Thạch Lam, thế giới nhân vật trong các sáng tác được xây dưng và khắc hoạ bằng bút pháp hiện thực kết hợp với trữ tình đặc sắc.

2.3.2. Gợi tả ngoại hình nhân vật.

Khác với các nhà văn cùng thời như Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao … , luôn khắc hoạ các nhân vật giàu cá tính, điển hình về tính cách, số phận, cả ngoại hình lẫn nội tâm đều rất phức tạp sinh động, thì ta dễ nhận thấy nhân vật của Thạch Lam ít được nhấn mạnh về điệu bộ, cử chỉ, dáng vẻ bên ngoài mà là những nhân vật “hướng nội”, có đời sống bên trong, ẩn chứa những bí mật của “cõi người” mà nhà văn đặt mục đích khám phá và phát hiện.

Trong các sáng tác của Nam Cao xuất hiện rất nhiều các nhân vật “méo mó”, kì dị. Đó là những gương mặt xấu xí đến mức ghê sợ, những cuộc đời hoặc đần độn, ngu ngơ, điên loạn, cuồng dại đến mất hết nhân tính. Với những Thị Nở, Mụ Lợi, Nhi, Thiên Lôi – Trương Văn Dự, Trạch Văn Đoành và cuối cùng là Chí Phèo... , tất cả đều được Nam Cao đưa vào tác phẩm một cách khách quan, sinh động như chính sự hiện diện của nó trong cuộc đời. Với Nam Cao, những nhân vật này của ông là những con người cụ thể chân thực, họ xấu xí méo mó cả về thể xác lẫn tâm hồn. Bởi vì họ là sản phẩm đích thực của một xã hội đen tối, bế tắc. “Họ bị bóp méo đi, bị tước đoạt đi bao cái đẹp đẽ, cao quý của con người. Họ như con thú bị săn đuổi tới đường cùng, quay lại điên dại, cắn xé, chống trả lại cái xã hội một cách cuồng loạn, bế tắc” [18; 465]. Nam Cao miêu tả nhân vật của mình một cách khách quan, trần trụi, khiến người đọc vừa ghê sợ, vừa thương xót.

Nghệ thuật miêu tả nhân vật của Vũ Trọng Phụng lại nghiêng về châm biếm trào lộng. Nhà văn không chỉ khắc hoạ tính cách mà còn tập

trung miêu tả ngoại hình nhiều khi pha chút cường điệu. Những Xuân Tóc Đỏ, Phó Đoan, Cô Tuyết, ông Phán mọc sừng, hay Nghị Hách .., đã trở nên quen thuộc, điển hình, phản ánh một xã hội tư sản thành thị buổi đầu âu hoá nhố nhăng đồi bại. Những yếu tố tự nhiên chủ nghĩa cứ chen lẫn chủ nghĩa hiện thực được thể hiện trong lối viết của ông. Khắc hoạ ngoại hình cũng như bản chất nhân vật, tác giả đã dùng ngòi bút khuếch trương, cực tả. Nhà văn không ngần ngại bóc trần, lột tả bản chất xấu xa đê tiện của những hạng người trong xã hội đương thời, nó được bộc lộ, phơi bày ra qua dáng vẻ, hình thức bên ngoài của các nhân vật.

Khác với các nhà văn cùng thời, Thạch Lam vận dụng lối miêu tả khá điềm tĩnh, nhẹ nhàng. Người đọc cũng không có ấn tượng mạnh về thế giới nhân vật của ông. Thạch Lam không quá chú trọng miêu tả ngoại hình nhân vật mà chỉ đôi chút, thoảng qua, đan xen với tả nội tâm, cảm xúc. Hình dáng bề ngoài của nhân vật đôi khi là yếu tố khơi gợi cảm xúc, tâm trạng. Nhà văn không hướng ngòi bút để khai thác cái “thô”, cái “xấu”, cái “dị dạng” như các nhân vật của Nam Cao, lại càng không „trần trụi” đến “sống sượng‟, “đê tiện” như vẻ ngoài các nhân vật của Vũ Trọng Phụng.

Thạch Lam miêu tả dù dáng vẻ của người thiếu nữ hay hình hài những bậc trí thức, đến ngoại hình của các nhân vật có số phận, cuộc đời khổ đau …, cũng chỉ gợi tả khắc hoạ một vài các chi tiết rất nhỏ và tinh tế như ánh mắt, nét mặt, nụ cười, đôi môi, đến bàn tay, nét ngực…, có khả năng khơi gợi những rung động, cảm xúc đẹp đẽ thanh khiết, trong trẻo trong tâm hồn người đọc.

Vẻ đẹp của Tâm trong Cô hàng xén là vẻ đẹp của một thiếu nữ thôn quê dịu dàng, e lệ, vẻ đẹp mang đậm phong vị Á Đông truyền thống: “Những ngày phiên chợ Bằng, Tâm thường thấy người ấy ra hàng Tâm mua kim chỉ. Nàng cúi mặt xuống hàng, thấy cái nhìn âu yếm của người

con trai ấy đè nặng trên người, má Tâm phơn phớt đỏ ..”. “Nàng bán hàng trên khoảng đất nàng vẫn ngồi xưa nay. Ánh sáng đầu tiên của mặt trời lấp lánh trên mặt kính các ô hàng. Các màu đua nhau thắm tươi dưới ngón tay xinh xắn của Tâm” [39;52], “Tâm cúi mặt thẹn đỏ hai gò má, nàng tưởng đến cậu giáo, con người xinh trai và nhã nhặn mà mới buổi gặp lần đầu nàng đã mến yêu ngay”. Và một cô Tâm với cuộc đời lam lũ khổ cực khi có chồng, nhan sắc bị bào mòn theo năm tháng, nhà văn chỉ để nhân vật hồi tưởng, tiếc nuối quá khứ “Tâm bây giờ không còn là cô gái xinh xắn hồi trước. Nàng già đi nhiều lắm. Đã lâu nàng không chú ý đến sắc đẹp của mình và cũng không biết nó tàn lúc nào” [39;57].

Truyện Dưới bóng hoàng lan, cái đẹp của Nga là cái đẹp tinh khôi, trong sáng qua cảm nhận của Thanh khi ở trên tỉnh trở về thăm nhà: “Bữa cơm vui quá. Thanh ăn rất ngon miệng, lòng thư thái và sung sướng. Thỉnh thoảng chàng nhìn đôi môi thắm của Nga, hai má hồng hồng. Và nụ cười tươi nở, nàng nhìn Thanh một chút thôi, nhưng biết bao nhiêu âu yếm”; “Thanh nhớ lại hai bàn chân xinh xắn của Nga ngày nào, đi trên đó. Hai bàn chân nhỏ lấm tấm cát, để dấu từ ngoài ao trở về …”, “Nàng nhìn Thanh, mắt như tụ lại những hình ảnh tự bao giờ, và sẽ vuốt mấy sợi tóc mai ra một bên”, “Có lúc gần nhau, Thanh thấy mái tóc Nga thoang thoảng hương thơm như có giắt hoàng lan. Những hoa lan chưa rụng, vẫn còn tươi xanh ở trên cành” [39;73].

Vẻ đẹp của Trinh (Ngày mới) trong mắt Trường, chàng tân khoa về từ Hà Thành thật dịu dàng gợi cảm. Mới thấy bóng nàng “thấp thoáng” từ trong vườn đi ra phía sông mà “nước sông Tiên” đã “trong hơn”, “cỏ tươi thêm và ngày càng rực rỡ khác thường hơn. “Trinh đứng bên khóm cây mộc đang nhặt trong khe lá những chùm hoa nhỏ để đem về ướp chè … thân hình mềm mại trên cành lá; nàng bận một chiếc áo trắng mỏng, trên

vành khăn nhung trong mái tóc đen có giắt mấy bông hoa sói ..”. Những vẻ đẹp như thế, luôn luôn mới mẻ thanh tân, cũng là vẻ đẹp mang cái thiêng của bản thân sự sống. Trước vẻ đẹp như vậy, người ta không thể suồng sã, không nỡ ồn ào!

Tả sự tàn lụi nhan sắc của nhân vật Lệ Minh trong Người bạn cũ bởi thời gian và cuộc sống gia đình tan vỡ, nghèo khổ, nhà văn chỉ tập trung khắc hoạ những biến đổi ở đôi mắt, gương mặt nhân vật và cảm giác nuối tiếc vẻ đẹp đã tàn phai: “đôi mắt tinh nhanh buổi trước, giờ lờ đờ như bị ám sau cái màn lo nghĩ. Đôi gò má hây hây nay không biết vì tuổi hay vì phiền não ở đời, đôi má kia đã thành ra hóp lại, hai gò má nổi cao, phải chăng như để tiêu biểu cho kẻ có số phận vất vả long đong..” (Người bạn cũ).

Miêu tả chân dung hình hài của người trí thức trước cảnh nghèo khó bởi sự xô đẩy của cuộc đời, ngòi bút Thạch Lam cũng rất điềm tĩnh gợi tả những chi tiết rất nhỏ. Bào trong Người bạn trẻ, người bạn cùng học thuở trước, Bình nhớ lại “hai má anh hồng hồng và vẻ mặt anh nõn nà trông xinh xinh như một cô con gái thật…”. Sau nhiều năm gặp lại, Bình không ngờ trước sự thay đổi tiều tuỵ của bạn: “Anh Bào cố mỉm cười. Cái cười thật đáng thương và ái ngại. tôi nhìn kĩ anh: chiếc áo lương anh mặc đã bạc, vá kín đáo một vài chỗ. Trên mặt anh có bao nhiêu nốt lấm chấm, đỏ dày đặc cả hai má …” [39;169].

Không quá dụng công khắc hoạ ngoại hình dáng vẻ bên ngoài mà chỉ gợi những chi tiết rất xinh, rất nhỏ về hình thức, hơn nữa nhà văn không khai thác hoặc có thì rất ít cái thô cái xấu, phải chăng điều đó đã thể hiện một xu hướng tiếp cận đối tượng nghệ thuật của Thạch Lam rất riêng và cho thấy sự tao nhã mà cũng rất duy mĩ, nhân văn. Chính vì thế mà nhân vật của Thạch Lam mang một vẻ đẹp hấp dẫn có sức cuốn hút đối với người đọc.

2.3.3. Nhân vật của Thạch Lam thiên về đời sống nội tâm .

Sức hấp dẫn trong các sáng tác của Thạch Lam là ở chiều sâu của thế giới nội tâm, những trạng thái cảm xúc tinh tế của con người. Không giống Nam Cao – nhà văn hiện thực cùng thời, được xem là rất thành công trong nghệ thuật “tả tâm”, thường đặt nhân vật trong những dòng cảm xúc phức tạp đa chiều. Nhân vật Thứ vừa trượt trên cái dốc “sống mòn”, vừa cố cưỡng lại, vươn lên; Hộ trong “Đời thừa”, vừa suy nghĩ phải tàn nhẫn để sống cho mạnh mẽ lại vừa chủ trương “kẻ mạnh phải là kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai của chính mình”. Từ Lão Hạc, Điền, Hộ, Thứ …, thậm chí đến Chí Phèo, suốt đời chỉ toàn suy nghĩ, giằng xé, trăn trở dữ dội mãnh liệt. Đó là dòng tâm trạng đau đớn, vật vã đầy bi kịch.

Là một ngòi bút trữ tình, Thạch Lam đã diễn tả mọi cung bậc rung động của tâm hồn, gợi lên những cảm giác mong manh tinh tế trước ngoại cảnh, trước mọi biểu hiện phong phú của đời sống tinh thần con người. Chính vì thế, khi đọc Thạch Lam, chúng ta thấy văn của ông tựa hẳn vào cảm giác mà thành. Nhân vật của ông nhận biết thế giới xung quanh và giao hoà với tâm hồn người khác chủ yếu nhờ vào cảm giác, thông qua cảm giác.

“Đi sâu vào sự thể hiện các trạng huống tinh vi và phức tạp của tâm hồn, ngòi bút Thạch Lam dường như luôn biến hoá. Khả năng diễn đạt một cách đa dạng các sắc màu phong phú của đời sống nội tâm nhân vật ở tác giả, đôi khi làm cho ta ngạc nhiên” [17;29].

Đọc truyện Thạch Lam, ta thấy tần số chữ cảm giác, thoáng thấy, thoáng nghe, thoáng nhìn, thoáng nghĩ, thoáng ngửi, bỗng nhiên, mang máng, không rõ nét …xuất hiện liên tục. Vì vậy mà đời sống hiện lên trong văn Thạch Lam tựa hồ có khi rất khó nắm nắm bắt như hư không nhưng lại có vẻ kề cận, gần gũi với con người, tạo nên những rung động nhiều khi “khẽ như cánh bướm non” trong tâm hồn.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 28/09/2023